Thử bước đầu tìm hiểu quan điểm chính trị của nhà trí thức dân chủ Đỗ Đức Dục

Vũ Thế Khôi

Sáng nay, 14/09/2018, tại đại bản doanh của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hôi Việt Nam ở 01 Liễu Giai, Ba Đình – Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo kỷ niệm 25 ngày mất của cụ Đỗ Đức Dục. Tôi có vinh hạnh được con gái cụ Dục là Hồng Lạng mời viết tham luận. 5 năm trước, nhân 100 năm sinh của cụ Dục, tôi đang ngồi chăm Mẹ ốm liệt giường ở Thủ Đức thì nhận được cú điện thoại của ông Dương Trung Quốc bảo viết bài cho Tọa đàm về Đỗ Đức Dục do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì. “Tôi dám viết đấy, nhưng anh có dám cho đọc không?” – tôi đáp. Và viết về nhà chính trị của Đỗ Đức Dục – lĩnh vực tabu (cấm kị), không ai dám đả động từ khi cụ Dục cùng với các cụ Vũ Đình Hòe và Hoàng Văn Đức bị “đấu tố” (lời cụ Hòe trong hồi ký) năm 1958, bị “thi hành kỷ luật nghiêm khắc” – “bị Chính phủ đuổi về vườn” (lời cụ Hòe). Bài tôi có gửi đến, nhưng ông Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử đọc bài hồi ký về Đỗ Đức Dục của cụ Hòe thân phụ tôi. Phải quá rồi: kính trên, nhường dưới mà. Sau, ông Dương Trung Quốc có đăng bài của tôi trên Tạp chí Xưa&Nay, số 462, th.8/2015. 5 năm trước, tôi chỉ “xới lên”, lần này đề cập trực diện. Nhận được Giấy mời tham dự Hội thảo, biết trước là vấn đề gay cấn, tôi nhắn Ban Tổ chức hội thảo qua email: “Nếu không được đăng đàn đọc, tôi thông cảm”. Sự việc diễn ra đúng như vậy: tham luận có in trong Kỷ yếu “lưu hành nội bộ”, trong danh sách tham luận, nhưng không có trong bản chương trình hội thảo. Xin chia sẻ cùng các bạn thanh khí.

Trước hết xin nhắc lại Lời phi lộ ở đầu bài báo cách nay 5 năm, khi theo yêu cầu của ông Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng tôi gửi tham luận đến Tọa đàm nhân 100 năm sinh dưới tiêu đề “Đỗ Đức Dục – nhà trí thức cách mạng dấn thân”. Lời phi lộ đó như sau: “Tác giả quan niệm trong phạm vi diễn đàn khoa học không có tự do tư tưởng thì không có khoa học thực sự. Đồng thời cũng không bao giờ cho rằng ý kiến của mình là chân lí cuối cùng”.
Sở dĩ phải nhắc lại lời phi lộ đó là vì trong bài tham luận nhắc đến trên đây, gửi đến cuộc Tọa đàm do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, họp ngày 14/08/2015 (cụ Dục sinh ngày 15/08/1915) tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, có đăng (cắt bỏ đoạn cuối) trên trang tạp chí Xưa và Nay, số 462, tháng 8/2015, chúng tôi đặt vấn đề cần thiết sưu tầm và nghiên cứu DI SẢN TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ của nhà trí thức lớn Đỗ Đức Dục. Cũng xin nói luôn: sau khi đảng Dân chủ chấm dứt hoạt động năm 1988, nhiều tư liệu bị thất tán, có những văn bản kiến nghị quan trọng mà có giấy giới thiệu của Bí thư Đảng đoàn Viện KHXH cũng không tiếp cận được, nên khi cần chúng tôi buộc phải trich dẫn các bản thảo và đánh máy, xin coi như một sự mách bảo “nó từng có” để những người quan tâm tiếp tục truy tìm.

Người thanh nên trí thức 23 tuổi, vừa mới bước vào đời sau khi tốt nghiệp loại ưu Luật khoa Đại học Đông Dương, đã tự xác định chí hướng cho mình: làm chính trị. Vũ Đình Hòe trong bài hồi ký về người đồng chí luôn đồng hành với mình, cả trong thành công lẫn thất bại, viết: “Cầm cái bằng cử nhân luật loại ưu, đáp lại lời chất vấn của ông chú (Giám đốc Nhà thương Cống Vọng, tức bệnh viện Bạch Mai ngày nay, đã xắp đặt cho cháu một chỗ thơm tho), “Cháu định làm gì? Dục đáp không úp mở: Làm chính trị! Dẫu tôi dám chắc ngay lúc ấy trang thanh niên 23 tuổi cũng chưa rõ mình sẽ làm chính trị như thế nào. Nhưng tôi cũng biết chắc rằng một khi vào cuộc là Đỗ Đức Dục sẽ làm quyết liệt, không làm nửa vời, nhảy ra múa may trên vũ đài chính trị như mấy kẻ cơ hội, gặp trắc trở thì lủi, “trùm chăn” chờ thời…”.
Và quả thực như vậy, hoạt động chính trị, cả ở chính trường, cả trên trang báo chí, mới là lý tưởng, lẽ sống của Đỗ Đức Dục, như ông từng ao ước”. Dẫu chỉ 15 năm trong cuộc đời hoạt động hơn nửa thế kỷ của ông, vậy mà cuối đời, từ lâu đã quá cái tuổi tri thiên mệnh, trải bao trầm luân ví cái mộng “làm chính trị”, ông vẫn khẳng định: “Tôi vẫn tự xem như mang dòng máu làm báo trong mình”.
Hoạt động mà ông tâm huyết, Đỗ Đức Dục đã tiến hành tích cực từ năm 1942, khi trở thành Thư ký tòa soạn và cây bút chủ chốt của tạp chí Thanh Nghị, và tiếp theo, thực thi rất hiệu quả trong những năm Cách mạng tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp, trên các cương vị quan trọng: đại biểu Quốc hội khóa I và thành viên kiêm thuyết trình viên Hiến pháp 1946, Thứ trưởng bộ Giáo dục rồi bộ Văn hóa, Phó tổng thư ký đảng Dân chủ Việt Nam và Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh, chủ bút rồi chủ nhiệm báo Độc Lập, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và Hiệu trưởng trường báo chí Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng rồi vào thời kỳ bão táp sửa sai Cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức 1957 – 1858, ông cùng những người đồng chí hướng và hành động trong Trung ương đảng Dân chủ là Vũ Đình Hòe và Hoàng Văn Đức đã bị buộc những tội “tư tưởng hữu khuynh”, “cơ hội chủ nghĩa”, “phản động, chống Cộng”, “đòi liên minh lãnh đạo [với đảng Lao Động]”, bị đưa ra “kiểm thảo” (“đấu tố kết liễu” – lời Vũ Đình Hòe trong hồi ký, vì ô. Đức bị ốm kiết lị, người ta lệnh khiêng cả giường ra đặt giữa sân khấu cho đảng viên Dân chủ dưới quyền nhảy lên sân khấu xỉa xói tận mặt!) và xử lí nội bộ bằng những “kỷ luật nghiêm khắc”, bị cách hết chức vụ và “bị Chính phủ đuổi về vườn” (lời cụ Hòe tự nhạo. Thực ra là cho về làm công tác chuyên môn – VTK) – một vụ án chính trị tày đình mà đến một đại tá CA ở cái phòng A25 “gì cũng biết” cũng không được biết tí gì, nhiều năm sau khi cụ Hòe đã ra đi, đến tận tư gia trực tiếp hỏi chúng tôi sự thể ra sao! Hơn ba chục năm sau, sau “Đại hội Đổi Mới”, được rõ sự thể, tôi mạo muội thưa với tác giả hồi ký rằng, trong bối cảnh chính trị sát khí đằng đằng thời ấy, khi bất chấp “Luật Cải cách ruộng đất” ghi rành rành không đấu tố địa chủ Kháng chiến, người ta đem bắn cả người có công góp vàng góp gạo nuôi Cách mạng và Kháng chiến, thì ”bộ ba “chống Cộng, chống Đảng” Hòe-Dục-Đức “được” xử lý kỷ luật như thế còn là nhẹ: vẫn được làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tuy bị hạ 3-4 bậc lương và suốt đời không được tăng, nhưng còn có lương và sổ gạo trong thời kỳ cấm ngặt mọi cách kiếm sống tư! Cụ Hòe giải thích: chúng tôi là “đảng anh em”, người ta còn phải “chiếu cố Miền Nam và tranh thủ dư luận thế giới”, chứ với “đồng chí” Nguyễn Hữu Đang, người dựng lễ đài Độc Lập, liên quan Nhân Văn – Giai Phẩm thì ít, nhưng giao du với Dân chủ nhiều, lại còn khuyên họ sáp nhập với đảng Xã hội thành một đảng Mac-xit mạnh để “đối trọng” với đảng Lao Động mới hòng tránh được lặp lại những sai lầm động trời tả khuynh như trong Cải cách ruộng đất, nên ông còn bị họ vu cho làm gián điệp của nước ngoài – để có thể kết cho cái án 15 năm tù cấm cố, cộng 5 năm quản thúc sau khi ra tù, tức “chôn sống” luôn!

Vậy thực chất tư tưởng chính trị của “nhà trí thức cách mạng dấn thân” là như thế nào? Bởi theo nhận thức của chúng tôi, thiếu giác độ này không thể hiểu sâu sắc nhà nghiên cứu văn hóa – văn học Đỗ Đức Dục.
Xin bắt đầu từ ngọn nguồn, tức từ năm 1942, khi ông Đỗ Đức Dục bắt đầu làm báo Thanh Nghị cùng Vũ Đình Hòe.
Làm báo tức là hoạt động chính trị rồi, và sự nghiệp này của ông Đỗ Đức Dực thực ra đã bắt đầu từ khi tham gia viết bài đầu tiên trên báo Thanh Nghị số Xuân Nhâm Ngọ tháng 3/1942, nhan đề “Án Tết”, kể chuyện những vụ án do ăn Tết quá vui vẻ mà phạm phải điều này mục nọ trong Luật hình sự Bắc Kỳ. Ngay số tiếp theo, tháng 3/1942, ông có bài về một vấn đề thời nào cũng gay cấn: “Vài vụ án nhà đất lân cận”. Lại về vụ án… Thì 23 tuổi ông đã là Cử nhân Luật khoa Đại học Đông Dương mà! Cũng từ năm 1942 Đỗ Đức Dục trở thành người Thư ký tòa soạn không thể thay thế của tờ tạp chí “áo vải bàn suông” (nghĩa từ nguyên điển tích “bố y thanh nghị”) mà hóa ra nghị luận chẳng suông chút nào vì chính trên trang báo này, với tài chèo chống của chủ nhiệm Vũ Đình Hòe và chủ bút Đỗ Đức Dục, luồn lách giữa hai tròng kiểm duyệt gắt gao thời chiến của Pháp-Nhật, đã công khai bàn luận nghiêm túc, có lý luận khoa học cơ bản và những căn cứ thực tế Việt Nam, hầu hết các vấn đề về tương lai chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục của nước nhà trong một viễn cảnh không còn xa nữa, sau cuộc Thế chiến II đang đến hồi kết cuộc. Có nhà sưu tầm và khảo cứu trẻ đã gọi nhà báo Đỗ Đức Dục là “con dao pha của Thanh Nghị”. Quả vậy, trừ tám số đầu tiên ra năm 1941 và đầu năm 1942, khi ông còn dạy học tư ở Huế và Vinh, và tám số cuối cùng, khi ông đã tham gia đảng Dân chủ trong Việt Minh và bắt đầu hoạt động thoát ly, trên hầu hết 104 số còn lại của Thanh Nghị đều có bài của ông chủ bút dưới các bút danh Đỗ Đức Dục, Trọng Đức, Tảo Hoài, Như Hà, Đ.Đ.D., về nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, thời sự quốc tế (chiến sự ở mặt trận Đức – Nga bên trời Âu và Nhật – Mỹ ở mặt trận châu Á – Thái Bình Dương), kinh tế, văn hóa, văn học, giáo dục. Từ góc độ vấn đề bàn tới trong tham luận này, rất đáng chú ý những bài nghị luận: “Hoài nghi hay bất lực” (số 37, tháng 5/1943), “Chia rẽ” (số 50, tháng 12/1943), “Trước thời cuộc” (số 56, tháng 3/1944), “Lạc quan” (số 66, tháng 5/1944), “Tin tưởng” (số 74, tháng 7/1944), “Phải tự trách mình” (số 81, tháng 9/1944), “Phê bình” (số 96, tháng 12/1944), “Sau cuộc chiến tranh” (số 99, tháng 01/1945)…
Chủ nhiệm Vũ Đình Hòe gọi đây là “những bài xã luận nảy lửa”. Quả vậy, nhiều câu ngày nay đọc lên tưởng như vẫn nghe hơi thở nóng hổi của thời cuộc xoay vần và giọng kêu gọi đầy nhiệt huyết của “nhà hùng biện đầy chất thơ” (lời GS Đặng Thai Mai):
– …Thanh niên Việt Nam há được hoài nghi để lãng quên bao nghĩa vụ đối với giang san?… Không được hoài nghi! Hoài nghi trong lúc này là đào ngũ! Hoài nghi ở trường hợp này là bất lực.”
– Phải gây lấy một dư luận chân chính trong dân chúng. Bởi vì hiện nay dư luận dân chúng Việt Nam bị lạc lõng, dật dờ một cách đáng thương. Một nguy cơ cho sự sống còn của giống nòi…
– Xưa kia kẻ sĩ đem đạo đức thánh hiền ra dìu dắt quốc dân, và cách sống của nhà nho đã là tấm gương sáng cho quần chúng. Ngày nay kẻ sĩ, trí thức không còn làm được vai trò đó. Vì nhiều lẽ. Nhưng trước hết, trí thức phải thấy lỗi tại mình. Để thấy thái độ thờ ơ của quần chúng là do chính mình tiêu cực, ươn hèn.
– Một lũ tù nhân trong ngục còn phân chia giai cấp nỗi gì? […] Ta cần phải đoàn kết làm một khối duy nhất, dự bị sẵn sàng để đón chờ cuộc cải cách sắp tới nay mai.
– Tự giúp mình, thời cơ sẽ là tay hậu thuẫn đắc lực.
– Cái tương lai tốt đẹp rồi phải đến nếu chịu cố gắng, cái mục đích lí tưởng rồi phải đạt được nếu chịu đau khổ trong một thời kì.
– Thiết tưởng ngày nay lòng yêu nước, việc phụng sự quốc gia, đó là cái lí tưởng thích hợp nào bằng cho dân chúng Việt Nam ngày nay. Ta hãy dừng gót lại đó, đừng vội đi quá xa, đường thì dài mà chân còn yếu ớt.

Xin nhấn mạnh rằng: ngay khi bước vào chính trường, Đỗ Đức Dục đã phân biệt rõ ràng “nhà chính khách” và “nhà chính trị”. Ông dẫn truyền thống phương Đông xưa đã phân biệt “anh hùng” với “gian hùng” và mượn lời danh văn Louis Barthou: “Nhà chính khách và nhà chính trị khác nhau cũng như chính trị (politique) khác với âm mưu (intrigue)… Nhà chính khách sống nhờ chính trị mà họ lợi dụng như một nghề […] Nhà chính trị có thể lầm: nhà chính khách đánh lừa. Người kia có những ý định, một kế hoạch, một “nhỡn quang” (nguyên chính tả xưa, nay là: nhãn quan) xa rộng: kẻ này chỉ có những cùng sách. Một đằng làm chính trị: đằng kia nghiền ngẫm âm mưu” (Thanh Nghị, No 36, tháng 5/1943).
Vậy cái “nhãn quan xa xôi”, nay ta gọi là quan điểm chính trị, của Đỗ Đức Dục khi “làm chính trị” bằng phương tiện báo chí là gì?
Đọc kĩ có thể nhận ra: các bài nghị luận của Đỗ Đức Dục chẳng những bộc lộ rõ ràng, dứt khoát thái độ tranh đấu tích cực của “nhà trí thức cách mạng dấn thân” trước vận hội đang tới của sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ mà còn thể hiện (khéo léo trong điều kiện bị kiểm duyệt gắt gao!) tư tưởng cách mạng dân tộc – dân chủ, đoàn kết mọi giai cấp nhằm một mục tiêu trước nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, và trong “cuộc cải cách sắp tới nay mai” này người trí thức sẽ đóng vai trò dẫn đạo quần chúng nếu dám dấn thân như những kẻ sĩ xưa kia.

Tuy nhiên, cũng như các nhà cách mạng chân chính, Đỗ Đức Dục coi hoạt động báo chí mới chỉ là bước đầu trong công cuộc vận động cách mạng. Ông khao khát được dấn thân thực sự vào sự nghiệp này, nhìn thấy trước gian khổ và hy sinh, nhưng sẵn sàng chấp nhận. Trong bài nghị luận “Hoài nghi hay bất lực” đã dẫn trên, Đỗ Đức Dục kêu gọi thanh niên trí thức, cũng là nguyện với chính mình: “Ở thời bình tài trí cũng đủ, nhưng lúc biến, tài trí đã đành, cần hơn nữa là khí phách. Và còn phải, lúc lâm sự, biết hy sinh…”. Vũ Đình Hòe cho biết: “… Dục vẫn khao khát “làm chính trị” thực sự. Anh thường xuyên liên hệ với nhóm sinh viên Dương Đức Hiền và qua họ bắt đầu tiếp xúc với Nguyễn Dương Hồng, Vũ Công Thuyết, là những cán bộ Việt Minh hoạt động công khai trong Tổng hội sinh viên. Chính anh Dục cho tôi biết “nhóm sinh viên Dương Đức Hiền” muốn cùng “nhóm Thanh Nghị” thành lập một chính đảng của trí thức”. Đỗ Đức Dục không ngồi thụ động chờ thời cơ. Với bản tính sôi nổi, năng động, tích cực can thiệp vào cuộc sống, ông hối thúc các đồng chí của mình kéo thời cơ đến, chớp lấy nó. Vẫn Vũ Đình Hòe cho biết tiếp: “Khoảng tháng 3 – 1944, đã diễn ra cuộc họp bí mật giữa hai nhóm đó (Tổng hội sinh viên và Thanh Nghị – VTK) ở Thái Nguyên, trên căn nhà gỗ ọp ẹp trong ấp Sơn Cẩm của kỹ sư canh nông Nghiêm Xuân Yêm đã mấy năm thực tập làm nông dân. Đại diện Việt Minh Vũ Công Thuyết đề nghị hợp nhất hai nhóm sinh viên Dương Đức Hiền và nhóm Thanh Nghị để thành lập đảng Dân chủ. Vũ Văn Hiền vừa mới bày tỏ băn khoăn: “Có cần lập đảng thì mới hoạt động có ích được không? Nếu cần thì đã đến lúc hay chưa?” – thì Đỗ Đức Dục đã sốt ruột cướp lời: “Tôi thì tôi ký cả hai tay. Cứ ngập ngừng mãi như anh Hiền thì lỡ mất thời cơ”.
Bước sang năm 1945, tình hình quốc tế và trong nước biến chuyển mau lẹ. Nhà báo làm chính trị Đỗ Đức Dục đi trước đón đầu cơ hội giải thoát đổi đời của dân tộc.
Thanh Nghị, số 99 Tháng Giêng 1945, ông có hai bài liền:
– “Sau cuộc chiến tranh”, bị kiểm duyệt cắt bỏ lỗ chỗ, nhưng vẫn còn đọc được cái kết luận thôi thúc: “Với cái lý tưởng đó [chắc đã nói rõ ở bốn dòng bị kiểm duyệt bỏ trống, nhưng bạn đọc vẫn có thể đoán ra – VTK] truyền lan khắp trong dân chúng, và được nâng đỡ, được thực hiện bằng những đức tính cố gắng, hoạt động do tình thế gây nên và gìn giữ được bền vững, chúng ta còn lẽ gì để không tin tưởng vào một tương lai xán lạn ở sau cuộc chiến tranh”.
– “Một bài học của lịch sử: liên minh”, ngụy trang dưới mục thường trực “Trích thuật sách báo chí” (theo tuần báo Indochine 28 – 12 – 1944) và lịch sử Cách mạng Pháp “trong cái năm dữ dội từ 14 juillet 1789 đến 14 juillet 1790” để kêu gọi đoàn kết cứu nước: “… chỉ nhờ phép mầu nhiệm của tín hiệu Liên minh, bao nhiêu lực lượng quốc gia đều trỗi dậy để kết thành một mối vững vàng, bao nhiêu người Pháp đều khoác tay nhau quây quần chung quanh bàn thờ tổ quốc…”.
Số tiếp theo là Đặc san Thanh Nghị, kết hợp 5 số liền 100, 101, 102, 103, 104, dày gấp 5 số thường kỳ, đến 120 trang, với cái tiêu đề đầy ý nghĩa: VÀI VẤN ĐỀ ĐÔNG DƯƠNG
Một số đặc san độc nhất vô nhị mà chưa một tờ báo nào dám làm từ trước đến lúc đó, với cả loạt bài luận bàn về phương hướng kiến thiết nước nhà trong tương lai độc lập sắp tới một cách toàn diện nhất: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.
Đặc biệt ngay từ Lời nói đầu, lần đầu tiên ký tên chung THANH NGHỊ:
“Cũng như mọi dân tộc trên toàn cầu, dân tộc sống trên mảnh đất này tin rằng mỗi cuộc chiến tranh là một dấu chấm hết của một giai đoạn cũ kĩ trong lịch sử mà lại là một chương mở đầu cho một kỷ nguyên mới: . . . . . . . (kiểm duyệt bỏ) trong thời kỳ trong đó bao nhiêu những vấn đề căn bản rồi sẽ được giải quyết. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . (kiểm duyệt bỏ)
“Nhưng bây giờ điều cốt yếu là đánh dấu lấy sự nhu cầu và nguyện vọng của đa số quốc dân: góp nhặt vài sự kiện xác thực, cùng những tư tưởng đã lan rộng trong xã hội và đã hầu thành những “tư tưởng sức mạnh” (idées-force) ở xứ này; mục đích là để nêu ra vài vấn đề mà tương lai cần phải giải quyết”.
Đặc biệt cả trong mục lục: lần đầu tiên Thanh Nghị công khai “bén mảng vùng cấm” – chính tri.
MỤC LỤC
I. VÀI VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ
Vũ Văn Hiền – Những yếu tố có ảnh hưởng đến địa vị và tương lai nước ta
Phan Anh – Vấn đề đại diện chính trị
Tân Phong – Việc cai trị ở nông thôn

II. VÀI VẤN ĐỀ KINH TẾ VÀ TÀI CHÍNH
Tảo Hoài – Việc chấn hưng nông nghiệp ở xứ ta
Nghiêm Xuân Yêm – Vấn đề nước với mùa màng của nông dân ta
Thảo Am – Nông dân mới trong nghề nông xứ nhà
Phan Mỹ – Những căn bản của công cuộc công nghệ hóa xứ này
Đỗ Đức Dục – Địa vị của tiểu công nghệ trong nền kinh tế tương lai
Nguyễn Thiệu Lâu – Vấn đề giao thông ở xứ ta

III. VÀI VẤN ĐỀ XÃ HỘI
D.Đ.H. – Mối lien quan giữa thanh niên trí thức và dân quê
Trọng Đức – Vấn đề tổ chức những thì giờ rảnh việc của bình dân ở xứ ta
Hoàng Đạo Thúy – Sắp đặt tuổi trẻ
Ngô Bích San – Phong trào hướng đạo và thanh niên xứ ta
Vũ Văn Cẩn – Bệnh sốt rét với vấn đề khai hóa ở nước ta
Nguyễn Đình Hào – Vấn đề ăn uống của người Việt Nam
IV. VÀI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
Vũ Đình Hòe – Việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam
Nguyễn Văn Tố – Nền học bình dân
Bà Phan Anh – Khả năng của phụ nữ

V. VÀI VẤN ĐỀ VĂN HÓA
Đặng Thai Mai – Địa vị văn hóa Trung Quốc trong học thuật nước ta sau này
Đinh Gia Trinh – Địa vị văn hóa Âu Tây trong văn hóa Việt Nam
Lê Huy Vân – Nghĩ về văn học Việt Nam hiện đại
Tô Ngọc Vân – Mỹ thuật Việt Nam hiện đại và tương lai hội họa

Hẳn sẽ vô cùng lí thú nếu được so sánh các quan điểm và giải pháp kiến thiết nước Việt Nam mới do Thanh Nghị đề xuất với các chủ trương và biện pháp đã được thực thi của Mặt trận Việt Minh và tiếp theo là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – một minh họa hay hay cho chương hồi ký Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh: Thanh Nghị – Việt Minh “tương tri nhường ấy”, góp thêm một bằng chứng bác bỏ cái định kiến màu sắc “kiêu ngạo cộng sản” (Lênin) của một số đồng chí Cộng sản viết rằng đảng Dân chủ chỉ là “công cụ”, “cái đuôi”, “vật trang trí” do Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương tạo ra! Nhưng e sẽ lạc đề, xin dành dịp khác.

Trong số Thanh Nghị dự cảm cuộc giải phóng nay mai, Đỗ Đức Dục tham gia ba bài: về địa vị tiểu công nghiệp, về chấn hưng nông nghiệp (bút danh Tảo Hoài) và về tổ chức thì giờ rảnh của bình dân (bút danh Trọng Đức). Ngay số sau, ông có bài “xây dựng ngày mai”, bị kiểm duyệt cắt bỏ cả bài cùng bài “Đoàn kết” của Vũ Đình Hòe. Trong tám số tiếp theo, ông đều có bài, nhiều số hai bài, hầu hết trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, kể cả một số vấn đề còn nóng hôi hổi: “Hội nghị Yalta”, “Vấn đề thuộc địa sau chiến tranh”, “Địa vị hiện thời của nước Pháp trên trường quốc tế”, “Địa vị các nước nhỏ Đông Nam Á”… dường như nhà chính trị làm báo chạy đua với thời gian. Ông có những tiên đoán chính xác như sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa do tác động của một thế lực mới lớn mạnh là Nga Xô, hoặc các nước nhỏ Đông Nam Á sẽ tất yếu liên kết với nhau thành một khối vì lợi ích chung và của từng nước.
Từ đầu tháng 7/1945 cái tên Đỗ Đức Dục cùng các bút danh đã nổi tiếng, biến mất khỏi trang tạp chí Thanh Nghị: theo hồi ký của Vũ Đình Hòe, cả hai ông, tại cánh đồng làng Tây Mỗ ngoại thành Hà Nội, cùng được kết nạp vào đảng Dân chủ Việt Nam trong Mặt Trận Việt Minh. Vũ Đình Hòe cho biết khi bị hiến binh Nhật “vồ hụt” ở tòa sạo báo Thanh Nghị, ông đi tìm Đỗ Đức Dục để bàn giao công việc ra báo thì được biêt ông Dục cũng bị lùng bắt, đã phải hoạt động thoát li, đi xây dựng các cơ sở Dân chủ ở nội ngoại thành Hà Nội. Cuối tháng 7/1945 cả hai ông được bổ sung vào Trung ương Dân chủ và được cử lên Chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Vì vỡ đê và lụt to cản đường, hai ông lên muộn, Đại hội kết thúc sớm hơn dự kiến đề các đại biểu tỏa về các địa phương thực hiện lệnh Tổng Khởi nghĩa.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Vũ Đình Hòe và Đỗ Đức Dục được bổ sung vào Chính phủ Lâm thời đầu tiên với cương vị Bộ trưởng và Thứ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục, nhưng hoạt động chính của ông Dục là báo Độc Lập. Số là tại cuộc họp Trung ương Lâm thời cuối tháng 8/1945, ông Hoàng Minh Chính và ông, được bầu làm Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của đảng Dân chủ, và ông Dục được cử đảm nhiệm chủ bút báo Độc Lập bên cạnh chủ nhiệm Nguyễn Thành Lê. Tại tờ báo là cơ quan trung ương của đảng Dân chủ ngọn bút sắc bén của Đỗ Đức Dục được dịp thả sức tả xung hữu đột, đập lại mọi thế lực phản động, bảo vệ các chủ trương và hoạt động đối nội, đối ngoại của chính phủ Cộng hòa Dân chủ. Riêng một năm 1946, mình ông viết trên các số báo Độc Lập đến 42 bài, từ những bài lớn đăng tải 3-4 số liền như “Giải thích Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp”, đến những biện luận ngắn gọn mà thuyết phục như về “Quốc kỳ và Quốc ca”, bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng và bài Tiến quân ca từng nhuốm máu đào bao chiến sĩ Việt Minh… Với tính cách quyết liệt và tài hùng biện của Đỗ Đức Dục, báo Độc Lập trở thành vũ khí lợi hại của Việt Minh chống lại bọn Việt Quốc, Việt Cách, khiến chúng tức tối, đã có lần, đem tốp lính Tàu Tưởng đến phá tòa soạn, vây bắt cộng tác viên, may mà chủ nhiệm Lê và chủ bút Dục leo qua tường sau trốn thoát!
Tuy nhiên hoạt động thể hiện rõ nhất tư tưởng của nhà chính trị Đỗ Đức Dục là việc tham gia soạn thảo và thuyết trình Hiến pháp 1946.
Trong một bài viết nhiều năm sau “Nhớ lại Hiến pháp 1946”, trích đoạn từ hồi ký Đổi đời, Đỗ Đức Dục nhận xét: “Nói chung, những người có kiến thức pháp lý thời đó đều thấm nhuần cái học thuyết phân quyền hay tam quyền phân lập của Montesquieu, xuất hiện từ thời Cách mạng tư sản Pháp 1789. Cho nên chế độ dân chủ nhân dân, lúc đó thường gọi là “dân chủ mới” với nguyên lý tập quyền hay tập trung dân chủ, còn là cái gì rất mới, họ không khỏi bỡ ngỡ vì, trong thực tế, nền dân chủ nhân dân cũng chưa được thể hiện ở một nhà nước cụ thể nào trên thế giới lúc bấy giờ”. “Thấm nhuần cái học thuyết tam quyền phân lập…” là ông viết về cả cử nhân loại ưu của Luật khoa Đại học Đông Dương Đỗ Đức Dục, nhưng “bỡ ngỡ” với dân chủ mới là ông nhận xét về lớp người Tây học trong Quốc hội nói chung và một số thành viên trong Tiểu ban Hiến pháp, nói riêng, chứ không phải về bản thân ông với các đồng chí của ông. Trên trang Đặc san “Vài vấn đề Đông Dương” Đỗ Đức Dục từ khi bắt đầu làm báo Thanh Nghị được phân công viết về các mảng thời cuộc quốc tế, kinh tế và văn hóa, không đả động lĩnh vực chính trị là vì đã có hai tiến sĩ luật Vũ Văn Hiền và Phan Anh đặc trách. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những lập luận “hùng biện và đầy chất thơ” trong Bản thuyết ttrình về Hiến pháp 1946 của Đỗ Đức Dục trước Quốc hội có 70 đại biểu Việt Quốc và Việt Cách, kiên quyết bảo vệ nguyên tắc tập quyền với Quốc hội một viện, phản đối phân quyền, dân chủ đại nghị với hai viện, nhất quán ủng hộ nguyên tắc tập trung dân chủ của chế độ “dân chủ mới”, là quan điểm tư tưởng của nhà chính trị Dân chủ dấn thân, hoàn toàn nhất trí với quan điểm trình bày trong Đặc san Vài vấn đề Đông Dương và trong 3 bài quan trọng của Vũ Đình Hòe bàn về các điều kiện thực hiện mà chủ bút Đỗ Đức Dục đều đã thông qua. Luật gia Đỗ Đức Dục, đã kinh qua thực tiễn đấu tranh cách mạng mới đầu bằng vũ khí báo chí và tiếp theo bằng trực tiếp tham gia phong trào Việt Minh, đã thuyết phục được Quốc hội I do phổ thông đầu phiếu bầu ra theo thể thức dân chủ thực sự, chưa từng có và không còn bao giờ có về sau, một Quốc hội đa đảng phái, đa chính kiến, – thuyết phục hung hồn bằng thực tế của đất nước, bằng nhu cầu thực tiễn cách mạng còn phải tiếp tục hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi hỏi thể chế tập quyền, trên nguyên tắc dân chủ, với điều kiện đoàn kết, hợp tác chặt chẽ của hết thảy mọi tầng lớp nhân dân: “sự đoàn kết đó, sự hợp tác đó phải được biểu lộ trong hết thảy mọi cơ quan, mọi tổ chức trong guồng máy chính trị của nước nhà” (chúng tôi nhấn – VTK).
Trong ba năm đầu (1945 -1948) Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và đảng Cộng sản (đã tuyên bố “tự giải thể”, rút vào bí mật) đã thực hiện được sự đoàn kết thực sự và hợp tác chặt chẽ đó nên chính quyền Cộng hòa Dân chủ hoạt động rất hiệu quả trong công cuộc chống cả 3 kẻ thù: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Uy tín của đảng Dân chủ trong công cuộc thiết lâp, xây dựng và bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất cao mà bằng chứng hùng hồn là cuộc Tổng tuyển cử “có một không hai trong lịch sử cách mạng dân chủ”, với “quyền ứng cử hoàn toàn tự do. Ai tự xét có khả năng trở thành đại biểu Quốc hội thì cứ việc nộp đơn, không bị hạn chế bởi một điều kiện nào. Chỉ cần đã là người trưởng thành (21 tuổi) và biết đọc biết viết”. Khu vực Hà Nội có đến 74 người ứng cử, bầu ra được 6 đại biểu thì đảng Dân chủ đã chiếm 3, với Đỗ Đức Dục trúng cử ở khu vực Hà Đông nữa là 4, đều là các ủy viên Trung ương và là những trợ thủ đắc lực của của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời trong các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Vì vậy nửa thế kỷ sau nhìn lại, Vũ Đình Hòe gọi ba năm hợp tác đó là “Cuộc lương duyên Dân chủ và Cộng sản – Ba năm nồng thắm “tuần trăng mật” (1945 – 1948)”.

Chính là xuất phát từ nguyên tắc dân chủ là hợp tác thực sự mọi đảng phái, chính kiến khác nhau vì mục tiêu chung, đồng thời đảm bảo cho nguyên tắc tập quyền, chế độ dân chủ mới không dẫn đến độc quyền, đến sự áp đặt của một phe phái nào, nhà chính trị Đỗ Đức Dục, ở cương vị Phó tổng thư ký đảng Dân chủ và Phó thư ký Tổng bộ Việt Minh đặc biệt quan tâm việc xây dựng lập trường tư tưởng hay như chữ ông dùng thời ấy – “cá tính” của đảng Dân chủ. Ông luôn trăn trở với vấn đề: “Cá tính” của Đảng Dân chủ là gì nếu nó muốn tồn tại độc lập như một chính đảng? Chủ nghĩa của Đảng Dân chủ là gì? Có phải chủ nghĩa “Tam dân” của Tôn Trung Sơn không? Hay là chủ nghĩa “Tân dân chủ” (không phải kiểu Mao! – VTK)? Theo Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục đã nhiều lần thuyết trình về vấn đề này trong các hội nghị cán bộ Đảng Dân chủ. Tiếc rằng với việc giải thể Đảng Dân chủ năm 1988, tài liệu này đã thất tán! May thay, một tài liệu qua trọng khác vẫn còn, nhưng chưa mấy được quan tâm từ góc độ đề cập ở đây – đó là đề án “Quan hệ giữa chính trị và chuyên môn” .
Vũ Đình Hòe cho biết đề án nổi tiếng của Đỗ Đức Dục được Trung ương Dân chủ đặt hàng ngay sau khi nhận được điện mừng của Hồ Chủ tịch nhân ngày kỷ niệm ba năm thành lập Đảng – 30/06/1947. Trong bức điện đó Người có xác định vai trò, nhiệm vụ của đảng Dân chủ, như sau: “Trong thế giới dân chủ, trong Việt Nam Dân chủ, Đảng Dân chủ có một nhiệm vụ rất quan trọng làm cho dân chủ thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy các đồng chí trong Đảng phải có tinh thần đoàn kết với các đảng phái ái quốc và dân chủ khác, với những ngưới ái quốc và dân chủ khác, phải lấy công tác thực tế về việc cứu quốc và kiến quốc mà thi đua nhau” (chúng tôi nhấn – VTK). Ông nguyên ủy viên Thường vụ TƯ Dân chủ “đọc được” trong những dòng đó “một quan điểm dân chủ cao … – quan diểm bình đẳng, đoàn kết hữu ái giữa mọi tổ chức, mọi người yêu nước, yêu dân chủ để thực hiện lý tưởng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” (chúng tôi nhấn) . Bởi vậy ông cho rằng đề án của người đồng chí trong đảng mình viết ra không phải chỉ giải quyết một vấn đề hạn hẹp là mối quan hệ giữa “hồng” và “chuyên” , mà “xác định quan điểm: khoa học, kỹ thuật, văn nghệ, văn hóa phục vụ dân sinh, phục vụ kháng chiến, chống tư tưởng chuyên môn tách rời chính trị, cũng như chống tư tưởng chính trị thống soái, khinh miệt chuyên môn. Thực chất đó là nội dung của vấn đề: Vị trí, vai trò của người trí thức, vị trí vai trò của Đảng Dân chủ, của mọi đảng phái dân chủ trong phong trào của cách mạng thế giới hiện đại” (Vũ Đình Hòe nhấn).
Nhiều năm sau nhớ lại, chính Đỗ Đức Dục cũng khẳng định: “Cách mạng không phải như đảo chính chỉ là một sự thay bậc đổi ngôi mà bao giờ cũng là một bước nâng cao hay đổi mới về mặt văn hóa… Vì vậy bao giờ cách mạng cũng hàm chứa một hàm lượng trí tuệ nhất định và trong bất kỳ cuộc cách mạng nào không thể không có vai trò tham gia của trí thức”. Từ lập trường đó chính trị gia Dân chủ đảng xác định: “Có hoạt động của chuyên môn mới thực hiện được chủ trương của chính trị. Nói đến chính trị là nói đến thực hiện một chế độ, một chủ nghĩa. Mà thực hiện một chủ nghĩa hay một chế độ tức là mưu đồ tổ chức xã hội, tổ chức đời sống của người thì phải cần đến chuyên môn. Các ngành chuyên môn chính là để thực hiện hay cụ thể hóa cái chương trình, kế hoạch tổ chức kia vậy cho nên chính trị mà không có chuyên môn cũng như hồn không có xác. Chính trị không có chuyên môn chỉ là chính trị suông” (chúng tôi nhấn – VTK). Hơn thế nữa, Đỗ Đức Dục yêu cầu: “Chính trị phải xây dựng trên căn bản khoa học, căn bản thực tế mới vững vàng” (đến đây tôi chợt nhớ đến yêu cầu của ông Trường Chinh phát biểu trong Đại hội Đổi mới: Trở lại với quy luật khách quan! – nhưng xin thưa: không có các nhà chuyên môn thì làm sao biết được các “quy luật khách quan” để mà “trở lại”?).
Đồng thời, chuyên gia với bằng luật học loại ưu cũng khẳng định dứt khoát: “Nhưng nếu chuyên môn cần thiết cho chính trị thì ngược lại, chính trị cần thiết cho chuyên môn nhiều lắm. Mà trước hết chính trị nắm quyền chỉ đạo cho chuyên môn. Chính trị là kim chỉ nam cho chuyên môn, vạch đường lối cho chuyên môn…”. Hơn thế nữa, nhà chuyên môn luật học Đỗ Đức Dục yêu cầu: “bản thân các nhà chuyên môn cũng phải có ý thức chính trị, ý thức dân chủ mới thực hiện được chương trình hoặc mới tạo được chương trình thích đáng”, tức ông đòi hỏi các nhà chuyên môn chẳng những nắm vững các định hướng chính trị đương thời mà còn phải đi sát thực tế đời sống, tích cực tham gia vào đời sống để điều chỉnh nghiên cứu của mình. Chẳng hạn, ông nêu ví dụ: “một bộ pháp luật dân chủ đẹp đẽ của các nhà luật học chỉ là những dòng chữ trên trên trang giấy trắng, nếu không có một cuộc vận động nhân dân, không có những cải cách chính trị đi cùng”. Tác giả còn vạch ra một khiếm khuyết vẫn còn rất thời sự: do thiếu ý thức chính trị của những nhà chuyên môn làm công tác quản lý “các ngành chuyên môn nhà nước”, nên không biêt tổ chức bộ máy chuyên môn. Ông phê phán tệ quan liêu, hống hách mệnh lệnh của thực dân Pháp, là để nói ta cũng “còn sót lại những nếp tổ chức cũ, những tập quán làm việc của thời thực dân”, đòi hỏi “dân chủ hóa cách tổ chức ngành chuyên môn” nhằm đạt hiệu quả nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Ông Vũ Đình Hòe cho biết Trung ương Dân chủ đánh giá cao bản đề án của Đỗ Đức Dục, quyết định dùng làm đề dẫn cho một hội nghị chuyên đề toàn quốc của cán bộ Dân chủ .

Qua những điều trình bày sơ bộ trên đây cũng có thể nhận định rằng: Nhà trí thức dân chủ Đỗ Đức Dục dấn thân vào chính trường cách mạng hoàn toàn không như kẻ cơ hội ngẫu nhiên, mà đã tự xây dựng cho mình một lập trường tư tưởng để đứng vững trên lập trường ấy đóng góp tâm huyết và trí tuệ của mình cho sự nghiệp chung, chứ không chỉ theo đuôi, ngoan ngoãn làm công cụ. Quan điểm chính trị của ông, cùng phẩm chất một chính trị gia kiên định bộc lộ rõ rệt trong thời kỳ bão táp đấu tranh tư tưởng để sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức hai năm 1957 – 1958. Chỉ lướt qua đề mục những bài xã luận của ông trên các trang báo Độc Lập thời ấy cũng có thể cảm nhận:
1. Vấn đề phát động quần chúng nông dân thực hiện chính sách ruộng đất (Tham luận của đảng Dân chủ Việt Nam đọc trước Hội nghị Liên tịch Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban Liên Việt toàn quốc mở rộng, tháng 2 – 1953; đồng chí Đỗ Đức Dục, Phó tổng thư ký Đảng trình bày, báo Độc Lập ngày 15 – 3 – 1953)
2. Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong việc sửa chữa sai lầm (Xã luận báo Độc Lập số 231, ngày 24 – 10 – 1956)
3. Một nguyên nhân sai lầm: tư tưởng tả khuynh (Xã luận báo Độc Lập số 232, ngày 27 – 10 – 1956)
4. Mở rộng dân chủ (xã luận báo Độc Lập số 233, ngày 31 – 10 – 1956)
5. Thông cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam về thái độ của Đảng trước tình hình hiện tại (báo Độc Lập số 235, ngày 7 – 11 – 1956)
6. Để có một chính sách đúng đắn đối với trí thức (Xã luận báo Độc Lập số 240, ngày 24 – 11 – 1956)
7. Đặt vấn đề cải thiện dân sinh như thế nào cho đúng đắn? (Xã luận báo Độc Lập số 242, ngày 1 – 12 – 1956)
8. Các đảng phái dân chủ trong chế độ chúng ta (Xã luận báo Độc Lập số 253, ngày 9 – 1 – 1957)

Tiếc rằng, cả tám bài báo này chúng tôi chưa tìm thấy bản gốc, thậm chí trừ bài Mở rộng dân chủ, không thấy liệt kê trong Thư mục Đỗ Đức Dục, thống kê được 389 bài báo của tác giả, in ở cuối sách “Đỗ Đức Dục. Hành trình văn học”, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội – 2003. Cho nên, việc liệt kê tỉ mỉ trên đây của chúng tôi cũng nhằm mách với giới nghiên cứu quan tâm đề tài TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ ĐỖ ĐỨC DỤC săn tìm bản gốc những tư liệu quan trọng này cho những người quan tâm cuộc đời và sự nghiệp chính trị của một trong những người lãnh đạo uy tín và năng nổ nhất của Đảng Dân chủ Việt Nam thời Cách mạng tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp.
Chúng tôi chỉ xin thử bước đầu tìm hiểu trên cơ sở một số tư liệu ít ỏi trong hồ sơ lưu trữ riêng của người bạn đồng tâm, đồng chí hướng và đồng số phận với ông – VŨ ĐÌNH HÒE.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Đặc san Thanh Nghị 120 tr. đón đầu cơ hội “đổi đời “dựng lại nước sau Đại chiến II.
Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

Với Lạng Hồng (ngồi), thứ nữ của cụ Đỗ Đức Dục

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng
Với Hoàng Bình, con trai cụ Hoàng Văn Đức

Comments are closed.