Tản mạn Tây Nguyên (8)

Nguyên Ngọc

Người Pháp nghiên cứu Tây Nguyên

Sabatier – Đôn Kihôtê của Tây Nguyên

Ta đã biết những người Pháp đến Tây Nguyên sau các nhà truyền giáo và các nhà thám hiểm – chinh phục, lúc công cuộc bình định xem ra đã tương đối ổn, là thuộc một lớp người khác: các nhà cai trị. Tuy nhiên trong thực tế, các lớp người đến ấy có chồng lấn lên nhau, rất nhiều khi những người thuộc mấy lớp khác nhau cùng có mặt một lúc. Khi chính quốc Pháp từ rất xa xôi gửi các viên chức của nó sang Đông Dương, rồi lên Tây Nguyên để trở thành quan cai trị, thì nhiều khu vực trên cao nguyên rộng lớn, như chính lời những người mới đến nhận định, còn “ở trong tình trạng hoàn toàn vô chính phủ”[1]. Nhiệm vụ của họ nặng nề, phức tạp hơn: họ còn phải tiếp tục làm công việc thám hiểm và chinh phục, tức những nội dung của thời kỳ cũ, mở đường, dọn bãi, lại phải cùng lúc trả lời những câu hỏi của một thời kỳ mới hoàn toàn khác, khó khăn và phức tạp một cách khác. Cũng có thể nói rõ hơn: thời kỳ chinh phục, cướp nước chưa xong hẳn, thời kỳ thực dân[2] trên vùng đất và người rất khác lạ đã phải bắt đầu. Ta đang muốn nói chính về những người này, bởi vì họ đối mặt với những vấn đề có khi cho đến tận ngày nay ta còn gặp và phải tiếp tục suy nghĩ.

Ta nhớ nhà thám hiểm Odend’hal bị giết ở chỗ Vua Lửa ngày 7 tháng 4 năm 1904. Được báo động, ngay ngày hôm sau viên công sứ đầu tiên của tỉnh Darlac là Léon Bourgeois phải hộc tốc kéo một đoàn quân từ Bản Đôn ra, hợp cùng cánh quân do công sứ tỉnh Phú Yên huy động lên, mở một trận đàn áp trả thù dữ dội. Họ đốt phá, rồi đóng một đồn binh ngay tại Plơi Ơi, làng của Vua Lửa. Nhưng ông vua bí hiểm ấy đã biến mất tăm. Còn người Jarai tại chỗ thì tự đóng kín trong im lặng, càng khó hiểu hơn… Một ví dụ để hiểu về tình hình Tây Nguyên hồi bấy giờ.

Ở Darlac cũng không khá hơn.

Léon Bourgeois phải kéo quân xa tít từ Bản Đôn ra, vì tỉnh lỵ tỉnh Darlac của ông bấy giờ đặt tại đấy, lệch hẳn về phía Tây, sát biên giới với Campuchia. A. Monfleur, tác giả cuốn Địa chí tỉnh Darlac viết năm 1930 còn phê phán gay gắt, bảo nó nằm ở đấy vô lý “một cách lố bịch” (ridiculement). Đúng ra công sứ Bourgeois cũng chẳng dại dột và lố bịch lắm đâu. Buôn, Boon trong tiếng Ê Đê và Mnông có nghĩa là làng. Làng Đôn, nằm giữa vùng Mnông và Ê Đê mãi tận gần cuối Nam Tây Nguyên lại được gọi là Bản Đôn, bản là tiếng Lào. Cho đến tận ngày nay, khách du lịch đến Bản Đôn vẫn còn có thể nhận ra một số nhà có nét kiến trúc Lào, cả một số mồ mả cũng còn kiểu vút nhọn lên theo lối Lào, một số người Bản Đôn còn nghe hiểu được tiếng Lào. Đây là một trạm buôn của người Lào đặt sâu vào Tây Nguyên từ xa xưa. Vả chăng cho đến năm tháng 11 năm 1904, Tây Nguyên còn được người Pháp ghép về Lào. Người Mnông, tộc người đông thứ hai ở Darlac, còn gần gũi với người Lào ở một tài năng độc đáo: họ là những người săn bắt và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Theo Monfleur, thời ấy ở khu vực này có 250 con voi nhà, mỗi năm người ta lại săn bắt, thuần dưỡng thêm được 30 con nữa. Cũng nên nói một chút về chuyện săn bắt và thuần dưỡng voi, một nghề, đúng hơn, một nghệ thuật đậm chất thượng võ, đòi hỏi sự dũng mãnh cao quý. Người ta đi săn voi rừng bằng voi nhà, tức những con voi đã bị bắt và thuần dưỡng trước đó, đã thành thục như con người, còn hơn. Cũng cần biết về địa vị của một con voi trong gia đình Mnông. Con chó có thể là một người bạn thân thiết và trung thành. Con voi nhà thì khác, nó là một thành viên ngang hàng của gia đình, được tôn trọng và hoàn toàn bình đẳng như mọi con người trong nhà, lại rất quyến luyến. Cho nên, ở cái xã hội mà cộng đồng căn bản và duy nhất là làng, nó cũng là một thành viên của cộng đồng làng. Có thể nhận ra rõ nhất điều này chính là trong những cuộc đi săn voi mới mà chúng tham gia cùng người làng. Trong các cuộc tranh chấp quyết liệt và hùng tráng giữa người và voi ấy, nó, chúng nó, bởi phải có nhiều voi nhà tham gia, đứng về phía con người, phía “nhà” nó, phía cộng đồng làng của nó. Cuộc săn kéo dài nhiều ngày, có khi nhiều chục ngày. Người ta phát hiện và vây những đàn voi lớn trong rừng, bằng những chiến thuật và kỹ thuật điêu luyện tách một con voi đã bị nhắm làm mục tiêu ra khỏi đàn, rồi vừa xua đuổi và đẩy xa đàn voi ra, tất nhiên là một cuộc chiến vô cùng dữ dội và nguy hiểm, vừa tung dây thật khéo buộc chặt vào một chân con voi nạn nhân, khiến cho nó bị thất thế, ép chặt nó vào giữa mấy con voi nhà, kẹp cứng lại… và mặc cho nó tuyệt vọng kêu rống vùng vẫy, lùa dẫn nó về làng. Dây được ném tung ra để trói chân con voi phải là loại dây đặc biệt, to hơn bắp chân người, bện bằng da trâu, truyền từ đời thợ săn voi này sang đời khác như một món gia truyền cực quý… Và bắt đầu một cuộc luyện voi, dữ dội không kém, kiên trì, kéo dài. Con voi tù binh bị vây chặt trong một thứ nhà tù bằng dây trói và những cây cọc lớn. Những ngày đầu là bạo lực hung ác, kể cả bó đói… rồi dần dần chuyển từng bước sang khuyến dụ, đặc biệt cho nó thức ăn có muối để nó nghiện mùi vị mới lạ này… cho đến khi kẻ tù nhân chịu khuất phục hoàn toàn, chịu hợp tác, thành bạn, thành người nhà…

Trở lại với Bourgeois của chúng ta: điều quan trọng là khi ông đến nhậm chức công sứ Darlac, thì ở Bản Đôn có một con người uy tín đến mức được coi là một huyền thoại sống. Người Pháp sẽ gọi ông ta là Khunjonob, do từ tên Khun Ju Nôb do vua Xiêm (Thái Lan) ban tặng ông, để gọi thay tên thông thường của ông là N’Thu K’nul theo cách gọi của người Mnông, còn người Ê Đê thì gọi ông là Y Thu. Y Thu vốn là người Ê Đê, lấy vợ là người Mnông-Lào, theo phong tục về ở quê vợ tại Bản Đôn. Khunjonob người săn voi truyền thuyết, là người đứng đầu trong tất cả những người săn voi, là Vua Voi, chiến công của ông hẳn là độc nhất, suốt đời ông đã tự tay săn bắt và thuần dưỡng được 170 con voi. Bourgeois quyết định đóng đô ở Bản Đôn vì Khunjonob đang ở đó. Phải tranh thủ cho kỳ được Vua Voi.

Mộ Khunjonob  ở Bản Đôn. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%99_vua_voi

Voi--nh_thumb1

Voi nhà. Ảnh: Nguyên Ngọc. Từ đây, những ảnh không ghi chú nguồn là do Nguyên Ngọc chụp.

 

Ta còn chưa nói đến một điều nữa về tình hình Tây Nguyên hồi bấy giờ, ngoài tình trạng “hoàn toàn vô chính phủ” mà các nhà cai trị mới đến than thở, thực chất là chiến tranh bộ lạc hay đúng hơn là đánh nhau liên miên giữa các làng, cộng với các cuộc nổi dậy chống Pháp xâm lược khá rộng khắp, còn có tham vọng của người Xiêm đối với cao nguyên này. Họ thường xuyên đưa quân sang, do một nhân vật tên là Luong-Sakhon dẫn đầu, tuyên bố khu vực từ đường phân thủy giữa An Nam và bờ sông Mê Kông, tức toàn bộ sườn Tây Trường Sơn Nam, là đất của họ. Và họ nắm được Khunjonob. Khunjonob đã tặng vua Xiêm một con bạch tượng, con voi trắng quý nhất và duy nhất ông săn được. Người Pháp đã rất vất vả vì vụ này. Sau nhiều cuộc chạm trán, nhà thám hiểm và chinh phục Cupet mới đẩy được Luong-Sakhan khỏi Bản Đôn. Mấy ngày sau viên tướng Xiêm này chết đâu đó trong rừng, có thể do một vết thương. Ý đồ của người Xiêm từ đó mới cơ bản chấm dứt. Sau khi Luong-Sakhon bị Cupet đánh bật, Khunjonob thay đổi thái độ, quay lại bắt tay Bourgeois, từ đó ngày càng hợp tác chặt chẽ, đắc lực với các quan cai trị Pháp. Là người hết sức thông thuộc đia thế và dân tình Darlac, cũng là người có tầm nhìn xa, đến lúc này chính ông lại khuyên Bourgeois không nên để tỉnh lỵ ở Bản Đôn nữa mà cần chuyển đến một địa điểm thuận lợi hơn về mọi mặt, cách chỗ cũ 54 km, có tên là Buôn Ma Thuột hay Ban Mé Thuôt[3], một làng lớn của một tù trưởng lớn là Ama Thuột. Đứng ở đấy, trước mắt vừa có thể tranh thủ được Ama Thuột, vừa tiện trấn áp các thủ lĩnh còn chưa chịu khuất phục, đặc biệt là Mé Sao mà Henri Maitre coi là kẻ thù rất nguy hiểm, tung hoành đến tận miền núi Phú Yên[4]. Về lâu dài, Ban Mé Thuột rõ ràng là trung tâm của một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và phát triển không chỉ Darlac, mà cả Tây Nguyên. Bốn viên công sứ Pháp liên tiếp được đưa đến Darlac từ năm 1899 đến 1913, gồm Léon Bourgeois, Charles Bardin, Henri Besnard, Louis Cottez đã tích cực thực hiện chỉ dẫn đó của Vua Voi. Thành phố Buôn Ma Thuột từng bước hình thành. Một con đường được xây dựng nối trung tâm mới này với Bản Đôn, các viên công sứ thậm chí còn cho bắt một đường dây điện thoại để có thể thường xuyên liên lạc và nhận lời tư vấn của Khunjonob vẫn đứng tại “căn cứ” của ông ở Bản Đôn. Tình hình dần ổn định. Năm 1905, kẻ chống đối quyết liệt cuối cùng Mé Sao bị bắt và chết trong tù. Đã đến lúc công cuộc xây dựng thực sự có thể bắt đầu. Với những bài toán mới của nó. Và một nhân vật mới được đưa đến, để đối mặt với những bài toán ấy.

IMG_0851_thumb4

Bản đồ Ban Mé Thuột năm 1905 (nguồn: Địa chí tỉnh Darlac của A. Monfleur, 1931)

IMG_0837-Bn--Ban-M-Thut-thi-Sabate-1[1]

Bản đồ Ban Mé Thuột thời Sabatier 1918 (nguồn: Địa chí tỉnh Darlac của A. Monfleur, 1931)

Ông tên là Léopold Sabatier, đến nhận chức công sứ Darlac năm 1914, cai trị tỉnh này 11 năm. Rồi bị… cách chức và gần như bị đuổi về nước năm 1926.

Trong sách Địa chí tỉnh Darlac, A. Monfleur viết về vị công sứ này như sau: “Tới năm 1914, khi Sabatier đến, xứ sở này bắt đầu nhận ra chính mình và tự tổ chức lại…”. Một câu vừa rất gợi, lại vừa mơ hồ. Địa chí viết tiếp: “Với sự cương nghị và sức sáng tạo đáng quý của nhà cai trị tài năng này, Ban Mé Thuột đang mơ ngủ dưới một thung lũng bí bức bỗng bừng thức dậy, chuyển lên một bình nguyên rộng và đẹp cách đó 500 mét… “. Đúng là Sabatier có một cái nhìn rất sắc, chỉ dịch cần chuyển 500 mét, ông đã tạo cho Ban Mé Thuột một thế đứng khác hẳn: không chỉ thoáng đãng về không gian phát triển của chính nó, mà còn có thể thực sự trở thành trung tâm phát triển của cả một xứ sở rộng lớn và đầy triển vọng, lại đã khá ổn định. Tác giả Địa chí tỉnh Darlac còn cho ta một tài liệu thú vị: hai sơ đồ Ban Mé Thuột thời Bourgeois, rồi Bardin và thời Sabatier để có thể so sánh. Nếu ở sơ đồ 1, ta thấy thành phố có tòa sứ, sân quần vợt (cho quan sứ), đồn cảnh sát, nhà tù, trạm cấp cứu,… thì ở sơ đồ 2, Ban Mé Thuột của Sabatier đã có thêm bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà ở của bác sĩ, nhà bưu điện, đồn lính bản địa, hai trường học, khu nội trú có thể chứa đến 500 học sinh người bản địa, nhà thể dục, nhà khách, nhà máy điện, rạp chiếu bóng và nhà hát, nhà của những người nài voi, đặc biệt có phòng của Khunjonob, ông này vẫn ở Bản Đôn, nhưng khi về Ban Mé Thuột thì có sẵn phòng dành riêng… Một thành phố đã bắt đầu có dáng dấp hiện đại.

Tôi may mắn có một người bạn Ê Đê, tên là Y Yơn, cũng khoảng bằng tuổi tôi, tức thời Sabatier vừa đúng tuổi đi học. Anh quê tận cuối mút tỉnh Darlac giáp tỉnh Gia Lai ngày nay, cách Ban Mé Thuột đúng 100 cây số. Làng anh tên là buôn Trap diet, tức buôn Trap nhỏ, bởi vì còn có một buôn Trap prong, Trap lớn gần đó, buôn của anh là buôn em, thế lực xã hội cũng kém hơn. Anh kể cho tôi nghe chuyên đi học thời Sabatier, bảo ông công sứ ấy rất chăm lo việc văn hóa, giáo dục, nhưng cũng nổi tiếng độc đoán. Ông ra lệnh mỗi làng trong khắp tỉnh phải bắt nộp cho được một tên trẻ con đi học ở Ban Mé Thuột, hệt kiểu bắt xâu hay bắt lính. Làng nào không nộp được người đi học ở trường của quan sứ Sabatier tận Ban Mé Thuột, thì trưởng buôn bị nọc ra đánh đòn. Bạn tôi bấy giờ nhà nghèo rớt mồng tơi, lại ở một cái buôn phụ vô danh, bé tí, xa lắc nên trưởng buôn Trap không thèm chú ý, chỉ bắt đem nộp cho quan sứ một thằng nhỏ ở buôn Trap lớn… Nhưng chẳng may thằng nhỏ kia đi học được mấy bữa thì bất ngờ bị ốm rồi chết. Quan sứ liền ra lệnh Buôn Trap phải bắt nộp đền đứa khác. Và thế là lần này bạn tôi vốn là một thằng bé lanh lợi, lại hát hay, phải chịu nộp mạng… Mấy chục năm sau tôi gặp Y Yơn trong đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở vùng Nam Tây Nguyên vào đầu những năm 1950. Anh còn nói tiếng Pháp khá tốt, đặc biệt khi anh ghi địa chỉ của anh trong cuốn sổ tay của tôi thì có thể nhận ra đúng y một học trò từng qua trường thời Pháp thuộc: chữ viết có nét nhấn đậm nhạt đâu ra đó đúng kiểu viết bằng ngòi bút lá tre, đều đặn và ngay hàng thẳng lối, cao thấp không sai đến nửa ly. Dấu vết của một nền giáo dục tôn trọng chặt chẽ các chuẩn mực[5], ngay từ chữ viết đã nhằm tạo nên con người đàng hoàng cho một xã hội đàng hoàng. Y Yơn kể anh được ở nội trú, được học bằng tiếng Ê Đê mà chữ viết theo mẫu tự Latinh đã được tạo nên dưới thời Sabatier, và tiếng Pháp, học đủ các môn, cả môn thể dục, đặc biệt có môn học về nông nghiệp ở miền núi và môn Moeurs et coutumes Rahdé, phong tục tập quán của người Ê Đê… Về giáo dục, rõ ràng hơn cả là ở Darlac, có thể thấy người Pháp tập trung đào tạo hai loại chuyên viên: về y tế và về giáo dục. Cũng có thể thấy phần lớn trí thức Tây Nguyên được đào tạo từ thời Pháp là người Ê Đê, có một số người Jarai nhưng thực ra họ cũng là dân Darlac, thời bấy giờ chưa có tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên chỉ có hai tỉnh Kontum và Darlac. Và hầu như toàn bộ lớp trí thức do Tây đào tạo ấy về sau đều trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cách mạng trên vùng đất này, trong kháng chiến chống Pháp rồi cả chống Mỹ, trừ ông bạn Y Yơn thân mến của tôi dù ông rất đặc sắc, chỉ vì ông lỡ đi theo con đường nghệ thuật để trở thành một người nhạc sĩ của Tây Nguyên không ai Tây Nguyên cho bằng. Qua Y Yơn, tôi còn nhận ra một điều có thể đáng suy nghĩ về giáo dục: ông học ở trường Tây, thầy Tây, học chữ Tây… nhưng hình như càng học Tây thì ông càng Tây Nguyên, tri thức và văn hóa Tây càng khiến ông vô cùng sâu sắc bản địa. Về sau, Yơn có ra Hà Nội, tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội hẳn hoi, nhưng ông hát dân ca Tây Nguyên thì các thầy cứ bảo ông hát “phô” (faux), “sai” mà không sao chữa được. Thì ra không phải Y Yơn hát sai, “phô”, mà chính cái ký âm pháp dạy hiện đại ở trường nhạc hiện đại Hà Nội “phô”, bất cập, nó không ghi nỗi tất cả sự tinh tế của nhạc Tây Nguyên, và của tiếng hát Y Yơn, bạn tôi… Trường của Sabatier thế đấy…

NG-BAN-Y-YN-CA-TI_thumb2Y-Yon-2_thumb

Ông bạn Y Yơn của tôi.

 

… Song vậy thì cắt nghĩa như thế nào cái câu rất gợi của nhà địa chí A. Monfleur trên kia: “… với Sabatier, xứ sở này bắt đầu tự ý thức về chính mình và tự tổ chức lại”? Hóa ra, ngay hồi ấy, đầu những năm 1930, cũng đã có cái điều mà ngày nay các nhà quản lý và những người cầm bút gọi là “nhạy cảm” khiến A. Monfleur đã không thể nói hết về nhân vật Sabatier, mà rõ ràng ông đánh giá rất cao, cao nhất trong số các nhà cai trị Pháp đã đến Tây Nguyên thời bấy giờ. Đặc biệt ông khá mập mờ (hay lúng túng?) khi chạm tới vấn đề quan trọng nhất Sabatier từng hiểu, muốn đặt ra và dùng quyền uy đã được trao vào tay mình để giải quyết ở Darlac và ở cả Tây Nguyên… cuối cùng đã dẫn đến bi kịch của chính ông.

Vả chăng, Sabatier là một nhân vật phức tạp, thậm chí khác thường. Có thể nói ông là quan chức cai trị đầu tiên đến Tây Nguyên với con mắt và tâm hồn của một nhà văn hóa, do vậy cũng là người đầu tiên biết nhìn Tây Nguyên như một đối tượng văn hóa. Ông tha thiết muốn khám phá nó.

Với một năng khiếu ngôn ngữ tuyệt diệu, và chắc chắn với một tình yêu say đắm nữa, ông học rất nhanh, đến thành thạo tiếng Ê Đê. Ông là người đầu tiên phát hiện và công phu dịch sử thi Đam San ra tiếng Pháp, giới thiệu thiên Odyssée kỳ lạ ấy của Ê Đê, của Tây Nguyên với nước Pháp và thế giới. Không thể không hình dung một Sabatier những buổi chiếu Ban Mé trầm ngâm ngắm nhìn những ngôi nhà Ê Đê trầm đậm và dài đến lạ lùng, ngày ấy người ta bảo nhà của Ama Thuột dài tới hơn 200 mét đến nỗi ông bố Thuột ấy mỗi sáng muốn tập họp cả nhà thì phải thổi tù và. Làm sao mỗi lần đến thăm ông già Thuột, Sabatier có thể không nhớ đến những ngôi nhà dài trong Đam San mà chính ông đã say sưa dịch, được mô tả hay như chưa ai từng mô tả hay và lạ đến thế, những ngôi nhà Ê Đê “dài như một tiếng chiêng” trên cao nguyên Ê Đê bát ngát. Ông cũng không thể không nhớ những đêm hội lúa mới thơm nức và rượu cần Ê Đê đậm khé, trong nhịp chiêng rộn rực ông cùng mọi người chen nhau “vai kề vai vú sát vú” cũng đúng như Đam San tả như chưa ai từng tả được sinh động, rộn rực đến thế… Một người đã tìm thấy Đam San, đã gặp Đam Sam, đã say mê và cần cù, công phụ học cho kỳ thật giỏi tiếng Ê Để để dịch cho được Đam San trong nguyên ngữ của nó (nên nhớ Đam San được sáng tác bằng tiếng Ê Đê cổ, rất khó, và người Ê Đê, cũng như mọi người Tây Nguyên luôn nói bằng ẩn dụ, kẻ “trần tục” thô lậu nghe có thể chẳng hiểu gì sất!); một người đã chìm vào Ê Đê đến vậy ắt không thể không nhận ra rằng Ê Đê, Tây Nguyên vừa sâu đậm đến thăm thẳm, lại vừa mong manh và hết sức dễ bị tổn thương… Và, thường vẫn thế, bỗng nảy sinh đến thống thiết ước muốn nâng niu gìn giữ che chở bảo bọc, dù phải cống hiến cho sự nghiệp đó cả cuộc đời mình cả đời con cháu mình, và bằng bất cứ cách nào. Kể cả cách chiếm lấy nó để mà chăm chút, khư khư bảo vệ nó.

Ta nhớ trên sơ đồ Ban Mé Thuột thời công sứ Sabatier, ngoài các công sở và các công trình dịch vụ đã bắt đầu có màu hiện đại, còn có một vị trí hơi lạ gọi là “phòng của Khunjonob”. Sabatier đã nghiên cứu, biết rõ và sưu tầm, dịch rồi hệ thống lại một bộ luật tục Ê Đê. Cũng là bộ luật tục[6] đầu tiên của một tộc người thiểu số ở Tây Nguyên được sưu tập, hệ thống và dịch. Ông quyết định cai trị cái tỉnh đông dân và rộng lớn nhất Tây Nguyên này theo như cách từ ngàn đời trước tộc người này đã tự quản. Ông cai trị Darlac bằng luật tục Ê Đê chứ không phải luật Đông Dương của toàn quyền Đông Dương từ Hà Nội ban bố. Ông tổ chức một Tòa án Luật tục và mời Vua Voi Khunjonob đứng đầu.

Còn tự ông thì sao? Có một sự kiện quan trọng không thấy nhà địa chí A. Monfleur nhắc đến, hẳn vì “nhạy cảm”. Biết rất rõ vai trò của các thủ lĩnh trong đời sống xã hội Ê Đê (và Tây Nguyên), sau một thời gian dài tìm hiểu, gần gũi, thuyết phục, phân hóa, tranh thủ từng người bằng nhiều cách khác nhau, ngày 1 tháng Giêng năm 1926, Léopold Sabatier đã tổ chức tại Ban Mé Thuột một hội lễ rất lớn trong đó ông trịnh trọng đọc trước các tù trưởng nổi tiếng nhất và tất cả các già làng của tất cả các làng trong khắp tỉnh được mời về một bản văn quan trọng do chính ông soạn bằng tiếng Ê Đê và theo đúng văn phong của các luật tục truyền thống và của Đam San rất giàu hình ảnh, đầy ẩn dụ và có vần mà ông gọi là Palabre du serment. Palabre có nghĩa là cuộc họp theo phong tục tại đấy người ta bàn bạc về các chủ đề liên quan đến cộng đồng. Palabre cũng chỉ những lời người ta đối thoại với nhau trong ngày hội cộng đồng đó. Serment là lời thề. Một lễ hội ăn thề kết ước trung thành của toàn bộ các tù trưởng và già làng Ê Đê với đại tù trưởng Sabatier!

Đến đây phải dừng lại môt chút để nghĩ và nói thêm về vị công sứ quá khác lạ này. Nhìn một số việc ông làm, không thể không nhớ lại dù chỉ một thoáng và với tất cả sự thận trọng một nhân vật khác trước đó ít lâu mà ta cũng đã biết: ông vua tự xưng của người Xơ Đăng Marie đệ nhất – Mayréna ở vùng rừng núi Tumơrông – Kontum. Chắc chắn không thể coi Sabatier là Mayréna của Darlac, nhân cách, tầm vóc, ý đồ của ông của ông hoàn toàn khác. Tuy nhiên không thể không có dù chỉ một chút liên hệ: nếu Mayréna bằng trò dùng súng các-bin bắn trúng một vật nhỏ để xa khiến người Xơ Đăng thán phục mà lừa xưng vua của họ, thì Sabatier hẳn cũng bằng tìm hiểu, nắm chắc một số đặc điểm văn hóa xã hội quan trọng nhất của người Ê Đê, kết hợp với quyền uy của ông để ra sức thu phục (và cũng có thể cả bằng uy hiếp đe dọa nữa) họ đi đến tổ chức lễ ăn thề để tất cả các tù trưởng và già làng trong toàn xứ tôn ông thành đại tù trưởng của tất cả người Ê Đê. Sưu tập, tập họp lại luật tục Ê Đê, vốn rải rác trong đời sống thường nhật ở các làng, hệ thống lại thành một thứ bộ luật hoàn chỉnh và tổ chức cai trị tỉnh Darlac bằng một tòa án luật tục, là rất tài, hiệu quả và được lòng dân, kể cả các thủ lĩnh. Tuy nhiên cũng còn có điều này phải nói: mãi về sau, đúng ra là cho đến sau năm 1975 vấn đề luật tục ở Tây Nguyên mới được giới nghiên cứu Việt Nam thật sự chú ý, từ đó mới tích cực sưu tầm, dịch, nghiên cứu. Chính trong khi làm công việc này, một số nhà nghiên cứu đã phát hiện: bộ luật tục Ê Đê do Sabatier sưu tầm, hệ thống và sử dụng đã bị ông sửa chữa không ít, bỏ bớt hoặc thêm thắt. Cũng phải nói rõ, luật tục là một thứ hương ước, của làng, từng làng. Mà như ta đã biết, ở Tây Nguyên làng là đơn vị xã hội cơ bản và duy nhất, cao nhất. Tính chất độc lập của làng rất mạnh. Luật của các làng không nhất thiết giống nhau hết, dù đều cùng là làng Ê Đê, Jarai hay Ba Na… Có thể nói dựa trên “dạng” luật tục các làng Ê Đê ông sưu tập được, Sabatier đã sáng tác một bộ luật tục Ê Đê cho mình, mà ông ông ban bố cho tỉnh Darlac của ông với ông là quan công sứ – đại tù trưởng.

IMG_0839-N-NG--_thumb1

Đàn ông Ê Đê (nguồn: Địa chí tỉnh Darlac của A. Monfleur, 1931)

 

IMG_0841-PH-N--_thumb1

Phụ nữ Ê Đê (nguồn: Địa chí tỉnh Darlac của A. Monfleur, 1931)

 

Phát hiện, dịch ra tiếng Pháp và giới thiệu rộng rãi sử thi Đam Sam là công lớn của Sabatier. Thực sự là vấn đề sử thi Tây Nguyên từ đó, từ ông, từ Sabatier mới được đặt ra, và đưa đến những phát hiện mới không ngờ: cả một kho tàng văn học truyền khẩu phong phú cả về lượng và chất đến kỳ lạ, dường như bất tận, và hình như cũng chưa tìm thấy tương tự ở đâu khác… Hiện nay chúng ta có một số bản Đam Sam ra tiếng Việt khác nhau, trong đó được nhắc đến nhiều hơn cả là bản của Đào Tử Chí năm 1959 dịch lại từ bản tiếng Pháp của Sabatier, và bản dịch trực tiếp từ tiếng Ê Đê năm 1988 của Nguyễn Hữu Thấu, vốn là một thầy giáo dạy ở trường tiểu học Pháp – Ê Đê trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ở trường này, thầy trò đều chỉ nói tiếng Ê Đê và tiếng Pháp, không có tiếng Việt. Đến khi có bản Nguyễn Hữu Thấu, nhiều người bỗng nhận ra rằng bản Sabatier (và bản Đào Tử Chí dịch lại từ tiếng Pháp sang tiếng Việt) cũng bị sửa chữa không ít. Đều có xu hướng sửa theo điều thuận lợi cho ông công sứ đặc biệt này trở thành thủ lĩnh lớn ở toàn vùng Ê Đê…

Những phát hiện đó khiến về sau những nhận xét về Sabatier thường dè dặt, phân vân. Những ghi chép về Sabatier cũng thường mô tả ông là một con người có tính khí mạnh mẽ, độc đoán, gia trưởng và chuyên quyền.

Hãy nghe một số người đương thời và khá am hiểu Tây Nguyên nói về nhân vật không hề đơn giản này. Linh mục G. Simonnet từng ở giáo đoàn Kontum coi ông là “một Mayréna không sôi nổi, không tài nói phỉnh, không tài tử, một Mayréna bằng lòng với một tỉnh thay vì một vương quốc, một tỉnh với những tư tưởng của một quận trưởng theo chủ nghĩa Combes[7][8]. Nhắc lại nhận xét này, về sau Jacques Dournes nói thêm: “… Léopold Sabatier mà người ta gọi là Cha của người Ê Đê, là Thánh Tông đồ của người Ê Đê, và thậm chí là Sadet da trắng, kỳ thực chỉ đơn giản là Công sứ Ban Mé Thuột, ông ta tổ chức tỉnh này như một thứ Paraguay thế tục[9] thu nhỏ mà ở đó ông là người chủ duy nhất – và ông ta cũng xuất hiện đúng như vậy, cứng đơ trong bộ đồng phục, môi trễ xuống và râu vểnh lên, ở trang đầu cuốn sách Kết ước ăn thề của ông…”. Geoges Condominas tỏ ra thiện cảm hơn, ông viết: “Tuy vậy có một con người đã hoàn tất được giấc mơ uy quyền xứ lạ đó (tức giấc mơ của Maryéna), nhưng đã tẩy sạch được chất ‘Eldorado’[10] của nó, xây dựng được một sự nghiệp chân chính: Đấy là Léopold Sabatier, vị ‘Công sứ Darlac’ tiêu biểu nhất”…

Vậy cuối cùng Sabatier là ai? Ông thực sự muốn làm gì ở chốn rừng núi xa xôi hoang dã vừa mới yên tĩnh được đôi chút này? Trong trường hợp này có điều lạ, có lẽ người đã nói gần sự thật hơn cả lại là một ông nhà văn rất lơ mơ đi tìm chất liệu exotique cho một cuốn sách ăn khách: Roland Dorgelès. Dorgelès viết: “…Ông có một tham vọng lớn: xây dựng ở phía Nam An Nam một khu bảo tàng con người, cũng như [sic] người ta đã khoanh những khu bảo tồn trong đó cấm không được giết các loài dã thú…[11] Quả vậy, Sabatier muốn bảo tồn người Ê Đê, những hậu duệ của Đam San, xã hội của họ, nền văn hóa của họ, mà vì ông đã đến với nó như một nhà văn hóa, khám phá nó qua góc độ văn hóa, nên ông tin là ông đã nhận ra ở nó những tiềm năng tinh thần và truyền thống rất quý, có thể đánh thức dậy cho sự phát triển của chính nó. Đồng thời ông cũng biết bởi vì nó “rất văn hóa”, nó quá đẹp, nên nó cũng rất mong manh trước cái dữ dằn hiện đại mà chính ông, các ông, mang đến để áp đặt lên nó. Muốn giúp nó tự gìn giữ để mà có thể tự thức dậy và phát triển, thì ông phải thâu tóm mọi quyền lực, trở thành người nắm được quyền uy cao nhất và duy nhất ở vùng đất này, dù bằng bất cứ thủ đoạn nào, mà tính khí của ông cũng dễ thích hợp với việc đó. Và phải đóng kín nó lại. Ông ban bố lệnh cấm tất cả người Kinh, người Hoa, cả người Pháp không được lên làm ăn ở Darlac.

IMG_0898_thumb

Léopold Sabatier (nguồn: Palabre du serment của Léopold Sabatier, 1930)

Nhà địa chí A. Monfleur viết về nhận định của Sabatier đối với người An Nam và người Hoa như sau: Ông “biết rõ mối hiểm nguy do việc nhập cư của người An Nam, quá khứ đã chứng minh cho ta thấy cái dân tộc ấy, dù có một số đức tính tốt nhất định, đã không bao giờ theo đuổi một chính sách thực dân thực sự có tính nhân đạo dù là đối với người Chàm hay người Mọi, luôn luôn ứng xử như những kẻ xâm lược hay những kẻ phá hoại, còn như những người mang lại văn minh thì không bao giờ. Đối với những người Trung Hoa thì cũng y như vậy, mở cửa (Darlac) cho những người này cũng tức là phó thác nó cho những cuộc khai thác khốc liệt nhất…”

Sabatier không nói gì công khai về người Pháp, nhưng ông biết đấy mới là mối hiểm nguy lớn nhất đối với người Ê Đê và đối với dự án lớn của ông. Nếu Tây nguyên chiếm 60% kho đất bazan là loại đất đặc biệt thích hợp cho cây công nghiệp cao su, cà phê, ca cao… của cả nước, thì riêng cao nguyên Darlac giữ hơn một nửa kho của quý đó. Ta cũng biết trong lịch sử cận đại của thế giới, từ “thực dân” vốn gắn chặt với các từ đất đỏ, cà phê, cao su, ca cao… Đám thực dân từ chính quốc tràn sang đang hau háu nhìn lên Darlac, xứ sở của đất bazan, nơi một đại tù trưởng da trắng đã ban bố lệnh quyết chặn đường họ. Sabatier còn biết rõ người Pháp lên được, lập được đồn điền cà phê, cao su… ắt sẽ cần nhân công người Kinh, và người Hoa nổi tiếng khôn khéo cũng sẽ không chịu từ…

Condominas hiểu và nhẹ lời với công sứ Sabatier hơn Jacques Dournes vốn gay gắt, nhưng cũng có nhận xét: “… việc nuôi dưỡng “trong lọ kín” [en vase clos] chẳng phải là tốt nhất cho những người Ê Đê và vị Sadet da trắng đôi khi hành động như một tên vua chuyên chế.”

Đúng ra cả chuyện “lọ kín” lẫn chuyên chế, có thể Sabatier không thể không biết. Nhưng liệu ông còn cách nào khác? Vả, Sabatier là một con người rất ngoan cố. Ông biết chặn đường đám thực dân Pháp là ông tuyên chiến, với một nhóm lợi ích lớn, rất mạnh. Sau lưng họ có thể là cả chính quyền Pháp ở Đông Dương. Không thiếu Toàn quyền Pasquier.

Công sứ Sabatier trụ được ở vùng đất hứa của ông với những người Ê Đê của ông mà ông yêu thương bằng một tình yêu cộc cằn, rất gia trưởng, được 11 năm. Cuối cùng nhà không tưởng ấy bị đánh gục, cách đây đúng một thế kỷ, “lạ” thay mà cũng vô cùng đúng thay, hệt như những ngày ta đang sống hôm nay đây: ông bị đánh gục không phải bởi đám thực dân người Kinh, họ làm gì đủ sức, cũng chưa đến lượt người Hoa, ông bị đánh gục bởi những kẻ cùng màu da và ngôn ngữ với ông, những người thực dân Pháp. Rất cổ điển và muôn đời đúng, họ vận động với nhà cầm quyền, với đích danh toàn quyền Đông Dương Pasquier. Họ mở một chiến dịch hiểm ác và rộng khắp, lại rất khôn ngoan, trong các giới và các trung tâm quyền lực, kể cả bên chính quốc Pháp, rồi trên báo chí. Họ đánh vào sự không hiểu biết của mọi người, mọi giới xã hội về một vùng đất và người còn quá xa lạ, và đánh rất trúng vào những tính cách cũng không bình thường chút nào ông công sứ Darlac.

Sabatier bị Pasquier cách chức. Gọi chính thức là “triệu hồi”, “điều chuyển”. Thiếu gì cách nói.

Người kế nhiệm ông là công sứ Paul E. Giran, ở Darlac từ 1925 đến 1931. Khác với Sabatier thẳng thắn và cộc cằn, Giran vòng vo. Ngày 26 tháng 6 năm 1926, ông gửi cho Toàn quyền Đông Đương bản báo cáo ghi số 46 A, mở đầu bằng phân tích ỡm ờ: “… nếu về tổng quát có thể tiến hành công cuộc thâm nhập thực dân ở khu vực tỉnh Kontum và các vùng núi non tại vùng trung tâm giàu có, thì có lẽ tốt hơn là nên thực hiện theo một lối khác đối với người Ê Đê ở Ban Mé Thuột, bằng cách dựa vào chính nền văn minh của họ, để tự chính họ khai thác vùng Darlac với sự dắt dẫn của chúng ta, đưa họ đến hiện đại hóa mà không áp đặt cho họ sự va chạm đôi lúc có thể gây choáng váng với các quan niệm phương Tây của chúng ta…[12]. Nghe rất khéo, nhưng ít nhất đã có thể nhận ra hai điều Giran nói dối: 1) vùng Kontum nằm sát chân cụm núi Ngok Linh cao nhất Tây Nguyên rất hiểm trở và vùng trung Tây Nguyên nhiều núi non kỳ thực nghèo hơn vùng đất đỏ bazan của Darlac rất nhiều ; 2) khuyến nghị hay ho cần để cho người Ê Đê tự phát triển trên cơ sở nền văn minh của mình, rồi lén lút nhỏ nhẹ chêm thêm “với sự dắt dẫn của chúng ta”, tức của người Pháp. Liền đó, sau một đoạn dài nói xấu người Việt và người Hoa, không giấu diếm nữa, bản báo cáo nói toạc ra luôn: “… vậy nên Darlac chỉ nên được mở rộng cho sự thâm nhập của người Pháp…”, bởi vì “hoạt động của Sabatier là bằng chứng tuyệt vời và không thể tranh cãi (về sự có mặt của người Pháp), tuy nhiên trong khi chỉ một vị công sứ, dù ông ta có được phụ tá tốt đến đâu, cũng không thể đủ để dắt dẫn cả một chủng tộc lên một trình độ văn minh cao, thì một sự lây nhiễm của tấm gương thường nhật lại có thể đạt được đến điều đó. Một nhúm nhỏ người Pháp sống chen giữa dân chúng sẽ tác động đến sự tiến bộ của họ tốt hơn rất nhiều so với những cuộc hội thề hùng hồn nhất…

Đến đây thì cái tay công sứ dắt mối cho đám tư bản thực dân đang ngày đêm nuốt nước bọt thèm đất đỏ bazan Darlac không còn che giấu được nữa rồi. Để được việc của mình ông không còn ngần ngại chế giễu luôn người tiền nhiệm mà ông vừa tâng bốc cách mấy dòng trên. Thế là xong! A. Monfeur viết: “Tiếp theo quan điểm được trình bày một cách đặc sắc trong báo cáo ngày 26 tháng 6 năm 1926 của Giran, những người thực dân (Pháp) đầu tiên được phép xuất hiện ở Darlac.”

Giran gian xảo xin “một nhúm nhỏ”. Monfleur thì nói rõ: “Cũng như ở mọi xứ đất được thèm khát cháy bỏng, chẳng mấy chốc đã diễn ra một vụ đổ xô ào ạt. Chỉ trong vài tháng đã có 27 đơn xin lập dự án khai thác 167.845 hecta…”.

Và cũng ngay lập tức xuất hiện các khó khăn, được Monfleur ghi nhận:

“1- Không có sự tuân thủ một thủ tục hợp lệ (nôm na là xảy ra ngay tình trạng tranh cướp) và không có sự thiết lập những khu dự trữ không thể chuyển nhượng cho các làng trước mọi việc phân chia đất;

2- Sự phản kháng của người bản địa đối với hành động chiếm lấy đất đai mà họ coi là sở hữu của họ từ xa xưa. Chế độ đất đai ở Darlac khác biệt cơ bản với mọi nơi khác ở Đông Dương. Ở đây là sở hữu tập thể chứ không phải cá thể, nó mang tính chất tín ngưỡng và tuyệt đối không được chuyển nhượng. Để tránh bớt va chạm, cần có những cuộc thương lượng với các đại diện cộng đồng hay các ‘polan[13]

3- Những người thực dân không tìm được nhân công Ê Đê mà họ hy vọng…”.

Và tất nhiên, rồi nhân công người Kinh và người Hoa đã chờ sẵn. Cánh cửa đã mở toang, dòng chảy sẽ thành thác, Tây Nguyên thật sự đã đứng trước một số phận do những lực lượng xa lạ, tham lam và hung dữ quyết định, còn kéo dài tận ngày nay…

Muốn nói gì thì nói về Sabatier, nhưng không thể không thấy và không công nhận ông thật sự là người gắn chặt đời mình, số phận của mình, với số phận đó của vùng đất và người này. Tháng 3 năm 1926 toàn quyền Pasquier ra lệnh “triệu hồi” ông khỏi Darlac. Ông đi, mang theo một người con gái Ê Đê mà ông đã nhận làm con nuôi và được ông đặt tên là H’Ni. Ai từng đọc Đam San hẳn còn nhớ: nàng H’Ni rất đẹp là vợ Đam San, mà người anh hùng đã bỏ rơi để đi tìm bắt cho kỳ được Nữ thần Mặt trời hoang tưởng. Ông được thuyên chuyển về Huế, và nhà cầm quyền Pháp rất biết đùa đểu: họ bổ nhiệm ông vào chức vụ Thanh tra phụ trách các sự vụ về chính trị và hành chính các vùng cao, kèm theo lệnh cấm ông không được trở lên Tây Nguyên. Cứ như Tây Nguyên là vùng thấp! Lý do: tránh cho ông khỏi bị người Ê Đê ám hại vì nhưng việc bậy bạ ông đã đổ lên đầu họ! Năm 1927 ông về Pháp, mang theo H’Ni, kiện chính phủ Pháp về những điều bất công đối với ông. Nhưng bây giờ thì chuyện ồ ạt khai thác Tây Nguyên của đủ loại người từ bên ngoài đến đã thành quá bình thường. Vụ Sabatier chìm xuồng, đến mức nhắc lại không chỉ là lạc hậu, vô duyên, mà còn lố bịch.

Năm 1929, lệnh cấm ông công sứ cũ của Darlac lên Tây Nguyên được bãi bỏ. Cứ như nhà nước Pháp biết rằng người Ê Đê đã nguôi giận Aê Batier, như cách gọi kính trọng và thân yêu của họ. Sabatier về thăm Darlac, như một khách du lịch. Ông còn tiếp tục làm mấy công việc nhì nhằng vài năm ở Huế.

Rồi, ông về Paris. Với H’Ni của ông. Mệt mỏi và thất trận…

IMG_0900_thumb

H’Ni (nguồn: Palabre du serment của Léopold Sabatier, 1930)

*****

Một trăm năm đã đi qua từ trận đánh thua đau đớn của nhà không tưởng Léopold Sabatier. Một trăm năm, bao nhiêu dâu bể. Duy có một điều hẳn còn nguyên: những trận đánh của các anh chàng Đôn Kihôtê đơn độc với vẫn cái cối xay gió ấy, các “nhóm lợi ích”. Không chỉ có chàng hiệp sĩ sứt đầu mẻ trán. Vấn đề là chiến địa tan tành…

********* 

Năm 1930, như một lời xin lỗi gượng gạo và muộn mằn, Pasquier cho in bản Palabre du serment của viên công sứ chính tay ông đã cách chức, và lần này lại tự tay viết Lời giới thiệu thống thiết.

Sau đây là một chương trích dịch bản văn độc đáo đó.

TRƯỜNG HỌC

Quan sứ

Hỡi các thủ lĩnh, năm trăm trẻ em của Darlac năm nay đến trường.

Ta đã mất mười bốn năm để có được điều đó từ nỗi sợ của các người, từ nỗi lo lắng của các người, tự sự nghi ngại của các người, từ sự ngu dốt của các người.

Ta đã xin chúng từ mọi người, trong tất cả các làng, trong tất cả các bộ tộc và các người vẫn còn chưa hiểu vì sao.

Các người đưa chúng đến cho ta để tuân theo lệnh ta và các người nghĩ rằng điều đó khiến ta vui lòng.

Đấy là tất cả những gì các người nghĩ.

Các người đã không trao chúng vì sợ chúng sẽ trở nên những kẻ kiêu ngạo, nhưng kẻ không biết vâng lời; vì sợ chúng sẽ cao hơn các người, chúng sẽ khinh các người, chúng sẽ bóc lột các người giống như tất cả những người sống gần người nước ngoài vẫn làm, tất cả những người đã quên luật tục, không còn tuân thủ các truyền thống.

Hỡi các thủ lĩnh, các người là những kẻ đã biết ta, liệu ta có thể làm như thế hay sao? Không!

Hãy lắng nghe điều này. Bằng tất cả những đứa trẻ này, ta sẽ làm nên Darlac của ngày mai, với tất cả những gì Darlac còn lại của tổ tiên các người.

Trong tất cả chúng, đều đã có sáp nhập linh hồn của các thủ lĩnh lớn đã qua đời, những thủ lĩnh biết quấn khăn hai vành và đeo túi bên vai.

Trong những cơ thể mà các người không nuôi nấng ấy, đang sống trong một xứ sở không còn là xứ sở ngày xưa, những linh hồn của những thủ lĩnh đã mất ấy vẫn đang thiu ngủ.

Cha các người đã truyền lại cho các người luật tục dẫn đường cho các người và nối kết các người lại cùng nhau, những sử thi ngợi ca những buổi huy hoàng của các bộ tộc và những chiến công của các thủ lĩnh các bộ tộc ấy.

Cha các người đã chứng tỏ với cha của họ rằng họ vẫn tuân theo các giáo huấn của cha anh vì luật tục muốn như vậy.

Còn con cái các người, chúng chỉ học được từ các người sự lãng quên quá khứ, thói lười biếng, sợ hãi, hèn nhát, dối trá và các người để cho chúng sống như hoang thú trên đất dai của các người phủ đầy rú dại và hoang tàn vì lửa.

Làm sao các để “ayun” (những linh hồn trở về sáp nhập) trong cơ thể những đứa trẻ hoang dã này có thể bừng thức dậy?

Chính là để dạy cho chúng những điều mà các người không còn biết được nữa mà ta đã xin các người trao chúng cho ta. Chính là để làm cho chúng trở nên những con người các người không thể là như thế nữa, những con người tự do và dũng cảm như tổ tiên chúng để chúng làm cho xứ sở Darlac vĩ đại được tự do và thịnh vượng.

Ta dạy cho chúng những ký hiệu tái hiện lời nói của các người trên giấy, vì lời trên giấy thì được giữ lại lâu hơn lời trên môi.

Từ miệng những người già còn biết luật Sru Sray tai đã học được luật tục từng dẫn đường cho tổ tiên các người suốt nghìn thế hệ.

Ta đã viết nó ra giấy để người ta không thể quên, để cho con cái các người học được nó, để chúng truyền lại cho con cháu chúng suốt nghìn thế hệ.

Ta cũng đã học theo cách ấy lịch sử đã qua, ta đã viết nó ra giấy và chúng cũng học như thế.

Chúng học những bài tập tổ tiên chúng dạy lại để làm cho cơ thể cường tráng và chịu đựng được mệt nhọc và đau đớn.

Chúng được nuôi dưỡng tốt, chăm sóc tốt. Chúng không sợ thuốc như các người. Hãy nhìn chúng đấy, chúng khỏe và mạnh, “bạn đời” của chúng sẽ không bao giờ rời bỏ chúng.

Ta làm những gì lẽ ra các người phải làm, những gì tổ tiên các người từng làm.

Không phải tất cả chúng đều tốt, nhưng những đứa rất xấu không nhiều, mươi lăm đứa, cứ luôn bỏ trốn, các người đều biết. Nhưng các người, không được mệt mỏi, các người phải buộc cha mẹ chúng đưa chúng trở lại, bởi luật “A’mi A’ma po rang ko’ a’nak di nu” (cha mẹ phải chịu trách nhiệm về con cái) trừng phạt họ.

Hỡi các Thầy, hãy luôn nói với những đứa trẻ ấy rằng chúng không học tập để khinh miệt và bóc lột đồng bào dốt nát của chúng mà là để giúp đỡ và che chở cho họ.

Hãy nói với chúng rằng Khunjonob là một thủ lĩnh công bằng và lương thiện không nhận ấy dù chỉ một nhúm thuốc lá để phân xử một vụ việc và rằng như vậy các thần che chở chúng.

Hãy nói với chúng rằng Ma Ual là một thủ lĩnh bất công, hung ác và bất lương làm giàu bằng cách xử thắng cho kẻ chi trả cho ông ta nhiều hơn, rằng các thần đã bỏ ông ấy và ông ấy nằm trên ba lớp da trâu dày từ cái đêm ông bị đánh thức dậy bởi một lưỡi giáo, đâm thủng tấm ván sàn ngay bên sườn ông ấy. Có đúng vậy không, Ma Ual?

Ma Ual

Đúng vậy, thưa AY.

Quan sứ

Nếu ta không che chở cho ngươi vì cha vợ ngươi là một thủ lĩnh lớn và bởi vì gia đình vợ ngươi là một gia đình lớn, thì gia đình ấy sẽ bị cướp trong nội một ngày và ngươi, ngươi sẽ không sống nỗi một đêm. Ngươi có sống được không?

Ma Ual

Các iang (thần) biết điều đó, làm sao tôi biết được.

Quan sứ

Và các con, khi các con làm việc tốt, nay các con giống như nhưng con hươu hoang dã, rồi các con sẽ trở nên những người trưởng thành vạm vỡ và dũng cảm, với cái nhìn mạnh mẽ, giống như tổ tiên các con ngày xưa và đủ khả năng làm được những gì các vị đã làm.

Lúc ấy, vị tổ tiên trên Trời sẽ nhận ra các con, các “ayun” của những thủ lĩnh lớn đã sáp nhập vào các con sẽ thức dậy, và các “iang” (linh hồn) của họ sẽ dẫn đường cho các con.

Tất cả “những người anh em chim bồ cắt, thần linh của các làng” những người trai trẻ của các bộ tộc Rhadé, Djaray, Krung, Adham, Blo, Mdhur, Bih, Mnong, tất cả những người trưởng thành của vùng đất đỏ và đất xám, vị tổ tiên trên Trời sẽ tập họp các người trên ngọn núi lớn trấn ngự trên các đồng bằng phía Đông, cho lễ hiến sinh “bảy trâu và bảy ghè rượu”.

Tiếng trống rền, tiếng vang của những chiêng tshar lớn, sẽ chảy lan khắp các cao nguyên, sẽ bay lượn trên những vùng đất thấp.

Những kẻ thù của các người vốn quen với thói uể oải trong quá khứ của các người sẽ bảo: “Đấy là cơn dông trong núi thôi mà.”

Đoàn đoàn chiến binh phủ đầy các đỉnh núi và các đỉnh núi sẽ trắng toát lên vì ánh thép của những lưỡi giáo, và kẻ thù của các người sẽ bảo: “Đấy là mây trắng thôi mà.”

Đoàn đoàn chiến binh sẽ nhảy phắt lên như nước dội trên các sườn vực dốc đứng, kẻ thù của các người sẽ thấy ánh lóe lên từ rừng giáo của các người, và chúng sẽ bảo: “Đấy là bọt trắng của các ngọn thác thôi mà.”

Đoàn đoàn chiến binh sẽ phủ kín các đồng bằng như cơn mưa dông đột ngột phủ kín nó bằng nước, những lưỡi giáo trắng của các người phủ lên đồng bằng, và những kẻ thù của các người sẽ bảo: “Đấy là sương mù ban mai phủ lên các mái tranh trắng mịn như bông thôi mà”

Và đến khi chúng biết rằng chúng mất cảnh giác rồi, thì đã quá muộn.

Các người sẽ chiếm lại được đất đai chúng đã cướp của cha ông các người do Sru Sray chia cho họ từ xa xưa.

Hỡi các Chủ tể, hãy chạm tay vào chiếc vòng thề để nói rằng các người đồng ý sẽ chịu trừng phạt nếu các người không nuôi dưỡng con cái các người để chúng trở thành những đứa con chân chính của AY ĐÊ.

Hỡi các thủ lĩnh! Hãy chạm tay vào chiếc vòng thề, nếu các người tin tưởng ta để nuôi lớn con cái các người như đáng ra các người phải làm và như những thủ lĩnh lớn vẫn làm từ những thuở xa xưa.

Léopol Sabatier

17-11-2016


[1] A. Monfleur 1931. Monographie de la province du Darlac. Hanoi: Imprimerie d’Extrême Orient (Địa chí tỉnh Darlac – Nhà in Viễn Đông).

[2] Từ điển Le petit Robert giải thích từ colon (thực dân) như sau: 1) Cultivateur d’une terre dont le loyer est payé en nature (Người canh tác trên một vùng đất mà tiền thuê đất được trả bằng hiện vật). 2) Personne qui est allée peupler, exploiter une colonie (Người đi đến cư trú, khai thác một thuộc địa). Les premier colons d’AmériqueÞ Pionniers (Ví dụ: Những người thực dân đầu tiên ở châu Mỹ Þ Những người đi tiên phong.) Habitant d’une colonie ressortissant de la métropole (Cư dân của một thuộc địa thuộc về chính quốc.) Les colons français d’Algérie (Ví dụ: Những người thực dân Pháp ở Algérie.) Lâu nay có lẽ ta đã dùng từ “thực dân” để chỉ những người (đang) đi chinh phục thuộc địa, là không hoàn toàn chính xác. Giai đoạn thực dân diễn ra sau giai đoạn chinh phục, cướp nước, khi đất nước bị chinh phục đã thành thuộc địa, người chính quốc đến xây dựng để mà sang cư trú ở đấy. Hoặc để khai thác (exploiter), tất nhiên cho lợi ích của chính quốc.

[3] Trong tiếng Ê Đê, buôn có nghĩa là làng, ama (hoặc gọi tắt ma) có nghĩa là ông, bác, cha, người đàn ông nhiều tuổi. Và khi đã có con, thì họ được gọi theo tên con trưởng. Ví dụ ama H’rin = cha (của) con H’rin ; ma Thông = cha thằng Thông… Buôn ma H’rin = Làng của ông ama H’rin… Ông Thuôt không có con. Người ta gọi ông theo một đặc điểm của ông là trên mặt có nhiều mụn = kthuốt, trở thành biệt danh của ông. Buôn Ma Thuột = Làng ông Kthuot. Me là tiếng Lào, cũng có nghĩa như Ma trong tiếng Ê Đê. Ban Mé Thuột là Làng ông Thuốt gọi theo cách Lào.

[4] X. Nguyên Ngọc, Tản mạn Tây Nguyên (7), Văn Việt.

[5] Trong tiếng Pháp, trường sư phạm được gọi là école normale, bắt nguồn từ từ norme có nghĩa là chuẩn mực. Đấy là nơi tạo ra từ đầu các giá trị chuẩn mực sống cho các thầy giáo để đến lượt họ đào tạo lại cho mọi con người.

[6] Luât tục là những phong tục tập quán đã được một cộng đồng (làng hay tộc người) thống nhất coi là luật, hoặc là một bộ luật (của cộng đồng làng hay bộ tộc) tồn tại dưới hình thức những phong tục tập quán được mọi người thống nhất thực hiện. Một thứ “hiến pháp » của làng hay tộc người.

[7] Émile Combes (11845-1926) : Nhà chính trị Pháp, chủ trương tách nhà thờ khỏi nhà nước

[8] Jacques Dournes – Pӧtao, một lý thuyết về quyền lực

[9] Một nước ở Nam Mỹ, nằm sâu trong lục địa hoàn toàn không có đường ra biển. 90% dân số theo Công giáo, 10% theo Tin Lành.

[10] Eldorado – Xứ sở huyền thoại, đầy ứ vàng.

[11] Jacques Dournes, sđd.

[12] A. Monfleur, Địa chỉ tỉnh Darlac.

[13] Polan là các bà chủ đất theo tập tục truyền thống của xã hội mẫu hệ Ê Đê.

Comments are closed.