Tái tạo “Thiếu nữ hóa vàng” của Federico Garcia Lorca (1898 – 1936)

Ngu Yên

Bài Casida de la muchacha dorada bao gồm 3 mô hình diễn đạt. Mô hình 1 mô tả cảnh thiếu nữ tắm khỏa thân dưới ánh trăng rực vàng giữa cảnh tượng thiên nhiên. Mô hình 2 khi ánh sánh bình minh xuất hiện, lộ liễu sự thật của tưởng tượng. Khi thực tế xóa tan hư cấu, là lúc nhà thơ phải chấp nhận nỗi buồn, nỗi đau thương. Mô hình 3 tiết lộ lý do khác biệt giữa tưởng tượng và thực tế. Lúc Federico Garcia Lorca sáng tác bài thơ này, ông đã đạt cảnh giới giữa siêu thực và thực tại của thi ca, (không phải thực tại cụ thể). Và ông đã bị xử bắn trước khi bài thơ này đến với văn học thế giới.

Diễn biến bài thơ Thiếu nữ hóa vàng làm sống lại kỷ niệm ngày tôi còn học sinh lớp đệ tứ, đi làm việc từ thiện tại trại cùi ở Núi Sạn Nha Trang.

Sau một ngày làm việc dọn dẹp vệ sinh và “vịn” y tá giúp các bệnh nhân cùi đã lành bệnh, mặc dù những gì đã rụng, đã sứt mẻ, không thay đổi, chúng tôi cắm trại ngoài sân, xa về hướng chân núi.

Sau cơm chiều, các bạn chia từng nhóm nhỏ, đốt lửa trại, tán gẫu. Đêm trăng gần rằm nhưng nhiều mây lúc tỏ lúc mờ. Tôi một mình dạo lang thang theo đường mòn dẫn quanh núi. Đi lanh quanh, mơ mộng vô chừng, thú vui đó tôi rất yêu thích vì thường xuyên gặp gỡ những chuyện lạ lùng ngoài dự tính.

Đường mòn nhá nhem đi sâu vào vùng nhiều cây cao. Đang theo dõi những bóng mờ lay động, tạo ra muôn dạng truyện hình, tôi dừng lại vì nghe tiếng động, tiếng xối nước, tiếng thở dài khoan khoái. Vạch lá xuyên qua dãy lùm rậm rạp, một khoảng đất trống hiện ra, có giếng nhỏ cao khoảng đầu gối, bên cạnh, bóng một người đang cúi xuống gội đầu.

Casida: Thiếu nữ hóa vàng

[Thiếu nữ kim hoàn
tắm
nước hóa vàng long lanh.



Rong rêu lẫn lá cành
bóng chen hình mỹ nữ
nghe chim Sơn Ca hót
ngợi ca da trắng ngần.



Đêm quang đãng buông xuống
mây xám lem luốc bay,
xa xa dãy núi trọc
gió thổi hiu hiu mờ.



Thiếu nữ tắm ướt
da trắng lộ nước trong
tỏa ánh sáng rực rỡ
.] (1)

[Bình minh trong lành đến
Mây hình ngàn mặt bò
Trơ vơ và tang liệm
với vòng hoa giá băng.



Thiếu nữ rơi nước mắt
tắm giữa ngọn lửa thiêu
chim Sơn Ca bật khóc
bốc cháy đôi cánh chim
.] (2)

[Thiếu nữ kim hoàn
vốn là chim bạch hạc
lóng lánh nước hóa vàng
.] (3)

(Casida de la muchacha dorada.)

Ý tứ bài thơ của người khác gây lên cảm giác bồi hồi, mang ra từ ký ức một câu chuyện, một kinh nghiệm, với những snapshots và thoughtshots nổi bật, mang theo cảm xúc, nhà thơ đang sống trong gia đoạn chuẩn bị tái tạo bài thơ mới.

Khi một bài thơ, bất kỳ là của ai, phá vỡ được tường vách nhàm chán bao bọc, lôi cuốn nhận thức vào diễn tiến, đánh động kinh nghiệm sống riêng tư. Nếu kinh nghiệm lớn đủ, sâu đủ, tái cảm xúc đủ, bài thơ đó có thể tái tạo trong một ý nghĩa khác, quan điểm mới, và những tứ thơ phù hợp nhịp sống.

Tái tạo là nghệ thuật từ kinh nghiệm sáng tạo, dù tưởng tượng hoặc hư cấu cao độ, luôn luôn khởi đầu bằng một điều gì đã xảy ra. Kinh nghiệm này nhất định phải đau đớn, hoặc sâu đậm, hoặc bất ngờ, hoặc thú vị ấn tượng… Mỗi khi hồi tưởng vẫn gây lòng rúng động.

Bài thơ tái tạo

Chuyện kể lại chưa kể hết
Thiếu nữ tắm bên bờ giếng đêm lặng lẽ nhìn say đắm.
Mây che trăng ánh mập mờ chăm chú thưởng ngoạn làn da.
Gió ngừng lại mỗi khi nàng cúi xuống thả gàu múc nước,
ngắm đường cong bất tận những đường cong.
Sáng vừa đủ lờ mờ hạt minh châu đính rập rình đầu ngực.
Ngửa mặt xối nước vuốt ve tóc chảy chạm bờ mông.
Đường trăng chiếu từ cằm xuôi xuống thấp khép nép  vào bóng hình thường xuyên tưởng tượng.
Mê sảng bất tận hơi thở lạc thần…



Giữa thiêng liêng trăng xé mây lộ liễu làn da trắng,
sáng trình bày thân thể thiếu nữ phong cùi.
Mụt tàn nhẫn gồ ghề nơi mềm mại chân dung cổ quái.
Lở loét vết thương đào xới máu mủ tan tác người chiêm bao.
Một vết nứt sắp chia đôi bầu vú.



Tôi gập người thốc tháo ụa mửa không ngừng.
Cả hai bỏ chạy côn trùng đêm kinh hãi.



Đẹp từ đó vỡ tan vào nghi vấn.

Ghi khắc kinh nghiệm này, từ đó, tôi mất lòng tin vào nhận thức thẩm mỹ. Khi khám phá hoặc phát giác điều gì hay đẹp, phản ứng đầu tiên của tôi là lùi lại. Từ tốn đến gần với e ngại chuyện gì đó không thật như đã trông thấy.

Trong ba điều Chân, Thiện và Mỹ, thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng vì chân lý không đẹp không phải chân lý, thánh thiện không đẹp không phải thánh thiện. Dẫn đến sự tình: khi nghi ngờ thẩm mỹ là nghi ngờ tất cả. Vậy thì, then chốt của sự sống là thẩm mỹ, bao gồm ý thức thẩm mỹ và vô thức thẩm mỹ. Bước đầu tiên là nhận thức về thẩm mỹ vì nó sẽ tạo nên cấp độ đánh giá thẩm mỹ trước khi hòa tan vào vô thức. Bài thơ tái tạo nói về mức độ khả thể của nhận thức thẩm mỹ.

Chân không cần sáng tạo. Thiện không cần sáng tạo. Mỹ chính là sáng tạo. Tất cả những gì đến từ sáng tạo đều là thẩm mỹ, kể cả khoa học và kỹ thuật.

Thơ không có thẩm mỹ, không phải thơ, vì vậy, bản chất thơ luôn luôn chứa đầy sáng tạo mà nghi vấn luôn luôn hiện diện để sáng tạo không thể không sáng tạo. Một bài thơ không có nghi vấn, không phải thơ.

Ghi:


Casida de la muchacha dorada

La muchacha dorada
se bañaba en el agua
y el agua se doraba.



Las algas y las ramas
en sombra la asombraban
y el ruiseñor cantaba
por la muchacha blanca.



Vino la noche clara,
turbia de plata mata,
con peladas montañas
bajo la brisa parda.
La muchacha mojada
era blanca en el agua,
y el agua, llamarada.
Vino el alba sin mancha,
con mil caras de vaca,
yerta y amortajada
con heladas guirnaldas.



La muchacha de lágrimas
se bañaba entre llamas,
y el ruiseñor lloraba
con las alas quemadas.



La muchacha dorada
era una blanca garza
y el agua la doraba.

(Trích: Mộ phần tôi ở đâu?, cuốn 2, bộ Thơ Toàn tập của Federico Garcia Lorca, Ngu Yên dịch.)

Comments are closed.