Thơ mạng – trường hợp Lê Vĩnh Tài

Lê Hồ Quang

hãy chạm vào phím, bài thơ sẽ tự mở khoá

Thơ tìm thấy một từ và nó sẽ thở

                       (Làm thơ – Lê Vĩnh Tài)

1. Thơ mạng (internet poetry) là loại hình thơ gắn với nền tảng, không gian công nghệ số, đặc thù của nó là sự lai ghép, nói đúng hơn, là sự cộng sinh giữa hai thành tố – thơ và internet. Cuộc hôn phối với công nghệ số và các phương tiện kĩ thuật hiện đại khiến ranh giới ổn định về mặt thể loại của thơ trữ tình truyền thống bị phá vỡ. Không gian công nghệ và môi trường số đòi hỏi một tâm thế và tư duy sáng tạo, tiếp nhận mới, khác (tạm gọi là tâm thế và tư duy mở, động), so với truyền thống (xuất bản/ in trên giấy, có tính đóng, tĩnh). Do đó, với thơ mạng, quan niệm về tác giả, độc giả, nguyên tắc giao tiếp và giá trị tác phẩm…, đương nhiên sẽ giãn nở, thay đổi, thậm chí được tái định nghĩa.

Vào thập niên đầu thế kỉ XXI, khi internet bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, thơ mạng viết bằng tiếng Việt cũng xuất hiện phổ biến trên các tạp chí điện tử, các website văn học (talawas.org, tapchitho.org, vanchuongviet.org, damau.org, gio-o.com…) và về sau, trên Webblog, Yahoo 360, Facebook, Instagram… Nhiều khuynh hướng tìm tòi, cách tân, thể nghiệm thơ khác nhau đã bùng nổ trên không gian mạng. Internet đã mở ra một không gian hiện đại, dân chủ và vô cùng rộng rãi cho hoạt động sáng tác và phê bình, tranh luận nghệ thuật.

Cho đến nay, khi nói đến thơ mạng viết bằng tiếng Việt, ta có thể nhắc đến không ít tên tuổi: Khế Iêm, Inrasara, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Nguyễn Anh, Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thanh Hiện, Pháp Hoan, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Đức Tùng, Lê Anh Hoài, Phạm Hiền Mây, Trần Hạ Vi, Nguyễn Phong Việt, Nồng Nàn Phố, Nguyễn Thiên Ngân,…[1]

Trong số các tác giả thơ mạng nói trên, Lê Vĩnh Tài – không nghi ngờ gì nữa – là một gương mặt đặc biệt.

2. Lê Vĩnh Tài hiện sống và làm việc tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trước khi chủ yếu viết và công bố thơ trên mạng, ông từng xuất bản nhiều ấn phẩm ở những nhà xuất bản uy tín trong nước, chẳng hạn: hoài niệm chiều mưa (Nxb Thanh niên, 1991); và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió (Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2004); Liên tưởng (Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2006); đêm và những khúc rời của Vũ (Nxb Hội Nhà văn, 2008); thơ hỏi thơ (Nxb Thanh Niên, 2008)… Đầu thế kỉ XXI, ông bắt đầu công bố tác phẩm trên các website văn học như tienve.org, damau.org, vanchuongviet.org, vanviet.info… Gần đây, sáng tác của ông được cập nhật thường xuyên trên facebook Lê Vĩnh Tài, bao gồm thơ ngắn, trường ca, thơ văn xuôi, tản văn, tiểu luận.

Quan sát, nhận thức hiện thực trong sự chuyển động và tương tác đa chiều giữa thơ và nhiều phương diện đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ, Lê Vĩnh Tài đã biến thơ thành một trò chơi ngôn ngữ, ở đó, đường ranh thể loại/ loại hình giữa thơ với tin tức báo chí, văn xuôi, lí luận phê bình, ngôn ngữ máy tính… bị chồng lấn, xóa mờ một cách có chủ ý. Ở thơ Lê Vĩnh Tài, ta thấy rõ tinh thần thể nghiệm, ý thức chất vấn về sự viết và mong muốn tìm kiếm những khả thể nghệ thuật mới. Thơ ông khiêu khích quan niệm và cách đọc truyền thống, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về cách viết, cách đọc.

Tính tốc độ là đặc tính ưu trội của thơ mạng nói chung, cũng là đặc điểm đầu tiên, dễ nhận thấy của thơ Lê Vĩnh Tài. Nhờ máy tính và internet, thay vì phải trải qua nhiều công đoạn như khi xuất bản trên giấy, chỉ cần vài click chuột, tác giả có thể lập tức đưa tác phẩm đến với người đọc. Tuy nhiên, với Lê Vĩnh Tài, tính tốc độ không chỉ nằm trong việc công bố sản phẩm. Nó nằm trong tốc độ tư duy: một sự kiện nhỏ bất kì cũng có thể khiến que diêm ý tưởng trong ông nháng lửa và bài thơ có thể tức thì có mặt trên timeline của Facebook Lê Vĩnh Tài. Tốc độ tư duy thơ nhanh, mạnh ấy thể hiện qua tốc độ hình thành ý tưởng, tốc độ cấu thành đơn vị bài và tốc độ xuất bản, công bố, đưa “bài thơ” đến với người đọc trong trạng thái nóng rẫy, bám sát các sự kiện thời sự – xã hội. Sở đắc một tư duy nhanh nhạy đặc biệt, Lê Vĩnh Tài đã gặp được internet cùng các phương tiện công nghệ – trợ thủ đắc lực trong việc khuếch trương tốc độ ấy lên thành một sức mạnh và độ bền hiếm có.

Tốc độ thơ của Lê Vĩnh Tài có mối liên quan mật thiết với tính ngẫu hứng trong mạch liên tưởng và các thao tác “chế tạo thơ ca” (Phan Nhiên Hạo). Khả năng kết nối nhanh chóng, hài hước về mối quan hệ giữa cái gọi là thơ với tất cả những gì xung quanh giúp ông có nguồn nguyên liệu dồi dào và duy trì cường độ bền bỉ trong thực hành sáng tạo. Nguyên liệu thơ Lê Vĩnh Tài là nguồn thông tin khổng lồ trên internet và mạng xã hội, hiện diện dưới nhiều dạng thức (sự kiện, tin tức thời sự, hình ảnh, status, comment, chat…). Nó là cái hiện thực bề bộn, trương nở, không hoàn kết, đang thì trôi chảy, nảy sinh dựa trên những gợi ý, tương tác ngẫu nhiên, bất ngờ. Trong thơ ông, sự kết nối liên văn bản (văn bản thơ với “văn bản” đời sống xã hội, chính trị; văn bản thơ này với các văn bản thơ khác; văn bản thơ với các hình ảnh minh họa, comment tương tác…) trở thành một thủ pháp phổ biến. Nó tạo nên sự “liên kết chuỗi” khá đặc biệt giữa ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ máy tính; thơ và tin tức báo chí; thơ và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa; thơ và các loại hình nghệ thuật khác (nhiếp ảnh, điện ảnh…), san phẳng vách ngăn giữa thơ và những loại hình phi/ không phải thơ, giải lãnh thổ hóa quan niệm truyền thống về thơ. Ở cách ứng xử với vật liệu này, ta có thể nhận ra biểu hiện của nguyên tắc “khước từ sự lựa chọn” (selection) trong lúc “sản xuất văn bản”[2] của tác giả hậu hiện đại. Ở đó, vật liệu và sản phẩm “ngang nghĩa và ngang giá trong cái thế giới của hỗn độn và tương đối hoàn toàn, nơi mọi giá trị đều bị hạ giá”.[3] Đó là lí do các nghệ sĩ Tây Âu đương đại sử dụng các “đồ vật tìm được” để biến thành sản phẩm nghệ thuật: Đài phun nước (Fountain) của Marcel Duchamp hay Diễn viên hài (tác phẩm quả chuối dán trên tường) của Maurizio Cattelan là những ví dụ điển hình. Bằng việc xóa mờ ranh giới giữa vật liệu sản xuất/ sản phẩm nghệ thuật, họ nhằm phá bỏ quan niệm cứng nhắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và thực tại, đòi hỏi ý thức mới về sáng tạo. 

Có thể hình dung thơ mạng Lê Vĩnh Tài như một sân chơi khá cởi mở và tự do, ở đó, mọi tiếng nói bình đẳng, không có sự phân biệt giữa cao/ thấp, trung tâm/ ngoại biên, thanh/ tục… Quyền hiện diện và cất lời/ im lặng ở chúng là ngang nhau. Sáng tạo là góp thêm một cái nhìn, một tiếng nói về thế giới, để đối thoại với những cái nhìn khác, tiếng nói khác chứ không (và cũng không thể) áp đặt cái nhìn độc đoán về thế giới. Trong khi Xuân Diệu kiêu hãnh tự xem mình như ngọn cô sơn sừng sững trên lớp sóng nhân quần và nỗi cô đơn u sầu của anh ta có giá trị như cả một thế giới, Tố Hữu ý thức về mình ở vị trí người lính tiên phong, đại diện phát ngôn cho/ của một thời đại hào hùng, thì Lê Vĩnh Tài chỉ xác định mình như một cái nhìn riêng lẻ về thế giới, mang tính phân mảnh, đầy phiến diện, bất toàn – chỉ là một trong vô số. Điều này tự nó đem lại một hình dung gần hơn về một thế giới giải lãnh thổ hóa, phi trung tâm và thậm phồn, ở đó, cái nhìn về thế giới, dù là của ai, cũng luôn bị giới hạn, đầy những định kiến và không thể đưa lại chân lí phổ quát.

Nhãn quan dân chủ này kéo theo giọng điệu có tính đặc thù – giễu cợt, khôi hài, ngấm ngầm hoặc công khai khiêu khích – đồng thời mang tính đối thoại và gợi mở đối thoại. Đại từ nhân xưng Lê Vĩnh Tài sử dụng nhiều hơn cả là “bạn”. Đó là một tư cách phát ngôn vừa xác định vừa phiếm chỉ. Nó cất tiếng từ một vị trí phát ngôn cụ thể nhưng trong đó đã đan lồng những cái nhìn khác, vượt ra ngoài một chủ thể riêng lẻ. Từ “bạn” phổ biến trong thơ Lê Vĩnh Tài đến nỗi có thể xem nó là một cách “phục trang cho bản ngã” (Costica Bradatan) của tác giả, hoặc, một diễn ngôn nhằm đưa thơ vượt khỏi những thiết chế cố định, để mở rộng những khả thể và những lựa chọn khác. Công bố trên mạng, càng ngày ngôn ngữ thơ của Lê Vĩnh Tài càng tự do, đơn giản và táo bạo. Trong khi một số hiện tượng thơ mạng có số lượng theo dõi và tương tác cao như Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố… rất chú ý đáp ứng độc giả, cụ thể là lớp độc giả đại chúng trẻ tuổi, bằng ngôn ngữ thơ đậm tính lãng mạn chủ nghĩa, thì Lê Vĩnh Tài chú trọng hoạt động thực hành sáng tạo cá nhân hơn là chiều theo mĩ cảm số đông, dù luôn giữ thái độ tương tác ôn hòa, nhã nhặn.

Nếu có ai đó cho rằng thơ Việt Nam đương đại thiếu vắng tinh thần công dân, điều đó hoàn toàn không đúng với trường hợp Lê Vĩnh Tài và không ít tác giả cùng thời. Trong thơ thời chiến, tinh thần công dân chủ yếu được thể hiện qua tiếng nói yêu nước, lòng tự hào dân tộc và niềm tin vào lí tưởng chính trị của thời đại. Trong thơ thời hậu chiến, đổi mới và hội nhập, cách hiểu về tinh thần công dân được mở rộng, có thêm nội dung và tính chất mới. Giờ đây, tinh thần công dân không chỉ là tiếng nói “đồng ý, đồng chí, đồng tình” mà thể hiện trong chính ý thức phản tỉnh, tinh thần phản biện xã hội mạnh mẽ, thậm chí gay gắt.

Thái độ chính trị trong thơ Lê Vĩnh Tài xuất phát từ mối quan tâm tự nhiên, thường trực của tác giả với đời sống, trước hết là đời sống xung quanh ông, trên mảnh đất Tây Nguyên, và rộng hơn, các sự kiện chính trị, xã hội – thời sự của Việt Nam và thế giới. Đó là cuộc chiến giữa các quốc gia, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, dịch bệnh toàn cầu, các biến cố chính trị, xã hội của đất nước, dân tộc… Nhiều hơn nữa, là những chuyện hàng ngày, mắt thấy tai nghe, đời sống mưu sinh vụn vặt, ngẫu nhiên của những con người vô danh trên dải đất chữ S. Có điều, từ các sự việc, sự kiện thời sự thoáng qua, nhanh chóng bị quên lãng, ông có thể phát hiện rất nhanh mối liên hệ giữa chúng với thiết chế quyền lực ẩn sau đó. Nhiều sự kiện thời sự là khởi nguồn của những tác phẩm có dung lượng lớn, đặt ra những vấn đề xã hội nóng, với thái độ phản biện trực diện, những “bài trường ca”, như cách tác giả gọi: Bài trường ca người Mông – 2012, Bài trường ca Bauxite – 2013, Bài trường ca cho người đã chết nhưng vẫn còn sống trong sự thật – 2014, Bài trường ca cánh đồng bất nhân – 2014, Bài trường ca Tây Tạng – 2015, Bài trường ca Sài Gòn ngày phong tỏa – 2022, Bài trường ca Ukraine – 2022[4], v.v. Hãy quan sát thêm FB Lê Vĩnh Tài. Dòng thời gian của ông là sự trình hiện lần lượt nhiều sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội có thực, đã xảy ra gần đây ở Việt Nam và trên thế giới, bao gồm cả các sự kiện ít hoặc không công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ví dụ, Biển kể về nhiều chuyện khác đăng trên tienve.org, 2012, nói về sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa (thời kì đầu, cuối năm 2007); Bài trường ca Sài Gòn ngày phong tỏa, được chia làm 7 phần và post lần lượt theo thứ tự từ 1 đến 7 trên FB Lê Vĩnh Tài (phần 1 ngày 11/6/2022; phần 7 ngày 17/6/2022), nói về đại dịch COVID- 9, khởi nguồn từ tháng 12/2019 từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó lan ra toàn cầu, trong hơn hai năm, giết chết gần 15 triệu người[5]. Bên cạnh đó, nhiều tin tức đời sống và văn học trên báo chí và mạng xã hội cũng trở thành nguồn cung và chất liệu thực hành thơ của ông. Chẳng hạn chùm thơ Thử làm bài thơ mất gà (gồm bốn bài: Thử làm bài thơ mất gà, Tôi đã tìm thấy con gà giống như bạn tìm thấy cơn mưa, Thử tiếp một bài thơ mất gà, Mẹ nói với con trai về kẻ trộm) xuất phát từ sự việc thơ Tòng Văn Hân giành giải nhất cuộc thi thơ 2019 – 2020 của báo Văn Nghệ (tháng 4/2021), nguồn cơn gây ra một trận bão mạng tơi bời vào thời điểm đó. Và còn nhiều, rất nhiều ví dụ khác. Gần như bất kì một sự vật, sự việc nào rơi vào tầm ngắm của ông đều có khả năng trở thành “có chuyện”, thành những vấn đề đáng nghĩ, cần nghĩ của thơ, về thơ. Và thực hành thơ, như vậy, cũng là một hành động chính trị: bằng việc đưa các sự kiện thời sự vào thơ, người viết thể hiện trực tiếp và trực diện thái độ, tư tưởng xã hội của mình.

Tuy nhiên, dù nhiều sáng tác của Lê Vĩnh Tài là sự phản ứng nhạy bén, tức thời trước nhiều sự kiện thời sự – chính trị, nhưng thơ ông không phải là thơ thời sự hay hô hào chính trị. Tâm thức chính trị giúp ông nhận ra sự kết nối tất yếu giữa mỗi cá nhân với toàn bộ cộng đồng xã hội và biết đọc ra trong mỗi sự kiện thời sự “một câu chuyện khác bị khuấy đảo trong nó”[6]. Ngoài ra, phản ứng tức thời với sự kiện, với một hệ quy chiếu ở bề sâu, nhằm xác định bản chất hệ thống thiết chế quyền lực chi phối các sự kiện bề mặt, nhưng ông luôn biết tự gián cách bằng thái độ khôi hài, phi trầm trọng. Thay vì khái quát hóa, biểu trưng hóa, ông lựa chọn cách trình hiện các vấn đề đời sống dưới dạng thức của một dòng chảy cụ thể, tự nhiên và gần như vô tận. Nhìn trên bình diện kết cấu, nó là cách “tái tạo sự hỗn độn của cuộc sống bằng sự hỗn độn nhân tạo” (I.P. Ilin, E.A. Tzurganova).

Ở đây, có thể thấy vai trò và sự trợ giúp hiệu quả của internet đối với hoạt động sáng tạo. Không chỉ đem lại cho nghệ sĩ một nguồn vật liệu mới, vô tận, internet và Công nghệ Thông tin đồng thời cung cấp công cụ, phương tiện để xử lí vật liệu, sáng tạo sản phẩm nghệ thuật. Nó giúp cá nhân vượt qua các rào cản lãnh thổ, địa lí, văn hóa, mở rộng nhãn quan, thay đổi nhận thức, vượt qua những cấm kị (taboo), để thể hiện tư tưởng, chính kiến. Mặt khác, cũng chỉ không gian mạng mới đủ khả năng dung chứa những sản phẩm nghệ thuật đa phương thức, có dung lượng, tầm vóc ngoại cỡ.  

Giễu nhại (parody) là tính chất nổi bật trong thơ Lê Vĩnh Tài. Nó được tạo nên bởi một thủ pháp có tính đặc thù – giễu nhại.  

Dù đã xuất hiện trong nhiều loại hình thơ trước đó, giễu nhại là thủ pháp gắn liền với cảm quan hậu hiện đại, với cái nhìn hoài nghi về tính tuyệt đối của các đại tự sự. Theo Nguyễn Hưng Quốc, “dù nhìn từ góc cạnh nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu, tức bắt chước và châm biếm. Nhại có nhiều phạm vi khác nhau: văn bản hay khung hình thức của thể loại; trong văn bản, có nhiều cấp độ khác nhau: từ, câu, đoạn, hay toàn văn. Châm biếm cũng có nhiều đối tượng khác nhau”[7]. Trong thơ Lê Vĩnh Tài, đối tượng nhại khá phong phú: các hiện tượng đời sống xã hội, lịch sử, các hiện tượng văn hóa, văn học, các ý thức tồn tại như những giá trị tuyệt đối, nhất thành bất biến… Hình thức nhại cũng khá đa dạng: nhại ngôn ngữ, nhại tình huống, bối cảnh, nhại sự việc, nhại giọng điệu, nhại phong cách…

Chẳng hạn, nhại ngôn ngữ:

thành công ngọt ngào nhất

đến từ những người sắp thành công

một ông ngạo nghễ

không phải ai cầm cờ hôm nay

cũng có thể định nghĩa về chiến thắng

khi bài thơ bị đánh bại

         (Mười sáu bài thơ về Covid)

corona từ đâu em tới?

bạn nhầm rồi, covid mới là tên của tôi

không ca sĩ nào nổi tiếng bằng tôi

          (Bài trường ca ngày Sài Gòn phong tỏa)

Nhại sự việc:

bạn từng rút kinh nghiệm

từng rút tiền

nhưng lần này bạn rút ống thở

dù bạn không phải là bác sĩ khoa [8]

          (Bài trường ca ngày Sài Gòn phong tỏa)

Nhại giọng điệu:

có cả núi đồi

lộn gió

lộng gió

có cái đó

muốn cho ai thì cho

có những cơn mưa bùn đỏ

không thể đem cho

nhưng người ta đang bàn

như không còn cách nào khác

ly cà phê lấm tấm

kí ức. không phải tức

cũng không đau nhức

nó thành màu đen cho tới lúc hiển hiện

vị đắng

thành một âm tiết của cổ họng

rơi tong tong

        (ly cà phê banmê)

Để giễu nhại, Lê Vĩnh Tài còn sử dụng các thủ pháp liên văn bản; cắt dán, lắp ghép… Các hình ảnh, đường link, tin tức trên báo giấy, báo mạng, mạng xã hội… được cắt ghép và kết nối với nhau, tạo thành các bộ phận hữu cơ trong tác phẩm, theo một logic khác thường, làm bật lên tính hài hước. Như vậy, nhại là việc bắt chước, mô phỏng đặc điểm của đối tượng trong sự liên hệ, đối chiếu đặc điểm ấy ở bối cảnh mới, qua đó thể hiện những nghĩa/ ý nghĩa mới, có tính mỉa mai, châm biếm. Tuy nhiên, không phải lúc nào giễu nhại của Lê Vĩnh Tài cũng đem lại cảm giác bông đùa nhẹ nhõm. Rất nhiều khi, nó đắng cay, mặn chát:

một nhà thơ không chịu

xếp ngang hàng với nhà thơ đã chết

còn bài thơ

nó chỉ là giọt mưa

trong nó, có một cuộc chiến tranh

có vườn cây cỏ mọc

có mặt trăng long lanh

có nước mắt những người lính khi xông lên

như người mẹ đang chờ con về trên cánh đồng khi gặt lúa

bài thơ giống như mẹ

không chia phe

nó có thể cười trong lễ cưới

khóc trong phiên tòa ly hôn

vì sau đó nó chẳng còn gì

một không gian, một bầu trời đầy mưa

và gió

kệ ai là nhà thơ

bài thơ ngủ, và khi thức dậy

nó thấy những người lính đã về nhà

cuộc chiến đã kết thúc

nguyễn bắc sơn đi hớt tóc cạo râu

nguyễn đức sơn đi trồng thông trên núi

cũng có người đi nhậu

hay trịnh cung bỏ đi tuốt tận đâu đâu

chỉ những nhà thơ vô danh thích cãi nhau

để làm cho ai giống như

hay khác với một nhà thơ nào đó

làm sao có hai dấu vân tay

bài thơ, nó là bí ẩn của từng người

nó có mùi của nhà thơ

ngay cả khi nhà thơ đã chết

và chúng ta nối tiếp sự ngây thơ

không làm sao hiểu được

chính chúng ta…

Một nhà thơ không chịu/ xếp ngang hàng với nhà thơ đã chết là một sự việc nhảm nhí, hài hước, khơi dậy cảm hứng giễu nhại, đồng thời, là yếu tố, chất liệu để nhại và giễu. Tuy nhiên, giống như rất nhiều bài thơ khác của Lê Vĩnh Tài, đó chỉ là xuất phát điểm. Càng ngày ý tưởng thơ của ông càng được đẩy xa thêm với những suy tư về người mẹ đang chờ con về trên cánh đồng, về cuộc chiến đã kết thúc, về dấu vân tay thơ… Đó là những từ khóa siêu liên kết với nhiều tầng bậc văn bản, ngữ nghĩa khác. Bên cạnh giọng giễu nhại, đan xen giọng trữ tình, suy tư, nhiều khi nặng trĩu. Giọng thơ Lê Vĩnh Tài hoàn toàn không đơn điệu, với nhiều cú tạt đầu, bỏ nhỏ bất ngờ. 

Lê Vĩnh Tài viết nhiều về thơ. Ông có nhiều tác phẩm dung lượng lớn, trực tiếp bàn về chủ đề này, chẳng hạn Làm thơ (gồm 16 phần, 30260 chữ); Thờ ơ thơ (5940 chữ); Làm thế nào để đọc một bài thơ (569 chữ)… Nhiều chùm bài tập trung vào chủ đề thơ, tên bài/ chùm gắn liền từ khóa “thơ”: Thơ 1,2,3,4… và ấy là một vỉa hè; Bài thơ về sự cả nể; Bài thơ về quả táo; Bài thơ về mùa hạ; Bài thơ xanh phảng phất; Bài thơ về cuộn len; Bài thơ về mùa hạ; Bài thơ tả đám mây; Bài thơ của đêm; Bài thơ gửi đỉnh đồi; Bài thơ buồn vì em đang buồn; Thơ ngày xưa không phải là những tiếng vỗ tay… Ngoài ra, trong rất nhiều văn bản khác, dù nói về chủ đề gì, chúng luôn được kết nối hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với vấn đề thơ. Thơ thực sự là yếu tố kết nối Lê Vĩnh Tài với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, ở sáng tác của Lê Vĩnh Tài, thường thiếu vắng thái độ ứng xử nghiêm trang, chuẩn mực với thơ như thường thấy trong truyền thống. Thơ với Lê Vĩnh Tài không phải để gánh vác các trọng trách xã hội như thời trung đại (thi dĩ ngôn chí); hoặc trong thơ Cách mạng (Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát/ Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta!” – Tố Hữu). Thơ với ông cũng không phải “cây đàn muôn điệu” (Thế Lữ), lấy cái đẹp u sầu, thơ mộng làm chuẩn mực thẩm mĩ như trong thơ lãng mạn. Không khó để nhận thấy thái độ hài hước, giễu cợt, bông lơn của Lê Vĩnh Tài khi nói về thơ. Chẳng hạn trong chùm Thơ 1,2,3,4 và… ấy là một vỉa hè, thay vì “Nàng Thơ”, hoặc những mĩ từ tương tự, thơ/ bài thơ được gọi là “hắn”, và “hắn” có thể “không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @,%^&^J $$$  và được gọi là thơ cụ thể”, có thể “quá trớn đã té nhào ra trang giấy, vỡ tung ra những tiếng kêu, khóc, chửi bới, đau đớn… nhưng không thấy văng ra một chữ nào”, hoặc “muốn ngủ nhưng không nằm xuống được vì cứ nằm xuống thì người ta lại dựng hắn dậy để hoan hô…”. Thơ bị gọi bằng những cái tên xách mé, tầm thường, bị đặt trong những tình thế trớ trêu, hài hước, phơi lộ toàn bộ sự lố bịch, đáng thương, ngớ ngẩn. Từ trên bàn thờ trang trọng, thơ bị đẩy xuống vỉa hè, nhập cuộc với bụi bặm, nhếch nhác, mọi xống áo mĩ từ bị đốt trụi.   

Tương ứng với tâm thế, thái độ tiếp cận ấy là giọng điệu trửng giỡn, cười cợt. Ngay cả khi nói về các tình huống có tính thi vị hơn, cái nhìn hài hước cũng luôn phát hiện ra những khía cạnh buồn cười, phản thi vị của nó, ví dụ:

trong suy nghĩ của đêm

có những sợi cỏ không màu

khâu hai mí mắt

nếu không người ta thấy hết

đêm ơi

mà có chuyện gì

cũng phải ngáp cái đã.

(Bài thơ của đêm)

chạm vào đêm im lặng

chạm vào em ấm nóng

ám ảnh tách đôi

chữ đau đớn

giữa hai tay…

…giữa hai chân tôi

cũng vậy thôi

(Bài thơ về quả táo)

bạn cũng đừng tìm hiểu ý nghĩa của các ẩn dụ

những bài thơ hay nhất tự nó sẽ cười đùa ngay với bạn

nhưng đọc thơ cũng cần có lòng dũng cảm

vì bạn sẽ phải nhảy từ vực sâu này sang đỉnh núi cao vút bên kia

nếu thơ yêu cầu bạn đầu hàng

thì bạn cứ nằm

chàng hảng

                    (Làm thế nào để đọc một bài thơ)

Ở đây, hiện diện một thái độ thái độ giải thiêng: tất cả đều có thể là thơ hoặc phi thơ, cũng thế, đâu có gì trầm trọng! Thơ có thể là một trò đùa giỡn, một tiếng cười bông phèng, không hơn. Nhà thơ bày trước mắt độc giả mọi món tin tức – thơ trên bàn không gian mạng – và mời người đọc vào cuộc, trước hết với tiếng cười. Thơ bị xuống giá, mất giá, rớt giá thảm hại. Nhưng trong chính hành động trình-diễn-thơ-rớt-giá đó, nó nhắc ta nhớ về thái độ ứng xử thực sự với thơ, lâu nay, trên khắp các diễn đàn chính thống, các giảng đường đại học, viện nghiên cứu, phải chăng thơ đã được nhìn nhận đúng với bản chất, với thái độ coi trọng, như nó xứng đáng có?

Nói về thơ theo cách “phản thơ”, Lê Vĩnh Tài bộc lộ sự hoài nghi về những quan niệm đóng vai trò “chân lí tuyệt đối” trong đời sống văn học bấy lâu, bất chấp tình trạng chết lâm sàng của nó. Làm thế nào để đọc một bài thơ… là văn bản thể hiện tập trung tinh thần hoài nghi đó. Tác giả chia nội dung bài (chùm thơ) này thành hai phần. Ta tạm gọi phần 1 là phần hướng dẫn lí thuyết, với tiêu đề dưới dạng một câu hỏi tu từ giàu sức gợi dẫn (hoặc cũng có thể hiểu như một lời cảm thán, do kết thúc không phải dấu hỏi mà là dấu ba chấm) – Làm thế nào để đọc một bài thơ…, xét từ cách thức trình bày đi từ định hướng lí thuyết đến thực hành đọc thơ, thực chất, là sự giễu nhại lối đọc/ phê bình thơ trường quy có tính phổ quát, phổ biến. Bài thơ là nhại (bao gồm nhại phong cách phê bình, nhại mô hình phê bình, nhại diễn ngôn, giọng điệu phê bình, nhại thao tác, kĩ thuật phê bình…), và cùng với nhại là giễu. Ông giễu cợt cái nhìn thiêng hóa, thần thánh hóa bản chất của hoạt động làm thơ, làm nghệ thuật. Đồng thời, ông giễu cợt cả lối viết lẫn lối đọc một chiều, suy diễn, áp đặt thường gặp trong cộng đồng diễn giải.

Chất liệu để làm nên thơ của Lê Vĩnh Tài cũng từ chối sự tinh hoa, đặc tuyển. Để làm nên thơ, nó có thể là bất cứ thứ gì! Hãy quan sát các sáng tác gần đây nhất trên FB cá nhân của ông. Chiến tranh, dịch bệnh, tin tức trên báo in hoặc báo mạng, chuyện vợ chồng ngoại tình, phát ngôn ngớ ngẩn của quan chức, cuộc đấu khẩu giữa hai nhà sư, một chính sách xã hội tệ hại, status nực cười trên FB một nhà văn, tấm ảnh chụp biển báo đường hay xảy ra tai nạn bên cạnh cửa hàng bán quan tài… tất cả, qua con mắt của ông, đều trở thành những vật liệu “đầu vào” của thơ. Chúng được đặt trong quan hệ với thơ, được “độ hàng” lại, thành những bài thơ đầy hài hước. Ngoài các đơn vị bài/ chùm bài được trình theo hình thức các khối chữ, tương đối quen thuộc, một số đơn vị “bài thơ” của ông có hình thức rất khác biệt so với thông thường. Mỗi bài thơ là một văn bản đa phương thức, ở đó, phần chữ (có khi rất ít, chỉ vài chữ, như văn xuôi, thậm chí, như lời nói thường, hoàn toàn thiếu du dương, vần vè…), được kết nối với các hình ảnh, bản tin cắt từ tin tức trên báo in, báo mạng…

Sau đây là một vài ví dụ:

image

Nhà thơ cách tân đi thi lục bát

 image

Hai bài thơ

image

Thơ và phê bình

image

Nhà thơ và thơ

Một khi quan niệm FB là sân chơi, hẳn ta sẽ vô cùng thú vị vì khả năng phát hiện đầy bất ngờ và hài hước của tác giả về mối quan hệ giữa thơ với các yếu tố phi thơ nói trên. Tuy nhiên, nếu gọi chúng là thơ, đây thực sự là cả một vấn đề với nhiều độc giả. Đây mà là thơ ư? Vậy thì thế nào mới là thơ? Đâu là giới hạn của cái gọi là thơ và không/ phi thơ? Có thể có nhiều loại thơ khác nhau không? Khác có đồng nghĩa với hay, giá trị?… Hàng loạt câu hỏi về bản thể và khả thể của thơ lập tức xuất hiện, khơi dậy những tranh luận trái chiều, cũng là khởi sự cho việc nhận thức và nhận thức lại. Bằng giễu nhại, tác giả phản tỉnh và bóc trần tính hình thức của sự vật, sự việc, đặt ra câu hỏi nghi ngờ về bản chất cũng như sự tồn tại chính đáng của chúng. Những văn bản đa phương thức này có hai tác dụng: tạo nên tiếng cười châm biếm xã hội, đồng thời, bằng chính sự tồn tại giễu nhại, chúng tạo nên một sự gai chướng, một sự gây hấn, từ đó, gieo nghi ngờ về về những ý nghĩa, giá trị vẫn được xem là tất yếu của thơ, thúc đẩy một sự phá hoại cần thiết, để thay đổi, mở rộng ý niệm về thơ và nhiều giá trị tinh thần khác.

Cũng cần nói thêm, sự “nghi ngờ” hay “phá hoại” này không nhằm đối lập hay chống lại thơ in giấy, nó chỉ chống lại tham vọng thiết chế hóa, quy phạm hóa ở thơ in giấy (thơ truyền thống). Nó gợi ý, đòi hỏi (và trên thực tế là đã) mở thêm những khả năng, phương thức tồn tại, giao tiếp mới cho thơ. Thơ Lê Vĩnh Tài không thiếu những bài/ phần/ câu hoàn toàn đáp ứng nhu cầu gợi cảm/ hàm súc/ độc sáng của độc giả truyền thống. Một mặt, nó cho thấy khả năng đa dạng của ngòi bút, mặt khác, nó là minh chứng cho tính chất dung hợp loại hình trong thơ Lê Vĩnh Tài. Trên thực tế, thơ truyền thống, như một loại vật liệu, đã được ông xử lí lại từ nhãn quan hậu hiện đại.

Hãy quan sát ví dụ sau đây:

Bài thơ về cuộn len

1.

cuộn len rối tung một mê cung

trong giấc ngủ tôi thấy cuộn len lăn như cỏ

sự bện chéo vào nhau sợi dọc sợi ngang

như sợi rơm chú chim sâu đan chiếc tổ

sau đó đẻ những quả trứng

như hợp nhất trời và đất

của đàn bà và đàn ông

uống và không khát

một hối tiếc

một nước mắt…

một ẩn dụ

được người đàn bà se lại như sợi chỉ

và đan

2.

(viết lại bằng lục bát)

cuộn len xanh cọng cỏ non

lăn trong bao ánh sáng vàng và nâu

cuộn len như chú chim sâu

cho người lích chích một màu lông tơ

đan thành chiếc tổ bé thơ

oa oa quả trứng bất ngờ thất thanh

một hối tiếc một long lanh

sớm ngày đã rối tung thành đêm đen

một người rách áo rồi em

một người lại giấu cuộn len đâu rồi

Thay đổi hình thức của bài thơ sẽ thay đổi tinh thần, thi tính của nó. Thực tế là ta đang đứng trước hai bài thơ về cuộn len chứ không phải một. Việc lựa chọn và đánh giá là của độc giả. Nghệ sĩ thì hành động. Với anh ta, ý nghĩa không chỉ nằm trong sản phẩm đã hoàn tất, được đưa đến cho độc giả – nó nằm trong quá trình và hành động sáng tạo sản phẩm. Việc Lê Vĩnh Tài viết lại bài thơ bằng thể lục bát là một trò chơi có chủ ý. Rõ ràng, khi đọc Bài thơ về cuộn len ở thể lục bát, dù xúc cảm đến đâu, ta vẫn phải đặt nó trong sự liên hệ, đối sánh tự nhiên với Bài thơ về cuộn len ở thể tự do trước đó. Hành động ấy nhắc nhở về những khả thể tồn tại khác nhau của tác phẩm và việc cần thiết phải có một quan niệm mở khi tiếp nhận nghệ thuật. Bản thân văn bản thể lục bát, giờ đây, cũng không tồn tại như một tác phẩm đơn lẻ, độc sáng, nó được đặt trong mối quan hệ đối sánh hiển nhiên với văn bản thể tự do, sự liên văn bản làm nẩy sinh các lớp nghĩa và cách đánh giá mới. Vật liệu truyền thống đã được xử lí lại, đã thành một sản phẩm nghệ thuật mới, khác. Đương nhiên, trong bối cảnh tạo nghĩa đó, làm sao độc giả còn có thể đọc một cách hồn nhiên, khi mà “sự ngây thơ bị đánh mất” (Umberto Eco)?

Khá gần gũi các nghệ sĩ như Lí Đợi, Bùi Chát, hay Inrasara, Đặng Thân…  ở tinh thần giải đại tự sự và thủ pháp giễu nhại, tuy nhiên, Lê Vĩnh Tài vẫn khác trong việc lựa chọn vật liệu và thái độ thể hiện. Chẳng hạn, nếu Lý Đợi, Bùi Chát phản kháng truyền thống theo cách nhại và nhạo gay gắt, với tinh thần “chúng tôi không làm thơ”, “nghịch thơ chứ không làm thơ” và bằng thứ ngôn ngữ vỉa hè “nhảm nhí, cố tình nhảm nhí hơn” (Inrasara) thì Lê Vĩnh Tài luôn quan sát các hiện tượng đời sống và thơ bằng con mắt giễu nhại tinh quái nhưng với thái độ khá ôn hòa. Ông chú ý đến tương quan hài hước giữa vật liệu (ngôn ngữ, hình ảnh đời sống) được sử dụng với sản phẩm chế tác (“thơ”, “bài thơ”) hơn là việc lựa chọn các vật liệu ngôn ngữ gây sốc. Sự giễu nhại ở ông thường có tính khôi hài hơn là gay gắt, chát chúa, dẫu đằng sau luôn là cái nhìn phản biện sắc sảo.

3. Có thể nói, thơ Lê Vĩnh Tài là một tiếng nói dòng “văn học thiểu số” (theo cách nói của Gilles Deleuze và Feslix Guattari[9]) đang ngày càng “lớn tiếng” hơn trong văn học dòng chính. Trên thực tế, không gian mạng đã kích hoạt và giúp phát triển tối đa nguồn năng lượng sáng tạo của ông. Không chỉ hỗ trợ về phương diện công cụ kĩ thuật, không gian mạng cũng chính là điều kiện, bối cảnh tạo nên tâm thức hậu hiện đại ở ông. Chối từ một sự định hình, đóng kín, chối từ tham vọng khái quát hóa, tổng kết, đóng dấu hoàn tất lên một sự nghiệp, thơ ông đang vận động, với năng lượng dồi dào một cách đáng kinh ngạc.

Thơ mạng Lê Vĩnh Tài tồn tại trong một bối cảnh hoàn toàn khác với thơ in giấy truyền thống. Đọc thơ mạng Lê Vĩnh Tài, do đó, không thể chỉ dừng lại ở các đơn vị bài riêng lẻ, mà cần đọc trong phối cảnh tổng thể văn hóa, xã hội, nơi nó nẩy sinh, tồn tại, tức “những cảnh sống” (live scenes) gắn liền với các yếu tố thời sự, chính trị, văn hóa cụ thể. Trong bối cảnh và diễn biến văn hóa đó, độc giả mới có thể tham gia tích cực, trọn vẹn vào quá trình tạo nghĩa văn bản[10]. Đừng đòi hỏi ở Lê Vĩnh Tài một tác phẩm thơ “trọn vẹn”, “giàu cảm xúc”, “nên thơ” như truyền thống (mặc dù ông thừa khả năng để làm điều này), bởi ta đang đối diện với một thực thể đang sinh thành, vận động – một ý niệm thơ mới. Làm thơ, với Lê Vĩnh Tài, không chỉ để bày tỏ cảm xúc cá nhân hoặc tạo nên một sản phẩm toàn thiện mà còn là hoạt động chất vấn bản chất và ý nghĩa của sự viết. Viết là hành động để tạo nên hình dung và quan niệm về quá trình hình thành một sản phẩm sáng tạo. Từ góc độ này, có thể nói, đọc thơ Lê Vĩnh Tài thực chất là đọc thơ về sự viết và bằng/ qua hành động viết. Việc đọc thơ, do đó, là một thỏa thuận hiểu biết giữa người viết và người đọc. Một cuộc chơi có nguyên tắc.

Tất nhiên, thơ mạng nói chung, thơ Lê Vĩnh Tài nói riêng, cũng đang bị đặt trước nhiều thách thức. Tồn tại trong một hệ sinh thái truyền thông rộng lớn, thơ mạng nhanh chóng xuất hiện nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên trong tiếng ồn trên mạng. Mặt khác, việc công bố sáng tác trên mạng, cụ thể trên FB, cũng có hạn chế: cùng với sự tự do, nó đồng thời đối mặt với sự phụ thuộc công nghệ, vấn đề xác tín văn bản, sự tồn tại phân tán, thiếu ổn định, thiếu hệ thống… Sáng tạo trên mạng là một cuộc chơi, ở đó, sản phẩm nhanh chóng vượt khỏi tầm đón nhận của độc giả, đã đành, nó còn vuột nhanh hơn thế, khỏi sự kiểm soát của tác giả.

image

 

Thơ mạng là một lựa chọn sáng tạo theo hướng nhập cuộc với thế giới của Lê Vĩnh Tài trong bối cảnh đương đại. Quan sát thơ mạng Lê Vĩnh Tài trong cường độ, tốc độ của nó, tôi đồng thời ý thức về phạm vi, giới hạn mô tả: một lát cắt phác thảo trên dòng vận động liên tục và nhanh chóng bị vượt qua.

Vinh, ngày 11/5/2022

L.H.Q.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), Văn học đại chúng trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đương đại, Nxb Khoa học Hà Nội. 

2. Gilles Deleuze, Félix Guattari (2013), Kafka, Vì một nền văn học thiểu số, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức.

3. Trần Ngọc Hiếu (2020), “Internet và cộng đồng tưởng tượng của thơ ca: Một khảo sát về thơ mạng Việt Ngữ những năm đầu thế kỉ XXI”, https://hieutn1979.wordpress.com/2020/01/13/tran-ngoc-hieu-internet-va-cong-dong-tuong-tuong-cua-tho-ca-mot-khao-sat-ve-tho-mang-viet-ngu-nhung-nam-dau-the-ky-xxi/

4. Inrasara (2008), “Văn chương mạng”, Song thoại với cái mới, Nxb Hội Nhà văn.

5. Nguyễn Thanh Tâm (2017), “Phác thảo loại hình thơ mạng ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (9).

6. Trần Khánh Thành (chủ biên), Lê Trà My, Trần Ngọc Hiếu (2021), Văn học mạng Việt Nam, xu hướng sáng tạo và tiếp nhận, tái bản lần thứ nhất, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Nguyễn Hưng Quốc, giễu nhại như một ý niệm, http://www.tienve.org/home/music/viewMusic.do;jsessionid=00D70FD504F21EA527E8A429854A01D1?action=viewArtwork&artworkId=3438

8. Heather Wood (2015), “Poetry for People? Modern Chinese Poetry in the Age of the Internet”, Chinese Literature Today, Vol 5 No.1, p.44-54.

9. https://www.facebook.com/vinhtai.le.9


[1] Nội dung phần này được tổng hợp từ các công trình, bài viết của Trần Khánh Thành, Trần Ngọc Hiếu, Inrasara, Nguyễn Thanh Tâm… (xem thêm Tài liệu tham khảo).

[2] I.P. Ilin và E.A.Tzurganova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kì thế kỉ 20, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, Nxb Đại học Quốc gia, tr. 426-433.

[3] I.P. Ilin và E.A.Tzurganova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kì thế kỉ 20, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, Nxb Đại học Quốc gia, tr. 426-433.

[4] Về các sự kiện chính trị – xã hội được đề cập trong các sáng tác của Lê Vĩnh Tài, xin tra cứu Google để biết thêm.

[5] Theo tổ chức WHO.

[6] Gilles Deleuze, Félix Guattari (2013), Kafka, Vì một nền văn học thiểu số, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Tri thức, tr.67.

[7] Nguyễn Hưng Quốc, giễu nhại như một ý niệm, http://www.tienve.org/home/music/viewMusic.do;jsessionid=00D70FD504F21EA527E8A429854A01D1?action=viewArtwork&artworkId=3438

[8] Tất cả những chi tiết in nghiêng đậm trong các đoạn thơ này nhắc đến các sự việc có thật trong đời sống Việt Nam, khoảng từ tháng 1/2020-2022, khi dịch bệnh COVID hoành hành.

[9] Gilles Deleuze, Félix Guattari (2013), sđd, tr.65.

[10] Heather Wood (2015), “Poetry for People? Modern Chinese Poetry in the Age of the Internet”, Chinese Literature Today, Vol 5 No.1, p.44-54.

Comments are closed.