Tản mạn Tây Nguyên (5)

Rừng mê hoặc

Nguyên Ngọc

 

Image result for “Rừng, Đàn bà, Điên loạn”[Trong số hơn 300 công trình lớn nhỏ nhà dân tộc học Jacques Dournes viết về Tây Nguyên theo như tôi đếm được trong một tài liệu ghi về ông sau khi ông mất, có hai cuốn sách quan trọng nhất: “Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương”[1] và “Tọa độ”[2]. Ở cuốn thứ hai, Dournes cho ta những tọa độ giúp giải mã cấu trúc đặc biệt của xã hội Jarai. Cuốn kia viết về thiết chế Pӧtao độc đáo của xã hội ấy mà Dournes đã để cả mười lăm năm sống tại chỗ chăm chú nghiên cứu. Hai tác phẩm uyên bác, rất cơ bản, nhưng quả thật cũng rất khó. Cần đọc chậm rãi từng chương, thậm chí từng trang, lần theo kỹ từng dòng, và trở đi trở lại nhiều lần… Tuy nhiên Dournes không chỉ có những công trình hàn lâm. Ông còn một tác phẩm, thâm thúy chẳng kém, mà quyến rũ như một tiểu thuyết trữ tình, cuốn “Rừng, Đàn bà, Điên loạn”[3], tên nguyên tác tiếng Pháp là “Forêt, Femme, Folie”. Nhìn qua có thể đoán ở ngay tên sách tác giả đã cố tình chơi chữ, cả ba từ Rừng – Forêt, Đàn bà – Femme, Điên loạn – Folie đều bắt đầu bằng chữ F. Song, không chỉ là chơi chữ, dù chơi đã khá đắt. Ít nhất cũng có thể nhận ra Dournes nói về hai yếu tố quan trọng nhất của môi trường tự nhiên và xã hội Jarai: Rừng và thiết chế mẫu hệ. Bị tước mất hai môi trường sinh tồn thiết yếu đó, người Jarai và xã hội của họ sẽ lâm vào “điên loạn”. Một cuốn sách hay và thật lạ: một công trình khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, lại được viết như một văn bản chập chờn, nửa nọ nửa kia, đầy ám ảnh và đa nghĩa. Ngẫm kỹ, muốn nói, muốn viết cho thật đúng về Tây Nguyên, đặc biệt về Jarai có lẽ chẳng còn cách nào hay hơn. Dournes đã tìm được cách đó; đúng hơn, ông chẳng cần tìm, nó sẵn trong máu ông. Cái chất chùng chình nước đôi ấy, mà suốt tác phẩm ông nhắc đi nhắc lại, như một ám ảnh khôn nguôi, chẳng thể mà cũng chẳng muốn nguôi với những ai đã nhỡ một lần chạm đến nó, Tây Nguyên, Jarai, rừng.

Trong cuốn sách lạ này về Jarai, Jacques Dournes nói những điều rất lạ, có khi thoạt đến kinh ngạc. Ông viết: “Người Jarai không thể sống thiếu rừng…”, đương nhiên rồi, nói mãi, ai chẳng biết. Song liền đó ông viết tiếp: “… nhưng người Jarai cũng rất sợ quá nhiều rừng.” Thật kinh ngạc. Vì sao? Vì họ sẽ điên. Thiếu rừng, người ta điên vì cằn cỗi, khô kiệt. Quá nhiều rừng, lại cũng sẽ điên. Tại sao? Rồi ta sẽ nói, sẽ nghe Dournes nói…

Dournes viết: Jarai là một xã hội mẫu hệ. Tất nhiên, ta biết. Ở đấy sự truyền nối giống nòi chảy theo đường mẹ, phía người đàn bà. Người đàn bà ở bên trong dòng chảy, bà là “bên nội”. Đàn ông chỉ ở bên ngoài (cài dòng ấy), chỉ thỉnh thoảng chạm vào đó để thúc dòng chảy kia. Ông là “bên ngoại”. Người đàn bà là nguồn cội, mỗi lần lại là nguồn cội. Sự sống qua bà mỗi lần lại được khởi đầu. Cho mãi mãi.

clip_image001

Con gái Jarai. Ảnh trong bài này là của Nguyên Ngọc.

Dournes nhận xét: xã hội Jarai có một tỷ lệ người điên cao. Và họ có một bộ sưu tập các từ thật phong phú để chỉ các trạng thái khác nhau của sự rối loạn về mặt tâm thần, điên. Dournes kể, tôi xin gắng thử dịch: từ ram (hâm), tӧpai rwa (xỉn), hwing (ngây), mih mṻh (đần)… đến swin (ngốc), yang nga’ (bị ám), mӧhlun (dại)… cuối cùng mới đến hüt (điên); rồi hüt lại được chia thành hӧng (điên điên dại dại), hӧng hüt (người bị rối loạn tâm thần nhưng vẫn dịu dàng vô hại), và hüt hẳn hoi, điên hẳn… (Cũng cần làm rõ một chút: đây là nói về thời ấy, khi Dournes đến sống ở vùng Jarai quanh Cheo Reo, nay là Ayun Par, suốt 15 năm, vào các thập niên 1950- 1960. Khi còn rất nhiều rừng, để người ta có thể điên vì “quá nhiều rừng”.)

Tất cả những người không bình thường về mặt tâm thần đó (nhưng thế nào là “bình thường”, theo tiêu chuẩn nào?) đều có một điểm chung: họ yêu, họ phải lòng những “cô gái-rừng”. Mà xứ Jarai thì đầy “nữ-rừng”, những “nữ-thảo mộc”, những “nữ-thú”, bao giờ cũng là thú hoang dã, và bao giờ cũng đẹp, rất đẹp. Đêm ngủ lại ở chòi rẫy, để giữ rẫy, một cô gái đến, xin lửa, trú lạnh. Nảy sinh những mối tình, say đắm. Cũng không ít khi họ đến cả ban ngày, hay khi người đàn ông, dù là những người đàn ông đã có vợ con, lang thang trong rừng, hơi quá sâu, đuổi theo con một chồn, một con sóc hay heo rừng… Chợt gặp một cô gái… Những mối tình say đắm, mê muội… Thỉnh thoảng, người con gái đến xin lửa, trong một phút vô tình, để lòi một chiếc đuôi… Thì ra là một con hổ. Một con tê giác. Thậm chí không thiếu lần là một con voi… Cũng có trường hợp là một cái cây… Ở Jarai, một người mê mẩn yêu một cô gái vốn là cái cây không hề là chuyện quá hiếm… Duy có điều, lần sau trở lại của cô gái vừa là cây hay là hổ ấy, người đàn ông không hề thấy lạ. Trong thế giới Jarai những hóa thân như thế là thường. Ở đây không có phi lý Kafka.

clip_image003

Dệt vải

Cuốn sách Rừng, đàn bà, điên loạn của Jacques Dournes còn có một phụ đề : Đi qua miền mơ tưởng Jarai (À travers l’imaginaire Jarai). Dournes bảo khi người Jarai là viên chức nhà nước, buổi tối trở về, trút bỏ bộ quần áo công sở của họ, vận chiếc khố truyền thống và ngồi xuống bên bếp lửa nhà sàn, thì mới thực sự Jarai, cuộc sống Jarai mới thực sự bắt đầu. Cuốn sách nói về cõi mơ tưởng ấy, những huyền thoại người ta kể đêm đêm bên bếp lửa Jarai ấy. Nhưng đây không phải là những huyền thoại sáng thế, như thường gặp trong các nền văn hóa, mà Jarai cũng có, nói về các thần khai sinh ra vũ trụ, làm ra các vì sao, con người cùng muôn vật, khiến tất cả chuyển động. Cũng không phải những huyền thoại về sự sinh nở và truyền nối của giống nòi, từ những vị tổ tiên rất xa xưa. Mà là những huyền thoại của hôm nay, về cuộc sống đang diễn hằng ngày bây giờ, với những con người và những mối tình-rừng của họ. Cũng là mối quan hệ hiện thực và huyền ảo, hiện thực-huyền ảo của con người ở đây với rừng. Jarai gần Marquez hơn là gần Kafka.

clip_image005

Đàn Bro

Những người “điên” Jarai như vậy khá nhiều – hơi quá nhiều đối với một xã hội – thường rất hiền. Ở mức độ nhẹ, họ vẫn sống bình thường trong làng, hay đến bửa củi, gùi nước, làm những việc nặng nhọc giúp xóm giềng… Chỉ có điều họ cứ như đang lạc ở đâu đó, luôn ngẩn ngơ nhớ và ray rứt đi tìm cô gái-rừng của mình. Người nặng nhất, hüt hẳn, thì trần truồng và gần như sống hẳn trong rừng. Khi có về làng thỉnh thoảng, anh trần truồng đi lại và tiếp xúc với mọi người một cách hoàn toàn tự nhiên, anh đã tự tháo ra hết mọi sợi dây xã hội vẫn trói buộc con người từ khi nó thành xã hội…

Anh luôn đi tìm, những người “điên” Jarai luôn đi tìm. Họ tìm gì? Dournes bảo: Họ đi tìm người nữ ở trong chính họ. Họ đi vào rừng để tìm con người nữ trong chính họ. Người Jarai biết rằng trong mỗi con người đều có một người nữ, là gốc, mà họ để lại trong rừng khi đi ra để thành xã hội. Khoa học ngày nay biết mọi bào thai hình thành trong bụng mẹ thoạt tiên đều là giống nữ, sau một bộ phận mới tách mọc thành nam. Hình như người Jarai hiểu điều đó. Mẫu hệ, gốc của cuộc sống, sự sống ở về phía nữ, bắt đầu từ và chảy theo dòng nữ. Con người mãi mãi trằn trọc nỗi nhớ về cái gốc ấy, khẩn thiết đi tìm, tìm về. Ở trong rừng. Vì rừng là gốc, như ta đã nhiều lần nói. Rừng là nữ. Dournes có thể không nên viết “Rừng, Đàn bà…” với một dấu phẩy ở giữa, cắt đôi. Mà là: Rừng = Đàn bà…

clip_image006

Rượu cần

˟˟˟˟˟

Sau 23 năm đắm đuối ở Tây Nguyên, đến năm 1974 Jacques Dournes bị chính quyền Sài Gòn đuổi về nước vì coi là “linh mục đỏ” thân Việt Cộng. Sau 1975, ông nhiều lần xin trở lại Tây Nguyên, trở lại với người Jarai cùng rừng của họ. Ông không được phép, vì bị nghi có thể liên quan với “các thế lực thù địch”.

Cuối đời, cô đơn, nhớ và buồn, ở vùng Vincennes quê ông, hẳn Dournes không thể biết tỷ lệ người “điên” ở xứ Jarai nay đã giảm nhiều. Không còn rừng để họ bị quá nhiều rừng nữa.

Bây giờ họ điên kiểu khác. Người ta bảo thường gặp trên ấy những người điên hung dữ và hay la hét. Bởi khô kiệt vì hết rừng…

clip_image007

Tượng nhà rông

˟˟˟˟˟

Có thể có một câu hỏi, một bài toán cho các xã hội của con người như thế này chăng: hoặc xanh mượt nhưng lại nguy hiểm vì luôn cận kề với quá nhiều rừng, quá nhiều tự nhiên; hoặc đứt hẳn ra, chỉ còn nhân tạo, và khô kiệt…

Bạn chọn đường nào?

9-10-2016

.


[1] Jacques Dournes 2013. Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jarai Đông Dương (Nguyên Ngọc dịch). Hà Nội: Tri thức.

[2] Jacques Dournes 1972. Coordonnées, structures jӧrai familiales et sociales (Tọa độ, cấu trúc gia đình và xã hội Jarai). Paris : Institut d’ethnologie.

[3] Jacques Dournes 2002. Rừng, đàn bà, điên loạn (Nguyên Ngọc dịch). Hà Nội : Hội Nhà văn.

Comments are closed.