Thơ Tân hình thức Việt: Kể sao hết được… (kỳ 2)

Đỗ Quyên

Tác giả gửi Văn Việt

doquyen

Nhà văn Đỗ Quyên

 V. Những vấn đề thi pháp

V.1. “Nhân vật” thể loại trong Thơ Tân hình thức Việt

“Nhân vật chính” cũng là “nhân vật hạng nhì và hạng ba”

Thể loại được giới lý luận, nghiên cứu xem là một trong rất ít “VIP” theo quá trình phát triển văn học, vì thế không thể nào có nhiều cách tân thể loại. Như chúng tôi đã có dịp trình bày [[i]], trong thơ hiện đại Việt ở mức thử nghiệm hoặc lý thuyết có Trần Dần (Thơ ý niệm/ Thơ tiểu thuyết/ Thơ dòng chữ), Đặng Đình Hưng (Thơ tiểu thuyết), Dương Tường (Thơ âm hình), Ðặng Thân (Thơ phụ âm), Nguyễn Hoàng Nam, Lê Văn Tài (Thơ đồ họa), Nguyễn Thúy Hằng (Thơ sự vật), Khải Minh (Thơ cấu), Nguyễn Tôn Hiệt (Thơ thực hiện)… Mở đường và thành tựu càng hiếm: Phan Khôi đã khai hỏa cách mạng cho phong trào Thơ Mới, và bây giờ Tân hình thức Việt cải cách để sinh ra một thể thơ mới.

Nếu dùng cách đề cao như của M.M. Bakhtin [[ii]] thì với trào lưu Tân hình thức Việt thể loại vừa làm “nhân vật chính” vừa chiếm giữ cả “nhân vật hạng nhì và hạng ba”. Câu chuyện ranh giới hình thức thể loại luôn sôi động. Một số thể loại đến thời kỳ sung mãn hoặc một số phong cách tới khi thoái trào vẫn không thể có đường biên rành mạch. Người ta gọi đó là thể loại, phong cách ký sinh vào các thể loại, phong cách kinh điển và ổn định. Tân hình thức Việt là thế!

Đặc biệt, không hiếm thơ của những tác giả độc lập tạo nên các hiện tượng văn chương do mang phong cách bấp bênh thể loại mà thơ Nguyễn Quang Thiều là một cách tân hiển lộ nhưng bất đồng trên thi đàn Việt suốt hơn 20 năm qua [[iii]]. Cùng là các dạng thơ lấy văn xuôi làm hồn, nhưng cách làm thơ loang chảy Nguyễn Quang Thiều đối ngược với đường lối Tân hình thức Việt. Cấu trúc Tân hình thức bề ngoài vuông vắn, nhạc tính không liên hệ với âm vần; Thơ Nguyễn Quang Thiều có ngữ điệu và hình thể bất định của thơ tự do. Nhận thức thẩm mỹ: Tân hình thức phá hủy tư duy Thơ Mới và thơ tự do để tạo ra dòng thơ kể; Thơ Nguyễn Quang Thiều tựa hẳn vào mỹ học truyền thống mà nâng cấp qua diễn ngôn. Bút pháp: Tân hình thức ra ngoài khuôn phép thể tài truyền thống, dùng nhiều thủ pháp cực đoan (tính truyện, bỏ “vần lẻ” cuối câu tạo “vần lớn” ở toàn bài bằng 2 kỹ thuật lặp lại và vắt dòng vô lối, không tu từ, giễu nhại bằng kiểu nói đời thường); Thơ Nguyễn Quang Thiều coi trọng ngôn từ hình tượng và cú pháp mạch thơ, tung mở các thể loại cũ, không lệ thuộc vần, tính truyện vừa phải mà thường là “truyện giả/ ảo”, diễn đạt nghiêm cẩn với cảm xúc lãng mạn và cách xa ngôn ngữ bình dân. Để dễ so sánh chúng tôi đã thử chuyển bài thơ tự do Bữa tối của tác giả này sang thể Tân hình thức. Thơ Trần Vấn Lệ là trường hợp khác về biến cách thể loại giữa thơ và văn, thơ văn xuôi và thơ tự do, tuy về nhiều mặt chưa cách tân. Còn thơ Nguyễn Đức Tùng [[iv]] có thể coi hơn-cả-cách-tân khi đang cố gắng hoàn chỉnh một lối viết mới lạ trong thể thơ-văn-kể: vẫn là thơ tự do không vần, nhưng nhịp điệu gần như không qua từ ngữ mà qua ý tưởng, ngôn ngữ hiếm mỹ từ, đề tài thời cuộc, giọng hài giễu, song hành hai dòng văn hóa Đông-Tây, hai nhân sinh quan từ hai ý hệ và nhất là rất bất ổn trong hai hình thức thơ-văn.

Suốt 10 năm qua Thơ Tân hình thức Việt bị coi như “dở ông (thơ) dở thằng (văn)”. Nếu nó còn bị đọc theo cung cách cũ thì việc khó tiếp nhận là điều có thật. Cứ riết róng săm soi các chi tiết thuộc về hiện tượng, lại ở những bài chưa đạt ngưỡng, quả là nhìn đâu cũng thấy văn xuôi trong Tân hình thức. Phải bằng cái nhìn bản thể phân biệt thơ và văn xuôi mới thấy Thơ Tân hình thức Việt là… thơ. Tạp chí thơ danh tiếng của Pháp Action Poétique (Hành động thơ) vào năm 2000 đã đưa ra 3 điểm lớn phân biệt thơ và văn xuôi [[v]], theo đó chúng tôi tách ra 6 chi tiết: đối tượng, chủ đề, tiết tấu, thời gian, chủ thể, nghĩa. (Các mục V.2-V.4 sẽ minh họa qua Tân hình thức Việt.)

Như một tin vui nho nhỏ “hậu sinh khả úy” trong làng thơ Việt giữa làng văn hóa toàn cầu, mời nghe ý kiến của Đỗ Lịnh Ái Linh/ Aline Dolinh, nữ sinh trung học Oakton, trong bài phát biểu tại tiệc mừng các Thi sứ quốc gia Hoa Kỳ ngày 21/9 vừa rồi: “Trong văn xuôi (…) ngôn từ làm nhiệm vụ trang trí câu chuyện, một phương tiện đúc kết cốt truyện hoặc tạo dựng các nhân vật. Nhưng trong thơ, ngôn từ là câu chuyện.” So sánh của chính một cây bút trẻ Tân hình thức Mỹ nên cũng gần gụi với thực trạng truyện trong thơ-kể Việt. Đúng thế! Tân hình thức là thể loại duy nhất đã làm cho ngôn ngữ – đối tượng của thơ – trở thành “câu chuyện”.

Thơ Tân hình thức với thơ văn xuôi và trường ca

Chúng ta nhìn ngang Thơ Tân hình thức qua 2 thể loại khác là thơ văn xuôi và trường ca để thấy phần nào những cái giống, cái khác. Hoàn toàn như ở thơ văn xuôi và trường ca, một bài Tân hình thức thành công khi và chỉ khi tạo được trường thơ phủ sóng toàn tác phẩm. Điều gì quyết định sự giống nhau đó?

Trước hết, ở cả 3 thể loại thơ văn xuôi, trường ca và Tân hình thức, tùy từng thể loại mà mỗi câu thơ riêng lẻ có chức năng khác nhau nhưng chúng đều không còn như ở các thể loại vần điệu và tự do. Câu thơ lúc này đã mất, giảm vai trò. Tác phẩm là một dòng chảy. Đó chính là “minh triết” thơ-chảy, nếu có thể gọi vậy. Bài thơ tạo ra câu thơ chứ không ngược lại: quan niệm ấy từng rất đúng cho thơ văn xuôi và trường ca, nay đến lượt Tân hình thức. Vậy nên, về văn bản và diễn ngôn, với 3 thể thơ này việc trích lược các câu thơ sẽ có nguy cơ làm sai lạc.

Về cú pháp, so với thơ tự do nói chung và với thơ văn xuôi nói riêng, cách tân mãnh liệt của Tân hình thức Việt là triệt tiêu ý niệm câu thơ [[vi]]. (Tiếp ở mục V.3.) Trong một bài trường ca, hay một bài thơ dài mang tính trường ca, có rất nhiều câu thơ, đoạn thơ chỉ như các đai ốc, vòng đệm nhỏ, các khoang phụ trong cả cỗ máy khổng lồ. Cũng như với tiểu thuyết, do không đọc trọn tác phẩm hoặc đọc mà không dò ra được từ trường văn học của nó, nên các kiểu trích dẫn hú họa và chủ quan một vài câu, thậm chí cả trường đoạn không tiêu biểu để phán xét toàn tác phẩm vẫn là lề lối phê bình “nhìn cây không thấy rừng” thường gặp. Nhưng dù sao, cũng là lỗi của nhà phê bình hơn là của tác phẩm trường ca. Còn thơ văn xuôi và Thơ Tân hình thức thì đúng chịu “lỗi”: khó có câu thơ nào của 2 thể thơ ấy được coi là độc lập, cả về nội dung lẫn quan hệ cú pháp, cả về nhịp điệu lẫn ngữ nghĩa. Các câu thơ không được phép mang một đời sống riêng. Khác hẳn ở những thể thơ khác, nhất là thơ truyền thống, trong thơ văn xuôi và Thơ Tân hình thức các câu thơ sống bầy đàn. Ở Tân hình thức, ngay trong những bài có “câu văn” đầy đủ chủ vị, chấm phẩy chính kỹ thuật vắt dòng đã khiến bài thơ không còn câu thơ. Ở thơ văn xuôi, vì bài không được phân chia theo từng dòng như ở các thể truyền thống và tự do, dù câu vẫn tồn tại nhưng không để tạo âm điệu bằng vần: câu thơ có tựa hồ không. Những câu thơ hờ!

Đánh giá thật đúng các bài thơ văn xuôi và trường ca – tất nhiên chỉ kể các sáng tác “sạch nước cản” – là điều thách đố, ít nhất về kỹ thuật đọc-bài-thơ (chứ không chỉ đọc-câu-thơ) nếu so với các thể loại khác. Muốn khen chê thì cả ngày khen chê cũng không hết với vài câu trích dẫn có độ hay-dở rõ như ban ngày. Riêng với trường ca, người viết còn dám tin rất khó tìm thấy một bài trường ca nào hoàn hảo! (Điều không xảy ra với thể loại lớn tương ứng bên văn xuôi là tiểu thuyết). Đó là một nét kỳ ảo của chất thơ và kỹ thuật thơ trong trường ca. Câu mọc lên như rừng, chữ chảy ra thành sông thì để thi vị hóa hàng trăm hàng ngàn dòng, hàng chục ngàn chữ, khó hoàn hảo là phải. Kỳ ảo hơn, ở các bài thơ văn xuôi với dung lượng câu, chữ cũng bằng thơ truyền thống, thơ tự do thế nhưng lý giải chúng vẫn luôn nan giải. Đây có lẽ là lý do chung khiến thơ văn xuôi và trường ca ít phổ cập hơn các thể loại khác. Làm đã không dễ, đánh giá càng không dễ. Các điều trên liệu cũng sẽ trúng cho “tân binh” Tân hình thức?

Nói riêng giữa thơ văn xuôi và Tân hình thức Việt. Điểm giống nhau tâm đắc nhất, trong các thể thơ nói riêng và trong thể loại văn vần nói chung: chỉ thơ văn xuôi và Thơ Tân hình thức mới là thể thơ không vần. Như hai núm đồng tiền trên gương mặt văn học Việt!

Dưới đây, dõi theo nhận định của Hữu Đạt [[vii]] về thơ văn xuôi, có thể tìm thấy nhiều điều giống-khác giữa chúng.

 – H.Đ.: “Đứng trên phương diện ngôn ngữ thì thơ văn xuôi là đỉnh cao nhất của thơ tự do. Về hình thức câu nó có dáng dấp gần gũi với một câu văn xuôi, nhưng lại khác văn xuôi ở chỗ mang nhiều hình ảnh, nhiều chất thơ và được hình thành do cảm xúc trực tiếp của nhà thơ.”

– Tân hình thức: Ngược lại. Ngôn ngữ “ngồi bệt xuống cỏ”, không hình tượng cầu kỳ, càng ít sướt mướt càng quý và chỉ là chuỗi lời kể chân chất.

– H.Đ.: “So với các thể thơ trước nó, thơ văn xuôi có nhiều ưu điểm là diễn tả được cùng một lúc những cảm xúc trùng điệp, những hình ảnh, những ý thơ liên tiếp. Do đó trong một câu thơ văn xuôi, người ta thường thấy bề bộn những sự kiện, những hình ảnh, những cảm xúc có khi lồng vào nhau hoặc đan chéo vào nhau.”

– Tân hình thức: Đúng với câu đầu, vì cả 2 thể thơ đều là thơ-chảy. Câu cuối cũng đúng nếu nói mức độ hỗn mang của hiệu ứng cánh bướm trong Tân hình thức, nhưng – quan trọng – cụm từ “một câu thơ” phải thay bằng “một bài thơ”. Trong thi pháp Tân hình thức Việt không có chỗ đứng cho câu thơ: cả bài thơ Tân hình thức thực chất là một-câu-thơ.

Từ đó, danh sách “nickname” cho dòng thơ này sẽ có thêm thơ-chảythơ-một-câu, bên cạnh những tên đã có: thơ-phá-thể, thơ-kể, thơ-thi-pháp-đời-thường, thơ-không-vần, thơ-vắt-dòng, thơ-đếm-chữ, thơ-đều-chữ…

Thử kể những nhược điểm người làm thơ hay mắc ở thơ văn xuôi hơn ở các thể thơ khác: ý phóng đại, chuyện dễ dãi, câu lê thê, tứ kém, thi ảnh xô bồ, thơ bí dí… văn xuôi, và nhất là khó kết thúc bài thơ. Các nhà Tân hình thức cũng dễ bị như thế! Còn nữa, vài câu hỏi: Nếu đã thuận tay thơ văn xuôi, chuyển qua Tân hình thức dễ dàng không? Hiếm thấy tác giả nào có bài thơ đầu đời là thơ văn xuôi. Liệu cũng như thế với Tân hình thức? Trong số người viết Tân hình thức mới hiện nay có ai không như thế?

Những đặc tính gì giao lưu giữa trường ca và Tân hình thức? Trong khảo cứu trường ca Việt Nam đã công bố một phần của phương pháp phân loại theo tính trường ca và các danh sách tác giả, tác phẩm (Chú thích 15), chúng tôi có thiếu sót chưa dành chương mục riêng nhận định về đóng góp của Tân hình thức Việt – một thành viên đã 10 năm tuổi trong đại gia đình thể loại văn học Việt hiện đại mà dòng trường ca có độ tuổi 80 cùng Thơ Mới. Sau đây là vài nét nhận dạng và dẫn ra từ danh sách đó tên các tác phẩm trường ca Việt cụ thể có dùng Tân hình thức.

Như đã nói ở mục III.4., trong số 1063 tác phẩm thơ có tính trường ca đã có khoảng 10 bài sử dụng thể thơ Tân hình thức: thơ dài là Chân dung biện chứng người tình của Nguyễn Hữu Viện; Chuyện của em và Trần Dần/ Nguyễn Thị Ngọc Lan; Giấc mơ/ Nguyễn Lương Ba; Phóng tác từ tiểu thuyết/ Đỗ Quyên; Đừng, Đọc thơ, Những mảnh đời và những mảnh đời/ Nguyễn Hoài Phương; v.v. và trường ca là Chuyện 40 năm mới kể/ Inrasara; v.v. Cũng có vài trường ca với trường đoạn ở thể Tân hình thức, và đấy có lẽ là kết hợp tốt giữa 2 thể loại. Lối viết Tân hình thức Việt nên là một nhạc cụ, một giọng ca trong một bài trường ca hơn là lãnh trọn cả dàn hợp xướng này. Trong khi đó, nhà Tân hình thức Mỹ Feirstein thì “mong mỏi được thấy, nếu như điều tôi muốn thấy thì chưa từng hiện hữu, là sẽ có nhiều bài thơ tự sự [Tân hình thức] rất dài mà thể loại này cho phép thể hiện. Xin đơn cử một tỉ dụ, là Turner đã hoàn tất 3 bài thơ tự sự có độ dài của một cuốn sách.”

Không ít bài Tân hình thức có dung lượng lớn (khoảng 750 chữ trở lên), như Những nụ hồng của máu/ Nguyễn Đăng Thường, Cuộc tình của Yoshima và Chi/ Quỳnh Thi, Tiếng hát từ cổ xưa/ Khế Iêm, Những người đàn bà cuối cùng của một dòng họ/ Đài Sử… và có một số tiêu chí phù hợp với trường ca, nhưng không trúng vào 2 tiêu chí chính là thể tài (nội dung không của cá thể hay giữa các cá thể, mà thuộc về giá trị chung của nhân loại, đất nước, cộng đồng trong chủ đề nhân văn rộng lớn), và giọng điệu (mạnh hoặc nhanh, hùng ca hoặc bi ai hoặc hài hước, với chủ đích lôi cuốn, chủ quan).

Ví von, nếu viết trường ca như phóng xe trên xa lộ cao tốc thì viết Thơ Tân hình thức như lướt xe trên các phố nhỏ có bùng binh!

Thơ phụ âm “chỏi” Thơ Tân hình thức

Cũng cần dành riêng một mục so sánh kcàng Thơ Tân hình thức Việt với thơ phụ âm. Đấy là hai “kẻ thù” không đội trời thơ chung về thi pháp! Trong 5 năm qua, giới yêu thơ cách tân đã biết Đặng Thân qua bài vừa tuyên ngôn vừa minh họa vừa tâm tình đã khởi xướng loại thơ mới – thơ phụ âm [[viii]] – với kỹ thuật mới là lấy phụ âm đầu làm cơ sở để lặp lại khi tạo chữ, tạo câu cho câu, đoạn của bài thơ. Thi pháp lặp lại phụ âm đầu từng có ở một số nền thi ca cổ Âu châu (Anh, Saxon cổ, Đức…) và hiện còn tương đối phổ biến trong thơ tiếng Anh. Hãy làm phép so giữa hai thể loại đương sự.

Một, về hình thức khổ thơ, thơ phụ âm Việt dùng gần như tất cả các thể đã có (truyền thống, tự do, nhưng chắc khó chơi với Tân hình thức?)

Hai, về thể loại, đó vẫn là loại thơ vần, nhưng vần được tạo ra không theo nguyên tắc nguyên âm như các loại thơ bình thường.

Ba, ngôn từ trong thơ kiểu Đặng Thân chắc đã tu mấy kiếp, khiến một nhà phê bình mỹ học người Canada phải thốt lên “hình dáng những từ ngữ của anh thật là hùng vĩ và siêu phàm”, chứ đâu là lời ăn tiếng nói thuận miệng xuôi môi như ở thơ Khế Iêm. Như vậy, lối thơ phụ âm vừa phải gieo vần theo nguyên âm để xuống dòng, vừa vặt vẹo vi vu vần vèo theo phụ âm để còn là… thơ phụ âm! Riêng về kỹ thuật, nó khó hơn thơ bình thường 2-3 lần và khó gấp bội so với Tân hình thức. Người làm thơ phải có vốn từ vựng cực kỳ phong nhiêu và quái đản. Trung niên thi sĩ tái thế may chăng mới coi ththơ này thường thôi châu chấu chuồn chuồn. Dù không là thơ phụ âm, chỉ riêng thủ pháp phụ âm của Bùi Giáng cũng siêu đẳng: “Em đi như ththân là thể/ Anh ở một mình thể mất thân”.

Bốn, tính truyện là cái mà hai loại thơ Việt cách tân này không trùng nhau. Thơ phụ âm muốn thành thơ vẫn phải bám vào tứ như các loại thơ nguyên âm. Nó không ưa nhiều chuyện lắm chi tiết của truyện theo kiểu thơ kể Tân hình thức. Nó nhiều chuyện theo kiểu nhiều chữ.

Năm, thơ phụ âm cần đọc to tướng thành tiếng. Tôi mường tượng dù có thể chưa cần hiểu ất giáp chi Inrasara vẫn thấy “nhịp điệu của những chữ, của những phụ âm đầu lặp lại liên lỉ, sẵn sàng lặp lại lần nữa, làm trương nở và phá vỡ cấu trúc câu/ đoạn thơ; khiến bài thơ ngập tràn âm thanh, gai góc mà bay bổng.” Mặc lòng, bên Tân hình thức thơ-chảy cứ tuồn tuột xuôi một mái vắt dòng.

Sáu, bạn đọc hay hỏi: Thơ này nói gì vậy? “Ú ớ một vắt dòng” đã đành, nhưng “ú ớ một phụ âm” còn tệ hơn. Cả hai thứ thơ dễ bị xem là không có nội dung, điều mà thơ bình thường nếu không có cũng được thể tất. Vì thế, trong thơ phụ âm các chỗ nhấn nhá con tự nên vừa là kỹ thuật vừa là văn phong. Với tôi bài măm mắm môi mụ mị của Vĩnh Phúc được vậy.

Giống với các loại khác như thơ âm bồi, thơ tạo chữ, chúng ta đang nói về một khó khăn: theo cách hiểu thông thường, người đọc không tìm thấy nghĩa ở rất nhiều từ (con chữ) ngữ (câu cú) khi phụ âm hóa. Nếu nhìn những chỗ “vô nghĩa” đó lại thấy như các loài thực vật ký sinh trong rừng già thì độc giả mới thoát khỏi cách đọc truyền thống “nhìn cây thấy rừng”. Đóa phong lan này rực màu và mảnh mai bám trên cành cổ thụ kia, đó là rừng. Ở Thơ Tân hình thức Việt và thơ phụ âm Việt đều có các giò ngôn-ngữ-phong-lan như thế! Nhìn vào thơ Đặng Thân, Vĩnh Phúc càng thấy thuyết thi pháp Jakobson “thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh” cực kcao cường. Các hoa-ngôn-ngữ biểu lộ khác nhau. Tân hình thức Việt là một dòng-hoa-tươi-dại chảy từ sông suối thượng nguồn đổ về xuôi.

Bảy, cuối cùng ở phần này nhưng là đầu tiên của thơ. Chưa bàn về hay, mới, lạ câu hỏi mà thi sĩ cách tân thường phải nghe là: đó có phải là thơ không? Lý luận gọi là tính thơ, là chất trữ tình của thơ nếu là thơ tình. Không ít các sáng tác cách tân, thử nghiệm chỉ là và mãi là cận-văn-học, đặc biệt khi chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận không dụng công văn học. Với nhiều sáng tác trong thơ Mở Miệng tình hình giống như thế. Có tới quá nửa sáng tác hậu hiện đại Việt Nam và thế giới như vậy? Mà đâu chỉ hoàn cảnh hậu hiện đại, trong bất cứ “hoàn cảnh” nào mỗi khi văn học phải là phương tiện cấp bách thì với các tài năng văn chương bình thường dễ sinh ra các văn phẩm cận văn học. Nhưng chính hoàn cảnh phi thường, bất thường đã hồi sinh tác phẩm cận văn học sang một đời sống ngôn ngữ khác. Văn học chiến tranh – cách mạng của Việt Nam và thế giới có không hiếm ví dụ về độ bấp bênh giữa thể loại và hiệu ứng nghệ thuật.

Thơ phụ âm, như mọi sáng tác hậu hiện đại, có kha kcác cái cận-văn-học: nhiều bài chưa được là thơ trữ tình và thường là do lạm dụng kỹ thuật. May mắn Tân hình thức Việt không vậy, ngay ở những bài dở nhất; đó là nhờ sự quậy của nó lọt trong vòng kim cô của thơ truyền thống và nhờ tính truyện. Một câu chuyện được kể bằng cách kém thi vị vẫn là loại văn học kém. Riêng tôi khi làm một người đọc, đa số các bài thơ phụ âm đều thấy thích thú. Khi thủ vai phê bình, tôi thấy đó là các trò chơi văn bản muốn tiếp cận cải cách thơ tới bản chất, nhưng hiếm hoi nhận ra cái tôi trữ tình ở đó. Chúng tỏ vẻ chưa đạt ngưỡng trữ tình, dù tràn đầy những chữ tình. Đó mới chỉ là một tập hợp tuyến tính các chữ tình! Còn cái tôi ở Thơ Tân hình thức thì như nói trong mục V.4. Nếu cái tôi trữ tình chưa được là một trong các chủ nhân của trung tâm sáng tạo thì mọi cố gắng cách tân bằng kỹ thuật chưa thể trở thành thi pháp mới. Nó đang là thủ pháp. Lại theo chữ Viên Mai, ấy mới là tiêm xảo, chưa tới tân kỳ.

Các điều trên không phải là “thất trảm sớ” cho thơ phụ âm. Chúng ta đang trong mạch so sánh Tân hình thức Việt với những gì giống-khác nó.

So sánh ngẫu nhiên với thơ tự do

Kết thúc câu chuyện thể loại với Tân hình thức Việt sẽ là các so sánh ngẫu nhiên khi quay về thơ tự do – cái thể thơ mà Tân hình thức những muốn “chấm dứt và thanh lọc”.

Bài Vịt trời của Seamus Heaney (Widgeon; Lê Đình Nhất-Lang dịch, damau.org 13/9/2013) có chung đụng với Tân hình thức, dù rất khác thể thức và kỹ thuật. Một chuyện đời thường, về hai ông cháu nhà nọ bên con vịt trời đang bị ông vặt lông sau khi “nó trúng phát đạn ác lắm” (ắt hẳn chính người ông đã bắn!). Được kể lại tự nhiên, khách quan lạ lùng, nhờ cái tôi trữ tình là nhân vật chủ thể chứ không phải tác giả. Cảm xúc đạt đỉnh không bằng lối mỹ từ mà qua ý tưởng. Nếu là của một nhà Tân hình thức, cũng tứ thơ đó vẫn có thể cho một bài thơ hay. Và hay theo kiểu khác, song khó đạt thi cảm đến thế. Heaney là thi nhân hiện đại có căn cước hiện thực. Vịt trời, một bài thơ được kể ra để chuộc tội lỗi tiêu diệt môi sinh. Còn thông điệp ở Tân hình thức thường phân rã theo con chữ. Nó chạy tứ tung, không rành mạch như thơ hiện đại.

Ngược lại, bài Hành trình siêu thực (laxanh2015.blogspot.ca 16/9/2013), trích đoạn trường ca của Chân Phương thật khó thay bằng bất kỳ thể thơ Việt nào khác ngoài thể tự do bình thường. Càng không thể chịu Tân hình thức! Trừ khổ thơ được phân rõ ràng bằng dấu hoa thị, còn thì từng chữ, từng câu, từng đoạn vẫn rành mạch về diễn đạt dù không viết hoa, không chấm phẩy. Vẫn có thể đọc một mạch theo kiểu Tân hình thức mà vẫn không cần vắt dòng. Cú pháp thơ này rất chuẩn. Kỹ thuật siêu thực thật ra không quá bí hiểm. Đâu cần đọc thơ trong… mơ. Chỉ phải tốn thời gian để quên, quên hoàn toàn hiện-thực-có-thật, cho cái hiện thực khác kéo về lấp đầy. Bạn đọc phải lần từng nhịp, theo mỗi dòng để ý tưởng có khoảng trống vang lên sau khi ra khỏi dòng. Đổ một lèo Tân hình thức vào bài này là hỏng.

Charles Bukowski và Bắc Phong có 2 bài thơ tự do giống nhau về tự sự chuyện đời bụi bặm, cùng nhịp thơ tưng tửng và giọng điệu cà chớn mà chân thành: Mối tình xa xưa (An ancient love, Thận Nhiên dịch, tienve.org 8/2013) và Tri kỷ (tienve.org 30/7/2913). Càng đọc thơ của kẻ vừa tu bia vừa bình thơ trước khán giả, mới thấy trự này không ham thơ-vắt-dòng là trúng ý Chúa. Là đứa con di dân lầm than muốn dùng nghệ thuật bình dân bảo vệ người bình dân, Bukowski không thể tản mát thông điệp như Tân hình thức. “Nhà thơ vinh danh của khu ổ chuột” từ tốn và tự tin hắt thẳng những xô ngôn-ngữ-dơ-bẩn-về-hình-thức vào sự bất công, bất an của con người! Ngược lại với Bắc Phong, tôi cứ nghĩ giá như “chơi luôn” Tân hình thức thì mới đã. Các bài phá thể như Tri kỷ đã phát giác căn bệnh bất thường ở đời thường và chọn được cách chữa trị bình dị, tình tứ. Nhưng nhạc tính Bắc Phong trong thơ không vần đã bị đơn giản. Thêm một ví dụ âm cho siêu-định-nghĩa đang làm lời đề từ cho cả bài viết này: “Thơ là văn xuôi xuống dòng”. Xin phép nối lời Trần tiên sinh. Một khi câu thơ bị xuống dòng tuyến tính, tư duy truyện sẽ pha loãng tư duy thơ. Nhạc điệu thơ tự do rất khác nhau ở mỗi cách phá thể, vấn đề là ở chỗ tất cả các ngắt dòng đều phải phi tuyến tính thì thơ đó sẽ khác hẳn văn xuôi. Vũ điệu vắt dòng Tân hình thức đã làm việc đó! (Tiếp mục V.3.)

Cứ như thế có thể nói về cặp đôi Vũ Xuân Tửu (đến từ Tuyên Quang – Việt Nam) và Dennis Brutus (đến từ Nam Phi qua bản dịch Ngu Yên), với 2 bài thơ tự do Sân vườn (vanvn.net 18/9/2013) Ngày 19 tháng 2 năm 1980 (gio-o.com 9/2013). Thơ của nhị vị đã giao thoa với Tân hình thức. Nhưng cả 2 bài thơ chớ nên bị Tân hình thức hóa, mà cứ thế đau đáu nỗi niềm nhân bản chính tông. Và vẫn để bạn tùy chọn thái độ đọc, trong đó có cả thái độ Tân hình thức. Hỏi còn thứ thơ nào hơn?

V.2. Nhịp điệu với Tân hình thức Việt

Cống hiến đáng kể nhất của Thơ Tân hình thức Việt là nhịp điệu! Như nhan đề bài giới thiệu tuyển tập trình diện của phong trào: Tân hình thức, nhịp đập của thời đại [[ix]], và cũng là điều những người khởi xướng nêu từ buổi đầu.

Thi vị thay cho tiếng Việt, chính chữ “thi ca/ thơ ca” – với chữ “ca” – đã hàm chứa bản chất của nó là nhạc tính mà liệu mấy ngôn ngữ khác có được? Từ sau Thơ Mới, với Thế Lữ lần đầu tiên cất cao lời ca bên “cây đàn muôn điệu”, các mốc nhịp thời đại Việt đi vào thi pháp văn học và gây tác động dư luận đã đến từ Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Tố Hữu, Nguyễn Quang Thiều, và nay là Thơ Tân hình thức Việt.

Lặp lại và ngắt dòng tạo ra thi điệu Tân hình thức Việt

Các nhà Tân hình thức Việt hiểu rõ thi điệu vốn là 2 yếu tố: âm thanh của từ được lựa chọn và nhịp điệu ngắt câu. Tiếp thu từ thơ tự do tiếng Anh và Tân hình thức Mỹ, các nhà thơ Việt đã sáng chế 2 kỹ thuật lặp lạingắt dòng để ­tạo ra thi điệu Tân hình thức Việt hoàn toàn khác các thi điệu Việt đã có kể từ Thơ Mới. Trong đó từ không còn vai trò cá thể, ngay cả các từ khóa, nhãn tự trong thơ truyền thống. Tất cả hòa làm một khối-từ, từ nọ gọi từ kia từ sau lấn từ trước, gây nên âm thanh chung như một vùng biển vang động, như một mảng sông cuộn trôi không phân biệt tiếng vọng từ con sóng nào. Các câu lẻ tan rã nhập thành câu lớn và thể thơ-một-câu đã ra đời. (Xem mục V.1). Với từ và câu như vậy, các hình ảnh, chi tiết không kịp định hình trong tâm trí người đọc để gợi ra hình tượng chung cho tứ thơ như cách đọc cũ. Đây là thách đố với các nhà Tân hình thức khi kém thuật kể chuyện, yếu ngôn ngữ thường nhật.

Trong 3 thành tố tạo nhạc tính là từ, vần tiết tấu thì 2 cái sau liên quan đến sự ngắt câu. Theo chúng tôi quan sát ở các cuộc tranh biện giữa thì đây là vùng “xôi đậu”. Ai cũng có lý về vấn đề vần trong thơ vần điệu và tự do cũng như trong Tân hình thức, nhưng thi hữu phe chống đã “nghe” Tân hình thức bằng thính giác vần truyền thống và vần tự do. Vần trong tiếng Việt có sức sống tràn lan như loài cỏ và gây ra những ảnh hưởng rất khó xử; đến mức phải lấy nó làm ranh giới của 2 đại thể loại là văn xuôi và văn vần mà thơ (vần vũ đến thế là cùng cũng) chỉ là một tiểu thể loại của văn vần. Nay, thêm một thứ thơ nữa – tiếp gót thơ văn xuôi – muốn giải thoát buông xả vần khỏi trói buộc nhịp điệu cũ, thế sao còn dùng vần để cảnh giới? Nếu thử quên đi vần, chỉ chú ý tiết tấu của câu, bạn sẽ thấy Tân hình thức Việt chấp nhận được. Đừng nên coi sự ngắt đoạn là để tạo ra nhịp như ở thơ bình thường, vì trong Tân hình thức có thể dùng ngắt câu tùy kinh nghiệm, cảm xúc của người đọc. Nhưng ngắt câu không phải để đi tìm ý câu thơ, khi mà đó chỉ là vô hồi kì trận các câu lộn xộn, nhiều khi vô nghĩa lý. Nhịp của từng câu thơ (với các bài Tân hình thức có dấu chấm phẩy) và nhịp của các câu thơ Tân hình thức không là nhịp ngắn. Chính các nhịp dài dồn lại tạo nên nhịp điệu chung của bài thơ. Khi nào chúng ta nghe ra nhịp điệu chung đó thì sẽ nắm được ý nghĩa hiện thực của toàn bài thơ song song với nội dung có thực của câu chuyện. Thơ Tân hình thức mới và lạ là vậy! Còn vấn đề hay-dở, không phải chỉ ở nội hàm Tân hình thức. Quyết định vẫn là mỹ cảm của người đọc. Một khi ai đó còn cơm trong miệng, khó mà nếm vị phở.

Trong khi còn băn khoăn, tạm khép sự nan giải bằng ý kiến đầy thuyết phục của Octavio Paz được viết từ năm 1983 mà như dành cho thể thơ-chảy: “Nhịp điệu là ẩn dụ nguyên thủy, nó bao chứa tất cả ẩn dụ khác. Nó nói: sự tiếp nối là sự lặp lại, thời gian là phi thời gian.” [[x]]

Nhịp điệu Tân hình thức sẽ còn là phản cảm mạnh, là ấn tượng lớn khiến số đông nghi vấn quay lưng; số ít háo hức mầy mò. Điều cần hơn cả sau hơn 10 năm thể nghiệm là các nhà hàn lâm và chuyên nghiệp hãy làm việc trên chính nó: xem cái vũ-điệu-không-vần có thuận nhĩ dân Việt hay không, chứ đừng nên chỉ xét như một sản phẩm văn chương Việt nhằm đích dịch thuật.

Việc đọc và ngâm thơ thường được coi như bàn thẩm định cuối cùng chất lượng truyền cảm và khả năng đám đông tiếp nhận. Đó là dịp thử thách chất lượng nhạc tính ở bài thơ trước thính giác đại chúng, sau khi đã qua khâu “thị giác”. Nhiều thập niên qua, nước Mỹ đi đầu thế giới ở sinh hoạt đọc thơ trước công chúng rộng rãi hoặc nhóm nhỏ. Cũng như thơ văn xuôi, sự không vần đã buộc Tân hình thức Việt phải “bó miệng” với ngâm thơ – loại hình đặc sắc Việt tính. Đọc trước đám đông cũng là một cái khó cho thể thơ lấy kể lể làm phong cách và phương thức. Nó không hợp khi trình diễn, mà dành cho độc diễn, độc thoại. Nếu thế, về bản tính Tân hình thức là phản-thơ ít nhất ở sự biểu diễn nhạc điệu. Lại cậy nhờ Paz: “Hiểu một bài thơ nghĩa là, trước hết, nghe bài thơ đó. Ngôn từ đi vào trong tai ta, hiện hình trước mắt ta, biến mất trong sự trầm tư.”

Réo rắt và luyến láy, chính là lục bát Việt

Không như Khế Iêm nghe thấy “sự réo rắt và luyến láy”, Nguyễn Hoài Phương cho rằng “thứ nhạc trong Thơ Tân hình thức có lẽ là nhạc Rap.” Lúc buồn tình nhớ nước thương mình hay khi chốn tâm linh lâm sự, tôi còn nghe được từ thơ-kể những lời kinh…

Dù ai nói tây nói đông, nhịp thơ Việt còn chứa hồn lục bát. Đó là niềm tin thi điệu. Tôi có một lòng tin, dẫu hai tay cứ làm thơ không-lục-bát. Số lượng các loại hình văn vần Việt hiện đại có thể tới hàng chục và theo thời gian sẽ tăng, nhưng thi điệu lục bát luôn là ẩn-dụ-nguyên-thủy trong mọi thể loại thơ Việt nó khi hòa vào nhịp điệu riêng ở từng thể loại. Tôi tin sẽ có ngày được đọc một nghiên cứu nào đó chứng minh khách quan, hệ thống, thuyết phục rằng, ở các lời thơ tự do Việt đến từ Nguyễn Đình Thi và Thanh Tâm Tuyền; Nguyên Sa và Hoàng Cầm… và ở các thi phẩm Đường luật Việt của Nguyễn Trãi và Hồ Xuân Hương; Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến… chính điệu lục bát nguyên thủy đã và sẽ góp nhịp chuyên chở các sáng tác đó tới độc giả Việt Nam và thế giới hôm nay rồi mai sau.

Các thể loại thơ ra đời về sau đương nhiên phải cải biến điệu lục bát hồn dân tộc, trong khi bị cưỡng bức hay tự nguyện tiếp nhận có lọc lựa những thi điệu ngoại quốc để cấu thành giai điệu ngôn ngữ mới, xứng với tâm tư thời đại của chúng. Một thể loại mới muốn thành tựu cần phải biết cách ẩn dấu nhịp điệu nguyên thủy. Vũ điệu không vần – ca dao hậu hiện đại – liệu có hàm chứa nổi ca dao nguyên thủy nhịp sáu-tám không? Nếu có, tương lai Thơ Tân hình thức Việt coi như đạt điều kiện cần. Nhìn danh sách các nhà Tân hình thức Việt, qua theo dõi chưa đầy đủ, chúng tôi thấy hình như ít vị đã đủ cống hiến cho thể lục bát, ngoài Hoàng Xuân Sơn, Lưu Hy Lạc…

Réo rắt và luyến láy, chính là lục bát Việt.



[i]. Xem: Phân loại theo sáng tạo thi pháp thơ Việt sau Thơ Mới (Mục IV.2.; Chú thích 21); Đỗ Quyên, Thơ Mai Văn Phấn trong dòng thơ cần giải thích giá trị, sách Kỷ yếu Hội thảo thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, Nxb Hội Nhà văn 2011, và dangvansinh.blogspot.ca 16/5/201).

[ii]. Bakhtin, Mikhail; (Nguồn: Đỗ Thị Thu Huyền, phongdiep.net 21/9/2013).

[iii]. Đỗ Quyên, Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị, Tham luận “Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại”, Viện Văn học 28/6/2012; và vanvn.net 19-20-21/6/2012. 

[iv]. Báo Nghệ Thuật Mới số 11 tháng 12/2012; và Đỗ Quyên, Văn học Việt ở ngoài nước trong các năm 2005-2010, vanhocviet.org 25/8/2013.

[v]. Tham khảo: Montel, Jean-Claude; Thơ/văn xuôi khác biệt chỗ nào?, Hoàng Hưng dịch, phebinhvanhoc.com.vn 13/10/2012; Girshman, М.М., Văn xuôi, Lã Nguyên dịch, phebinhvanhoc.com.vn 3/9/2013; và Ngô Tự Lập, Văn chương như là quá trình dụng điển, Nxb Tri Thức 2008.

[vi]. Tham khảo: Nguyễn Văn Dân, Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại đến văn học nghệ thuật trên thế giới và Việt Nam, Tạp chí Văn học nước ngoài số 8/2012.

[vii]. Hữu Đạt, sách Ngôn ngữ thơ Việt Nam (Nguồn: Trương Quốc Huy, vanhoanghean.com.vn).

[viii]. Đặng Thân, Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi], tienve.org 6/9/2008; Inrasara, Đặng Thân khai mở dòng thơ phụ âm Việt, tienve.org 8/2/2009.

[ix]. Đặng Tiến, tuyển tập Blank Verse – Thơ không vần, talawas.org 18/5/2006; Khế Iêm: Tân hình thức, Nxb Văn Mới 2003.

[x]. Paz, Octavio; Bàn về thơ, Hải Ngọc dịch, hieutn1979.wordpress.com 11/11/2012.

Comments are closed.