Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng (25): Văn chương Nguyễn Huy Thiệp – thông điệp của đắng cay và hy vọng

Nguyễn Thanh Văn

LẠI NÓI CHUYỆN CHÍNH DIỆN VÀ PHẢN DIỆN

Chuyện hai nhân vật đang nhắc lại giúp nối kết được với nhân vật tôi cho cũng xứng đáng được xếp là nhân vật chính (cô này có thể xem cùng “trọng lượng”, đối xứng được với nhân vật tướng về hưu – người chồng chủ yếu đóng vai người dẫn chuyện): Thuỷ, vợ nhân vật xưng tôi. Chính cô bác sĩ khoa sản này tình cờ gặp họ đang lúc nhà tan cửa nát, lang thang và đưa về nhà. Không khó nhận ra sự tính toán hợp lý – một tính cách của Thuỷ suốt câu chuyện – trong đó. Một hình thức tuyển phục vụ, làm bất kể giờ giấc. Vừa như người nhà, nhưng vẫn lĩnh “lương tháng” đều đặn. Khiếu kinh doanh, tính toán lạnh lùng, Thuỷ cầm chịch kinh tế gia đình và cầm chịch được… chồng mà gia đình vẫn trong ấm ngoài êm. Như chúng ta đã biết đây là người có sáng kiến đưa nhau thai nhi (cả khi còn “nguyên con”) từ khoa sản về bồi bổ cho heo và chó để bán – chi tiết “mang tiếng” nhất trong truyện Nguyễn Huy Thiệp – và được đa số bạn đọc xem là nhân vật phản diện, vô cảm đối lại với tâm hồn cương trực, giàu tình cảm của tướng về hưu; thậm chí nghịch với người chồng có không thiếu gì những phẩm chất của người trí thức: trăn trở, lừng khừng và… hay khóc. Trong truyện ông bố đời đầy sóng gió khóc hai lần và ông con cuộc sống êm xuôi – có điều kiện ăn học nhờ phúc của bố, có gia đình nhờ phúc vợ – lại khóc và nghẹn ngào nhiều hơn.

Liên quan nhân vật Thuỷ, việc cô “cầm chịch” chồng hơi nhiều dễ chạm tự ái nam độc giả. Sự đồng cảm với bố con người kể chuyện rất có thể biến thành ác cảm với nhân vật Thuỷ. Tuy nhiên, khi đọc kỹ văn bản nhiều lần, tôi cho là không thể quy kết nhân vật nữ này là một dạng “phản diện” theo cách nói ta đã quen. Thứ nhất, Thiệp không theo lối viết thương ghét, xấu tốt phân minh. Nghệ sĩ không tiếp cận nhân vật có vấn đề bằng lòng căm ghét. Tính thẩm mỹ không cho phép sự thiếu công bằng. Và nhân vật, tức con người, đều “sinh ra vốn bình đẳng” trong văn chương nghệ thuật. Thứ hai, đơn giản Thuỷ là một nhân vật có phẩm chất, là nhân vật tích cực nếu thích diễn tả như vậy. Nhược điểm lớn nhất của cô là không hoàn hảo, nghĩa là y hệt chúng ta. Và nếu trong môi trường xã hội truyền thống, bình thường, một ngành phải ăn học gai góc, lao động căng thẳng như ngành y khoa được nhận đồng lương xứng đáng, hẳn chúng ta đã có một nhân vật nữ cũng “truyền thống”, khả ái, nề nếp và được cả Hà Nội tin cậy và yêu mến. Cái thân phận người đàn bà bé mọn trước cơn dông bão liên thời đại làm cho những bậc hảo hán, trí thức như anh chồng kỹ sư và bố chồng tướng quân một phen lù mù, bất quyết. Không là mẫu u nhà chỉ giỏi mau nước mắt, hay hình ảnh người phụ nữ xanh xao, vật vờ ra vào chờ tin người chồng phương xa gửi tiền chu cấp, nhân vật của Thiệp đứng lên, lao vào cuộc chơi của thương trường mới, chống giữ cho mái nhà đứng được trước cơn lốc vô cảm của thời hậu chiến phi kế hoạch và phi dự phóng. Chính nhân vật nữ của Tướng về hưu đã chăm sóc việc ăn học êm ả cho hai con nhỏ, đảm bảo cho chồng có cả thuốc lá Galăng để hút, trả “lương” cho người làm, bù các khoản bố chồng chi và vô số khoản khác. Trong suốt thiên truyện nhân vật Thủy không có lời lẽ nào xúc phạm chồng và bố mẹ chồng.

Bạn đọc đọc kỹ có thể nhận ra tính cách hào phóng của Thuỷ, dù rất nguyên tắc khi tính toán – bắt ông Bòng, vai chú bác ruột, ký tên khi vay nợ là một ví dụ (tay này chửi đổng, kí tên rồi cũng… xù nợ đó thôi!). Thuỷ bảo bố con cô Lài trả lại bố chồng hai ngàn ông cho để về quê bốc mộ, cho lại hai ngàn này kèm thêm năm ngàn nữa… dằn túi. Có thể đoán đúng tính cách tính toán, đầu tư của chủ nghĩa kinh doanh tân thời, các món tiền phúc lợi này đều đã hạch toán trong mồ hôi của người làm cả. Nhưng so với cái nghèo thâm căn cố đế ám ảnh cả ngàn trang sách của Nam Cao và văn học 1930-1945 và tính ki cóp như một hệ quả của nó, thì sự bóc lột có chính sách và tí nghĩa tình này lại còn tốt chán!

Tất nhiên, tôi chẳng dại dột gì mà để bạn đọc còn dạt dào tình cảm phù suy quy cho cái tội ủng hộ làm tiền với mọi giá. Thiệp không bỏ sót chi tiết liên quan sự có mặt của một con bạch tuộc thường làm nhiệm vụ “chim báo bão”: báo hiệu thời đô la hoá mọi sự, mọi nhà, mọi người đang tới (đây là một trong những “nội dung” của cái tít “Không có vua” – trích mấy câu thoại khi Tốn nhận tiền lì xì Tết: “Tốn cầm tiền giơ lên ánh đèn, hỏi: “Tiền à?”. Khiêm bảo: “Ừ”. Tốn hỏi: “Tiền là gì?”. Khiêm bảo: “Là vua””). Không nhắc lại cái chi tiết “rau thai nhi” quá đáng kinh hãi, và cần chi chuyện cũng bình thường thôi khi Thuỷ yêu cầu bậc cha chú mượn tiền phải cho xin chữ ký, ngay giữa hai thành viên khấm khá chữ nghĩa nhất họ tộc – Đoài và Khảm – thì khi Khảm chịu giới thiệu bạn gái là Mỹ Trinh cho anh trai, đã cẩn thận hỏi: “Nếu anh tán được, thưởng em cái gì?”. Đoài bảo: “Thưởng cái đồng hồ”. Khảm bảo: “Được rồi. Anh ghi cho em mấy chữ làm bằng”. Các bạn kiên nhẫn cùng tôi đọc nội dung cam kết của hai anh em họ Sĩ, như sau: “Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ trị giá ba nghìn đồng. Lấy Mỹ Trinh, thưởng 5% của hồi môn. Ngày… tháng… năm… Nguyễn Sĩ Đoài” (kể ra Thiệp đã có kềm chế giọng trào phúng của mình, nên trong truyện không để Đoài hứa chắc sẽ có cả dấu triện xác nhận của Phòng Giáo dục quận Đống Đa hay quận Hoàn Kiếm gì đó). Một lần nữa những chi tiết đầy “sống sượng” của tác giả nhắc ta nhớ tới cái trần trụi của dòng văn học hiện thực phê phán 30-45 và các tiền bối Balzac, Maupassant tận trời Tây. Vũ Trọng Phụng trong truyện ngắn Bộ răng vàng còn tả một cách trần trụi chuyện bố chết chưa khâm liệm, hai anh em còn tính toán chia gia tài, đến lúc khuya khoắt bỗng phát hiện ra nhau – cả hai cùng cùng có kế hoạch hệt nhau: cạy bộ răng mạ vàng của bố kẻo… phí của! Nhân vật của tiền bối Vũ Trọng Phụng đúng là tán tận lương tâm và xét ra đám con nhà họ Sĩ dưới tay chăm bẳm của hậu bối Nguyễn Huy Thiệp lại có tình và có chỗ để thương.

Phân tích hay phân trần thêm chắc không cần thiết. Về góc độ cá nhân – xin lỗi – típ đàn bà như ma-đam Thuỷ không hạp nhãn tôi cho lắm, còn chuyện dạng mơ mơ màng màng kiểu tôi không có tên trong từ điển của quý bà thì khỏi nói cũng rõ! Vấn đề là tôi tin trong Tướng về hưu Nguyễn Huy Thiệp không hề chống lại nhân vật nữ của mình. Có chăng khác với nhân vật Sinh trong Không có vua dịu dàng, đầy nữ tính mà Thiệp có thể thấy người đàn ông trong ông có khi che chở được chăng, thì nhân vật nữ của Tướng về hưu hình như không có nhu cầu cần một bờ vai đàn ông để tựa. Điều mà phân tâm học và tâm lý học đã chỉ ra này xúc phạm tâm lý giới mày râu muốn chơi một lần hai vai: trẻ con – anh hùng. Vậy chỗ nhùng nhẳng là có ý thức hay không, Thiệp đã ghi hình được hình ảnh với những tính cách vừa táo tợn, manh động vừa tích cực, hiệu quả, dám nhận trách nhiệm của một típ người mới không chịu ì ra, nép mình và làm người thua cuộc. Một bước đi còn mang tính phản ứng, chưa hệ thống, nhưng là hướng đi khó cưỡng lại của thời đại mà Thiệp đã “ngửi” được. Đấy là “mặt phải”của nhân vật Thuỷ! Nhận ra chỗ “vận động” của luật chơi và luật sống đang khơi khơi chường mặt giữa phố xá, chính xác là ngay dưới mái nhà mình, nhân vật tôi – thấp thoáng tư cách phát ngôn viên của tác giả – đã để cho vợ điều động toàn bộ việc nhà, gộp cả chuyện điều động… chồng! Lừng khừng, bất lực như bàn ở trên hay bất đắc dĩ nhận ra cái mà dân Parisien gọi là “que sera sera” (có tố chất phương Đông hơn thì gọi là pháp môn “dĩ bất biến ứng vạn biến”).

Nên nhận ra Nguyễn Huy Thiệp cảnh giác rất cao xu hướng “thiên vị” của các lớp nhà văn tiền bối, khi người đọc nhận ra ngay thiện cảm và ác cảm của tác giả, điều này chẳng khác gì tác giả vừa chỉ mặt từng nhân vật vừa phán “thằng này chơi không được”, “hắn người rất tốt”, “con mẹ này vô lường, cẩn thận đấy”. Văn chương hiện đại không còn chuộng quyền uy của tác giả và xu hướng hậu hiện đại thẳng thừng đưa ra tra vấn “ông, bà là ai mà ngồi ghế chánh án kia chứ!”.

Những nhân vật không có bản án – nhà văn đâu phải là thuộc hạ cùa bộ tư pháp – không có nghĩa là dễ dàng lọt lưới trước sự dò xét của hàng triệu độc giả vốn không nhất thiết cần nghiên cứu luật pháp sâu xa. Cái bạn đọc cần là kinh nghiệm sống và sự tinh tế.

Nghe thử giọng một nhân vật (Đoài – Không có vua) chì chiết bố đẻ làm nghề vá xe “miếng vá xăm đáng một chục tương lên ba chục thì có [đạo] đức đấy” – xin hiểu ông bố này dù sao đã cặm cụi vã cả mồ hôi lo “hạ tầng cơ sở” để đào tạo ra một nhân viên ngành giáo dục. Câu “đấu tố” này nhằm đáp lại câu mỉa mai của Lão Kiền “…từ tao ngược lên, nhà chưa có ai làm gì thất đức”. Đoài nói về em trai là người bỏ học sớm, làm nghề mổ lợn, mỗi năm đóng 250 kí lòng và thịt lợn cho gia đình (vào thời công nhân viên chức nhận suất tháng trên dưới một kí): “Trước sau cũng vào tù thôi. Cái thằng ấy tôi đã thấy trước tương lai của nó. Ít cũng sáu năm tù” dù trong cái suất cơm hàng ngày ăn trưa ở phòng giáo dục của Đoài nén chặt những lòng và thịt lợn của người bị anh ta gieo cho quẻ chắc chắn ở tù, đem về.

Đọc truyện trực tiếp mà vẫn chưa nhận ra nhân dạng nhân vật Thiệp đã dày công tô vẽ, xây dựng thì chẳng rõ là dạng bạn đọc nào. Đến ông hàng xóm chữ nghĩa chẳng nhiều chỉ qua thăm tết hàng xóm dăm phút, nói dăm câu ba chữ cũng mất đúng một từ để nhận xét nhân vật có học tên Đoài “Loạn!” (“tiếng Bắc Hà” quả nhiên lợi hại – người Huế quê tôi ít nhất mất từ ba tới năm chữ “quân vô hậu”, “đồ vô hậu kế đợi”). Và không nhận ra cái lò sản xuất ra thứ khẩu nghiệp – cả nhà họ Sĩ này (Sĩ Kiền, Sĩ Đoài, Sĩ Khảm…) đều là dân ác khẩu – của đám con đều từ công ty hữu hạn “Sĩ Kiền Company” mà ra cả thôi thì mạn phép lặp lại lần nữa quả uổng công phu đẽo gọt của tác giả.

Xin trích vài mẫu hàng do đích thân ông bố làm mẫu. Khi bị Khiêm ném cái gạt tàn thuốc lá  làm gãy răng, Cấn giơ nắm đấm trước mặt lão Kiền, doạ: “Ông liệu tống thằng ấy ra khỏi nhà này, không tôi giết nó”, lão Kiền độp ngay một câu đầy ấn tượng: “Chúng mày cứ giết nhau đi, tao càng mừng”. Và khi Cấn và Khảm nghi oan người ta trộm chiếc nhẫn, rủ nhau tới tận nhà đánh, đòi của, lão Kiền nhắc con: “Mang theo cái búa” và bằng trải nghiệm sự đời của bậc lão hảo hán ân cần dặn dò thêm: “Đừng đánh vào đầu. Nó chết thì tù mọt gông”. Đây là lời bình của bố về Khảm, cậu con áp út mà theo lời kể trong truyện xem ra vẫn còn chí thú học hành: “Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi”. Phần chân dung trí thức Đoài, lão cũng cùng giọng: “Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!”. Không chỉ dè bỉu, lão Kiền còn biết pháp môn mà như tác giả nhận xét “lời khen lại quá lời chửi”. Thằng con cả – Cấn – là thương binh, hành nghề hớt tóc và sớm chia sẻ gánh nặng của bố, góp tiền nuôi em ăn học, được lão Kiền cấp bằng khen qua mấy lời vàng ngắn gọn kiểu lãnh tụ: “Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền!!”.

Có thể tưởng ra khi bước về nhà chồng, cô dâu nhà lành hẳn lờ mờ nhận ra “ở đây âm khí nặng nề”. Và từ những câu thoại độc địa cha con, anh em đốp chát nhau, có thể hiểu vì sao nhà Phật răn đe chúng sinh tránh xa tội “khẩu nghiệp”, “khẩu hành” bên cạnh các thứ nghiệp thân tâm tạo ra. Và để hiểu cái lý do mà thành viên duy nhất không chung dòng máu họ Sĩ – tôi muốn nói cô dâu, Sinh – sẽ chuyển thông điệp tha thứ mà Phật Chúa trên cao kia hằng nhắc nhở. Bằng cái thiên lương và trái tim trong trẻo, vô nhiễm mà tác giả có lòng tin cậy, gửi gắm, nàng đã trực cảm cái khẩu nghiệp vô độ của họ tộc nhà chồng vẫn chưa làm thui chột hẳn cái căn tâm vẫn còn hơi nóng, thiêm thiếp như đốm lửa lụi tàn dần trong bếp trấu, nhưng chưa diệt tận.

Vâng, hoá ra đọc cho tận tình thì mới hiểu có lúc người là ma, mà ma không thu hết được phép của người. Khi cơ địa, căn tính loài người ta chưa đạt được pháp nhãn để nhận thức thì xin khoan vội kết luận – điều mà tôi tin Thiệp đã vừa dụng công, vừa cố che giấu chỗ tử công phu của mình theo những yêu cầu nghiêm nhặt của văn chương và nghệ thuật hiện đại. Chỉ có thể lần ra từ những khe hở tinh tế gọi là chi tiết (chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn!) của nghề văn mà ngờ ngợ nhận ra hay nối kết các câu thoại hoặc nội dung kể chuyện rải rác suốt tuyến truyện.

Có một chi tiết nên nhắc liên quan cái chép miệng của nhân vật Thuỷ. Cô dâu của ông tướng về hưu không quen than thở cho giai cấp lao động bần hàn như cha chồng, đang cau có vì một người bà con bên chồng quỵt nợ nhưng lúc nghe chồng bảo “Anh đòi lại nhé”, bỗng buột miệng “Thôi xem như trả công. LÃO ẤY TỐT, NHƯNG NGHÈO” (tôi nhấn mạnh – NTV). Món tiền khá lớn (bốn ngàn theo thời giá) và lão Bổng có tiền sử… xù nợ với chính Thuỷ. Thế gian dễ có mấy lời! Không thiện tâm sao có thiện ngữ. Đúng là Thiệp có lộ thiện cảm với nhân vật nữ trong Không có vua – duy nhất một lần ông gọi một cô Sinh thuỳ mị là “có phần phóng túng” mà trọn câu chuyện không chi tiết nào làm bằng chứng (có nên dùng từ “dễ dãi” theo nghĩa dễ tha thứ, ít đôi co và có “phóng” thì phóng khoáng, quá phóng khoáng có khi công bằng hơn) – hơn hẳn nhân vật Thuỷ. Vậy tôi nên có thêm đôi lời. Nhân vật có hai vai khác nhau, Sinh là nội trợ, ngày lo ba bữa cho sáu miệng ăn, ăn như rồng cuốn. Nói khác đi không bận tâm làm ra tiền. Thuỷ đúng là có nhà chồng không nỗi nào về đường tiền bạc, nhưng mức chi tiêu cao hơn hẳn. Và người quán xuyến tài chính là nàng. Quyết đoán mà không kiêu căng, làm ra của mà vẫn hào phóng với người trong kẻ ngoài là bản lĩnh và không hề thiếu tấm lòng. Vậy dễ chi mà nhất bên trọng, nhất bên khinh nào! Suốt cả truyện chỉ thấy sống chết với nhà chồng (ý tôi không phải là nàng không đỡ đần bên nhà ngoại mà chẳng qua cả nàng và Nguyễn Huy Thiệp giữ bí mật cho nhau thôi!), và đừng quên chi tiết khi biết bố chồng không vui, nếu không nói là ray rứt lương tâm, về xen cháo nhau (từ miền Bắc Thiệp dùng là “rau”) liền cho dừng kinh doanh chó béc giê ngay – điểm này ắt tướng quân không thể không hài lòng.

Hai nhân vật mà người đọc xếp là đáng ghét hẳn là hai bố con lão Kiền và Đoài. Đấy là cặp bài trùng, cùng tông cùng giống. Bằng chứng họ đáng ghét thực là họ ghét và khinh nhau – nhìn nhau cứ ngờ ngợ đang nhìn cái mặt “không chơi được” của chính mình chăng! Do không tiện kéo dài tôi chỉ phân tích qua hai nhân vật đậm nét này.

Nếu truyện Không có vua làm ta có liên tưởng tới gia đình Karamazov của Dostoievsky thì lão Kiền tuồng như có hơi hướm suy đồi của lão Karamazov cục cằn, dâm đãng, xa lạ với con cái và Đoài có mùi mẽ một trí thức hư vô chủ nghĩa của Ivan pha tí ti nguyên tắc và lối sống suy đồi của Dmitri. Tôi tạm dùng mấy từ “mùi mẽ”, “tí ti” và dùng từ “nguyên tắc” là do nhân vật An Nam của chúng ta không hề có tư duy triết học trừu tượng kiểu Ivan – rất cẩn trọng về chi tiết, nhưng Thiệp không một dòng mô tả tủ sách gia đình có tới hai thành viên có trình độ đại học trong nhà (dù chỉ có một cuốn xa gần với “triết học” – tôi muốn nói cuốn Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới – đi nữa mà Khảm đang cần để ôn tập môn triết học). Mặt khác, đồng bào Đoài của chúng ta làm gì có điều kiện vật chất của Dmitri mà suy đồi kia chứ.

Thiệp là vua về sáng chế chi tiết. Liên quan nhân vật ta đang bàn, chi tiết “mất dạy” nhất là khi cả nhà đang thảo luận chuyện đưa lão Kiền đi nhà thương giải phẫu khối u trên đầu hay không – Đoài phản đối, cho là vô ích –, Đoài bảo: “Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Có gọi là khốn nạn được chưa!

Nhưng nên chú ý đọc thêm, chớ bỏ sót, từng chi tiết trong các đoạn sau. Tránh trích dẫn e dài dòng, tôi nhắc qua việc Đoài tự liên hệ bệnh viện đông y khi thấy bác sĩ tây y chữa chạy cho cha không kết quả, tự mình đi lo việc mua quan tài. Hay chi tiết đang đẩy xe ra, chuẩn bị đi làm, Đoài lật đật quay lại nhắc anh trai sắp giỗ mẹ và không quên nộp tiền trước. Khó nói là giữa họ không có nghĩa tình, không có luân lý thường thức.

Có một chi tiết làm tôi cảm động là việc cậu con trai chuyên viên mổ lợn ngồi đọc kinh cầu siêu cho bố sau một ngày thậm vất vả, chiến đấu với hàng trăm con lợn. “Khiêm vào đọc kinh. Lúc ấy là chập tối […] Mười một giờ đêm, mọi người đi ngủ, Khiêm vẫn ngồi đọc. Đọc đi rồi lại đọc lại […] Suốt đêm, Khiêm ngồi đọc, lạc cả giọng”. Y như sự kiên nhẫn của Khiêm mong linh hồn cha được siêu thoát, tác giả vón không thích dài dòng, không ưa lặp lại, kiên nhẫn nhắc “đọc kinh”, “vẫn ngồi đọc”, “đọc đi”, rồi “đọc lại”… đều đều như tiếng mõ, như chính Thiệp đang lập cập thắp một nén hương, cố tình rề rà với một nhân vật nặng cân mà ông đã từng rứt ruột sinh ra.

Thì ra sự kín kẽ trong lời khen, không bị thôi thúc phải phân trần cho nhân vật là một dụng ý. Đấy là một phần của diệu văn, của phép tiết chế cho dù còn âm sắc làm ta nhớ một thời hiện thực phê phán, nếu không nói nhắc cả lối viết xa lánh sự lạm dụng tính từ, trạng ngữ mà nữ sĩ Gertrude Stein (1874-1846, người Mỹ, chủ yếu sống và viết ở Paris) từng truyền nghề cho Hemingway. Nói rộng ra, lối kiệm lời và ý thức về độ nén của từ và ý cũng đáng lưu ý trong một nền văn chương có khuynh hướng rườm lời, ưa diễn giải và giảng giải – và ở bình diện khác là dạng trước tác ngỡ có thể thay cái đẹp bằng một nguyên tắc luân lý chính trị và nhầm lẫn một lời khuyên đạo đức với triết lý thẩm mỹ!

Đối với lão Kiền, người cầm đầu môn phái ác khẩu học của dòng họ, ta không dễ quên những phát ngôn kinh điển, gây sốc, nhưng xen gây ấn tượng nhất với bạn đọc có lẽ là pha bắc ghế dòm trộm con dâu tắm. Càng ấn tượng hơn khi nó xảy ra ngay khi lão vừa “tiễn” hai thằng con trai vác búa đi đòi của ăn trộm.

Mạn phép trích dẫn trọn vẹn đoạn văn có một không hai này.

Lão Kiền loay hoay dưới bếp, nghe tiếng dội nước ở trong buồng tắm, thở dài, bỏ lên nhà. Đi vài bước, lão Kiền quay lại, vào trong bếp, bắc chiếc ghế đẩu, trèo lên nín thở ngó sang buồng tắm. Trong buồng tắm, Sinh đứng khỏa thân.

Đoài đang lim dim ngủ, thấy Tốn giật áo ngồi dậy hỏi: Cái gì?" Tốn xua tay, dắt Đoài xuống bếp, chỉ lão Kiền đang đứng kiễng chân ở trên ghế đẩu. Đoài cau mặt tát Tốn rất đau. Tốn ngã vập mặt xuống cái xô đựng nước, trên có tấm giẻ lau. Lão Kiền vội tụt xuống ghế, nép ở cánh cửa, lát sau chạy ra hỏi: "Sao đánh nó?" Đoài bảo: "Nó vô giáo dục thì đánh". Lão Kiền chửi: "Thế mày có giáo dục à?" Đoài nghiến răng nói khẽ: "Tôi cũng vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng". Lão Kiền im.

Đoài lên nhà, rót rượu uống. Lão Kiền đỡ Tốn dậy. Tốn xách xô nước, ngồi thụp xuống lau nhà. Lão Kiền đi lên bảo Đoài: "Rót tao một cốc. Uống cạn cốc rượu lão Kiền bảo: "Mày có học mà tệ. Bây giờ tao nói chuyện đàn ông với mày. Đoài bảo: "Tôi không tha thứ đâu". Lão Kiền bảo: Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b… Đoài ngồi im, uống thêm một cốc rượu nữa, rồi bỗng thở dài: "Kể cũng phải".

Không ai bảo vệ cho lão Kiền nổi. Đến thằng con mà lão ghét cay đắng, vốn thừa hưởng bản năng gốc của lão, chuyên rình rập, năn nỉ chị dâu cho ngủ một phát, cũng độp thẳng mặt bố: “Tôi CŨNG vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng” và doạ: “Tôi không tha thứ đâu”. Lão Kiền cũng hiểu khó lòng bảo vệ nổi mình, suốt truyện chỉ phen này mới có màn mất hẳn phong độ bậc gia trưởng “vội tụt xuống ghế, nép ở cánh cửa”. Hai “kẻ thù không đội trời chung” dưới một mái nhà, chí ít khi căn cứ trên “văn bản” bố con chí choé với nhau, có dịp quyết đấu, lần này Lão Kiền ở cơ dưới.

Hai tay hảo hán (chính Nguyễn Huy Thiệp đặt vào miệng Lão Kiền câu “…nói chuyện đàn ông với mày” – cho dù một nửa ý của nó là “chuyện cấm trẻ con”) đối mặt bên xị rượu. Kẻ có lợi thế ra đòn trước, giọng cha chú, hỏi như mắng: “Thế sao không lấy vợ lẽ?”. Và cái vỉa bất ngờ của cái vực nhân sinh thăm thẳm hiện ra qua câu trả lời trực diện, không tí quanh co của kẻ đang ê chề vì bị bắt quả tang ngay tại trận: “Mẹ cha mày, tao chỉ nghĩ thân tao thì lũ chúng mày được thế này à?”, bất ngờ tới độ nhân vật đóng vai công tố bỗng chới với, nghẹn họng.

Đây là một xen “cao trào” – mà không viện tới cái gọi là hành động kịch – lột tả sự quan sát tâm lý sâu sắc và tài văn dị thường của tác giả Không có vua.

“Lời khai” của bị cáo có gì dính dáng tới công tố viện mà cả phiên toà lắng hẳn xuống? Và các bước tiếp theo không còn theo nghị trình như thông lệ toà án. Đấy cũng là cái moment mà lão Kiền cho ra mắt thuyết “đàn ông có con buồi không phải là chuyện xấu hổ”. Cái lý thuyết công bố phút dưới cơ khi đang thế thua làm động lòng Ivan Đoài, thư lại ngành giáo dục. Và xin nhớ đấy là lần đầu trong truyện anh ta gọi lão Kiền là “bố”, như ngày trẻ dại qua lâu lắm rồi. Và khi ta nghe mà chưa tin hẳn đang phát từ miệng Sĩ Đoài mấy lời ngập ngừng “Con xin lỗi bố” thì có cái chi gần như nghèn nghẹn. Và có khi tháng năm lầm lũi với áo cơm và sự đời xam xám, khắc nghiệt đến quên cả nói năng cho đúng phép… vệ sinh, nói chi phép diễn tả khi lòng đột nhiên cũng… cảm động, và tất cả cung bậc cảm xúc qua miệng lão Kiền dù giận dữ hay lúng túng “mắng yêu” đều bắt đầu bằng “mẹ cha mày”, gọn lại thì “mẹ mày”. Một chi tiết cần để ý: tác giả khi giới thiệu câu nói của bất cứ nhân vật nào đều rất gọn “Sinh bảo”, “Đoài bảo” hay “Cấn bảo”… nhưng khi dẫn lời lão Kiền thì đa phần là “lão Kiền chửi”.

Trên cái nền tăm tối mặt trái bung ra thành mặt tiền và trong mùa u u minh minh của cõi giao thời mạt pháp khi cái phần ngợm đập vào mắt rõ hơn mặt người, nhưng cái phần người chưa mất hẳn, tình người chưa hoại diệt như trong đánh giá của các bậc trí thức theo chủ nghĩa tuyệt vọng. Hoá ra bên dưới những lớp xảo ngôn, xu hướng “thần khẩu hại xác phàm” truyền đời truyền kiếp cho nhau, kí ức về nghĩa tình, linh thức về đạo lý âm thầm tồn tại chờ ngày dung thứ, đắp điếm cho nhau. Trong phần vô thức và tiềm thức có vẻ như còn một bộ phận tự điều chỉnh kiểu “giữ lấy lề” mà ý thức và màn hình “hiển ngôn” đã xoá, nhưng chưa mất!

Và khi sự choáng váng từ âm ba thăng trầm dưới tác động của từng đợt sóng chữ nghĩa của tác giả dịu xuống, người đọc cũng nhận những chỗ cận tình của những nhân vật “xấu xí”. Một lão Kiền vợ mất để lại một đứa út thiểu não, trừ con trai đầu (Cấn) làm nghề hớt tóc, là ba thằng khác còn tuổi đi học (thời điểm câu chuyện được kể, đứa áp út – Khảm – đang học đại học năm thứ hai, Đoài mới có chỗ làm mấy năm thì suy ra Khiêm là vai em, khi mẹ mất còn là học trò trước khi làm nghề mổ heo). Ai dám nói người đàn ông goá vợ ở tuổi năm ba đó, cặm cụi nuôi con, nhà có hai thành viên có trình độ đại học (tỉ lệ trên một hộ gia đình không tệ) không thương con và không bảo bọc cho con. Thực tế lão xót cho con mà bấm bụng không đi bước nữa, nói suồng sã kiểu nhà không có vua này thì trong lúc đó con buồi của lão – khổ thân! – vẫn còn hoạt động có lẽ… ngon lành là khác! Trừ những lúc thi thoảng có “đổ đốn” và thường xuyên hơn là căn bệnh ăn tục nói phét đã mãn tính. Cái pha tệ hại nhất lão Kiền biểu diễn cạnh nhà tắm thì vẫn… tệ thôi, nhưng so ra cái máu Karamazov mà có người quy cho lão có “nhẹ đô” hơn. “Karamazov” An Nam không trơ tráo tự hào về sự suy đồi của bản thân như Karamazov Nga la tư. Cái lúng túng, biết sỉ nhục trước mặt con đẻ đã “cứu rỗi” linh hồn không trong sáng đặc biệt gì của con người hoá ra khốn khổ hơn là xấu xa. Có thể người viết có máu cải lương trên mức cho phép chăng, nhưng khi nghe tiếng lão khều khào nói – cũng là phân trần trong “tai nạn” quá sức ê chề – với con, bằng tiếng chửi lúng búng “Mẹ cha mày”, thấy ngậm ngùi hơn tâm thế lên án.

Cho tôi vài phút nói nói thêm về nhân vật “xấu xí” thứ hai: Đoài. Nếu lão Kiền là giáo chủ môn phái ác khẩu thì Đoài nắm vị trí chưởng môn nhân. Người mà ông hàng xóm đã tóm gọn tư cách trong một nhận xét dài đúng một chữ “Loạn!”. Nhân vật này có trí thức nhất trong các nhân vật trong Không có vua.

Chúng ta không rõ ý của tác giả lắm. Cái mà ông gọi là loạn – qua miệng một nhân vật, tất nhiên – phát xuất từ tầng lớp trí thức (trong trường hợp này là phép “loạn ngôn” của tầng lớp kẻ sĩ mang sứ mệnh “lập ngôn”), do trí thức là tầng lớp bị ảnh hưởng sâu sắc nhất hay cái “loạn” trong trí thức là nguy hại đệ nhất cho xã hội?

Đoài là người có những phát biểu “đa nghĩa” nhất về xã hội, con người chung quanh. Có thể nói là những comment nửa thật, nửa bỡn cợt, bất đắc chí. Nó còn xa với việc nhận định, phản biện có chiêm nghiệm nghiêm túc. Ngược lại, không hẳn nghiêm túc nhưng vẫn có nội dung. Tâm trạng – từ này hợp với lối “lập ngôn” của nhân vật này hơn là từ suy tư hay quan điểm – của Đoài có âm hưởng lạc lõng của người mất tin tưởng bề trên và các hệ tiêu chuẩn. Thật ra, Thiệp tinh tế khi không vẽ vời chuyện “thế giới quan”, “nhân sinh quan” hay kiểu dằn vặt, bất tín của người theo chủ nghĩa hư vô như các nhân vật của Dostoievski. Nhân vật Đoài không kham nổi gánh nặng trí thức đó.

Khi dò kỹ chi tiết ta bắt gặp cái khẩu khí bất bằng của trí thức Đoài mang các yếu tố rất thực tế. Cái lợi khẩu mà Đoài tiếp thu một cách xuất sắc từ ông bố sửa xe không đem ra phục vụ chi được cho xã hội hay môi trường chữ nghĩa, nơi lợi khẩu rất có thể được điều chỉnh thành một ưu điểm. Cậu con thông minh có thừa vượt bố đẻ và ông anh hớt tóc, nhưng do nhiều lẽ – có thể có những lẽ bất công với anh ta – trí tuệ thiếu môi trường “thăng hoa” và “năng khiếu ngôn ngữ” trở thành hoạt ngôn, ác khẩu và mỉa mai thay, thường được chưởng-môn-nhân-con sử dụng để chống lại chính sư-phụ-bố của mình!

Vấn đề của Đoài như vậy không phải là chủ đề của trí thức như cách và nội dung trầm thống mà các nhà nghiên cứu văn học thường tiếp cận. Điều này không có gì “hạ thấp” tầm tư tưởng gì đó của tác giả. Cũng có thể nói nhân thân trí thức mà Nguyễn Huy Thiệp chọn qua nhân vật Đoài chỉ để minh hoạ cái lây lan của một loại vi rút mà ông đang loay hoay quan sát và mô tả đã nhiễm vào con người mà văn bằng, trí thức không phải là điều kiện miễn nhiễm. Trong văn cảnh, ý người viết là tác giả một mặt đã theo dõi và chỉ ra – xin hiểu là các nhân vật tự bộc lộ ra – chất tha hoá của tầng lớp có học (rất có thể Nguyễn còn ngầm chỉ trích một lỗ hổng nào đó trong hệ thống giáo dục mà ông chứng kiến, là sản phẩm trực tiếp và đã cố khắc phục, tự “băng bó” trong cay đắng như thế nào) và mặt khác, cái nhìn công tâm của ông nhận ra khía cạnh nạn nhân không tránh khỏi của họ. Thịt da ai cũng là người, trí thức muốn tồn tại hay sống sót cố quên địa vị người có học – nếu thực tế từng có vị trí này – nhất là lúc họ nhận ra một không khí bất thường và cay đắng, khi các bậc cầm cương nảy mực xã hội với siêu ý chí dân tuý chủ nghĩa muốn cào bằng lao động trí tuệ (sự thật là Thiệp không lấy chi làm thiện cảm với cái “lao động trí tuệ” thời của ông), nâng nó lên tầm vinh dự là lĩnh lương ngang – nếu không thua – một công nhân vệ sinh hay bác gác cổng trường mẫu giáo. Tôi cho cái “ác khẩu” của Đoài có nguyên do chính ở sự hậm hực liên quan trực tiếp cái gọi là “chính sách đãi ngộ”, không có hơi hướm triết lý, chính trị sâu xa chi!

Trong trường hợp như vậy, chỉ nêu các yêu cầu cao xa, chỉ luận các tiêu chí trí thức mà chì chiết nhau e bất công và mang mùi vị mỉa mai. Và có khi “hạ thấp” vai trò siêu hình, thanh toán sòng phẳng lao động phí mà ai đó đã đánh cắp của họ, lại dễ coi hơn nhiều. Nếu ai đó cho người viết đang vô tình hạ thấp biểu tượng trí thức mà Thiệp dựng ra để luận chủ đề trí thức thì có khi hiểu chưa đúng về tác giả. Tốt nhất hãy quay lại với văn bản.

Đây là hai phát ngôn của trí thức Đoài với đối tác trí thức duy nhất còn lại dưới mái nhà không có vua, là: “Thằng Khiêm còn có tiền. Tao với mày lỡ bệnh tiền đâu mà chữa?” và lúc bố đang hấp hối một điều cả hai quan tâm là: “Ông cụ không viết di chúc mới gay, sau này tài sản biết chia thế nào?”. Một lời than nữa: “Hai anh em mình mang tiếng có học mà Tết nhất đến, một bộ quần áo hẳn hoi không có”. Về Khảm, chỉ theo dõi cảnh thiếu tiền (năm chục đồng) cha anh từ chối không chi, tới độ phải lén lút “mở cửa buồng, trông trước trông sau không thấy ai, mở thùng gạo xúc ra bò rưỡi vào cặp rồi lẻn đi ra” là hiểu nông nỗi của bậc hàn sĩ. Thiệp để Cấn ghi nhận khoản đóng góp của mấy anh em khi bố bạo bệnh như sau: “Chú Khảm đưa một lần ba trăm nhưng hôm tôi đưa một nghìn đi lấy thuốc ông lang Toại, chú Khảm mua hết có năm trăm, còn năm trăm vẫn cầm” – xin so sánh khoản đóng góp của Đoài tổng cộng là một ngàn hai trăm sáu chục đồng và Khiêm là mười bốn ngàn. Tôi có một nhận xét nhỏ là lối viết lạnh, lấy sự việc thay lời bình của Nguyễn Huy Thiệp có lúc gây ấn tượng không công bằng. Thật ra, ai cũng thấy cậu Khảm nhà họ Sĩ chỉ là một cậu sinh viên, mà là vào cái thời chưa có chuyện học trò làm part-time, đứng ngã tư phát tờ bướm hay làm ôsin, au pair gì ráo. Tác giả có khi lây cách ứng xử, nói phô có phong vị “cào bằng” của “Sĩ Kiền Company” nên quên rằng ngọn cờ bình đẳng hoá quyền lợi, nghĩa vụ có lúc làm thương tổn kẻ yếu – trong trường hợp này là chú Khảm tội nghiệp của chúng ta.

Và một khi nhìn ra chỗ nhân tình với nhân vật mình quặn ruột quặn gan sinh nở ra, thì ta thấu hiểu Thiệp thở than điều gì và lên án chuyện gì. Thánh nhân không bày biện luật pháp để “bẫy” dân, một văn tài đích thực không bày biện văn chương để kết án chung thân nhân vật hay thoả cơn thèm giảng giải luân lý của mình, hay tệ hại hơn, của ai đó. Và vì vậy khi có âm hưởng Thánh Kinh – biblical – thì văn chương hay “Thánh Kinh trần gian” vẫn mang và nên mang Tin Mừng cho không chỉ… nhân vật “chính diện”!

Và nói vui thì chúng ta có thể tạm thỏa hiệp với câu nói trong những trang cuối cùng của Không có vua của Sinh, nhân vật hiện ra y như thiên thần, như hoa lạc giữa rừng gươm: “THƯƠNG LẮM!”. Đoạn này cực ngắn, tiện trích dẫn.

Khiêm bảo: “Chị Sinh ơi, về làm dâu họ Sĩ nhà này chị có khổ không?” […] Sinh cười “Cứ thế này thì không thấy khổ”. Cấn hỏi: “Thế ngày thường thì thấy khổ à?”. Sinh bảo: “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng THƯƠNG LẮM [tôi nhấn mạnh – NTV]. Tốn mỉm cười ngô nghê nhắc lại “Thương lắm!””.

Có thể nào gọn hơn nữa không!

Và sức nặng của thông điệp nhân văn thâm trầm mà cuối cùng Nguyễn Huy Thiệp thác cho nhân vật Sinh nói thành lời, đã đem lại nét cười nhăn nheo trên bộ mặt nhàu nát lưu niên của ông, lần đầu trong suốt thiên truyện – nụ cười của trùng trùng đắng cay và chút gì lấp lánh như là hy vọng!

(Tháng 4-5, 2021)

Comments are closed.