Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng đã, đã đã, nên tật, đã tật (phần 34)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng đã, đã đã, đã tật làm đã, đã làm vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Ngoài các bản Nôm của LM Maiorica ghi ở đoạn sau, tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Các bản Nôm của LM Maiorica là ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

1. Các nét nghĩa của đã vào thời VBL

clip_image002VBL trang 191

Đã có ba nét nghĩa ghi trong VBL (a) phó từ chỉ quá khứ (thời gian) khi đứng trước động từ hàm ý xong việc làm – VBL cho thí dụ là đã làm (làm xong rồi/NCT). BBC còn ghi hai thí dụ là đã về, đã nói chỉ các hoạt động đã xong, cũng như hoạt động đã xong trước một hoạt

động khác trong quá khứ – BBC cho một thí dụ về loại thì quá khứ hoàn thành[2] này là "Hôm kia khi ông đến đã chép thư đoạn" (hôm kia khi ông đến thì tôi viết thư xong rồi).; (b) khi đã đứng sau động từ thì hàm ý chưa xong việc làm – VBL cho thí dụ là làm đã (để cho làm xong đã – chưa làm xong/NCT). Nhận xét về thứ tự chữ và nghĩa thay đổi như đã làm so với làm đã đáng chú ý, như VBL cũng ghi cách dùng mười bảy so với bảy mươi (mục bảy), v.v. ; (c) làm cho lành, khỏi (bệnh) – VBL cho thí dụ rất đặc biệt là cách dùng đã đã hàm ý đã khỏi bệnh. Phần này chú trọng vào nét nghĩa này.

1.1 Đã là khỏi/hết (bệnh)

1.1.1 Cách dùng đã (khỏi, lành bệnh) trong các tài liệu bằng chữ quốc ngữ như VBL (xem bên trên), PGTN: "tối mặt thì cho sáng, kẻ nặng tai cũng cho sáng, kẻ què chân thì cho đi ngay, kẻ đau nặng thì cho đã… thì chữa đã tật ta… trên gió rỗng thì sửa gió và trên biển, thì làm cho lặng sóng, và trên người ta thì chữa đã kể chẳng xiết… thấy vậy thì thương mà cho đã ngày thứ bảy" PGTN trang 179, 186, 187-188, 191. Để ý cách dùng "đã tật" trang 186: langoribus nostris sanemur (phần La Tinh) dịch ra (phần tiếng Việt) là chữa đã tật ta:

clip_image004

1.1.2 Ngoài ra, trong thư viết tay của Igesico Văn Tín (12/9/1659) cũng dùng đã một lần với cùng nét nghĩa (hết/khỏi bệnh) "Sau nữa sự bổn đạo bên này thì Thầy biết hết, cùng mọi sự khác đã có thư Thầy cả gưởi cho Thầy được biết, tôi hầu nói làm chi, cùng đã có thư nói trước. Sau nữa kẻ Vó ông Chưởng Minh nên hai cái độc lắm, mà người đã biết mình chẳng đã, thì mời Thầy rửa tội tên là Josaphat đoạn liền sinh thì." (để ý đã chỉ quá khứ và đã là khỏi bệnh trong cùng một câu).

clip_image006

Trong bản viết tay về lịch sử An Nam (25/10/1659), Bentô Thiện cũng dùng đã (khỏi/hết bệnh) một lần:"(Nhân Tông trị được sáu mươi) năm mới truyền cho Thần Tông là thứ năm. Thần Tông phải tật biến ra thân hùm kêu thâu đêm tối ngày, có Thầy Khổng Lồ chữa mới đã. Trị được mười một năm, lại truyền cho Anh Tông là thứ sáu, chẳng có loạn lạc, trị được ba mươi chín năm, lại truyền (cho Cao Tông là con thứ bảy)" (để ý tật hàm ý bệnh, phải tật):

clip_image008

1.1.3 Nếu đã (khỏi bệnh) xuất hiện 9 lần trong PGTN và 2 lần trong VBL, thì các ta thấy cách dùng này thường hơn trong tài liệu chữ Nôm của LM Maiorica:

CTTr tháng hai: 16 lần dùng đã với dạng chữ Nôm là 㐌:"Bấy giờ kẻ quỷ ám cùng kẻ liệt lào (~ kẻ có bệnh/NCT) đến cùng người thì đã hết" trang 61, v.v.

CTTr tháng mười hai: 7 lần dùng đã (khỏi/hết bệnh): "Có người tối mắt (~ mù/NCT) cùng người có tật phong đến cùng người, thì làm dấu cho kẻ tối liền sáng, kẻ có tật liền đã" trang 14, v.v. Để ý cách dùng tật để chỉ bệnh và đã (khỏi bệnh). Ngoài ra, trang 161 cũng ghi một đoạn đáng chú ý là "đời vua Khánh Đức nhị niên" tức là vào năm 1650 vì Khánh Đức 慶德 là một trong những niên hiệu của vua Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ) từ năm 1649 đến 1653. Dữ kiện này cho thấy tài liệu này nguyên thủy được viết vào năm 1650.

CTTr tháng mười một: 5 lần dùng đã:"Vậy cho kẻ điếc nghe, kẻ tối mặt sáng, kẻ liệt đã, kẻ quỷ ám thì cho khỏi" trang 32, v.v.

CTTr tháng bảy: 11 lần dùng đã "Khi ấy dẫn đi, thì gặp người có tật bại đi chẳng được… Người rằng: min muốn cho thiên hạ biết Đức Chúa Giê Su…thì min lấy tên Đức Chúa Giê Su mà khiến người này đã" trang 117, v.v.

CTTr tháng giêng: 19 lần dùng đã "Ai có kẻ liệt lào đem đến cùng người cầu cho đã hết thay thảy" trang 137, v.v.

CTTr tháng ba: 18 lần dùng đã " … chẳng khác những thầy thuốc chữa kẻ có tật, chẳng chữa kẻ lành đâu… Rửa tội cùng ông giữ tù, con gái người mới đã" trang 148, v.v. Trang 103 ghi lại vài dữ kiện đáng chú ý "Năm Đinh Mão thầy cả trẩy sang nước này, vào của Bạng là ngày lễ ông thánh này”. Thánh Joseph là tiếng Anh/NCT – Giuse là kí âm qua tiếng Bồ – Giu Se chữ Nôm thời LM Maiorica viết là 樞 槎 (âm HV xu tra[3]). Đinh Mão là năm 1627, ngày lễ Thánh Joseph là ngày 19/3 cũng là ngày LM Maiorica đặt chân lên Cửa Bạng[4].

CTTr tháng tư: 13 lần dùng đã "khi người sinh thì, có kẻ phải tật nguyền gì đưa đến mộ người, xin cho đã thì mọi tật liền đã hết" trang 18, v.v.

CTTr tháng năm: 10 lần dùng đã "Kẻ liệt lào mọi giống tật nguyền thì người cầu liền đã" trang 111, v.v.

CTTr tháng tám: 29 lần dùng đã "Có khi kẻ phải ốm đau thật mà đến đấy, thì nó (quỷ/NCT) bảo dùng thuốc nọ thuốc kia cho đã. Có khi chữa ai chẳng được, thì quỷ dối rằng: bởi nó có tội chẳng đã…" trang 130, v.v.

CTTr tháng mười: 12 lần dùng đã "Kẻ liệt lào tật nặng đã, kẻ chết sống lại… (con vua Roma) có một con gái quỷ ám khốn nạn lắm, vua chữa trăm nghìn đàng chẳng đã, nhưng mà càng chữa thì quỷ càng khốn hơn nữa" trang 83, 144, v.v.

MACC: 1 lần dùng đã "(ông Thánh Phê Rô chém đứt tai một đầy tớ thầy cả Giu Đêu) mà ĐCGS quở ông Thánh Phê Rô cùng chữa tai thằng ấy cho đã" trang 65.

KNLMPS quyển thứ ba: 20 lần dùng đã "… chưa đến nhà thì gặp đầy tớ mừng người mà rằng: ‘Thân ông, con ông đã đã’. Ông ấy hỏi rằng ‘con tao giờ nào đã?‘…" trang 107, v.v.

TCTM quyển thượng: 1 lần dùng đã "Bổn đạo khiến nó lấy cánh tay đặt trên tay đã gẫy ấy, liền đã tức thì" trang 115.

TCTM quyển trung: 2 lần dùng đã "… lại làm hết sức cho khỏi, như kẻ liệt chọn nhiều của mua thuốc, cùng trả công thầy cho đã" trang 168, v.v.

ĐCGS quyển chín/quyển mười: 6 lần đã được dùng "Vì ai có liệt thì đá đến tay hay áo người thì liền đã tức thì, mà kẻ chẳng ở được gần thì đá phải bóng người cũng đã" trang 52, v.v.

1.2 Đã đã

Đã đã là đã khỏi (hết) bệnh (VBL trang 191) và có hai cách viết chữ Nôm: đã đã (a) 㐌㐌 hay đà đã (b) 它㐌. Xem cách dùng trong các câu điển hình như sau

CTTr tháng hai "Khỏi bốn ngày thì qua đòi người ra mà thấy đã đã (b) cùng thấy khen phép ĐCGS… Quan thấy người đã đã (b) thì hãi nhưng chẳng tin sự ấy bởi phép ĐCT" trang 46, 109.

CTTr tháng bảy "Người nghe tiếng ấy liền mừng lắm, mà đã mọi dấu tích như kẻ chẳng có sự gì sốt. Cách một ngày, quan lại đòi mà thấy đã đã (b) thì khen bụt" trang 90.

CTTr tháng ba "Đến khi đã đã (a) toan về nhà quê… mà người ấy phải một tật nặng ở cổ, chẳng có thuốc nào chữa được…Khi ấy con ấy đã đã (a)" trang 35, 147.

CTTr tháng giêng "Bấy giờ thiên hạ tâu vua rằng thôi, đã đã (a), chớ vác nữa" trang 104.

KNLMPS quyển thứ ba "Mười người đã đã (a) hết, nào chín người ở đâu… Hãy về, con ông đã đã (a)" trang 95,107, v.v.

Tóm tắt các cách dùng đã đã mà người viết (NCT) có dịp đọc qua là (a) 7/12 ~ 60% giống như VBL (dùng hai chữ Nôm giống nhau) và khoảng 40% dùng hai chữ Nôm khác nhau. Cách dùng đã đã từng hiện diện trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng (đã đọc là đà)

懺悔它陀命礼三

Sám hối đà đã, để lòng về mệnh lạy Tam Bảo (44b)

伤吏

Mừng đã, thương lại đến (13a)

Biến âm của đã (đà) xuất hiện trong Cư Trần Lạc Đạo Phú hay Ức Trai Thi Tập

它突吝場經

Đà đụt lẩn trường kinh cửa tổ (25a)

身它歇累身

Thân đà hết lụy thân nên nhẹ (13a), v.v.

2 Tật

Tật có các nghĩa như thói quen (thường là xấu, khó sửa), trạng thái không bình thường[5] (td. tàn tật, tật nguyền) từ bẩm sinh, từ tai nạn hay bệnh nan y. Tuy nhiên, một nghĩa cổ của tật là bệnh (theo TVGT) như các trường hợp liệt kê ở trang sau. Xem lại chữ tật HV 疾 (thanh mẫu tùng 從 vận mẫu chất 質 nhập thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

秦悉切 tần tất thiết (TVGT, ĐV) TVGT ghi (疾)病也 (tật) bệnh dã – QV/TV/LT/TVi đều chép lại nghĩa này, giải thích phần nào cách dùng từ kép tật bệnh (VBL đã ghi theo thứ tự HV) so với bệnh tật trong tiếng Việt hiện đại.

才栗切 tài lật thiết (NT, TTTH)

昨悉切,音嫉 tạc tất thiết, âm tật (TV, VH, LT, CV, TVi)

才詣切,音劑 tài nghệ thiết, âm tề (VB)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (入聲作平聲 nhập thanh tác bình thanh)

CV ghi cùng vần/nhập thanh 疾 嫉 蒺 (tật), v.v.

Giọng BK bây giờ là jí so với giọng Quảng Đông zat6 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] cit8 [客英字典] cit8 [海陆丰腔] cit8 [宝安腔] cit8 [陆丰腔] cit7 [梅县腔] cit8 [台湾四县腔] cit8 [客语拼音字汇] qid6 [东莞腔] cit8, tiếng Nhật shitsu và tiếng Hàn cil. Tật là một dạng âm trung cổ còn bảo lưu trong tiếng Việt rất khác với tiếng Trung (Quốc) hiện nay đọc như *chỉ (giọng BK bây giờ là jí) đã mất phụ âm cuối -t… Một điểm đáng chú ý là Hán ngữ không có nét nghĩa thói xấu cũng như tiếng Việt lại không dùng nét nghĩa cấp bách của tật ((td. hiệu lệnh thi hành rất tật tốc/VNTĐ).

2.1 Tật phung

Một chứng bệnh độc hại từng gây nhiều hậu quả kinh khủng trong lịch sử là bệnh cùi (hủi, ma phong 麻風, phong cùi) trước khi có thuốc chữa[6] thật công hiệu vào thập niên 1940. Thời VBL gọi tật phung, nên phung là bị/mắc bệnh cùi, khác với nên phong[7] là bị thượng mã phong ("chết trên bụng vợ", VBL còn ghi thêm cách dùng "phạm phong" – xem hình chụp bên dưới). "Tật phung" là bệnh cùi (morbus elephantiacus/L, tiếng Bồ là doença de lazaro). Tiếng La Tinh vào thời LM de Rhodes vẫn dùng tiếng Hi Lạp cổ gọi bệnh cùi là elephantiasis, chỉ một loại bệnh cùi rất độc hại. Sau đó, tiếng La Tinh vào thời các LM Béhaine và Taberd thì lại dùng một tiếng Hi Lạp cổ khác là lepra. Tật phung – nên phung (VBL ghi lại 4 lần trong các mục nên, tật, phung và phũ): "xem sóc kẻ liệt, cùng hôn dấu kẻ phải tật phong" CTTr tháng mười một trang 30; "Có một lần, những kẻ có tật phong ăn nhà mình đến nhiều, và có lần người cao lớn và nặng tật hơn kẻ khác … khuyên người và khiến chữa tật phong cho…Chẳng khỏi bao lâu vua phải tật phong, cho nên một ngày một yếu, đứng chẳng được " CTTr tháng tám trang 97, 117, 128; "ĐCGS dạy kẻ tật phong đi tìm thầy… Song le nó còn đi thì đã" Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh trang 96; "Có người tối mặt, cùng người có tật phong đến cùng người, thì làm dấu cho kẻ tối liền sáng, kẻ có tật liền đã. Bởi ông Thánh Phan Chi Cô rửa tật cùng uống nước ấy thì cũng đã … thì cho vua tên là Công Tan Ti Nô phải một tật phong, chữa chung chẳng được. Bấy giờ, các sãi tâu vua lấy máu trẻ mà tắm cho vua khỏi tật" CTTr tháng mười hai trang 14, 156-157; "(kẻ rối) chẳng khỏi bao lâu phải tật động kinh cùng nên phong mà chết" CTTr tháng bảy trang 57, v.v.

clip_image010VBL trang 609

clip_image012VBL trang 596

2.2 Tật động kinh

Các tài liệu thời VBL thường dùng tật động kinh: "Bấy giờ người run sợ ngã xuống đất, xanh xao, sùi bọt miệng như kẻ có tật động kinh" CTTr tháng hai trang 72.

"(kẻ rối) chẳng khỏi bao lâu phải tật động kinh cùng nên phong mà chết" CTTr tháng bảy trang 57, v.v. Vào TK 19 thì cụm danh từ “bịnh động kinh (đụng kinh)” bắt đầu phổ thông cũng như sau đó là bệnh kinh phong.

clip_image014VBL trang 237

2.3 Tật thủy thủng

Bệnh phù/phù thủng vào thời VBL gọi là tật thủy thủng: "Kẻ có tật thủy thủng có hai sự khó: một là sưng mình, hai là khát nước… Ai muốn cho đã tật ấy, thì phải uống thuốc khiêm nhường" Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh, quyển thứ ba trang 101; "Xưa có một người nữ sang trong góa chồng, phải tật thủy thũng mà nhọc lắm" TCTGKM trang 16; "mà thấy một người trong nhà ấy có tật thủy thũng… ĐCGS cầm tay, liền cho đã tức thì" trang 100 Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh.

clip_image016VBL trang 788

2.4 Tật lây

Bệnh hay lây (truyền nhiễm) vào thời VBL gọi là tật lây:

"Có một lần trong thành Si Na có tật lây nhau mà chết nhiều người lắm, thì kẻ giữ nhà thương chết hết chẳng còn ai xem sóc…Vậy người làm mọi việc hèn trong nhà thương mà Đức Chúa Blời chẳng cho ai lây, lại cho kẻ liệt đã chóng nữa" CTTr tháng năm trang 105. Đây là câu chuyện kể về công nghiệp của Thánh Bernardo of Siena (1380-1444) khi dịch bệnh lan tràn nước Ý vào năm 1440.

"thì ông thánh Pha Pha đã sinh thì vì phải tật lây, bởi nước trong sông chảy giữa thành tràn ra lắm, làm cho hư cả và đất" CTTr tháng ba trang 65 – truyện kể vào thời ông thánh Gregory I có bệnh dịch hạch lan tràn vào năm 590, Giáo hoàng Pelagiô II cũng qua đời vì dịch này. Một phần ba dân số nước Ý đã chết vì bệnh dịch… Tại Roma còn kỷ niệm việc ông chấm dứt dịch hạch bằng bảy cuộc kiệu, xuất phát từ bảy khu vực tập trung tại nhà thờ Đức Bà Cả (Basilica Papale di Santa Maria Maggiore).

"Đức Chúa Trời mới cho khỏi tật lây khi trước" CTTr tháng tư trang 149, v.v. Tật lây chữ Nôm là 疾淶 (Maiorica) hay còn có dạng 疾唻 (Béhaine-Taberd). VBL có ghi dạng dịch, nhưng là dịch ra (dịch bộ ngôn 譯) chứ không thấy ghi dạng dịch bộ nạch 疫, tuy nhiên vào cuối TK 18, đầu TK 19 thì cách dùng bệnh dịch đã xuất hiện (tự điển chép tay Bồ Việt)

clip_image018Tự điển chép tay Bồ Việt

Tóm lại cách dùng tật rất thường gặp vào thời VBL để chỉ bệnh (bịnh). Mắc/bị bệnh thì thời VBL dùng nên tật, phải tật: "vì đã phải tật ra máu mình, mười hai năm, mà của mình cho những thầy thuốc chữa chùng hết, song chẳng đã cho" PGTN trang 185, chẵng đã là không khỏi, không chữa được (xem phần trên về các nét nghĩa của đã). Để ý các cách dùng đã, thuốc (chữa) và tật trong câu trên. TCTGKM trang 132 "vì chưng sự thề chẳng khác gì uống thuốc khi phải tật gì mới uống. Chẳng có năng uống thuốc chơi vậy". Rõ ràng là các tài liệu vào thời VBL hay ngay sau đó cho thấy cách dùng phải tật là bị bệnh, nên phải uống thuốc để chữa bệnh cho lành (cho khỏi, cho đã). Phần sau sẽ cho thấy các kết quả trực tiếp của cách dùng tật trong thành ngữ và tục ngữ còn truyền tụng cho đến ngày hôm nay.

3. Hệ luận của nét nghĩa đã (~ khỏi, xong)

3.1 Cùng chẳng đã – thời LM Béhaine (1772/1773) đã có và viết bằng chữ Nôm là 窮庄㐌, hàm ý không thể làm khác hơn được, tới cùng đường (thế) mà chẳng xong (đã). Mục cùng chẳng đã đứng ngay sau các mục cùng đàng, cùng thế cho thấy rõ ý của cách nói này[8]. Vào thời VBL thì cùng khá phổ thông qua các cách dùng như vô cùng, chẳng cùng[9], có cùng (có giới hạn)… Tuy nhiên, có lẽ vì cách dùng cùng cực 窮極 (tận cùng, hết sức) và khuynh hướng nói gọn hơn (nhanh hơn) nên trong tự điển La Tinh Việt (Taberd/1838) ông đã ghi thêm dạng cực chẳng đã. Trong mục incitae/L, ông ghi cùng thế tương đương với cùng chẳng đã (ad incitas reductus, tới mức cùng hay không còn cách nào khác) – xem hình chụp bên dưới

clip_image020Taberd (1838)

clip_image022 Taberd (1838)

Các tài liệu sau thời Béhaine bắt đầu dùng cùng chẳng đãcực chẳng đã, thời Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo 1932/1954) thì rất ít thấy dùng cùng chẳng đã cho đến ngày nay (chú ý: "Việt Nam Tự Điển" của tác giả Lê Văn Đức/Lê Ngọc Trụ có ghi cùng chẳng đã – xem thêm phụ chú 10).

3.2 Thuốc đắng đã tật

Câu nói "thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng" ít nhất đã có mặt từ thời LM Béhaine (1772/1773), để ý động từ đã (chữ Nôm 㐌) và tật 疾 trong hình chụp bên dưới:

clip_image024

Tự điển Béhaine (1772/1773) – tự điển Taberd chép lại hoàn toàn mục ‘đắng’.

Tục ngữ trên có nhiều dị bản: (a) thuốc đắng tật, lời thật mất lòng; (b) thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng; (c) thuốc đắng tật; (d) thuốc đắng đả (đả dấu hỏi) tật; (e) thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng; (f) thuốc đắng tật, sự thật mất lòng, v.v. Các tài liệu như tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838), Theurel (1877), Génibrel (1898), Huỳnh Tịnh Của (1895) cho đến Việt Nam Tự Điển[10] (1932/1954), Gustav Hue (1937) đều ghi là "thuốc đắng đã tật", Bonet (1899) ghi "đã bệnh" nghĩa là khỏi hay hết bệnh. Vài thành ngữ hay tục ngữ khác trong tiếng Việt cũng cho thấy nét nghĩa khỏi (hết) bệnh như "đau chóng, đã chầy", "khó muốn giàu, đau muốn đã" (Việt Nam Tự Điển, sđd). Nên nhắc lại ở đây là cách dùng "đã tật" (khỏi bệnh) đã hiện diện ít nhất từ năm 1651 khi PGTN ra đời. Khuynh hướng biến âm đ – d giải thích phần nào khả năng đã trở thành dã, giã như đao – dao, kín đáo – kín dáo (VBL), động – dộng, (thợ) đào -dào, (cây) đa – da, đêu – dêu (Deus, Thượng Đế), đã – dã (giã, rã)… Xem thêm chi tiết về tương quan đ – d trong bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy… dộng chúa (phần 30)" cùng tác giả (NCT). Sáu dị bản trên đều có thể giải thích được, tuy nhiên không phù hợp với nghĩa nguyên thủy và không có ‘văn bản’ minh chứng. Dị bản (f) là thường gặp hơn hết "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng": dã là làm cho bớt hay giảm đi (td. dã rượu, dã độc) nhưng không cân xứng với câu sau là "sự thật mất lòng", mất là làm cho biến đi hay không còn hiện diện nữa. Dã bệnh chỉ làm cho bệnh tình nhẹ đi chứ không hoàn toàn biến mất. Ngoài ra dã viết bằng chữ Nôm là chữ tả 瀉 hoàn toàn không có văn bản để dẫn chứng so với chữ đã 㐌. Cũng có một số giải thích bằng dạng giã (giã nát ra, làm tan nát chứng bệnh), tuy nhiên cách dùng này không thấy trong văn bản; ngoài ra nếu giã hàm ý giã biệt/từ giã rời (khỏi) bệnh thì cũng khó hiểu vì bệnh tật thì có gì lưu luyến để mà từ giã như một liên hệ thâm giao. Nếu dùng rã hay đả (đả HV hàm ý đánh cho bệnh tật tiêu tan đi) thì cũng không thấy văn bản nào dùng để minh chứng. Dị bản (e) có các khác biệt là dã thay vì đã, nói thay vì lời[11]: động từ nói không cân xứng với danh từ thuốc của câu trước. Đắng là tính từ đối rất chỉnh với thật cũng là một tính từ, còn thuốc và lời (~ câu văn) đều là danh từ – thuốc đắng thì cân xứng với lời thật vì đều nằm trong phạm trù cụ thể và ta luôn nếm hay nghe/nắm bắt được.

Cũng nên ghi lại ở đây là vào thời LM Béhaine (Đàng Trong) dùng đã bịnh thì Philiphê Bỉnh (Đàng Ngoài) cũng dùng động từ đã bệnh (hết bệnh) – hình sau chụp từ Sách Sổ Sang Chép Các Việc trang 71. Để ý trong đoạn văn ở dưới, LM Bỉnh dùng các câu HV "độc dược khổ khẩu" và "trung ngôn nghịch nhĩ", có lẽ trích từ tài liệu Hán cổ đại như trong Khổng Tử Gia Ngữ mà học giả Vương Túc (195 – 256) phát hiện và biên soạn lại. Trích ra từ Lục Bổn 良藥苦於口而 利於病 忠言逆於耳而利於行 lương dược khổ ư khẩu nhi lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch ư nhĩ nhi lợi ư hành (tạm dịch/NCT thuốc tốt thì đắng miệng/khó uống nhưng chữa được bệnh, lời ngay/thật thì nghịch/chói tai nhưng lại được/xong việc).

clip_image026

Cũng vào thời LM Philiphê Bỉnh thì LM Josepho Maria Morrone (người Ý) có trao cho trung úy hải quân Mỹ John White – khi đi tàu vào thăm Sài Gòn (1819) – một bảng từ vựng Việt La Tinh trong đó ghi hai cách dùng đã (khỏi/hết bệnh): "Con đã đã chưa?" (con đã khỏi bệnh chưa?) và "Ai đã chữa mày đã?" (ai đã chữa mày khỏi bệnh?) – hình dưới chụp lại đoạn này

clip_image028LM Morrone (sđd)

Trong tự điển Việt – La Tinh (1977), Theurel ghi rõ là đã bệnhđã tật là tương đương[12] (id. viết tắt của chữ La Tinh idem, nghĩa là giống nhau, tương đương); sanari nghĩa là đã được chữa lành (< động từ L sano = chữa, chữa lấy, làm cho lành, làm cho đã theo Taberd).

clip_image030đã bệnh = đã tật (Theurel/1877)

Tóm lại, đã từng có nghĩa là hết/khỏi/lành bệnh từ thời VBL cũng như tật dùng để chỉ bệnh. Trong các tài liệu bằng chữ Nôm và chữ quốc ngữ (td. VBL, PGTN, các thư viết tay) cho thấy nên tật hay phải tật nghĩa là bị hay mắc bệnh trong tiếng Việt hiện đại. Do đó đã tật là (chữa) hết bệnh và đã đã là đã hết bệnh. Một hệ luận trực tiếp từ các dữ kiện này là ta có thể hiểu được rành rẽ câu nói[13] "thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng". Các dị bản từ câu trên phản ánh tư duy và ngôn ngữ thay đổi trong vòng bốn thế kỷ nay: khuynh hướng biến âm đ – d, các âm và nét nghĩa gần nhau của lành bệnh so với đỡ hay bớt bệnh (dã bệnh, giảm hay rã bệnh, đả hay "đánh" cho bệnh bớt đi). Hi vọng bài viết này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về hiện tượng thay đổi ngôn ngữ thú vị này. Câu nói "nghèo sinh bệnh, giàu sinh tật" sẽ làm cho người VN ngỡ ngàng khi phát ngôn vào TK 17, và ngược lại người VN vào TK 21 cảm thấy lạ lùng với câu hỏi "con tao đã giờ nào?" (KNLMPS trang 107) khi tao từng là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất dùng một cách rất lịch sự và đã là khỏi/hết bệnh!

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) "Sách Sổ Sang Chép Các Việc" NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) "Phép Giảng Tám Ngày", "Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị" … Các tài liệu viết tay của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Nguyễn Đình Hiền (2017) "TÌM HIỂU THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ TIẾNG VIỆT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA QUY LUẬT VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN" đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 34, Số 1 (2018) 91-105.

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

8) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập" (ĐCGS), "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện” (CTTr) từ tháng giêng đến tháng mười hai. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

9) Josepho Maria Morrone (khoảng đầu TK 19) "Lexicon Cochin-sinense Latinum" đăng trong cuốn "A Dissertation on the nature and character of the Chinese system of writing" viết bởi nhà ngôn ngữ Mỹ Peter Stephen Du Ponceau (1838), in lại bởi NXB Kessinger Publishing. Kèm thêm bảng từ vựng căn bản có 333 chữ Nôm và chữ quốc ngữ với giải thích về cấu trúc và nghĩa.

10) Vũ Đức Nghiệu (2019) "Biến đổi ngữ nghĩa với quá trình ngữ pháp hóa của một số từ làm thành tố phụ trong ngữ vị từ tiếng Việt" đăng trong tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn; Tập 5, Số 6 (2019), tr.660-684.

11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (1838).

13) J. S. Theurel (1877) "Dictionarum Anamitico-Latinum" LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

14) Nguyễn Cung Thông (2021) “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa (phần 30)" (NCT: đặc biệt về tương quan đ – d như đao dao, đã dã…) có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2021/06/17/tieng-viet-tu-tk-17-tho-dao-tho-ren-tho-may-dong-chua-phan-30/, v.v.

(2019) "Tiếng Việt thời LM de Rhodes – vài nhận xét về cách dùng thì hiện tại/tương lai/quá khứ (phần 16)" có thể đọc toàn bài trên trang này http://www.daophatngaynay.com/vn/tin-tuc/trong-nuoc/28529-tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-vai-nhan-xet-ve-cach-dung-thi-hien-tai-tuong-lai-qua-khu-phan-16.html, v.v.

(2020) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – từ nhà thương đến nhà thương xót và nhà tình thương, bệnh viện (phần 25)" có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://cvdvn.net/2020/10/07/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-tu-nha-thuong-den-nha-thuong-xot-va-nha-tinh-thuong-benh-vien-phan-25/

15) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi.


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Đây là một loại thì quá khứ đặc biệt trong ngữ hệ Ấn Âu (thường gọi là thì quá khứ hoàn thành/pluperfect) chỉ một hoạt động hoàn thành trước một hoạt động khác và dùng thì quá khứ hoàn thành, hoạt động hoàn thành sau thì dùng thì quá khứ đơn. Khái niệm này xa lạ với tiếng Việt, đa phần dùng trạng từ hay phó từ chỉ thời gian để làm mốc (hiểu ngầm), v.v. LM de Rhodes/cộng sự viên đã dùng ngữ pháp La Tinh "Plus quam perpectum" (thì quá khứ hoàn thành, viết tắt là pluperfect/A hay Le Plus-Que-Parfait/P, tiếng Pháp viết gần tiếng La Tinh hơn) để hiểu rõ cú pháp tiếng Việt. Sự phân chia thời gian rất chi tiết và có khuynh hướng định lượng theo ‘tư duy phân tích’, phản ánh qua ngữ hệ Ấn-Âu, làm tăng số thì/tense và thể/aspect trong ngữ pháp: td. tiếng Anh có 12 thì, tiếng Pháp có 9 thì (ngoại trừ thức giả định và điều kiện)… Trong một câu khi có trạng từ thời gian (td. bây giờ, ngày mai, hôm qua) thì ‘tư duy tổng hợp’ có khuynh hướng ‘coi nhẹ đi’ (hay trở nên không bắt buộc, được "điều chỉnh") chức năng của các phụ từ chỉ thời gian đã/đang/sẽ; đây là một tính chất đặc biệt của cách nhìn tổng quát hơn khi các thành phần trong câu có khả năng ảnh hưởng lẫn nhau để hiểu rõ toàn (văn) cảnh, thí dụ như khi so sánh các tiếng Việt, Pháp và Anh qua câu

Sáng nay tôi đi chợ sau khi giặt quần áo (V – có thể thêm phó từ xong sau hay đã trước "giặt quần áo")

J’ai fait du shopping ce matin. J’avais déjà fait la lessive (P)

I went shopping this morning. I had already done the laundry (A)

Sáng nay tôi đi chợ sau khi giặt quần áo (V – có thể thêm phó từ xong sau hay đã trước "giặt quần áo"), v.v.

[3] Âm trung cổ của xu tra 樞 槎 là *chu *xe, gần với âm đọc theo tiếng Bồ Đào Nha/Tây Ban Nha của tên riêng José (cha của ĐCGS), tiếng Anh là Joseph, tiếng Ý là Guiseppe, Iosif (Rumanian), v.v.

[4] Lịch sử giáo xứ Ba Làng có ghi lại rằng: vào ngày lễ Thánh Giu-se 19/3/1627, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Marquez, trên đường ra giảng đạo tại Đàng Ngoài, đã đặt chân lên Cửa Bạng thuộc làng Do Xuyên, nay thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Sau hơn hai tháng giảng đạo, các thừa sai đã rửa tội được 32 người.

[5] Việt Nam Tự Điển (sđd) giải thích bệnh mà chữa không được thì gọi là tật, trong khi Tự Điển HV của học giả Thiều Chửu ghi "mình mẩy không được dễ chịu gọi là tật 疾, nặng hơn nữa gọi là bệnh 病". Cách hiểu sau cũng thường gặp trong tiếng Trung (Quốc) hiện đại: tật chỉ triệu chứng ban đầu (không bình thường) của cơ thể và nếu không chữa thì càng nặng hơn và trở thành bệnh, v.v.

[6] Năm 1873, bác sĩ Hansen (người Na Uy) tìm ra được nguyên nhân gây bệnh cùi là vi khuẩn Mycobacterium leprae thành ra bệnh cùi từ đó còn gọi là Hansen’s disease, tiếng Trung là 漢生病 (Hán Sanh bệnh) so với các cách dùng thời trước là lại phong, lệ phong 癩病、癘風 (td. trên các thẻ tre tìm thấy ở tỉnh Hồ Bắc năm 1975).

[7] Cho đến thời Béhaine/Taberd (1772/1773-1838), Trương Vĩnh Ký (1884) Đàng Trong vẫn dùng tật phung (bệnh cùi) so với bệnh phong (kinh phong), Theurel (1877, Đàng Ngoài) dùng bệnh phong, tật phong (bệnh cùi). Tới cuối TK 19 thì dạng phong trở thành phổ thông hơn.

[8] Tiếng Trung (Quốc) có các thành ngữ bốn chữ tương đương như 無可奈何 vô khả nại hà, 莫可奈何 mạc khả nại hà, 無可如何 vô khả như hà, 無計奈何 vô kế nại hà, 迫不得已 bách bất đắc dĩ (hiện diện từ thời Hán Thư trong Vương Mãng Truyện, tiếng Việt thường dùng dạng "bất đắc dĩ").

[9] TCTGKM trang 23 "bởi sự có cùng thì ta sang sự chẳng cùng", VBL trang 146 "có cùng", PGTN trang 8, 39 "cho ngày sau chúng tôi được sống lâu vô cùng… ĐCT có phép vô cùng mà chớ…”, v.v.

[10] Thuốc đắng đã tật cũng được ghi trong "Việt Nam Tự Điển" Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (hiệu đính) – nhà sách Khai Trí xuất bản (Sài Gòn, 1970). Trước năm 1975, sách này và Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) là hai tự điển chính thường được tham khảo trong miền Nam VN.

[11] Tham khảo dị bản (e) "thuốc đắng tật, nói thật mất lòng" trên báo Sự thật số 109, ra ngày 15 tháng 4 năm 1949 trong bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của tác giả L.T (~ Hồ Chí Minh) – xem trang này chẳng hạn https://www.youtube.com/watch?v=ldaD3lXo8BM hay https://sv.ctvc.edu.vn/loi-bac-ho-day-thuoc-dang-da-tat-noi-that-mat-long/, v.v.

[12] Trước đó Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) ghi đã bênh là convalescere (lành bệnh) còn đã tật là e morbo evadere (khỏi bệnh), để ý là trong tự điển La Tinh – Việt (1838) thì Taberd cũng ghi convalesco/convalescere là đã bịnh, lành đã, thuyên, an thuyên…

[13] So với thành ngữ HV bốn chữ 药苦口 lương dược khổ khẩu, tiếng Nhật cũng có thành ngữ 良薬は口に苦しhay tiếng Hàn 좋은 약은 입에 쓰다 đều hàm ý thuốc tốt thì đắng miệng… Có thể xem bài viết về một nguồn gốc vào buổi đầu thời nhà Hán (thời Lưu Bang/Phàn Khoái/Trương Lương) liên hệ đến các câu này trên trang này chẳng hạn https://tinhhoa.in/nguon-goc-cau-thanh-ngu-thuoc-dang-da-tat-su-that-mat-long.html, v.v. Điều đáng chú ý là VBL ghi các mục sau đây riêng biệt: thuốc, đắng, khổ (đắng), khẩu, miệng, đã, tật, lành, khỏi, hết – điều này cho thấy khả năng rất cao là câu nói thuốc đắng đã tật đã hiện diện hay hoàn toàn không khó hiểu (như trong tiếng Việt bây giờ) vào thời LM de Rhodes.

Comments are closed.