Thư gởi con trai – những con chữ phát sáng

Hàm Anh

image

Sau hai ngày dành bất cứ lúc nào có thể, tôi đã đọc đến dòng cuối cuốn sách Thư gởi con trai (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) của Nguyễn Đức Tùng. Và nắn nót viết vào trang đầu sách, cho đứa con gái đang sống xa nhà của mình: “Mẹ gửi cho con cuốn sách này, con hãy đọc nó mỗi khi có chút thời gian dành cho việc đọc sách, bây giờ và rất nhiều năm sau này nữa. Đây là một cuốn sách có thể làm bạn với con suốt cuộc đời. Mẹ yêu con”.

Trong trẻo, hồn hậu, súc tích và rút từ tâm can ra mà viết: – Thư gởi con trai là một cuốn sách hay, không chỉ dành cho các bạn nhỏ, mà còn dành cho người lớn chúng ta. “Chỉ những người biết bước đi dịu dàng trên mặt đất mới biết căm ghét sự tàn ác, mới biết khinh bỉ sự thỏa hiệp và biết sống khiêm nhường nhưng vô cùng kiêu hãnh, đi lại thanh thản trong cuộc đời mà hoàn toàn vững tin vào các giá trị cao đẹp, không bao giờ lay chuyển.” (Tình yêu đồ vật). Cuốn sách là những quan sát, chiêm nghiệm rút ra từ những sự việc rất nhỏ, vô vàn trong đời sống hằng ngày được đặt dưới con mắt nhìn của một người cha đặc biệt, một bác sỹ người Việt sống ở Canada, một nhà thơ, một nhà văn, một nhà phê bình văn học tài năng có hơn nửa cuộc đời chứng kiến và trải nghiệm những đau thương, mất mát của dân tộc qua hai cuộc chiến tranh, số phận bi thảm, khốc liệt của thuyền nhân vượt biên những năm sau chiến tranh, đời sống của một Việt kiều tị nạn nơi xứ người…

Có thể nói, cuốn sách có hai dòng chảy chính, đan xen nhau. Thoạt tiên, chúng ta có thể tìm thấy ở cuốn sách những căn dặn ân cần của người cha với đứa con từ những chuyện nhỏ như sự cẩn thận, thái độ trân trọng đồ vật, đóng cửa cần nhẹ nhàng… cho đến những bài học về lòng dũng cảm, sự tử tế, tình yêu quê hương, tình cảm anh em, thầy trò, bạn bè… những vấn đề muôn thuở mà thời nào cha mẹ cũng dạy con như thế và những vấn nạn của đời sống hiện đại như ô nhiễm môi trường, sự chiếm đoạt, tàn phá thiên nhiên, chiến tranh, khủng bố, bệnh dịch, hệ lụy của internet và đời sống hiện đại chạy theo tiện nghi khiến con người quên mất nguồn gốc của mình… “Lần đầu tiên ta nhận ra rằng con người và động vật là bình đẳng. Chúng ta có thể mạnh mẽ hơn chúng. Chúng ta có thể tiêu diệt chúng. Nhưng đối với vũ trụ, con người không phải là tất cả. Trong mắt của con thú hoang, trong khu rừng kia, con người chỉ là một sự tồn tại khác.” (Động vật).

Ở khía cạnh này, cuốn sách thú vị là nhờ cách dẫn dắt câu chuyện rất bất ngờ, ngôn ngữ có chất thơ, ở nhiều chuyện nó thậm chí gần với một áng thơ văn xuôi. “Đất trời lá rụng buồn bã, tâm trạng ảm đạm, chúng ta mặc áo khoác ra đường. Vào lúc ấy, chỉ sương mù làm bạn với chúng ta, sương mù là lòng nhớ thương lảo đảo.” (Haloween). Hay, một ví dụ khác, đoạn nói về sự tiếc thương: “Khi con đang ngủ, nó tới, con ngồi dậy, đi theo nó ra cửa. Nó ngồi xuống trên thềm, và con ngồi xuống theo. Cả hai, con và nỗi thương tiếc kia, ngồi bên nhau, im lặng trên hiên nhà, trong đêm trời sương xuống, tiếng vạc ngoài xa. Không ai hiểu được lòng thương xót đến cùng, nó lớn lao, nó bất tận, nó trở đi trở lại trong giấc mơ, sự thương tiếc hay thương xót là nỗi buồn, là đau khổ, là sự mơ hồ lẫn lộn, là nỗi xấu hổ, hối hận. Thương tiếc là căn nhà cũ, hàng năm ta trở về, xô cái cổng, đi qua khoảng sân rộng, ngập ngừng gõ cánh cửa, dù ta biết rằng không còn ai ở đó.”

Đọc kỹ cuốn sách, tôi cho rằng có một mạch ngầm thứ hai, thực ra đây là bản ghi chép nhanh những cảm xúc, những chi tiết, những suy ngẫm thâm trầm của một người viết về lịch sử đất nước, về chiến tranh, những vấn đề lớn của đời sống loài người – sự sống, cái chết, tự do, ảo tưởng, về văn chương và thơ ca… Rất nhiều câu chuyện nhỏ trong cuốn sách này khi phát triển lên có thể là những chương của một cuốn tiểu thuyết lớn. Riêng phần “Đọc một bài thơ như thế nào” thì có thể coi là một tiểu luận phê bình thơ.

Tuy nhiên, không phải chỉ là tư tưởng, các vấn đề đặt ra, mà là thế giới tinh thần của người viết bộc lộ trong đó, cách diễn đạt không thể giản dị và sáng sủa hơn vẻ đẹp của thế giới này, tình người, những giá trị nhân bản cao đẹp mà loài người cần gìn giữ, hun đúc choán ngợp tâm trí và cảm xúc của tôi. Rất nhiều lần trong khi đọc cuốn sách, tôi bật rơi nước mắt, vì tôi cảm nhận được những giác ngộ của một phận người đã trải nghiệm nhiều đau thương, mất mát, khổ đau khác thường, đã vượt qua và giữ được ngọn đèn thiên lương, ẩn chứa trong những con chữ phát sáng: “Đôi khi đời sống thật khổ đau, con người quanh ta thật bạo liệt, và chắc chắn con sẽ gặp họ, những người đau khổ ấy và những kẻ giả dối ấy, nhưng chúng ta có nhiều hơn những ngày hạnh phúc, những người bạn và người thân ấm áp quanh ta, và sau này con sẽ nhớ lại điều ấy, như nhớ lại một mặt trăng tròn lặng lẽ chiếu sáng cho con buổi tối con đi lạc đường” (Mặt trăng). Đây là phần chiêm nghiệm mà người cha nói với con trai sau buổi tối hai ba con đi chơi về bị lạc, gặp một vầng trăng sáng, và đứa con thốt lên “cảm ơn mặt trăng”. Có lẽ chính nhờ tính “thân phận” bộc lộ trong cuốn sách này, sự chân thật của đời sống của một con người cụ thể, một gia đình cụ thể, một vùng đất, một quê hương, một đất nước cụ thể đã khiến cho cuốn sách hấp dẫn theo một cách khác hơn so với những dạng sách “chicken soup” thông thường.

Trong cuốn sách, ta sẽ bắt gặp rất nhiều đoạn như thế này: “Đó là im lặng của sự chấp nhận sự khó hiểu của thế giới. .. Trong sự im lặng ấy có một tình yêu thanh khiết lạ lùng đối với người khác, như có một người đang lắng nghe một tiếng nói từ bên trong, một tiếng nói khác tuy cũng là của chúng ta nhưng chúng ta chưa nghe bao giờ, tựa như một ngày mới, cũng ở giữa mặt trời mọc và mặt trời lặn, nhưng là một ngày hoàn toàn khác.” (Mẹ).

Có những câu chuyện khá là vu vơ, có lẽ là khó hiểu với bọn trẻ con, thậm chí là cả người lớn. Nó không đầu không cuối, nó chợt đến chợt đi, nỗi buồn, niềm vui, sự mất mát… không rõ ràng. Nó cho người ta thấy cuốn sách này đúng là những lời thủ thỉ, những suy tưởng trầm ngâm, những chia sẻ cảm xúc rất thật, không phải ở câu chuyện nào cũng phải có một thông điệp rõ ràng. Chính cái sự khó hiểu, mơ hồ này khiến cuốn sách trở nên sâu hơn, nó không luôn luôn mớm cho trí não và tâm hồn những món ăn dọn sẵn, nó chỉ gieo rắc những cảm xúc mơ hồ, những khơi gợi đòi hỏi người ta ngẫm nghĩ và hẹn lòng, sau này ta sẽ trở lại. Chính là như thế, tôi nói rằng, đây sẽ là một cuốn sách theo ta suốt cuộc đời, mỗi chặng đường ta có thể quay lại để chuyện trò với cuốn sách, với người viết ra những dòng chữ ấy.

Sẽ là đáng tiếc nếu chúng ta không có cuốn này trong tủ sách gia đình. Cảm ơn ông, Nguyễn Đức Tùng đã sống, trải nghiệm và cất lên tiếng nói giàu yêu thương, dung thứ – một “hoàn tất trách nhiệm” như ông đã viết trong cuốn sách – cho cuộc đời mà ông đã được mang đến./.

Tháng 3 năm 2023

Comments are closed.