Thương tiếc Nguyễn Trọng Tạo – nhà thơ yêu nước

Ngô Thị Kim Cúc

Anh Nguyễn Trọng Tạo là đàn anh cùng học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du với tôi. Lúc mới khai giảng, tôi chẳng quen biết mấy những đồng môn lạ lẫm của mình, nhứt là những học viên quân đội ở khu Vân Hồ, khá xa khu nội trú tranh tre trường Đại học Văn Hóa đường Đê La Thành của nhóm dân sự chúng tôi.

Thỉnh thoảng chị Lâm Thị Mỹ Dạ hay Nguyễn Thị Đạo Tĩnh rủ tôi sang Vân Hồ chơi, và tôi dần quen biết các anh bên quân đội. Anh Tạo nghe đâu từ quân khu Bốn ra học. Anh gầy gầy, nhỏ nhẹ, có vẻ ngoài rất “thi sĩ”, theo quan niệm của mọi người. Cùng với thời gian học, nhiều học viên trở nên nổi tiếng hơn so với khi mới vào trường. Anh Tạo là một trong những người như vậy. Anh viết nhiều và thơ anh tràn ngập cảm xúc, giàu có chất liệu đời thường. Người thi sĩ trong anh khi nào cũng đồng hành với một công dân đầy trách nhiệm, không quay lưng với cuộc sống.

Gần cuối khóa học, nghe tin anh gặp “rắc rối” vì thơ, nhưng rồi chuyện cũng qua đi. Mọi người đều tốt nghiệp và thay đổi công việc. Một số học viên trở thành lãnh đạo văn nghệ sau khi về lại địa phương. Một số học viên được trao những chiếc ghế quan trọng trong giới cầm bút. Anh Tạo vẫn chỉ là môt nhà thơ, vẫn viết và vẫn sống la đà đúng chất thi sĩ của mình. Đó là lựa chọn đúng của anh. Nó giúp cho thơ anh không trở thành một giọng phụ họa trong cả dàn đồng ca nhàm chán. Nó khiến anh được đồng nghiệp quý trọng dù anh chẳng hề có bất cứ chức vụ nào.

Tập thơ Đồng dao cho người lớn là một trong những tác phẩm khẳng định giọng thơ và chất thơ tiêu biểu của anh. Tôi đã viết về tập thơ này và sau đó bị anh trêu rằng, chỉ trong một bài viết mà tôi đã gọi tác giả bằng quá nhiều danh xưng (kẻ, anh ta, người đàn ông ấy, hắn, người cầm bút), điều mà tôi chẳng hề để ý.

Những năm gần đây, khi xã hội Việt Nam bộc lộ rất nhiều những vấn đề chính trị và những sự thật mà ai cũng phải nghe, phải biết, anh Tạo đã chọn chỗ đứng ở giữa người dân trong những cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lược. Và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại góp thêm vào thơ Việt những tác phẩm chắc chắn sẽ vượt qua thời gian và không gian, trở thành tài sản chung của dân tộc Việt Nam ngàn đời bất khuất…

*NGHÊU NGAO TRÊN LƯNG NỖI BUỒN (Đọc Đồng dao cho người lớn)

Đồng dao là để hát chơi. Những bài đồng dao ấy của một kẻ lơ ngơ lãng đãng suốt tháng năm ruổi dong trên khắp các ngõ ngách cuộc đời, chăn dắt, bầu bạn với một con vật vừa thực vừa hư có tên là Nỗi Buồn. Anh ta cứ đùa mà lại thật, cứ như cười mà lại khóc, cứ như vui chơi mà lại ngổn ngang bao nỗi…, cứ như buột mồm mà lại thành thơ: “Có anh hề đã nói với tôi/ Đời thằng hề buồn lắm anh ơi/ Và tôi đã khóc/ Tin thì tin không tin thì thôi/ Nhưng tôi, người cầm bút, than ôi/ Không thể không tin gì mà viết…” (Tin thì tin không tin thì thôi).

Có thể hình dung người đàn ông ấy, cũng có nhu cầu tham gia vào những sinh hoạt bình thường của con người, vui buồn một cách trung bình, cảm xúc một cách chừng mực và đóng vai tỉnh táo một cách khá đạt đối với những cái nhìn bên ngoài: “Hai mươi bài hát vui/ Hát tặng một nỗi buồn… / Hai mươi bài hát chát/ Hai mươi bài men say/ Chao ôi là âm nhạc/ Không cánh mà lượn bay…” (Quà sinh nhật). Hắn cũng vào vai Chàng trong vở kịch yêu với một Nàng, và Nàng hẳn cũng vô tâm và bội bạc như rất nhiều những cô gái khác, để hắn có cớ đổ thừa cho Nàng về sự mất mát trống vắng không thể cứu chữa trong đời hắn: “Chia cho một đời tôi/ Một cay đắng một niềm vui nỗi buồn/ Tôi còn các xác không hồn/ Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ Chia cho em một đời say/ Một cây si với một cây bồ đề/ Tôi còn đâu nữa đam mê/ Trời chang chang nắng tôi về héo khô” (Chia). “Này Lan, này Hạnh, này Duyên/ Trăng non cái lúm đồng tiền còn không/ Lên đèn mà chợ vẫn đông/ Ta đi tìm mãi sao không thấy nàng/ Thôi đành mua lại thời gian/ Tìm về chốn cũ tặng nàng ngày xưa” (Cuối năm ngẫu hứng chợ chiều).

Thế nhưng, có tìm mọi cách để trốn chạy thì cuộc trốn chạy cũng không giúp hắn quên được một sự thực hết sức tàn nhẫn: hắn chẳng có gì cả trên đời. Những cuộc trốn chạy chỉ là những thất bại nối tiếp thất bại. Ngay rượu, là thứ mà hắn tưởng là cứu cánh của đời mình, là thứ không thể thiếu vắng thì, rượu cũng chẳng đủ sức giúp hắn đủ say để mà quên: “Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” (Huế I). Chỉ Nỗi Buồn là có thật, là trung thành nhất: “Là khi tỉnh giấc trong đêm/ Giật mình ta thấy ngồi bên: Nỗi Buồn/ Là khi cạn một ly tràn/ Đáy ly ta lại thấy làn mi xanh/ Mi xanh Buồn cứ long lanh/ Gặp long lanh thấy mong manh là Buồn/ Buồn đừng đi! Buồn đừng tan!/ Mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi/ Buồn ơi Buồn có thương tôi/ Đừng cho tôi phải mồ côi Nỗi Buồn” (Xônnê buồn).

Bởi vì, trong cuộc đời, người ta không thể chỉ “đóng vai” mà lại có thể tìm thấy bình yên, nhất là khi lại muốn được “đóng vai chính mình”, điều không phải dễ dàng: “Mướn niềm vui kẻ khác/ Có gì như tham lam/ Mướn nỗi buồn kẻ khác/ Có gì như nhàm nhàm/ Cây khế nở hoa cam/ Cây bàng nở hoa bưởi/ Ăn mãi món mật ong/ Biết đâu đời đắng lưỡi” (Tự vấn). Và cuối cùng, anh ta khám phá ra cái có thật nhất là cái đáng sợ nhất: sự Mất. Mọi thứ đang trôi đi, và anh cũng trôi đi. Anh chỉ là một hạt bụi, một chiếc lá, một con kiến, một cái chớp mắt trong cả vũ trụ vô biên vô tận này. Anh cảm thấy điều đó, biết rõ điều đó, thừa nhận điều đó, và vì thế, anh biến mình thành cả một cõi buồn. “Chiều rơi rơi. Vàng tóc. Vàng da. Vàng cây. Vàng lá. Vàng ta. Vàng người/ Rượu ngon nhắm với nói cười/ Nghe thời gian tím một trời phù dung” (Chiều rơi).

Cái chất buồn phương đông đó giúp cho người cầm bút “không thể không tin gì mà viết” ấy trở nên tự tại, quay trở về ngôi nhà bên trong của mình, lặng lẽ chiêm nghiệm và suy tư, lặng lẽ sống và lặng lẽ tan hòa vào vạn vật: “Có cả đất trời mà không có nhà ở / Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông/ Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió/ Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” (Đồng dao cho người lớn).

Trong “cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” ấy tuồng như chẳng có gì đồng thời lại như có tất cả mọi thứ… trên cuộc đời vốn mong manh và vô vàn tạm bợ này.

————————————

Thêm hai bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Trọng Tạo:

*TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG (Từ 1981 mà đã viết thế này nên gặp rắc rối là phải rồi)

1.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến
Nhưng cái thời tôi sống
hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi, và súng

Anh yêu em anh phải đi ra trận
Vợ yêu chồng biết chờ đợi, nuôi con
Đất yêu người đất nhận làm lá chắn
Hai mươi năm không nguôi lửa chiến trường

Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay người sống trắng mái đầu
Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ
Chiến tranh chấm dứt rồi mà nào dễ tin đâu!

2.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa thời tôi thì có khác
Xe đến công trường bay mù bụi cát
Màu hoa thường lấm bụi suốt mùa khô

Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ
Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch
Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc
Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người

Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời
Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất
Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc
Cứ rập rình quanh cột mốc đêm đêm

Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên
Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tàu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương…

Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình

Có bao người bạc bẽo với quê hương
Thả số phận bập bềnh vào biển tối
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!…

3.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo
Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày dường đổi mới
Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn

Tôi sống thời không thể đứng quay lưng
Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được
Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác
Đê sông Hồng sau mùa lũ thêm cao

Tàu ngoài khơi vừa phát hiện mỏ dầu
Đập thuỷ điện sông Đà đang xây móng
Tờ báo đẫm mồ hôi bỗng sáng dòng tin ngắn:
“Nhà máy giấy Bãi Bằng vừa ra mẻ đầu tiên”

Thời đã qua sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên
Nếu trở lại bây giờ vẫn quần nâu dạo phố
Thời tôi sống cả đến bầy em nhỏ
Diện quần bò nhảy theo điệu nhạc vui…

Đài thêm nhiều những bài hát yêu nhau
Những điệu múa ba-lê hồng hào thêm sân khấu
Cái mới đến ngỡ ngàng rồi nhập cuộc
Báo bớt trang báo thêm chút thơ tình

Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!…

4.
Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn

Sau cái bắt tay xoè một lưỡi da giao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!…

Như con chiên sung đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thuỳ…

5.
Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.

Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!…

(Hà Nội, tháng 6.1981)

————————–

*NHỮNG CON CHỮ BIỂU TÌNH

Dân không được biểu tình. Những con chữ biểu tình
Những con chữ dàn hàng ngang hàng dọc
Quảng trường giấy, chữ sắp hàng dày đặc
Chữ hô vang “đả đảo”, “hoan nghênh”…

Đả đảo bọn ngoại bang cướp thuyền, cướp biển
Đả đảo bọn quan tham quan nhũng hại Dân
Đả đảo bọn cướp ngày chém giết
Bọn đạp lên pháp luật làm càn.

Hỡi những chiếc dùi cui hãy quay về đúng hướng
Hỡi súng ngắn súng dài đừng nã đạn vào Dân
Hỡi quân đội hãy xả thân vệ quốc
Hỡi đảng hãy nghe Dân như từng đã bao lần…

Những con chữ hiến thân vì Tổ quốc
Dù mực đen mực đỏ mực xanh
Viết trên mạng hay viết trên giấy úa
Viết bằng tim bằng máu của chính mình.

Chữ hoan nghênh chính đại quang minh
Chữ đâm thủng trò mị dân đen tối
Hoan nghênh người có công, tuyên phạt quân phạm tội
Chữ hát vang Bài ca chữ tự do…

Chữ biểu tình cho áo ấm cơm no
Chữ biểu tình cho dân giàu nước mạnh
Chữ biểu tình cho quyền được sống
Chữ biểu tình cho Độc lập Hoà bình

Hỡi đàn-cừu-con-chữ hãy đứng lên
Đứng dày đặc trên bản đồ Tổ quốc
Những con chữ mấy nghìn năm có được
Chữ là Dân – chữ không chết bao giờ.

(Hà Nội, 26.3.2013)

———-

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, bao gồm Kim Cúc Ngô Thị, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

(Ảnh chụp trong ngày kỷ niệm 30 năm Trường Viết văn Nguyễn Du tại Hà Nội năm 2009)

Comments are closed.