Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng (16): MỘT GÓC NHÌN VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ VÀ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN

Nguyễn Thanh Văn

VÀI LỜI THƯA TRƯỚC

Chủ đề “truyền thống” nên ý riêng của người viết (dù hợp lý) là tập trung vào các đặc điểm từ thời kỳ nữ hoàng Suiko và nhiếp chính Shotoku (Thánh Đức Thái Tử) đầu thế kỷ thứ 7 qua thời đại Nara (Nại Lương), mà các sử gia thừa nhận có sử liệu hoàn toàn đáng tin cậy, cho tới mạt kỳ Ashikaga – Túc Thị, (thế kỷ 15), mở ra thời kỳ Sengoku – Chiến Quốc (thế kỉ 16) tao loạn vốn phù hợp với hình ảnh cổ điển đã quen thuộc của Nhật Bản với thế giới và Việt Nam. Phần thời cận đại Nhật Bản thống nhất trong tay họ tộc Tokugawa – Đức Xuyên (thế kỷ 17 cho tới giữa thế kỷ 19) là một bước ngoặt lớn trong lịch sử xã hội Nhật Bản cho tới thời hiện đại – dù thú thật chỉ là việc điểm nhanh qua thời đại Tiền Minh Trị (Meijji 1868-1912) cho tới Hậu Chiêu Hoà (Hirohito 1926 -1989) đó thôi. Phần sau này xin được gom vào trong một vài kì ngắn gọn, tập trung, với mục tiêu giới thiệu những nét đối chiếu, phần lớn tương phản hẳn các thời kỳ trước đó, để làm rõ chủ đề, hơn là chính các sự kiện riêng lẻ.

Để giúp các bạn ít có dịp tiếp cận một đề tài lộn xộn quá tầm một (loạt) bài tản mạn, ngay sau lời thưa này, người viết dành một kì điểm qua các giai đoạn lịch sử chính với vài sự kiện chủ yếu và đồng thời điểm xuyết vài nhận xét khi thấy cần thiết. Tiếp cận một chủ đề – mà tách ra từng đề tài một các nhà viết sử tầm chuyên nghiệp phải dành từ 500 trang tới hơn 1.000 trang – cho tương đối tử tế đã là việc bất khả. Từ “một góc nhìn” trong nhan đề và lặp lại trong bài viết đầu “sơ lược về các thời kỳ…” nhắc nhở người viết về hạn chế không thể tránh khỏi của mình.

Lịch sử Nhật Bản là lịch sử của các chương tranh quyền đoạt mệnh và “sính” chính trị cùng võ lực. Tìm hiểu thực tiễn xã hội và tiến hoá của họ mà bỏ qua các ý đồ, sự kiện chính trị và các cuộc chiến liên tục giữa các thế lực từ thời hào tộc (Gozoku) qua quý tộc (Kuge), đến tướng quân hay đại sứ quân (Shogun), đại danh (Daimyo), lực lượng vũ sĩ (Samurai hay Bushi) – cùng quan hệ qua lại với các triều Thiên hoàng (Tenno) và quần chúng – thì quá thiếu sót và khó lòng nhìn rõ được bộ mặt thực của đất nước Nhật Bản đa dạng và phức tạp. Nếu chỉ ham một phương diện yêu thích mà tán thán hay chỉ quan tâm một nét đặc thù – lắm khi do ảnh hưởng của quảng cáo và giới thiệu được lặp lại hoặc miêu tả một chiều – sẽ có một bức tranh phiến diện, đôi khi thời thượng là đàng khác. Nhưng các bạn sẽ lưu ý mặt hạn chế của đề tài là “Văn hoá và Phật giáo” (dù cũng chỉ là một cái nhìn đại cương) để tha thứ cho chỗ bỏ sót của người viết về mảng quan trọng này. Điều không thể tránh được với người muốn tìm hiểu lịch sử Nhật Bản một cách nghiêm túc trong điều kiện thực tế mà một nhà Nhật Bản học, giáo sư Vĩnh Sính, có nhận xét suốt thời kỳ hơn 80 năm sau khi cụ Phan Bội Châu trước tác cuốn Tân Việt Nam trong đó ít nhiều có đề cập tới đề tài Nhật Bản rằng “số sách do người Việt ta viết về Nhật Bản thì hãy đang còn quá khiêm tốn, về chất cũng như về lượng”, thì tối thiểu phải đọc số công trình trong tầm tay, tương đối quen thuộc từ khá lâu với người Việt. Thầy Thích Thiên Ân có cuốn Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, NXB Đông Phương, 1965. Ông Nguyễn Văn Tần trước 1975 cũng dịch cuốn Nhật Bản tư tưởng sử (hai tập) của Ishi-da Kazu-yoshi (Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, tập 1: 1972; tập 2: 1973). Gần đây hai cuốn được dịch qua Việt Ngữ: Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại (tác giả: Herbert P. Bix; người dịch: Nguyễn Hồng Tâm, Trịnh Minh Hùng, Nguyễn Chí Tuyến, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2010) và Thiên hoàng Minh Trị (tác giả: Donald Keene, người dịch: Ca Câu La, NXB Dân Trí, Hà Nội, 2019), mới được phát hành là những tập tài liệu mới, quý giá dành cho ai quan tâm thời Meijii (Minh Trị) – liên quan giai đoạn này có tập sách Những bài học từ Minh Trị Duy Tân của một nhóm nhà nghiên cứu do PGS. TS Nguyễn Tiến Lực chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2019) và triều đại Hirohito (Chiêu Hoà), kéo dài từ 1926 tới 1989. Nếu (tạm) đọc các tài liệu trong tầm tay tôi vừa nhắc qua, xin cho kể thêm cuốn Nhật Bản Duy Tân 30 năm của Đào Trinh Nhất (Đắc Lập, Huế, 1936) mới được tái bản (NXB Thế Giới, Hà Nội, 2015) – cuốn này có giọng văn nhiệt tình, lôi cuốn, nhưng có nhược điểm là thời điểm tác giả có những lời tán thán hết mức này lại là đêm trước cuộc chiến tranh quân phiệt, tàn bạo của Nhật Bản, câu kết với Hitler và Mussolini – và cuốn Nhật Bản cận đại (NXB Lao Động, Hà Nội,  2014) của Vĩnh Sính mỏng nhưng súc tích mà thông tin và phân tích xác đáng về một thời kỳ quan trọng mà người Việt ta biết khá mơ hồ, ví dụ so với thời Mạc Phủ Liêm Xương (có sách gọi là Liêm Thương) hay thời Minh Trị Thiên hoàng; ta cũng có cái gọi là kiến thức căn bản có thể tiếp cận để hiểu các nội dung, cách đặt vấn đề và khơi mở vấn đề mà các nhà Nhật Bản học trong và ngoài nước đã và đang đặt ra (một kinh nghiệm trong học tập là nếu có điều kiện tài chính thì chiếu trong thư mục của các tác giả, soạn giả mà đặt sách tham khảo thêm).

Lịch sử Nhật Bản như các nhà Nhật Bản học – gồm cả các học giả Nhật Bản – thừa nhận là sự đan quyện, không dễ phân biệt và phân tích giữa chính trị và văn hoá, văn hoá và tôn giáo, tôn giáo và chính trị… Hệ quả là thiếu một cái nhìn tổng quát hay sót một chuỗi chi tiết cục bộ là khó nắm bắt được vấn đề. Còn “hệ quả” có tính cá nhân với người viết thì xin tóm lại trong một lời xin lỗi: các bạn bỏ qua sự chọn lựa khi lặp lại một ý cụ thể – ví dụ ý chí học tập của người Nhật hay cách hiểu khác nhau về khái niệm “Zen” – trong nhiều bài viết có đề tài riêng. Người viết chân phương nghĩ rằng tìm hiểu với khát vọng khoa học, học thuật thì không ai cậy vào một (loạt) bài “tản mạn” cả. Và sự “nháy” lại có cố ý chỉ nhằm lưu ý và hơn nữa với ít nhiều chi tiết bổ sung, mong không tới độ vô ích và chủ yếu là dành cho các bạn đọc ít quen đề tài.

Một mong ước nữa là người đọc bỏ qua giọng tếu táo của tác giả ở một số đoạn, trước hết là việc những liên tưởng bất ngờ – ngoài “bố cục” – để xả hơi. Việc quàng từ chuyện cổ qua kim, Nhật qua Việt là dòng suy nghĩ rất tự nhiên của người viết, vốn quan niệm điều tối trọng của một người cầm bút là thân phận đồng bào và dân tộc của anh ta hiện nay ra sao, vinh nhục thế nào. Một người viết lách có tri thức đông tây kim cổ mà không có tâm thế gắn bó với thực tại thăng trầm, nổi trôi của người đồng huyết, đồng thời và né tránh liên hệ và trực diện vấn đề thời sự và thế sự thì e chỉ dừng được ở tầm “thư lại”, nơi kiến thức và tri thức có nguy cơ thành một trò supergame hay chỉ là hàng “đổi gạo” như bao nhiêu nghề nghiệp mà anh ta có thói quen cho là không sang trọng bằng mình. Người trước tác nói chuyện xưa không vì hôm nay, bàn việc thiên hạ không vì đất nước, con người mà trước hết là đồng bào mình thì e có khả năng một trò học thuật trưởng giả chủ nghĩa. Vậy cầm chắc có mùi cực đoan đi nữa thì xin các bạn vui lòng tạm bỏ “cấm vận”, tạm không vì yêu cầu bài bản, quy tắc phổ thông mà trách móc việc có khi đang bàn chuyện Thiên hoàng và đại sứ quân bỗng nhảy qua chuyện Đại Việt, hay từ chuyện “kẻ sĩ” Phù Tang mà đụng vào thanh danh kẻ sĩ xứ ta các thời kỳ. Rất có thể có bạn khó thông cảm vì cảm giác lạc đề hay “quá tải”, nên không thể không có lời xin lỗi trước này.

Một điểm nữa là yếu tố phê phán, phủ định (với nghĩa đặt lại vấn đề – người viết không thích đi theo dòng học thuật “tôi cũng nghĩ vậy” khá dễ dãi của đa phần học giả Việt Nam xưa nay) bộc lộ suốt bài viết, lấn giọng xác định trong một số chỗ dễ bỏ qua vì lý do an toàn. Thưa rằng cả thế giới đã khẳng định văn hoá Nhật Bản và một nước Nhật văn minh, văn hoá phong phú và độc đáo từ lâu đã là một phần tự hào của nhân loại, có khi quá ồn ào tán thán e là chuyện khen phò mã mặc áo gấm và chở củi về rừng. Hơn nữa, chỗ quan trọng hơn không phải chuyện khen chê mà trong bản chất của vấn đề nêu ra có cơ sở gì và biện chứng gì làm cơ sở. Điều mà ai cũng rõ không qua được con mắt tinh đời của người đọc. Chưa nói bài viết thật ra không có ý dành cho giới chuyên môn, càng không phải hướng tới người đọc Nhật Bản xa xôi, còn đã hướng về chòm xóm và đồng bào mình thì khối chi chuyện nói toạc móng heo ra với nhau, mang âm hao chatting tốt hơn trò “hội kín” và tập quán “thủ khẩu như bình” vốn bị bọn độc tài kim cổ khôn ranh lợi dụng triệt để. Đặt giới hạn cho “tạp bút” thì còn “tạp” mô nữa mà vung bút. Tác giả gọi thể loại là “tản mạn” nên nếu ai ngờ “Văn hoá và Phật giáo Nhật Bản” không là chủ đề duy nhất thì điều đó sẽ làm người viết rất hài lòng.

Đối với các bạn có lòng tìm hiểu lịch sử Nhật Bản – thật ra với lịch sử bất cứ quốc gia nào cũng thế thôi – tôi có một ý kiến nhỏ: trước hết chú ý khâu phân chia thời kỳ lịch sử. Tên các giai đoạn trong lịch sử Nhật thường là tên các vùng đất, họ tộc, danh tính…, như thời kỳ Asuka (Phi Điểu) hay thời Nara (Nại Lương) thì Asuka và Nara là tên các vùng đất các Thiên hoàng đóng đô. Hay thời kỳ Meijji (Minh Trị) lấy tên của Thiên hoàng Meijji. Thời kỳ Ashikaga lấy tên họ tộc Ashikaga (Túc Thị). Có chú ý dần dần sẽ nhớ, rất hữu ích – không nhớ thời kỳ và một số nhân vật cụ thể gắn với từng thời kỳ nhất định rất khó nhớ được hay nhận ra các sự kiện – tránh “bơ vơ” giữa một đống tên họ và biến cố lằng nhằng, có thể làm rối trí.

Ý thưa cuối, không chỉ vì đề tài có liên quan Phật giáo (Nhật Bản) mà thú thiệt người viết vốn thực sự quan tâm tới chủ đề Phật pháp (Phật pháp, không phải Phật giáo) nên mỗi khi có không gian, thì có xu hướng bàn liền và bàn… liều ngay. Thật không phải típ người cẩn trọng, phù hợp với khu vực học thuật, đặc biệt là lĩnh vực tôn giáo, nhưng hy vọng có đôi ba người xem đấy là một cố tật không tới nỗi đáng ghét trong một không khí thảo luận quy mô quốc gia có slogan của ngành giao thông vận tải Việt Nam: An toàn trên hết! Bảo đảm an toàn tuyệt đối bằng cách khóa xe trong gara, không tham gia giao thông liệu có phải là một phương pháp hiệu quả và tích cực và pháp môn “dĩ bất biến ứng vạn biến” thích hợp trong vài trường hợp ngoài chợ đời lại phù hợp trong làng học thuật hay chăng!

Cuối cùng là một nội dung lẽ ra không cần nói. Tác giả chịu trách nhiệm hoàn toàn về các trang viết cùng nhận định cá nhân của mình. Hoan nghênh trước mọi trao đổi, phản biện trong tinh thần xây dựng với chỉ một yêu cầu là xin được phép thảo luận và nếu cần tranh luận với một cá nhân cụ thể – người viết không có ý và cũng không thú vị đối thoại với bất cứ tập thể hay hội đoàn nào.

BÀI MỘT

VÀI DÒNG SƠ LƯỢC VỀ CÁC THỜI KỲ TRONG LỊCH SỬ NHẬT BẢN

1. TỪ HUYỀN SỬ TỚI VIỆC THIÊN ĐÔ TỚI NARA – NẠI LƯƠNG (-710)

Ngoài giai đoạn dài được xem là huyền sử, bắt nguồn từ huyền thoại Nữ Thần Mặt Trời (Amaterasu) là thuỷ tổ các đời Thiên hoàng họ tộc Yamato (Đại Hoà), truyền cho tới đời Thiên hoàng hiện nay Reiwa (lên ngôi từ năm 2019), lịch sử Nhật Bản có tư liệu và sự kiện được cho là đáng tin cậy tính từ cuối thế kỷ thứ 6 với tên tuổi của các Thiên hoàng Khâm Minh (Kimmei), Mẫn Đạt (Ritatsu), Dụng Minh (Yomei) – cha của ngài Shotoku và anh ruột Thiên hoàng Sùng Tuấn (Shushu ) và nữ hoàng Suy Cồ (Suiko) – mà sự kiện nổi tiếng nhất liên quan Phật giáo còn được nhắc là Thánh Vương (Song Wang), tiểu quốc Bắc Tế – Paekche (Triều Tiên) – có giao hảo với Nhật Bản và từng bị Nhật Bản chiếm đóng ở thế kỉ thứ 4 cùng với hai tiểu quốc khác là Tân La – Silla và Nhiệm Na – Mimima? – vào thế kỷ thứ 6 có gửi tặng Thiên hoàng Khâm Minh (Kimmei) tượng Phật Thích Ca, kinh kệ và một nhóm tu sĩ Phật giáo (người Triều Tiên). Trước đó ghi nhận các thời kỳ Jomon (Thằng văn) – kéo dài tận 250 Thiên Chúa giáng sinh – và Yoyoi (Di sinh) – từ 250 trước Thiên Chúa giáng sinh tới 250 sau Thiên Chúa giáng sinh – dựa vào hàng nghìn dụng cụ bằng đá và đồ gốm, thậm chí sự xuất hiện của sản phẩm kim thuộc bằng đồng và sắt khai quật được, tạo dựng một bộ mặt thời tiền sử khá đặc sắc trước khi chính thức tiếp nhận văn minh Trung Hoa – nói “chính thức” vì theo giới nghiên cứu trước đó không ít thế kỷ vào thời kỳ Yoyoi đã có ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và Triều Tiên. Một di chỉ vẫn còn tồn tại tận ngày nay là các khu mộ đất rất lớn, được xác định khoảng thế kỷ thứ 5 và ngôi mộ lớn nhất (loại mộ này gọi là Cổ phần – Kofun) được cho là mộ của Thiên hoàng Nhân Đức (Nintoku), dài 389 mét, cao 33 mét, vị Thiên hoàng có lòng thương và lo lắng cho nhân dân và được nhân dân thương tưởng, kính mộ. Có cả chuyện ngay từ thời cổ đại có vị Nữ Hoàng mang tên Jingou Kougou (Thần Công Nữ Vương) thân chinh mang quân tiến đánh Triều Tiên. Cả sử Triều Tiên và Nhật Bản đều nêu sự kiện Nhật Bản gây chiến và chiếm đất Silla – Tân La, Triều Tiên vào thế kỷ thứ 4 (một căn cứ cho thấy người Nhật đã có một hình thức quốc gia khá vững mạnh và đoàn kết đủ sức tính chuyện bành trướng ra nước ngoài).

Nhưng sử liệu vào loại sớm nhất trong “Nguỵ Chí” đời Tam Quốc của Trung Quốc có ghi việc nữ hoàng Nhật Himiko (Ti Di Hô) của vương quốc Yamatai (Da mã Đài), vào thế kỷ thứ 3 (239), có gửi sứ bộ giao hảo và xin ấn viện – tuy nhiên các cứ liệu như vương quốc này theo chế độ đa thê, có hơn 100 tiểu quốc, nữ hoàng không có chồng và có 1.000 phụ nữ phục vụ… vẫn không giúp các nhà nghiên cứu Nhật xác định được địa điểm chính xác của vương quốc này trên đất Nhật Bản.

Thật ra tư liệu xác định về sự có mặt của một vị vua – cầm đầu vài ba tiểu quốc, chỉ một phần Nhật Bản như ngày nay – là tài liệu từ đời Hậu Hán (đời vua Quang Vũ) ghi chuyện năm 57 sau Thiên Chúa giáng sinh, có vua xứ Wa tức Oa Quốc đến Trung Hoa (Oa thường được cho có nghĩa là lùn, có nhà nghiên cứu cho nghĩa thấp kém; ta không lạ gì các cách gọi đầy ngạo mạn của dân Đại Hán nhà ta kiểu Bắc Di, Nam Man đối với các quốc gia láng giềng và lừng lững đi nhầm vào nhà thiên hạ thì gọi là an tây, an nam như một tên khác người Tàu dùng chỉ dân tộc Nhật là “No”, tức nô trong nô tì, nô bộc – ghi nhận thêm dù tên Đại Hoà Quốc mà người Nhật đặt cho nước mình nghe oai phong thiệt, nhưng một nhà Nhật Bản học phân tích âm “Hoà” dược cải biên từ âm “Wa” tức “Oa” và thêm chữ “Đại” đàng trước). Nếu sử liệu này xác thật – người Trung Quốc có truyền thống ghi chép, tồn trữ tài liệu rất nghiêm túc và cẩn trọng – thì việc giả thiết đã có một vương quốc nhà nước tương đối vững mạnh ở Nhật Bản vào ít thế kỷ trước Thiên Chúa giáng sinh không phải là quá vô lý.

Liên quan các tư liệu nêu trên, có một chi tiết được nhiều sách ghi lại: năm 1784, trên đảo Shikanoshima thuộc Fukuoka, một nông dân tình cờ đào được một cái ấn bằng vàng, trên ấn có khắc chữ 漢委奴國王 Hán Uy Nô quốc vương (Vua nước Nô của Nhật thuộc Hán – chữ Uy 委 thực ra là ghi chữ Oa 倭, xưa chỉ người Nhật; còn chữ Nô 奴 là chỉ Nô quốc (Nakoku), một nước tồn tại từ thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ thứ 3, ở vị trí thành phố Fukuoka ngày nay). Cái ấn này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản. Bản thân sự kiện có trọng lượng này soi sáng và xác định được nhiều điều còn là nghi án lịch sử.

Sự kiện triều đại nữ hoàng Suiko ở đầu thế kỷ thứ 7 là hoàn toàn xác thực, bắt đầu thời kỳ Minh Sử. Nó không chỉ có tư liệu, ghi chép bằng văn bản mà quan trọng ở chỗ là thời kỳ mở ra một bước ngoặt lịch sử về nhiều phương diện – chính trị, xã hội, tôn giáo, kinh tế, văn hoá và văn minh – gắn với tên tuổi ngài nhiếp chính Shotoku (gọi nữ hoàng Suiko bằng cô ruột), có cái tên quen thuộc với người Việt là Thánh Đức Thái Tử. Trong giai đoạn ngắn này, quyền lực được ghi nhận là nằm trong tay một số Thiên hoàng. Điều này có ý nghĩa nếu đối chiếu giai đoạn trước đó khi các Thiên hoàng cỏn bị các đại hào tộc chịu quy phục, nhận tước vị, nhưng tiếp tục kèn cựa và lấn lướt và các thời kỳ về sau, thời kỳ của công thần, quyền thần và lộng thần – xuất thân quý tộc (Kuge) hoặc cậy vào quân công mà tiến thân. Đặc biệt khi so sánh cái thế bất biến để nhận trợ cấp an thân của các Thiên hoàng vào thời các đại sứ quân nắm toàn bộ binh quyền và chính quyền từ sau bắt đầu bộ máy Mạc Phủ (Bakufu) đầy hiệu quả của Nguyên Lại Triều (Yorimoto).

Giai đoạn chưa dời đô qua Nara có ý nghĩa lớn về mặt chính trị (Nhật Bản đã có bộ mặt một quốc gia tập quyền, có quốc sách vĩ mô hướng về văn minh đại lục) và mặt tôn giáo (có một tôn giáo có tầm quốc giáo xứng đáng với chí hướng chính trị và văn hoá mà vua tôi cùng hướng tới). Do Thiên hoàng đóng đô trong vùng đất có tên là Asuka, nên các sử gia gọi thời kỳ này là thời kỳ Asuka (Phi Điểu).

Khi đã diệt được thế lực hào tộc Vật Bộ (Mononobe), dưới chỉ đạo của Nhiếp chính Shotoku và sự hợp tác của dòng Soga (Tô Ngã) – liên quan vụ ủng hộ và phản đối việc du nhập Phật giáo –, các Thiên hoàng có một thời kỳ có quyền lực trong tay, dù không phải hoàn toàn yên bình. Như đã nói trên đây là thời kỳ có tên là thời kỳ Thiên hoàng nắm thực quyền. Thập thất điều hiến pháp (Ju Shichi No Satame) là chủ trương của cặp bài trùng Suiko – Shotoku (thời kỳ Minh Sử bắt đầu từ thời nữ hoàng Suiko, 593-728 đã nhắc ở trên) vốn không phải có nội dung “Hiến Pháp” như ta quan niệm ngày nay mà là một số nguyên tắc và lời kêu gọi từ cấp Trung Ương về các nguyên tắc đoàn kết quốc gia, dựa trên đạo lý Phật giáo và chủ trương chính trị Nho Giáo. Thiên hoàng Kotoku – Hiếu Đức, 645-654, ban bố Chiếu Cải Tân (Taika no Kaishin – Đại Hóa Cải Tân) vào thời kỳ này cho thấy các Thiên hoàng có nỗ lực lèo lái quốc gia theo một định hướng nhiều thiện chí và có tinh thần thân dân – ít ra trên lý thuyết. Tinh thần Đại Hóa Cải Tân sớm thất bại – đất đai gom về sở hữu của Thiên hoàng để chia lại cho nông dân, nhưng thực tế nông dân không khấm khá nhờ chủ trương chia lại ruộng đất này vì bọn quý tộc và hào tộc tiếp tục thu thuế cũ và dấm dúi duy trì quyền lợi riêng –, dân chúng bỗng nhiên lâm vào cảnh “một cổ hai ba tròng”, phần đông “phá sản”.

Phật giáo góp mặt tích cực từ đầu và kéo dài nhiều thập kỷ vai trò của mình về các mặt xã hội, tôn giáo, văn hoá, chính trị. Thế rồi qua đầu thời kì Nara các màn hục hặc nội bộ mà lợi thế dần xoay về dòng Liêm Túc (sau này thành họ tộc Furiwara), trong giới đại thần, lộng thần mà các bạn theo dõi ở tiểu mục kế tiếp, cộng các vụ dâm loạn tai tiếng một thời của một số sư sãi với các quý phu nhân là tín đồ, bị một thân vương trẻ tuổi – Furiwara Hirotsugu – định dấy binh trừng trị (vị này bị xử tử theo phép nước vào năm 741, trước khi thực hiện được ý đồ, gây sốc trong dư luận cả nước), và khoảng hơn 20 năm sau là xì căn đan của tục tăng Đạo Kính – Dokyo còn tham vọng chính trị đầy táo bạo, muốn thay vị trí Thiên hoàng của họ tộc Yamato) đã tiếp tục đẩy vương quốc tới các tình huống bất ổn. Chính sự kiện cuối này là nguyên cớ của quyết định thôi ủng hộ phụ nữ giữ ngai vị Thiên hoàng một thời gian rất dài.

2. THỜI KỲ NARA – NẠI LƯƠNG (710-794)

Nước Nhật vào thời kỳ xa xưa có một quan niệm xem việc chết chóc là điều không tốt, không vệ sinh và có ảnh hưởng xui quẩy cho người sống. Đối với chuyện liên quan các tiên vương vừa băng hà cũng không khác. Sau khi đã xong tang lễ, người Nhật liền tìm đất mới để dời đô. Việc xây dựng kinh đô mới là chuyện vừa phức tạp và tốn kém, tất nhiên tác động từ cấu trúc dân cư lại tới xáo trộn các hoạt động kinh tế, thương mại, hành chánh… Và cũng do lý do này, ta đoán được việc xây dựng các trung tâm hành chánh trung ương thời đó không có quy mô lớn và vững bền. Việc quyết tâm chọn Nara (chỉ cách kinh đô cũ dưới 45km) – không xảy ra sau việc băng hà của một Thiên hoàng – thành một kinh đô bền vững, bề thế theo quan niệm của các triều đại Trung Quốc phù hợp với ý chí của tập đoàn nắm quyền lực trung ương, vừa chính thức mở ra một thời đại chính trị và văn hoá mới: thời kỳ Nara, kéo dài 85 năm (có sử gia ghi 84 năm, có vị ghi 75 năm).

Đây là giai đoạn nhà nước Nhật Bản lấy mô hình toàn diện của nhà Đường ở Trung Hoa (trước đó, vào thời ngài Shotoku, bên Trung Hoa là triều đại nhà Tuỳ) làm kiểu mẫu, tiếp tục chính sách hoà hiếu với Trung Quốc và gửi người du học. Dù còn có vấn đề với các đại hào tộc và vài hiện tượng quá quắt liên quan giới tăng ni, nói chung đây vẫn là thời kỳ các Thiên hoàng nắm vững quyền lực chinh trị trong tay và hỗ trợ giới tăng lữ xây dựng một thời kỳ Phật giáo phát triển thành công, được thế giới Phật giáo đương thời biết tiếng.

Chưa có quy mô quá lớn, nhưng cùng với các hoạt động nội thương giữa các địa phương vốn là các đơn vị sản xuất truyền thống, hàng nông nghiệp như lúa, trà, hàng thủ công gia dụng mà một ví dụ phổ biến là đồ gốm, đã có thêm hoạt động giao thương với người Triều Tiên và Trung Hoa ở nhiều dạng. Nông cụ cũng là mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế nông nghiệp đang phát triển quy mô và mở mang ruộng đất. Tất nhiên dạng ngoại thương hiệu quả, lớn nhất là dưới sự tổ chức và cổ vũ của nhà nước. Các sử gia ghi nhận cả sự xuất hiện của các bến cảng, địa điểm trao đổi hàng hoá sớm trở thành các thị trấn và kèm theo là sự xuất hiện của một tầng lớp có thể gọi là giai cấp trung lưu hay thị dân. Dù chưa phát triển lớn và nông dân vẫn còn kham khổ, tối mặt tối mày lao động kiếm cái ăn và đóng không biết bao nhiêu loại thuế má, nhưng vài chi tiết vừa nêu xảy ra rất sớm – vào các thế kỷ thứ 7, 8 – không thiếu tích cực và khởi sắc. Các công trình kiến trúc Phật giáo đầy thẩm mỹ và quy mô vẫn còn tồn tại với tư cách là di sản văn hoá thế giới xây dựng từ thời đại Nara – và cả thời kỳ Heian kế tiếp – chứng minh các nguồn tài chính to lớn hoàng gia thu được. Nó là kết quả của nhiệt tình tôn giáo và đón chào văn minh văn hoá mới – tất nhiên rồi – và cũng chứng minh Phật giáo đã thu được đặc quyền trước hết như một tín ngưỡng hộ quốc, trấn quốc, nguyện cầu cho sức khoẻ và sự bền vững của Thiên hoàng và hoàng gia, hơn là một kiểu mẫu cho việc sử dụng ngân sách quốc gia có tính toán tới sức dân – ít ra trong cách nhìn hiện đại và theo cứ liệu các sử gia Nhật Bản cung cấp về mức sống cơ cực, chịu nhiều tầng áp bức của giới bần dân vào thời kỳ này. Nhưng mặt tích cực, như lưu ý của giới nghiên cứu, của các công trình xây dựng chùa chiền, đại tự là việc huy động nhân công, tạo việc làm ở quy mô lớn trong nhân dân – không bàn đến lao động công quả, tự nguyện.

Lý do dời Nara qua kinh đô mới – Kyoto (tiện xin nhắc cái tên Kyoto là tên có sẵn của một vùng đất và có nghĩa là “kinh đô”, không phải do được chọn làm kinh đô mà gọi là Kyoto, hay so với Edo – Tokyo sau này mà có nghĩa “cố đô”; nếu gọi với nghĩa “cố đô” vào thời kỳ đang bàn thì nó phải chỉ kinh đô Nara mới đúng chứ) – là một quyết định khá bất ngờ. Hay chính xác hơn, tạm phân ra nguyên cớ và nguyên nhân. Nguyên cớ là một vụ scandal chính trị lẫn tình ái giữa nữ Thiên hoàng Hiếu Khiêm – Koken (ở ngôi lần thứ nhất từ 749 đến 754 và lại lên ngôi lần thứ hai xưng là Xương Đức – Shotoku từ 764 đến 770) với tục tăng Dokyo (Đạo Kính hay Đô Đạo Kính) mà ta đã nhắc ở trên. Còn lý do vì sao sử Nhật Bản gọi là “tục tăng” cho một đối tượng mà có tài liệu gọi bằng danh xưng “cao tăng” vẫn chưa rõ (báo trước hiện tượng “thiền sư” không theo giới luật nhà Phật, có tình nhân và làm thơ tình theo model Phù Tang? Nếu đồng hoá “tục tăng” với “tân tăng” thì e không ổn vì “tục tăng” chỉ hiện tượng sư sãi công khai lập gia đình xuất hiện vào khoảng thế kỷ 11, 12 – người viết tạm giả thiết từ “tục tăng” có thể đồng nghĩa với cách gọi “nghiệp tăng” cũng của người Nhật, hàm ý dè bỉu dạng sư sãi bất chánh, ham sinh sự, không đúng tư cách chánh tăng, còn xuất thân của vị này là từ một đại tự, từ lò Pháp Tướng Tông và đã từng du học Trung Quốc). Kết quả nữ hoàng si tình bị ép xuống ngôi – có sử liệu cho biết vị nữ vương này có ý định nhường ngôi cho người tình – còn nhà sư mù loà vì tham dục và tham vọng bị đi đày và chết trong cảnh lưu đày (giả thiết đấy chỉ là một âm mưu cung đình, giành ngôi vị của nhau không phải hoàn toàn vô lý – ông ta không chỉ chữa bệnh cho nữ hoàng thành công mà dưới sự cố vấn “chính trị” của ông ta, nữ hoàng đã lấy lại ngai vàng sau khi bị buộc thoái vị – nhưng khó bàn vì không đủ tư liệu). Điều cần ghi nhận vụ việc dính vào cả một sinh hoạt nhập nhẳng giữa chính trị và tôn giáo thời kỳ đầu, thời điểm các học giả lưu ý là quan lại triều đình phải bỏ gần hết thời gian để tiếp đãi, giải quyết yêu cầu và khiếu nại của giới tăng lữ đã có đóng góp lớn cho văn minh văn hoá và giúp ổn định chính trị – xã hội, là con cưng của Thiên hoàng và hoàng gia. Có mô tả một tình trạng rằng các cơ sở hành chánh của triều đình bị vây bủa bởi các công trình đại tự nguy nga và số tăng ni tăng vượt bực còn lớn hơn cả số quan chức của triều đình. Nhưng nhiều nhà Nhật Bản học chỉ ra một nguyên nhân sâu sắc hơn, nguyên nhân chính trị. Việc chạy khỏi hoạ “đại sư” chưa quan trọng bằng diễn tiến của các cuộc đấu đá nội bộ đã và đang làm biến dạng bộ mặt chính sự đương thời của Nhật Bản.

Cái lõi của kế hoạch tiến về Kyoto được cho là xuất phát từ sự vươn lên về chính trị và tham vọng quyền lực của họ tộc mang tên Furiwara (Đằng Nguyên) sau này. Người khởi xướng, đại thần Nakatomi Kamatari – Trung Thần Liêm Túc (Trung Thần là tên họ tộc cũ, Đằng Nguyên là tên mới do Thiên hoàng ban tặng về sau), có công lớn trong việc giúp Thiên hoàng chế ngự và diệt họ tộc Soga – Tô Ngã đầy quyền thế và hay sinh sự (điều mỉa mai là chính họ tộc này có công giúp hoàng gia lấy (nguyên) cớ chọn Phật giáo làm quốc giáo để hạ bệ dòng Mononobe – Vật Bộ đối địch) – chấm dứt hẳn thời kỳ hào tộc – đã đón được ý chí của Thiên hoàng và quyết định thiên đô. Một kinh đô và địa thế mới, cách ly các tình hình không còn chịu đựng được về phía nhà vua, thì về phía dòng họ Furiwara đang lên là một cơ hội ngàn vàng, thiên thời địa lợi nhằm phân bố địa hình, thế lực, cách ly các địch thủ tiềm tàng trong cấu trúc dân cư và kế hoạch phân bổ cụ thể trên bản đồ kinh đô mới – và đấy chính xác là những gì Liêm Túc và các hậu bối dòng Furiwara đã làm được trong vài thế kỷ tiếp theo.

3. THỜI KỲ HEIAN (BÌNH AN) TỪ 794 TỚI 1185

Khoảng 500 năm thời kỳ Heian là năm thế kỷ đan quyện giữa vài thời kỳ ngắn ngủi các Thiên hoàng còn có (chút) thực quyền, còn là thời của các công thần quý tộc và đại thần, trước khi quyền lực trung ương rơi vào tay chính quyền Mạc Phủ (Bakufu). Một phần lớn thời kỳ này là lịch sử của chính dòng họ Furigawa (Đằng Nguyên). Đánh giá lịch sử rất phức tạp, điều không ai không biết. Phân tích một giai đoạn cụ thể lại có cả một loạt các lĩnh vực và mỗi khu vực lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Đọc một tác giả lại phải tìm hiểu và xác định góc độ họ đang đứng và đưa ra phán đoán. Một thí dụ là cái tên tác giả tập sách Văn học Nhật Bản giản yếu (Tủ sách Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1994), ông Nhật Chiêu, đặt cho thời kì văn học Heian là “Thời Của Cái Đẹp”. Phải hiểu nhà nghiên cứu đứng trên thành tựu văn chương rỡ ràng, lãng mạn của các thế kỉ Heian mà cảm khái. Còn từ góc độ chính trị của chính thời kì này lại có nhiều mặt, nhiều nhận định. Về cuộc sống của các tầng lớp nhân dân có dị biệt lớn, có giai cấp chỉ thấy mặt khốn khổ, khốn nạn không thấy thơ hay nên thơ gì cả. Có tầng lớp sang cả, giàu có với thị hiếu văn hoá và thẫm mỹ cao và tinh tế. Cái giàu đi với sang, tạo ra những giá trị, tiêu chí tác động tốt tới thị hiếu còn thấp thỏi của giới thường dân (đặc biệt thời kì tao loạn, cánh giàu về nông thôn, “giao lưu văn hoá”, hoà đồng với cánh nghèo mà tồn tại, chờ thời thế thay đổi), xoá một thời ngăn cách kiểu “Máu ở chiến trường, Hoa ở đây” trong thơ chân dung Xuân Sách “lỡm” Tố Hữu (một tập thơ của Tố Hữu có nhan đề là “Máu và Hoa”).

Sử dụng lòng tin của các Thiên hoàng – ít ra là thời kỳ đầu – và cũng là người trực tiếp bảo vệ và cung cấp tài chính cho hoàng gia, các thành viên họ tộc Furigawa một mặt ức chế quyền hạn của các họ tộc khác – chú ý các thế lực của thời đại hào tộc ức hiếp Thiên hoàng đã qua, nhưng xã hội Nhật Bản có truyền thống công khai thừa nhận và tự hào về huyết thống, họ tộc. Mặt khác, nắm ngay thời cơ (được các Thiên hoàng tin cậy qua công lao lật được uy thế dòng họ Soga đang gây ra chính sự phiền hà), dòng tộc Đằng Nguyên lập tức tìm cách gạt các họ tộc có thế lực, mở rộng quyền lực cho con cháu. Và một hiện tượng không chỉ một lần xảy trên chính trường Nhật Bản, con cháu của dòng tộc này sớm trở thành con cháu của chính các đời Thiên hoàng qua màn “độc quyền” gả con gái dòng mình cho các Thiên hoàng tương lai.

Do chính trị không phải là chủ đề chính của các bài viết, nên xin tóm gọn lại. Dù đấm đá nhau liên tu bất tận, các đại thần và quý tộc là công thần – các shogun sau này cũng thế thôi – cũng phải lo toan đối phó với các vấn đề kinh tế – xã hội ờ tầm trung ương và địa phương, phần để tránh xảy ra các vụ nổi loạn ở cơ sở, lật đổ quyền lực trung ương. Qua các thời Nara và Heian, xã hội Nhật Bản không phải không có nét khởi sắc. Mặt tôn giáo, văn hoá nghệ thuật sẽ bàn sau. Về mặt kinh tế – xã hội Heian có thể ghi nhận vài nét sau:

– Kinh tế, từ nông nghiệp, thủ công cho tới ngoại thương với Trung Quốc – nhất là ở giai đoạn đầu – tiếp tục mở mang quy mô hơn đem lại bộ mặt mới cho vương quốc. Cần phân biệt sự phân chia của cải hoàn toàn bất công với nông dân và các tầng lớp dưới – hay nói một cách phũ phàng, nhân dân bần cùng nai lưng trả thuế và các loại sưu dịch làm gì có quyền hạn dự phần chia chác – và các giai đoạn phát triển kinh tế nhờ tận lực khai hoang không đánh thuế mà nguồn lợi vào tay quý tộc, hào tộc và cả giới thầy chùa. Trong lĩnh vực ngoại thương càng rõ, lợi nhuận to lớn đem lại cho triều đình một phần, nhưng các thế lực địa phương, đứng đầu là các cảng lớn gắn với các lãnh chúa, là giới hưởng lợi hàng đầu. Vấn đề là sự phân chia nguồn lợi trong thương mại lại góp phần phân chia ra nhiều mối hưởng lợi, nhiều trung tâm phát triển kinh tế và việc có ý nghĩa nhất là góp phần tạo ra tầng lớp trung lưu dần có kỹ năng làm ăn, xoay xở kinh doanh quy mô nhỏ (và vừa), các thị trấn mọc lên từ các khu tập trung và phân phối hàng hoá. Các sản phẩm sản xuất được địa phương hoá và tầng lớp nghệ nhân có tay nghề tinh xảo có mức sống được đảm bảo hơn được hình thành dần. Tiếc thay những bước đi khởi sắc này không ngăn được bức tranh xã hội bi quan và suy đồi liên quan đại chúng nhân dân, những người bị cả vua quan và trời Phật bỏ quên và sớm bị bần cùng hoá; chính những tầng lớp này bao gồm cả lớp võ sĩ với thân phận lớp dưới (chú ý từ “samurai” chỉ tầng lớp “bushi” ra đời vào thời Heian, khi quý tộc Kyoto mời các võ sĩ của các các vũ gia địa phương về làm guardian canh cổng, đi theo xe chủ, có nghĩa rất thấp thỏi “gia nhân”, “người hầu”, không có âm hưởng oai vệ, hào hùng như phim ảnh hiện đại tô vẽ thêm) với tình trạng kinh tế hẫm hiu đã quyết ủng hộ và là thành phần chủ chốt cho cuộc vùng dậy lịch sử của giai cấp võ sĩ đạo do vị anh hùng cái thế Yoritomo (Nguyên Lại Triều) lãnh đạo – được dòng Bắc Điều (Hojo), dòng bên nhà vợ, kế tục – và kéo dài hơn một thế kỷ sau đó, các bushi mới đem lại hình ảnh oai hùng, lẫm liệt như đời sau ca tụng, đồng thời làm thơm lây cho danh xưng samurai vốn có gốc gác không lấy gì làm sang trọng.

– Không chỉ để lại cho đời những công trình kiến trúc tôn giáo bất hủ, sự xuất hiện của Phật giáo còn có những mặt hưng phấn kinh tế. Việc đúc chuông, tô tượng, xây cất am tự thúc đẩy việc phát triển việc tìm quặng mỏ, luyện kim, sản xuất đá gỗ, tạo lập cả một lực lượng nghệ nhân hùng hậu được xã hội tôn trọng. Giai cấp bushi với tập quán “kiếm bất ly thân” tiếp tục thúc đẩy kỹ thuật đúc kiếm, xuất khẩu tận đất Trung Hoa, quê hương luyện và đúc kiếm tầm cỡ thế giới.

– Hệ thống giao thông đưởng bộ, đường thuỷ đều phát triển thêm, thuận tiện cho giao thương và tạo dựng thêm các thị trấn mới.

– Với chút e dè, người viết cho rằng ngoài mặt áp chế và bóc lột tệ hai của các tầng lớp thượng lưu, mà về mặt giai cấp là tác giả tập thể của thân phận hạ lưu chịu mười tầng áp bức của lê dân mà lịch sử Nhật Bản sớm ghi nhận (ngay trong Vạn diệp tập – Manyosho, sưu tầm khoảng 4.500 bài thơ trước tác từ thế kỷ thứ 3, 4 – thế kỷ thứ 8 đã có những lời than oán, chê trách đầy xót xa và căm phẫn), ta không thể phủ nhận hiện tượng tích luỹ tư bản, đồng thời là sự xuất hiện dần dà của một tầng lớp mà sử Nhật Bản gọi rõ là “đại tư bản” trong các đại gia đình quyền thần, sứ quân, đại danh và các nhà nội thương, ngoại thương mới nổi lên như các ngôi sao sáng (trong số đó, sử gia Nhật Bản công khai nêu cả tên các đại tự, nơi tu sĩ kiêm luôn nhà cho vay lãi, đầu tư vào khai khẩn và mua bán đất đai, đặc biệt cả vụ nhà chùa tham gia góp vốn và hoạt động ngoại thương, tất nhiên cả hiện tượng can thiệp, tranh giành mối lái hoàn toàn “professional”) trong thực tiển có mặt tích cực của nó. Chắc chắn quá trình tích luỹ quy mô lớn dần đồng tiền sạch và đồng tiền ăn cướp này – mà thời kỳ Tokugawa 250 năm là sự tiếp tục quy mô lớn và hiệu quả lớn bất chấp búa rìu lịch sử ghép cho tội bế quan toả cảng – là một thế mạnh cho Nhật Bản khi đột ngột đương đầu với các thế lực tư bản phương Tây (đã làm khâu tích lũy tư bản trước và tốt hơn Nhật Bản nhiều) để có thể tính chuyện mua vũ khí và manh nha công cuộc đóng tàu buôn và chiến hạm hay đầu tư vào Hải quân nhằm bảo vệ vương quốc.

Những cuộc đầu tư to lớn dần về quy mô trong các thế kỷ sau không có chuyện không gắn với các gia tài của ông cha đời trước – các doanh gia thành công nhờ tài kinh doanh là tất nhiên (các chính trị gia Nhật hiện đại cũng thế) – luôn tự hào về tiền bối của họ và khi ta thấy tên tuổi quen quen thì có thể kết luận chính xác tới 75% đúng chóc là dòng họ của năm, mười thế kỷ trước. Nói khác đi không những người Nhật đã chú ý thương mại sớm, họ có ý thức truyền nghề, giữ truyền thống và… tích luỹ tư bản từ rất sớm. Còn nói riêng, theo tôi hiểu, phàm cái gì liên quan tích luỹ tư bản bằng cách cắt xén mạnh tay từ tầng lớp lao động và quyền lợi của người khác đều thoảng hoặc bốc ít nhiều mùi phi nghĩa và thơm thảo vị phi nhân đạo, nhưng một sử gia Pháp – ông này thậm chí là người có khuynh hướng Marxist – thêm một ý là trên đời có cả loại ác (đức thất nhơn) thúc đẩy sự tiến bộ!

So với đại gia tộc Hojo – Bắc Điều (dần dà giành ngôi tướng quân của dòng Nguyên Thị) sau này, công lao dòng Furiwara – Đằng Nguyên không đựợc khẳng định bằng, nhưng lịch sử vẫn ghi nhận sự khôn ngoan và kiên nhẫn của họ trong chính sự. Chuyện “tiếm quyền” hay “thừa gió bẻ măng” là một việc, chuyện các thế lực có nỗ lực hiệu quả gì để ổn định tình hình xã hội, vận hành guồng máy chính trị – kinh tế là một chuyện khác. Nhân dân và lịch sử thường công bằng, nên tâm thức phù Thiên hoàng thì có, nhưng công lao lèo lái cụ thể và thành công của các thế lực đại thần hay shogun sau này – trong những thời kỳ nhất định, thường là ở các thời kỳ đầu – vẫn được định giá đâu ra đấy, không hoàn toàn theo chủ nghĩa cảm xúc và tôn quân một chiều. Nếu không quá bảo hoàng, một công dân Nhật hiện đại rất có thể thấy trong cấu trúc “Thiên hoàng giữ hư vị – Sứ quân nắm thực quyền” bóng dáng của chính mô hình quân chủ lập hiến vẫn tồn tại ngay trong thời hiện đại ở một số quốc gia văn minh, nếu không nói là ở ngay Nhật Bản.

Mặt khác, việc lấn quyền Thiên hoàng, cố đẩy các thế lực quý tộc và đại thần ra rìa – cái gọi là tính cách quyết liệt, thu tóm quyền lực của truyền thống chính trị Nhật Bản cũng là thói tham lam và triệt hạ nhau tới mức “cạn tàu ráo máng”, thường di hại cho con cháu với quả báo thảm khốc nhãn tiền (nhưng cái độc đáo của đại gia tộc Furiwara này lại tránh được như giới sử gia đánh giá biết chọn lối “lên từ từ và xuống từ từ”, tránh hoạt cảnh quen thuộc trên sân khấu quyền lực Nhật Bản “bạo phát bạo tàn”) – dần dà biến dòng họ Furigawa thành đối tượng căm ghét của quần chúng và thành cái đích cần triệt hạ của quần hùng vì vơ vét quá đáng, lối sống thì xa xỉ và bất lực trước sự trì trệ của nền kinh tế.

Đoạn kết là xen bần cùng hoá và lưu manh hoá một bộ phận lê dân, sự tự vũ trang của nông dân thành dạng nông dân – chiến sĩ tự bảo vệ mình, hình thành hình tượng samurai và lực lượng vũ sĩ đoàn nổi tiếng. Đây cũng là bối cảnh xuất hiện nạn Tăng Binh khét tiếng.

Riêng trong giới tăng lữ có sự phân hoá. Sau giai đoạn “thức tỉnh”, các tông phái mới như Thiên Thai (Tendai-shu), Chân Tông (Shingon-shu) rút kinh ngiệm các tông phái Hoa Nghiêm (Kegon-shu) và Pháp Tướng Tông (Hossu-shu) của đời trước – các tông phái lớn này có nền học thuật riêng, nhưng đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của Mật Tông, pha chế các dạng phù chú hợp với thị hiếu vua chúa và tín đồ đương thời (ngay cái tên “Chân ngôn” có gốc từ “Mantra – Mạn Đà La” có nghĩa gần với chú thuật) – quanh quẩn kinh đô, được chính các Thiên hoàng bảo trợ, riết đâm sính chính trị, đã chuyển qua xây dựng chùa ở vùng núi đồi, xa hẳn kinh đô (cũng để phù hợp ý của chính quyền ngày đó) rồi lại “quý tộc hoá” trở lại. Giàu có lên nhờ được cấp phát tài chính một cách hào phóng, lại được miễn thuế má và cũng rành dịch vụ cho vay lấy lãi, đầu tư thuê người khai khẩn đất đai làm của riêng. Hệ quả của lối sinh hoạt tăng tục lẫn lộn, khinh thường giới luật là tình trạng có của cải nên phải thuê người giữ của, tiến tới lập “tăng binh” và sa vào trò binh đao vì quyền lợi tập đoàn. Cuộc tranh đấu khốc liệt và đẫm máu quen thuộc với phần thắng về Nguyên Lại Triều (Yoritomo), lãnh tụ của phong trào vũ sĩ, được nhân dân tín phục, lật đổ quyền lực hàng trăm năm của tầng lớp quý tộc ăn bám, bạc nhược và thành lập chính quyền Mạc Phủ (Bakufu), đẩy Thiên hoàng vào thế “vua Lê, chúa Trịnh”, ngồi làm vì và ăn lương hậu hĩnh – một nét tính toán chính trị mà cũng rất “đáng yêu” của lãnh tụ Nguyên Lại Triều là chủ trương “tôn quân”, có chính sách hỗ trợ tài chính nghiêm túc, lo lắng và chia sẻ mọi chuyện với hoàng gia, trừ… quyền lực. Nói “đáng yêu” – bỏ vô dấu kép – vì so với trò lờ phát lương cho đức vua và thậm chí bỏ đói (có học giả cho là hơi phóng đại) của các triều sứ quân – ví dụ thời chiến quốc, tranh hùng – thì sự hỗ trợ của những Yoritomo – Lại Nguyên Triều, Nobunaga – Tín Trường hay Hideyoshi – Tú Cát cho hoàng gia đầy hào phóng và lịch thiệp là đàng khác!

Nhưng tiếc thay, nhận định về phía nhân dân, cụ thể là đời sống nông dân Nhật Bản, đặc biệt vào cuối thời Heian, hầu hết nếu không nói là tất cả các sử gia đều một giọng công phẫn và xót xa. Trên có một tầng lớp sang trọng, hâm mộ một nền văn hoá quý tộc đáng gọi là có đẳng cấp thế giới đương đại và một bộ mặt tôn giáo tôn nghiêm và mỹ lệ nức tiếng, được các nước từ Triều Tiên, Trung Hoa và thậm chí các tiểu quốc vùng Trung Á, Thiên Trúc kính ngưỡng mà bên dưới là sự cùng khổ của lê dân không nếm được Hoàng ân lẫn Phật ân, tới độ bỏ cả làng mạc điêu tàn sau lưng mà gia nhập vào đội quân đói khát, sớm từ thân thế bần cùng hoá trở thành đạo tặc hoá.

Trong thực tế dù được yêu mến và thậm chí ngưỡng mộ, các Thiên hoàng không phải đạo đức cao dày đặc biệt gì – các ngài khi có thế lực vẫn chia vinh quang cho ai có giọt máu đào (quý tộc) hơn là ao nước lã (bình dân) đấy thôi –, họ cũng không phải là bậc tài năng, trác tuyệt gì (tài ba của phần lớn các quốc vương Phù Tang loanh quanh qua tài thư pháp, làm thơ waka, vẽ tranh thuỷ mặc, huyền đàm về Phật pháp, cúng lễ đúng phép tắc thần đạo – một khuôn mặt lớn như ngài Shotoku, bậc đạo hạnh và trí thức của thời đại là của hiếm và ngay như uy tín và uy nghi một bậc quân vương đáng quý trọng và nổi tiếng thế giới, Minh Trị Thiên hoàng, trong thực tế đã bị thổi phồng, như những công trình lịch sử hiện đại phát hiện và tôi sẽ bình thêm trong loạt bài đợt hai cùng chủ đề – trừ một vài ngoại lệ có khí phách, cố xoay xở vùng lên một cách anh hùng, để rồi hoặc thành công một thời gian và quay lại như cũ, thậm chí cá biệt có ngài thất thủ, phải hy sinh).

“Cái may” của các đức Thiên hoàng là cơ hội lèo lái đất nước gần như không có, nên không dễ bị quy trách nhiệm. Nhân dân khó lòng ta thán Thiên hoàng, nhất là khi biết có ngài ở độ tuổi 7, 8 khi lên ngôi và có thể nhường ngôi cho người khác bất cứ lúc nào và khi có có con trai đầu lòng mà bản thân mới trên dưới 20 thì có vị bị buộc trở thành… thái thượng hoàng. Thử tưởng tượng một cậu bé được yêu cầu “ký tên” với cương vị Thiên hoàng vào một chỉ dụ hệ trọng có tầm quốc sự mà người trình là đại quyền thần cả nước không ai dám nhìn thẳng mặt, kiêm tư cách ông ngoại của chính mình! Quyền lực, của cải và giang sơn nằm trong tay bầy tôi và với thân phận trưởng ban tế lễ nhà nước, ăn lương bổng công chức do bầy tôi quyền thần phát cho – đã có thời người phát lương bận uýnh nhau quên cả phát lương vua và các sử gia cẩn trọng chép cả chuyện có Thiên hoàng lên ngôi phải dời ngày và có ngài băng hà, việc tống táng gác lại dài ngày vì không đủ tài chính! Tất cả giải thích khuynh hướng đồng cảm và thiện cảm người Nhật dành cho thân phận các đức vua bị xử ép của mình. Sau 1945, khó nói huyền thoại Nữ Thần Mặt Trời (tiếng Anh: The Sun Goddess) và gốc gác thánh thần của hoàng gia còn nguyên vẹn trong lòng người Nhật, một khi đích thân Thiên hoàng Hirohito đọc lời tuyên bố thừa nhận thất trận và xác nhận hoàng gia và Thiên hoàng không phải gốc gác thần linh, mà là một con người bình thường như mọi người dân Nhật Bản khác. Nhưng ngay trong tình huống bi đát này, vị Thiên hoàng mà tư liệu lịch sử hiện đại soi sáng thêm cho thấy đã tích cực, chủ động đốc suất và lãnh đạo quân đội Nhật trong các cuộc chiến Mãn Châu, Đài Loan, Đông Nam Á đầy tai tiếng và tham chiến cùng các siêu độc tài Hitler và Mussolini trong Thế Chiến thứ hai, vẫn được một đa số nhân dân không có thái độ lên án quá gay gắt – ít nhất về mặt công khai. Tâm lý cùng chịu chung trách nhiệm, tránh đổ hậu quả lên đầu nhau, một chút tôn quân mù quáng, tránh đổ sụp một biểu tượng hay hệ quả của một cuộc dàn xếp vô tiền khoáng hậu của người chiến thắng và phe thua cuộc? Tôi bổ sung một ý: có sự đóng góp của cái mà người ta vẫn gọi là tình cảm “phù suy” trong tính cách Nhật Bản, vốn không xa lạ với người Việt ta. Một chủ nghĩa phù suy có thể là thái độ nhẹ dạ, phi lý tính thiên cổ của lớp thường dân không quen phân tích và dễ quên sự kiện. Nhưng biết đâu được – như lịch sử và thực tế vẫn chứng minh – thay thế bằng lòng hận thù và sự chỉ trích quá rạch ròi, khắc nghiệt lại dẫn tới một ngõ cụt khác.

Các màn gom góp tài sản, ruộng đất và tranh giành quyền lực dần dà dẫn tới chuyện quyền lực họ tộc Furiwara – Đằng Nguyên suy vi, phản ứng kịch liệt của các tầng lớp lãnh chúa địa phương (gọi là Daimyo – Đại danh), uy tín tầng lớp samurai tăng lên – đến độ cả hoàng gia và thế lực quyền thần phải mời vũ sĩ địa phương về bảo vệ kinh đô và tài sản của mình để vô tình tự đào mồ chôn giai cấp và địa vị thống trị của chính mình –, song song với tình trạng bần cùng hoá và “đạo tặc hoá” nhân dân, vốn đang cùng đường sống – cái tình huống ở một số địa phương vào một số thời kỳ ở nông thôn xứ ta sau 1975 được thi hoá một cách tài tình qua tấm bảng (ở Long An còn có chuyện thay bằng một tấm bandrole rách te tái nữa kia) kẻ ăn trộm bất đắc dĩ để lại cho khổ chủ rằng “bần cùng sinh đạo tặc – không ăn trộm thì lấy con cặc gì mà ăn”. Hiện tượng đạo tặc làm thơ đầy chua chát, nhưng không thể nói là không thú vị. Và ít ai ngờ vụ việc – dù không có minh hoạ bằng thơ Haiku – đạo tặc do túng đói quy mô lớn từng xảy ở Nhật không chỉ đôi lần. Và hoá ra chính quyền Nhật trước khi tạo ra nạn đói trên đất thuộc địa (tôi muốn nói trận đói năm Ất Dậu ở miền Bắc nước ta vào năm 1975) đã từng tạo ra không ít nạn đói thảm khốc cho chính đồng bào mình.

4. THỜI KỲ MẠC PHỦ (BAKUFU) KÉO DÀI TỪ CUỐI THẾ KỶ 12 TẬN GIỮA THẾ KỶ 19, BẮT ĐẦU VỚI TƯỚNG QUÂN NGUYÊN LẠI TRIỀU (YORITOMO)

(Trong tiểu mục này, tôi gác phần từ thời kỳ ba vị công đầu trong sự nghiệp thống nhất Nhật Bản là Nobunaga – Tín Trường, Hideyoshi – Tú Cát và Ieyasu – Gia Khang và một Nhật Bản thống nhất dưới quyền họ tộc Tokugawa – Đức Xuyên bàn sau).

Sau khi diệt được dòng Taira, Bình Thị (Gen-chi), địch thủ cuối cùng, cả thiện hạ hướng về mình, vị tướng quân và nhà chính trị dòng Minamoto, Nguyên Thị (Hei-chi) – có thể xem công nghiệp của Nguyên Lại Triều (Yoritomo) mang sứ mạng của một nhà cách mạng – xắn tay thực hiện đại kế hoạch thống nhất và ổn định quốc gia. Chết quá sớm (tại vị chính thức chỉ 14 năm, từ 1181 tới 1199) và còn lẫn một trang tiểu sử bị thiên hạ đàm tiếu: để tập trung toàn bộ quyền lực vị anh hùng đã có một hành vi chẳng anh hùng tí nào, cho giết người em ruột – Nguyên Nghĩa Kinh (Yoshitsune) – vốn là một đại tướng tài ba, tận lực chia sẻ, phục vụ công nghiệp vĩ đại của anh mình và không hề có ý phản trắc. Thực tế một ông chú và một người em ruột nữa (Nguyên Phạm Lại – Noriyori) cũng là nạn nhân của Yoritomo, đến độ các sử gia cho ông đã tự tận diệt những thành viên xuất sắc của dòng họ, nên không còn ai bảo vệ máu mủ của chính mình chỉ sau đó vài năm (nạn nhân bao gồm con trai đầu – Nguyên Lại Gia (Minatomo Yoriye), hai cháu nội chết về bà con bên ngoại, còn em trai út nối ngôi – Nguyên Thực Triều (Minamoto Sanetomo) – do một tên manh động cùng dòng Nguyên Thị hạ sát). Thế nhưng cương lĩnh chính trị đúng đắn, cấu trúc hành chánh cơ động và đầy hiệu quả làm mẫu mực nhiều đời shogun và các chủ trương, luật pháp mới tách giới quý tộc ra khỏi quyền đương nhiên hưởng chức vụ và quyền lực nhờ huyết thống đã hưng phấn sức dân và khơi lòng trung thành tuyệt đối của giới vũ sĩ – bushido, tạo ra một bước ngoặt tiến bộ không thể quay ngược lại trong lịch sử Nhật Bản.

Chúng ta thử điểm qua vài nội dung chủ yếu mà một Nguyên Lại Triều lúc còn tuổi trẻ nhiệt tình, bận bịu tranh đấu đã đủ độ thâm trầm, cơ mưu và sáng trí hoạch định:

– với Thiên hoàng, chủ trương “tôn quân”, chăm sóc hào hiệp, hào phóng, ủng hộ các nghi thức tế lễ, giữ danh giá cho hoàng gia (tất nhiên cùng với biện pháp vô hiệu hoá các âm mưu của các bè nhóm quý tộc, cựu thần và cả Thiên hoàng về mặt chính trị)

– với quốc gia, lấy khẩu hiệu thống nhất, chấm dứt xung đột, đem lại thanh bình cho đất nước

– với nông dân, chỉnh sửa lại các quy định điền sản, phân bố lại đất đai và lập ban bệ giải quyết kịp thời khiếu nại, bất công của dân

– với bộ máy hành chánh, giữ lại vài chức sắc cai trị truyền thống, nhưng đặt một quan chức vũ sĩ thân tín đi kém và nắm quyền quyết định

– với lực lượng trung thành nhất – giai cấp võ sĩ đạo – một mặt sử dụng, bổ sung vào bộ máy quan chức; mặt khác, biến kỷ luật và đạo đức vũ sĩ thành một thứ đạo sống và làm việc, không chỉ trong nội bộ đoàn thể samurai mà thành một thứ quốc khí, quốc hồn trong toàn dân vốn chính là người sinh ra những đứa con kiêu dũng, chơn chất, tận tuỵ mang tinh thần thời đại này.

Sau cái chết của Nguyên Lại Triều, quyền lực gần như ngay lập tức lọt vào gia đình vợ ông ta, gia tộc Bắc Điều (Hojo), qua sự đồng tình của vợ ông – bà Bắc Điều Chính Tử (Hojo Masako). Tôi muốn có vài lời bình về sự kiện quan trọng này. Thông thường một sự “thoán quyền” như thế tất dẫn tới dị nghị và bất mãn. Những sự cố bi đát đã nối nhau xuất hiện, vài cuộc nổi loạn của các trung thần bất sự nhị quân sớm xảy ra và cái chết thương tâm của những người cầm đầu là không tránh khỏi. Một cuộc lật đổ do chính thượng hoàng Hậu Điểu Hà xách động cũng bị dập tắt. Trong nội bộ Mạc Phủ, bà Chính Tử cũng đồng ý lập một dạng hội đồng chấp chính tham mưu và kềm chế đứa con ruột (Nguyên Lại Gia – Minamoto Yoriye) trẻ con, kém tài, tránh hậu hoạn về sau mà ba thành viên chủ chốt là mẹ, ông ngoại và cậu ruột cùng một họ: Hojo – Bắc Điều. Và người đàn bà nắm quyền lực có phần bất đắc dĩ này – người vẫn được lịch sử dành nhiều cảm tình – còn không ngăn kịp sự manh động của con, không bảo vệ được tính mạng của con trai phải chết về tay Bắc Điều Thời Chính (Hojo Tokimasa), con người của cơ mưu, là ông ngoại và Nghĩa Thời (Yoshitoki), người cậu ruột đầy tài năng và bản lĩnh chính trị. Ngôi tướng quân rơi vào người em ruột (Nguyên Thực Triều – Minamoto Sanetomo), tuổi còn bé hơn người tiền nhiệm, càng dễ bị khống chế. Quyền lực đã được định đoạt minh bạch, đúng model chính trị Phù Tang.

Vậy chỗ cần bình là ở đâu? Trước hết quy về gốc gác quan hệ của các phía liên quan. Bắc Điều không phải là nhân vật vô danh. Ông ta thuộc một dòng họ quý tộc danh giá – nhiều nguồn tin thậm chí xác định ông là con một hoàng tử, có nguồn chính thức xếp ông vào dòng Bình Thị, vốn có cựu thù với dòng Nguyên Thị. Với Nguyên Lại Triều, ông là người dũng cảm đón về một chàng trai dù gốc lớn – dòng Nguyên Thị, dòng duy nhất đối trọng được với họ tộc Bình Thị lẫy lừng là gốc gác của chính gia đình ông –, nhưng đang tứ cố vô thân và lý lịch dòng “nội phản”. Không chỉ bảo trợ, Bắc Điều Thời Chính gả con gái đầu và chia sẻ giấc mơ phục hồi công nghiệp cha ông của chàng rể cưng. Không chỉ đầu tư vật lực, vũ khí mà cả uy tín, nhân lực. Cha con Bắc Điều đều là người thông minh, cơ mưu và có thể nói có chí lớn hơn người và đều toàn tâm ủng hộ sự nghiệp lớn của Nguyên Lại Triều. Nổi bật nhất là người con trai Nghĩa Thời (Hojo Yoshitoki) đã nhắc ở trên, người sẽ cùng bà Chính Tử (vợ goá người anh hùng) và người cha đầy mưu lược tiếp tục chu toàn đại nghiệp (Hojo Tokimasa là quân sư thời “kháng chiến” của Nguyên Lại Triều và nhà kiến thiết chính cho dòng họ Bắc Điều danh tiếng lẫy lừng, dù sau đó ông bị con gái và con trai ép phải “về hưu” để an lòng dân và giới sứ quân các địa phương – họ quy cho ông tội “thí quân” và lộng quyền). Tiếp tục còn có Bắc Điều Nghĩa Thời (Hojo Yasutaki) cũng có đức độ và tài trị dân, an quốc (mất năm 1246) là tác giả Luật “Trinh Vĩnh Thức Mục” (Joei Shikimoku) nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, xác định rành mạch giữa ngành lập pháp và tư pháp. Dòng này còn một vài thành viên cũng được lịch sử đánh giá cao, đặc biệt sứ quân Bắc Điều Thời Lại (Hojo Tokiyori, ở ngôi từ 1246 đến 1256) là một con người tài đức vẹn toàn, sống đạm bạc, đặt ra luật lệ, quy định đất đai nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân thấp cổ bé miệng. Có lẽ đó là ngọn lửa vĩ nhân loé lên của dòng họ Bắc Điều trước khi lụi tàn sau sự kiện kháng quân Nguyên Mông (đây là thời kỳ Bắc Điều Thời Tông – Hojo Tokimune làm sứ quân, từ 1268 đến 1284), bất lực trước ý chí giành lại quyền lực – dù ngắn hạn – của vị Thiên hoàng quả cảm Hồ Thể Hà cùng một loạt xung đột kết thúc với quyền lực mới mang tên họ tộc Ashikaga – Túc Lợi. Cái chết bi thảm của sứ quân cuối cùng, Bắc Điều Cao Thời (Hojo Takatoki), một người nổi tiếng về tài ăn chơi và thú “đấu chó” đầy tai tiếng là không tránh khỏi (vị này đã cùng với 300 thân nhân mổ bụng tự sát – người Nhật gọi là seppuku (thiết phúc) hay harakiri –, không một ai chịu đầu hàng – có vẻ là hành động duy nhất và muộn màng có dáng dấp lẫm liệt kiểu Phù Tang của một sứ quân thiếu tài năng và kém đức độ!).

Trừ số thành viên bạc nhược và cốt cách quá đổi tầm thường, những kẻ “tiếm quyền” hoá ra là những nhà chính trị già cơ và nhà hành chánh đầy hiệu quả. Và cầm chắc con cáo già Bắc Điều Thời Chính (liên tưởng một Trần Thủ Độ của nước ta) đã ý thức được canh bạc lớn của mình từ khi mở vòng tay đón chào chàng trai Nguyên Lại Triều trên đường lỡ vận, đóng vai trò quân sư trong kháng chiến và tôi cho rằng việc Nguyên Lại Triều nỡ ra tay hạ sát hai người em trai công lao hãn mã biết đâu cũng từ tham vấn của bậc quân sư kiêm nhạc gia, có tầm nhìn xa này. Sự tiến thoái, nhượng bộ – có khi là bề ngoài –, uy tín trong thiên hạ của bà Chính Tử còn mặn mà và khả năng quân sự, quản lý của các thành viên dòng Bắc Điều không phải tay vừa. Tất cả tựu trung làm được điều mà anh hùng thiên hạ phải chứng minh là dẹp được loạn, đối phó và trung lập hoá các phe nhóm, tiếp tục ngọn cờ tôn quân, tránh gây xáo trộn đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế sản xuất đang đi đúng đường.

Cha con Bắc Điều làm được điều này và vì vậy lịch sử cần và đã ghi công cho họ. Duy trì quyền lực với hơn một thế kỷ thế kỷ, được lịch sử thừa nhận là có những nhà cai trị xuất chúng trong đất nước của quần hùng, nhà nhà dấy loạn, xứ xứ dấy quân không thể là sự nghiệp của kẻ bất tài, vô chí.

Dù vậy, trừ non thế kỷ đầu an được lòng dân và có thành tựu ở nhiều mặt, thế lực, dòng Bắc Điều yếu dần do lối sống thụ hưởng, co cụm ở kinh đô và nhiều vị chấp chính đã xem đất nước và bá tánh như nguồn lao động nô lệ chỉ tồn tại để đóng sưu thuế. Như lưu ý ở trên vụ tấn công của quân Mông Cổ là hồi chuông báo việc không gượng dậy nổi của nhà Bắc Điều. Sự thực Nhật Bản đã thắng quân Nguyên với sự hỗ trợ của Thần Phong, nhưng có hai việc dẫn tới thất bại chung cục cho chế độ. Một sự việc ngay trước mắt: nhà Bắc Điều không giải quyết được khâu ban thưởng cho quân đội – tức giới võ sĩ – một cách xứng đáng, cộng thêm một việc như đổ dầu vào lửa của Thiên hoàng: quy công lớn chiến thắng cho thần linh và chư Phật mà người lĩnh thưởng thay tất nhiên là giới tăng lữ Shinto và Phật giáo; điều gây căm giận cho những người trực tiếp chiến đấu. Một mô tả của người đương thời về tiếng chuông của hàng trăm chùa lớn ở Nara, Kyoto cùng hàng ngàn tiếng chuông phụ hoạ từ chùa lớn, chùa bé khắp thôn làng, thị trấn trên đất Phù Tang vang lên, cầu nguyện Phật Thánh xua đuổi quân xâm lăng gây ấn tượng cho cả người đời nay, nhưng giá như ai đó bảo giặc Mông Cổ khiếp sợ có phần do loạt chuông chùa này thì quả là thơ ngây và mê tín. Điều thứ hai có tính quyết định nữa là do lo ngại quân Mông – Nguyên trở lại, các đời tướng quân Bắc Điều đầu tư rất lớn cho việc xây cất đê chắn và đồn luỹ dọc bờ biển, tăng thuế, tăng quân và ở thế phòng bị thụ động hàng chục năm; hệ quả là nền kinh tế trì trệ dần, dân và quân đều có lòng oán thán.

Các đời tướng quân thời mạt kỳ có thái độ chính trị tiêu cực với không khí nội loạn, bất phục tùng của quan chức và lĩnh chủ địa phương – đặc biệt sôi sục trong giới võ sĩ –, có vị tự về hưu sớm vui thú trong cảnh đại điền viên, thậm chí cảnh đại tự vun quen bao đời từ tài sản quốc gia, thuế má và lao động của nhân dân và của cải triệt hạ từ địch thủ chính trị. Quyền lực kết thúc chỉ là vấn đề thời gian. Khi các sứ quân, đại danh mọc lên như nấm và mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ Ashikaga, tợ như hình ảnh các tiểu vương Trung Đông nổi lên vào thời loạn cũng là bối cảnh cho thời đại Chiến Quốc (Sengoku) kéo dài suốt cả thế kỷ 16. Đất nước tan hoang, đến Thiên hoàng và quý tộc cũng nếm mùi thiếu ăn thiếu mặc. Sứ quân hùng mạnh và có ý chí thống nhất quốc gia Nobunaga được mật chỉ kéo về kinh đô làm sứ mạng Cần Vương. Ông này đủ bản lĩnh để hoàn thành sứ mạng bất khả thi, còn thừa sức dập tắt liên minh của các sứ quân, lĩnh chủ khác. Công lao Nobunaga được đánh giá cao và lịch sử thừa nhận là một bậc anh hùng cái thế, thực tế chính nhân vật này mới là người tạo dựng cơ sở cho công cuộc thống nhất quốc gia của Hideyoshi và Ieyesu trong vài thập kỷ tới. Khuyết điểm nặng nề còn bị nhắc nhở của Nobunaga là mấy vụ triệt hạ các đại tự, bách hại hàng nghìn sư sãi – mà ban đầu thực chất có tính chính trị hơn là tôn giáo (Nobunaga căm ghét thói vọng động, hiếu chiến của các thế hệ tăng binh, phần nào các nhóm đại tự câu kết với các thế lực dối địch với ông). Nóng nảy, tàn nhẫn, không phân biệt thế lực chính trị địch thủ núp sau cửa thiền với đội ngũ tăng ni vô tội, lại xúc phạm chốn am thiền đã vấy lên sự nghiệp của nhân vật lớn này một vết đen khó xoá được. Cái chết đột ngột của Nobunaga do bị sự phản bội của viên tuỳ tướng gây nhiều thương tiếc, dù sau đó được Hideyoshi trả thù một cách đích đáng. Hideyoshi kế tục sự nghiệp của chủ tướng một cách xuất sắc nhưng cũng chết dở chừng sự nghiệp, trước khi kịp thực hiện sự nghiệp đại phiêu lưu “xâm chiếm Trung Hoa và Triều Tiên” mang hơi hướm của các cuộc chiến tranh quân phiệt vào các thế kỷ sau. Điều lạ là nếu Nabunaga quá nặng tay với nhà chùa thì Hideyoshi là một trong những người cấm đạo Thiên Chúa sớm và gay gắt nhất.

Thời của nhân vật thứ ba, thỉnh thoảng được nhắc – ngài Iayesu – đã đến! Đây là vị sẽ sáng lập ra triều đại Tokugawa – Đức Xuyên, đất nước Nhật Bản được thống nhất và hoà bình, kéo dài 250 năm tới tận giữa thế kỷ thứ 19, thời kỳ được mệnh danh là Bế Quan Toả Cảng, một cái tên khá tai tiếng. Tướng quân Iayesu không phải không thấy tính tích cực của ngoại thương với các thương nhân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan trước đó, nhưng những tính toán cho sự tồn vong của chính dòng họ mình – tự do buôn bán với nước ngoài sẽ làm cho các lãnh chúa địa phương các vùng cảng, dọc duyên hải (Trường Kỳ – Nagasaki là một ví dụ) mạnh lên, trở thành một hiểm hoạ cho nhà Tokugawa và tình hình đất nươc vừa thống nhật sau bao thế kỷ nội loạn – cộng với xu hướng lo lắng hoạ phương Tây của không ít người Nhật vào thời kỳ đó. Chính triều đại này đã chấm dứt hoạt động giao thương khá sôi nổi và thường xuyên giữa thương buôn Nhật Bản và thương cảng Hội An (Faifo) xứ ta.

Riêng phần chính trị của thời cận và hiện đại, gồm từ thời Tokugawa (1603-1868), chuyển sang cuộc Duy Tân nổi tiếng thời Minh Trị (1868- -1912) và phần Nhật Bản trải qua hai cuộc thế chiến – như tôi đã thưa trước – sẽ được điểm qua ở đầu phần Phụ Lục.

Comments are closed.