Toàn cảnh thi pháp học

Tran Dinh SuTrần Đình Sử

Tác giả gửi Văn Việt

1. Thi pháp học là một lĩnh vực nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong ngành nghiên cứu văn học thế kỉ XX, tuy có cội nguồn xa xưa nhưng đã được cải tạo triệt để, mang nội dung mới, rất đa dạng về quan niệm, phương pháp, đồng thời tự nó cũng biến đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử.

Mọi người đều biết thuật ngữ “thi pháp học” (poétique, poetics, 诗学) có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp “Poietike”, chỉ một lĩnh vực tri thức về các quy tắc chuyên ngành sáng tác nghệ thuật, phân loại về thể loại nghệ thuật, thể hiện tập trung trong công trình Poetica của Aristote (384 – 322)[1], mặc dù trước ông đã có nhiều người đề xuất. Aristote kết hợp tư tưởng mua vui và nhận thức khi nhìn nhận bản chất nghệ thuật, từ đó, ông lần lượt xem xét các thể loại bi kịch, sử thi, cấu trúc cho đến ngôn từ. Ông kết hợp lí thuyết với thực hành phân tích nghệ thuật cụ thể. Nhưng qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, thi pháp học nhiều lần được hiểu khác nhau, khi thì thu hẹp vào loại hình thi ca, vào thi luật, phép làm thơ, biến thành quy phạm, giáo điều, khi thì mở rộng chỉ toàn bộ nghệ thuật, khi lại bị coi thường như một thứ hình thức chủ nghĩa ít có ý nghĩa và cho đến nay cách hiểu vẫn còn phân tán.

Từ thế kỉ XVIII trở đi, với sự chuyển hướng từ siêu hình học cổ đại sang nhận thức luận hiện đại, diễn ra sự phân loại các khoa học, sự hình thành dần dần khoa nghiên cứu văn học, thì thi pháp học chuyển hướng sang nhận thức luận, nghiên cứu các vấn đề nội dung như cái đẹp, xã hội, chính trị, đạo đức, chức năng phản ánh hiện thực, giáo dục…, hầu như bị hoà lẫn vào các hoạt động xã hội khác và các khuynh hướng nghiên cứu văn học khác như triết học, chính trị học, xã hội học, ngữ văn học, tâm lí học, đặc biệt là lịch sử văn học… Đó là cái logíc khiến cho thi pháp học bị bỏ qua ở những nơi xã hội học văn học ngự trị. Phương pháp luận nghiên cứu nặng về diễn dịch triết học và tiên nghiệm mà A. Veselovski muốn thay đổi bằng cách xây dựng thi pháp học quy nạp mang tinh thần thực chứng. Đối tượng của khoa thi pháp học hầu như bị biến mất, do đó nảy sinh nhu cầu tìm lại đối tượng, nội dung của thi pháp học và thi pháp học lại ra đời, phục hưng như có người nhận xét.

Sự tái xuất của thi pháp học trước hết nhằm nhấn mạnh vào vai trò lí thuyết của nó. Suốt cả thế kỉ nó nằm trong hai cuộc chuyển biến lớn của nghiên cứu văn học trên thế giới thế kỉ XX. Một là từ đầu thế kỉ XX, nghiên cứu văn học từ quan điểm lịch sử-tiến hoá sang lí thuyết, trong thi pháp học lí thuyết lại chuyển từ nhận thức luận sang nghiên cứu ngôn ngữ, cấu trúc. Từ lí luận kinh điển lấy lí tính làm trung tâm, coi vấn đề nhận thức luận là then chốt, nhấn mạnh nội dung quyết định hình thức, cái được biểu đạt quy định cái biểu đạt. Sang đầu thế kỉ XX vấn đề ngôn ngữ, kí hiệu, văn bản, cấu trúc của văn học được đặt lên hàng đầu, tạo thành khuynh hướng thi pháp học ngôn ngữ nghệ thuật. Đúng như Derrida nhận xét, từ Platon trở đi, các nhà triết học đều nhận định thiện có trước ác, khẳng định có trước phủ định, thuần tuý có trước không thuần tuý, giản ước có trước phức tạp, bản chất có trước hiện tượng, cội nguồn có trước mô phỏng… điều đó làm cho phê bình văn học phương Tây trước hết nhìn vào thực tại bên ngoài văn học, chứ không phải nhìn vào văn học. Lấy văn bản làm đối tượng nghiên cứu đã đổi mới thi pháp học. Hai là từ những năm 60 thế kỉ XX, khi phương tiện truyền thông điện tử, nghe nhìn, internet chiếm ưu thế trong xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, tri thức, giao lưu văn hoá, văn học học từ thẩm mĩ chuyển mạnh sang tiêu dùng, từ hình thái kinh điển, tinh anh chuyển sang hình thái văn hoá đại chúng, từ ý thức hiện đại chuyển sang hậu hiện đại thì nghiên cứu văn học từ bình diện ngôn ngữ chuyển sang văn hoá học, nghiên cứu các vấn đề á văn hoá như diễn ngôn – tri thức, hậu thực dân, chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa nữ quyền, thân thể, thời thượng, viết, đọc nhầm, đọc kĩ, tân lịch sử chủ nghĩa, phi huyền thoại hoá, phi trung tâm, đại tự sự, trò chơi và mua vui… Đó đang là hướng vận động của thi pháp học của thế kỉ mà nhiều người quan tâm.

 2. Trước hết nói về cuộc chuyển biến thứ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối thế kỉ XIX, bắt đầu với A. N. Veselovski, qua các nhà hình thức Nga đến các nhà cấu trúc Pháp, người ta ra sức đi tìm định nghĩa về thi pháp học. Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa bao quát, thống nhất được mọi người chấp nhận. Đó là nói theo ngôn ngữ “đại tự sự”, bao giờ cũng muốn có một cái chung được mọi người chấp nhận. Nhưng đó là điều không tưởng, bởi vì trong thế kỉ tri thức khoa học bùng nổ và đổi thay nhanh chóng như thế kỉ chúng ta, thì không thể có một định nghĩa nào được mọi người chấp nhận. Và nếu có thì có nghĩa là thi pháp học đã giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên từ những định nghĩa khác nhau ấy chúng ta vẫn có thể nhận ra một phạm vi nhất định của bộ môn chuyên ngành này là nghiên cứu hình thức và ngôn ngữ của văn học. Dưới đây giới thiệu một số định nghĩa tiêu biểu. V. Girmunski: “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu thi ca (tức là văn học) như là một nghệ thuật (Nhiệm vụ của thi pháp học). Viacheslav Ivanov: “Thi pháp học là khoa học về cấu tạo của tác phẩm văn học và hệ thống các phương tiện thẩm mĩ được sử dụng trong đó. Thi pháp học bao gồm thi pháp học đại cương, nghiên cứu các phương tiện và quy luật xây dựng bất cứ tác phẩm nào; thi pháp học miêu tả thực hiện sự miêu tả cấu trúc của tác phẩm cụ thể của tác giả riêng biệt hoặc của cả một thời kì; và thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự phát triển của các phương tiện nghệ thuật. Trong cách hiểu rộng hơn, thi pháp học trùng với lí luận văn học, khi hiểu hẹp thì trùng với nghiên cứu ngôn ngữ thơ hay ngôn từ nghệ thuật. […] Thi pháp học đại cương nghiên cứu các phương thức có thể có trong việc thể hiện cấu tứ (замысел) nghệ thuật của nhà văn văn và các quy tắc kết hợp, các phương thức phụ thuộc vào thể loại, loại hình văn học […]. Các phương tiện nghệ thuật có thể được phân loại theo các cấp độ khác nhau giữa cấu tứ nghệ thuật, coi như cấp độ cao nhất và sự thể hiện cuối cùng của văn bản ngôn từ” […]. Thi pháp học miêu tả đặt mục đích tái hiện con đường từ cấu tứ đến văn bản cuối cùng, qua đó nhà nghiên cứu có thể hoàn toàn thâm nhập vào cấu tứ của tác giả. Ở đây, các cấp độ và bộ phận của tác phẩm được xem xét như một chỉnh thể […]. Thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự phát triển của các biện pháp nghệ thuật riêng lẻ (định ngữ, ẩn dụ, vần,…); nghiên cứu các phạm trù (thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, các đối lập cơ bản), cũng như cả hệ thống các thủ pháp hay phạm trù vốn có của những thời đại văn học. (Bách khoa văn học toát yếu, T. 5, tr. 936 – 943). M. L. Gasparov: “Thi pháp học – khoa học về hệ thống các phương tiện biểu hiện trong tác phẩm văn học. ]…] Trong nghĩa rộng thi pháp học trùng với lí luận văn học, trong nghĩa hẹp trùng với một trong các lĩnh vực của thi pháp lí thuyết. Là lĩnh vực của lí luận văn học thi pháp học nghiên cứu đặc trưng của các loại hình, thể loại văn học, các dòng và trào lưu, các phong cách, phương pháp, nghiên cứu quy luật liên hệ nội tại và tuơng quan các cấp độ của chỉnh thể nghệ thuật […]. Bởi vì tất cả các phương tiện biểu hiện trong văn học suy đến cùng đều quy về ngôn ngữ, vì thế có thể định nghĩa thi pháp học như là khoa học nghiên cứu cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ. […] Văn bản ngôn từ của tác phẩm là hình thức tồn tại vật chất duy nhất của nội dung […]. Mục đích của thi pháp học là chỉ ra và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản tham gia vào việc tạo thành ấn tượng thẩm mĩ của tác phẩm. Thông thường người ta phân biệt thi pháp học đại cương (hay lí thuyết), thi pháp học bộ phận (miêu tả) và thi pháp học lịch sử” (Từ điển bách khoa văn học, tr. 295 – 296). V. Vinogradov: “Thi pháp học là khoa học về các hình thức, các dạng thức, các phương tiện, phương thức tổ chức tác phẩm sáng tác ngôn từ, về các kiểu cấu trúc và các thể loại tác phẩm văn học. Nó muốn bao quát không chỉ ngôn từ thơ, mà còn cả các khía cạnh khác nhau nhất của tác phẩm văn học và sáng tác dân gian,” (Phong cách học, lí thuyết ngôn từ nghệ thuật, thi pháp học). B. Tomashevski: “Nhiệm vụ của thi pháp học là nghiên cứu phương thức cấu tạo của tác phẩm văn học. Đối tượng của thi pháp học là các sáng tác có giá trị. Phương pháp nghiên cứu thi pháp là tiến hành miêu tả, phân loại và giải thích các hiện tượng được nghiên cứu.” (Định nghĩa thi pháp học). Đối với R. Jakobson đối tượng của thi pháp học là “tính văn học” và “các thủ pháp” tạo nên nó, phương pháp nghiên cứu thi pháp học là phương pháp ngôn ngữ học (Thi pháp học và ngôn ngữ học).

Các học giả Pháp, như Kibedi Verga cho rằng thi pháp học tức là lí luận văn học; Gérard Genette cho rằng thi pháp học nghiên cứu các văn bản quá độ, khám phá cái tính liên văn bản trong đó, tức là “tất cả những nhân tố khiến cho văn bản ấy liên hệ với các văn bản khác.” Tz. Todorov khẳng định thi pháp học có nhiệm vụ xây dựng và nắm bắt các loại hình đồng nhất và đa dạng trong tất cả tác phẩm văn học. Tác phẩm cá biệt chỉ thể hiện các loại hình ấy, có vị trí mẫu, chứ không phải là model cuối cùng của tác phẩm (Jean-Yves Tadié La critique litterature au XXème siècle). Tz. Todorov phân biệt nghiên cứu thi pháp với việc giảng văn, giải mã, phân tích ý nghĩa hay phê bình, đánh giá tác phẩm văn học cụ thể theo phong cách báo chí hay tuỳ bút, chân dung, bởi cách làm đó bao hàm yếu tố chủ quan của người bình giảng, không phải khoa học. Ông cũng phân biệt thi pháp học với nghiên cứu xã hội học, tâm lí học, triết học, ngữ văn học, văn hoá học, bởi các nghiên cứu này xoá nhoà ranh giới tác phẩm văn học với các nhân tố ngoài văn học. Phương pháp chủ yếu của thi pháp học là miêu tả cấu trúc của văn bản (diễn ngôn) với các thành phần của chúng (Poétique,1973). Cuối cùng có rất nhiều tạp chí, từ điển, tập bình luận lấy “thi pháp” làm nhan đề của mình, nội dung càng phong phú, bác tạp.

Từ các định nghĩa trên, ta thấy thi pháp học chủ yếu là một lĩnh vực nghiên cứu về đặc trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc làm nên giá trị thẩm mĩ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản. Đó là lĩnh vực nghiên cứu quy luật nội tại của tác phẩm, cấu tạo và phong cách, nó phân biệt (chứ không đối lập) với các lĩnh vực nghiên cứu khác. Thi pháp về thực chất là hệ thống ngôn ngữ (kí hiệu) nghệ thuật, mang tính mở. Thi pháp học bao gồm các bộ phận lí thuyết, miêu tả và lịch sử, gồm cả phong cách học, và ngày nay bao gồm cả tự sự học, tu từ học (Rhetorica), mỗi bộ phận có đối tượng riêng, nhưng đều không ra ngoài phạm vi nói trên. Xét về cách tiếp cận còn có thể phân biệt thi pháp học lịch sử, thi pháp học ngôn ngữ học (cấu trúc), thi pháp học so sánh, thi pháp học xã hội học, thi pháp học văn hoá. Nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng đồng nhất thi pháp học với lí luận văn học, theo R. Wellek, trong trường hợp đó, nên dùng thuật ngữ “lí luận văn học” thay cho thi pháp học [2] bởi vì hàm ý của lí luận văn học rộng hơn thi pháp học. Tuy nhiên người ta vẫn thích nói “thi pháp” để nhấn mạnh tính chất nghiên cứu nội tại của nó. Tất cả các trường phái nghiên cứu thi pháp học về cơ bản đều thống nhất trong phạm vi và tính chất đó, mặc dù nguyên tắc xuất phát có thể khác nhau. Mặc dù từ những năm 20 thế kỉ trước, M. Bakhtin đã phê phán chủ nghĩa hình thức Nga, chỉ trích tính chất thiếu mĩ học và triết học của nó, đề xướng thi pháp học xã hội học, gắn với ý thức hệ, nhưng bản thân Bakhtin cũng đánh giá cao chủ nghĩa hình thức và tự mình cũng không ra ngoài phạm vi thi pháp ngôn ngữ văn học như là khuynh hướng của thời đại [3]. Và mặc dù các cuộc đấu tranh ý thức hệ đã diễn ra gay gắt, khốc liệt, nhưng thực tế chỉ kìm hãm thi pháp này, chỉ làm chậm chứ không thể thủ tiêu nó khỏi bản đồ nghiên cứu văn học. Viện sĩ Nga Averincev ví thi pháp của văn học như là ngữ pháp trong ngôn ngữ, cho đến nay đã có nhiều lí thuyết và cách miêu tả ngữ pháp, nhưng không có một lí thuyết duy nhất miêu tả đầy đủ, trọn vẹn về ngữ pháp của một ngôn ngữ cụ thể nào. Tình hình đó cũng giống như thi pháp học. (Thi pháp văn học Bizantin trung đại thượng kì)

Nói đến thi pháp học là nói đến nhiều thi pháp học, chứ không phải là chỉ có một thi pháp học nào đó như có người lầm tưởng. Mỗi thi pháp học chỉ dựa vào một số nguyên tắc để đi đến đặc trưng và quy luật của văn học. Ngày nay, muốn hiểu thi pháp học thiết nghĩ phải tham khảo nhiều chiều mới mong hiểu được thực chất của nó.

3. Thi pháp học hiện đại khác thi pháp học truyền thống (cuối thế kỉ XIX về trước) ở mấy điểm sau: Hiểu thi pháp học như lĩnh vực nghiên cứu “đặc trưng” văn học hay “tính văn học” và ngôn ngữ biểu hiện của nó chứ không đóng khung trong nghệ thuật thi ca hay phép làm thơ. Lấy việc nghiên cứu tính hệ thống, tính chỉnh thể thay cho việc nghiên cứu các yếu tố cá biệt, khác biệt để khái quát theo quan niệm nguyên tử luận; lấy việc nghiên cứu các biến số lịch sử thay cho nghiên cứu các nguyên lí bất biến, vĩnh hằng; nghiên cứu hướng tới người đọc hơn là dạy dỗ nhà văn về cách sáng tác; lấy việc khái quát các phương thức phương tiện từ trong bản thân sáng tác hơn là đưa ra những công thức quy phạm. Mặc dù đã có những quan điểm hoài nghi đặc trưng cũng như tính văn học, nhưng văn học ở đâu, thời nào cũng tồn tại trong sự đối lập với cái phi văn học, dù cho ranh giới giữa hai cái đó có đổi thay trong lịch sử. Chừng nào còn đối lập ấy thì chừng ấy còn thi pháp học. Chính vì thế phương pháp nghiên cứu thi pháp chủ yếu là miêu tả, quy nạp, hệ thống hoá và thuyết minh, diễn giải chứ không phải là diễn dịch từ những nguyên lí của “đại tự sự”.

Như đã nói, thi pháp học là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều bộ phận, trường phái, nhiều quan điểm và phương pháp khác nhau. Công trình Lịch sử các thi pháp học của nhóm tác giả J. Bessière, E. Kushner, R. Mortier, J. Weiberger chủ biên đã đặt tên là Histoire des poétiques với số nhiều (Presses Universitaire de France, 1997). Nhưng đối với mỗi tác giả thì đó lại là thi pháp học số ít. Trước khi nói đến thi pháp học ở Việt Nam, thiết nghĩ cần nói đến một cách khái quát về bức tranh toàn cảnh các thi pháp học.

Thời cổ đại, Aristote xuất phát từ nguyên tắc “mô phỏng” tiến hành phân loại văn học, phân tích các yếu tố tạo thành tác phẩm tự sự, trữ tình, kịch mang đậm tính chất diễn dịch của thi pháp học cổ điển. A. Veselovski xuất phát từ nguyên tắc văn hoá lịch sử và phương pháp so sánh để nghiên cứu sự vận động phát triển của các yếu tố của tác phẩm như cốt truyện, tính ngữ, song hành (đối – parallelism), mở đầu cho thi pháp học hiện đại. Ở Trung Quốc xưa nghệ (thuật) bắt nguồn từ đạo, pháp bắt nguồn từ nghệ, cho nên không có pháp cố định. Chỗ cao siêu của pháp là thần, diệu.

Thời gian đầu thế kỉ XX là thời kì chứng kiến sự nở rộ của thi pháp học hầu như trên toàn thế giới. Thi pháp học hiện đại bắt đầu với chủ nghĩa hình thức Nga. Chủ nghĩa hình thức Nga bao gồm Trường phái ngôn ngữ học Matscova do Jakobson đứng đầu (còn có Vinokur, Tomashevski, Brik…) , và Hội nghiên cứu ngôn ngữ thi ca ở Peterburg do V. Shklovski đứng đầu (gọi tắt là OPOJAZ, thành viên còn có Aykhenbaum, Jakubinski, Tynianov, Girmunski, Polivanov, Vinogradov…), chịu ảnh hưởng lí thuyết ngôn ngữ hệ thống của F. de Saussure, nhận thức thi pháp như là ngôn ngữ độc lập của văn học, phân biệt hẳn với đời sống và ngôn ngữ sinh hoạt, cũng khác với ngôn ngữ khoa học. Họ chủ trương nghiên cứu văn học một cách khách quan, khoa học, dựa vào các sự thực về ngôn ngữ. V. Shklovski tuyên bố: “Lí luận văn học của tôi là nghiên cứu quy luật nội bộ của văn học. Nếu lấy ví dụ từ tình hình nhà máy thì cái tôi quan tâm không phải là thị trường bông sợi thế giới hay chính sách của các tập đoàn sản xuất mà là số sợi bông và phương pháp dệt vải”, “lá cờ thi pháp không cùng màu với lá cờ trên toà thị chính”. Ông khẳng định ý thức nghiên cứu nội tại, xem “thủ pháp” (прием) là đối tượng và nội dung của văn học. Thủ pháp đối với ông là tất cả những cách thức, phương tiện biến một nội dung thông thường, trung tính, quen thuộc thành cái thẩm mĩ mới lạ. Ông nghiên cứu thủ pháp “lạ hoá” (отраннение, defamiliarization) của văn học trên mọi cấp độ: ngôn từ, truyện kể, các hình thức quy ước (ước lệ) của văn học. Các nhà hình thức Nga như B. Tomashevski xây dựng lại khái niệm truyện kể cùng các yếu tố của nó, mở đầu một quan niệm mới về tác phẩm tự sự mà sau này R. Barthes sẽ phát triển.

Ở nước Nga đương thời, sau cách mạng tháng Muời, ngoài chủ nghĩa hình thức Nga còn có nhiều trường phái thi pháp học xã hội học lí thuyết, trong đó nổi lên M. Bakhtin, V. F. Pereverzev. Bakhtin nhấn mạnh tính đối thoại, một tư tưởng có ý nghĩa chống độc thoại, đáp ứng nhu cầu tư tưởng hiện đại. Thi pháp học của M. Bakhtin ngày nay được định danh là thi pháp học văn hoá. Theo tôi, định danh như vậy sát và đúng hơn là thi pháp xã hội học do chính Bakhtin đưa ra. Pereverzev thì quan tâm vấn đề nguồn gốc xã hội của sáng tác. Xã hội học văn học về sau phát triển thành lí luận văn học mác xít, chủ yếu chỉ quan tâm đến các vấn đề nội dung tư tưởng của văn học theo nguyên lí nội dung quyết định hình thức, các phạm trù hình thức ít được chú ý, mãi đến sau năm 1960 mới dược nối lại ở nước Nga.

Cùng thời gian đầu thế kỉ, trường phái phê bình mới Anh, Mĩ gồm I. A. Richards, J. C. Ransom, A. Tate, C. Brooks, W. Empson, W. Wimsatt, R. Wellek… lấy văn bản làm đối tượng trung tâm của nghiên cứu, khám phá tính văn học qua cấu trúc và cơ chất (texture) của ngôn từ. Lấy văn bản làm bản thể của văn học, phê phán hiểu lầm về ý đồ tác giả, nghiên cứu các đặc tính của ngôn ngữ thơ như trương lực, tính mơ hồ, đa nghĩa, tính nghịch lí, tính biểu tượng, tính giả vờ (Irony – có nguồn gốc Hi Lạp, chỉ sự giả vờ của diễn viên, sách Trung Quốc dịch là “phản ngữ”, tức là “lối nói ngược”, nghĩa rộng hơn “mỉa mai”), vai trò của ngữ cảnh. Họ chủ trương một cách đọc kĩ (close reading) đối với văn bản để phát hiện các tính chất đó. Các phạm trù này giúp người ta hiểu rõ hơn bản chất của ngôn ngữ văn học. Wellek và Warren phát triển lí thuyết cấu trúc văn bản và phân biệt nghiên cứu nội tại với nghiên cứu ngoại tại.

Cũng gần như cùng thời với các trường phái hình thức ở Nga và Anh, Mĩ ở Đức, do chịu ảnh hưởng của triết học hiện tượng học xuất hiện trường phái nghiên cứu thế giới tinh thần và thế giới nghệ thuật của nhà văn biểu hiện qua văn bản ngôn ngữ. Fredric Gundolf chủ trương phân biệt cuộc sống kinh nghiệm thực tế của nhà văn với cuộc sống trong tác phẩm nghệ thuật. E.R. Curtius căn cứ vào ngôn ngữ mà nghiên cứu thế giới tinh thần của nhà văn, phản đối lối nghiên cứu dựa vào các quy tắc để đánh giá sáng tác. Eric Auerbach nghiên cứu phương thức “mô phỏng” thế giới của các văn bản kinh điển mà ông trích từng đoạn để phân tích, so sánh, chỉ ra cách cảm nhận con người, không gian, thời gian, đồ vật. Leo Spitzer được coi là tác giả nổi bật trong giới nghiên cứu phong cách chủ trương đi tìm “thế giới bên trong”, “cách cảm nhận thế giới” của nhà văn và giải thích bằng hệ thống biểu hiện ngôn ngữ, nhưng không loại trừ tác động của các nhân tố thời đại, thực tại. Họ đã nhận thấy nghệ thuật là một thế giới chủ quan của nghệ sĩ, phân biệt với thực tại khách quan. Trường phái này cùng triết học hiện tượng học đã ảnh hưởng đến trường phái Genève chủ trương nghiên cứu ý thức nhà văn thể hiện trong tác phẩm mà đại biểu là Marcel Raymon, George Poulet, J. Rousset, J. Jarobinski, các nhà phê bình Mĩ Paul de Man, J. Hillis Miller, các nhà mĩ học Pháp Dufrènne, Merleau-Ponty, nhà mĩ học Ba Lan R. Ingarden… Họ xem tác phẩm văn học như một thế giới thẩm mĩ đặc thù. G. Poulet chủ trương đối tượng nghiên cứu của văn học là ý thức của chủ thể nghệ thuật, và để nghiên cứu ý thức đó ông sử dụng các phạm trù của thế giới quan như thế giới, không gian, thời gian… Đề tài “thế giới” được nghiên cứu, chẳng hạn Thế giới tiểu thuyết của Ch. Dickens, Về thời gian của con người, Không gian của tiểu thuyết của Marcel Proust… Cách tiếp cận này cho phép người ta khám phá các chiều kích thi pháp, phong cách nghệ thuật ngay trong tác phẩm nghệ thuật.

Cũng nghiên cứu thế giới nghệ thuật, nhưng đi theo con đường ngược lại, là nghiên cứu các biểu tượng khách thể mà tiêu biểu là Gaston Bachelard và học trò của ông là Jean-Pierre Richard, Gilbere Durant. Gaston Bachelard là nhà toán học kiêm vật lí, ông ghé chân vào văn học và trở thành nhà phê bình độc đáo với lí thuyết về trí tưởng tượng của nhà văn như là lĩnh vực vô thức. Có người liệt ông vào phê bình chủ đề, có người quy ông vào nghiên cứu mẫu gốc (archetype). Tadié liệt ông vào nghiên cứu hình ảnh khách thể, bởi ông không nghiên cứu tác phẩm cụ thể, mà nghiên cứu các khách thể của thế giới trong tưởng tượng văn chương. Ông hiểu tưởng tượng không phải là năng lực tạo thành các hình ảnh của thực tại, mà là năng lực giải thoát khỏi các hình ảnh của thực tại, làm biến dạng chúng dưới tác động của vô thức. Ông nghiên cứu hình ảnh về bốn yếu tố lửa, đất, nước, khí, là bốn yếu tố của thế giới khách quan để thấy sự tưởng tượng đã biến dạng chúng như thế nào [4]. Ông cho thấy trong các hình ảnh tưởng tượng (les images imaginées) có cội nguồn thực tại ấy cái chiếm ưu thế là nhân tố vô thức tập thể theo quan niệm của Jung, trước hết là giấc mơ, có khi ông quy vào khí chất của nhà thơ: nhà thơ lửa, nhà thơ đất, nhà thơ nước, nhà thơ khí, các kiểu nhà thơ này chi phối cách tưởng tượng của họ. Richard bắt đầu nghiên cứu Văn học và cảm giác, chưa có gì phân biệt với Poulet và Bachelard. Đến Thế giới hình ảnh của Mallarmé, vốn là luận án tiến sĩ, J. P. Richard trình bày phương pháp của mình là dựa vào hệ đề tài (chủ đề), theo đó, “một đề tài là một nguyên tắc tổ chức cụ thể, một hình thức hay một đối tượng cố định, xoay quanh nó có thể cấu thành và phát triển cả một thế giới”. Ông dùng phương pháp đệ quy, thống kê sự lặp lại của đề tài biểu hiện một ý niệm, hệ thống từ vựng, phát hiện hình thức tổng thể. Thứ hai, đề tài thường ở trong nhiều mối liên hệ, ví dụ hình ảnh “lõa thể” trong thơ Mallarmé vừa liên hệ với sắc dục, vừa thể hiện tư tưởng mĩ học. Đề tài có thể coi như biểu tượng. Ví dụ “màu trắng”trong thơ Mallarmé vừa biểu tượng trinh tiết vừa biểu hiện chướng ngại, sự lạnh lẽo, hoặc là sự tự do. Bằng liên tưởng người ta có thể từ màu xanh da trời liên hệ với thuỷ tinh, giấy trắng, trong suốt, đỉnh núi băng, màu trắng thiên nga, đôi cánh, trần nhà… Hình ảnh gập chồng vừa có ý nghĩa tính dục, vừa là tờ giấy, tấm gương, sách, nấm mồ, tập hợp trong giấc mộng về đời tư… G. Durant cho rằng hình ảnh không phải để ghi nhận thực tại, mà là ghi nhận niềm tin, là mắt xích của thế giới trong ý thức. Toàn bộ hướng nghiên cứu này khẳng định tính nội tại của nghệ thuật.

Trường phái cấu trúc chủ nghĩa có cội nguồn từ ngôn ngữ học Saussure [5], được đề cập trong trước tác của chủ nghĩa hình thức Nga với Jakobson, của Bakhtin, phát triển với trường phái ngữ học Praha và trở thành trào lưu ở Pháp từ những năm 60 với các tên tuổi như Claude Levi – Strauss, R. Barthes, Tz. Todorov… Nhà khoa học Thuỵ Sĩ xem ngôn ngữ là một hệ thống và chỉ ra phương thức cấu trúc của hệ thống đó gồm quan hệ giữa trục kết hợp và trục lựa chọn (liên tưởng), quan hệ giữa biểu hiện bề mặt (lời nói) và cấu trúc bề sâu (ngôn ngữ), ông đặt ngôn ngữ trong một môn học lớn hơn là kí hiệu học, trong đó mỗi kí hiệu là sự thống nhất giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt theo nguyên tắc võ đoán, ý nghĩa biểu hiện qua đối lập của các kí hiệu, đối lập ngôn ngữ và lời nói, đối lập đồng đại và lịch đại. Tư tưởng cấu trúc của Saussure dấy lên trào lưu cấu trúc chủ nghĩa trong văn học. Thực ra trong sách của Saussure không có từ “cấu trúc”, chỉ có từ hệ thống. Từ cấu trúc có lẽ do Jakobson đưa ra. Cấu trúc có nguồn gốc Latin, “structum” nghĩa là trải qua tập họp và chỉnh lí, tạo thành một chỉnh thể có tổ chức. Nếu hệ thống (system) là cái toàn thể do các thực thể liên quan kết hợp với nhau mà thành thì cấu trúc chỉ là những quan hệ ổn định, bất biến ở trong đó, cấu trúc phụ thuộc vào hệ thống. Trong lí thuyết ngôn ngữ cấu trúc chỉ là các quan hệ bất biến để tạo thành giao tiếp. Thuật ngữ “chủ nghĩa cấu trúc” do Jakobson đặt ra vào năm 1929 tại Praha. Sau này J. Piaget viết sách Chủ nghĩa cấu trúc, khẳng định cấu trúc có tính hệ thống, tính chuyển đổi và tính tự điều chỉnh. Từ nguyên lí ngôn ngữ là hệ thống của những khu biệt, người ta đi tìm hệ thống khu biệt của văn học. Từ nguyên lí cơ sở của ý nghĩa là khu biệt, người ta đi tìm hệ thống các đối lập để giải mã văn bản. Các phương pháp phân đoạn, đối lập, thay thế, lập mô hình được sử dung phổ biến. Ngôn ngữ học Saussure đối lập phương thức nghiên cứu đồng đại với phương thức nghiên cứu thực chứng lịch đại của ngữ học thế kỉ XIX, dẫn đến sự từ chối quan điểm lịch sử, từ chối chủ thể, từ chối khoa học nhân văn truyền thống tạo thành một cuộc cách mạng về hệ hình trong khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu cụ thể, các nhà cấu trúc chủ nghĩa Praha kết hợp cấu trúc với quan điểm mĩ học, chủ trương chống tự động hoá, coi đó là cơ chế tự phát triển của văn học, quan tâm bối cảnh lịch sử [6]. Có thể do nhạy cảm khoa học, các nhà cấu trúc Pháp như Todorov, Greimas, Brémon… đều từ chối tên gọi chủ nghĩa cấu trúc, không gọi mình là nhà cấu trúc chủ nghĩa và thực tế nghiên cứu của họ chuyển dần sang hậu cấu trúc (mở).

Đặc điểm chung của thi pháp học cấu trúc là dựa vào mô hình ngôn ngữ, đó không chỉ vì ngôn ngữ là cơ sở của khoa học nhân văn và khoa học xã hội, mà còn vì họ nhận thấy mọi nhận thức không tách rời với sự ràng buộc của ngôn ngữ. Sự nhấn mạnh tính hệ thống đòi hỏi xem văn bản là một hệ thống hoàn chỉnh, coi trọng phân tích hình thức là yếu tố có ý nghĩa then chốt. M. L. Gasparov nói: “Thi pháp học cấu trúc không phải là thi pháp của các yếu tố tách rời, mà là thi pháp về các quan hệ của các yếu tố tạo nên tác phẩm.”

Thi pháp học cấu trúc chủ nghĩa về thơ ở Pháp qua công trình phân tích cấu trúc kí hiệu của Jakobson và Claude Lévi-Strauss về bài thơ Những con mèo của Baudelaire đã không thành công, nhưng trong các tác phẩm phân tích bài thơ Con quạ của Allan Poe, hay bài thơ 14 chân số 129 của Shakespeare thì lại thành công. Ở Nga, công trình Phân tích văn bản thơ của Ju. Lotman cũng là một ví dụ thành công. Thành công hơn cả của chủ nghĩa cấu trúc là “Tự sự học” của G. Genette với một hệ thống các thuật ngữ dành để phân tích cấu trúc văn bản tự sự mà ngày nay đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu có hiệu quả như lĩnh vực thi pháp tiểu thuyết và nghệ thuật tự sự nói chung. Tự sự học là sự mở rộng của thi pháp học, thể hiện sự gắn kết của nó với tu từ học (Rhetorica), một bộ môn mà vào thời cổ đại đã phân biệt với thi pháp học. Hiện thời tự sự học “kinh điển” đã chuyển sang tự sự học hậu kinh điển, một giai đoạn mới của thi pháp học tiểu thuyết và tự sự học [7].

Thi pháp tự sự học không phải thoát thai từ chủ nghĩa cấu trúc mà có cội nguồn từ thi pháp học tiểu thuyết Anh Mĩ đầu thế kỉ. Trước thế kỉ XX, khái niệm văn học không bao gồm tiểu thuyết vì nó là văn xuôi, mọi bình luận về tiểu thuyết chỉ dựa vào chủ đề và nội dung chứ chưa quan tâm hình thức. Vấn đề là phải chứng minh hình thức nghệ thuật của thể loại văn xuôi – tiểu thuyết, và thế là nghiên cứu hình thức tiểu thuyết bắt đầu. M. Schorer năm 1947 đã phát biểu: “Bây giờ người ta đã chứng minh, bàn về nội dung không phải là bàn về nghệ thuật, mà chỉ bàn về kinh nghiệm, chỉ khi bàn về cái nội dung đã được thực hiện tức là hình thức, cũng là tác phẩm nghệ thuật thì khi ấy mới là tiếng nói của nhà phê bình.” Từ đó các vấn đề của tự sự như người trần thuật, điểm nhìn, hình thức không gian… đã được bàn rộng rãi, chúng gắn liền với sự ý thức về vai trò độc lập tự chủ của con người cá nhân (J. Watte). Tiếp theo là các lí luận từ tiểu thuyết đến tự sự học của các tác giả không chỉ là Anh Mĩ: Percy Lubbock, E.M. Forste, J. Frank, N. Frye, W. Boothe, R. Scholes, S. Friedman, M. Bal, F. Kermode, G. Prince… (theo Wallace Martin, Recent Theories of Narrative).

Thi pháp học cấu trúc không tách rời với kí hiệu học. Bởi nghệ thuật nguyên là tái hiện đời sống, trong khi tái hiện, nghệ thuật sử dụng các chất liệu đã được mã hoá (ngôn ngữ, hình ảnh con người, thiên nhiên, màu sắc, chi tiết đời sống…) rồi theo ý tưởng của mình mà tạo ra một cái được biểu đạt mang hình thức biểu đạt khác với đời sống. Như thế văn học vừa là nghệ thuật ngôn từ lại vừa là khách thể kí hiệu tạo ra một cái biểu đạt mới. Văn học cũng là một hệ thống kí hiệu đặc thù. Đem nguyên lí kí hiệu học mà xét văn học nghệ thuật, bắt đầu với E. Cassirer (Đức) và Susanne Langer (Anh). Cassirer xem con người là động vật biết sử dụng kí hiệu và xem văn hoá, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, khoa học… đều là sản phẩm của hoạt động kí hiệu. Ông nói: “Nghệ thuật không mô phỏng thực tại, nhưng là sự phát hiện về thực tại.” Ông nghiên cứu kí hiệu thần thoại. Langer nghiên cứu đặc trưng kí hiệu của nghệ thuật, phân biệt với các loại kí hiệu khác. Ju. Tynianov và Bakhtin cũng nghiên cứu kí hiệu học, nhưng Bakhtin quan tâm bản chất xã hội của kí hiệu mà chưa có định nghĩa kí hiệu rõ ràng. Tiếp theo, R. Jakobson vận dụng lí thuyết giao tiếp ngôn ngữ, chỉ ra 6 thành phần của hoạt động giao tiếp và khẳng định “tính văn học” tức là “tính tự chỉ” (self-reflexity) của kí hiệu văn học. Todorov nói rõ hơn: “Tính văn học” chính là cái năng lực của kí hiệu chỉ về phía bản thân nó chứ không phải chỉ ra vật khác.”. Trường phái kí hiệu học Tartu – Moskva, trào lưu phê bình mới của Pháp, trường phái Đức làm cho kí hiệu học văn học phát triển rầm rộ. Việc vận dụng kí hiệu học làm cho khái niệm cấu trúc văn học mất đi tính khép kín, và đi theo chiều hướng hậu cấu trúc, bởi theo Ju. Lotman, nếu chủ nghĩa cấu trúc là nghiên cứu các quan hệ của các yếu tố thuộc văn bản văn học, thì cấu trúc ấy ngoài các quan hệ nội tại của văn bản, còn có các quan hệ ngoài văn bản nữa. Mỗi từ trong bài thơ không chỉ có quan hệ với các từ trong bài mà còn có quan hệ với từ đó trong tất cả các bài thơ (và không thơ) còn nhớ trong kí ức người đọc (Bài giảng thi pháp học cấu trúc). Thi pháp học cấu trúc của Lotman xây dựng trên nền tảng kí hiệu học, nêu ra cấu trúc nhiều tầng lớp, nhiều hệ thống mã của văn bản, đặt cấu trúc văn bản trong tổng thể văn hoá, cho phép nhìn nhận hoạt động chức năng của văn học một cách toàn diện, khoa học. Chẳng hạn từ “hoa hồng” trong một bài thơ, là một hình tượng cảm tính, nhưng nghĩa của nó là loài hoa có sắc, có hương, hay là biểu tượng của tình yêu, tình yêu trần thế hay tình yêu tinh thần kiểu Platon? Vấn đề phải đặt trong quan hệ với các từ khác. Rồi xem trong quan hệ ngoài văn bản. Biểu tượng ấy được cảm nhận vào thời trung đại khác với thời lãng mạn, khác với thời hiện đại, đều phải đặt trong ngữ cảnh hẹp hay rộng mà xác định. Trong trường pháp Lotman có người nghiên cứu cấu trúc phát sinh của tác phẩm văn học như Jonkovski, có người nghiên cứu điểm nhìn trong kết cấu văn bản như Uspenski…

Phong trào kí hiệu học Pháp hiện đại rất sôi động, phần đông họ nghiên cứu theo hướng khám phá “tính văn học”, khai thác ý nghĩa siêu ngôn từ của văn bản văn học. Mô hình phân tích văn bản của họ về cơ bản là mô hình kí hiệu. Chẳng hạn nguyên lí kí hiệu học của Roland Barthes hay ngữ nghĩa học cấu trúc của Greimas, phân tích ngữ nghĩa huyền thoại của Claude Lévi-Strauss, phân tích tu từ của Genette, Todorov hay phân tích kí hiệu của hình thái ý thức văn hoá của J. Kristeva… Thi pháp học cấu trúc và kí hiệu học đã mở rộng phạm vi của thi pháp học, muốn biến nó thành khoa học, nhưng mặt khác, quy văn học vào thủ pháp, vào tính văn học, vào cái biểu đạt, mẫu gốc tập thể, vào diễn ngôn, liên văn bản… mở ra nhiều khả năng để nghiên cứu tính nghệ thuật, đồng thời cũng làm cho nó lan sang lĩnh vực văn hoá.

Đáng chú ý là nghiên cứu kí hiệu học trong phong cách học. Phong cách học cũng là một bộ phận của thi pháp học, vì thế ở đây xin nhắc đến các phong cách học cấu trúc – kí hiệu học trong trào lưu “Phê bình mới” ở Pháp những năm 60 – 70. Trước hết là dòng phong cách học cấu trúc phát sinh, nghiên cứu những sai lệch (deviasion) so với chuẩn mực ngôn ngữ, coi là dấu hiệu của lựa chọn, tái mã hoá làm thành phong cách riêng. Khái niệm này thực ra đã có trong khái niệm “lạ hoá” của Shklovski, nhưng được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thống kê tìm tần xuất sử dụng. Sự “lệch chuẩn” biểu hiện ở tần suất cao của các từ cùng chủ đề, các “hình ảnh ám ảnh”, các “từ ngữ chìa khoá” trong một hay nhiều văn bản của nhà văn là căn cứ phân tích phong cách. Phương pháp này có khi thiên về số lượng, có thể nhầm lẫn, vì thế phải bổ sung bằng phân tích chất lượng, chẳng hạn như các tác giả P. Guiraud, Ch. Bruneau, M. Parant… P. Guiraud xem tác phẩm là thế giới ngôn từ tự trị, sự “lệch chuẩn” làm nên “trường phong cách”, dựa vào đó nhà nghiên cứu có thể kiến tạo lại ngôn ngữ của nhà văn. Chẳng hạn trong 4000 từ của từ vựng trong tập Hoa ác của Baudelaire, P. Guiraud chia làm bốn trường từ vựng tạo thành thế giới của nhà thơ: Bầu trời, Địa ngục, Đất với đời sống hằng ngày và Ước vọng. Các trường này tạo thành mã khép kín để hiểu thế giới thơ. Hiển nhiên sự lệch chuẩn có thể là về từ vựng, về ngữ pháp, về ngữ âm, về ngữ nghĩa, về phương ngữ, về ngữ vực, về thời đại lịch sử và về cá tính, chỉ xét riêng từ vựng mới chỉ là một phần trong số đó. Vấn đề đặt ra là sau khi thống kê phát hiện từ chìa khoá rồi thì giải thích chúng theo phương hướng nào, dựa vào căn cứ nào để có được phong cách cá nhân. Các nhà phong cách Pháp chủ yếu khám phá nét độc đáo của bản thân các phương tiện ngôn ngữ, như J. Antoine đã phê bình, họ có phần hạn hẹp.

Phân tâm học đem lại cho nghiên cứu phong cách một đường lối giải thích sự thống nhất của phong cách. Ch. Mauron là đại diện nổi tiếng cho hướng nghiên cứu này đã giải thích các “hình tượng ám ảnh” chỉ từ phương diện tâm lí vô thức. Ông giả thiết rằng nhà văn nào cũng có một “huyền thoại về cá nhân mình” gắn liền với cái tôi tiềm thức thể hiện trong văn bản. Ông dùng phương pháp “xếp chồng” các văn bản của một nhà văn lên nhau (tức là so sánh) để tìm ra mối liên hệ của các từ ngữ trong một màng lưới liên tưởng thể hiện thế giói của nhà văn (ví dụ Cái chết: tự sát – nấm mồ – cây cháy sém…; Trận đánh: máu – dông tố – mũ nồi…; Chiến thắng: thắng lợi, vinh quang – vàng – đỏ thắm – lấp lánh – ngày hội…). Phương pháp này có thể góp phần nghiên cứu hình tượng tác giả. C. Baudouin trong các công trình Phân tâm học Victor HugoSự thắng lợi của nhân vật anh hùng hướng tới phân tích mối quan hệ giữa hình tượng nghệ thuật với các mặc cảm cá nhân và mặc cảm nguyên thuỷ của nhà văn, chẳng hạn mặc cảm thần thoại. Ông chỉ ra mặc cảm nguyên thuỷ và mặc cảm cá nhân chi phối sáng tác của Schiller, Shakespeare, L. Tolstoi, F. Dostoievski. Bản thân mặc cảm vô thức không phải là thi pháp, không phải cấu tứ, mà chỉ là nguyên tắc giải thích.

Trong tất cả những người vận dụng mẫu gốc vô thức để nghiên cứu văn học, chỉ riêng Frye xem đó như dấu hiệu của truyền thống và hình thức văn học, không tán thành việc đề cao thái quá vai trò của cá nhân đang được luật bản quyền bảo vệ. Theo ông, “thơ chỉ nảy sinh ra từ trong thơ khác, tiểu thuyết chỉ có thể nảy sinh từ tiểu thuyết khác. Văn học hình thành từ trong bản thân nó, chứ không phải bên ngoài nó. Hình thức văn học không thể hình thành bên ngoài văn học.” (Giải phẫu phê bình văn học). Như thế mẫu gốc góp phần nghiên cứu đặc trưng và truyền thống văn học. Frye cũng không tán thành xem tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa là đỉnh cao của tiểu thuyết. Theo ông, người ta có thể miêu tả hiện thực (thế giới kinh nghiệm) như nó vốn có, có thể miêu tả thực tại cao hơn, lí tưởng hơn, khi đó sẽ có tiểu thuyết truyền kì, lãng mạn, có thể miêu tả thực tại thấp hơn, khi đó có châm biếm, đả kích. Phương thức, phương tiện là cầu nối giữa thế giới kinh nghiệm với thế giới nghệ thuật. Tư tưởng đó khẳng định việc nghiên cứu hình thức văn học (thi pháp) không thể được thay thế bằng đối tượng khác, nếu muốn tìm biết văn học nghệ thuật là gì.

Thi pháp học lịch sử Nga bắt đầu với A. Veselovski, nhưng sang đầu thế kỉ nó bị chủ nghĩa hình thức phủ định, sau đó chủ nghĩa hình thức Nga lại bị thi pháp học marxism phủ định với nguyên tắc lịch sử và tính nhân quả xã hội. Thi pháp học marxism Liên Xô tập trung nghiên cứu cội nguồn xã hội, lịch sử của văn học, mà các phạm trù trung tâm là hình tượng, tính cách, nhân vật, hoàn cảnh, chi tiết. Một mặt, chúng là yếu tố cấu tạo nên tác phẩm, mặt khác chúng lại là sự phản ánh của xã hội. Văn bản, kí hiệu, giao tiếp, tiếp nhận là những phạm trù chưa hề được quan tâm xem xét thấu đáo. Từ sau 1960 thi pháp học Liên Xô phát triển đa dạng: thi pháp học cấu trúc của Lotman, thi pháp học văn hoá của Bakhtin, thi pháp học lịch sử. Thi pháp học lịch sử không chỉ nghiên cứu sự tiến hoá của hình thức mà còn nghiên cứu sự phát triển của khái niệm về văn học. Chẳng hạn bộ sách Lí luận văn học dưới cái nhìn lịch sử ba tập của Viện Văn học thế giới mang tên Gorki đầu những năm 60. Bộ này hiện nay đang được biên soạn lại và đã ra mắt bạn đọc. Năm 1983, Khrapchenco, người cổ vũ và tổng kết thi pháp học lịch sử Liên Xô nhận định: “Thi pháp học lịch sử nghiên cứu sự tiến hoá của các phương thức, phương tiện chiếm lĩnh thế giới bằng hình tượng nghệ thuật, chức năng xã hội, thẩm mĩ của chúng, số phận lịch sử của các khám phá nghệ thuật.” D. X. Likhachev trong sách Con người trong văn học Nga cổ, Thi pháp văn học Nga cổ miêu tả các hình thức và phong cách miêu tả con người, các phương tiện miêu tả nghệ thuật như không gian, thời gian nghệ thuật, các hình thức khái quát nghệ thuật, các công thức, nghi thức, biểu tượng… trong văn học Nga cổ. Đối với ông thi pháp là phong cách, là các yếu tố và nguyên tắc của phong cách. M. M. Bakhtin qua công trình François Rabelais và văn hoá dân gian thời phục hưng và trung đại, Những vấn đề thi pháp Dostoievski nghiên cứu ảnh huởng của văn hoá dân gian trung cổ hoặc các thể loại văn học cổ đại đối với hình thức tiểu thuyết của Rabelais, Dostoievski; nghiên cứu cấu trúc đối thoại của tiểu thuyết, cấu trúc không – thời gian, các hình thức không – thời gian, hình thức thời gian trong tiểu thuyết cổ đại, cận đại. Đặc biệt ông quan tâm nghiên cứu ngôn từ tiểu thuyết. Ju. Lotman nghiên cứu không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX, trong tác phẩm của Gogol. Steblin-Kamenski trong Thi pháp học lịch sử, chủ trương nghiên cứu “văn học” (tính văn học) trong quá trình lịch sử, từ nảy sinh quan niệm văn học, quan niệm tác giả, quan niệm hư cấu, thể loại. Thi pháp học lịch sử của nhóm tác giả S. Averincev, M. Andreev, M. Gasparov, P. Grincer, A. Mikhailov nghiên cứu các thời đại văn học, các loại hình của ý thức nghệ thuật, có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu loại hình các giai đoạn lịch sử văn học. Meletinski nghiên cứu thi pháp huyền thoại. G. Gachev nghiên cứu thi pháp sử thi Nga… Thi pháp học lịch sử cũng nghiên cứu các thi pháp trào lưu như Thi pháp chủ nghĩa lãng mạn của Ju. Mann, Thi pháp chủ nghĩa hiện thực của G. Fridlender…

 Ở Nga hiện tại, thời hậu xô viết, thi pháp học lí thuyết (lí luận văn học) được hồi sinh, tiếp tục phát triển trên cơ sở lí thuyết của các học giả Nga như Bakhtin, Lotman, Gasparov cùng các tác giả khác trên thế giới. Công trình Thi pháp học lí thuyết do N. D. Tamarchenco biên soạn đã tổng kết các vấn đề cơ bản của nó [8].

Ở Trung Quốc, bắt đầu từ thời kì mới, vượt qua lí luận giáo điều thời kì cách mạng văn hoá, lí luận văn học Trung Quốc có sự chuyển biến lớn, phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng. Từ quan niệm văn học phục vụ chính trị, họ chuyển sang nghiên cứu thẩm mĩ, tính chủ thể, kí hiệu, cấu trúc, tiếp nhận, giải thích học, hướng nội, hậu hiện đại… Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phần lớn hiểu thi pháp học (dịch là “thi học”) là lí luận văn học, nghiên cứu văn học, gọi toàn bộ lí luận văn học, nghiên cứu văn học là “thi học” (xem: Toàn thế giới thi học đại từ điển, 1993). Khái niệm thi học còn được hiểu theo nghĩa hẹp truyền thống: học vấn, tri thức về thơ ca. Rõ ràng, học vấn, tri thức về thơ rộng hơn nhiều phạm vi thi pháp học thể loại thơ. Theo nghĩa lí luận văn học đã có các thi học như: Thi học mơ hồ, Thi học quá trình, Thi học hình tượng, Thi học hình tượng Trung Quốc, Thi học môi giới, Lí luận văn học Trung Quốc hiện đương đại và thi học phương Tây, Lí luận văn học Trung Quốc và thi học phương Tây, Thi học triết học phương Tây thế kỉ XX… Theo nghĩa là học vấn về thơ, có: Thi học Trung Quốc (Diệp Vi Liêm), Gặp gỡ thi học Trung Quốc và phương Tây (về thơ chủ nghĩa hiện đại), Tinh thần thi học Trung Quốc, Giải thích hiện đại về thi học cổ điển, Quan niệm cơ bản của thi học Trung Quốc, Giải thích học thi học cổ đại Trung Quốc, Nguyên lí thi học, Thi học Lí Bạch và Đỗ Phủ,Nhìn chung nhiều sách mang tên “thi học” chẳng khác gì với những sách mang nhan đề lí luận văn học, về nội dung và phương pháp không tập trung vào những vấn đề đối tượng và phương pháp tạo thành một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù như đã nêu ở phần định nghĩa bộ môn ở trên.

 Tóm lại cuộc chuyển biến thứ nhất đã xây dựng nên một nền thi pháp học hiện đại khoa học, phong phú, đa dạng, có hiệu quả.

4. Cuộc chuyển biến thứ hai của nghiên cứu văn học đang diễn ra và chưa có hồi kết. Đó là chuyển biến từ ngôn ngữ học sang thi pháp học văn hoá – nghiên cứu văn hoá (cultural studies). Cuộc chuyển biến này có ý kiến cho rằng bắt đầu từ những năm 50 – 60 thế kỉ XX với khuynh hướng nghiên cứu văn hoá đại chúng ở các nước Anh Mĩ. Nghiên cứu văn hoá ở phương Tây được chú ý bắt đầu từ khát vọng vượt qua tính hạn chế của nghiên cứu văn học truyền thống: chỉ chú ý văn học tinh anh, bỏ qua văn hoá đại chúng; chỉ quan tâm cấu trúc, tính nội tại, coi nhẹ giá trị xã hội, lịch sử; chỉ chú ý thẩm mĩ, không quan tâm đến giá trị tiêu dùng. “Văn hoá đại chúng” bao gồm: báo, tạp chí, quảng cáo, điện ảnh, truyền hình, ca khúc thịnh hành, mode, văn học thông tục (gồm truyện kinh dị, tình yêu, cao bồi, truyện viến tưởng…), nhiếp ảnh, văn học phụ nữ,… là những “văn bản” thể hiện quyền lực trong lĩnh vực công cộng, chi phối ý thức xã hội, không thể bỏ qua. Các học giả như R. Hoggart, S. Hall đã khẳng định văn học là bộ phận của văn hoá. Có ý kiến xem nghiên cứu văn hoá là khuynh hướng nảy sinh sau khi các đại tự sự về văn học bị hoài nghi: văn học đã chết, tác giả đã chết, nghiên cứu văn học, thi pháp học đã chết… Văn học là bất cứ tác phẩm nào mà xã hội thời đó coi là văn học (Jonathan Culler). Hoạ sĩ Duchamp đã đem cái bệ tiểu tiện triển lãm trong viện bảo tàng như là tác phẩm nghệ thuật thì nó là nghệ thuật, đem tranh Mona Lisa của Leonard da Vinci vẽ thêm râu biến thành người đàn ông có râu thì là tác phẩm hội hoạ. Nghệ thuật biến thành một trò chơi. Lịch sử chỉ ghi lại qua văn bản, nhưng không có văn bản nào thể hiện được đầy đủ, khách quan lịch sử, do đó người ta chỉ có thể diễn giải về lịch sử, còn lịch sử đích thực thì vắng mặt, mâu thuẫn đó đã làm nảy sinh chủ nghĩa tân lịch sử của Stephen Jay Greenblatt và ông này khởi xướng hướng nghiên cứu “Thi pháp học văn hoá”, hướng tới một sự diễn giải xóa bỏ giới hạn của các chuyên ngành khoa học. “Thi pháp học văn hoá” (cultural poetics) là thuật ngữ do Greenblatt mượn của nhà văn hóa học Clifford Greetz. Hai chữ “văn hoá” nhằm chỉ nghiên cứu các sáng tác tập thể và quy luật của chúng, bắt đầu từ niềm tin, có giá trị thẩm mĩ, trở thành giá trị tiêu dùng. Hai chữ “thi pháp” nhấn mạnh đến giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật, và hình thức thể hiện “văn bản” của chúng, theo nghĩa rộng. Văn hóa là ý nghĩa được sản sinh, truyền đạt và tiếp nhận. Văn hoá có tính chất ức chế, khống chế và cơ động, di động, nó thể hiện trong hoạt động giao dịch trong đời sống. Thi pháp học văn hoá là khuynh hướng diễn giải các văn bản văn hoá, khám phá ý nghĩa tiềm tại của chúng trong hoạt động giao dịch. Nhà marxist Mĩ Fredric Jameson xây dựng quan niệm thi pháp học văn hoá theo quan điểm chủ nghĩa Mác. Theo đó văn học được diễn giải theo các phạm trù: lịch sử, ý thức hệ, ngụ ngôn, diễn giải. Dựa vào quan điểm thi pháp học văn hoá nhiều người chủ trương mở rông biên giới của thi pháp học, lí luận văn học, nghiên cứu các hiện tượng phi văn học, ngoài văn học. Một số người nói thi pháp học đang đứng trước nguy cơ đánh mất hoặc đổi thay đối tượng của mình như cuối thế kỉ trước.

Nghiên cứu văn hoá nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy đã có từ lâu, bởi từ xưa đến nay, văn học và văn hoá có mối quan hệ không thể tách rời, đặc biệt đã manh nha bắt đầu từ trong lòng cuộc chuyển biến thứ nhất. Khi nghiên cứu kí hiệu học, mẫu gốc, các tác giả đã dồng thời nghiên cứu văn học trong hệ thống văn hoá (E. Cassirer, N. Frye, R. Barthes, H. White, M. Bakhtin, Ju. Lotman…). Bakhtin đã nghiên cứu tiểu thuyết của Rabelais trong chỉnh thể văn hoá, từ các phạm trù văn hoá trung đại và phục hưng, nghiên cứu nguyên tắc đối thoại và phức điệu trong văn học như một vấn đề văn hoá. Frye nghiên cứu mẫu gốc huyền thoại và quan niệm tổng thể văn học. H. White với chủ nghĩa tân lịch sử, E. Miner so sánh thể loại văn học theo quan điểm văn hoá [9]. Lotman nghiên cứu kí hiệu quyển như một hiện tượng văn hoá, văn bản văn hoá, mã văn hoá và giao tiếp văn hoá… Nhiều nhà lí luận xô viết khác cũng nghiên cứu văn học theo quan điểm văn hoá. M. S. Kagan đặt văn học trong hệ thống văn hoá, Ju. Borev nghiên cứu văn hoá nghệ thuật. Nếu hiểu nghiên cứu văn hoá là nhìn văn học dưới góc nhìn văn hoá, phát hiện mối quan hệ đa chiều với văn hoá thì đó là sự phát triển lôgích của thi pháp học từ thế kỉ XX đến nay. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cũng đã có cái nhìn văn hoá. Nghiên cứu thi pháp cũng chính là nghiên cứu văn hoá nghệ thuật. Nghiên cứu văn hóa hiện nay mang một nội dung khác hơn, nó hướng tới các hiện tượng văn hoá trong đời sống hiện tại, nhưng điều đó không phải là phủ nhận nghiên cứu văn hoá truyền thống. Giải cấu trúc văn học chỉ là cách hiểu văn học trong sự đa dạng chứ không phủ nhận văn học, bởi giải cấu trúc buộc phải dựa vào cấu trúc mới có thể tồn tại. Cũng vậy, sự hoài nghi đại tự sự tự nó cũng không thể trở thành đại tự sự mới, bởi như thế thì mâu thuẫn với chính lí thuyết kinh điển của hậu hiện đại. Do đó sự phủ định cấu trúc, trung tâm, cũng như hoài nghi đại tự sự không bao giờ có thể trở thành tuyệt đối. Thêm nữa, giải cấu trúc, hậu hiện đại tuy có tham vọng “lật đổ” các lí thuyết trước đó, thì bản thân nó cũng vẫn chỉ là một trong các lí thuyết sinh sau mà thôi, chứ không phải là lí thuyết duy nhất đúng trong thời đại đa nguyên đối thoại về tri thức. Văn học đại chúng có thể có vị trí phổ biến trong đời sống, nhưng chắc chắn khó có thể thủ tiêu văn học tinh anh, bởi văn học đại chúng không phải là tất cả văn học. Như thế khái niệm văn học mở rộng bao quát hơn và nội dung thi pháp học cũng mở rộng theo, dù cho thi pháp học văn hoá có thể được áp dụng phổ biến.

Văn học hậu hiện đại cũng chỉ là một khuynh hướng văn học, không phải là duy nhất, và nó cũng có thi pháp của mình. Theo Linda Hutcheon trong Thi pháp hậu hiện đại của bà, phạm trù cơ bản là sự hoang tưởng, giễu nhại, trò chơi…

Toàn cảnh thi pháp học cho thấy nghiên cứu toàn bộ các phương diện, thành phần cấu tạo, ngôn ngữ văn hoc, từ nội dung hạn hẹp đã mở rộng dần, nảy sinh những chi nhánh mới dưới các tên gọi khác nhau với các cách tiếp cận khác nhau vẫn đang tiếp diễn, mở rộng.

 5. Nhìn qua bức tranh toàn cảnh khái quát trên đây có thể thấy thi pháp học ở Việt Nam có cội nguồn từ thi pháp học hiện đại trên thế giới. Có khuynh hướng phong cách học ngôn ngữ, có khuynh hướng kí hiệu học, có khuynh hướng phân tâm học, có khuynh hướng thi pháp học xã hội, có hướng thi pháp học lịch sử, văn hoá.

Trong khoảng từ những năm 1960 đến1975, ở miền Bắc nghiên cứu văn học đi theo thi pháp xã hội học, thể hiện ở chủ nghĩa hiện thực với các phạm trù thể hiện mối quan hệ văn học với hiện thực ý thức hệ… Trong thời gian đó ở miền Nam, các quan niệm nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại mới được giới thiệu, tiếp nhận. Phần lớn nghiên cứu văn học vẫn theo lối “phê bình giáo khoa” cũ, lẻ tẻ có một số nhà nghiên cứu văn học bắt tay nghiên cứu thi pháp theo lí thuyết hiện đại. Nguyễn Văn Trung đối lập phê bình cũ với phê bình mới thực chất là nêu vấn đề phê bình văn học theo thi pháp học mặc dù ông không dùng thuật ngữ thi pháp hay thi học. Lê Tuyên nghiên cứu thời gian hiện sinh, Bùi Hữu Sủng nghiên cứu thời gian huyền thoại, Trần Ngọc Ninh nghiên cứu cơ cấu (cấu trúc) với ý nghĩa, và còn có thể kể thêm một số tác giả khác nữa [10].

Sau năm 1975 nghiên cứu văn học trong cả nước có một thời gian trì trệ, giáo điều, đến những năm 80 bắt đầu có sự đổi mới. Nhiều thi pháp học được du nhập với các khuynh hướng ngôn ngữ học, kí hiệu học, cấu trúc luận, phân tâm học, phong cách học, thi pháp học lịch sử, tự sự học… Các công trình của Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Xuân Kính, Đỗ Lai Thuý… xuất hiện, được coi như là hiện tượng mới của nghiên cứu văn học. Hoàng Trinh vận dụng kí hiệu học khẳng định văn bản là cơ chế tạo nghĩa. Phan Ngọc nghiên cứu phong cách theo cơ chế lựa chọn, lệch chuẩn. Đỗ Đức Hiểu phê bình phong cách học trên cơ sở phát hiện từ chìa khoá, hình tượng ám ảnh, “xếp chồng văn bản”, “làm nổ tung văn bản”. Cả hai ông chủ yếu dựa vào lí thuyết của phong cách học Pháp, nhưng Phan Ngọc thiên về cấu trúc, chú ý thao tác luận khách quan, còn Đỗ Đức Hiểu từ ngôn từ, văn bản, bên cạnh một số bài phát hiện thi pháp có tính khách quan, nhiều bài khác gần với lối phê bình ấn tượng, nặng về cảm thụ chủ quan. Nguyễn Phan Cảnh giải thích đặc trưng thơ bằng cơ chế ngôn ngữ. Đỗ Lai Thuý cũng đi theo hướng khám phá đặc trưng ngôn từ, phát hiện quan niệm, giải thích từ nền tảng văn hoá trên cơ sở phân tâm học. Nhìn chung khuynh hướng thi pháp học tuy thoạt đầu có ngỡ ngàng, nhưng đã gây được ảnh hưởng trong xã hội, nhất là trong các trường đại học và tạo thành một khuynh hướng nghiên cứu nổi bật trong nghiên cứu phê bình văn học suốt những năm 80 cho đến nay. Thi pháp học mang lại nhiều thuật ngữ và khái niệm mới trong nghiên cứu văn học. Thuật ngữ thi pháp, quan niệm nghệ thuật về con người và nhiều khái niệm hình thức văn học đã đi vào phê bình một cách phổ biến, có tác dụng làm mới bộ công cụ phê bình văn học. Nhưng quan trọng hơn, thi pháp học đem lại cách tiếp cận mới, phương pháp mới nghiêng về tính nội tại. Nó tuy là nghiên cứu phương diện nội tại, song không tách rời hiện thực, lịch sử, bởi đó vẫn là căn cứ dể giải thích mọi sự biến đổi văn học. Đó là một hiện tượng chưa từng có trong phê bình, lí luận văn học Việt Nam trước những năm 80 [11]. Hàng loạt công trình nghiên cứu văn học có vận dụng thi pháp học ra đời [12]. Trong số đó có không ít công trình có giá trị, có sức thuyết phục cao, mở ra triển vọng mới. Nhưng trong số đó cũng có một số không ít nghiên cứu theo hướng thi pháp học mà chưa thực sự hiểu thi pháp học. Đó cũng là một chuyện thường tình khi có một hướng nghiên cứu có sức hấp dẫn, bởi có tư tưởng, lí luận nào, kể cả triết học, dù nổi tiếng đến đâu mà không bị hiểu lầm, bị đọc nhầm trong quá trình văn học?

Về phần mình, chúng tôi bắt đầu nghiêncứu thi pháp học từ những năm 70 thế kỉ trước, bảo vệ luận án tại Kiev về thời gian nghệ thuật tháng 11- 1980, công bố bài viết về thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều trên tạp chí Văn học, số 5-1981. Năm sau công bố bài Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, số 2-1982, tạp chí Văn học. Từ năm 1981 đã bắt đầu dạy chuyên đề thi pháp học cho sinh viên năm thứ tư, Đại học Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi xây dựng mô hình lí thuyết thi pháp học từ các ý tưởng khoa học của các nhà lí luận Nga, đặc biệt là của M. Bakhtin. Trong Những vấn đề thi pháp Dostoievski, M. Bakhtin xây dựng mô hình lí thuyết thi pháp của ông bắt đầu từ quan niệm nhân vật như một ý thức độc lập làm nền tảng cho cấu trúc phức điệu; tiếp đến xem xét thế giới của nhân vật với không gian, thời gian, mà không gian chiếm ưu thế hơn thời gian, đặc trưng cốt truyện, thể loại, đặc điểm ngôn ngữ. Các yếu tố của cấu trúc nghệ thuật đều phụ thuộc vào quan niệm con người. Ngôn ngữ của Dostoievski đều phụ thuộc vào đặc điểm của con người trong ấy. Mô hình của Bakhtin ở đây thích hợp trước hết đối với tiểu thuyết phức điệu của Dostoievski. Chúng tôi đã rút ra và phổ quát hoá mô hình đó để có thể vận dụng vào thế giới nghệ thuật thuộc các thể loại văn học khác như thơ trữ tình, một thể loại mà Bakhtin không mấy hứng thú. Mô hình của chúng tôi bao gồm: quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, tình tiết, kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ thể hiện. Trong Thi pháp Truyện Kiều đã có tự sự học, trong Thi pháp văn học trung đại Việt Nam đã có các bình diện của thi pháp văn học một giai đoạn. Các yếu tố của mô hình lí thuyết tương tự như thế có thể tìm thấy trong Thi pháp văn học Nga cổ và Con người trong văn học Nga cổThế giới bên trong của tác phẩm văn học của Likhachev. Các học giả của Viện Văn học thế giới mang tên Gorki như Ju. Borev cũng thường xem xét thế giới nghệ thuật trong tương quan với quan niệm nghệ thuật. Nhưng một mô hình như thế không hề có sẵn trong sách nào ở Liên Xô, ngay cả trong sách thi pháp của Bakhtin. Đó là mô hình được đúc kết nhằm phản ánh chỉnh thể nội tại của các thế giới nghệ thuật do nghệ sĩ sáng tạo ra mà người ta chỉ có thể khám phá từ bên trong văn bản. Mô hình này cũng có thể vận dụng vào nghiên cứu thể loại văn học, bởi thể loại văn học là một kiểu thế giới nghệ thuật. Điểm đặc biệt là mô hình lí thuyết này có tính mềm dẻo, nó có thể bao hàm vào bản thân nó những bình diện của phong cách học, tự sự học, tu từ học, kí hiệu học, ngữ học. Theo quan niệm của mô hình này, thế giới nghệ thuật chỉ có thể được quy nạp, khái quát từ cái nền ngôn từ của văn bản, xuất phát từ những biểu hiện của ngôn từ mà rút ra.

Mô hình lí thuyết có tính chất định hướng nghiên cứu, còn đặc điểm thi pháp cụ thể (tác phẩm, tác giả, thể loại…) thì phải miêu tả, đúc kết từ văn bản nghệ thuật, chứ không hề có sẵn. Mô hình lí thuyết ấy có thể và cần thay đổi gia giảm tuỳ theo đối tượng nghiên cứu cụ thể như tác phẩm, thể loại… Tính quan niệm là yếu tố chi phối tất cả mọi yếu tố của văn bản: nhân vật, không thời gian, sự kiện, điểm nhìn, ngôn ngữ. Mô hình này đã khẳng định tính độc lập của thế giới nghệ thuật, phế bỏ mô hình xem hình tượng nghệ thuật là hình ảnh tương đồng với hiện thực của lí thuyết phản ánh thịnh hành, khẳng định cá tính và tính tích cực của chủ thể nghệ sĩ. Mô hình này như mọi mô hình khác cũng chỉ là một trong các mô hình có thể có dùng để miêu tả thế giới nghệ thuật, tìm ra quy luật nội tại của chúng. Nghiên cứu thi pháp, như Todorov đã nhận xét, không nhằm để bình giảng, giảng văn, phát hiện ý nghĩa biểu đạt của một tác phẩm, mà nhằm khám phá quy tắc ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm, tìm thấy tính độc đáo, không lặp lại của ngôn ngữ ấy, cùng những giới hạn biểu hiện, chiếm lĩnh đời sống của nó. Chừng nào còn có thế giới nghệ thuật thì chừng ấy vẫn còn có khả năng vận dụng mô hình thi pháp học này để khám phá ra ra tính độc đáo của nó. Dĩ nhiên nó cần được hiểu đúng và đồng thời cập nhật nhiều khái niệm mới mà ngành nghiên cứu văn học mang lại để việc miêu tả thế giới nghệ thuật được hữu hiệu hơn.

Các thi pháp học trên thế giới trong thế kỉ XX rất phong phú, đa dạng và thi pháp học nào cũng có giới hạn sử dụng của nó. Thế giới không có thi pháp học nào vạn năng, bất biến. Chỉ cần biết vận dụng, kết hợp và biến đổi thích đáng, vượt qua hữu hạn, phù hợp đối tượng thì đều có thể có phát hiện bổ ích trong nghiên cứu văn học. /.

Chú thích:

[1] Poitike của Aristote trước nay vẫn dịch là Bàn về nghệ thuật thơ ca, nay thấy dịch như vậy là không đúng, bởi vì xét về thực chất trước tác của Aristote không chỉ bàn về thơ ca, mà còn bàn về sử thi, kịch. Có người như dịch giả Vương Niệm Tôn (Trung Quốc) dịch là “Thi học”, nhưng ngày nay xét thấy từ “Thi học” trong lịch sử lí luận Trung Quốc có nghĩa là “Cái học về làm thơ và đọc thơ”, không phù hợp vói ba bộ phận của thi pháp học hiện đại, thêm nữa, thi học có hàm ý lí luận về thơ, mà thi pháp học không chỉ có lí luận, cho nên, tham khảo một số nhà nghiên cứu, dịch thành “Thi pháp học”. Thi pháp học của Aristote đã có ảnh hưởng tới lí luận văn học hàng nghìn năm, sau ông có Poetica của Horace thời cổ đại La Mã, qua thời Phục hưng với Thi pháp học của nhà thơ Ý Trissin, Tasso với Discorsi dell’arte poetica; Thi pháp học của Scaliger, người Pháp, rồi Thi pháp học của Boileau L’art poétique, tiếp sau là Lessing, Herder, Humbold, V. Hugo, Muller Freielffel, Potebnia, A. Veselovski…

 [2] Đề nghị của René Wellek rất đáng quan tâm. Hiện nay đang có xu hướng lạm dụng thuật ngữ thi pháp để chỉ tất cả các thứ lí luận văn học, từ xã hội học, lí luận hậu thực dân, phê bình nữ quyền, lí thuyết tiếp nhận,… tức là các lí luận về mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội, các lí thuyết ấy nghiên cứu sự phản ánh các phương diện đời sống vào văn học hơn là cấu tạo, phương thức, phương tiện của tác phẩm văn học. Chẳng hạn vấn đề “Phương Đông học” đâu chỉ là trong văn học, mà chủ yếu là trong nghiên cứu, học thuật, vấn đề nữ quyền cũng vậy thể hiện trong các hiện tượng văn hoá rộng lớn… do đó nếu đưa vào thi pháp học thì lại đánh mất đối tượng của thi pháp học một lần nữa. Mặc dù trong thi pháp học có bộ phận lí thuyết, song phạm vi lí thuyết đó với phạm vi lí luận văn học khác nhau, không nên đồng nhất.

[3] Trong Về phương pháp hình thức Nga, Bakhtin tuy phê phán chủ nghĩa hình thức một cách hệ thống, những cũng đánh giá cao ý nghĩa của nó trong lịch sử khoa học: “Các nhà hình thức chủ nghĩa đã xuất hiện như là các nhà chuyên môn, họ lần đầu tiên đã đóng thật sự vai trò đó trong khoa học văn học Nga. Về các vấn đề đặc trưng văn học họ đã đặt ra một cách sắc sảo và có tính nguyên tắc đến mức có thể nhìn rõ rệt trên cái nền lỏng lẻo của chủ nghĩa tương đối và tính vô nguyên tắc của khoa học hàn lâm Nga.” Mặt khác, Bakhtin cho rằng các thành tựu bộ phận, như các khái niệm của nó có thể đưa vào vận dụng trong thi pháp học xã hội học.

[4] Gaston Bachelard, Phân tâm học về lửa (La psychonalyse du feu, P., 1937); Nước và những giấc mơ (L’Eau et les Rêves, P., 1942); Không khí và những giấc mơ (L’air et les songes, P., 1943); Đất và những hình ảnh của nỗ lực ý chí (La terre et les rêvries de la volonté, P., 1948); Đất và những hình ảnh của trạng thái nằm yên (La terre et rêvries du repos, P., 1948).

[5] Ferdinand de Saussure (1857 – 1913) vốn là nhà ngữ học Thuỵ Sĩ sinh thời ít trước tác và ít người biết. Sau khi Saussure qua đời, bài giảng của ông được hai người học trò Charles Bally và Albert Sechehaye, dựa vào vở ghi chép, chỉnh lí thành Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, xuất bản lần đầu năm 1916. Đến năm 1955 đã tái bản 5 lần nhưng tại Pháp không mấy người quan tâm. Ông được các nhà khoa học Nga R. Jakobson vận dụng đạt thành tựu về âm vị học. M. Bakhtin thì phê phán và đề xuất hướng nghiên cứu “siêu ngôn ngữ học”, tức là nghiên cứu diễn ngôn. Năm 1963, nhân kỉ niệm 50 năm mất của ông, Benveniste đã ca ngợi ông như một nhà có tư tưởng cách mạng. Năm 1960 công trình của Claude Lévi-Strauss Tư duy và tính man dã nổi tiếng làm cho thanh thế của chủ nghĩa cấu trúc lên cao. Nhưng đến tháng 10 năm 1966, là năm Đại học Hopkins ở Hoa Kì tổ chức Hội thảo để tiếp cận chủ nghĩa cấu trúc, thì J. Derrida đọc bài báo Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn khoa học nhân văn đã đánh một đòn chí mạng vào học thuyết cấu trúc chủ nghĩa làm cho nó chuyển sang Hậu cấu trúc. Điều này chứng tỏ lí thuyết cấu trúc có phần thiếu căn cứ khoa học đầy đủ. Do chuộng mới nhiều nhà khoa học chưa thấy được điểm mù của nó. Xem Chủ nghĩa cấu trúc, trong sách Từ then chốt trong lí luận văn học phương Tây, Nxb Dạy học và nghiên cứu ngoại ngữ, Bắc Kinh, 2006.

[6] Xem: Lịch sử các thi pháp học. Sử Trung Nghĩa dịch, nxb. Bách hoa, Thiên Tân, TQ, 2002.

[7] Tự sự học là một nhánh mới của thi pháp học nảy sinh trên nền tảng của thi pháp học cấu trúc, có giá trị mở rộng chân trời nghiên cứu thể loại tự sự, đặc biệt là văn xuôi, tiểu thuyết. Tu từ học lại là sự tái sinh của một lĩnh vực nghiên cứu có từ thời cổ đại, vận dụng vào tiểu thuyết, nghiêng về nghiên cứu các yếu tố biểu cảm của diễn ngôn.

[8] N. T. Tamarchenco, Thi pháp học lí thuyết – Khái niệm và định nghĩa. http://philologos.narod.ru/index.html

[9] Xem thêm, trong sách Thi học văn hoá: lí luận và thực tiễn, của Tưởng Thuật Trác, nxb. Nhân dân văn học, 2005 có tổng thuật các khuynh hướng nghiên cứu thi pháp học văn hoá.

[10] Trần Hoài Anh trong sách Lí luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975 tổng kết có ba khuynh hướng lí luận phê bình: phê bình giáo khoa, phê bình hiện sinh, phê bình chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mác, không thấy nhắc đến phê bình thi pháp học.

[11] Trước 1945 thuật ngữ “thi pháp” đã xuất hiện trong nhiều tài liệu nhưng với nội dung luật thơ, không có nội dung văn học, triết mĩ và mở rộng ra nhiều loại hình nghệ thuật cũng như thể loại văn học như hiện nay.

[12] Công trình Lược sử thi pháp học Việt Nam của TS. Phạm Ngọc Hiền cung cấp thêm những thông tin quý báu, như cuối thế kỉ XIX Việt Nam đã có cuốn Thi pháp nhập môn Traité de versification Annamite của Thế Tải Trương Minh Ký, nhà in Commerciale Rey, Sài Gòn, 1898; năm 1932, ở Bến Tre xuất bản cuốn Thi pháp diễn giải của Huỳnh Khắc Thuận, chỉ phép tắc làm thơ, truyện, ngâm, phú. Ở Miền Nam trước 1975, trên các tạp chí đã có những công trình giới thiệu thuyết cấu trúc (cơ cấu), như của Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Thiện Đạo, Huỳnh Phan Anh, đặc biệt có các cuốn Thi pháp Phép làm thơ của tác giả Diên Hương, tác phẩm của Vũ Văn Thanh, Minh Huy, Bằng Giang, giới thiệu thi pháp Anh có Đỗ Khánh Hoan… Người ta chưa quen dùng từ thi pháp theo nghĩa hiện đại nhưng tinh thần thi pháp đã thấm nhuần trong giới nghiên cứu. Nếu cần nêu tên các tác giả đã nghiên cứu thi pháp học, có thể tham khảo thêm bài báo của chúng tôi: Thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam thế kỉ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 2, tháng 2, năm 2009, trong đó đã kể tên nhiều thế hệ, nhiều khuynh hướng.

Đã đăng: http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=2015.

Tác giả có xem lại và sửa chữa.

Comments are closed.