Nguyễn Đức Dương
Chúng tôi sẽ gọi là “khó” khi thấy lời giải nghĩa cho một đơn vị tục ngữ [TN] nào đó vẫn còn gây bất đồng ít nhiều trong học giới. Và mục đích của bài này là thử đi tìm những lời giải được coi là thỏa đáng cho những câu thuộc nhóm trên.
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin xếp những câu sắp bàn theo trình tự chúng xuất hiện trong từ điển.
1. Câu đầu tiên thuộc nhóm đang xét là: “Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại”.
Câu này được GS. Nguyễn Như Ý cùng các cộng sự giảng như sau trong Đại từ điển tiếng Việt (1999) do chính ông chủ biên: “Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng tuy không yêu quý, thích thú gì nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội [sic!], còn hơn bế con của con gái”[!].
Lời giảng vừa dẫn cho thấy có ít nhất hai điểm dễ gây tranh cãi:
(a) hễ cứ là “con của chồng” thì phải chăng đều “thuộc dòng họ nội”? và
(b) đâu là những dấu hiệu cho thấy đây là lời chỉ trích thói khinh nữ trọng nam?
Đọc đi đọc lại kĩ câu đang phân tích, chúng ta vẫn chỉ thấy đây là lời người xưa nhắc nhở các chị em còn trẻ nhưng chẳng may đã goá chồng và vẫn chưa sinh được một mụn con trai nào để nối dõi giống dòng. Và theo lời dặn, những cô nào đã lỡ lâm vào tình cảnh ấy thì đừng ở vậy cùng con gái để chăm bẵm cho lũ con của nó, mà nên đi thêm bước nữa và chăm bẵm cho lũ con riêng của người đàn ông mình sẽ kết hôn, bởi lẽ cháu ngoại (theo các cụ) là những đứa chả mấy khi thèm đoái thương tới bà, như TN từng trách cứ một cách khá chua chát rằng: “Cháu ngoại chả đoái đến mồ [của bà chúng]”.
2. Ăn cho; buôn so
Cho tới tận giờ, hình như đây là câu vẫn chưa hề được một từ điển TN nào thu thập. Cùng với các đơn vị như “Mềm nắn; rắn buông”, “Nát dẻo; sống bùi”, “Làm khi lành, để dành khi đau”, v.v., nó còn là một trong những dẫn liệu dễ bị giới diễn giải TN “kì thị” nhất. Vì sao thế? Xin thưa: Vì nó thuộc nhóm những câu hết sức khó phân tích theo khuôn cú pháp Chủ–Vị, một mô hình hiện vẫn được sách vở chính thống ở ta cố truyền giảng rộng khắp trên mọi bậc học, kể từ tiểu học.
Trái lại, đây được coi là món “khoái khẩu” bậc nhất của khuôn ngữ pháp Đề–Thuyết [Đ–T], do khi xử trí bằng khuôn này, chúng ta chẳng những không hề vấp phải bất cứ một trở ngại ngữ pháp nào, mà còn dễ dàng thu được kết quả khá khả quan sau đây: ‘Trong chuyện ăn uống thì còn có thể đem cho nhau được; chứ trong chuyện buôn bán thì phải so đo từng đồng [mới đỡ lo bị cụt vốn]’.
3. Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở
Khác với câu vừa dẫn tại mục 2, khi giảng câu Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở chúng ta không hề gặp một cản trở bất kì nào về cú pháp, mà, trái lại, chỉ gặp vài cản trở về nghĩa từ vựng. Thật vậy, chỉ cần làm rõ nghĩa của hai từ “nể” và “đồng” là nội dung toàn câu sẽ tự khắc “sáng” ra. Quả nhiên, nếu giảng “nể”: ‘[chỉ ăn mà] chả chịu làm thêm ra’; và “đồng”: ‘thứ kim loại vốn được người xưa hay dùng để đúc tiền’, thì nội dung của câu chắc hẳn sẽ là: ‘Chỉ ăn mà chả chịu làm thêm ra thì tiền của dẫu có chất cao thành núi rồi cũng có ngày sẽ cạn hết’.
4. Ăn vóc; học hay
Theo học giả An Chi, biểu thức này chỉ là một thành ngữ, chứ chưa phải là câu. Nó vốn hình thành nên theo cái mẫu tương tự như “ăn ngon, mặc đẹp”.
Hồi còn sống, nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã hết sức lấy làm lạ khi nghe giảng như vậy, bởi theo ông, đây là một biểu thức ngôn từ vốn tương thích cực “đẹp” với các cấu trúc Đ–T điển hình. Mà, nếu đã thế thì nghĩa của nó chắc hẳn sẽ chỉ là: ‘Được ăn tất sẽ tăng thêm vóc dạc; được học tất sẽ biết thêm (nhiều điều hay, lẽ thật ở đời)’.
5. Tương tự như câu đã bàn tại mục 3, chỉ cần làm rõ nghĩa từ vựng của “trăng” là nội dung của “Băm hai cái răng đóng trăng cái lưỡi” sẽ tự khắc dễ hiểu. Nhưng “trăng” là cái gì? Xin thưa: đó là ‘thứ hình cụ được làm từ hai tấm ván hình chữ nhật to và dày có khoét hai cái lỗ hình bán nguyệt ở hai mép để khi ghép lại sẽ tạo nên một thứ gọi là gông, vẫn dùng để đóng vào cổ các phạm nhân mắc trọng tội’.
Cho nên, nội dung của câu có lẽ nên được giảng là: ‘Ba mươi hai cái răng là thứ có phận sự đóng gông cái lưỡi lại trong miệng, để ngăn nó thốt ra những điều thất thố có thể gieo vạ cho chủ nhân’.
6. Tiếp theo, xin đi vào câu “Công cấy là công bỏ; công làm cỏ mới là công ăn”.
Chỉ biết cấy mà chả lo làm cỏ thì thứ công ấy e có cơ hoá thành công cốc, bởi lúa rồi sẽ bị cỏ lấn át hết và chả thu về được hạt thóc nào.
Cho nên, muốn thu được thóc về, nhất thiết phải bỏ công làm cỏ (ít ra là) vài bận, cho lúa khỏi bị cỏ lấn át. Đó chính là lí do khiến người xưa đã nhắc dân làm ruộng một lẽ thật: “Công làm cỏ là công ăn”.
7. Cờ ngoài; bài trong
Câu này hiện hay được diễn giải theo hai hướng, tuỳ thuộc vào cách giảng hai chữ “ngoài” và “trong”.
Nếu “ngoài” được hiểu là ‘đứng ngoài cuộc chơi’, còn “trong” là ‘ở trong cuộc chơi’, thì nghĩa của câu đang xét có lẽ sẽ được diễn giải là: ‘[Với] cờ [thì kẻ đứng] ngoài [cuộc chơi thường dễ sáng nước hơn]; [còn với] bài [thì kẻ ở] trong [cuộc chơi thường dễ sáng nước hơn]’.
Tuy nhiên, không ít vị thức giả, như học giả An Chi chẳng hạn, lại cho rằng giảng như thế e tầm thường quá, và chả tương thích được bao nhiêu với lẽ thật. Vì thế, ông đề nghị nên giảng như sau để nghe thích tai hơn khi đọc lên:
‘[Với] cờ [thì mọi mưu mẹo để giành phần thắng đều bị phơi bày cả ra] ngoài (= tức trên bàn cờ); [còn với] bài [thì mọi mưu mẹo để giành phần thắng đều được giấu kín] trong [đầu các đấu thủ (bởi điều mà dân chơi bài e ngại nhất là bị “lộ lưng”)]’.
8. Già kén kẹn hom
Câu này được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng như sau: ‘Nói trường hợp kén chọn kĩ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng có thể gặp cảnh không như ý’.
Giảng kiểu ấy xem ra chỉ mới làm rõ nghĩa của vế đầu (tức GIÀ KÉN), chứ chưa hề động chạm gì tới vế sau, bởi lẽ làm sao có thể coi biểu thức “cuối cùng có thể gặp cảnh không như ý” là lời giải của hai chữ KẸN HOM ở vế kế tiếp!
Nhưng trước khi đi vào diễn giải, ta thử tìm hiểu xem điều gì đã khiến GS. Phê, một chuyên gia hàng đầu về nghĩa học, lại phải bằng lòng với lời giải khập khiễng và gượng ép đến thế, nhất là trong một công trình mà ông đã dành bao công sức vào những năm cuối đời.
Theo thiển nghĩ, sở dĩ GS. Phê đành phải bằng lòng như vậy có lẽ chung quy chỉ vì trong kho ngữ liệu với hơn hai triệu phiếu được ông dày công gây dựng và rất lấy làm tâm đắc vẫn còn thiếu các thuật ngữ thuộc nghề tằm tang. Giá có thêm cả khối ngữ liệu ấy nữa, chắc hẳn ông sẽ nhận ra ngay “Già kén kẹn hom” là lời người xưa hay dùng để nhắc các bà, các cô chuyên nghề chăn tằm dệt lụa rằng: ‘Chớ để kén quá già [= lâu] trên né
[1]mà nó dễ bị dính chặt (= “kẹn”) vào hom (khiến về sau khó gỡ ra)”.
9. Nôm na là cha mách qué
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), NÔM NA là ‘(Lối nói, lối diễn đạt) mộc mạc, theo cách người dân thường không biết chữ nho’; còn MÁCH QUÉ là ‘(Lối nói) thiếu văn hoá đến mức đáng khinh’. Bởi vậy, có lẽ chúng ta hãy nên bằng lòng với lời giảng bình dị sắp dẫn, chứ đừng mất thì giờ theo đuổi những lời giảng quá cao xa, e ít tương thích với lối diễn đạt nôm na mà TN vốn chuộng: ‘Lối nói mộc mạc (suy tới cùng) chính là cha đẻ của lối nói mách qué’.
10. Người Việt nào hầu như thuộc làu làu câu “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nhưng chắc ít ai cắt nghĩa được “hồ” là gì. Vả lại, dù có thử gắn thêm chữ “quý” vào đằng trước (để tạo nên cụm “quý hồ”) đi nữa thì sự thể e cũng chả thay đổi được mấy, bởi lẽ nội dung của cụm ấy được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng là: ‘Miễn sao, chỉ cần một điều kiện là (chứ không đòi hỏi gì hơn)’ và lời giảng ấy xem ra càng khó ăn khớp (tương thích) với nội dung toàn câu.
Thử tra Hán–Việt từ điển của học giả Thiều Chửu thì tình hình cũng chả sáng hơn là mấy: công trình này đã kê ra đến mười sáu chữ “hồ”, nhưng thử dò kĩ, chúng tôi chả thấy từ nào có nghĩa tương thích cả. Cho nên, có lẽ chỉ còn cách là nhờ một học giả thông thạo chữ Hán giải giúp. Sau chưa đầy hai mươi phút tra cứu, học giả An Chi đã cho biết: trong Hán văn, chữ “hồ” là một từ công cụ dùng để diễn đạt cái nghĩa tương tự như ‘ở’ trong tiếng ta.
Bởi vậy, vẫn theo ông, nên cắt nghĩa “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” là ‘[Nên] quý [ở] sự tinh, chứ đừng quý [ở] sự nhiều’[2].
11. Rừng có mạch; vách có tai
Đọc câu này, chắc ai cũng phải lấy làm lạ và ngờ rằng chắc giới sưu tập đã chép nhầm, chứ RỪNG thì làm sao lại có thể đăng đối cân xứng với VÁCH được! Mà đã thế thì chúng ta sẽ được phép kết luận: đây chắc hẳn là hậu quả của “thảm trạng” tam sao thất bản, và làm cho câu đang xét không còn là một tạo phẩm hoàn mĩ như hàng loạt câu TN thuộc số trên dưới sáu, bảy ngàn đơn vị vừa đẹp đẽ, vừa đăng đối nhau chan chát cả về hình thức lẫn nội dung.
Điều đó nhắc chúng ta rằng hãy thay ngay “RỪNG” bằng một từ khác thoả được những yêu cầu vừa chỉ. Và hình như “DỨNG” chính là từ như thế vì, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), “DỨNG” là: ‘Cốt vách bằng tre, nứa’. Thay nó vào câu đang cần cắt nghĩa, ta sẽ thu được một kết quả rất đáng khích lệ: “Dứng có mạch; vách có tai”. Cho nên, nghĩa của câu trên chắc hẳn nên được cắt nghĩa là: ‘Cốt vách cũng có mạch; vách cũng có tai (bởi thế, chớ để lộ cho người ngoài những điều cần giữ kín ngay cả khi đang ở giữa bốn bức vách)’.
12. Trăm hay chả bằng tay quen
Nghĩa của “TRĂM” trong câu này hiện hay bị nhầm tưởng là ‘mười lần mười’ do nghĩa của từ cổ đang xét đã mai một rất đáng kể qua thời gian. Tuy nhiên, chỉ cần chịu khó tra cứu sách vở, chắc ai cũng sẽ thấy ngay đây là từ được người xưa dùng để chỉ hành động ‘nói liến láu’.
Đó là lí do khiến câu đang bàn nên được giảng là: ‘Nói hay (về lối làm) thường chả được ưa chuộng bằng thành thạo công việc’.
TÓM TẮT
Trong bài này, tác giả đã vạch ra những chỗ ít nhiều còn khiếm khuyết trong các lời diễn giải hiện có, và trên cơ sở đó, đưa ra những lời diễn giải mới được coi là thoả đáng hơn của một số TN đã có lời giải nghĩa nhưng chưa đạt được sự nhất trí cao.
[1] NÉ = ‘Thứ đồ dùng được đan từ các thanh tre (gọi là “hom”) để làm chỗ cho tằm kết kén’.
[2] Lời giảng này, rõ ràng là gọn hơn và xác đáng hơn so với lời giảng của Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên): ‘Chỉ cần tốt, chứ không cần gì nhiều, nhiều hay ít không quan trọng’.