Tiếng Việt từ TK 17: “nên mười tuổi” và “nên hoa” (phần 32)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng nên so với lên vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các âm này được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, từ thời Việt Bồ La thì nước Việt đã mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau và khuếch đại các sự khác biệt trong ngôn ngữ như phương ngữ Nam bộ (tiếng Nam Kỳ) so với Bắc Bộ. Do đó các nhân tố địa-chính-trị đã đóng phần không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại, thí dụ như cách nói "nên mười tuổi", cùng với khuynh hướng "chuẩn hóa" tiếng Việt so với hiện tượng lẫn lộn n và l mà một số tác giả cho là ‘nói ngọng’ đều liên hệ phần nào đến chủ đề bài này. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, chẳng hạn như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Các bản Nôm của LM Maiorica là TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), ĐCGS (bộ Đức Chúa Giê Su). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

Bài viết này bàn về các phụ âm đầu lưỡi tắc/xát n và l trong tiếng Việt. đặc biệt là trường hợp các chữ nênlên. Một số cách dùng không thay đổi sau 4 TK như cho nên, dựng nên (~ tạo ra) và trèo lên (mang tính chất cụ thể/hoạt động của thân thể) so với một số cách dùng khác. LM de Rhodes từng nghe các giọng khác nhau từ Đàng Trong đến Đàng Ngoài, ngay cả các tiếng Nhật và Trung (Hoa) qua trải nghiệm cá nhân mình, nhất là trường hợp của phụ âm đầu lưỡi L – nên ông đã ghi lại nhận xét như sau "L, thông dụng rất nhiều ở đầu tiếng, thí dụ lá folium (lá cây); chữ này, người Nhật Bản thiếu hoàn toàn, cũng như người Trung Hoa thiếu r. Bởi đấy nên ghi nhận qua rằng người Đông Kinh phát âm đúng hơn người Nhật Bản và người Trung Hoa, đàng khác người Đông Kinh có l, âm lỏng, được thêm vào những phụ âm khác, thí dụ blả solvere (trả); và mặc dù ở một đôi tỉnh hay miền người ta đọc t thay vì b, thí dụ tlả solvere (trả) nhưng ở kinh đô thì thông dụng b; l còn thêm vào sau m, thí dụ mlẽ ratio (lý lẽ); đôi khi nhưng khá họa hiếm người ta còn thêm l vào p, thí dụ plàn devolvere (lăn, tràn), người khác đọc là làn không có p. Nhưng l rất hay được thêm vào chữ t, thí dụ tla condire (tra đồ gia vị) tle canna indica (cây tre) nhưng nhiều người phát âm nhiều tiếng tương tự như vậy bằng t, điều đó thói quen sẽ dạy bảo", hết trích từ bản dịch VBL (sđd).

1. "Nên mười tuổi" hay "Nên… tuổi"

LM de Rhodes đã ghi cách dùng "nên mười tuổi" trong VBL (trang 513) hay gọi là cấu trúc "nên… tuổi" trong bài này – xem hình chụp bên dưới cùng với các cách dùng nên phung (bị phong cùi) nên huê (nên hoa, lên đậu) và nên sán ~ tật sán (cồn dạ, VBL trang 675):

clip_image002VBL trang 513

Nên (nên mười tuổi) xuất hiện 1 lần trong VBL trang 513, so với 3 lần xuất hiện trong PGTN "khi ông Noe nên sáu trăm tuổi… Khi đã nên ba tuổi… Có con nên mười hai tuổi" trang 99, 146, 186. Các bản Nôm của LM Maiorica cũng hoàn toàn dùng chữ niên HV 年 để kí âm chữ nên, td. "Đến khi người ấy nên mười bốn tuổi" Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông trang 127; "Vì chưng khi nên bốn tuổi… Vậy người nên sáu tuổi… Khi người nên bảy tuổi thì hãm mình lắm… đến khi nên mười hai thì dốc lòng bỏ sự thế gian mà đi lên rừng bắt chước các Thánh xưa… Vậy khi Đức Bà đã nên ba tuổi… Thằng ấy đã nên hai mươi tuổi" Các Thánh Truyện Tháng Mười Một trang 25, 26, 52, 103 và 151. Ngay cả các tài liệu chép tay của thầy giảng Igesico Văn Tín (12/9/1659) dùng "nên[2] hai cái (mụn) độc lắm", hay của thầy giảng Bento Thiện (25/10/1659) cũng dùng nên sáu tuổi, nên ba tuổi so với (vua) lên trị, lên thiên đàng – xem hình chụp bên dưới:

clip_image004

Thủ bút của Bento Thiện (25/10/1659, sđd) – để ý ‘nên sáu tuổi’, ‘nên tật’ và ‘lên trị’

Câu "Bua (vua, viết hoa) Lê hoàn (không viết hoa chữ hoàn) trị được mười hai năm[3] nên tật mà chết" trong đoạn này đáng chú ý: nên tật là ‘bị bệnh/mắc bệnh’ theo nghĩa tiếng Việt hiện đại. Các dữ kiện này dẫn đến một kết luận là vào TK 17, tiếng Việt đã dùng nên để chỉ lên bao nhiêu tuổi (theo cách nói hiện đại). Một điểm đáng chú ý ở đây là các tác giả đương đại phiên âm chữ Nôm của LM Maiorica có lúc dùng lên thay vì nhất quán là nên, cũng như các tác giả[4] từng phiên âm Thiên Nam Ngữ Lục như sau – bài này chỉ đưa ra một thí dụ tiêu biểu ở đây. Td. câu 4566 – Thiên Nam Ngữ Lục:

clip_image006

Tuổi lên bảy tám mới cho học hành

Nên phân biệt cách dùng nên (tuổi) và khả năng lẫn lộn phụ âm đầu lưỡi n-l đã hiện diện vào thời VBL, qua các cách dùng lăm ~ năm, nám nám ~ lám lám (so với lẳm lẳm) nám ~ lámnử ~ lử – xem các trang chụp lại bên dưới:

clip_image008VBL trang 396

clip_image010VBL trang 503

clip_image012VBL trang 571

clip_image014VBL trang 395

Như vậy là VBL đã nhận ra bốn trường hợp lẫn lộn n-l, khó có thể xem là ngẫu nhiên được!

2. Lẫn lộn n và l – nhìn rộng ra hơn

2.1 Từ góc độ không gian và thời gian

Hai phụ âm có cách phát âm khá giống nhau từ vị trí của đầu lưỡi cho đến độ mở miệng, tuy nhiên n là âm mũi còn l là âm bên. Các ngôn ngữ Tây phương thường tận dụng phụ âm đầu và âm (bật) hơi cũng như các tổ hợp phụ âm như sn-, sl-, fl-, bl-, kl-: td. tiếng Anh và Pháp có rất ít trường hợp lẫn lộn n và l. Từ góc độ lịch đại, niveau tiếng Pháp[5] có nghĩa là mức, dụng cụ đo (thăng bằng) và niveler là san bằng; niveau có gốc La Tinh là libella. Khi nhập vào các ngôn ngữ như tiếng Đức, Hà Lan, Dan Mạch, Pháp, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thì đều có phụ âm đầu n thay vì l, so với tiếng Anh vẫn duy trì phù âm đầu l qua dạng level. Trở lại với các ngôn ngữ ở Á Châu, lẫn lộn n-l trở nên rõ nét khi so sánh một số phương ngữ[6] Nam hay Trung bộ của TQ như tiếng Phúc Kiến, Triều Châu, Cám (Gan), Tương (Xiang)… Khuynh hướng lẫn lộn này còn hiện diện trong tiếng Hàn[7], một số vùng ở duyên hải Bắc bộ VN. Thí dụ như chữ nam 南 (thanh mẫu nê 泥 vận mâu đàm 覃 bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

那含切, 音男 na hàm thiết, âm nam (TVGT, ĐV/QV, TV, LT, VH, TG 字鑑, CV, TVi, CTT)

奴含切 nô hàm thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 監咸 giam hàm (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 南 男 柟 楠 諵 喃 聃 (nam đam)

那沿切, 音年 na duyên thiết, âm niên (TVi) – duyên đọc là yán, yàn (BK bây giờ), niên đọc là nián (BK bây giờ). CTT cũng ghi 音年 âm niên

乃林切 nãi lâm thiết (CV, TVi)

尼心切,音寧 ni tâm thiết, âm ninh (CTT, KH), v.v.

Giọng BK bây giờ là nán so với giọng Quảng Đông naam4 laam4 naam2 naa1 laam2 naa4 laa4 laa1 lam4 và các giọng Mân Nam 客家话: [宝安腔] lam2 [梅县腔] nam2 [陆丰腔] nam3 [客英字典] nam2 [东莞腔] lam2 [客语拼音字汇] nam2 [海陆丰腔] nam2 [台湾四县腔] nam2 [沙头角腔] lam2 (xem thêm phần dưới về cách đọc An-nam) 潮州话:nam5 (nâm) 澄海」nang5「潮州、饶平」lam5, giọng Mân Nam/Đài Loan lam5, Tiếng Xiang (Tương) lan2; tiếng Nhật nan dan và tiếng Hàn nam.

Vết tích lẫn lộn n-l còn thấy trong tự điển[8] Anh ngữ – Sa Đầu 沙頭/沙 xuất bản vào năm 1883 tại nơi này (Quảng Châu): An-nam ghi là An-lâm – xem hình chụp trang 45 bên dưới

clip_image016

Lẫn lộn n-l hiện diện trong các giọng Quảng Đông, Hẹ (Triều Châu) … Như nông (nông nghiệp) còn đọc là nung4 lung4 (giọng Quảng Đông), lung2 nung2 (Hẹ), long5 (Mân Nam/Đài Loan)… So với nóng (nong2 – giọng Bắc Kinh), v.v.

Giọng Hẹ (phần tô đậm trên bản đồ, ở tỉnh Phúc Kiến TQ, bờ biển Quảng Đông … thuộc Mân Việt cổ đại) cũng như khu Bắc Trung Bộ (giáp biển, mà tác giả Phạm Thị Hoài[9] gọi là "thánh địa của tôn giáo nờ cao nờ thấp"): có khuynh hướng lẫn lộn n-l rõ nét nhất trong các phương ngữ TQ hiện nay. Thành ra hiện tượng lẫn lộn n-l không chỉ giới hạn ở Bắc Trung Bộ VN và vào những thập niên gần đây!

Đi ngược dòng thời gian xa hơn nữa, đảo Hải Nam 海南 từng được ghi là Khai Lan 開闌 trong bản đồ Hồng Đức (khoảng 1490) – phản ánh lẫn lộn n và l vào thời này:

clip_image018

Bản đồ trích từ trang 5 "Hồng Đức Bản Đồ" Bộ Quốc Gia Giáo Dục (Sài Gòn, 1962).

clip_image020

Bản đồ các phương ngữ Mân (Nam) theo các tác giả Stephen Adolphe Wurm/Li Rong trong cuốn Language Atlas of China (1987/1989).

2.2 Từ góc độ chức năng của chữ

VBL ghi rõ là khi năm đứng sau mười thì phải dùng lăm. Điều này cho thấy hai dạng năm và lăm có thể dùng như nhau, hai hai phụ âm đầu n và l có thể thay đổi cho nhau trong trường hợp này. Hiện tượng này cũng hiện diện trong trường hợp "nòng súng" và "lòng súng" (xem mục 5.6), tuy nhiên nòng súng đã trở thành phổ thông trong tiếng Việt hiện đại. Do đó, có thể xem n và l là hình vị biến thái (allomorph, tha hình vị?). Đây là trường hợp rất hiếm trong loại hình ngôn ngữ đơn lập (isolating language, td. tiếng Việt) so với các ngôn ngữ thuộc loại hình chắp dính[10] (agglutinative/synthetic language, td. tiếng Anh, Pháp) rất dễ nhận diện. Lại một cách giải thích tại sao năm trở thành lăm là khuynh hướng phát âm sao cho dễ (thuận) trong một chuỗi âm thanh: phụ âm tắc đầu lưỡi như n cần vị trí lưỡi/họng phức tạp hơn là phụ âm xát l với sẵn luồng hơi đi từ cuống họng đi ra ngoài.

năm – lăm – dăm – nhăm – rằm – nắm (nhắm VBL) – đấm các dạng liên hệ đến năm (1)

2.3 Các ngôn ngữ Tây phương khai thác triệt để phụ âm đầu lưỡi và sự lẫn lộn n-l trở nên rất hiếm. Thí dụ như tiếng Pháp niveau (mức, trình độ, máy kiểm mức ngang…) có gốc La Tinh là libella và liên hệ đến tiếng Anh level.

3. Cách nói "nên… tuổi" theo dòng thời gian từ thời VBL

3.1 TK 18 và đầu TK 19 (Philiphê Bỉnh – Đàng Ngoài)

Cho đến TK 18 và đầu TK 19, cách nói "nên… tuổi" hiện diện rất rõ trong các bảng chép tay bằn chữ quốc ngữ của LM Philiphê Bỉnh và đồng sự, td. trích một đoạn văn từ Sách Sổ Sang Chép Các Việc – phản ánh tiếng Việt Đàng Ngoài

clip_image022

Sách Sổ Sang Chép Các Việc – trang 375

Các tự điển của LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838) vào cùng thời đại của LM Philiphê Bỉnh ở Đàng Ngoài cũng cho thấy cấu trúc "nên… tuổi" – phản ánh tiếng Việt Đàng Trong. Tuy nhiên vào giữa hậu bán TK 19, Đàng Ngoài cho thấy cách dùng "lên… tuổi", tuy vẫn còn duy trì cách dùng nên một, nên hai. LM Theurel (1877) đã ghi hai cách dùng nên (cho một và hai tuổi), nhưng lên cho các tuổi như ba, bốn, năm, sáu – xem hình chụp trang 235 bên dưới – Dictionarium Anamitico-Latinum (Theurel, sđd):

clip_image024

So với cách dùng nên một, nên hai (từ tự điển Béhaine, Taberd mà Theurel dùng làm tài liệu chính, ông vẫn giữ nguyên các mục này) – xem hình chụp trang 297 bên dưới – Dictionarium Anamitico-Latinum (Theurel, sđd):

clip_image026

Đến cuối TK 19 thì cấu trúc "lên… tuổi" đã trở thành phổ thông ở Đàng Ngoài, khác với cấu trúc "nên… tuổi" ở Đàng Trong – thí dụ như trong tự điển của LM Vallot (1898), hay Quảng Tập Viêm Văn của tác giả Nordemann (1898, Hà Nội sđd):

clip_image028Vallot/1898

clip_image030

Quảng Tập Viêm Văn – Nordemann (1898 – Hà Nội)

Một dữ kiện đáng chú ý là trong tài liệu chép tay Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục 南國方言俗語備錄 (khoảng năm 1914), ta vẫn còn thấy cách dùng[11] nên để chỉ lên (so với cách dùng nên vào thời VBL/1651 và ở Đàng Trong):

clip_image031

Nam Quốc Phương Ngôn Tục Ngữ Bị Lục 南國方言俗語備錄 (khoảng 1914) – trích từ trang này http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/74/page/8.

3.2 Khi chương trình học chữ quốc ngữ trở nên phổ thông

Ngày 1/4/1919, khoa thi Hội cuối cùng, tức khoa Kỷ Mùi được tổ chức, đánh dấu thời điểm sau cùng của chương trình học chữ Nho ở VN. Dĩ nhiên là chương trình học chữ quốc ngữ (và tiếng Pháp) bắt đầu nở rộ, và trong giai đoạn này các học giả tiên phong cũng cố gắng "chuẩn hóa" chính tả tiếng Việt. Trong xu hướng trên, một số sách giáo khoa bằng chữ quốc ngữ ra đời. Thí dụ như "QUỐC-VĂN. GIÁO-KHOA THƯ (sách tập đọc và tập viết) LỚP ĐỒNG-ẤU". ​Sách này do Nha Học-Chính Đông-Pháp đã giao cho ông TRẦN-TRỌNG-KIM, ông NGUYỄN-VĂN-NGỌC, ông ĐẶNG-ĐÌNH-PHÚC và ông ĐỖ-THẬN soạn – in lần thứ tám (1935). Một dữ kiện đáng chú ý từ tài liệu này là nhận xét về cách dùng nên ở "Nam-Kỳ" so với lên trong cách dùng "lên bảy" – xem các hình chụp bên dưới:

clip_image033Trang 39 sđd.

clip_image035Trang 4 sđd.

Như vậy là cho đến những thập niên 1920, 1930 thì trong Nam vẫn duy trì cấu trúc "nên… tuổi" từ thời VBL của TK 17 so với ngoài Bắc đã quen với cấu trúc mới hơn "lên… tuổi", đặc biệt là qua một số sách giáo khoa dạy tiếng Việt một cách "chính thức".

4. Nên hoa (‘nên hŏê’ VBL)

clip_image037VBL trang 328

clip_image039

Tự điển Bồ Việt dựa vào VBL – bản chép tay (cuối TK 18 – đầu TK 19) cho thấy ‘đậu’ đã được dùng, dù VBL chỉ dùng ‘nên hoa’. Bản chép lại này có hiệu đính[12].

clip_image041VBL trang 651

Trang 513 VBL (xem hình chụp lại ở phần trước) ghi cách dùng "con nên hoa (hŏê)" nghĩa là đứa con bị lên đậu[13] (trái rạ, ban). Bệnh thủy đậu thường xẩy ra cho trẻ em cho nên VBL mới ghi cách dùng này, để ý là chữ nên đã được dùng so với lên (lên đậu) trong tiếng Việt hiện đại. Tuy nhiên đến cuối TK 18 và đầu TK 19 thì đã xuất hiện cách dùng "lên trái, lên giống, lên sưởi" ở Đàng Trong qua tự điển của LM Béhaine (1772/1773) và Taberd (1838). Tuy dựa vào tự điển Taberd, như LM Theurel đã thêm các dạng ở Đàng Ngoài là “lên đậu, lên hoa, lên tốt, lên mùa” (variolis laborare/L – mục lên). Vào cuối TK 19, học giả Huỳnh Tịnh Của còn thêm cách dùng "lên bông" (cùng với lên hoa, lên trái, lên giống – phản ánh tiếng Việt Nam Kỳ), điều đáng chú ý là ông vẫn ghi cách dùng "nên trái" ở mục nên và mục trái. Như vậy là cuối TK 19, ở Đàng Trong vẫn còn vết tích lẫn lộn nên trái và lên trái:

clip_image043

Trích một phần của mục lên, trang 464 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (sđd).

Tóm lại, các tài liệu ở Đàng Trong cho thấy cách dùng lên (trái) đã xuất hiện so với nên và sau đó Đàng Ngoài cũng dùng lên tuy có những sự khác biệt như ‘lên hoa’ so với ‘lên bông’.

5. Bàn thêm về liên hê lịch đại của phụ âm đầu n và l

5.1 Tân lang HV 檳榔 là cây cau. An Nam Chí Lược từng ghi lại phong tục đãi khách bằng trầu cau: "Đắc khách dĩ tân lang 得客以檳榔". Tân đọc là bīn, bīng (giọng BK bây giờ) so với các giọng QĐ ban1, bin1 và giọng Hẹ bin1 ben1, tiếng Nhật và Hàn vẫn duy trì dạng bin – chỉ có tiếng (Hán) Việt cho ra dạng tân (biến âm b/p thành t là hiện tượng Trùng Nữu). Tân lang (bīn láng BK) có gốc là tiếng Mã Lai/Inđônêsia pinang (nghĩa là cây cau) và phụ âm đầu n- đã trở thành l-, có thể là cây cau nhập qua các vùng biển trước như Triều Châu/TC nên mang theo sự lẫn lộn giữa n và l; lang giọng Hẹ hay TC có thể đọc là long2 hay nong2, để ý tiếng Thành Đô/Tứ Xuyên cũng đọc là nang2. Pinang còn là tên hai hải đảo (tây bắc Mã Lai và phía đông tỉnh Johor của Mã Lai) vì là nơi trồng nhiều cau. Đảo Pinang/Penang (Pulo Pinang) từng được ghi là Binh long đảo theo Génibrel (1898):

clip_image045Génibrel/1898 (trang 39, sđd)

Dạng binh lang (xem hình chụp trên) gần với âm Hán trung cổ hơn, tuy cách đọc lang (tân lang) và long (Binh long đảo ~ đảo Pinang) cho thấy lẫn lộn n-l đã hiện diện từ lâu đời và cho đến gần đây hơn. Tục ăn trầu ở Việt Nam đã được ghi nhận trong các tài liệu Hán cổ từ thế kỷ II TCN. Tiếng Hán Việt tương ứng với trầu là phù lưu – được Tả Tư 左思 (250-305) nhắc đến trong Ngô Đô Phú (吳都賦): 石帆水鬆, 東風扶留 : thạch phàm thủy tôngđông phong phù lưu… Hay Ngô Vạn Chấn 吳萬震 thời Tam Quốc từng ghi nhận trong Di Vật Chí (異物誌) là 古賁灰, 牡礪灰也。 與扶留 檳榔三物合食, 然後善也。 扶留籐, 似木防己。 扶留 檳榔, 所生相去遠, 為物甚異而相成。 俗曰:檳榔扶留, 可以忘 cổ bí hôimẫu lệ hôi dãDữ phù lưutân lang tam vật hiệp thựcnhiên hậu thiện dãPhù lưu đằngtự mộc phòng kỷPhù lưutân langsở sinh tương khứ viễnvi vật thậm dị nhi tương thànhTục viết‘tân lang phù lưukhả dĩ vong ưu’… 本草綱目》 卷十四)。 吳其浚則據其在湘 粵等地所觀察, 認為扶留無花實, 當地人只取葉裹檳榔而食, 與蒟子有異 植物名實圖考》 卷二五蒟醬、蔞葉Bản Thảo Cương Mục quyển thập tứ Đãn ngô kì tuấn tắc cứ kì tại tươngĐiềnViệt đẳng địa sở quan sátnhận vi phù lưu vô hoa thậtđương địa nhân chỉ thủ diệp khoả tân lang nhi thựcdữ củ tử hữu dị kiến Thực vật danh thực đồ khảo quyển Nhị Ngũ “củ tương”, “lâu diệp”, v.v. Cũng được ghi nhận trong Thục Kí, Thuỷ Kinh Chú, Giao Châu Kí, Quảng Châu Kí, Hồng Lâu Mộng… Và hiện diện trong An Nam Chí Lược (Lê Tắc), Lĩnh Nam Chích Quái (Trần Thế Pháp), Vân Đài Loại Ngữ (Lê Quí Đôn), v.v. Trong Đồng Khánh Địa Dư Chí có 31 địa danh mang tên Phù Lưu (tập trung ở Bắc Ninh, Thanh Hoá… phản ánh phần nào nơi trồng và xuất phát món ăn này).

5.2 Chữ noãn có các cách đọc (thanh mẫu lai 來 vận mẫu hoàn 桓 thượng thanh 上聲, hay vận mẫu qua 戈)

盧管切 lô quản thiết (TVGT, ĐV, LT)

魯管切 lỗ quản thiết (TV, VH, CV, TG, TVi, CTT) – 鸞上聲 loan thượng thanh

力管切 lực quản thiết (NT, QV)

落管反 lạc quản phản (LKTG)

公渾切 công hồn thiết (TV, LT)

公魂切 công hồn thiết (TVi) 音鯤 âm côn

力卷切 lực quyển thiết (TVi) 音孌 âm luyến, v.v.

Giọng BK bây giờ là luǎn (pinyin) so với các giọng QĐ leon2 leon5 lo5, giọng Hẹ lon3 và Triều Châu/TC luang2 hay neng6: giọng TC có khuynh hướng đọc lẫn lộn n và l như tiếng (Hán) Việt. Tiếng Thành Đô/Tứ Xuyên cũng có khuynh hướng lẫn lộn n và l như đọc 卵 là nuan3. Vấn đề trở nên oái ăm khi noãn 卵 (luǎn giọng BK bây giờ theo pinyin) cũng đã từng đọc là loãn (Génibrel/1898, Gustave Hue/1937, Vũ Khoan/Tam Thiên Tự/1908) trong một số tài liệu bằng chữ quốc ngữ cận đại – tuy nhiên các tự điển HV từ thời Đào Duy Anh (HVTĐ/1931 – tái bản nhiều lần), Thiều Chửu (HVTĐ/1942) cho tới nay thì noãn đã thành "chuẩn". Trường hợp noãn (trứng) khác với các chữ noãn HV khác mà âm đọc tương đồng với âm nguồn (~ nuǎn theo giọng BK hiện nay) như noãn 煖 là ấm, noãn 暖 là hơ nóng/hâm… Xem thêm chi tiết các dạng noãn và loãn bên dưới:

clip_image047Génibrel/1898 (trang 492, sđd)

5.3 Chữ loại (thanh mẫu lai 來 vận mẫu chi 脂 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

力遂切,音戾 lực toại thiết, âm lệ (ĐV, TV, VH, CV, LT, TG 字鑑)

律位切 lực vị thiết (NT) – để ý một biến âm của vị là *ngôi

盧對切,音壘 lô đối thiết, âm luỹ (TV)

劣戌切,音律 liệt tuất tiết, âm luật (TV, LT)

力遂切,音淚 lực toại thiết, âm lệ (TVi, CTT)

駱罪切 lạc tội thiết (TV, LT)

郎伏切,音力 lang phục thiết, âm lực (TVi) – lực đọc là lì giọng BK bây giờ so với loại đọc là lì lèi cũng như lệ (theo pinyin), v.v.

Giọng Bắc Kinh bây giờ là lèi so với giọng Quảng Đông leoi6 và các giọng Mân Nam 客家话:[海陆丰腔] lui6 [客英字典] lui5 [沙头角腔] lui5 [陆丰腔] lui6 [梅县腔] lui5 [宝安腔] lui3 [台湾四县腔] lui5 [客语拼音字汇] lui4, tiếng Nhật là rui rai và tiếng Hàn lyu.

Tiếng Tày Nùng có âm nòi là dòng dõi, giống (loài) so với dạng lõi (Mường Bi, loài) và lõi (Mường Bi, cốt lõi). Dạng nòi (giống) của tiếng Tày Nùng và lõi (loại, Mường Bi), cùng với khả năng đọc nội là noi6/loi6 (giọng Quảng Đông3), cho ta dữ kiện để liên kết loại loàinòi: thanh nặng HV loại liên hệ với loài như các cặp sau đây

đạn đàn hội hồi

dụng dùng hạ hè

vận vần tạng tàng

cận gần dụng dùng

thệ thề phận phần

vạn vàn (man, muôn) nhuận nhuần

nguyện nguyền hận hờn

loạn lộn loàn (lăng loàn) biện biền

nạn nàn tận tàn

lệ lề (lề lối) nhị nhì

vị mùi trận trần

vị vì nghệ nghề

ngoại ngoài điện điền

loại loài hội hồi

nệ nề độ dồ, v.v.

Tương quan giữa loài HV và nòi còn có thể thấy trong cách dùng giống nòi và 種類 chủng loại HV. Cụm danh từ chủng loại đã được Hàn Phi Tử (280-233 TCN) và Vương Sung (27-97 SCN) dùng trong các tác phẩm nhiều người biết đến – xem trích đoạn phần dưới – và cũng hiện diện trong Hán Thư, Hậu Hán Thư, v.v.

因氣而生,種類相

Nhân khí nhi sanh, chủng loại tương sản (Vương Sung, "Luận Hành – Vật Thế 論衡·物勢")

種類不壽,數主即世,嬰兒為君……可亡也

Chủng loại bất tử, sổ chủ tức thế, anh nhân vi quân… khả vong dã (Hàn Phi Tử, "Vong Trưng ".

Nên nhắc lại ở đây là giống (< chủng ) vào thời VBL dùng để chỉ các loại đồ dùng/ăn hay thực vật như đã ghi lại trong trang 290: giống ăn (đồ ăn, các thức ăn), giống lọ (các loại lọ), giống hòm (các loại rương chứa đồ), giống thợ (các dụng cụ của thợ) cũng như loài chim, loài người ta (VBL trang 419). Nòi chỉ loài động vật (animalium species/L) như gà nòi/gà chọi – xem hình chụp trang 566 bên dưới:

clip_image049VBL trang 566

5.4 Lẫn lộn n-l trong chữ Nôm

Lẫn lộn n-l không chỉ hiện diện từ thời chữ La Tinh (quốc ngữ) ra đời, nhưng thường gặp hơn trong chữ Nôm như

Nếu chữ Nôm viết là (liễu) còn đọc là lếu, lẻo, niểu…

Neo 鐐 (liêu)

Năn bộ khẩu + chữ lân (lân) 粦 – năn nỉ

Lăm 南五 (nam)

Lên hay 年 (niên – nên)

Lốm bộ thảo + chữ nam (nốm) 南 – Nguyễn Khuyến

Nặn bộ thủ + chữ lân 吝 (lận) Hồ Xuân Hương/HXH

Nấp bộ thổ + chữ lập (lập) 立 HXH

Lội bộ khẩu + chữ nội 內 (nội) HXH

Nương bộ nhật/thủ + chữ lương 良 (lương)

Nén bộ thủ + chữ liễn 輦 (liễn)

Lom bộ thân + chữ nam 南 (nam) – lom khom…

Lầm chữ ngộ + chữ nhâm 任 (nhầm, lầm) – ngạc cứng hoá l > nh, v.v.

Các tác giả Nguyễn Khuyến, HXH… đều từng ở các vùng Hà Bắc, Hà Nam.

5.5 Thăm lom trở thành thăm nom

Thăm nom (chăm nom) cách đây hơn trăm năm từng viết là thăm lom, như trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895 – trang 360) hay trong tự điển Génibrel (1898) – các tài liệu này đều được xuất bản ở Sài Gòn (~ Đàng Trong):

clip_image051Génibrel/1898 – SaiGon

Việt Nam Tự Điển (1931/1954), tự điển của LM Gustave Hue (Dictionnaire vietnamien chinois francais/1937) và sau này đều ghi là thăm nom.

5.6 “Nòng súng” từng là “lòng súng”

Theo học giả Trương Vĩnh Ký (1886, sđd) canon d’un fusillòng cây súng tay (xem hình chụp trang 155 bên dưới) phản ánh tiếng Việt Đàng Trong. Tuy nhiên Đàng Ngoài cũng cho thấy cách dùng lòng súng (Ravier/Dronet, 1903 sđd):

clip_image053Trương Vĩnh Ký 1886.

clip_image055Ravier/Dronet 1903.

Tự điển ‘Dictionnaire annamite-chinois-français’ của LM Gustave Hue (1937, trang 612 sđd) cũng ghi nòng dùng tương đương với lòng trong cách dùng nòng súng[14] (~ lòng súng, canon de fusil). Trong tự điển trên, LM Hue ghi các cách dùng tương đương cho thấy khả năng lẫn lộn n và l: nỏng – lổng, noãn – loãn (xem thêm mục 5.2), nòng – lòng (nòng súng), nổ – lổ, nuy – luy, nuốt – luốt. Để ý là tiếng Mường Bi vẫn dùng lòng khủnglòng súng "Nả pảnh từ quả tiểnh nỗi cải lòng khủng nả tó liênh (nó bắn nhiều quá đến nỗi nòng súng muốn cháy lên)" theo Từ Điển Mường Việt (2002, sđd).

clip_image057

Chụp lại từ trang 60 “Quảng Tập Viêm Văn” Nordemann (1898 – Hà Nội). Để ý các cách dùng "xúng (súng/NCT) sáu lòng" ở Bắc Kỳ, mấy nghĩa là với, giả là trả, bắt xống là bắt sống (phương ngữ Bắc bộ).

5.7 Lẫn lộn n và l trong các từ nhập vào tiếng Việt gần đây hơn

5.7.1 Lẫn lộn n và l còn thấy trong các từ vay mượn như cinema trở thành ci nê ma, xi nê ma, si nê ma… xi la ma như

"… Tôi mê xi-nê từ nhỏ. Cùng với ước mơ mai sau lớn lên sẽ làm văn sĩ viết truyện tiểu thuyết như các ông Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, những năm 11, 12 tuổi tôi còn mơ làm tài tử xi-nê, tức mê đóng phim xi-la-ma…" (Hoàng Hải Thủy, Tai-Tơ-Ních – 2009)

"… xem một chầu Xi Nê. Còn được gọi là Chớp Bóng hay Si La Ma…" (Nguyễn Ngọc Chính, "Một thời Sài Gòn")

"Ngày ấy phim còn câm và chưa gọi là xem phim, mà là xem xi-la-ma, xem chớp bóng, chớp ảnh và trên báo viết nghệ thuật điện ảnh, nghệ thuật màn ảnh, màn ảnh, kịch bóng" (Tô Hoài), v.v.

5.7.2 Mũ ca lô hay ca nô có gốc tiếng Pháp calot, lại có gốc écale là đồ bao, vỏ – tha hóa tiền tố é- trở thành cale và thêm hậu tố -ot để cho ra dạng calot của tiếng Pháp ngày nay. Calot nghĩa là mũ (nón) không có vành của cảnh sát hay quân đội Pháp hay của học sinh một số trường Pháp. Các dạng ca nô hay ca lô cho thất hiện tượng lẫn lộn n và l trong tiếng Việt. Khi đánh vào google để tra cách dùng mũ ca lô (ngày 28/3/2014) ta được 1450000 lần so với mũ ca nô có 679000 lần, khoảng một nửa là dạng ca nô là đáng chú ý khi dùng mạng toàn cầu[15]! Tiếng Anh gọi loại mũ này là forage cap vì quân đội phải đội loại mũ này khi cho súc vật ăn (không cần phải đội mũ sắt ở ngoài trận tuyến hay loại mũ đi diễn hành…). Một biến âm của calot trong tiếng Pháp là khâlot (mũ học trò) – xem hình chụp bên dưới của một loại mũ này

clip_image058Mũ ca lô không có vành như mào của chim chào mào

Tóm lại, lẫn lộn n và l đã hiện diện ít nhất trên hai ngàn năm[16] trong quá trình hình thành các ngôn ngữ Đông Nam Á, td. như nang thành lang khi pinang (câu cau, gốc Mã Lai) trở thành *binlang và binh lang, tân lang HV. Ngay cả đến thời kỳ gần đây hơn khi mũ ca lô (calot, tiếng Pháp) cũng có thể trở thành mũ ca nô. Các phụ âm đầu lưỡi[17] như n, l, d và r có khả năng hoán chuyển cho nhau, dẫn đến hiện tượng lẫn lộn n và l cũng như một độ dày lịch sử rất lớn (thời gian dài), cũng như phản ánh các phương ngữ của một khu vực rất lớn bao gồm Bắc VN và Nam TQ (không gian rộng). Từ góc độ "tiếng Việt từ thời VBL" thì LM de Rhodes hay cộng tác viên đã ghi lại ít nhất bốn trường hợp lẫn lộn n và l, cho ta thấy là vào TK 17 đã có hiện tượng này trong ngôn ngữ đại chúng. Ngoài ra, trong quá trình biến đổi cấu trúc "nên… tuổi" thành "lên… tuổi" và "nên trái" thành "lên trái", có một giai đoạn trung gian khi cả hai cấu trúc đều hiện diện vào cuối TK 19 và đầu TK 20. Đặc biệt là phương ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến đổi trên: Đàng Ngoài bắt đầu dùng cấu trúc "lên… tuổi", và Đàng Trong bắt đầu dùng "lên trái/lên giống" trước khi các cách dùng này trở thành phổ thông (‘chuẩn’ cho toàn dân) cho tiếng Việt hiện đại. Ngoài ra các phụ âm đầu lưỡi l, r và mặt lưỡi sh (s giọng Nam VN), ch thường xuất hiện sau nhất trong quá trình đắc thụ tiếng mẹ đẻ (language acquisition/A) – so với các âm môi m, p (mẹ mợ mụ mê má mẫu… ba bố bu…) xuất hiện rất sớm. Điều này dễ hiểu vì các phụ âm l, r hay th… đòi hỏi các kết hợp phức tạp hơn của môi, lưỡi và họng. Hi vọng bài viết này gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về khuynh hướng lẫn lộn n và l trong ngôn ngữ, thay vì kết luận một cách đơn giản là ‘nói ngọng[18] n – l (nờ lờ)’ như một số tác giả đã từng nhận xét.

6. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

6) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) "Từ điển Mường Việt" NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

7) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)

(1867) "Abrégré de Grammaire Annamite" Imprimerie Impérial – SAIGON

8) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

9) Edmond Nordemann (tên Việt là Ngô Đê Mân) (1898) "Chrestomathie annamite" (Quảng Tập Viêm Văn) – NXB Hà Nội.

10) H. Ravier và J.B. Dronet (1903) "Lexique Franco-Annamite" Imprimerie de la mission (Kẻ Sở).

11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Suen, Yuek Hay Carman (孫渃琋) (2008) "Alternation of /n/ and /l/ in Korean language" City University of Hong Kong, Department of Chinese, Translation and Linguistics.

13) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

14) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu tự điển, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

15) Nguyễn Cung Thông (2011) "Lẫn lộn n và l" có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://khoahocnet.com/2012/01/04/nguy%E1%BB%85n-cung-thong-tr%E1%BA%A7n-th%E1%BB%8B-lan-l%E1%BA%ABn-l%E1%BB%99n-n-va-l/

clip_image059 (2013) "Lẫn lộn n và l (phần 2)" tham khảo bài này trên trang này chẳng hạn https://dotchuoinon.com/2013/09/01/lan-lon-n-va-l-phan-2/, v.v.

16) Yongnam Um (2002) "An ordering paradox as constraint interaction: alternation of n and l in Korean" Wonkwang University.

17) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

(1905) "Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin" Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi

18) Wei Zhang (200?) "ALTERNATION OF [n] AND [l] IN SICHUAN DIALECT, STANDARD"MANDARIN AND ENGLISH: A SINGLE-CASE STUDY" Qufu Normal University, School of Translation Studies.

Phụ Trương – “Côn Nôn”

1. Mục côn – tự điển LM Béhaine (1772/1773). Để ý dạng chữ Nôm nôn viết bằng bộ san 山 ở trên + chữ nộn 嫩 viết tắt thành 束

clip_image061

2. Mục côn – tự điển LM Taberd (1838)

clip_image063

3. An Nam Đại Quốc Họa Đồ (Taberd, 1838)

clip_image065


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Tiếng Việt hiện đại dùng lên mụn (lên đậu, lên trái) – xem thêm chi tiết ở phần sau.

[3] Sử thường ghi Lê Đại Hành làm vua được 25 năm (từ 980 đến 1005). 12 năm trị vì ứng với niên hiệu cuối cùng của vua Lê Đại Hành là Ứng Thiên 應天 (994-1005).

[4] Thí dụ như cuốn "Thiên Nam Ngữ Lục" Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh phiên âm, chú thích và giới thiệu – NXB Văn Hóa (Hà Nội, 1958). Chữ Nôm nên viết bằng chữ niên biểu âm và thành biểu ý.

[5] Tham khảo chi tiết về nguồn gốc niveau trên trang này chẳng hạn https://www.cnrtl.fr/etymologie/niveau

[6] Tham khảo bài viết của tác giả Yuek Hay Carman hay Wei Zhang (sđd, mục 6 trong bài này).

[7] Tham khảo bài viết của tác giả Yongnam Um (sđd, mục 6 trong bài này).

[8] William Duffus “English – Chinese vocabulary of the Vernacular or spoken language of Swatow” Swatow: English pressbyterian mision press 1883, nguồn: http://archive.org/details/englishchinesev00duffgoog

[9] Trong bài viết "Sạch ngữ âm" (2/2020) – có thể đọc toàn bài ở trang này http://www.procontra.asia/?p=6253

[10] Tiếng Anh có những trường hợp hình vị biến thái (allomorph) như mạo từ bất định (indefinite article) a và an: td. a book (một cuốn sách), a friend (một người bạn), a car (một chiếc xe), a phone call (một cú điện thoại) so với an apple (một trái táo), an orange (một quả cam), an honour (một vinh dự), an idea (một ý kiến), v.v. Hậu tố (suffix) chỉ số nhiều cũng có các hình vị biến thái là -s, -es, -en hay -∅ như books (những cuốn sách), cars (những chiếc xe) so với churches (những nhà thờ), bushes (những bụi rậm), classes (những lớp học), oxen (những con bò), children (những đứa bé), sheep (những con cừu, không thay đổi so với dạng số ít sheep – hay sheep + ∅), fish (những con cá), v.v. Các hình vị thay đổi như trên vì ảnh hưởng của các âm chung quanh (như a trở thành an để dễ phát âm hơn khi đứng trước nguyên âm), ảnh hưởng ngữ pháp hay ảnh hưởng của tiếng gốc (ngữ căn, thí dụ họ Germanic thêm hậu tố -en để chỉ số nhiều do đó ta có các dạng children, oxen…).

[11] Có thể là người soạn tinh thông chữ Nôm nên ý thức được dạng nên (viết là niên 年), dù rằng cấu trúc "lên… tuổi" đã phổ thông ở Đàng Ngoài. Ngoài ra, người soạn tài liệu này cũng có thể sử dụng một phương ngữ mà n và l vẫn còn lẫn lộn (như Hải Dương chẳng hạn)… Ta có thể thấy trình độ của người (hay nhóm người) soạn tài liệu phần nào qua khả năng am tường chữ Nôm, chữ quốc ngữ và ca dao tục ngữ của Văn hóa truyền thống VN.

[12] Thí dụ như hŏê thì viết là huê, thêm (bệnh) đậu mà VBL không có ghi nhận nét nghĩa này, v.v.

[13] bệnh đậu HV 痘 và thủy đậu 水痘 còn gọi là thiên hoa 天花 (vì nổi nhiều mụn như ‘ngàn hoa’). Variole (P ~ smallpox/A) còn gọi là bệnh hoa (Vallot, sđd) so với cách gọi bây giờ là bệnh đậu mùa. Từ năm 1979, bệnh này đã bị tiêu diệt hoàn toàn trên thế giới bằng cách chủng ngừa vaccine, theo thông tin từ WHO. Đàng Ngoài gọi người bị đậu mùa (varioleux/P) là kẻ lên đậu, kẻ rỗ (Vallot/1898) so với Đàng Trong gọi là kẻ lên trái giống (Petit dictionnaire francais annamite – Trương Vĩnh Ký/1886) hay người mặt rỗ (Génibrel/1898, sđd).

[14] Pháp Việt Tân Từ Điển của Thanh Nghị (1961) cũng ghi hai cách dùng tương đương, Pháp Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (1936) chỉ ghi lòng súng.

[15] Vào ngày 10/8/2021 tra google thì thấy 11900000 (cách dùng) mũ ca lô và 1370000 mũ ca nô. Cách nói ca nô còn khoảng 10 phần trăm của ca lô.

[16] Thí dụ như tướng Cao Lỗ 高魯 thời Hùng Vương thứ 18 còn được gọi là Cao Nỗ, tục truyền là người chế ra nỏ thần (nỏ liên châu), một vũ khí rất đáng sợ của nước Âu Lạc.

[17] Thí dụ như tên Côn đảo là pulau condore (tiếng Mã Lai pulau là đảo, condore – kundur là loại bí xanh và lớn), trở thành côn lôn hay côn nôn (td. bản đồ Taberd 1838, tham khảo Phụ Trương). Đây là một trường hợp khá hiếm của hiện tượng lẫn lộn n và l ở Đàng Trong. Gần đây hơn đường thốt nốt còn gọi là đường thốt lốt, thốt nốt có gốc Khme là ត្នោត tnaot (sugar palm/A).

[18] Miễn là khi viết thì giữ đúng theo tiêu chuẩn (chính tả) không lẫn lộn n và l như trong khẩu ngữ. Trong một bài báo của vnexpress (6/11/2018) "Hà Nội 10 năm sửa ngọng ‘l, n’ chưa thành công" cho thấy khảo sát mới nhất của Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên vào tháng 4/2018 với 12 giáo viên (chiếm 25%), 338 học sinh (chiếm 30%) phát âm ngọng. Điều đáng chú ý là sau 10 năm tỷ lệ ngọng của giáo viên Tiểu học Phú Xuyên vẫn là 25%! Rõ ràng là các chương trình chữa ngọng như vậy đã không tìm ra và giải quyết được nguyên nhân gốc (căn nguyên ~ root cause/A) của vấn đề lẫn lộn n và l. Có thể đọc bài báo trên trang này chẳng hạn https://vnexpress.net/ha-noi-10-nam-sua-ngong-l-n-chua-thanh-cong-3836353.html.

Comments are closed.