Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 22)

Inrasara

NGUYỄN ÐĂNG THƯỜNG

Chào đời trên đất Cao Miên dưới thời thuộc địa. Tên thật, dù “tôi là một người khác”. Sinh hạ được khá nhiều thơ nhưng chúng bỏ nhà đi bụi không biết hiện sống chết phương nào. Có tiền sẽ in một thi tập gồm mười bài thơ trắng.

Tác phẩm:

Nguyễn Ðăng Thường, Thơ (Thơ & Thơ dịch, Trình Bầy 1971)

Nhiều thơ, truyện Nguyễn Ðăng Thường do nhà Giọt Sương Hoa in vi tính theo dạng thủ công nghệ

Dịch phẩm:

Pablo Neruda, Hai mươi bài thơ tình và một bài ca tuyệt vọng (Trình Bầy, 1989); Blaise Cendrars, Văn xuôi của chuyến xe lửa xuyên Tây-bá-lợi-á và của cô bé Jehanne de France (sau đổi thành Văn xuôi đường tàu xuyên Tây-bá-lợi-á và cô bé Jehanne de France, Trình Bầy, 1989); Jacques Prévert, Thơ (dịch tập thơ Paroles chung với Diễm Châu, Trình Bầy, 1993); Samuel Beckett, Tưởng tượng đã chết hãy tưởng tượng (Trình Bầy 1996), Linda Lê, Tiếng nói (NXB Văn, 2003). Và nhiều bản dịch Samuel Beckett, Marguerite Duras, Marcelin Pleynet, Francois Auriégas, Jean Genet…

Tuyển thơ

Bây giờ trên quê hương chúng ta

Và tôi tiếp tục làm thơ

Người em gái ô kê

Cát bụi

Một lần nữa

Hãy làm thơ và đừng nghĩ

Nở ngày, 12

Nở ngày, 17

Nở ngày, 25

Ý tử trong mùa Giáng sinh

NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG NỞ NGÀY

Hãy làm thơ và đừng nghĩ

mi là thi sĩ

NĐT

Đó là người đàn ông tuổi bảy mươi, gầy, người tầm thước, đôi mắt to, buồn và tinh nghịch. Ông đang sống ở góc khuất nào đó trên quả địa cầu mênh mông chật chội này. Xa, rất xa quê mẹ ông. Ít người thân và, rất cô độc. Con người hiếm cơ hội xê dịch, thi thoảng ông đi lại với “Hoàng Ngọc Biên, bạn học ở trung học và anh Diễm Châu bạn của anh Hoàng Ngọc Biên”. Nghĩ nhiều về quê hương, nhưng ông không có ý định trở về thành phố nơi ông bỏ đi.

Tôi chưa về Việt Nam. Sợ bị sốc. Đối với tôi trở về Việt Nam như trở vào cái xà lim cũ nhưng kiên cố hơn. Sài Gòn tôi yêu là Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc lúc còn bé vì có nhiều kỷ niệm và vì nó đẹp đẽ hơn(1).

Cô đơn là quê hương của ông. Nơi ông lớn lên, ông muốn sống với kí ức. Những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ xoa dịu buồn ông.

Đó là người đàn ông khá rành về văn chương Pháp và văn chương tiếng Pháp. Rành và yêu từ Verlaine, Rimbaud, đến Jacques Prévert, Blaise Cendrars. Lúc hứng hay khi được bạn bè nhắc, ông dịch thơ họ. Còn thì ông dịch, chỉ với mục đích biện giải cho ý tưởng bất chợt của mình hoặc cho sự việc cụ thể nào đó. Rồi thôi, chứ không hoạch định chương trình dài hay ngắn hạn. “Chống diễn giải” hay “Chanson d’automne” chẳng hạn.

Thích viết nhưng viết khó và lười và nên không có ước vọng trở thành nhà văn nhà thơ…. Lao động trí thức khá nhiều nhưng may thay tới nay vẫn chưa thành nhà văn nhà thơ(2).

Tôi tưởng tượng người đàn ông ấy đã hưu hay ít việc làm. Sáng thức dậy, xong vài chuyện vặt, ông uể oải mở máy vi tính, nhìn lướt mấy dòng thời sự, trong nước và quốc tế. Đọc lướt qua mấy trang văn thơ của vài tác giả quen. Tiếng Việt, tiếng Pháp, và tiếng Anh, đất nước nơi ông đang gởi thân tạm.

Và ông phản ứng. Phản ứng với đầy đủ hỉ nộ ái ố của con người. Của người viết, chứ không phải với tư cách nhà văn nhà thơ. Và thường thì nộ và ố nhiều hơn ái với hỉ. Nộ và ố khởi phát từ ái, chứ hỉ thì rất hiếm, ở người đàn ông ấy. Ái, nên ông nộ. Ông cãi cọ từ vụ “thơ siêu hình” đến thơ tân hình thức, từ thơ sạch/ dơ đến cách đọc một bài thơ thế nào. Đôi lúc ông giận lẫy, nhưng đại thể – xong cuộc, rồi thôi. Người đàn ông ấy là người viết chịu chơi. Nhập cuộc từ Trình bầy vào đầu tháng 9-1970 ở trong nước cho tận mấy chục năm sống ở nước ngoài. Văn thơ đăng khắp. Nhịp Cầu, Vietnam Culture, Thế Kỷ 21, Văn, Ngày Mới, Thơ,… Rồi khi hàng loạt báo mạng tiếng Việt ra đời, ông tiếp tục chịu chơi với Tapchitho, Talawas, Tienve,… Người quen, người lạ mời, ông tham gia. Vô phân biệt và vui vẻ! Ông vui vẻ ủng hộ một chương trình lạ hoắc ông nghĩ nó có ích. “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại” của tôi chẳng hạn (“Nở ngày, 11”).

Tôi đã tưởng tượng một Nguyễn Đăng Thường như thế. Và tôi yêu người đàn ông ấy với mọi trúng trật, thương ghét của con người trong cõi người và cuộc chữ.

*

Tôi đã kể nhăng cuội về Nguyễn Đăng Thường, bởi chính ông cũng là người [hay tự nhận] viết nhăng cuội. Tôi không đề cập đến những dòng thơ thời tuổi trẻ tài hoa đầy nhiệt huyết, nơi ấy ông chộp bắt cơ man hình ảnh nóng hổi đầy tính thời sự trong những năm chiến tranh ác liệt với bao hiện tượng gai chướng cùng hệ quả tệ hại của nó. Chiến tranh với những người đại hàn những người thái những người úc những người mỹ những người mặc quần áo hippie những người khoe jeans levis váy ngắn, với những người lính cụt tay cụt chân những người con gái bán bar. Đất nước có những người đàn bà bỏ quê hương xứ sở để theo chồng những đứa trẻ hút thuốc lá salem có những đứa trẻ không biết nói cám ơn có những đứa trẻ chửi đụ má, với những tờ playboy những tờ báo ra buổi chiều bị tịch thu. Tổ quốc có những dãy chợ trời dài bán đồ phế thải có những đống rác thật to

… bây giờ trên quê hương chúng ta có một bãi tha ma

(Trình bầy, số 3, 1-9-1970)

Chiến tranh đó (vâng, cuộc chiến đó) đã bắt đầu

từ trong bụng mẹ

tôi đã thoát ra ngoài theo dòng sông máu đỏ

ôi những giọt mồ hôi trên hoa hồng

đám nô lệ, chùm gió bấc, và hàng cây đã chết.

(“Một lần nữa”, Trình bầy, số 25, 5- 8-1971)

Ở đó không có hoa hồng, hay có nhưng là hồng đã héo. Không có kẹo sô-cô-la tại đó, có chăng chúng là viên kẹo mang nguy cơ bọc đồng. Bắt chước J. Prévert, bài thơ “Đi chợ cho em” được viết bằng một giọng điệu sâu cay và chua lét đến không thể nuốt trôi.

… sáng nay anh đi ra chợ
mua cho em
những trái bom những vỏ đạn
những viên kẹo đồng mới ra lò
còn nóng hổi đó
em…


mua cho em
khẩu súng nhỏ
em cất trong xắc tay
em đi chơi
sáng chủ nhựt vui
chiều chủ nhật buồn…

(“Đi chợ cho em”, Trình bầy, số 16, 20-3-1971)(*)

Tôi cũng chưa muốn nhắc đến các phản ứng chữ của ông về một sự kiện trọng đại của đất nước xa mà gần: “Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa”. Chỉ riêng trên Tienve.org, ông đã cuồng nộ ném đi mười bài: vô địch! Một kỉ lục đau đớn, nhưng nó nói lên phần sâu thẳm con người ông, một kẻ làm thơ yêu đất nước mình.

Điều tôi muốn đề cập, muốn nhấn ở đây chính là “Nở này” của Nguyễn Đăng Thường. Từ “Nở ngày, 1” cho đến “Nở ngày, 28”, và còn bao nhiêu và bao lâu nữa, không biết được. Ông đã từng chơi gần như đủ thể, kiểu thơ các loại. Thơ tự do có vần và không vần, thơ xuôi, thơ cụ thể, thơ hình ảnh, thơ tân hình thức, thơ châm thể cổ điển, thơ chế, thơ cắt dán cùng các thủ pháp hậu hiện đại cũng không chừa. Ông là một trong rất hiếm người làm thơ cùng thế hệ còn đi, và đi bằng “bước chân chữ bát” (bắt chước lối nói của Bùi Giáng) rất oách! “’Nở ngày’ là một thể thơ (giễu nhại, khạc nhổ, chửi mắng cho hả giận) sáng nở chiều tàn, do một ông thơ thẩn nọ (quên tên) sáng chế nhân một ngày cực nắng”. Nguyễn Đăng Thường đã chú thích như thế (Xem: “Nở ngày, 1”).

Đây là một ý niệm độc đáo. Từ ý niệm đó, ông thực hiện thơ. Nó không hẳn là nhật kí bằng thơ. Mỗi ngày tuổi đời trôi tuột đi khỏi bàn tay, không níu lại được. Tác phẩm hay sự nghiệp, con cái hay kỉ niệm. Chúng trôi xa khỏi ta, xa mãi. Tâm và trí rỗng không, ngày qua ngày. Một ngày như mọi ngày. Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư,… Nhưng rồi đột xuất có ngày nảy nòi ra sự dôi thừa, lạ biệt; hoặc chẳng có gì đáng là lạ biệt, nhưng nơi góc khuất tâm linh ta xảy ra nỗi lạ biệt, trước sự thể tưởng như chẳng đáng kể kia. Dù nó hết bỏng cháy như thời trai trẻ, nhưng còn hơn thế – nó âm ỉ, không thể dập tắt. Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn hay văn chương chữ nghĩa sinh mệnh của ta rủi ro vướng vào.

“Nở ngày” ghi lại phản xạ tức thời của người sử dụng chữ về sự cố, sự việc, ý tưởng phân mảnh nhưng cụ thể xảy ra trong ngày. Nó gắn liền với hoàn cảnh riêng và chung đặc thù, nên tính thời sự và khí hậu thời cuộc đậm dặc. Đậm, không phải bằng tin tức mang tính thông tấn báo chí mà, khúc xạ qua tâm cảm, thái độ và chữ của người viết.

Từ sự kiện quốc tế: lễ đăng quang thế vận hội Bắc Kinh (“Nở ngày, 3”), xung đột Nga – Georgia (“Nở ngày, 4”) đến vấn đề trong nước: văn hoá giả và lễ hội phịa (“Nở ngày, 1”), sân gôn siêu thị bán lồn gái quê (“Nở ngày, 28”), quê hương chùm gái ngọt bia ôm (“Nở ngày, 8”). Nhại ca từ nhạc Trịnh đang ò e khắp đầu thôn cuối phố, ông chỉ cần thay đổi vài từ là ra thơ Nguyễn Đăng Thường, đầy chua xót.

ta thấy em trong tiền kiếp

ta thấy em em làm gái

(“Nở ngày, 22”)

Từ sự thật lồ lộ đến giấc mơ mơ hồ. Giấc mơ thật và giấc mơ tưởng tượng. Gặp Nguyên Sa ở Tân Định (“Nở ngày, 12”) hay gặp Bùi Giáng ở đường Công Lý xưa (“Nở ngày, 25”), mỗi cuộc bật ra mỗi phản ứng khác nhau, lắm lúc dí dỏm và sâu sắc đến bất ngờ. Nhưng đậm nổi hơn cả ở “Nở ngày” là phản ứng của ông trước các “truyền thống văn hóa” Việt, bản sắc xưa và nay. Quê hương thần thoại quán rùa, đảng một cột, phố cổ tây ba lô, thư pháp thơ nguyễn du, thúy kiều hoa hậu,… Nguyễn Đăng Thường chế ra bao nhiêu chữ để nhạo nhiếc, đùa cợt. Có ai hiểu ẩn đằng sau tiếng cười nhạo kia là mấy nỗi đời cay nghiệt?!


Những nét văn hoá hay đẹp của người Việt và dân tộc Việt:
Truyền thống


Đời ông: xe kéo.
Đời cha: xe lôi, xích lô.
Đời con: xe ôm.
 
Đời bà: quanh năm buôn bán ở mom sông.
Đời mẹ: tối tối gánh chè vào thành phố.
Đời con: ngày ngày nghiêng ngả quán bia ôm.

“Nở ngày” còn làm trương nở tối đa hiệu quả thơ qua ảnh minh họa hay tranh châm biếm. “Nở ngày, 26” chẳng hạn. Ảnh ở trên, tác giả ghi “Trở lại Phố Phái, tranh cắt dán, Nguyễn Đăng Thường, 2009; nguồn: Bùi Xuân Phái & VnExpress”. Xa xa là cổng vào Chùa Một Cột với trời quang mây nước. Trước cổng, cô hoa hậu áo tắm đứng nhe răng cười, một tay vịn lên thành cổng. Cận cảnh là hai cây hai bên, bên kia nường hoa hậu áo dài thướt tha đứng dang hai tay để làm gì chả hiểu, bên này lại là hoa hậu áo tắm, cũng nhe răng cười, nhưng có những hai cô với cặp chân dài sắp đặt hai tư thế khác nhau, lạc điệu nhưng rất hợp thời. Bài thơ chốt lại năm 2008 (“Ý tử trong mùa Giáng sinh”), không phải không mang ý nghĩa tượng trưng tổng kết “một năm nhìn lại”!

Nhưng để làm gì, thứ thơ ấy?

Nó không để làm gì cả! “Thơ không cứu nổi thơ, thơ không cứu nổi người làm thơ, nói chi thế giới. Nhưng thơ – như cỏ – vẫn mọc và có thể hữu dụng vào việc gì đó biết đâu. Ai cấm ta mơ hiệu quả cánh bướm”(3).

Sài Gòn, 20-1-2009

_____________________________

(1) Trích đoạn phỏng vấn “Ba mươi năm: khoảng cách và dấu nối” do Trần Nhuệ Tâm thực hiện, Tienve.org.

(2) Trích phần tiểu sử Nguyễn Đăng Thường trên Tienve.org.

(3) Trích đoạn phỏng vấn “Chung quanh sự kiện các tác phẩm văn chương xuất bản dưới hình thức photocopy ở Sài Gòn” do Trần Tiến Dũng thực hiện, Tienve.org.

(*) Ba bài thơ đăng trên Trình bầy do tác giả cung cấp, và “có phần bổ sung”. Chú ý thêm: Trình bầy vì chờ kiểm duyệt nên lắm lúc báo ra trễ.

Comments are closed.