"Thời của thánh thần" dưới góc nhìn phản biện xã hội

Văn Việt: Tiểu thuyết Thời của Thánh Thần của nhà văn Hoàng Minh Tường (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008) đã được dịch ra các tiếng Pháp, Hoa, Hàn, Nhật. Bản tiếng Pháp do ba dịch giả: HieuConstant, Catherine Fremont, Lê Ngọc Diệp thực hiện vừa được nhà xuất bản La Fremillerie, một nhà xuất bản có uy tín chuyên xuất bản các tác phẩm về Việt Nam, cho phát hành trên toàn nước Pháp. Cuốn tiểu thuyết dày 650 trang với tựa đề LE TEMPS DES GENIES INVINCIBLES, được coi là một câu chuyện truyền kỳ của người Việt (UNE SAGA VIETNAMMIENNE). Đồng thời, tác phẩm này cũng được xuất bản trên trang mạng toàn cầu Amazon.fr

Nhân dịp này, Văn Việt xin giới thiệu với bạn đọc bài viết sau đây của nhà văn Đặng Văn Sinh về Thời của Thánh thần:

Đặng Văn Sinh

HoangMinhTuong_LeTempsDesGe_niesInvincibles-213x300“Thời của thánh thần”* là bi kịch của một gia đình thông qua tấn đại bi kịch của dân tộc, trong một thời kỳ lịch sử biến động dữ dội. Không thể phủ nhận là tác phẩm mang tính luận đề khá rõ, nhưng được diễn đạt dưới hình thức sử thi mà điểm nhấn là những sự kiện quan trọng, được tái hiện bằng ngôn ngữ văn chương cổ điển cùng với lớp nhân vật khá điển hình trong suốt mấy chục năm, làm nên diện mạo khác thường của dân tộc Việt với cộng đồng nhân loại.

“Thời của thánh thần”, thực chất là là tác phẩm văn chương truy tìm nguồn gốc của những sự bất cập, bởi các sự kiện lịch sử tác động đến số phận của dân tộc, sự vinh nhục của đất nước cũng như hệ quả của nền chính trị được thực thi hơn sáu mươi năm qua, không cần đào bới quá khứ cũng có thể cảm nhận khá chính xác. Vấn đề là nguyên nhân sâu xa của nó. Không hiếm trường hợp, lịch sử lưu giữ trong chuỗi ký ức của các thế hệ có khi lại chính xác hơn nhiều thứ đã được định dạng trên các văn bản chính thức của nhà cầm quyền. Bằng vào hệ thống nhân vật hư cấu, được tích hợp từ rất nhiều con người có thật, từng bị vùi dập, tù đầy, khủng bố tư tưởng, bị vô hiệu hóa hoặc loại ra khỏi cộng đồng biến thành cái bóng dặt dẹo của chính mình, tác giả đã tái hiện thành công số phận bi đát của người trí thức Việt Nam từng bị coi là “tiểu tư sản”, “lập trường bấp bênh”, thậm chí “phản cách mạng” trong nửa cuối thế kỷ XX. Đọc “Thời của thánh thần”, ngay cả lớp người trẻ tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, không phải trải nghiệm nỗi kinh hoàng của những cuộc chiến máu lửa, những trận đấu tố đầy chất bi hài, những chiến dịch cưỡng bức tẩy não sắt máu, cũng phải rùng mình bởi sự bất ổn của của một xã hội tôn thờ bạo lực vốn được xây dựng trên thứ triết lý không tưởng, vừa cuồng tín vừa ấu trĩ, vừa tàn bạo vừa giả trá. Hậu quả của nó là, chính chúng ta chứ không phải ai khác, đã và đang phải lãnh đủ một cơ đồ rách nát, một môi trường xã hội ô nhiễm nặng nề, khiến các thế hệ tương lai mất niềm tin, thiếu lý tưởng, vô văn hóa, suy thoái đạo đức nhưng lại thừa kiêu ngạo trên cái nền phì nhiêu của nạn tham nhũng.

Được viết bằng lối văn truyền thống, khá gần với loại chuyện kể, “Thời của thánh thần” không mấy quan tâm đến phong cách ngôn ngữ mà lại chinh phục người đọc ở khả năng liên kết, móc xích các sự kiện lịch sử, xã hội, kết hợp với những lời bình trí tuệ, có sự cân nhắc, được “cài đặt” rất khéo vào không ít trường đoạn như là sự phản biện xã hội của người cầm bút. Có thể xem, cái làm nên diện mạo cuốn tiểu thuyết trường thiên này chính là những lời phản biện vừa trực cảm vừa có tính khoa học, rất minh bạch, không né tránh về một giai đoạn lịch sử xã hội Việt Nam cùng với những hệ lụy của nó.

Từ quan điểm trên, các nhân vật tiêu biểu trong “Thời của thánh thần” như Chiến Thắng Lợi, Nguyễn Kỳ Vỹ, Nguyễn Kỳ Vọng, Đào Thị Cam, Tư Vuông, Châu Hà, Văn Quyền, Khuất Sỹ Hào… đều được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau để tìm ra bản chất của họ trong mối tương quan với hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, đạo đức cũng như các giá trị truyền thống.

Chiến Thắng Lợi là một trong những nhân vật trung tâm của tiểu thuyết mà hệ ý thức được hình thành qua cuộc kháng chiến chống Pháp, hoàn toàn không cá biệt mà mang tính khái quát cao. Loại người như ông ta rất phổ biến, mang dáng dấp người hùng, tiêu biểu cho lý tưởng xã hội của một thời kỳ lịch sử. Tác giả không chỉ dừng lại ở việc lý giải hết sức thuyết phục quá trình tha hóa nhân cách của một quan chức cách mạng từ Nguyễn Kỳ Khôi đến Chiến Thắng Lợi, mà còn chỉ ra được nguyên nhân của sự tha hóa ấy bằng thao tác phản biện lịch sử. Viết về Chiến Thắng Lợi tức là phải ngược dòng lịch sử, phải minh định lại những sự kiện, những nhân vật, những quan điểm từng bị khai thác thiếu công tâm, thậm chí bóp méo hay ém nhẹm để phục vụ mục đích độc quyền chân lý. Để trở thành cán bộ nòng cốt, được cấp trên tin tưởng, Chiến Thắng Lợi đã phải trải qua một quá trình tự lột xác. Nói cách khác, trong con người ấy có hai con người. Chàng trai làng Động có chút học vấn, đa tình, khao khát nhục dục Nguyễn Kỳ Khôi với tuổi trẻ phơi phới chết dần sau mỗi năm ở “thủ đô gió ngàn”. Trên nấm mộ nhân cách ấy đồng thời tái sinh một chiến sỹ cộng sản, mang trong mình khát vọng “thế giới đại đồng” được xây dựng trên quan điểm đấu tranh giai cấp, lấy chuyên chính vô sản làm phương châm hành động. Thứ tôn giáo này có vẻ như không chấp nhận con người phàm tục với bản tính tự nhiên trời đất ban cho mà chỉ dung nạp những thành phần hoàn hảo thuộc THẾ GIỚI THÁNH THẦN. Chính vì thế, người ta nghĩ ra phương pháp “phê bình và tự phê bình” thông qua các cuộc “chỉnh huấn”, “nhận đường”, nhằm thủ tiêu bằng hết những gì thuộc về bản tính tự nhiên, xóa sạch quyền tư hữu cá nhân, tẩy não một cách triệt để, biến con người tầm thường thành các chiến sỹ vô sản ưu tú, chuẩn bị nhân sự cho cuộc cách mạng thế giới trong tương lai không xa. Nói như Nguyễn Khải, những người cộng sản phải tự tin và kiêu ngạo lắm mới có tham vọng kiểm soát tâm hồn con người, cho dù đó là cái thứ rất không cụ thể, lại cực kỳ vi diệu, biến thái khôn lường. Và xét đến cùng, trong cõi nhân gian, chính thứ tài sản tinh thần ấy, chẳng những làm cho con người là NGƯỜI mà còn khu biệt được từng cá thể trong cộng đồng NGƯỜI. Để đối phó với công nghệ kiểm soát đặc thù trên, chẳng riêng Chiến Thắng Lợi mà hầu hết mọi thành phần đã từng dấn thân vào cuộc “trường chinh cách mạng” đều không dám là chính mình. Cái tôi thật phải lẩn đi, cái tôi giả được thế chỗ để tương thích với tôn chỉ mục đích của chủ thuyết. Thói đạo đức giả xuất hiện. Dần dà nó trở thành phương châm hành xử của con người như một thứ văn hóa. Tư Vuông, Chiến Thắng Lợi, Văn Quyền, Khuất Sỹ Hào, Đào Thị Cam… là những nhân vật điển hình cho thói đạo đức giả một cách hồn nhiên, xem giả như thật, biến nó thành loại hành trang tinh thần, di truyền cho các thế hệ mai sau mà chẳng hề băn khoăn đến nguy cơ đổ vỡ nhân cách của cả một dân tộc.

Với Chiến Thắng Lợi, ngay cả cái tên được “đồng chí” Tư Vuông ngẫu hứng đặt cho sau khi lập thành tích trên căn cứ địa cũng đã manh nha một cái gì đó không ổn. Nó vừa ẽo ợt, kệch cỡm vừa lên gân một cách giả tạo, là bằng chứng không thể bác bỏ về thói kiêu ngạo của một lớp người mắc bệnh vĩ cuồng. Sau khi đoàn quân chiến thắng trở về, được cơ cấu vào vị trí quan trọng của nền chuyên chính, mỗi khi nghĩ đến quá khứ, Chiến Thắng Lợi lại toát mồ hôi hột, cho dù những hành vi ấy chính là “vật chứng” biểu hiện chất NGƯỜI trong tư cách làm người của ông ta. Tuy nhiên, với thứ chủ nghĩa Chiến Thắng Lợi đang thờ phụng, việc ăn nằm với “người đẹp Sơn Minh” Đào Thị Cam trong chuyến đóng giả cặp vợ chồng nhà buôn vào nội thành, chuyện làm tình lu bù với cô gái Tày Ma Thị Là, phải hối lộ thủ trưởng hai lạng cao hổ với chiếc mật gấu mới thoát hiểm, rồi chuyện nhờ vả thượng tá Võ Khang sắp xếp để Lê Kỳ Chu không phải đi B mà được sang Nga Xô học ngành sỹ quan điều khiển tên lửa đều là những tội tày trời, nếu bị phát giác sẽ mất sạch sự nghiệp. Trên nguyên tắc, viên chức đảng và nhà nước mà dính vào hủ hóa hoặc lừa dối tổ chức thì sinh mệnh chính trị khó có thể bảo toàn. Mất ghế như chơi. Mà cái ghế quyền lực nó lại có sức hấp dẫn người ta ghê gớm, đến mức có thể hy sinh cả những tình cảm thiêng liêng nhất để giữ cho bằng được. Tấn bi hài kịch cuộc đời của Chiến Thắng Lợi có lẽ cũng bắt đầu từ đó.

Gần như suốt cuộc đời quan chức, Chiến Thắng Lợi phải sống bằng con người giả. Chỉ khi bị “hạ cánh an toàn” sau ngón đòn thọc sườn hiểm độc của đàn em Văn Quyền ông ta mới phần nào ngộ ra thực chất của cái gọi là tình đồng chí trong trò chơi quyền lực. Về hưu rồi, Chiến Thắng Lợi mới được là chính mình. Lần đầu tiên sau mấy chục năm ông dám thắp hương trên bàn thờ cụ cử Phúc, thậm chí còn đồng tình cho vợ đến điện cô đồng Hằng xem quẻ…

Một nét nổi bật nữa trong bản chất con người Chiến Thắng Lợi là thói kiêu ngạo cộng sản và độc quyền chân lý dẫn đến sự sai lầm trong nhận thức thế giới khách quan. Ông ta thừa lệnh Tư Vuông thực thi một cách mẫn cán công nghệ tẩy não giới trí thức, văn nghệ sỹ, luôn được coi là “đối tượng” cần phải “uốn nắn” của cách mạng vì họ dám đòi tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Ngay với cả em trai mình, nhà thơ Nguyễn Kỳ Vỹ, cũng bị ông ta đồng lõa với Tư Vuông, đày ải cho đến thân tàn ma dại, ra tù không việc làm, không nguồn thu nhập, phải chuyển sang nghề chữa trĩ kiếm sống. Chính Chiến Thắng Lợi, một yếu nhân của thể chế được gọi là “dân chủ gấp triệu lần tư sản”, đã góp phần làm thui chột biết bao tài năng, mà đáng lý ra họ chính là nguyên khí quốc gia, là nguồn động lực cơ bản thúc đẩy tiến trình phát triển của đất nước. Từ chuyên chính vô sản đến độc quyền yêu nước, coi đất nước là của riêng những người cộng sản, hạ thấp vai trò tầng lớp trí thức, những người như Chiến Thắng Lợi, dù vô tình hay hữu ý, đã liên tục đẩy đất nước vào những thảm họa mà lẽ ra có thể tránh được sau cuộc kháng chiến chống Pháp. “Cải cách ruộng đất”, “Nhân văn Giai phẩm”, “Cải tạo công thương nghiệp”, “Xét lại hiện đại”, “Hợp tác hóa nông nghiêp”… thực chất đều là những bi kịch dân tộc bắt nguồn từ sự ngộ nhận về thứ chủ nghĩa xã hội trại lính, triệt để tôn sùng cá nhân, thủ tiêu quyền làm người, coi thường những giá trị phổ quát của nhân loại mà ngay từ năm 1956, tại Đại hội XX đảng Cộng sản Liên Xô, N.X.Khrushev đã kịch liệt lên án qua bản “Báo cáo mật…”.

Với thói đạo đức giả và thói kiêu ngạo cộng sản, những ông “đầy tớ” dân kiểu như Tư Vuông, Chiến Thắng Lợi v.v… chẳng những làm đất nước rơi vào cảnh khủng hoảng triền miên mà còn tạo ra một thế hệ tương lai, những “ông trời con”, thừa hưởng bộ gene quyền lực và đống tài sải kếch xù do tham nhũng mà có của cha ông, chẳng cần phải tốn mồ hôi, nước mắt, tuy nhân cách kém cỏi, học vấn lem nhem, mà vẫn là những ông chủ đích thực, tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Để kiểm chứng nhận xét này, chỉ cần đọc lại đoạn Chiến Thống Nhất chửi Đinh Mạn bằng những lời rất thô tục vì anh ta không chiều theo ý thích chơi trội của hắn mà phá vỡ quy hoạch từ đường do Nguyễn Kỳ Vọng đầu tư xây dựng là hiểu ra ngay.

Tương phản với Chiến Thắng Lợi, Nguyễn Kỳ Vỹ là một nhân cách nghệ sỹ lớn, được đào tạo khá bài bản từ nền văn hóa Pháp. Vỹ giầu lòng tự trọng, hơi lãng mạn và trung thực đến tận cùng. Chính nền giáo dục phương Tây, chứ không phải “Bình dân học vụ” thời Cải cách ruộng đất, hay phong trào “Thi đua Hai tốt” sau này, đã đào luyện cho Việt Nam những nhân tài thực sự như Nguyễn Kỳ Vỹ, Nguyễn Kỳ Vọng, Châu Hà… Chủ trương độc quyền chân lý, kỳ thị giai cấp đã đẩy một bộ phận không nhỏ nhân tài ra ngoài lề xã hội, đưa một bộ phận khác có bản lĩnh hơn, dám phản biện đường lối cai trị sai lầm của giới lãnh đạo vào tù, biến đất nước thành của riêng một nhóm người.

Nếu Chiến Thắng Lợi vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của nền chính trị xơ cứng, giáo điều, bảo thủ dẫn đến bi kịch của cả một cộng đồng, thì Nguyễn Kỳ Vỹ bị vùi dập chỉ với tư cách nạn nhân bởi anh quá yêu nhân dân, đã hoàn thành nhiệm vụ vượt mức yêu cầu của Đảng. Cái tội của Nguyễn Kỳ Vỹ là dám “cầm đèn chạy trước ô tô”, dám khôn hơn Đảng về cách nhìn tương lai đất nước bằng con mắt phê phán. Ngược dòng thời gian, qua các vụ “Nhân văn Giai phẩm”, “Xét lại hiện đại”, ta có cảm giác như là giới văn nghệ sỹ khá hèn, thiếu chính kiến và luôn “biết sợ” nên chẳng bao giờ dám có ý tưởng “lật đổ” chính quyền bằng văn thơ. Cho nên, những vụ án trên, dù là có thật hay bởi ai đó đã chế tạo ra, cũng luôn nửa hư nửa thực, nhằm mục đích răn đe từ phía những quan chức thượng tầng luôn có tinh thần “cảnh giác cách mạng” cao như Tư Vuông theo lời dạy của lãnh tụ Mao “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Văn nghệ sỹ đôi lúc chỉ là những vật tế thần để người ta giải quyết bài toán ở hậu trường trong những xung đột quyền lực.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính làm cho Nguyễn Kỳ Vỹ thân bại danh liệt lại là cái tội dám chê tập thơ “Thủ đô gió ngàn”, cho dù lời chê cũng chỉ rất nhẹ nhàng. Thời ấy, thơ Ngô Sỹ Liên là thống soái, hay nhất, có tính đảng cao nhất, nghệ thuật tuyệt vời nhất. Đọc rồi chỉ được khen, chê là lãnh đủ. Nguyễn Kỳ Vỹ dám “mó dái ngựa” như Châu Hà bảo “thật thà một cách ngu xuẩn” thì bị loại ra khỏi cuộc chơi, ngồi bóc lịch dài dài là đúng luật, bởi vì những người cộng sản như Tư Vuông không bao giờ sai lầm. Nhưng đấy cũng chính là nét đáng trân trọng trong tính trung thực của nhà nghệ sỹ tài hoa. Thiếu cái đó không còn là Nguyễn Kỳ Vỹ. Tội thứ hai của Vỹ là bướng, không chịu khuất phục. Nếu anh chịu “mài nhẵn như hòn bi” theo quy trình Tư Vuông chỉ thị cho Chiến Thắng Lợi thì có lẽ số phận nhà thơ đã xoay chuyển, chẳng những không bị gọi về nước, yên tâm học tập ở Liên bang Xô viết mà còn thoát khỏi bảy năm tù không án, đến nỗi thành kẻ tâm thần vô tích sự, báo hại gia đình.

Nguyễn Kỳ Vỹ là nhân vật hư cấu nhưng cũng là con người bằng xương bằng thịt từ cuộc đời chìm nổi nhập vào trang sách, rồi lại từ trang sách bước ra, nhân danh một lớp văn nghệ sỹ bị hàm oan, nói theo nhà thơ Lê Đạt là bị “giẻ rách hóa”, tố cáo những thế lực đen tối đã đẩy họ đến bước đường cùng. Là nhân vật tiểu thuyết nhưng đồng thời cũng là nhân chứng lịch sử, Nguyễn Kỳ Vỹ được xem như hình tượng văn học khá điển hình, giầu cá tính, mở đầu cho thời kỳ “văn học vết thương” làm người đọc phải tự vấn lương tâm, phải xét lại quan niệm của mình về số phận đất nước, tương lai dân tộc mà bấy lâu nay người ta chỉ nhận dạng một cách mơ hồ qua những trang giáo khoa thư sáo rỗng.

So với anh trai mình, Nguyễn Kỳ Vọng có phần may mắn hơn khi anh kịp thời di tản vào Nam theo gia đình Tạ Đôn, Tạ Thu Uyên. Qua nhân vật Vọng, người đọc nhận ra sự so sánh ngầm nhưng rất rõ ràng của tác giả về hiệu quả hai nền giáo dục. Giáo dục miền Nam sau năm 1954 là hệ thống mở mang tính hội nhập với thế giới văn minh, tuy vẫn còn những hạn chế nhưng nhìn chung là tiến bộ, khác hẳn với thứ giáo dục nhồi sọ của miền Bắc XHCN, lấy chính trị làm thống soái, lại khép kín, mang nặng tính bảo thủ, dẫn đến triệt tiêu khả năng sáng tạo, kết quả là chỉ đào luyện ra những lớp người biết vâng dạ. Vào đến Sài gòn, tuy mới chỉ ở bậc tú tài bán phần, Nguyễn Kỳ Vọng đã có đủ bản lĩnh sống nơi đất khách. Anh vừa đi học vừa dạy kèm làm kế sinh nhai rồi đàng hoàng bước vào giảng đường một trường đại học danh giá với suất học bổng ngành kỹ sư công chính. Là người có chí tiến thủ, Vọng còn quyết định sang Hoa Kỳ tu nghiệp nhằm học hỏi công nghệ làm cầu hiện đại của cường quốc khoa học kỹ thuật hàng đầu thế giới dẫu rằng khi về chưa chắc đã còn được ngồi ghế trưởng ty. Nếu chính quyền Sài gòn cũng hành xử giống những người cộng sản thì, với cái lý lịch bất hảo, anh trai là cán bộ Việt Cộng cao cấp như Vọng, làm sao được bén mảng đến cổng trường đại học, nói gì đến việc xuất ngoại. Vọng là một trí thức có nhân cách lớn. Anh học và làm đều vì sự thăng tiến của cộng đồng, được vinh danh như một kỹ sư đặc hạng với nhiều bằng tưởng thưởng ghi nhận công tích phục vụ đất nước. Đó thật sự là những công trình sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực chứ không phải những bản báo cáo dối trá trong một xã hội tôn thờ chủ nghĩa thành tích thể hiện qua khẩu hiệu “Thi đua là yêu nước” mà hậu quả của nó là cầu sập, đường vỡ, nhà đổ, người chết… nhưng trách nhiệm lại chẳng biết thuộc về ai. Nói một cách công bằng, cũng có thể Nguyễn Kỳ Vọng chẳng mấy yêu quý chế độ Sài Gòn bởi bản thân nó cũng có không ít điều khiếm khuyết, nhưng người trả lương xứng đáng với công sức đã bỏ ra, cấp trên quý trọng tài năng của anh, thế là đủ. Vậy mà, sau 30 tháng 4 năm 1975, những tài năng như Nguyễn Kỳ Vọng lại bị xếp xó, chỉ chút nữa thôi phải đi cải tạo nếu không có sự hiểu lầm của người đại diện chính quyền mới khi anh ra trình diện. Thân phận bọt bèo của lớp trí thức lưu dung sau năm 1954 ở miền Bắc lại được tái lập ở miền Nam. Có vẻ như, sau hai mươi năm những người cộng sản vẫn chưa đủ thời gian thay đổi cách nhìn.

Dù tỉnh táo đến mấy Nguyễn Kỳ Vọng cũng không thoát khỏi tấn bi kịch của một trí thức nhẹ dạ cả tin, đem số phận mình đặt vào lũ lưu manh chính trị trong canh bạc đầy may rủi. Khuất Sỹ Hào chỉ vì muốn chiếm ngôi biệt thự mà dùng mỹ nhân kế cùng với những lời đường mật sắp xếp cho Vọng vượt biên trong một đường dây bán chính thức do những nhân vật có thế lực bảo kê. Cuộc hành trình biển Đông của Nguyễn Kỳ Vọng thật sự là nỗi kinh hoàng đối với những người con đất Việt đi tìm miền đất hứa, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sự kiện đứa con gái 13 tuổi của anh bị hải tặc cưỡng bức phải nhảy xuống biển tự tử. Bé Nguyễn Thị Kỳ Vân cũng như ba trăm ngàn thuyền nhân xấu số bỏ xác dưới đáy đại dương là cái giá quá đắt đối với sự tự do của một đời người. Anh tâm sự với Châu Hà: “Anh là một nhà văn, không thể không biết sự thật về cuộc di tản đau đớn và khủng khiếp nhất của lịch sử người Việt. Cuốn hồi ký này, tôi viết tặng anh Vỹ tôi. Nhưng anh ấy đã là phế nhân rồi…”. Vọng trở thành kẻ tha hương trên đất Hoa Kỳ với những mặc cảm tội lỗi về trách nhiệm của người chồng, người cha đối với gia đình cho dù nơi ấy là xứ sở được bảo đảm nhất về quyền làm người. Hình như định mệnh đã tạo ra số phận nghiệt ngã đối với một trí thức tài hoa. Bi kịch dân tộc truy đuổi người con trai làng Động đến tận cùng trời cuối đất. Vọng mất tất cả nhưng không mất nhân cách. Chính đứa con lưu lạc chân trời góc bể, bị ông anh cả Chiến Thắng Lợi gọi là kẻ phản quốc lại là người đưa vàng cho bố con Nguyễn Kỳ Cục chuộc Nguyễn Kỳ Viên. Rồi cũng chính Nguyễn Kỳ Vọng hồi hương mang tiền về xây lại ngôi từ đường dòng họ đã bị các “ông”, “bà” bần cố nông biến thành phế tích.

Nhưng cái đáng trọng hơn cả ở Nguyễn Kỳ Vọng vẫn là một trí tuệ sáng láng, một lập luận tỉnh táo, logic đầy tính biện chứng qua cuộc chuyện trò với nhóm Châu Hà khi các nhà văn này được mời sang Hoa Kỳ. Là kỹ sư công chính nhưng Vọng có cái nhìn sắc sảo về cách làm chính trị và quản lý đất nước của những người cộng sản: “Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930, Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, rồi Mậu Thân 1968, thành cổ Quảng Trị 1972… hy sinh toàn bộ lực lượng cốt cán, hàng vạn tinh hoa ưu tú nhất của dân tộc, thì các anh bảo là tập dượt, là tiền khởi nghĩa, là đêm trước của cách mạng… Nhân dân luôn là vật thí nghiệm… Và các vị, giống như người đẽo cày giữa đường, người gọt chân cho vừa giày… ở bên này nhưng chúng tôi vẫn thuộc câu ca: “Mất mùa là tại thiên tai/ Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta”. Dân biết hết cả. Nhưng dân mình hiền. Không nỡ giận con chuột mà đập vỡ cái bình quí. Lấy đại cục làm trọng, chứ không câu nệ cái tiểu tiết. Dân tộc mình như thế, văn hoá lịch sứ mình như thế, đất đai sông núi như thế, có kém gì nước Nhật, nước Hàn, nước Thái… mà mãi vẫn không trở thành cường quốc được, vẫn luôn xếp hàng cuối sổ của thế giới?… Đau lắm chứ…”. Quan điểm của Vọng vốn bắt nguồn từ tư duy khoa học với những biện luận chặt chẽ và dẫn chứng có sức thuyết phục: “Giành được nước là các anh đút túi như của cải riêng của mình. Các anh vô ơn, chẳng cần biết rằng đất nước này có tới bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, mà các anh mới chỉ là khoảnh khắc, công lao như cái móng tay”, hoặc: “Độc quyền trong thương hiệu hàng hoá, trong phát minh sáng chế, chiếm lĩnh tài năng, sẽ tạo ra sự cạnh tranh, sáng tạo, nhưng độc quyền yêu nước… sẽ tiêu diệt mọi khát vọng, tự do, dân chủ”. Chưa dừng ở đấy, bằng quá trình trải nghiệm đau đớn, nhất là từ cái chết không toàn thây của cha mình, Vọng nhận xét: “Cải cách ruộng đất là một ví dụ. Khi chúng ta kịp sửa sai thì hàng vạn đảng viên ưu tú, hàng vạn những nhà quản lý nông nghiệp giỏi, đã bị nghi oan là địa chủ cường hào gian ác và bị hành quyết. Thầy tôi là một nạn nhân của tội ác lịch sử đó. Vụ khoán ruộng của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú là một ví dụ khác. Đến khi nhận ra sai lầm, thì nông nghiệp, nông thôn đã kiệt quệ… Rồi ai sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử về sự tụt hậu này?”. Chẳng phải là người cầm bút chuyên nghiệp mà Nguyễn Kỳ Vọng bàn về văn chương cứ như đã từng nghiên cứu lý luận sáng tác ở đâu đó: “Anh là nhà văn, chắc anh phải trăn trở hơn tôi rất nhiều. Bởi văn chương sẽ là vô bổ, nếu không ký thác được điều gì. Nhà văn nếu không phải là người phản biện của xã hội thì anh ta còn có ích gì?”

Thật đáng buồn, những trí thức chân chính, tài năng như Nguyễn Kỳ Vọng nếu được dùng vào việc canh tân đất nước mà không nghi kỵ, dè chừng thì dân tộc này đã mở mặt được với năm châu bốn biển. Những lời cảm khái của Vọng trước nhà văn Châu Hà là minh chứng cho sự thật đau lòng đó: “Ai tin tôi? Ai cho tôi cống hiến? Các vị có cả một hệ thống tổ chức từ cơ sở tới Trung ương để chọn lọc những người được cầm quyền. Từ tổ phó trở lên đã phải qua hệ thống sàng lọc trước khi đề bạt. Dân thường chẳng ai chen vào được. Đất nước của các vị chứ đâu phải của mọi người Việt?”

Trong guồng máy quan chức trung cao cấp dược tác giả đề cập, ngoài những ông lớn đầy quyền uy như Tư Vuông tức nhà thơ Nga Sỹ Lún (sau đổi thành Ngô Sỹ Liên), Chiến Thắng Lợi, còn thấp thoáng bóng giai nhân làm cách mạng rồi sau cũng được chia phần. Một trong những nhân vật nổi bật là Đào Thị Cam. Đào Thị Cam tức Bướm hoặc ni sư Thích Đàm Hiên là một trong những người phụ nữ mở đầu cho “chính sách cán bộ nữ” của đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên đấy chỉ là phần nổi của một vấn đề hết sức tế nhị trong mưu mẹo cai trị của những người ở tầm văn hóa thấp. Nguồn gốc của Đào Thị Cam hết sức phức tạp, thậm chí còn có phần bí hiểm nữa. Cái quá khứ gắn liền với cả Trương Phiên, Lê Thuyết lẫn Nguyễn Kỳ Khôi rất không bình thường ấy luôn là nỗi ám ảnh với người cán bộ Hội Phụ nữ. Cũng như Chiến Thắng Lợi, Đào Thị Cam làm việc trong một tổ chức mà mọi hành vi luôn bị giám sát chặt chẽ nên không dám sống thật với ngay cả chính mình. Thói đạo đức giả cùng với bệnh ham mê quyền lực có lúc tưởng đã giết chết tình cảm cá nhân trong tâm hồn người đàn bà đa tình. Nhưng rồi tình mẫu tử đã thắng. Người mẹ quyết định vứt bỏ sĩ diện cá nhân cũng như tư cách đảng viên để cứu đứa con trai lẽ ra sẽ phải vào chiến trường, phó mặc sinh mệnh cho thần Chiến tranh.

Có thể xem, Đào Thị Cam là bậc tiền bối, đã tạo ra một thông lệ cho những đàn em phái yếu sau này, tuy trình độ học vấn thấp nhưng nhan sắc mặn mà, đem cái “vốn tự có” làm vật tiến thân, được bổ nhiệm vào các cơ quan công quyền, làm danh giá cho gia đình, dòng họ như một cô Tư Hồng thời hiện đại.

Không còn nghi ngờ gì nữa, “Thời của thánh thần” là hiện tượng phản biện xã hội thành công với các sự kiện mà từ mấy chục năm qua người ta vẫn cố tình giấu kín hoặc làm biến dạng nó để dẫn dắt dư luận sang hướng có lợi hơn cho nền chính trị. Tác giả viết về bi kịch lịch sử gia đình họ Nguyễn Kỳ cùng với số phận bi đát của mỗi thành viên, cũng chính là đã khái quát được hình ảnh cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử bi tráng bởi những cuộc chiến đẫm máu do xung đột ý thức hệ. Cải cách ruộng đất là ngọn đòn trời giáng, xóa sổ tầng lớp nông gia ưu tú của nền nông nghiệp Việt Nam thông qua các hình thức đấu tố man rợ thời trung cổ, đưa giai cấp bần cố nông, trong đó phần lớn là vô học, lười biếng, thậm chí lưu manh lên làm lãnh đạo. Kết quả là nạn đói hoành hành, làng xóm tiêu điều sau khi ruộng đất bị tịch thu chia chác, hàng loạt đình chùa đền miếu bị phá hủy, sách được thu gom làm mồi cho thần lửa là nỗi sỉ nhục suốt đời đối với những người còn chút lương tri.

Với giới trí thức, những người cộng sản chưa bao giờ tin tưởng tuy họ đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Theo Tư Vuông, trí thức, nhất là trí thức văn nghệ sỹ, hay nhiễu sự, cần phải được dạy bảo, vì bác Mao từng phán: “trí thức không bằng cục phân”. Biện pháp hiệu quả nhất cho những đối tượng được đào tạo bài bản bằng thứ văn hóa “nô dịch” của “đế quốc sài lang” là phải xiết chặt “chuyên chính vô sản”. Tư Vuông lăng xê Nguyễn Kỳ Vỹ không hẳn chỉ vì quý trọng nhân tài mà ông ta muốn nhào nặn chàng thi sỹ làng Động thành công cụ trong tay mình để dễ dàng thao túng giới văn nghệ sỹ. Chính vì thế, khi Nguyễn Kỳ Vỹ có ý định trượt ra khỏi quỹ đạo vạch sẵn thì ông ta lập tức ra đòn chí mạng đến nỗi ngay cả Chiến Thắng Lợi cũng không cứu nổi. Với tư cách đầu lĩnh của ngành tư tưởng, Tư Vuông từng nói về Vỹ với Chiến Thắng Lợi đại loại như “Phải mài cho hắn tròn như hòn bi”, hay “Thằng em ông nó đã bắt đầu biết sợ rồi đấy”. Rõ ràng, chân lý ở đây thuộc về những người như Tư Vuông, Chiến Thắng Lợi, Văn Quyền, Tiến Tới, cho dù đó là thứ chân lý của những chuyên viên “lưỡi gỗ”. Bài thơ “Tiếng hát nhân dân”, bước đầu được bốc lên tận mây xanh, nhưng cũng chính nó, sau khi tác giả “ngã ngựa” vì dám phê bình “Thủ đô gió ngàn” thì bị quy kết đủ thứ tội trong đó có tội “tay sai Mỹ Diệm”, “phản cách mạng”. Cả một xã hội bị khủng bố tư tưởng. Con người luôn sống trong tình trạng bất an, lúc nào cũng nơm nớp sợ, bất ngờ bị còng tay đưa đi mà không hề biết mình đã mắc tội gì. Lời của giám thị trại tù Bản nói với Nguyễn Kỳ Vỹ lúc anh được phóng thích nghe mà tức cười cho cái nền tư pháp XHCN: “Ôi cái ông văn sĩ này, rõ rách việc. Người ta bảo chúng tôi tha ông thì chúng tôi viết giấy. Chứ chúng tôi cũng chẳng biết gì hơn ông. Mấy chục năm nay hàng nghìn con người vào, ra trại, cũng đều thế cả. Chúng tôi chỉ biết làm việc theo lệnh. Có tội danh hay không có tội danh, đã vào đây đều phải xử theo lệnh. Ai tuyên án ông ngồi tù? Án đâu? Tội danh gì? Tù thời hạn bao nhiêu năm? Đến như giám đốc trại là tôi mà cũng không có nổi những văn bản ấy, thì làm sao có phiên toà để xử ông được?”.

Như phần trên đã nói, ngôn ngữ của “Thời của thánh thần” thuộc dạng cổ điển, không có mấy sáng tạo nhưng quả thật, văn rất đẹp. Nó đẹp ở cách diễn đạt chân phương qua nghệ thuật kể đầy biểu cảm, nghệ thuật tả tâm lý sắc sảo cùng với những đoạn bình luận ngoại đề đầy trách nhiệm công dân, làm cho người đọc hưng phấn, góp phần đáng kể vào việc tiếp nhận giá trị tác phẩm . Cái làm nên sự thành công của cuốn truyện còn là giá trị phản biện lịch sử thông qua số phận của các nhân vật thuộc gia đình dòng họ Nguyên Kỳ. Lịch sử vốn công bằng. Không ai có thể cưỡng bức lịch sử. Sẽ đến một ngày không xa, những sự thật đau buồn trên dải đất hình chữ S này sẽ được phơi bày trước bàn dân thiên hạ.

Chí Linh, 23 /12 /2008

ĐVS

* Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường, NXB Hội NHà văn, 2008

Comments are closed.