Tản mạn Tây Nguyên (4)

Những người luyện thép trên núi cao

Nguyên Ngọc

 

Trên mạn sườn Tây và Tây Nam của Ngok Linh, cụm núi lớn, hiểm trở và cao nhất toàn Tây Nguyên, có một tộc người quan trọng, người Xơ Đăng. Họ có nhiều nhóm với nhiều tên gọi khác nhau, có nhóm đông như người Xteng ở huyện Tumơrông, người Ca Dong – nhóm này ở tận phìa sườn bên kia của Ngok Linh, tại huyện Trà Mi của Quảng Nam; có nhóm rất nhỏ như người Châu ở Mường Hon thuộc huyện Đak Glei, chỉ trên dưới một trăm người. Rất nhiều nhóm Xơ Đăng, phân bố trên một vùng không quá rộng, lại chen với số tộc người khác như Dẻ-Triêng, Rơ Măm, Rơ Ngao… nên có người bảo giá vẽ một bức tranh, tô màu khác nhau cho từng nhóm khác nhau, sẽ được một tấm khảm thật vui mắt, hết sức đa sắc, thật lạ và độc đáo, hiếm nơi nào bằng. Vì sao lại có được bức tranh lạ ấy? Một số nhà khoa học giải thích: người Xơ Đăng xưa vốn ở vùng Nam Lào và Bắc Kontum, sau vì chiến tranh bộ lạc, đúng hơn là chiến tranh giữa các làng liên miên và hẳn ở những thời rất xa xưa, khiến họ vỡ ra thành nhiều mảnh. Các mảnh ấy chạy vào cụm núi Ngok Linh cao, sâu và hiểm trở. Những ai đã ít nhiều quen với các vùng núi cao đều biết: cứ hai sống núi lớn đổ xuống thì tạo thành một thung lũng, núi càng cao thung lũng được tạo thành càng sâu và kín, khiến giữa hai thung lũng ngay cạnh nhau cũng rất khó thông thương. Những nhóm người lọt vào các thung lũng cách biệt ấy, trải nhiều trăm năm, lời ăn tiếng nói, cách ăn lối ở, trang phục, tập quán… ngày càng cô lập và khác biệt. Để họ dần dần tự thấy mình là một tộc người riêng, có một quá khứ riêng, thậm chí còn đủ cả thời gian để tự xây dựng cho mình một huyền thoại riêng, có thể rất phong phú về nguồn gốc tổ tiên xa xưa đến mờ mịt… Dù hôm nay những tộc người tự xưng ấy không có tên trong danh mục các dân tộc ở Việt Nam do nhà nước chính thức quy định và ban hành, còn đưa cả vào sách giáo khoa. Tôi có lần cùng một anh bạn trở lại thăm và ngủ qua đêm trong nhà rông làng Xốp Nghét, thuộc xã Xốp, huyện Đak Glei, Kontum, vốn là quê cụ Mét, nguyên mẫu đã giúp tôi xây dựng nhân vật chính ở truyện ngắn Rừng xà nu. Đêm núi lạnh buốt xương, thức trắng bên bếp lửa nhà rông, trò chuyện cùng bà con trong làng, người già có, trẻ cũng nhiều, mọi người đều nhất quyết khẳng định với chúng tôi họ là người Tareh chứ không phải Xơ Đăng, “Xã Xốp này có sáu làng, tất cả đều là Tareh. Ngoài sáu làng này, không đâu còn có Tareh nữa, bác từng ở đây với bà con hồi chiến tranh, đốt khói xà nu nhọ nhem cả người, sao nay bác lại nói khác…”. Tôi nhớ thời chiến tranh, gặp cụ Mét, bấy giờ còn là anh thanh niên Mét cường tráng, Mét xưng với tôi mình là người Tơ Trá, và tôi cũng đã viết trong truyện đúng thế. Có thể tôi đã nghe lõm bõm Tareh ra thành Tơ Trá. Anh bạn đi cùng là người giỏi nhiều thứ tiếng các tộc người vùng này, mằn mò hỏi thử một số từ Tareh, thì thấy có chen nhiều từ giống hoặc Xơ Đăng, hoặc Châu, hoặc Rơ Măm, Rơ Ngao, Dẻ-Triêng… thậm chí cả Jarai hay Ba Na, cả Brâu nữa, nhánh ở tít tận cửa khẩu Bờ Y trên biên giới với Nam Lào…, mỗi thứ một ít… Mới biết vùng đất và người này, tít tận núi sâu, cũng từng trải qua biết bao dâu bể… Tôi cũng có quen anh Mướt, người Nam Trà Mi Quảng Nam, đã từng là ủy viên Thường vụ, trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy Quảng Nam, anh nhất quyết bảo mình là người Ca Dong chứ không hề chút nào Xơ Đăng, dù trong danh mục của nhà nước chỉ có tộc người Xơ Đăng mà Ca Dong là một nhánh. Những người nói về chuyện “chiến tranh bộ lạc” thời xưa ở vùng Nam Lào Bắc Tây Nguyên cho rằng Ca Dong là nhóm Xơ Đăng ngày đó bị “hắt” đi xa nhất, văng qua cả đỉnh Ngok Linh chót vót, đến tận sườn phía Đông của nó. Quả thật vùng Nam Trà Mi của người Ca Dong hiện nay là một thung lũng rất sâu và nằm rất cao, quê hương của cây sâm Ngok Linh nổi tiếng vốn chỉ phát triển tốt ở độ cao từ 2000 mét trở lên…

 

Quả thật những người sống ở vùng đất này từ rất xa xưa, nếu đúng họ từng cùng một gốc Xơ Đăng, đã trải qua một lịch sử cực kỳ xáo động, đã được nhào nặn và thay đổi rất nhiều trong suốt lịch sử đó, cho đến tận cái thường gọi là “bản sắc” hay “căn cước” của họ hôm nay. Nhà văn Nobel Pháp Patrick Modiano, suốt đời bị ám ảnh và chuyên viết về các thành phố lớn, quá lớn, quá đông, đến nỗi con người lọt thỏm trong đó trở nên vô danh, biến mất và lạc lối giữa mê cung người, suốt đời luôn phải đi tìm chính mình, và thậm chí có thể thay đổi danh tính cùng mọi dấu vết và căn cước của mình, để sống thành một người hoàn toàn khác, bắt đầu lại một cuộc đời hoàn khác, một số phận khác, và có thể không chỉ một mà nhiều lần… Con người đi tìm mình giữa thế giới xáo động. Hóa ra không chỉ ở các thành phố hiện đại quá lớn, quá đông. Có thể, thật lạ và có ai ngờ, cả ở trên những dãy núi cao hoang vắng mịt mù này nữa… Những nhóm người cũng đang trằn trọc đi tìm mình, giữa những xáo động cũ và mới… Những Tareh, Ca Dong, Tơ Trá, Xteng…

Tôi có quen một số nhà dân tộc học thường quan tâm đến các vấn đề Tây Nguyên. Một số người cho rằng chắc đến một lúc nào đó nên nghĩ tới việc công nhận các tộc người đúng như họ tự nhận. Họ đều từng có một lịch sử, có thể biết bao trằn trọc, để làm nên chinh họ hôm nay.

Lịch sử Xơ Đăng không chỉ xáo động ở những thời rất xa xôi. Cho đến khoảng cuối thế kỷ XIX ở đây vẫn còn chuyện ly kỳ, và lần này thì đã có mùi thực dân. Khoảng cuối những năm 1880, có một người Pháp vốn tên là Charles David, sinh ở Toulon, nhưng sau đã chuyển lên thủ đô Paris, đổi danh thành quý tộc De Mayréna, rồi thành Nam tước Marie-Charles David de Mayréna. Chẳng bao lâu, vị nam tước ấy phải chạy trốn khỏi Paris vì nguy cơ bị bắt do tội biển thủ. Người ta thấy anh ta có mặt ở Java, hình như từng có ý đồ xưng vương ở đấy, nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số, rồi lại bị trục xuất khỏi vùng Đông Ấn bấy giờ thuộc Hà Lan… Cuối cùng, đúng là một tay mạo hiểm, anh ta tìm đến được tận vùng Xơ Đăng, lại đúng ở Tumơrông nổi tiếng đèo cao, vực sâu, hết sức hiểm trở. Dở trò thu phục và thu phục được khá nhanh người bản địa bằng một vụ dùng súng bắn trúng một vật nhỏ để xa, ngày 3 tháng 6 năm 1888 tại làng Kon Gung Mayréna tự phong là tù trưởng, thủ lĩnh của liên minh Xơ Đăng – Ba Na – Rơ Ngao, tuyên bố thành lập Vương quốc Xơ Đăng và tự xưng vua với tước hiệu Marie Đệ nhất… Không chỉ là trò hề của một tay phiêu lưu vặt. Rồi ta sẽ phải trở lại với giai đoạn phức tạp này của Tây Nguyên. Lần này chỉ xin nói đôi nét chính. Bấy giờ ở phía Nam, người Pháp đã tạo được ảnh hưởng đáng kể lên tộc người Ê Đê do nỗ lực độc đáo của Léopold Sabatier, công sứ đầu tiên của tỉnh Đak Lak. Phía Bắc, đã có xứ đạo Thiên Chúa Kontum khá rộng và mạnh. Duy ở giữa, còn lại là những người Jarai, tộc người đông nhất và chiếm vùng trung tâm quan trọng nhất của Tây Nguyên, vẫn im lặng và độc lập một cách khó hiểu, với thiết chế xã hội Pӧtao bí ẩn của họ. (Rồi ta cũng lại sẽ phải trở lại với câu chuyện hấp dẫn và rất quan trọng này về các Pӧtao Jarai – còn được gọi là các Vua Nước, Vua Lửa, Vua Gió…). Toàn quyền Pháp bấy giờ ở Hà Nội không hề đánh giá thấp vai trò có thể có của Mayréna – Marie Đệ nhất. Chính cha Guerlach, gần như là người đứng đầu xứ đạo Kontum bấy giờ cũng đặc biệt quan tâm tới chuyện này và đã không ngần ngại nói rõ điều đó, ông viết: “Chúng tôi đã ký với nhà thám hiểm người Pháp, người đã trở thành vua của người Xơ Đăng, một liên minh chống người Jarai…”. Họ đều đang muốn giải quyết nốt người Jarai ương ngạnh còn lại ở khúc giữa… Chỉ đến khi nhận ra sự nguy hiểm của tay phiêu lưu Mayréna đối với công cuộc thực dân của họ ở Tây Nguyên, hắn có thể xé liên minh đã ký với cha Guerlach bất cứ lúc nào và biến “vương quốc” Xơ Đăng của hắn thành một thứ khu tự trị chưa thể lường được rồi sẽ đi đến đâu, họ bèn quay ngoắt thái độ với ông vua Xơ Đăng và cái vương quốc dỏm mới lập của ông. Mayréna lần nữa lại phải đào tẩu. Cuối cùng y đã bỏ xác trong một cuộc phiêu lưu khác, hình như cũng là xưng vương, đâu đó tận bên rừng núi Mã Lai…

Chẳng còn chút dấu vết gì của tay bợm bịp hơn thế kỷ trước trong ký ức người Xơ Đăng. Song, mặt khác, hẳn cũng không ngẫu nhiên khi hồi ấy Mayréna lại tìm đến đúng Tumơrông. Kiểu người như y rất thính. Đây không chỉ là một vùng rừng núi hiểm trở, rất đắc địa về mặt quân sự. Còn là quê hương của một tộc người nổi tiếng thiện chiến. Ít nhất thì cũng có thể chắc chắn một điều: kiếm Xơ Đăng được đứng hàng đầu, không chỉ ở Tây Nguyên. Khắp vùng đồng bằng miền Trung, từ lâu người ta vẫn tìm lên vùng Xơ Đăng Kontum mua kiếm cùng các loại vũ khí bằng kim loại, thép. Tây Nguyên có danh hiêu di sản văn hóa thế giới với cồng chiêng, đều bằng đồng. Nhưng người Tây Nguyên không biết đúc đồng. Cồng chiêng, cho đến tận bây giờ, được mua từ Lào, có người bảo từ tận Myanmar, chắc cũng qua đường Lào, và chủ yếu đổi bằng trâu. Hoặc mua từ đồng bằng, Quảng Nam vốn có làng đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng. Chiêng mua từ nơi khác về chỉ mới là vật thô, không khác mấy cái kẻng. Người Tây Nguyên phải công phu và ân cần “dạy tiếng” cho nó để nó trở thành chiêng nghệ thuật và vật thiêng của Tây Nguyên. Không biết đúc đồng, nhưng luyện thép thì Tây Nguyên đặc sắc, không biết từ bao giờ, và chủ yếu tập trung ở vùng Xơ Đăng Bắc Kontum, dấu vết cho đến nay còn khá rõ.

Ở vùng huyện Đak Hà, cách thành phố Kontum vài chục cây số về phía Bắc, có thể tìm thấy quặng sắt lộ thiên và gần như nguyên chất, hoặc dưới dạng những hòn sỏi đen bóng hoặc như một thứ đất bùn đen và xốp, dọc các bờ suối. Người Xơ Đăng ở địa phương lấy về, cho vào các lò rèn thủ công tương tự như các lò rèn ta vẫn gặp ở các vùng quê, trộn với than đốt từ một loại cây cũng chỉ có ở rừng Xơ Đăng có thể tạo nhiệt rất cao, nung cho đến khi quặng chảy ra, liên tục gạt phần xỉ nổi lên bên trên, kỳ cho đến khi chỉ còn lại thép tinh khiết… Chỉ có hai điều khác và làm nên sự đặc sắc ở loại lò này: để thổi hơi vào lò, không phải là những ống bệ hình trụ như vẫn thường thấy, mà là hai túi hơi, làm bằng da hoẵng, lúc nào cũng có một lọ mở treo cạnh, người ta dùng mỡ bôi vào da túi hơi để luôn giữ được độ mềm, không bị khô gãy. Có vẻ hơi giống những cái túi da của một loại kèn hơi của người Bungari thỉnh thoảng có thể thấy trên tivi. Người thợ, ngồi một chiếc ghế thấp, dùng tay kéo lên và ấn xuống hai chiếc túi đặt ở hai bên, tạo gió rất mạnh cho lò, hơn hẳn kiểu ống bệ đứng. Búa và đe dùng ở lò đều một loại đá đặc biệt cũng chỉ tìm thấy ở xứ Xơ Đăng, cứng đến độ rèn được thép.

clip_image001

Quặng sắt dưới dạng bùn. Ảnh trong bài này là của Nguyên Ngọc.

clip_image002

Lò rèn Xơ Đăng.

Chính từ những chiếc lò ấy, rải rác khắp vùng Đak Hà, đã ra đời những thanh kiếm Xơ Đăng sắc đến mức, người ta bảo, chỉ bằng một nhát nhẹ có thể chém đứt đôi một sợi tóc mỏng tang đang bay lơ lửng. Từ xưa, những chiến binh Tây Nguyên lừng danh chỉ dùng mỗi kiếm Xơ Đăng. Chính với những chiến binh cầm kiếm như vậy, cha Guerlach mơ ước được cùng liên minh đi chinh phục người Jarai bất trị…

Khoảng những năm 1997-1998 tôi đã được đến tận nơi nhìn thấy một lò luyện thép Xơ Đăng như vậy, ngắm nhìn cách nó “vận hành”. Trở về, tôi có chỉ điểm vật quý tôi tò mò tìm thấy ở Tây Nguyên cho các anh ở bảo tàng dân tộc học Hà Nội. Các anh tìm lên, năn nỉ mãi với các già làng Xơ Đăng mới mua được cho bảo tàng hai túi hơi bằng da hoẵng nguyên gốc. Còn búa và đe bằng loại đá kỳ lạ có thể rèn được cả thép thì các cụ già làng nhất quyết không bán. Là những vật thiêng bao giờ cũng được cất giữa ở chỗ cao quý nhất trong nhà già làng. Bạn tôi, nhà dân tộc học Đặng Nghiêm Vạn, coi việc tìm thấy những lò rèn với cách thổi hơi bằng các túi da hoẵng ở vùng Xơ Đăng Kontum là một phát hiện quan trọng. Anh bảo, theo chỗ anh biết, kiểu lò luyện và rèn thép như vậy trước nay chỉ được tìm thấy ở một vài nơi tận châu Phi, và tương đối gần đây, ở một địa điểm trên rặng núi Đăng Rek tại vùng biên giới nằm giữa Campuchia và Thái Lan…

clip_image003

Túi hơi bằng da hoẵng và lò.

clip_image004

Túi hơi bằng da hoẵng, nhìn gần.

clip_image005

Lò, nhìn gần.

clip_image007

Vận hành túi da hoẵng.

Châu Phi… qua Đăng Rek… đến vùng núi non Xơ Đăng Tây Nguyên… Có một con đường như thế chăng?… Theo những nẻo nào?… Ai đã đi trên con đường ấy?… Và tự bao giờ?….

Trong không gian và thời gian, thăm thẳm Tây Nguyên…

7-10-2016

Comments are closed.