Thơ Thái Hạo bước đi trong những chập chờn tỉnh thức

Khang Quốc Ngọc

Tiếng thơ Thái Hạo không hẳn chỉ là lời thơ “nghệ thuật vị nghệ thuật” thuần túy, mà tiếng thơ anh còn thảng hoặc có cắp theo những lát cắt “nghệ thuật vị nhân sinh” nên câu chữ anh cứ oằn cong vị đời mà khó vút bay vượt thoát cho hẳn vào khung trời “nghệ thuật vị nghệ thuật” được. Nó cứ phải là là bay theo chân cuộc đời mà kể mà nhắc mà khắc khoải. Căn cốt biểu tượng và khí vị đồng thoại ôm lấy nhau trong thơ Thái Hạo đã tạo ra một kiểu suy tư ám ảnh. Những suy tư ám ảnh ấy lại được chắp thêm đôi cánh của điệp ngữ và điệp chi tiết nên sự ám ảnh đó càng như được tô đậm hơn. Bài thơ “Trường ca về những con chuột” là một ví dụ tiêu biểu cho lối thơ ấy của tác giả. Hình ảnh con quạ và lũ chuột nhiều lần được tác giả nhắc lại trong những cung bậc cảm xúc và sự phát triển ý tưởng ở những tầng bậc cảm thức khác nhau.

 

Nói như thế để thấy rằng Thái Hạo luôn luôn cho thơ anh bay theo trí tưởng tượng của riêng mình, anh phóng câu chữ thơ mình lướt theo cái lối mờ ảo để tìm cho được một sự trú ngụ tâm tình trong thế giới tồn tại đầy rẫy những âu lo này. Âu đó cũng là tiếng nói tự do thôi thúc khát cháy mà ở tất thảy chúng ta, trong mỗi người viết lại chẳng ước mơ? Bởi vậy, câu chữ của Thái Hạo cứ thế ngọ nguậy mà bay lên, mà vượt thoát, mà tung hê đến vô tận. Không gian để thi ảnh Thái Hạo cọ xát là vô cùng, đôi khi cắt rời chắp vá đấy nhưng lại mang sức gợi tả lớn về thời cuộc. Chính vì điều này, đọc thơ Thái Hạo có khi người ta bị rơi vào cảm giác mệt mỏi bởi như đang bị nghe những kể lể miên man cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, thói quen đọc thơ theo cảm tính và buộc phải dồn ý cho đến chật căng trong câu chữ kiểu truyền thống đã làm khổ cho độc giả khi đọc thơ Thái Hạo. Khi không rũ bỏ được tâm thế cũ để sẵn sàng bước qua lằn ranh đỏ của sự giới hạn trong khi đọc thì chúng ta khó lòng chấp nhận được cái mới, lúc đó thì chao ôi, cái mới chỉ là những “quái thai, dị hợm” không thể chấp nhận sẽ tất yếu kéo theo ước mơ hợp khẩu vị từ cái mới thì chỉ là chuyện không tưởng.

Những mảng vỉa hiện sinh hiện ra trong thơ Thái Hạo đã được tác giả kể lại bằng một vỏ ngôn ngữ sần sùi nhám lạnh, bởi thế thơ anh không có chất mượt mà êm ái du dương dẫn dụ. Sự sần sùi ấy lại khoác thêm cho dày lên bền bệt dai dẳng một tấm áo quê mùa làng thôn nên dễ làm người ta ngứa ngáy nhột nhạt. Nhưng kì thật, những hiện sinh kia cũ mà không cũ, hình ảnh thâu tóm liệt kê hàng hà sa ấy không có cái giọng ướt át dễ mủi lòng, nó cứ lững thững đi ra từ kí ức buộc phải thế, ắt phải thế nên khó tránh khỏi những va chạm, có lẽ tác giả chấp nhận sự đụng chạm kia để thu về cho mình rất nhiều những kí ức đôi khi người ta rất muốn quên chăng? Chúng tôi thiết nghĩ, đấy cũng là một sự độc đáo của người viết dám dấn thân.

Thơ Thái Hạo là tiếng thơ khát khao tự do dũng mãnh và rát bỏng. Tiếng nói ấy khác với kiểu phát ngôn trong thơ xưa nay, nó đặc quánh lại rồi vùn vụt bay lên như ngọn lửa cứ tỏa mãi và tỏa mãi hơi nóng, nó không khỏi làm người ta ngứa ngáy giật mình: “Mùa hè đi qua lu nước/ đám mây rớt lại/ mặt trời rớt lại/ những dòng sông rớt lại/ những dòng người mùa đông năm cũ/ ùn ùn kéo về/ trong hình dáng của loài ễnh ương, của loài ve sầu/ của loài đom đóm/ trong hình dáng của những chiến binh trần truồng/ áo vải/ cháy tan da thịt/ những chiến binh kiêu hùng cụt đầu/ vịn vào đuôi đom đóm/ đi tìm những bàn tay, bàn chân/ đi tìm con mắt rớt trong một bụi cỏ lau/ Những chiến binh mù lòa gặp tôi/ họ khóc/ đồng bãi và những dòng sông đã cạn/ cổ họng bốc cháy/ họ thèm nước trong chiếc lu của tôi/ chiếc lu đựng xác mùa hè/ họ uống cạn cả những con loăng quăng/ uống cả bầu trời/ 50 năm họ chưa thấy bầu trời/ 50 năm tôi/ chưa thấy bầu trời/ chưa thấy cánh buồm lồng lộng dưới trăng/ 50 tôi chưa thấy mặt trời/ chỉ có lửa đổ từ quả cầu đốt cháy/ chỉ thấy lưng mẹ cong như bầu trời dưới nắng/ mắt bố mù rồi/ trên đồng thuốc sâu/ những em bé còi cọc/ những cô gái và/ những chàng trai chết cóng/ trong thùng xe lạnh/ xứ người/ hoang vu/ Những cánh đồng nhiễm mặn/ cỏ năn và cói lác mọc đầy/ con cáy băng qua cánh đồng nứt toác/ rụng đôi càng trên những vực đồng khô/ Con cáy đi tìm một dòng sông” (Trường ca mùa hè).

Đọc thơ Thái Hạo, chúng tôi còn thấy ở anh có những ám ảnh tách rời. Hiện hữu hiện ra chỉ chớp nhoáng còn phần nhiều ở phía sau là dành cho những trải dài liên tưởng bởi sự ám gợi của thi ảnh: “Em đến thăm anh sen nở trong hồ cũ/ Xanh lại tháng ba/ Một vùng mất ngủ” (Rong hồ).

Thơ Thái Hạo có lúc là những chắp nối đứt gãy của hư ảo và kí ức đan cài. Đôi lúc làm người ta hụt hẫng ngoái đầu trong miên man những cảm thức mơ hồ dẫn dụ: “Ta đun trà cho duỗi những búp nâu/ Xanh lại lòng chén/ Rạn men” (Mưa).

Nhiều khi thơ Thái Hạo là những cảm xúc đầm đẫm chất thế sự nhưng vẫn thấy như hao khuyết một ánh nhìn hiện sinh. Điều mâu thuẫn ấy ngồn ngộn trong thơ anh. Tác giả đào xới lại những kí ức khô cằn rát bỏng, ở đó tuy giọng kể có phần lạnh lùng nhưng đọc lên không khỏi nhức mình bởi sự liên tưởng và ám ảnh.

Thơ Thái Hạo đôi lúc làm cho người ta phải ngoái đầu và kiễng chân bởi sự động đậy của con chữ. Câu chữ Thái Hạo có bóng dáng sự buồn miên viễn trong cái thế thập thững nhấp nhô. Thơ Thái Hạo lôi quá khứ ngoằn ngoèo theo, và kéo tương lai bập bõm về. Nên giọng thơ anh vừa đau đáu vừa rón rén mơ hồ quay quắt. Anh rứt một chút chớp nhá hiện sinh, cầm hú họa theo những vạt kí ức và đầm đẫm bước đi trong mịt mù quánh đặc. Cho nên nhân vật trữ tình trong thơ anh là sự kết tụ của rất nhiều những cảm thức đan cài, đa sắc đa thanh: “Tôi ngồi trong tiếng kèn đêm/ thổi linh hồn một thiếu niên/ vừa đi qua cuộc đời/ trên đất nước tôi/ Tiếng kèn buốt vào đêm/ đông/ sừng sững/ tội ác/ và nhục hình/ đòn roi/ quất vào tuổi thơ/ Tôi muốn viết một bài thơ thật đẹp về con người/ nhưng con người đã chết”.

Một điểm có thể gọi là đặc trưng nổi bật ở thơ Thái Hạo là kiểu nói thơ từa tựa hiện tượng Đen Vâu. Sự ghép vần kiểu nói nhạc và ngồn ngộn chất đời thực được ghép lại nằm kề nhau đã được Đen Vâu đẩy lên thành đại chúng. Trước đó, hình như chưa có ai làm được điều này. Và chúng tôi thấy thấp thoáng dáng dấp ấy trong thơ Thái Hạo. Có điều, kiểu nói thơ của Thái Hạo chưa thể đẩy lên mức độ đậm đặc đại chúng được bởi bóng dáng nói thơ quá đậm chất tự do văn xuôi nên vô tình đưa độc giả đến chỗ lạ lẫm khó gần, vốn dĩ đã xa lạ thì nay lại càng như xa lạ hơn. Thành thử thơ Thái Hạo bị xem như lạc lõng cũng là điều dễ hiểu. Kiểu nói thơ ấy đôi khi rất gợi và đầy những ám gợi: “Ông đã ném chiếc máy quay ở một cái hố/ cho những mảnh phim văng ra/ Hai con mắt tôi ướt sũng/ Cánh đồng hoa cúc vàng/ Đốt cháy mắt tôi” (Chuyến đi của hoa cúc). Bài thơ là hành trình ám thị về tự do. Hai chữ tự do được viết hoa là một điểm nhấn của ước mơ. Ước mơ ấy bay lên trong nhấp nhô những hình ảnh. “Hai con mắt tôi bùng lên/ thành đám lửa/ đốt cháy những đám ghẻ trên thân thể tôi/ đốt cháy những cái móc sắt/ đốt cháy lời nguyền/ Đám lửa bốc cao/ thiêu rụi những bức tường xi măng/ những ngai vàng chảy ra thành chất lỏng/ rồi tan thành tro bụi/ Những con cò và/ những con sếu bay về/ đậu trên những cây tràm hoa vàng/ tiếng kêu lồng vào lòng đất/ dâng nước ngập đồng bãi/ cá tôm bay tung trên sóng/ ánh bạc lóa mắt/ Những người dân da thịt cháy đen đứng múa trên đồng/ những hàm răng trắng lóa/ cười như những mảnh thủy tinh dưới mặt trời/ Nước dâng lên cuồn cuộn/ cuốn phăng những vị ác thần mình người đầu hổ/ cuốn phăng những những lời nguyền/ và những tên bạo chúa/ Hoa nở khắp bờ bãi/ những trái bần nhảy múa trên mặt nước/ Cánh đồng hoa cúc từ lòng đất vụt dậy/ Vàng ươm xứ sở/ Tiếng hát rền trên mặt đất/ trên mặt sông/ rền trên mặt biển/ thổi hoa TỰ DO bay dưới mặt trời” (Hành trình của hoa cúc).

Thơ Thái Hạo đa phần là thơ tự do văn xuôi nên giọng thơ nghiêng nhiều về tự sự. Kiểu kể lể có phần dài dòng ấy dễ khiến độc giả khó giữ được sự kiên nhẫn khi đọc thơ anh. Song, nếu thiếu giọng kể lể miên man ấy thì sẽ không thể là tiếng thơ Thái Hạo. Chính vì thế thơ anh kén độc giả.

Nói tóm lại, đọc thơ Thái Hạo mà theo kiểu tư duy thơ truyền thống thì không nhảy dựng lên la làng mới là chuyện lạ. Thơ Thái Hạo không hướng đến số đông cũng không nhằm khai thác triệt để cái tôi như ta thường thấy mà thơ Thái Hạo muốn hướng tới là một cuộc sống thoát li với đôi cánh vút bay qua của “nghệ thuật vị nghệ thuật” trong hình thức diễn ngôn là thơ tự do văn xuôi rất rõ. Cho nên, thơ anh rất nhiều những lát cắt của giấc mơ, của kí ức, của một hiện sinh vùng thoát cố bay ra ngoài bên kia hiện thực, song lại vẫn bị đôi chỗ hiện thực nó hút lấy, có khi bị hấp lực hiện thực ghị níu và đày đọa. Bởi thế, giọng thơ anh là giọng thơ mỏng về độ mượt mà con chữ mà đầy đặn về những diễn ngôn cắt rời, chắp nối. Tiếng thơ ấy lặng lẽ như một dòng chảy ngầm nhưng lại đẫm đầy những nét tữ tình trở trăn của một cuộc sống thoắt bay, thoắt đậu, thoắt đau, thoắt ước…

Sài Gòn ngày 15/5/2022

Comments are closed.