Thơ sau 1954: Thời của những ám ảnh siêu hình

Nguyễn Hưng Quốc

Thơ sau 1954: Thời của những ám ảnh siêu hình

Thơ Việt Nam sau 1954 không những thiên về nhận thức mà còn khắc khoải với những ám ảnh siêu hình.

Gắn liền với sự khắc khoải, cảm xúc thường bị đẩy đến mức cực đoan. Người ta không còn thầm thì than thở nữa. Hoặc người ta chịu đựng hoặc người ta gào thét. Chịu đựng thì như trường hợp của Quách Tấn: đối diện với sự bất hạnh, ông không khóc, ông không nói; mọi cảm xúc đều bị ghìm nén lại; “nhất nhất cái gì cũng quạnh quẽ, hiu hắt, tịch mịch” (1) như trường hợp của Văn Cao: “Có khi nước mắt không thể chảy ra ngoài được”, hoặc như trường hợp của Hoàng Hưng: “Ngày buồn ăn cả vào đêm / Em ngồi như núi lặng im mà buồn”. Gào thét thì như trường hợp Thanh Tâm Tuyền:

“Tôi không ca ngợi tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu. Mỗi tiếng, mỗi lời viết ra tôi đều thấy nó chứa đựng những hận thù, khinh bỉ, dày vò, đớn đau, tuyệt vọng, nhơ nhuốc, dối trá, hằn học, trơ trẽn, bệnh hoạn, xấc láo, tàn bạo, cục cằn, tủi hổ, yếu đuối, bất lực, chết chóc nghĩa là tất cả những thứ mà tình yêu loại trừ .”(2)

Đằng sau những lời lẽ ít nhiều có tính cường điệu ấy, có một sự thật mà Thanh Tâm Tuyền đã nhạy bén phát hiện ra được: tâm hồn con người đã thay đổi hẳn. Rải rác trong nhiều bài viết khác nhau, Võ Phiến đã phân tích những sự thay đổi ấy. Ông gọi thế hệ 1954-75 ở miền Nam là “thế hệ sỗ sàng”: “sỗ sàng, thẳng thừng, cynique, khinh mạn, phũ phàng v.v…, hàng loạt những tiếng như thế thường được dùng để chỉ định thái độ của thế hệ này” (3). Bất cứ thái độ nào được miêu tả ở trên cũng đều xuất phát từ ý thức hơn là từ cảm xúc.

Ở miền Nam, trong bài “Nhân nghĩ về hội hoạ”, viết năm 1956, Thanh Tâm Tuyền lên tiếng chống lại chủ nghĩa tình cảm trong văn học nghệ thuật:

“Tôi cho không có cái định nghĩa văn chương nghệ thuật nào ấu trĩ hơn là cái định nghĩa này: văn chương nghệ thuật là sự phô diễn những xúc động ở trong lòng của con người. Định nghĩa ấy dẫn đến trong hội hoạ, hoạ phái trừu tượng vô hình dung, trong văn chương, một thứ văn chương lải nhải tình cảm (sentimentalisme) – dù là tình cảm lành mạnh đi lên và gì gì nữa – Nghệ thuật là hành động siêu việt hoá con người trong chính đời sống thực của nhân loại. Những tác phẩm tầm thường là những tác phẩm chịu trói trong những cái vụn vặt tủn mủn hời hợt của đời sống”. (4)

Trước đó một năm, năm 1955, trong bài “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, Thanh Tâm Tuyền miêu tả chân dung nhà thơ mới: “hắn bước sâu vào ý thức thăm thẳm muốn xô động tới những giới hạn siêu hình.” (5)

Ở miền Bắc, cách suy nghĩ của một số nhà thơ cũng tương tự. Trong bài “Một vài ý nghĩ về thơ”, viết năm 1957, Văn Cao tự hỏi, nhẹ nhàng và dè dặt hơn: “Chúng ta đã đi qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu không?” (6)

Có thể nói: trung tâm của Thơ Mới là cái tôi cảm xúc; trung tâm của thơ sau 1954, đặc biệt ở miền Nam, là cái tôi ý thức.

Nếu Thơ Mới được xây dựng trên sự dào dạt của cảm xúc thì thơ sau 1954 được xây dựng trên sự khắc khoải, sự dằn vặt của ý thức. Các nhà Thơ Mới đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với thiên nhiên, với gia đình, bạn bè, người yêu để lắng nghe và ghi nhận những tiếng động khẽ khàng trong hồn mình; các nhà thơ sau 1954 đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với lịch sử, với thân phận con người nói chung để nhận diện những cơn lốc khốc liệt trong hồn mình và trong đời mình.

Các nhà Thơ Mới nỗ lực tạo dựng, bằng hoài niệm hoặc bằng mơ ước, một thế giới khác lúc nào cũng bềnh bồng trong sương khói và thoang thoảng chút hương hoa; các nhà thơ sau 1954 chỉ bận tâm với việc thám hiểm vào chính cái cuộc đời họ đang sống, cái núi lửa đang thiêu đốt họ.

Các nhà Thơ Mới chấp nhận cuộc đời bằng thái độ ung dung tự tại và phần nào thoả mãn của họ nhưng quay lưng lại với cuộc đời bằng những giấc mộng miên man về một cõi vô biên nào đó; các nhà thơ sau 1954 từ chối tính chất đương nhiên của cuộc đời bằng những phản kháng, những giãy giụa gào thét nhưng lại chấp nhận đối diện cuộc đời như một thực tại không thể tránh khỏi và như một đối tượng cần đào sâu của ý thức, từ đó, của chính thơ ca.

Có thể nói: trung tâm của Thơ Mới là cái tôi cảm xúc; trung tâm của thơ sau 1954, đặc biệt ở miền Nam, là cái tôi ý thức.

Nếu Thơ Mới được xây dựng trên sự dào dạt của cảm xúc thì thơ sau 1954 được xây dựng trên sự khắc khoải, sự dằn vặt của ý thức.

Các nhà Thơ Mới đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với thiên nhiên, với gia đình, bạn bè, người yêu để lắng nghe và ghi nhận những tiếng động khẽ khàng trong hồn mình; các nhà thơ sau 1954 đặt mình chủ yếu trong mối quan hệ với lịch sử, với thân phận con người nói chung để nhận diện những cơn lốc khốc liệt trong hồn mình và trong đời mình.

Các nhà Thơ Mới nỗ lực tạo dựng, bằng hoài niệm hoặc bằng mơ ước, một thế giới khác lúc nào cũng bềnh bồng trong sương khói và thoang thoảng chút hương hoa; các nhà thơ sau 1954 chỉ bận tâm với việc thám hiểm vào chính cái cuộc đời họ đang sống, cái núi lửa đang thiêu đốt họ.

Các nhà Thơ Mới chấp nhận cuộc đời bằng thái độ ung dung tự tại và phần nào thoả mãn của họ nhưng quay lưng lại với cuộc đời bằng những giấc mộng miên man về một cõi vô biên nào đó; các nhà thơ sau 1954 từ chối tính chất đương nhiên của cuộc đời bằng những phản kháng, những giãy giụa gào thét nhưng lại chấp nhận đối diện cuộc đời như một thực tại không thể tránh khỏi và như một đối tượng cần đào sâu của ý thức, từ đó, của chính thơ ca.

Những sự khác biệt trên dẫn đến những sự khác biệt khác có ý nghĩa quyết định: trong khi các nhà Thơ Mới làm thơ như những thi sĩ, nghĩa là những kẻ đang sống trong thế giới của cái đẹp, của mộng mơ, các nhà thơ sau 1954 làm thơ như những người thường không phải là thi sĩ, nghĩa là những kẻ đang sống giữa thế giới đầy bão bùng, đầy bụi bặm của hiện thực.

Các nhà Thơ Mới quan niệm nhà thơ là những kẻ sáng tạo, một thứ tạo hoá con con; các nhà thơ sau 1954 quan niệm nhà thơ chỉ là người hục hặc tra vấn cuộc đời và tâm hồn mình, người đi lượm nhặt những mảnh vỡ trong nhận thức và trong cảm xúc để lắp ghép, tô bồi lại thành một tác phẩm nghệ thuật. Các nhà Thơ Mới luôn luôn cô độc; các nhà thơ sau 1954, như Thanh Tâm Tuyền khẳng định, “[Tôi] không còn cô độc” nữa. Họ đồng nhất họ với thân phận con người nói chung, do đó, họ đỡ bơ vơ hơn, đỡ lạc loài hơn, nhưng ngược lại, họ lại bị dày vò hơn và nhiều đau đớn hơn: họ phải gánh cái gánh nặng của cả nhân loại.

Nhã Ca buồn, trước hết, cũng buồn vì là… con gái: “Tôi làm con gái / Buồn như lá cây;” tự hào, trước hết, cũng tự hào vì là… đàn bà: “Tôi sẽ mát như trăng nhưng cũng nóng hơn lửa /… Bởi tôi là đàn bà”. Vũ Hoàng Chương không còn cay đắng vì, cùng với một ít người khác, do tài hoa cao ngất, độc đáo, không ai hiểu được, “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” mà não nề vì sự bế tắc trong khả năng nhận thức của con người: “Dấu hỏi (?) vây quanh trọn kiếp người / Sên bò nát óc máu thầm rơi”. Quách Thoại làm thơ là để “nói lời thơ đời nhân loại đau thương”. Nguyên Sa mang trong lòng cả nỗi buồn của thế kỷ: “Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt / Dăm bảy nụ cười không đủ xoá ưu tư”. Bùi Giáng mang trong lòng cả cái lạnh của kiếp nhân sinh: “Phiêu bồng sáu cõi thu trôi / Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê”.

Việc dẫn chứng có thể kéo dài vô tận. Dĩ nhiên người ta có thể nêu ra một số nhà thơ khác, ở miền Nam, không bị quằn quại về vấn đề số phận. Như trường hợp của Phạm Thiên Thư, người được Võ Phiến nhận xét là “giữa một thời ác liệt đầy âm thanh và cuồng nộ, ông giữ được quân bình an lạc trong tâm hồn” (7). Có thể. Nhưng chỉ trong vài bài thơ của Phạm Thiên Thư được Võ Phiến tuyển, tôi ngạc nhiên bắt gặp hai câu này:

nay áo đã cuốn về thiên cổ
lá vàng bay lạnh nỗi niềm không

(Áo thu)

Lạnh. Nỗi niềm không. Chiếc lá như một kiếp người. Nó khác biết bao với chiếc “lá vàng trước gió sẽ đưa vèo” trong thơ Nguyễn Khuyến, những chiếc lá vàng, lá hồng từ tường bắc sang tường đông trong thơ Tản Đà, chiếc lá mơ rơi giữa rừng mơ trong thơ Nguyễn Bính. Tất cả những chiếc lá ấy, buồn có buồn, nhưng chỉ là nỗi buồn hiu hắt. Như một nỗi ngẩn ngơ. Thế thôi.

Cho nên, có thể nói, ở miền Nam, nhà thơ có tài nào, không nhiều thì ít, cũng bị ảnh hưởng bởi những băn khoăn, những khắc khoải siêu hình.

Ở miền Bắc, ngược lại, do hoàn cảnh xã hội, nói chung, chính trị trở thành mối bận tâm hàng đầu. Tuy nhiên, ở một số nhà thơ được coi là mới, những khắc khoải trong nội tâm cũng chiếm một vị trí rất đáng kể. Thơ Đặng Đình Hưng là sự giằng xé dai dẳng và âm thầm trong tâm hồn giữa cái sáng và cái tối, cái hiện thực và cái ước mơ, giữa ý thức và tiềm thức, giữa cái hữu hạn của cá nhân mình và cái vô hạn của cuộc đời (8). Thơ Hoàng Hưng là một chuỗi những “rùng mình khắc khoải trước hư vô”, là một cuộc hành trình cheo leo, ở đó, kinh nghiệm từ quá khứ thành vô dụng, mỗi bước đi là một khởi đầu, một bỡ ngỡ. Thơ Hoàng Hưng là một tiếng buồn như biển mênh mang trước một cuộc sống nếu không phải là ngục tù, đầy những phập phồng, sợ hãi, thì cũng ê chề, nhếch nhác, bẽ bàng. Thơ Hoàng Hưng là một cuộc tra vấn khổ sở về ý nghĩa của nhân sinh, là cuộc tìm kiếm miệt mài bản lai diện mục của cuộc đời và của chính mình. Tập thơ thứ hai của ông mang tựa là “Người đi tìm mặt”, cũng là nhan đề của một bài thơ trong tập, ở đó, láy đi láy lại hoài mấy câu:

Đi tìm mặt mình
Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình (9).

Thơ Văn Cao cũng tương tự. Đó là loại thơ tiết chế cảm xúc đến tối đa. Đặng Tiến nhận xét: “Đề tài thơ Văn Cao không nhiều: vài ba kỷ niệm, với dăm người bạn, vài thành phố, nhưng lúc nào cũng là những câu hỏi dằn vặt.” (10) Đó là những câu hỏi nhức nhối về cái sống, cái chết, về tuổi già, về thời gian, về lịch sử, về sự cô đơn, về cái thiện và về cái ác; là khát vọng tìm kiếm không nguôi “một khoảng trống thẳm sâu” “sau chén trà nhỏ”; nói theo Nguyễn Thuỵ Kha, là “thơ triết lý của đời thường” (11), nói theo Thường Quán, là thơ của sự giằng xé và phân cực (12). Văn Cao luôn luôn có tham vọng, từ kinh nghiệm éo le của mình, vươn lên một cái nhìn có tầm khái quát về số phận con người nói chung. Văn Cao là người “thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước” và cũng là người “chỉ nói tới một giọt ánh sáng để thấy cái vô cùng tận của trời xanh” (13).

Chú thích:

  1. Võ Phiến (1990), “Thế cuộc”, Làng Văn số 71 (7.90), tr. 41.
  2. Thanh Tâm Tuyền (1955), “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”, in trên Sáng Tạo số 31 (9.1959), tr. 1-6; sau, in lại trên Giai phẩm Văn (Sài Gòn) số tháng 11.1973 (số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền), tr. 64-71; in lại trong Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945-1985 của Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, 1993, tr. 274-280.
  3. Võ Phiến (1994), “Thơ tình Trần Dạ Từ”, Thế Kỷ 21 số 61 (5.94), tr. 59.
  4. Thanh Tâm Tuyền (1956), “Nhân nghĩ về hội hoạ”, in lại trên Giai phẩm Văn số tháng 11.1973, tr. 74.
  5. Thanh Tâm Tuyền (1955), bđd.
  6. Văn Cao (1957), “Một vài ý nghĩ về thơ”, in lại trên Hợp Lưu số 8 (12.92 & 1.93), tr. 95.
  7. Võ Phiến (1991), Thơ miền Nam, tập 1, Văn Nghệ, California, tr. 60.
  8. Về thơ Đặng Đình Hưng, ở hải ngoại, có thể đọc bài điểm sách của Thanh Thảo in trên Hợp Lưu số 13 (10&11.93), tr. 182-183, và của Thuỵ Khuê, “Thi giới Đặng Đình Hưng” in trên Hợp Lưu số 23 (6&7.95), tr. 56-66.
  9. Hoàng Hưng đã xuất bản hai tập thơ: Ngựa biển, nxb Trẻ, Saigon, 1988 và Người đi tìm mặt, nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1993.
  10. Đặng Tiến (1993), “Văn Cao Lá Khát Vọng”, Hợp Lưu số 8.
  11. Nguyễn Thuỵ Kha (1987), “Về một bản lĩnh thơ”, Đất Việt (Canada), số tháng 11.87, tr. 52.
  12. Thường Quán (1993), “Văn Cao: chén trà và khoảng trống”, Hợp Lưu số 8, tr. 63-69.
  13. Văn Cao (1957), bđd, tr. 94.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/am-anh-sieu-hinh-11-04-2010-106711118/886416.html

Comments are closed.