Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 10)

Inrasara

BÙI CHÁT

Sinh ngày 22-10-1979 tại Hố Nai, Biên Hoà – Đồng Nai, trong một gia đình công giáo gốc di cư. Tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Ngữ văn – Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh năm 2001.

Là nghệ sĩ tự do & nhà hoạt động xuất bản độc lập.

Năm 2001 cùng Lý Đợi thành lập nhóm Mở Miệng. Là người đề xuất tên ‘Mở Miệng’ cho nhóm, là thành viên trụ cột của nhóm, là người đề xướng các khái niệm ‘thơ rác’, ‘thơ nghĩa địa’… và là người sáng lập Giấy Vụn – nhà xuất bản chuyên in ấn & phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.

Công việc chính hiện nay: chủ trì nhà xuất bản Giấy Vụn.

Tác phẩm cá nhơn:

Xáo chộn chong ngày (tập thơ), nhà xuất bản Giấy Vụn 12-2003

Made in vietnam (conceptual art), 2004

Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], (tập thơ), nhà xuất bản Giấy Vụn 12-2004

Tháng tư gãy súng (tập thơ), nhà xuất bản Giấy Vụn 12-2005

Xin lỗi chịu hổng nổi (tập thơ), nhà xuất bản Giấy Vụn 12-2007.

Tuyển thơ

Hiện chạng

Đâm ja

Cây chổng ngược

Vô địch

Thời hoa đỏ lè

khóc văn cao

cái lồn què

vần ‘inh’

lý do thich hạp cho mọi người trong việc tiêu [chảy] tiền [bạc] hay còn gọi là bài thơ có tên: CHĂM SOC BẠN GÁI HÀNG NGÀY

BÙI CHÁT MỞ MIỆNG QUA GIẤY VỤN

Quan niệm “nghệ thuật là nghệ thuật tiền ngôn ngữ, cũng gắn liền với các ý niệm & hành vi”, Bùi Chát chủ trương “trả nghệ thuật về với trạng thái nguyên sơ nhất của nó”(1). Chủ trương và làm, triệt để.

Ý niệm đó có thể phát khởi từ cách phát âm tiếng Việt khác biệt ở các vùng miền khác nhau. Ai dám bảo phát âm Tr, Gi thì đúng hơn Ch, J? Hay N thay vì L, X thay vì S, là ngọng? Giọng Hà Nội chuẩn hơn giọng Quảng Nam hay giọng Sài Gòn chuẩn hơn Phú Yên? Bùi Chát không nghĩ vậy. Nguyên tập Xáo chộn chong ngày, anh xài chúng rất thoải mái. Dù chúng chỉ đại diện cho một cộng đồng thiểu số, một vùng nhỏ bé, sâu và xa.

Không jì có thể đoạt tôi khỏi những bàn tay

cái nhìn không tương xứng lăm ngón

Jữa con mắt fải và chái

không fải cái mũi thò nò xanh

thế jới lày không thể bóp tôi

những hình ảnh cũ thay đổi tôi như mới

thái độ nên cầu ngồi xổm để jơi một vật jưới lước

(“Hiện chạng”, Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003).

Hủy trung tâm thể hiện ngay trong cách chọn phương ngữ để làm thơ.

Cũng có thể từ sự phân biệt ngôn từ bình dân/ bác học, thô lậu/ sang trọng, Bùi Chát nảy ra ý niệm thơ. Và anh chọn thế lép. Từ cách thế này, vô ích – chờ đợi ngôn từ đẹp đầy tính “văn chương” trong thơ Bùi Chát. Thứ ngôn từ lâu nay thiên hạ cứ nghĩ thế mới là thơ, thơ đích thực. Ngôn ngữ Bùi Chát là lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa – tầng lớp dưới đáy xã hội. Không dừng lại, Bùi Chát còn cố ý đẩy ngôn ngữ thơ mình đến tận cùng của thường nhật, mặt trái của thường nhật: mảnh vụn hơn, manh mún hơn nữa. Nó ở bên kia cõi xa xỉ trí thức. Âm hộ và cái lồn, chuột cống với cái thai, quần đùi, chổng ngược, cặc tính, gái gú, hành kinh, háng, gãi mông, viêm ngứa, nhậu nhẹt bê tha,… lâu nay thường bị cho là vùng cấm với thơ, Bùi Chát đưa vào tác phẩm mình đầy hứng thú.

Là cuộc phi tâm hóa thứ hai, qua ứng xử công bằng với ngôn từ, ngôn từ bị cho là thấp kém, không xứng đáng góp mặt vào cõi văn chương.

Ý niệm thơ của Bùi Chát đôi lúc có xuất phát điểm từ sự đồng cảm phận người, những sinh phận ở tầng lớp dưới, không được hưởng sự biệt đãi từ xã hội đương thời. Hiện thực xã hội chủ nghĩa chủ trương viết về nông dân, công nhân như là ông chủ của xã hội, ca ngợi mọi đức tính khả thể [và tưởng tượng] của họ. Thế nào đi nữa, họ vẫn là giai cấp có vẻ được nuông chiều, ít ra là trên lí thuyết, đang xây dựng tương lai, tạo lập thiên đường Cộng sản. Bùi Chát thì khác. Thơ anh chủ yếu hướng về thành phần bị bỏ rơi, công dân hạng hai, nghệ sĩ vỉa hè, gái điếm nghèo nát, lũ trẻ lang thang cơ nhỡ.

Tôi lém lước bọt nên tường

tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống

tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè

xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật

tôi nhìn tôi bay chên chời

tôi hành hạ tôi ba bữa

tôi đâm ja

(“Đâm ja”, Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003)

Bùi Chát không tỏ vẻ cao đạo xót thương hay tạo xót thương mà, chọn họ. Cũng là một cách thế giải trung tâm.

Ồ, viết về Bùi Chát mà ra dáng hàn lâm như thế là tự làm cho mình trịnh trọng mất rồi. Vô hình trung tôi cũng biến Bùi Chát thành thứ thi sĩ nghiệm trọng nữa. Trong khi Bùi Chát ngược lại, quan niệm “thơ là phải vui”. Các khái niệm hay, đẹp, có hồn, rất nên thơ, rất thật nên đi chỗ khác chơi. Thay vào đó là vui, buồn cười, quái chiêu. Bùi Chát là người đầu tiên ở Sài Gòn phát động thơ là phải vui, và anh thực hành tất cả tập thơ của mình theo chiều hướng ấy. Chứ hủy với giải trung tâm, giải thiêng, bất tín nhận thức hay gì gì nữa thì, chán chết!

Anh nghịch thơ chớ không làm thơ.

Nghịch từ thơ quý đàn anh hay bậc cha chú đến tận ca dao nghịch lại:

Đường vô xưa Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh bờ hồ

Ai vô xứ Huế thì vô… quầy lưu niệm

(“Du lịch”, Xin lỗi chịu hổng nổi, NXB Giấy Vụn, 2007)

Nghịch bằng thêm một từ vào đuôi mọi câu thơ của bài thơ (“Thời hoa đỏ ” – Thanh Tùng), thòng một câu thơ hay câu văn bỡn cợt vào cuối bài (“Chọn lựa” – Văn Cao), hoặc lôi cả bài ca dao rồi bồi thêm một từ đột hứng, như anh đã thực hiện thơ với “Diêu bông đùa cợt”. Cả tập thơ nghĩa địa Xin lỗi chịu hổng nổi là một chuỗi nhại, một đùa dai quá trớn, “hổng chịu nổi”. Đọc thơ, người đọc đọc trong tâm trạng bồi hồi và chờ đợi, chờ đợi một cảm xúc bột phát dâng trào ở dòng cuối cùng. Thưởng thức và chiêm nghiệm. Bùi Chát từ chối làm chuyện đó. Đang ngon trớn với bài thơ nổi tiếng, anh khiến người đọc chưng hửng, bằng ít câu/ chữ quá ư thông tục, bất ngờ đầy cợt nhả, lắm lúc rất… vô duyên. Người đọc, hoặc bật cười hoặc, buông một tiếng gọn lỏn: tay cà chớn! Bài thơ đột ngột bị lột hết vẻ đạo mạo ban đầu và, bẻ sang một hướng khác: phản lãng mạn hay phản anh hùng và thậm chí, phản đẹp.

Lâu nay thơ ngồi cao quá, sang trọng quá xá trịnh trọng, hệt cái đền thiêng. Nhà thơ cũng vậy. Xưa, họ là thứ trích tiên thì khỏi nói rồi. Ngay đầu thế kỉ hai mươi, dù “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, thi sĩ cứ là sang cả. Điên và lang thang lôi thôi lếch thếch như Bùi Giáng cũng được kính nhi viễn chi. Bùi Chát thì khác. Anh quyết lôi họ và thơ tất cả họ xuống đường phố, lăn lộn cùng bề bộn cuộc người. Cả anh nữa. Lôi xuống mà bỡn cợt. Để hòa đồng với mọi người, với mọi đồ.

tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thuỷ tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

[í quên, bùi chát chớ!]

tôi thèm giết tôi

loài sát nhơn muôn đời

tôi gào tên tôi thảm thiết

buồi chét! buồi chét! bù ù ù ồ ồ ì ì ì ché é é t t t !

bóp cổ tôi chết gục

để tôi được phục sinh


vợ tôi hôm nay bất ngờ có kinh

(“Vần ‘inh’”, Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn], NXB Giấy Vụn, 2004)

Nghịch thơ, Bùi Chát dùng thơ kể chuyện. Chuyện nhảm nhí nơi đầu đường bằng thứ ngôn từ xó chợ. Nhảm nhí, cố tình nhảm nhí hơn. Hay bất ngờ thêm một lời bình ngẫu hứng chen ngang, nhếch nhác. “Cái lồn què” đặt sát sườn với “Bí mật ở thiên đường”. Thì cũng vậy.

Bí mật ở thiên đường

Một vị mục sư chẳng phiền hà việc tới lui thăm viếng các hộp đêm “Super Sexe”: Vài năm trước ở Gatineau [gần Ottawa]. Trong cái “LapDancing” này, nếu trả 10$ cho một bản nhạc sẽ được cùng một vũ nữ tuyệt đẹp nhảy khoả thân trong phòng riêng, ánh sáng mờ nhạt, và chỉ riêng hai người theo luật định là có quyền sờ mó tự nhiên thân thể của người đẹp. Câu chuyện kết thúc: Vị khách mục sư chết trong căn phòng tối như thiên đường đó. Sự kiện này được báo chí phản ảnh nóng bỏng, có một tờ ở Montréal viết trong những dòng cuối như sau: “Có thể ông ta thấy giống cái của vợ mình, hoặc chưa hề thấy bao giờ…”

(Tháng tư gãy súng, NXB Giấy Vụn, 12-2005).

Chuyện tếu táo kể vỉa hè, nghe nơi vỉa hè, khuất phố. Chuyện truyền miệng, bất kì ai cũng có thể tùy tiện thêm thắt. Nhiều dị bản càng tốt. Rât thích hợp với không khí quán thịt chó vỉa hè, ồn ào, nhốn nháo. Chẳng có gì nghiêm trọng cả! Người kể chuyện và người nghe chuyện là một, hết còn ranh giới phân cách. Đúng phong cách hậu hiện đại. Mấy đóng thùng khoa trương lớn lối, hãy tránh ra.

Nhưng, để làm gì, tất cả mọi thứ hổ lốn tạp nham kia?

Mở Miệng trước hết là một thái độ phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của 1 cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi, sau nữa là cách làm nghệ thuật của những người mang tinh thần tự do. Tất cả đều xuất phát từ nhu cầu, không có nhu cầu thì không thể Mở Miệng; bằng không thì chỉ là diêm dúa và giả tạo”.

Bùi Chát đã rành rọt thế trong một trả lời phỏng vấn. Về Mở Miệng.

Trước đủ loại hình thức giả tạo, giả đạo đức của xã hội đương thời, mọi dạng thức diêm dúa và giả tạo của thơ đương đại, của những người từng xưng danh là nhà thơ, Bùi Chát tỏ thái độ, bằng cách “chơi” lại. “Khóc văn cao” đã làm cuộc công phá bạo liệt vào nỗi giả tạo thâm căn cố đế đó(2).

Như thế, Bùi Chát và kẻ cùng nhóm cùng bè tự chọn làm người phản biện xã hội. Thế nên ngay từ khởi đầu, họ chấp nhận tư thế nghệ sĩ ngoài lề, thoát khỏi sinh hoạt văn chương khép nép tù đọng trong cơ chế xin – cho áp đặt lên sự sáng tạo.

Sáng lập và cáng đáng Giấy Vụn, nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam chuyên in ấn & phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước, anh đã cho lưu hành hơn chục tác phẩm, từ thơ đến văn xuôi. Của bằng hữu và của mình. Qua giấy vụn, từ tập thơ riêng đầu tay: Xáo chộn chong ngày (2003), qua Cái lồn bỏ đi & những bài thơ chửi rủa [bới, lộn] (2004), Tháng tư gãy súng (2005) đến tập thơ mới nhất: Xin lỗi chịu hổng nổi (2007), Bùi Chát mở miệng. Và anh chưa một lần phản bội ý hướng của mình, của nhóm mình: “cố gắng hoàn thiện chính là những ý niệm về thơ”. Chứ không phải thơ.

Tất cả loại giấy vụn kia chưa hẳn là thơ, nếu mọi người không muốn gọi thế, mà là tác phẩm nghệ thuật. Chúng ra đời trong hoàn cảnh nhất định, phản ứng một sự thể cụ thể, để đáp ứng một nhu cầu cụ thể không kém. Viết xong, bất cần phép tắc, in ra, xài ngay rồi thôi.

Chúng không phải là các tập thơ hoàn thiện. Bởi, không có thơ hoàn thiện. Nếu có, đó chỉ là thơ xác chết. Không hơn kém phân tấc.

Sài Gòn, 18-1-2009

__________

(1) Các đoạn trích dẫn từ “Có một luồng thi ca… mở miệng”, cuộc phỏng vấn Bùi Chát do Thụy Du thực hiện, tháng 8-2006.

(2) Xem thêm: Inrasara, “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2008, tr. 75-78.

Comments are closed.