Tản mạn Tây Nguyên (3)

Dòng chảy của tự nhiên

Nguyên Ngọc

Tác phẩm Chúng tôi ăn rừng nổi tiếng của Georges Condominas có một chương độc đáo và sinh động viết về “mối tình loạn luân và vụ tự tử của chàng Tiêng đẹp trai”. Chuyện xảy ra ở một làng nhỏ bên bờ con sông Krông Nô hoang vắng tít tận cuối tỉnh Đak Lak, trên đường từ Buôn Ma Thuột đi về Đà Lạt, tên là làng Sar Luk, nơi Condo, như những người thân thiết với nhà dân tộc học thường gọi ông, đến “ăn rừng” với những người Mnông Gar, một nhánh nhỏ của tộc người Mnông thường sống ở vùng núi cao. Anh chàng Tiêng đẹp trai nhất làng bị bắt gặp quả tang đang thông dâm ngay giữa ban ngày ở khóm rừng cạnh làng với Aang-Góa, một người con gái “không thể nói là đẹp, thân hình xấu xí, chẳng có ngực, ngăm đen, tuy nhiên có một khuôn mặt thông minh và đôi mắt cháy rực, điều ít thấy ở con gái Gar”[1]. Họ bị bắt quả tang, theo đúng tục lệ thì nhất thiết phải là quả tang: khi Tiêng bỏ chạy người ta kịp nhận ra chiếc lược kim loại lấp lánh anh vẫn cài trên búi tóc vốn rất đẹp, hoảng hốt và vội vã anh lại còn đánh rơi chiếc trâm cũng ghim trên mái tóc đẹp ấy, người làng nhặt được. Loạn luân, bởi vì cả hai đều thuộc mpôol Cil. Mpôol có nghĩa là dòng họ, chỉ toàn bộ những người thuộc cùng một tổ tiên ở phía dòng họ mẹ (tên của thị tộc – ở đây là thị tộc Cil – được truyền từ mẹ sang các con). Những thành viên thuộc cùng một mpôol là “anh em và chị em” khi cùng thế hệ… Tính theo cách ấy, Aang-Góa là chị, Tiêng là em trai. Họ không được phép lấy nhau, không được có quan hệ giới tính với nhau. Sẽ là beng, phạm điều cấm kỵ. Đúng ra, Condo sống ngay trong làng hàng ngày, từng để ý thấy Aang thường lân la tới nhà Chaar-Riêng, cậu của Tiêng, nơi anh này đang ở nhờ sau khi vợ chết. Cô gái đa tình ấy rõ ràng vẫn gạ gẫm tán tỉnh chàng Tiêng đẹp trai. Lại đúng lúc làng đang có hai lễ nông nghiệp lớn: ngày hôm trước là “Lễ lẩy rơm”, được kết thúc bằng một bữa tiệc to, rồi tiệc rượu lại tiếp liền mấy ngày sau với lễ hội lớn nhất kết thúc chu trình nông nghiệp (một năm), “Lễ bôi máu vào lúa”. Cả làng say mèm. Lúc Tiêng đã bỏ chạy, Aang-Góa vẫn còn nằm tênh hênh đó, bị gạn hỏi cô bảo “Tao say khướt, tao không biết đứa nào làm gì với tao”. Baap Can, người già đầy uy tín, được trọng vọng nhất làng, thậm chí nhất vùng, nhất là sau khi ông đã cúng nhiều trâu để làm một lễ kết nghĩa lớn với một người bạn cũng uy tín gần bằng ông, Baap Can dạn dày ấy, dù đang rất bận lễ hội, vẫn bị chấn động dữ dội vì sự việc hết sức nghiêm trọng. Chẳng khác một trận hồng thủy. Ông hét lên – rất đúng cách một người Mnông Gar, một người Tây Nguyên, dù đang hoảng hốt và giận dữ cùng cực vẫn nói bằng những lời đầy hình tượng và trong tiếng Mnông Gar thì có vần, như thơ:

Aang-Góa thông dâm với em trai nó,

Beng[2] lớn rồi!

Rồng lột da …

Hổ xé xác …

Voi xiên …

Sẽ bị sét đánh.

Không chỉ đánh đứa phạm tội mà cả những người có chức sắc của làng và rừng…[3]

(Rồi ta sẽ trở lại với nội dung tiếng kêu thét thất thần này của ông. Lời nói của một nhân vật cỡ Baap Can không bao giờ hời hợt vô tình).

Những chuyện tiếp theo sau đó: Hai kẻ phạm tội phải bị phạt. Nghiêm khắc: họ phải ăn cứt chó, lợn, gà, vịt, người… Vì đã làm điều ô nhục chẳng khác súc vật. Condo hỏi: “Ăn thật à?”. Già làng Baap Can: “Không, chỉ liếm qua thôi”… Thực tế, người ta dùng lông gà dính phân quét nhẹ qua dưới cằm, hơi gần miệng hai người. Cũng đủ làm Tiêng rùng mình. Và đau đớn. Rõ ràng nhiều hơn cô gái “có đôi mắt cháy rực”. Anh không chỉ đẹp trai, còn rất nhạy cảm, và đầy tự trọng. Rồi người ta làm lễ cúng, hiến sinh lợn, gà, tạ lỗi với các thần linh. Vì đã làm ô uế đất và rừng của làng, khiến trật tự lớn của tự nhiên bị xáo động. Cần nhắc lại lời Baap Can: “Rồng lột da” tức mua lũ lớn, hồng thủy cuốn trôi. “Hổ xé xác, Voi xiên” là Rừng nổi giận. Sét đánh, không chỉ hai kẻ có tội, mà cả nhưng chức sắc đều là người thiêng vì chịu trách nhiệm về làng và rừng trước thần linh. Rối loạn, tai họa, đau khổ…

… Vật cúng hiến sinh đương nhiên trước hết do hai kẻ phạm tội phải đóng, nhưng cũng có phần, thậm chí nhiều hơn của họ hàng gần xa, nghĩa là hầu như cả làng. Cộng đồng cùng tạ lỗi…

Có điều đáng chú ý: Hầu hết các thủ tục của cuộc tạ lỗi diễn ra dưới nước, trên dòng Krông Nô ngay cạnh làng, ở đoạn, về phía trên một chút, có một con thác khá mạnh và rất đẹp. Vì sao?

Nhìn kỹ, có thể thấy hai điều: dường như ý tẩy rửa rõ hơn là trừng phạt. Người ta sợ sự ô uế, như cách nói Ba Na, jơlăm jơlu, ô uế về tinh thần, dù chỉ ở hai người cũng sẽ lây nhiễm làm “đau” cả cộng đồng. Dưới sông, để điều ô uế theo nước mà trôi đi. Mong muốn một lau sạch đất làng và tắm rửa cộng đồng.

Lại có điều liên quan đến một dòng chảy. Hành vi loạn luân xâm phạm vào dòng chảy hài hòa và thuần khiết của tự nhiên, khiến nó bị tổn thương và rối loạn, sẽ là nguyên nhân của mọi bất an và đau khổ. Người Tây Nguyên nhìn mọi sự đầy hình tượng. Tiếng thét kinh hãi, thất thần của Baap Can chính là khi ông hoảng hốt nhận ra, nhìn thấy sự đứt gãy, rối loạn của dòng chảy đó. Lễ tạ lỗi diễn ra trên một dòng chảy, con sông …

Có thể tìm hiểu thêm về dòng chảy ấy, hẳn là điều quan trọng nhất trên vùng đất này, nằm tận ở chỗ sâu nhất của tâm tình, hay ký ức kỳ lạ của con người ở đây. Lễ cúng tạ lỗi không diễn ra đơn giản. Nó bắt đầu từ một thủ tục đáng kinh ngạc vào đêm trước. Thật vậy, trong đêm trước đã có một cuộc tập họp rất đặc biệt (và quả thật hết sức đặc sắc đối với chúng ta) tại nhà Chaar-Riêng, cậu của Tiêng. Người ta đến rất đông, có mặt gần đủ các nhân vật chính, các chức sắc thiêng liên quan đến đời sống tâm linh của làng và rừng (chớ quên lời Baap Can, bao giờ cũng phải đủ cả làng và rừng), cùng các chức sắc đảm nhiệm những công việc có tính chất “hành chính” khác nữa. Như Bbaang-JIêng Bụng phệ (mỗi người ở đây đều có một biệt hiệu riêng như vậy gắn với tên tục), ông là người thiêng gác rừng nghi lễ đảm nhiệm việc đốt lửa khi khai hoang (phải rất thạo việc không để rừng bị cháy loang ra khi đốt rẫy). Có Aang-Sa mi mắt, có Baang-Hươu… Đặc biệt có những người như Kroong-Người ngắn, Taang anh trai của Triêng… những người am hiểu nhất để có thể làm một công việc khó khăn và hết sức quan trọng: kể cây phả hệ ngược mãi lên kỳ cho đến khi truy tìm ra rằng hai kẻ phạm tội quả đúng là cùng một mpôol. “Ra đời cùng một bụng.”

Tất nhiên rất nhiều rượu cần, và người nào ai cũng ngậm một ống điếu dài, hoặc bằng trúc hoặc bằng kim loại, phả khói thuốc Mnông nặng trịch, người ta chen chúc, người ta ồn ào, người ta la hét, người ta hút rượu, người ta rít thuốc, người ta say khướt, căn nhà mù mịt khói và nồng nặc hơi rượu… Và người ta, những người am hiểu nhất, thay nhau, người này nối người khác, kể ngược cây phả hệ của thị tộc Cil. Tất nhiên bằng một ngôn ngữ hình tượng, và bằng thơ, có vần:

Dloong cưới Bbaang, địu[4] Grieng,

Grieng cưới Kroong, địu Nguu,

địu Ngaa,

địu Sraang,

địu Laang.

Lang cưới …

Mỗi câu thơ được ngắt nhịp bởi … saeba[5], chính hai động từ này tạo vần, và cũng chính chúng, bằng một ma lực của lời nói vần ở những dân tộc không có chữ viết hay dẫu đã có cũng không quan trọng bằng lời, lời vần, chính chúng dắt dẫn ký ức, trong cõi mịt mù của vô thức. Một vô thức tập thể, bởi nó nằm trong một ký ức mơ hồ mà mênh mông bao trùm, lời hát kể của người này đánh thức dậy từ trong mịt mờ xa lắc ký ức của người kia. Người này kể, vừa dừng lại người kia liền tiếp, cứ vậy không ngừng không dứt, cứ như cả cái chuỗi ấy nhập lại làm một, thành một người, một cộng đồng, một dòng chảy…

Cứ như vậy, thức dậy một trí nhớ lạ lùng, siêu việt, người này tiếp người kia, người ta dắt tay nhau, nương nhau, níu nhau, nối nhau, dựa vào nhau mà đi, “thao thao một cách kinh ngạc, ngược lên đến thế hệ năm, thứ mười, rồi mười một, mười hai, mười ba, mưới bốn, mười lăm… để cuối cùng tìm lại được tổ tiên chung của kẻ hai phạm tội: Ting-mang…”

Đích thị rồi! “Họ ra đời cùng một bụng… Họ là chị em. Và họ đã ngủ với nhau!”

Beng!

Beng lớn!

Jơlăm jơlu![6]

Condominas viết: “Theo quan điểm phương Tây, chúng ta coi như họ có họ hàng với nhau ở bậc thứ ba mươi; nhưng vậy thì liệu chúng ta có dám nói là họ có “họ hàng” không. Và do đó có ai trong chúng ta, ngoài một số gia đình quý tộc mà gia phả đã được viết thành văn, có thể dám “kể ra tổ tiên của mình” rành rọt như vậy.”[7]

Bây giờ thì đã có thể nói rõ về cái dòng chảy xuyên suốt thiêng liêng, nó nối kết không thể đứt đoạn, không thể tách rời, những con người, trong trường hợp ở đây và theo cách tính của Condominas, suốt ba mươi bậc, để họ là một người Cil, một người Mnông Gar, một con người. Loạn luân xâm phạm vào dòng chảy thiêng liêng, tinh khiết đó, làm nhiễm bẩn và xô lệch nó, làm rối dòng chảy. Gây hỗn loạn và tai họa, tự nhiên nổi giận, sét đánh, rồng lột da, hổ xé xác, voi xiên, con người đau khổ …

Vậy đó, quan niệm và định nghĩa của tội lỗi và hình phạt ở Tây Nguyên: Bị coi là có tội khi gây ô uế trên đất làng và rừng, gây rối dòng chảy tự nhiên; và hình phạt là nỗ lực phục hồi của cộng đồng.

˟˟˟˟

… Câu chuyện buồn ở Sar Luk còn chưa xong.

Mấy ngày sau, một buổi sáng, người ta tìm thấy Tiêng đã tự treo cổ ở cái tay đòn tre đôi nhà kho của Chaar-Rieng, cậu anh. Tiêng vốn ở làng Phii-Srôony (theo tục, anh phải cư trú phía vợ), mới về ở cùng ông cậu Chaar-Riêng tại Sar Luk sau khi vợ anh mất. Rất nghèo, Tiêng treo cổ bằng cái suu troany tức chiếc khố của anh, và để đỡ xấu hổ trước khi tự tử anh đã dùng một mảnh vải nhỏ luồn qua háng.

Sau sự cố đau buồn vừa qua, anh đã gần như đã phục hồi hoàn toàn. Đã đi lại, nói năng khá tự nhiên, thậm chí bà già Riêng bảo thấy anh đã “ăn ngon miệng: cả một bát cơm đầy”. Sáng nay, cậu anh quyết định đi đến làng Nyôong Hat để đổi ché lấy chăn. Tiêng xin đi theo, nhưng cậu không cho. Anh bèn đi tìm một ông cậu khác cùng thị tộc Cil là Ngee-Daang ở Paang-Đoong, xin được sống cùng ông. “Nó xấu hổ quá không thể ở cùng làng với chúng tao nữa”, bà già Rieng bảo. Bị cậu Ngee-Đaang thẳng thừng từ chối, Tiêng suy sụp hoàn toàn. Và anh đã chọn cái chết.[8]

Ở Tây Nguyên, không có hình phạt bỏ tù. Cũng không có tử hình. Hình phạt tối cao, nặng nề, đau đớn nhất đối với một con người là bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Chàng Tiêng đep trai của Sar Luk đã chết vì cảm giác không thể chịu đựng nổi ấy: anh bị hai ông cậu là những người thân nhất theo dòng mẹ, tức thị tộc, đuổi ra khỏi dòng chảy bắt nguồn từ Ting-Mang ba mươi đời trước, theo cách tính của nhà dân tộc học Condo. Chắc Tiêng không tính được tỉ mỉ chính xác đến vậy. Vả anh chẳng cần tính. Nó ở trong máu anh.

˟˟˟˟˟

Câu chuyện của chàng Tiêng đẹp trai làng Sar Luk kết thúc ở đó. Riêng tôi, tôi có được biết một câu chuyện khác mãi gần đây thôi, cũng là về loạn luân. Kỳ lạ chẳng kém.

Cách đây mấy năm, một cô gái người Xteng, một nhánh nhỏ của người Xơ Đăng ở Bắc Kontum có hôm hỏi tôi:

– Chân chú có còn khỏe, còn leo núi được không? Còn đi được, cháu sẽ dẫn chú lên một ngọn núi vùng quê cháu, trên ấy mới có điều lạ lắm.

Quê cô gái ở huyện Tumơrông, trên sườn Tây Nam của cụm núi Ngok Linh cao nhất Tây Nguyên, cũng cao nhất toàn miền Nam. Cô gái kể rằng trong một số năm qua, ở các làng rải rác của huyện cô, có gần hai chục đôi trai gái đã phạm loạn luân, hẳn theo kiểu như Aang-Góa và Tiêng-đẹp trai ở Sar Luk gần nửa thế kỷ trước, có khác Xteng là tộc người phụ hệ, dòng họ được tính theo bên cha, và không biết hai mươi đôi kia có tính được đến bao nhiêu đời. Ở Xteng cũng giống như ở khắp Tây Nguyên, loạn luân bị coi là tội rất nặng, cặp loạn luân phải nhận hình phạt nặng nhất: đuổi ra khỏi làng. Và không làng nào nhận họ nữa. Họ sẽ lang thang trong rừng rồi chết, nếu không tự treo cổ như Tiêng.

Tục xưa nay vẫn còn. Hai mươi đôi trai loạn luân cô gái kể cho tôi cũng đã bị đuổi ra khỏi làng của họ. Nhưng bây giờ khác Tiêng, họ không tự treo cổ. Cũng không chịu lang thang đến chết trong rừng. Họ tìm một ngọn núi cao cô độc, rủ nhau lên trên ấy, cùng lập một cái làng và sống với nhau. Cắt hết liên lạc với xã hội.

Chân tôi đã yếu quá. Tôi không còn đủ sức để thử tìm đến với những con người mới của vùng đất này, không còn chịu chết vì quyền được yêu.

Tây Nguyên của tôi đang tự biến đổi, có thể mạnh mẽ và khó nhọc biết bao.

Giá ta đừng, vô tình hay hữu ý, phá mất những nền tảng lâu đời của nó: rừng và làng…

3-10-2016


[1] Georges Condominas 2008. Chúng tôi ăn rừng. Hà Nội: Thế giới, tr. 98.

[2] Beng: (Phạm) điều kiêng kỵ.

[3] Georges Condominas, sđd, tr. 98.

[4]Chú thích của Condominas: Sae: chồng, vợ. Ba’, có nghĩa chính xác là “địu trên lưng trong một tấm chăn”, và nghĩa rộng “nuôi nấng một đứa trẻ”.

[6] X. Nguyên Ngọc: Trên và dưới làng có gì?. Trong tiếng Ba Na, jơlăm jơlu có nghĩa là “bị ô uế về mặt tinh thần” do loạn luân gây ra, lây nhiễm cả làng.

[7] G. Condominas – Sách đã dẫn – Tr. 107.

[8] Sđd, tr. 117.

Comments are closed.