Tái tạo bài “Tử thần” của Agodon

Ngu Yên


Nghệ thuật sáng tác phát xuất từ kinh nghiệm. Đối tượng chỉ khơi dậy, còn cảm xúc đến từ kinh nghiệm chung và kinh nghiệm riêng của tác giả. Tôi tin rằng ai cũng có kinh nghiệm chung về tử thần. Những kinh nghiệm riêng dù khác biệt cách mấy cũng quy tụ về sự chết. Một mất mát lớn lao nhất mà con người phải gánh chịu.

Kelli Russell Agodon, nhà thơ Hoa Kỳ, sinh năm 1969 tại Seattle, Washington. Giải thơ Floating Bridge Press Chapbook 2003. Giải thơ William Stafford Award 2005. Đồng sáng lập viên Two Sylvias Press. Bài thơ When a Robin Hit Our Window của cô viết về sự chết ám ảnh và hành hạ sự sống qua nhân vật bà ngoại và nhân vật Tôi, đã khơi dậy sự sợ hãi nỗi chết mà tôi cưu mang khá lâu từ ngày cháu tôi lên hai tuổi bạo bệnh cho đến nay, đã bao nhiêu năm qua, không thể quên gương mặt cháu bé tái xanh, mắt nhắm nghiền, môi tím rịm, hơi thở yếu dần. Trông coi cháu sợ nhất là cháu bị tử vong. Làm chết con mình đã kinh hoàng. Làm chết con của con mình còn khủng khiếp hơn nữa.

Cảm hứng đến thâm trầm và âm u, hồi tưởng mang lại nỗi kinh hoàng, pha trộn lòng cảm tạ đời sống đã ngăn chận sự đau khổ kịp thời. Bạn đọc có biết không? Khi một người thân yêu tưởng chết mà sống lại, đó là ân sủng kỳ diệu nhất, niềm vui to tát nhất mà một người có thể nhận lãnh.

Tôi đọc đi đọc lại bài thơ của Agodon, bàng hoàng, chia sẻ. Có ý định tái tạo bài thơ này với những tứ thơ về điềm chết theo văn hóa Việt.

Nói về ý nghĩa sự chết gần như là nghịch lý vì chết vốn vô ý nghĩa. Chết chỉ có giá trị khi kinh nghiệm, ước mơ và hoang tưởng hiện diện trong sự sống. Sống làm cho chết được nổi bật, đáng lẽ ngược lại mới đúng.

When a Robin Hit Our Window

(Khi Tử thần gõ lên cửa sổ)

Ghi: Robin là một loại chim trong thần thoại Ai Cập. Lông cổ màu đỏ. Đại diện cho tử thần, đến gõ lên cửa sổ nhà của người sắp qua đời, vài ngày trước để báo tin. Trong văn hóa Việt, Robin có thể gần tương đương với chim cú, báo tin xấu điềm gở.

Dịch sát nghĩa:

Death is coming,
(Tử thần đang đến,)
my grandmother said between bread
(bà ngoại nói lúc vừa ăn bánh mì)
and praying on her rosary. Death –
(vừa lần chuỗi cầu nguyện. Tử thần –)
red and with beautiful wings!
(màu đỏ với đôi cánh đẹp!)
– No. She locked doors,
(– Không được. Bà khóa cửa lớn)
shut windows. Death
(đóng hết cửa sổ. Tử thần)



has many keys, many ways to enter
(mang nhiều chìa khóa, có nhiều cách vào nhà)
with its thin fingers. She draped
(bằng ngón tay khẳng khiu. Bà che kín)
the mirrors in black cloth. Death
(hết gương soi bằng vải đen. Tử thần)
first appears as a reflection.
(khi mới xuất hiện như bóng phản ảnh.)
She burned a candle near the Bible.
(Bà thắp cây nến gần sách thánh kinh.)
How could she keep death
(Làm sao bà có thể ngăn chận sự chết)



away? She talked for hours
(đàng xa? Bà kể hàng giờ)
about her father leaving for work
(chuyện ông cố đi làm)
and never returning. Death
(không bao giờ trở về. Tử thần)



drove a truck, stole things
(lái xe tải, lấy trộm đồ)
from home. She told me
(trong nhà. Bà dặn tôi)
not to worry, but I saw death
(đừng lo sợ, nhưng tôi nhìn sự chết)



as ambitious, a huge success
(như niềm khát vọng, một thành công lớn)
in completing its tasks. She
(hoành thành nhiệm vụ. Bà)
whispered, Death
(thì thầm. Tử thần)



doesn’t like you
(không thích con)
to play in the cemetery. All those
(dạo chơi trong nghĩa địa. Tất cả)
afternoons she saw me with death
(những chiều bà thấy tôi đi với chết)
and I hadn’t known.
(mà tôi không hay.)
She handed me a piece of bread
(Bà đưa tôi miếng bánh)
with butter, Eat this slowly, death
(phết bơ, Hãy ăn từ từ, chết)



tends to leave
(thường bỏ qua)
the ones with full stomachs alone.
(những người ăn no bụng.)

Dịch thơ:
  [Vừa ăn bánh mì vừa lần tràng hạt đọc kinh,
bà ngoại nói
Tử thần sắp đến.
Kìa Chim Tử cổ đỏ dang đôi cánh lạ kỳ!
] (1)
[ – Không được. Ngoại khóa cửa lớn,
đóng hết cửa sổ gương.
Tử thần có nhiều chìa khóa,
nhiều phép vào nhà bằng ngón tay khẳng khiu.
Ngoại dùng vải đen phủ các gương soi mặt.
Tử thần hiện ra mới đầu như bóng chiếu mờ.
Ngoại thắp ngọn nến gần sách kinh thánh.
Làm sao ngăn chận sự chết không cho đến gần
.] (2)

[Ngoại có thể kể hàng giờ
chuyện ông cố đi làm việc
không bao giờ trở về.
Tử thần lái xe vận tải
chở đồ trộm từ nhà
.] (3)
[Ngoại dặn tôi đừng lo sợ.
nhưng với tôi chết là niềm khát khao,
một thành công lớn hoàn thành nhiệm vụ
.] (4)
[Ngoại thì thầm,
Tử thần không thích con dạo chơi nghĩa trang.
Bà đã thấy những chiều tôi đi với chết
mà tôi không hay
.] (5)
[Bà đưa tôi miếng bánh mì phết bơ.
Hãy ăn từ từ
chết thường bỏ qua
những người đang ăn no bụng
.] (6)

Bài thơ chia thành 6 mô hình diễn đạt. Mô hình 1 và 2 mô tả tính dị đoan. Lòng sợ hãi sự chết của thế hệ trước. Trong khi mô hình 4 nói lên tâm tư của người trẻ. Đối diện sự chết một cách ý thức hơn. Mô hình 3 là mô hình dễ thay đổi nhất, vì sự liên hệ ít chặt chẽ so với các mô hình khác. Mô hình 5 nói lên sự đối nghịch giữa hai thế hệ. Có thể thay đổi tứ thơ cho sâu sắc hơn. Mô hình 6, tứ thơ kết, cần phải tìm một tứ thơ văn hóa tương đương nếu tái tạo.

Tại sao bài này không thể sửa chữa, cần phải tái tạo? Vì tính văn hóa, những dị đoan, niềm tin, truyền thuyết khác biệt giữa Tây và Đông. Khi chuyển đổi những gì văn hóa mang tính đặc thù, tái tạo cho phép sáng tác mạch lạc, biến hóa hơn sửa chữa hoặc thay đổi.

Từ kinh nghiệm riêng, nhân vật ông ngoại tương đương nhân vật bà ngoại. Nhân vật ông ngoại là tôi vừa là ông ngoại của tôi, một người trí thức bất mãn của thế hệ 1900. Ông là người rất cá tính. Chính ông đã trông coi tôi từ lúc mới sinh ra vì ba mẹ tôi phải buôn bán vất vả trong thời chiến tranh. Nhân vật Tôi tương đương cô cháu nhỏ mà tôi nuôi lớn khôn, trở thành nhân vật chính của bài thơ tái tạo.



Những tình thương


không bao giờ thấy lại


– Cú kêu trên nóc nhà, điềm sắp có tang.
Ông ngoại nói,
bắt đầu lục bùa chú chống Tử thần.
Tôi nổi suyễn ho dồn dập
tiếng cú rúc liên hồi.
Ngoại treo chỉ ngũ sắc lên mỗi cửa sổ,
treo kính chiếu yêu cửa trước cửa sau,
dán bùa trừ tà chung quanh, trên trần, dưới đất.
Làm sao ngăn được sự chết xuyên qua vách tường?



Ngoại treo thánh giá lên đầu giường.
Rảy nước thánh chung quanh, lên mền gối.
Sức dầu chữ thập lên trán tôi và ông.
Bắt ghế ngồi bên cạnh nói nhỏ,
– Con đã chết một lần. Ngoại không để xảy ra lần nữa.
Nằm nhìn ra cửa gương. Bệnh nhiều năm đã quen. Chết nhiều lắm đen như đêm tối. Không có gì. Chỉ là chấm dứt không hoàn hảo. Cách hủy bỏ sản phẩm nhiều lỗi lầm.
– Khi nào lấy chồng, nhớ chọn người không sợ chết. Ông dán trước ngực lá bùa “Tử”. Ngoại già rồi, để ngoại chết thay con.
Thỉnh thoảng tiếng Tử thần rúc lên. Ngoại ăn hai chén cơm đầy.
– Sao tối nay ngoại ăn nhiều vậy?
– Khi chết, đừng làm ma đói.

Comments are closed.