Đặng Văn Sinh
Năm 29 tuổi, Phùng Khắc Khoan (馮克寬) đỗ Giải nguyên khoa thi hương, và mãi đến năm 53 tuổi mới đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ nhưng tiên sinh có biệt tài làm thơ chữ Hán từ rất sớm. Theo một số tư liệu còn lưu truyền trong dân gian Xứ Đoài, năm 12 tuổi chàng thư sinh làng Bùng đã thông hiểu bách gia chư tử, xuất khẩu thành chương, nổi tiếng thần đồng. Việc Phùng Khắc Khoan đi thi muộn và đỗ khá muộn là bởi thời thế không phải do học vấn. Tuy nhiên vấn đề chúng tôi đề cập đến hôm nay không phải là chuyện khoa cử mà là tìm hiểu những đặc trưng thơ Phùng Khắc Khoan qua một số bài tiêu biểu trong thời kỳ cụ còn là một nho sinh, trong đó có những bài làm khi đang còn là vị thành niên.
Nếu xét về toàn bộ quá trình sáng tác, thì, ngoài thơ chữ Hán, Phùng Khắc Khoan còn sáng tác khá nhiều thơ Nôm, nhưng phải khẳng định, dòng chủ đạo làm nên diện mạo thi nhân của cụ vẫn là thơ chữ Hán. Có điều, thơ chữ Hán mà chủ yếu là thơ Đường luật, tiên sinh chỉ mượn hình thức biểu đạt còn nội dung của nó lại hầu như mang tâm thức Việt, diễn đạt được tâm hồn Việt ở vào thời kỳ xã hội Việt Nam trung đại có những biến động chính trị, xã hội phức tạp.
Nói một cách hình ảnh, thơ Phùng Khắc Khoan là Đường thi nhưng lại không phải hoàn toàn là Đường thi mà nó đã bị Việt hóa ở một mức độ nào đấy do nền văn hóa Việt đang trên đà phát triển chi phối. Những bài thơ Tự thuật nhị thủ (自 述 二 首), Nguyên đán thư đường (元 旦 書 堂), Ký nghiêm phụ thị huấn thi (記 嚴 父 示 訓 詩), Đăng Phật Tích sơn (登 佛 跡 山), Viễn ký hữu nhân (遠 寄 友 人), Nguyên nhật (元 日), Bệnh trung thư hoài tam thủ (病 中 書 懷 三 首), Trừ tịch (除 夕), Trừ tịch thư hoài (除 夕 書 懷 三 首), Mộng giác ngẫu thành (夢 覺 偶 成)… được viết khi vẫn còn là một thư sinh chân trắng, nghĩa là chưa vướng vòng tục lụy, người đọc đã thấy lấp lánh một nhân cách văn hóa, một hoài bão lớn.
Một trong những đặc điểm đáng ghi nhận là, Phùng Khắc Khoan đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn hình thức thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tuyệt cú, trong đó có cả những liên hoàn đoản thi với quy tắc vần, niêm, đối rất chuẩn, nhưng nội hàm thì lại biến hóa, đôi khi thoát ly khỏi khuôn khổ cứng nhắc của cấu trúc “đề”, “thực”, “luận”, “kết” hoặc “khai”, “thừa”, “chuyển”, “hợp” để diễn tả một cách sinh động những giá trị văn hóa đạo đức, phong cách tư duy của người Việt. Kỹ thuật viết thơ chữ Hán của Phùng tiên sinh không câu nệ vào điển cố, thi liệu, thành ngữ Hán mà khá linh hoạt, cũng không hiếm trường hợp cụ “phá cách”, dẫn ra các sự kiện đương đại, hạn chế tính ước lệ, nên bài thơ mang được màu sắc văn hóa Đại Việt, tuy về tôn chỉ mục đích vẫn là trung quân, ái quốc, đề cao đạo tam cương, ngũ thường, ca ngợi phẩm chất người quân tử. Bài “Tự thuật nhị thủ” làm năm Quý Sửu (1543), khi mới 16 tuổi, làm cho người ta phải ngạc nhiên về tầm nhìn của một kẻ hàn nho khi chưa ra khỏi lều tranh. Nhìn cảnh đất nước trong thời tao loạn, giang hồ hào kiệt nổi lên khắp nơi tranh quyền đoạt vị theo kiểu “được làm vua thua làm giặc”, Phùng Khắc khoan có một sự so sánh khá độc đáo với loài Úng kê (bọ mẻ): “Thế sự nhàn khan tự úng kê” mà nhà Hán học Trần Lê Sáng đã dịch là:”Thế sự xem ra tựa bọ giòi”. Hình ảnh này khá thú vị. Nếu ai chú ý quan sát lũ bọ nhung nhúc, hết ngoi lên lại lặn xuống trong hũ mẻ, tranh nhau khoảng không gian sinh tồn thì dù không muốn cũng liên tưởng ngay đến bàn cờ thế sự. Hình ảnh so sánh độc đáo này người đọc rất hiếm gặp trong thơ Đường. Cũng bài thơ trên, tuy mới ở tuổi vị thành niên, nhưng tác giả đã thể hiện hoài bão của một kẻ sĩ quân tử qua hai câu luận và câu kết đầy hào khí:
Tùng bách há hiềm sương tuyết đọng
Kình nghê đâu quản lưới chài chòi
Biển Nam sẽ thấy côn bằng dậy
Vỗ cánh tung bay vút tận trời
Sang tết nguyên đán năm Giáp Thìn, Phùng Khắc Khoan 17 tuổi viết bài “Nguyên đán thư đường” (Mồng một tết đề vào nhà học) có hai câu luận chứng tỏ, tuy còn đang độ hoa niên, tác giả đã quán thông kinh sử, hiểu được lẽ biến dịch của tự nhiên, thấm nhuần cái “Đạo” của đất trời:
消 長 默 觀 天 地 道
貫 通 細 認 聖 賢 書
Tiêu trưởng mặc quan thiên địa đạo
Quán thông tế nhận thánh hiền thư
Dịch sát nghĩa câu trên sẽ là;
Lặng nghe trời đất tiêu hao lại nảy nở
Hiểu sâu, quán thông được sách thánh hiền.
Tầm vóc của hai câu thơ dường như không phải của một thư sinh 17 tuổi mà là sự từng trải của bậc lão thủ tinh thông Dịch số, hiểu thấu lẽ huyền vi tạo hóa, tiên nghiệm được sự tương thông của Thiên – Địa – Nhân.
Về cấu trúc bài thơ, luật trắc vần bằng, xét về tổng thể đúng 28 chữ âm trắc, 28 chữ âm bằng, trong đó có 6 tiếng lệch thanh điệu, nhưng nằm trong giới hạn cho phép”nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Niêm của bài rất chuẩn và các vế đối hoàn chỉnh đến mức khó có thể bắt bẻ:
庭 因 生 草 知 年 紀
符 不 須 桃 覺 鬼 除
Đình nhân sinh thảo tri niên kỷ
Phù bất tu đào giác quỷ trừ
(Sân ngoài cỏ mọc mừng năm mới
Cổng trước không bùa cũng hết tà)
Tuy vậy, thơ Đường, ngoài ý ra, mà phần lớn là “ý tại ngôn ngoại”, thì “từ” (kể cả từ đơn, từ ghép và thành ngữ) thường là hàm súc, biểu đạt được sự vật, hình ảnh, khái niệm, vừa cụ thể, vừa trừu tượng. Trong khi ấy, tiếng Việt ta có khá nhiều từ nghèo nàn, nên có khi phải dùng vài ba từ hoặc cả một ngữ mới chuyển tải được ý nghĩa gốc. Hơn nữa, dịch thơ Đường còn phụ thuộc vào vần điệu, niêm luật bằng trắc, đăng đối nên rất khó có được một bản dịch đủ ba tiêu chuẩn Tín, Đạt, Nhã. Tuy nhiên, được Ban Biên tập phân công, chúng tôi đành phải mạn phép Phùng tiên sinh tạm chuyển ngữ bài thơ sang tiếng Việt hiện đại như sau:
Mái rạ gió đông đêm trước thổi
Canh năm xuân đã đến hiên nhà
Sân ngoài cỏ mọc mừng năm mới
Cổng trước không bùa cũng hết tà
Ngẫm thấy cơ trời tròn lại khuyết
Mới hay đạo thánh lẽ sâu xa
Tuổi cao sự học hầu cùng tiến
An lạc thanh nhàn ấy chí ta.
Đặng Văn Sinh dịch
Hơn bao giờ hết, quan niệm “thi dĩ ngôn chí” thật phù hợp với tư tưởng sáng tác của Trạng Bùng. Điều này người đọc thấy rất rõ ở bài thứ ba trong chùm thơ ba bài có tiêu đề chung là “Bệnh trung thư hoài tam thủ”. Xin dẫn cả phần chữ Hán để bạn đọc thấy được cái hồn văn hóa Việt, cốt cách của sĩ phu Bắc Hà ẩn tàng trong Đường thi như thế nào:
病 中 書 懷 三 首
其 三
文 星 久 已 現 馮 村
應 為 吾 家 耀 福 門
父 子 相 傳 儒 是 業
古 今 不 變 道 常 存
青 氈 業 繼 家 聲 舊
白 日 歡 承 綵 色 溫
天 意 至 公 無 厚 薄
只 留 福 做 我 兒 孫
Phiên âm:
Bệnh trung thư hoài tam thủ
(Kỳ tam)
Văn tinh cửu dĩ hiện Phùng thôn,
Ưng vị ngô gia diệu phúc môn.
Phụ tử tương truyền Nho thị nghiệp,
Cổ kim bất biến đạo thường tồn.
Thanh chiên nghiệp kế gia thanh cựu,
Bạch nhật hoan thừa thái sắc ôn.
Thiên ý chí công vô hậu bạc,
Chỉ lưu phúc tố ngã nhi tôn.
Dịch nghĩa:
Văn tinh lâu nay đã hiện ở làng Bùng,
Nên vì nhà ta soi sáng cửa phúc.
Cha con nối nhau truyền nghiệp nho gia,
Đạo còn mãi xưa nay không biến đổi.
Cái nệm lông xanh nối nghiệp cha ông, nếp nhà theo lối cũ,
Ngày sáng rõ, vui lòng cha mẹ, đượm vẻ vui tươi.
Ý trời rất công bằng, không hậu bạc với ai cả,
Chỉ để phúc lại cho con cháu làm nên mà thôi.
Bài này tác giả làm khi đang ốm, không biết năm ấy cụ bao nhiêu tuổi, nhưng theo trình tự các bài thơ và căn cứ vào cách diễn đạt từ ngữ cùng cảm nghĩ về đạo trời, có thể phỏng đoán năm hai hai đến hai mươi lăm tuổi trước khi đậu thủ khoa kỳ thi hương năm 1557. Như vậy, ngay từ lúc vẫn còn chân trắng, Phùng Khắc Khoan đã hình dung ra tương lai rạng rỡ của mình, hơn thế còn nhìn thấy quá trình phát triển hanh thông của cả gia tộc, chứng tỏ tác giả có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng dự đoán hậu vận trên cơ sở những dữ liệu về xã hội cùng quy luật biến thiên thời cuộc qua các thông số Dịch Lý mà phần lớn các nho sĩ Đại Việt thế kỷ XV,XVI rất am tường. Tư tưởng Lý học được nghiên cứu và vận dụng ở Việt Nam thời trung đại đến mức thần diệu là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong thơ của vị trạng nguyên Cổ Am này, kể cả thơ chữ Nôm, hầu như không có bài nào vắng bóng tư tưởng Dịch Lý, bởi Dịch Lý là lẽ biến thiên của Trời đất và vạn vật. Dịch là biến đổi, Lý là quy luật được quy chiếu từ sự biến thiên vạn vật mà một trong những nét đặc thù là tính tương thông và hằng định. Chính bởi dùng Dịch Lý để nhận diện, phân tích vạn vật nên xác xuất nghiên cứu cho kết quả khá cao. Vì vậy, ta không lấy làm lạ, khi mà có những câu”sấm” của Trình Tuyền Hầu mãi mấy chục đời sau vẫn tỏ ra ứng nghiệm.
Với Phùng Khắc Khoan (tương truyền có quan hệ huyết thống với Trạng Trình), việc kế thừa và phát triển khoa học Dịch Lý như là một công cụ dự doán tương lai là lẽ đương nhiên, Chỉ có điều, ở cụ, mức độ thể hiện kín đáo hơn, tinh tế hơn nhưng không kém phần chính xác. Không phải ngẫu nhiên Trạng Bùng viết:”Văn tinh cửu dĩ hiện Phùng thôn”. Câu thơ phá đề tưởng như là sự cao ngạo, tự phụ của một kẻ cuồng nho nhưng thực chất lại là một tiên nghiệm mang phong cách Lý học, một dự phóng trên cơ sở những dữ liệu có trước làm tiền đề, mà một trong số đó là Phùng Hưng, nhân vật lịch sử lỗi lạc thế kỷ thứ VIII. Sau Phùng Hưng, họ Phùng còn hàng loạt danh thần, lương tướng kế tiếp nhau tham gia chấp chính ở các các triều đại trong suốt chiều dài lịch sử lập nên bao võ công, văn trị.
“Bệnh trung thư hoài” về hình thức cấu trúc theo luật bằng vần bằng, hai câu thực và hai câu luận đối rất chuẩn, niêm chặt chẽ , vần gieo chính xác. Câu phá đề nêu hiện tượng sao Văn Xương xuất hiện trên không phận làng Phùng Xá, câu kết khép lại bài thơ bằng một nhận xét mang tính quy luật. Đó là, đạo trời vốn công bằng không đối xử thiên lệch với bất cứ ai, họa phúc là bởi chính bản thân con người tạo ra:
Dịch thơ:
Văn Xương đến địa phận thôn Bùng
Chiếu ứng nhà ta sáng một vùng
Con nối chí cha hưng nghiệp lớn
Xưa nay chẳng đổi, đạo vô cùng
Nệm xanh kế nghiệp theo đường cũ
Ngày sáng vui hòa khúc nhạc chung
Thiên ý công bằng không lệch lạc
Chỉ lưu phúc đức hiển họ Phùng
Đặng Văn Sinh dịch
Kỳ vọng của Phùng Khắc Khoan không chỉ dừng lại ở việc “đăng khoa, dương danh, hiển phụ mẫu”, cụ còn đi xa hơn nữa khi mà chỉ mới hăm hai, hăm ba tuổi đã nghĩ đến một ngày nào đó, mình sẽ thành bậc lương đống triều đường, phò vua giúp nước. Bài “Mộng giác ngẫu thành” (Tỉnh mộng bất chợt thành thơ) được xem như một dự phóng rút ra từ những tham số Dịch Lý quy chiếu vào hoạn lộ của tiên sinh. Hơn thế nữa, nó còn cái khí và cái chí của bậc anh hùng cái thế, muốn rằng chỉ chịu “ở dưới một người mà ở trên muôn vạn người”. Hai câu thực của bài phải nói là khá táo bạo chứng tỏ một tư chất cứng cỏi, một bản lĩnh khác thường của kẻ sĩ dám dấn thân vì lý tưởng “tu, tề, trị, bình” trong lúc triều đình nhà Lê đang ở vào thời kỳ khủng hoảng chính trị trầm trọng, vua thì hôn quân vô đạo, quan lại thì bất tài, tàn ác, nhũng nhiễu dân lành. Vì thế, đọc bài thơ, ta phải hiểu ý ngoài văn bản. Ông vua mà Phùng Khắc Khoan được diện kiến hẳn phải là ông vua lý tưởng (chỉ gặp trong mộng). Đó là một đấng minh quân, bởi chỉ có minh quần mới xuất hiện lương thần, lương tướng:
面 對 龍 顏 纔 密 邇
親 承 天 語 好 雍 容
Diện đối long nhan tài mật nhĩ
Thân thừa thiên ngữ hảo ung dung
(Được đối diện với long nhan thật là gần
Thân tiếp lời vua thật là ung dung)
Đành rằng, cuộc hội kiến ấy chỉ là một giấc mơ, và những điều tác giả viết ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói ở phần trên, tư duy Lý số của Tống nho đã thâm nhập quá sâu vào nền giáo dục Hán học thời trung đại. Lý số quán triệt mọi suy nghĩ, hành động của nhà nho. Vì thế, có thể xem giấc mộng chỉ là cái cớ để Phùng Khắc Khoan diễn giải quy luật Lý số chi phối cái đã có, cái đang có và cái sẽ có trong sự vận hành xã hội lấy đạo Tam cương ngũ thường làm tiêu chuẩn đào luyện nhân cách con người. Như thế, nếu nhà nho tin vào quy luật tạo hóa, quán thông quan hệ nhân quả, luôn suy nghĩ và hành động theo mô phạm thì việc gặp mặt long nhan, luận bàn quốc sự không phải là quá khó.
Hai câu luận tiếp theo, nhà thơ khẳng định:
到 頭 頓 與 凡 塵 敻
拭 目 頻 添 喜 氣 濃
Đáo đầu đốn dữ phàm trần quýnh
Thức mục tần thiêm hỷ khí nùng
(Quay đầu nhìn lại thấy xa cách phàm trần
Dụi mắt trông lên thấy khí vui nồng nàn)
Về hình thức, bài thơ sử dụng luật bằng vần bằng. Hai câu thực và hai câu luận đều đăng đối, diễn tả tư thế ung dung tự tại của bậc trí giả biết mình, biết người. Hai câu kết, nhà thơ khiêm tốn hạ bút:
來 日 青 雲 如 得 路
定 知 天 意 已 先 從
Lai nhật thanh vân như đắc lộ
Định tri thiên ý dĩ tiên tùng.
(Sau này đường mây nếu được nhẹ bước
Thật biết rõ ý trời đã sớm định theo lòng người)
Nói là “ý trời”, nhưng lại kèm thêm vế sau là “lòng người”. “Luật nhân quả”, hay “ý trời” đều hàm nghĩa là quy luật nằm trong tổng thể của “Đạo” mà Dịch Lý là những phạm trù chi phối số phận vạn vật.
Bài thơ Đường thật hàm súc, ý tại ngôn ngoại, được sử dụng lớp từ Hán có giá trị biểu cảm cao (“trường tiêu”, “đáo quân môn”, “phàm trần quýnh”, “thức mục tần thiêm”, “lai nhật thanh vân”…) đọc lên làm ta liên tưởng đến Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Đỗ Tuân Hạc trong những bài thơ mang tầm vóc vũ trụ. Tất nhiên với một thi phẩm như vậy, cho dù dịch khéo đến mấy cũng chưa chắc đã chuyển tải được cái tinh túy mà người xưa ký thác:
Dịch thơ:
Đêm dài ngoảnh mặt trái nhà đông
Mộng đến hoàng cung gặp cửu trùng
Lặng ngắm long nhan gần sát mặt
Tiếp lời thiên tử thật ung dung
Ngoảnh đầu nhìn lại phàm trần cách
Dụi mắt trông lên thụy khí nồng
Ngày khác đường mây ta nhẹ bước
Mới hay trời đất cũng chiều lòng.
Đặng Văn Sinh dịch
Đ.V.S.
Tác giả gửi Văn Việt.