Thơ với đề tài vật lý vũ trụ

Trần Văn Nam

I/ VẬT LÝ KỲ DIỆU CHƯA PHẢI LÀ THƠ (Tránh những thuật ngữ chuyên môn)

Xem ra trong văn học, cái dễ gây tranh luận là về văn thể, về hình thức văn chương, về ngôn từ (cổ điển, tân kỳ, mới một cách táo bạo). Thành công cũng do ở đó (như bài Tình già của Phan Khôi, thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng, thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền). Và ít có tranh luận về nội dung văn chương nếu tư tưởng trong văn thơ không đá động đến chính trị hoặc niềm tin tôn giáo. Nội dung đi lừng lững vào văn chương mà không có gì cản trở, chẳng hạn nội dung lãng mạn cá nhân trong văn chương Việt Nam thập niên 1930 – 1940, nội dung đổi mới phong tục tập quán trong tiểu thuyết nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nội dung triết lý hiện sinh ở miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh trước năm 1975, nội dung lưu vong và hải ngoại trong văn chương người Việt ở nước ngoài sau năm 1975. Các nội dung trên đến với văn chương một cách tự nhiên, vì đó là lẽ tất yếu của một thời kỳ.

Những năm cuối thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, có vài vấn đề trọng đại đến đức tin tôn giáo, như khám phá vũ trụ đang giãn nở do trận nổ Big Bang, liên hệ đến niềm tin Sáng Thế Ký (Genesis); như việc đúc sinh vật thành nhiều phó bản giống hệt nhau (cloning), liên hệ đến quyền thiêng liêng của tạo hóa. Đây là những vấn đề đang được tranh luận giữa các nhà bác học và tôn giáo, hơn là giữa đại chúng. Thuyết Big Bang và những khám phá thiên văn vật lý khác, mặc dù là những khám phá do vệ tinh quan sát từ dụng cụ thăm dò thu nhận được tia hồng ngoại hay tia cực tím, nhưng vẫn còn ở ngoài tầm kiểm chứng ở phạm vi toàn diện vũ trụ, một vũ trụ vô bờ. Văn chương chỉ nên trình bày những khám phá mà không ý kiến, vì các nhà bác học còn không dám quả quyết, huống gì phải có ý kiến cho nội dung văn thơ.

Kỳ diệu của vật lý hạch tâm, kỳ diệu của vật lý vũ trụ, kỳ diệu của cái nhìn y khoa về cơ thể con nguòi, đó chưa phải là thơ. Nếu đồng hóa, chính là vì tác giả quá cảm kích, tưởng kỳ diệu khoa học đã là thơ. Ví dụ kỳ diệu của trọng lực khủng khiếp nơi vực trời Black Hole, có người đồng hóa điều đó với thơ. Xin nói rõ: Đối với sức hút còn tương đối nhẹ như sức hút của Trái Đất thì khoảng cách từ đầu đến chân ta không có gì đáng kể, cả thân ta đều rớt xuống cùng một lúc khi ta nhảy lên bị mặt đất hút xuống. Nhưng với sức hút mạnh gấp trăm triệu lần nơi một Black Hole thì khoảng cách đó đã đủ ghê gớm làm cho thân ta bị kéo dài nhằng ra và tơi tả thành hơi bụi ngay tức khắc. Điều này được nói đến qua đoạn văn xuôi của nhà vật lý học danh tiếng Stephen Hawking, trong cuốn A Brief history of Time, trang 88:

“Trọng lực càng yếu khi anh càng ở xa một ngôi sao, cho nên sức hút vào đôi chân một phi hành gia táo bạo (giả dụ dám đến ngôi sao đó) luôn luôn mạnh hơn sức hút đối với đầu của anh ta trước khi ngôi sao (đến giai đoạn) co rút vào mức nghiêm trọng (bị sụp vào bởi trọng lực quá lớn), từ đó biên-bờ-Black Hole được tạo thành (Biên bờ Black Hole tức The Event Horizon – thuật ngữ khoa học là Chân-trời-sự-cố, Chân-trời-biến-cố). Cũng với kỳ diệu vật lý này, một nhà khoa học khác dạy ở Đại học Princeton đã diễn thành thơ có vần điệu như sau đây:

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI TA RỚT XUỐNG VỰC TRỜI

Khi bạn nhảy, chân xuống trước

Vào vực thẳm vũ trụ

Bạn sẽ không thể sống sót

Bởi vì bạn sẽ không bị lỡ dịp đâu.

Sức hút tràn trề của trọng lực

Sẽ tạo ra một hoàn cảnh nguy biến

Khi mà bạn bị căng dài ra từ đầu đến chân

Bạn có chắc còn muốn đi đến không?

Các nguyên tử thân thể bạn, bạn sẽ thấy

Lần lượt rơi tuột vào

Biên vực của rún trời sẽ nuốt chúng

Bạn không có gì để vui đâu.

(In your feet-first dive

To this cosmic abyss

You will not survive

Because you will not miss.

The tidal forces of gravity

Will create quite a calamity

When you are stretched head-to-toe

Are you sure you want to go?

Your body’s atoms-you will see them

Will enter one-by-one

The Event Horizon will eat them

You won’t be having fun.)

NEIL DE GREASE TYSON

(Nhan đề: What would happen to me if I fell into a Black Hole)

Bài thơ trên diễn tả quá sát với khoa học, kỳ diệu mà không huyền ảo. Bí ẩn tự nó đã là thơ, còn những khám phá khoa học dù kỳ diệu vẫn là sự thật. Vật lý hạch tâm thì quá thông thái, nhưng vật lý vũ trụ có thể vớt vát chất thơ vì từ lâu con người đã thêu dệt về vòm trời tinh tú từ cái nhìn dưới trần thế. Muốn đưa vào thơ phải tận dụng ngôn ngữ văn chương mà ẩn dụ mỹ cảm đóng vai trò chính, và bất đắc dĩ mới nhờ đến từ ngữ khoa học, có như vậy mới phục hồi thi tính cho thơ.

II/ SỰ GIẢI THÍCH TRONG THƠ (Chỉ nên giải thích vừa đủ hiểu khám phá khoa học)

Giải thích cho rõ nghĩa trong thơ, một điều rất tối kỵ. Nhưng xét cho cùng, bài thơ nào cũng có ít nhiều dấu vết của biện biệt. Bởi vì thơ cần ở sự thông cảm của trái tim, của tâm hồn, mà cũng cần sự thông qua của trí hiểu. Tuy nhiên, sự giải thích nếu có ở trong thơ phải diễn ra một cách tiềm ẩn, càng dấu mặt càng hay, càng lược bỏ đi những giới từ biện giải, thường có trong văn xuôi như bởi vì, do đó, cho nên…

Thơ Haiku của Nhật là thể thơ cô đọng nhất, rất ít lời. Tác giả tạo ra những khoảng trống giữa các câu thơ, giữa các sự kiện mô tả, để ta bắt gặp những ẩn chứa. Vậy mà, nếu xét kỹ, ta vẫn thấy có dấu vết của sự giải thích. Như sự sáng rõ dưới đây thể hiện dưới dạng một so sánh:

Vỏ trai tách rời

Chia tay cùng bạn

Mùa thu ra đi

Ta biết thơ Haiku qua bản dịch từ Nhật Ngữ, và ta tưởng rằng càng ít lời và thu gọn trong ba câu là cấu trúc của thơ Haiku. Thực ra, thu gọn trong ba câu mà còn quy định chỉ gồm có 17 âm vận [mora – Văn Việt]. Mười bảy âm vận đối với tiếng độc âm của Việt Ngữ là 17 lời [âm tiết – Văn Việt], nhưng đối với Nhật Ngữ là tiếng đa âm nên số lời lại càng ít ỏi. Ít lời như vậy, nên tinh thần của thơ Haiku không cốt ở mô tả, mà chính là vận động thể nghiệm trong tâm linh của độc giả:

Khi nhìn kỹ

Tôi thấy nazuna nở hoa

Bên hàng dậu

Sự thể nghiệm ở tâm linh này có thể kinh qua được khi ta ngồi tịnh tâm trong khu vườn cổ trên 500 năm thường thấy ở Nhật. Nơi đó chỉ có vài tảng đá nằm rải rác trong một sân vuông phẳng phiu, chung quanh là những dãy nhà trệt mái ngói rêu phong. Phía ngoài nữa là ngàn cây im vắng. Ngồi đó, ta lắng nghe mối tương quan giữa những cái đơn giản mà khai lộ về huyền diệu của siêu hình.

Tạo ra khoảng trống giữa các câu thơ để dành cho sự thể nghiệm trong tâm linh của độc giả. Tuy vậy, đọc các bài thơ tuyệt tác của Basho như bài Ao cũ hay Con quạ, ta vẫn thấy sự giải thích qua mối tương quan nhân quả giữa những sự kiện được nói đến trong bài thơ. Huống chi là ở các thể thơ khác. Ví dụ trong bài thơ Thề non nước của Tản Đà:

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra biển lại mưa về nguồn…

Đây là một kiến thức phổ thông về sự vận chuyển nguồn nước cứ muôn đời tiếp diễn giữa núi non và biển cả. Thời hòa bình, đó là một ẩn dụ về tình gắn bó của phu thê. Thời chiến tranh, đó là ẩn dụ về tình non sông đất nước. Sự giải thích ở trong thơ mang đến niềm hân hoan hội ngộ, lạc quan trong lẽ tuần hoàn:

Sông kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui…

Thi sĩ Tản Đà hướng về quần chúng, hướng về độc giả, nên có sự giải thích ở trong thơ. Tuy nhiên, có những người làm thơ chỉ cho mình hiểu, hoặc chỉ dành cho một nhóm nào đó, ví dụ riêng cho nhóm nhà nghiên cứu khoa-học qua bài thơ dưới đây của nữ thiên-văn-gia Nancy Abrams:

Trong thành phố Santa Cruz

Những nhà thiên văn tìm kiếm trên bầu trời

Và họ nói với tôi điều gì họ thấy được

Trong ba trăm đêm miệt mài quan sát

Chúng ta sống trong một vũ trụ đang giãn nở

Vũ trụ đang giãn nở, vũ trụ đang giãn nở.

…Vật chất tối lạnh trong vũ trụ không đầy đủ

Chúng ta sống trong vũ trụ đang giãn nở

Vũ trụ đang giãn nở, vũ trụ đang giãn nở.

(In the town of Santa Cruz

Worked astronomers who searched the sky

And they told me what they found

In three hundred nights of observing time

We all live in an expanding universe

Expanding universe, expanding universe.

… Cold dark matter is not enough

We all live in an expanding universe

Expanding universe, expanding universe).

Tác giả không giải thích thế nào là vũ trụ-giãn-nở và vật-chất-tối-lạnh (cold dark matters). Không phải ai cũng đã đọc qua những khám phá mới đây về môn thiên văn vật lý. Thật khó khăn cho Thơ khi phải giải thích, và đã là văn chương thì phải tránh dùng từ ngữ khoa học (bất đắc dĩ phải nhờ đến nó). Lấy ví dụ thông thường như khi ta ăn một ổ bánh mì: trong đó có những miếng thịt thái mỏng, và dưa cà hành ớt được cắt xẻ gọn gàng. Thái và cắt, ví như những giải thích ở trong thơ. Tự chúng, không làm thành miếng ngon, không làm thành cái hay cho bài thơ, nhưng chúng là những cần thiết để đưa tới một thưởng thức trọn vẹn, khỏi bị gián đoạn tìm đọc chú thích dưới bài thơ.

III/ VAI TRÒ CỦA ẨN DỤ MỸ CẢM (Cần biểu tượng có chất thơ cho đề-tài khoa học)

Đã khá lâu, từ thời mới vào trường trung học, ta đã học văn phạm. Và vì đã khá lâu nên đến nay ta ngờ ngợ giữa liên từ và giới từ, giữa từ và chữ… Ta thử ôn lại ẩn dụ và hoán dụ. Ví dụ khi ta viết: Chiến tranh giáng xuống một cơn dông bão thời cuộc. Ta đã so sánh chiến tranh với cơn dông bão, sự so sánh không cần liên từ như làm trung gian đứng ở giữa. Đó là một ẩn dụ, một so sánh tương đương. Còn như khi ta viết chiến tranh, cơn khói lửa hay cơn đao binh, thì khói lửa hay đao binh chỉ là một phần của chiến tranh, một sự so sánh không phải tương đồng. Đó là một hoán dụ. Vậy hoán dụ là sự so sánh do tương quan kết hợp. (Xin xem phần mỹ từ pháp trong cuốn Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim – Bùi Kỷ và phần tu từ pháp trong cuốn Cấu trúc thơ của Thụy Khuê). Ẩn dụ hay hoán dụ có thể chỉ ở vài từ, mà có khi gồm trọn bài thơ hay cả một tập truyện. Trọn bài thơ Thề non nước của Tản Đà, truyện Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời của Mai Thảo, đều là những ẩn dụ. Ta cần lưu ý ẩn dụ và nhân cách hóa, vì cả hai thường đứng cận kề nhau. Ví dụ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Nguyễn Du). Hoa đào là ẩn dụ, so sánh với người đẹp. Nhưng hoa đào cười là nhân cách hóa, coi sự vật sinh hoạt như con người.

Ta cũng nên phân biệt ẩn dụ thường và ẩn dụ mỹ cảm. Ẩn dụ thường chỉ dùng để tránh điệp ngữ, nghĩa là dùng một sự so sánh để tránh lặp lại những từ đã dùng nhiều lần. Ẩn dụ mỹ cảm cần thiết cho thơ. Ẩn dụ mỹ cảm cần phải sáng tạo riêng, đừng lặp lại của người khác để tránh khuôn sáo. Khi đặt vấn đề thơ phải tận dụng ngôn ngữ văn chương (vì cảm hứng về đề tài khoa học) thì ẩn dụ mỹ cảm sẽ đóng vai trò chính. Ví dụ khi ta viết về đề tài những thiên thể vĩ đại có trọng-lực hút lẫn nhau. Thiên thể vĩ đại hơn hết trong vũ trụ là các Thiên-hà. Ngân-hà cũng là một Thiên-hà, có tên riêng như vậy vì chi-chít sao của nó trông xa giống như một con sông bạc màu sữa ngà. Các Thiên-hà khác cũng chi-chít tinh tú, nhưng ở quá xa nên ta không thể thấy được bằng mắt thường. Các Thiên-hà tụ thành do hàng tỉ tinh tú, và những khối hàng tỉ tinh tú ấy quay quần như từng hòn đảo riêng và phân bố rải rác trong vũ trụ rất xa nhau, nhưng đôi khi có hai khối lại tao ngộ chỉ cách nhau một hay hai triệu năm-ánh-sáng. Khoảng cách ấy kể như rất gần đối với vũ trụ bao la vô tận. Gần kề, nên trọng-lực hai Thiên hà hút nhau, nhưng đồng thời lại bị sức giãn nở sau trận Big Bang làm cho tất cả đều bị trôi giạt ra ngoài rìa vũ trụ. Ta so sánh điều này như một đôi-lứa keo-sơn, gắn bó cùng đi trên chuyến-tàu-thời-gian, cứ đi mãi cho đến tàn cuộc đời. Thiển nghĩ đây là một ẩn dụ mỹ cảm do diễn tả bằng biểu tượng có chất thơ. Cố công thi-hóa những khám phá vật lý vũ trụ, người viết bài này đã đôi lần thử-nghiệm sáng tác, xin giới thiệu bài thơ dưới đây (những bài thơ khác cùng loại, đã tuyển chọn lại gồm 9 bài, trong trang điện-tử: “www.tranvannam.com”)

Đỉnh núi xanh với Viễn-vọng-đài

Khiến trời bí ẩn đã cung khai

Ngân-hà không phải nơi cùng tận

Còn rải rác trời dấu nhạt phai.


Những đốm mờ mờ như bụi hơi

Bấy lâu tưởng ở cùng bầu trời

Mà bao nhiêu triệu quang-niên cách

Những đảo Thiên-hà tụ lẻ loi.


Từng đốm Thiên-hà một cõi nơi

Có khi tao ngộ, hút song đôi

Mỗi giây vạn dặm gần nhau lại

Vài tỉ năm là xáp nhập thôi.


Hấp-lực quần nhau riêng biệt phương

Khi vòng ngoài, vũ trụ phình trương

Khởi từ Trận Nổ rồi lan rộng

Những đảo-trời trôi giạt thảm thương!


Cục-bộ giao-tình hút-kéo-lôi

Mà miên-trường, tất cả cùng trôi

Như hai hệ-lụy đời chung kiếp

Trên chuyến-thời-gian bất phục hồi.


(Bài thơ: Ghì Nhau Khi Trôi Giạt – Tạp chí VĂN, bộ mới, số 2, năm 1997 – California)

Rất may mắn (vì thật hiếm hoi) khi tìm được một bài thơ ẩn dụ mỹ cảm rất sát với vấn đề đang bàn tới: bài thơ của thi sĩ John Updike cảm hứng về những tia vật chất tàng hình trong vũ trụ. Khoa học gọi là Dark Matter (chất tối), đó là loại vật chất (có thể là những hạt vô cùng nhỏ, có thể là những thiên thể vô cùng vĩ đại) mà khoa học chưa thể dùng viễn-vọng-kính mặt gương để thâu nhận hình ảnh vì nó không phát ra ánh sáng. Nó cũng không phát ra những tia vũ trụ khác để thâu nhận hình ảnh qua vô tuyến viễn vọng (Radio-telescope), hồng-ngoại-viễn-vọng (Infrared-telescope), cực-tím-viễn-vọng (Ultraviolet-telescope), quang-tuyến-viễn-vọng (X-Ray-telescope). Vì vậy nó là vật chất tàng hình. Tàng hình nhưng nó lại chi phối sự vận hành trong vũ trụ, có tới 90% vật chất trong vũ trụ là tàng hình. Nếu không có 90% vật chất đó thì vũ trụ (bao gồm những-thấy-được bằng viễn vọng kính mặt gương nắm bắt ánh sáng; và những-thấy-được bằng các loại viễn vọng nắm bắt tia vũ trụ); tất cả gọi là vũ trụ đó vẫn không đủ trọng lực để hãm bớt đà bành trướng giãn nở sau trận Big Bang. Một trong những thứ vật chất tàng hình là trùng trùng lớp lớp hạt Neutrino. Chúng đang đi xuyên qua thân thể con người, xuyên qua cả Trái Đất, chỉ có thể đặt các máy dò tìm chúng ở dưới đáy biển sâu, hoặc dưới các hầm mỏ thăm thẳm trong lòng đất. Một đoạn trong bài thơ như dưới đây:

Những hạt Neutrino vô cùng nhỏ

Chúng không có điện tính,

cũng không có sức nặng

Và không kết hợp với bất cứ chất gì khác

Trái Đất đối với chúng

chỉ là một khối cầu mềm

Giản dị, bởi vì chúng đi xuyên qua

… Từ không gian đến,

chúng là những máy chém không đau

Đi xuyên qua đầu ta xuống đến đồng cỏ

Ban đêm, chúng đến xứ Nepal

Đâm sâu qua thân thể hai kẻ đang yêu

Xuyên lên từ phía dưới giường của họ

(Vì chúng qua từ hướng bên kia Trái Đất)

Bạn gọi đó là một điều kỳ diệu

Còn tôi cho là một sự xâm nhập thô lỗ

(Neutrinos, they are very small

And do not interact at all

The earth is just a silly ball

To them, through which they simply pass

… And painless guillotines, they fall

Down through our heads into the grass

At night, they enter at Nepal

And pierce the lover and his lass

From underneath the bed – you call

it wonderful; I call it crass.

(Trích trong bài thơ Cosmic Gall của John Updike)

Một vấn đề khoa học, một khám phá kỳ diệu về vật chất, lại được diễn tả bằng hình ảnh rất gần với nhân sinh, gần với thế gian phàm tục, khác với khoa học viễn tưởng của ngành vật lý lý thuyết. Vật lý lý thuyết gần kề với truyện khoa học giả tưởng, nhưng tưởng tượng của nhà bác học dựa vào các phương trình toán học cao cấp; không phải hoàn toàn giả tưởng. Thuyết tương đối của Einstein, Baby Universes được hình thành sau khi các Black Holes tiêu thụ vật chất của vũ trụ này (do Stephen Hawking nghĩ ra); wormholes (lỗ con sâu) tức là những đường hầm thông qua các vũ trụ thuộc kích thước thứ tư thứ năm… đều là những vấn đề của Vật Lý Lý Thuyết (Theoretical Physics). Đây là một bài thơ viễn tưởng cảm hứng từ vật lý lý thuyết:

Có một cô nàng tên là Hào Quang

Nàng đi mau hơn tốc độ ánh sáng

Nàng đi trong một ngày, đi vào lẽ Tương Đối

Trở về khởi điểm trước lúc khởi hành.

(Xin dịch thoát câu cuối cho dễ hiểu điều nghịch-lý thời-gian trong Thuyết Tương Đối)

(There was a lady named Bright

Who traveled much faster than light.

She departed one day in a Relative Way

And returned in the previous night)

(Tác giả: A.H.R. Buller)

Dựa vào vật lý lý thuyết hay dựa vào những khám phá vật lý vũ trụ mà viết thành truyện hoang đường thì đó là văn chương khoa học giả tưởng. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với tập truyện Ba người lính nhảy dù lâm nạn (xuất bản 1960 tại Sài Gòn) dựa vào thuyết tương đối của Einstein. Truyện con người đi với tốc độ ánh sáng làm thời gian chậm lại mà trở về thế kỷ 18, trở lại Thăng Long vào năm vua Quang Trung lâm bệnh nặng, cứu sống nhà vua để hoàn tất phần lịch sử đã bỏ dở do cái chết lúc còn quá trẻ của ngài: Một lít huyết thanh khô đóng bánh ở ngân hàng máu thành phố Nữu Ước, được Khang cho pha loãng trở lại và chảy dần dần vào huyết quản vị anh hùng Tây Sơn (trang 222, sách đã dẫn). Cũng như loạt phim khoa học giả tưởng Star Trek đã dựa vào những khám phá mới đây của vật lý vũ trụ, qua phân tích của giáo sư thiên văn Lawrence Krauss của trường Đại học Case Western Reserve University, rất rõ ràng dễ hiểu trong chương 9 của cuốn The Physics of Star Trek, xuất bản năm 1995 tại Hoa Kỳ – New York.

City of Walnut, California, tháng 7/1997; tháng 10/1997; tháng 4/1998

(Dưới đây là hai bài thơ với đề-tài vật-lý vũ-trụ):

THÁNG TÁM NHIỀU SAO BĂNG

Tháng tám trời khuya quẹt lửa diêm

Sao băng từng chập rọi vô biên

Có đêm liên tục rồi thưa hẳn

Như một định ngày tự cõi thiên.


Bởi Địa Cầu xoay tới điểm giao

Gặp dòng thiên thạch vút lao đao

Đá trời, vụn mảnh, bay rầm rập

Sức mạnh vận hành, vũ trụ chao.


Những tảng dị hình muôn cổ sơ

Tuân theo quỹ đạo tự bao giờ

Vụn từ tan rã hành tinh đụng

Trên cõi ngàn năm như nhởn nhơ.


Trái Đất hút, nguồn lực chứa chan

Đá vào khí quyển, cháy tro than

Cả đêm, sao xẹt rừng thông lớn

Những đốm tàn hơi xuống bãi ngàn.


Cổ đại nghìn thu đá trước thềm

Còn là quá trẻ với tầng trên

Đá này đá nọ bao nhiêu tuổi

Ở với đời người mấy kiếp thêm.


VÔ TUYẾN TỪ GIẢI NGÂN HÀ

Làn sóng khó thâu qua điện đài

Hướng trời, giàn Viễn Vọng căng tai

Ngóng nghe từ giải Ngân Hà đến

Tín hiệu trùng trùng xuống vãng lai.


Các thiên thể chính là nam châm

Gây triền miên những chuyển động ngầm

Từng luồng sóng-hạt siêu tốc độ

Tạo cuồng lưu vô tuyến vi âm.


Không hệ thống do từ trí khôn

Sóng âm, mớ hỗn tạp vô hồn

Tín-hiệu-đồ truy ra vô nghĩa

Sinh vật nào đâu, cõi trống trơn!


Đan chéo dọc ngang, xoáy cực mau

Siêu-vi-hạt cháy lửa thiên thâu

Đụng nhau, hủy thể, rồi tân tạo

Vật chất ngàn tia vút địa cầu.


Đêm đêm Viễn Vọng quay thăm dò

Mong sứ điệp nào xuống nhỏ to

Vẫn biệt tăm hơi ngoài Trái Đất

Lẽ nào không, khắp cõi vô bờ.


Hãy nghĩ không gian còn chúng sinh

Những đời sống tít tắp hành tinh

Hãy chờ làn vô-tuyến hệ-thống

Từ trí khôn ngoài Trái Đất mình.


(Bài viết và hai bài thơ với đề-tài Vật Lý Thiên Văn Vũ Trụ, trích từ cuốn sách Tiếp nối dòng cảm thức văn học sau năm 1975, xuất bản năm 2016, từ trang 515 đến 528)

Comments are closed.