Tôn Thất Thông biên soạn
Hoàng Lan Anh hiệu đính
(Trình bày tại Hội thảo kỷ niệm 300 năm Immanuel Kant và thời đại Khai sáng: con người, ảnh hưởng và di sản do Đại học Văn Lang tổ chức ngày 19.7.2024, Thành phố Hồ Chí Minh)
Liên lạc: Thattton@yahoo.com & Lan.Lyra@yahoo.de
Điện thoại: +49-176-430 55290
Media: www.youtube.com/@Hoanglanvanhoc/videos diendankhaiphong.org
Kính thưa quý Thầy Cô,
Kính thưa quý vị khán thính giả,
Các bạn trẻ thân mến,
Trước hết tôi xin gởi lời chào thân ái từ Frankfurt, CHLB Đức.
Tôi rất hân hạnh được phát biểu trực tuyến hôm nay về một đề tài rất rộng, mà lại là đề tài không được nhiều người trong xã hội Việt Nam quan tâm, mặc dù đây là một đề tài rất quan trọng cho mọi lớp người, nhất là thanh niên trí thức. Tôi sẽ cố gắng trình bày hết những điều cần nói. Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy rất đông bạn trẻ trong hội trường, thế hệ xây dựng tương lai của đất nước. Đó là một khích lệ rất lớn cho người phát biểu.
Những chủ đề cần khảo sát
Để khảo sát thời đại khai sáng, chúng ta ít nhất nên khảo sát nghiêm túc các chủ đề sau đây:
1) Thời đại Khai sáng trong lịch sử văn minh châu Âu
2) Quá trình hình thành giới trí thức trung lưu
3) Thành tựu và ảnh hưởng của triết học
4) Lý thuyết nhà nước hiện đại
5) Các cuộc cách mạng về khoa học và kỹ thuật
6) Cách mạng kinh tế
7) Ba cuộc cách mạng dân chủ ở Anh, Mỹ, Pháp
8) Khởi đầu cách mạng công nghiệp
9) Ba trào lưu khác nhau: ở Anh, Pháp và Đức
10) Phê phán trào lưu khai sáng
11) Văn chương, âm nhạc, nghệ thuật
Mỗi chủ đề ở trên có thể viết được một cuốn sách dài, cho nên trong khuôn khổ vài phút cho mỗi chủ đề, tôi chỉ mong gợi lên chút ít tò mò về những điều cốt lõi trong thời đại khai sáng. Riêng các bạn đang làm nghiên cứu, thì cũng có thể xem phát biểu của tôi là một tài liệu cho việc chọn chủ đề nghiên cứu phù hợp với quan tâm cá nhân. Ở cuối bài, tôi có ghi lại khoảng 60 cuốn sách hay mà các bạn làm nghiên cứu có thể tham khảo thêm.
Vì thời gian hạn chế, tôi xin phép bỏ qua bốn chủ đề sau cùng (8, 9, 10 và 11), đồng thời phải phát biểu tham luận này hết sức rút gọn.
1. Các thời kỳ trong lịch sử văn minh châu Âu
Thời cổ đại:
1) Trước Công nguyên
2) Thế Kỷ 1 đến Thế Kỷ 6
Thời kỳ nguyên thủy1:
3) Thế Kỷ 6 đến Thế Kỷ 12
Thời kỳ thử nghiệm:
4) Thế Kỷ 12 đến Thế Kỷ 15
Thời kỳ phát triển:
6) Thế Kỷ 17 & Thế Kỷ 18: Thời đại Khai sáng
7) Thế Kỷ 19
Thời đương đại:
8) Thế Kỷ 20 & 21
Để phân chia các thời đại, mỗi sử gia có một khung định vị thời gian khác nhau. Dù sao, sự định vị ấy chỉ có tính cách tương đối và nên xem như một giả thuyết có cơ sở tùy theo chủ đề khảo cứu. Trên nhãn quan khảo sát nền văn minh, lịch sử châu Âu có thể được chia làm trên dưới 10 giai đoạn, gói gọn trong năm thời kỳ như được liệt kê ở trên.
Thời kỳ thử nghiệm và phát triển là hai thời kỳ lý thú nhất trong lịch sử văn minh, và cũng ích lợi nhất cho chúng ta. Từ sự khảo sát hai giai đoạn này, lịch sử sẽ cung cấp cho chúng ta những bài học vô giá để định hướng tư tưởng và hành động chúng ta trên đường xây dựng con người và xã hội. Đối với những người có nhiệm vụ đề xuất các chính sách lớn, thì việc khảo sát hai thời kỳ đó sẽ cung cấp nhiều lời giải thực tiễn có ích. Trong các thời kỳ đó, thời đại khai sáng là giai đoạn rực rỡ, huy hoàng nhất, đóng vai trò quyết định để thúc đẩy nền văn minh hiện đại.
1.a. Thời đại Khai sáng trong lịch sử văn minh châu Âu -Thời cổ đại
Thời kỳ cổ đại bao gồm hai giai đoạn (1) và (2), kéo dài trên dưới 1000 năm, từ lúc văn minh Hy Lạp phát triển rực rỡ trong các thế kỷ trước Công Nguyên cho đến thế kỷ thứ 6 sau CN. Văn minh Hy Lạp phát triển suốt hơn 300 năm, cho đến khi đội quân La Mã xâm chiếm toàn bộ vùng đất Hy Lạp vào khoảng thế kỷ 3 trước CN. Họ bắt hàng trăm học giả Hy Lạp tiếng tăm về La Mã, hàng trăm học giả khác thì lưu vong khắp các nước chung quanh Địa Trung Hải. Có thể nói, đế chế La Mã đã hủy hoại nền văn minh Hy Lạp, cấm nó tiếp tục phát triển suốt một thời gian dài gần 2000 năm.
Người La Mã đã khôn ngoan kế thừa có chọn lọc đời sống văn minh đô thị của Hy Lạp để xây dựng đế chế. Tuy nhiên họ khước từ mô hình nhà nước thành phố mà chỉ muốn xây dựng nhà nước trung ương với quyền hành tập trung vào La Mã.
Người La Mã để lại sáng kiến và cơ cấu tổ chức thành phố, mô hình thiết kế vuông vức đối xứng, kỹ thuật xây dựng lâu đài cung điện, hệ thống phòng thủ, đường sá, các công trình công cộng, hệ thống cung cấp và thoát nước, nhà tắm công cộng, sân vận động, đấu trường, nhà hát, nhà thờ, v.v. Đồng thời họ cũng để lại một cấu trúc xã hội bi tráng và cực kỳ tương phản giữa tầng lớp trên và thường dân. Nói chung, đế chế La Mã có nền văn minh vật chất và kỹ thuật rất đáng ngưỡng mộ, nhưng về mặt văn hóa và xã hội, họ không để lại một hệ tư tưởng nào tương xứng với tầm vóc của đế chế.
Sau khi Đức Chúa Trời sinh ra, cuộc tranh giành ảnh hưởng bắt đầu xảy ra giữa đế chế La Mã, Kitô giáo, Do Thái giáo và những người thờ đa thần (người Công giáo gọi là dị giáo, hoặc ngoại đạo). Thời gian này xảy ra ba biến cố lớn chi phối lịch sử châu Âu suốt hơn 1000 năm sau.
Đầu tiên là bước ngoặt Constantine năm 337. Vị hoàng đế này chính thức cải đạo theo Kitô giáo và được rửa tội ngay trên giường bệnh trước lúc mất. Biến cố đặc biệt đó đã làm cho giáo dân và giáo hội từ nay tự xem như Kitô giáo và đế chế La Mã là một thể thống nhất. Tôn giáo bắt đầu thâm nhập vào đời sống chính trị.
Bước ngoặt quan trọng thứ hai là sắc lệnh năm 380 của Theodosius đại đế (347-395) nâng Kitô thành quốc giáo, sau đó năm 391 cấm tất cả các tôn giáo khác không được phép hành đạo. Từ nay, Kitô giáo trở thành độc giáo trong đế chế La Mã.
Bước ngoặt thứ ba là quyết định năm 529 của Justinian I (482-565) đóng cửa viện hàn lâm Plato, làm một vạch ngang chấm dứt việc quảng bá triết học Hy Lạp trong đế chế La Mã.
Từ đó, sự độc quyền toàn diện về chính trị của đế chế La Mã, cộng thêm độc quyền về tư tưởng và văn hóa của Giáo hội Kitô dẫn đến hậu quả tai hại là, nền văn minh châu Âu bị dẫm chân tại chỗ suốt hơn 1000 năm. Mãi cho đến thời đại khai sáng, các học giả dấn thân mới tự giải phóng mình và giải phóng xã hội, quảng bá chủ nghĩa tự do, công bằng, nhân bản, mở đường cho sự phát triển mọi mặt mà chúng ta thấy hôm nay.
1.b. Thời đại Khai sáng trong lịch sử văn minh châu Âu – Thời kỳ nguyên thủy
Lịch sử chinh phục thế giới của đế chế La Mã là lịch sử của bành trướng và xây dựng một số lượng lớn các đô thị. Người La Mã đã khôn ngoan kế thừa có chọn lọc đời sống văn minh đô thị để xây dựng đế chế, phần nào dựa vào khuôn mẫu văn minh Hy Lạp, nhất là mô hình Athens.
Họ không quan tâm đến sự chênh lệch đến mức độ tàn bạo giữa thành thị và nông thôn, giữa dân nghèo và quan chức đế chế cũng như tăng lữ, giữa nô lệ và binh lính. Họ để lại sáng kiến và cơ cấu tổ chức thành phố, mô hình thiết kế vuông vức đối xứng, kỹ thuật xây dựng lâu đài cung điện, hệ thống phòng thủ, đường sá, các công trình công cộng, hệ thống cung cấp và thoát nước, nhà tắm công cộng, sân vận động, đấu trường, nhà hát, nhà thờ, v.v. Đồng thời họ cũng để lại một cấu trúc xã hội tương phản và bi tráng: những người lớp trên sống xa hoa trong bốn bức tường của thành phố, trong lúc những kẻ cùng đinh nô lệ nghèo khổ sống ở vùng quê bên ngoài.
Về mặt văn hóa, người ta quảng bá một tinh thần nhất quán rằng, Thánh Kinh chứa đựng những lời giáo huấn của Đức Chúa Trời cần được xem như là tuyên ngôn về bản tính và ý định của chính Thượng Đế, cho nên chân lý đó không ai có quyền tranh cãi, chứ chưa nói gì tới phản đối. Vì vậy, nền văn hóa Kitô chi phối lên tất cả mọi mặt trong đời sống. Nhân sinh quan, vũ trụ quan của giới có ăn học đều được hướng dẫn trong Kinh Thánh và những văn bản diễn giải đi kèm của Giáo hội, không ai dám phản biện. Cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng thế. Tiếng La-Tinh trở thành ngôn ngữ học thuật chính thức trong vùng đất rộng lớn của đế chế.
Trên bình diện toàn cầu ở ngưỡng cửa năm 1000, mọi nước trên thế giới đều lạc hậu giống nhau, châu Á hay châu Âu đều ngang nhau về mức độ giàu nghèo. Về văn hóa tư tưởng thì cũng không ai hơn ai kém. Nếu châu Âu có triết học Hy Lạp thì châu Á cũng có Khổng Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca, Bà La Môn, v.v.
1.c. Thời đại Khai sáng trong lịch sử văn minh châu Âu – Thời kỳ thử nghiệm
Sau khi hai thành phố Cordoba và Toledo của Tây Ban Nha được giải phóng khỏi đế chế Hồi giáo vào thế kỷ 11, họ thừa hưởng một kho tàng văn hóa vô giá của đế chế Ả Rập, bao gồm nhiều thư viện với các tác phẩm thuộc văn minh Hy Lạp và nền khoa học mới của Ả Rập và Ấn Độ, tất cả đều được viết bằng tiếng Ả Rập hoặc tiếng Hy Lạp cổ. Vì thế, vị chân phước Petrus Venerabilis (1092-1156) dấy lên một phong trào dịch thuật rộng rãi để đưa các kiến thức này sang tiếng La-Tinh để phổ biến tại châu Âu. La-Tinh vốn là ngôn ngữ học thuật trên toàn lục địa châu Âu lúc đó.
Có thể nói rằng, nguồn triết học và khoa học của Tây Âu bắt đầu bằng những tác phẩm của các học giả Hy Lạp và Ả rập, trong đó hoạt động tiên phong của các dịch giả đương thời đóng vai trò then chốt. Thật khó để đánh giá đầy đủ công trạng của những dịch giả tiên phong này trên quá trình phát triển văn minh châu Âu, nhưng rõ ràng bản dịch các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên của các học giả Ả Rập đã tạo cảm hứng cho sự thành lập các ngành khoa học mới mẻ trong các trường đại học – bên ngoài hệ thống tu viện – được thành lập vào thế kỷ 13. Đây cũng khởi điểm của một thời kỳ đặc biệt, khi mà giới học giả có ý thức tìm hướng đi để phát triển văn hóa xã hội, vượt ra ngoài khuôn khổ thần học Kitô, để đưa lục địa ra khỏi tình trạng tối tăm của xã hội trung cổ.
Kiến thức là một mặt, mặt khác quan trọng hơn là phương pháp, là logic trong văn hóa Hy Lạp và Ả Rập. Các dịch giả đã mang hai nền văn hóa ấy truyền bá vào châu Âu với đủ mọi ngành. Từ Hy Lạp là triết học của Socrates, Aristotle, Plato; toán học của Euclid, Archimedes, Pythagoras, Thales; y học của Hypocrates, Galenus; thiên văn của Aristotle, Ptolemy và nhiều ngành khác như sử học, nghệ thuật. Thêm vào đó là tác phẩm của những nhà khoa học Ả Rập uyên bác trong các lĩnh vực toán học, thiên văn, y khoa, vật lý, quang học, thí dụ như Al-Jarazi, Fibonacci, Ibn al-Haytham, Abu-Mahmud al-Khujandi, Al-Kharizmi, Rhazi, Ibn Sina, Al Farabi, v.v.
Với kiến thức mới vừa được du nhập, giới học giả nhận thấy rằng, triết học không chỉ có thần học Kitô, và khoa học không chỉ có vũ trụ quan Ptolemy. Từ đó, người ta nghi ngờ các định chế giáo dục của Giáo hội, cho nên trào lưu thành lập đại học được nổi lên, bắt đầu là đại học Bologna thành lập năm 1130 với nhiều phân khoa, trong đó có một phân khoa mới mẻ là luật học có mục đích phục hồi, phát triển thêm và giảng dạy luật La Mã để từng bước xây dựng nền dân luật phục vụ cho hệ thống luật pháp toàn xã hội. Luật Công giáo từ nay không còn đóng vai trò độc tôn như trước.
Đến tiền bán thế kỷ 13 thì đã có hàng loạt các đại học khác mọc lên với tinh thần tự trị và nội dung giảng dạy mới: Modena (1175), Sorbonne Paris (1150/1200), Cambridge (1204), Oxford (1214), Salamanca (1218), Padua (1222), Neapel (1224), Toulouse (1229), Salermo (1231), Orléans (1235), Montpellier (1242), v.v. Những môn học mới nhanh chóng chiếm ngự trái tim của sinh viên là luật học, triết học và y khoa. Nổi bật trong các đại học lúc ấy là Paris vươn lên như một vì sao với truyền thống tự trị đại học mà họ đạt được sau hai năm đấu tranh không mệt mỏi, từ 1229 đến 1231. Cuối cùng, vua Saint Louis phải chính thức công nhận quyền tự trị của đại học.
Thời kỳ này kéo dài 300 năm, ươm những mầm mống đầu tiên để châu Âu thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, tiến vào kỷ nguyên mới, để cho tri thức bắt đầu định hướng sự phát triển xã hội. Thời kỳ này định hướng đi cho những thế kỷ tiếp theo. Và cũng từ đây, sự phát triển chênh lệch giữa châu Âu và châu Á bắt đầu hiển lộ.
1.d. Thời đại Khai sáng trong lịch sử văn minh châu Âu – Thời kỳ phát triển
Vì tính chất khác nhau, thời kỳ này có thể chia làm ba giai đoạn (5, 6 và 7). Đó là các giai đoạn quan trọng nhất của nền văn minh châu Âu. Vô số thành quả cho đến ngày nay đều được bắt đầu từ ba giai đoạn đó. Khảo sát riêng lẻ từng giai đoạn, nhìn chung, chúng ta có thể xem giai đoạn 5 (thời kỳ phục hưng) là khúc dạo đầu của bản giao hưởng hùng vĩ diễn đạt nền văn minh. Giai đoạn 6, tức là thời đại khai sáng, là thời kỳ định hình nội dung và hướng đi của nền văn minh, xây dựng nền móng vững chắc cho những thành quả đạt được trong mọi lĩnh vực cho đến ngày hôm nay. Giai đoạn 7 (cách mạng công nghiệp) là hoa trái do thời đại khai sáng để lại, tạo nên phồn vinh cho xã hội châu Âu và Bắc Mỹ.
Nói cách khác, thời đại khai sáng là thời đại quan trọng nhất, phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử văn minh loài người. Mặc dù ngày nay, thuật ngữ “thời đại khai sáng” chưa quen thuộc lắm trong vòng thanh niên sinh viên Việt Nam, kể cả sinh viên thuộc ngành lịch sử và nhân văn. Nhưng tôi tin rằng khi giáo trình ngành lịch sử thế giới được cải tổ, thời đại khai sáng sẽ sớm trở thành nội dung quan trọng trong các giáo trình đại học, và từ đó, các khái niệm cốt lõi của thời đại khai sáng sẽ trở thành quen thuộc hơn trong thanh niên trí thức Việt Nam. Và điều đó sẽ vô cùng có ích. Nói cho cùng, hiểu lịch sử để học hỏi tiền nhân sẽ giúp chúng ta rút ngắn con đường đi đến văn minh và phồn vinh. Nước Nhật chẳng hạn, từ một nước phong kiến lạc hậu, mãi đến hậu bán thế kỷ 19 mới bắt đầu sang châu Âu và Mỹ để tham khảo kinh nghiệm và hướng đi của học giả khai sáng, thế mà họ đã sớm vươn lên thành cường quốc châu Á chỉ sau 30 năm dưới triều đại Minh Trị Thiên Hoàng.
Nói cho cùng, thành quả mà châu Âu cần 200 năm để hoàn tất, thì các nước đi sau cũng có thể thành công sau vài thế hệ, nếu họ biết áp dụng tinh thần khai sáng một cách sáng tạo. Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản là những thí dụ điển hình.
2.a. Quá trình hình thành giới trí thức trung lưu – Bước khởi đầu
Khái niệm “trí thức trung lưu” tôi tạm dịch từ sách vở phương Tây, thoạt nhìn có vẻ không liên quan mật thiết đến thời đại khai sáng, nhưng thật ra, đó là lực lượng chính của trào lưu khai sáng, cũng là tầng lớp sau này lãnh đạo các cuộc cách mạng. Đến thế kỷ 19, Karl Marx khái quát hóa tầng lớp này là giai cấp tư sản. Những cuộc cách mạng rung chuyển thế giới trong thời đại khai sáng cũng được gọi là cách mạng tư sản.
Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm, tôi xin tiếp tục sử dụng thuật ngữ “trí thức trung lưu”.
Tầng lớp này xuất thân từ giới học giả sống ngoài vòng ảnh hưởng của Vương triều và Giáo hội. Lực lượng của họ ngày càng đông đảo, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xã hội. Tầng lớp này phát sinh trước tiên nhờ kinh tế và thương mại phát triển. Các gia đình giàu có muốn cho con cái thụ hưởng giáo dục đại học ngoài hệ thống tu viện. Thay vì học thần học, họ theo các chương trình triết học, nhân văn, khoa học, y khoa để nâng cao khả năng thăng tiến trong xã hội. Ảnh hưởng của họ trong các định chế xã hội ngày càng lớn, vai trò của họ ngày càng quan trọng hơn dưới mắt nhìn của công chúng.
Tầng lớp này bắt đầu thành hình từ thời đại phục hưng, đâu đó ở thế kỷ 15, và phát triển ngày càng mạnh sau những biến cố lớn trong lịch sử. Thí dụ thứ nhất, khi đế chế Ottoman chiếm Constantinople năm 1453, làm sụp đổ đế chế Byzantine (tức đế chế Đông La Mã), các học giả và thương nhân thành đạt từ Byzantine ồ ạt di tản về châu Âu, mang theo kỹ năng kinh doanh và vô vàn tài liệu của văn minh Hy Lạp và Ả Rập. Người ta gọi đó là đợt “di tản văn hóa” lớn nhất trong lịch sử, tăng thêm sức mạnh cho giới học giả châu Âu, về lượng cũng như về chất.
Thí dụ thứ hai là phát minh máy in của Gutenberg vào năm 1450. Nhờ thế, ngành xuất bản phát triển mạnh, sự truyền bá tri thức càng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nền văn minh cũng được tăng tốc, và giới trí thức cũng dễ dàng quảng bá sáng kiến của mình cho mọi người, nhất là khi ngôn ngữ địa phương ngày càng thay thế ngôn ngữ La-Tinh, vốn dĩ trước đây chỉ quen thuộc trong giới học thuật. Kinh nghiệm này cho thấy là, tự do xuất bản sẽ góp phần quảng bá tri thức rộng rãi và nhanh chóng.
Hai sự kiện đó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển văn minh châu Âu.
2.b. Quá trình hình thành giới trí thức trung lưu – Tiến trình phát triển theo thời gian
Nói tóm tắt, trong thời đại hậu phục hưng, thương mại và công nghiệp đã hồi sinh, phát triển, và từ đó là sự thành hình tất yếu của giai cấp trung lưu trong các thế kỷ 15 và 16, dẫn đến thắng lợi chính trị của tầng lớp trí thức tư sản trong thế kỷ 17 tại Anh và Hà Lan, nơi mà chế độ cộng hòa được thiết lập trước tiên, cộng thêm mức độ cao về tinh thần khoan dung trong tôn giáo. Ở đó, thời khắc sinh thành của nền khoa học hiện đại xuất hiện chỉ một thời gian ngắn, sau khi nền kinh tế tiền tư bản được định hình. Nói cách khác, tầng lớp trí thức trung lưu phát triển song hành với sự phát triển nền kinh tế tiền tư bản cũng như sự phát triển vũ bão của khoa học và kỹ thuật.
Cho nên, các cuộc cách mạng long trời lở đất trong thời đại khai sáng cũng được lãnh đạo bởi tầng lớp trí thức trung lưu. Và nói cho cùng, trong thời đại chuyên chế hà khắc của Vương triều và thêm chế độ độc quyền về văn hóa và tư tưởng của Giáo hội, thì chỉ có giới trí thức trung lưu có tinh thần dấn thân mới có đủ năng lực, quyết tâm, ý chí và lòng dũng cảm, để đương đầu với giới quý tộc và tăng lữ đầy quyền lực.
Nếu không có tầng lớp trí thức trung lưu này, thì chưa chắc chúng ta đã có trào lưu khai sáng rực rỡ như chúng ta thấy hôm nay.
3. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học
Các chủ đề khảo sát:
Một tổng kết của Immanuel Kant
Truy tìm nguồn gốc của sai lầm theo tinh thần của Kant
Tìm đường tự giải phóng
Thần học và triết học; Niềm tin và lý tính
Xây dựng hệ thống triết học hiện đại
Xét trên quan điểm lịch sử
Immanuel Kant và thời đại khai sáng
Triết học là lĩnh vực quan trọng nhất trong thời đại khai sáng. Nó định hướng đi của lịch sử. Nó đào tạo nên những con người khai sáng để lãnh đạo các cuộc cách mạng. Nó cung cấp lý luận để con người tự giải phóng ra khỏi tù túng của ý thức hệ. Nó cung cấp phương pháp luận cho các nhà nghiên cứu khoa học. Và nhất là, nó đưa ra những mẫu người tiến bộ và mô hình nhà nước tân tiến có giá trị cho đến ngày nay. Qua sự khảo sát này, chúng ta càng thấy vai trò đặc biệt của Immanuel Kant.
3.a. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Một tổng kết của Immanuel Kant
Immanuel Kant viết: “Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của triết học, một lần và mãi mãi, là ta phải chặn lại cái nguồn gây ra sai lầm, phải loại bỏ đi tất cả những ảnh hưởng có hại của nó”2.
Đó cũng là sự nghiệp của học giả khai sáng trong cuộc cách mạng tư sản nói chung, nói đúng ra là một đợt thủy triều của nhiều cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực.
Cách mạng trong hai thế kỷ 17 và 18 xảy ra không những trong lĩnh vực triết học tư tưởng, mà cả trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế, công nghiệp và chính trị. Xung lực khởi động cuộc cách mạng đó là phản ứng tâm lý của giới trí thức về sự khủng hoảng ba niềm tin: đối với chính trị, đối với tôn giáo và đối với chính bản thân mình3.
Thứ nhất, mất niềm tin về chính trị: Châu Âu từ thế kỷ 17 chứng kiến sự chuyển hóa sâu sắc về quan hệ con người trong xã hội. Các cuộc chiến tranh tôn giáo và nội chiến đã tàn phá cấu trúc xã hội. Dù mỗi nước có những định chế chính trị khác nhau, nhưng trật tự xã hội phong kiến khắp nơi đều đang trên bước đường lung lay sụp đổ, đồng thời tầng lớp trung lưu tư sản ngày càng đông, chi phối đời sống kinh tế trong xã hội và chừng mực nào cũng làm phân hóa tầng lớp quý tộc và giới tăng lữ vốn dĩ trước đây hưởng nhiều đặc quyền trong chế độ phong kiến. Tri thức càng được tích lũy bao nhiêu, thì giới trí thức trung lưu càng thấy rõ sự phi lý và bất lực của hệ thống chính trị đương thời.
Thứ hai, mất niềm tin về tôn giáo: Người châu Âu ở ngưỡng cửa 1500 bắt đầu đặt lại nhiều vấn đề về tôn giáo. Nói cho cùng, mọi người châu Âu, ai cũng tự nhận mình là người Kitô, chấp nhận văn hóa Kitô như là một phần của bản sắc châu Âu. Tuy nhiên, sau những biến cố xảy ra dồn dập trong quá khứ như trào lưu phục hưng trong thế kỷ 15, cách mạng tôn giáo trong thế kỷ 16, chiến tranh tôn giáo trong thế kỷ 17, niềm tin của họ đã mang một nội dung mới. Họ vẫn tin vào Thượng Đế toàn trí toàn năng, nhưng nghi ngờ những lý giải huyễn hoặc của giới tăng lữ, nghi ngờ cả tri thức và tính chính danh của Giáo Hoàng. Thậm chí một số triết gia, thí dụ như Immanuel Kant, còn nghi ngờ cả sự hiện hữu của Thượng Đế.
Thứ ba, mất niềm tin với chính mình: Đó là tình trạng bất lực của con người trước những vấn nạn xã hội trong quá trình suy đồi của chính trị và tôn giáo. Cho dù bao nhiêu đàn áp, bắt bớ, tù đày, các học giả khai sáng vẫn bế tắc trên con đường tìm kiếm một lời giải. Viện sĩ Hàn lâm Pháp Paul Hazard gọi đó đó là sự khủng hoảng về lòng tự tin của con người, cũng là sự khủng hoảng tinh thần trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế kỷ 17 và 18.
Từ sự khủng hoảng niềm tin với chính mình, các triết gia đương thời tự đặt ra nhiệm vụ thiết thân là, phải tìm đường để cải thiện thế giới. Họ tìm lời giải bằng sự tự tin vào chính sức mạnh của con người thế tục, sức mạnh của lý tính và sức mạnh của lương tâm trong ý thức cải tạo xã hội. Nói cho cùng, các cuộc cách mạng trong thời đại khai sáng chỉ có thể xảy ra nhờ tinh thần trách nhiệm và ý thức cải tạo xã hội của giới trí thức trung lưu, nhờ lòng dũng cảm dám đương đầu với cường quyền, nhờ năng lực quảng bá tri thức và ý thức đến đám đông, nhờ phương pháp đấu tranh bất bạo động, phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử.
Xét về khía cạnh xã hội học, khi thanh niên trí thức thờ ơ vô cảm với những diễn biến xảy ra hàng ngày, khi họ không cảm thấy hân hoan với những thành quả mà xã hội đang hưởng, khi họ không đau lòng vì những bất cập lâu ngày không xóa bỏ được, khi họ hèn yếu không dám lên tiếng bênh vực lẽ phải, khi ấy quốc gia đã mất năng lực tự điều chỉnh, vốn dĩ rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng và không ngừng cải cách đưa xã hội đến tiến bộ. Về khía cạnh này, thanh niên trí thức Việt Nam có thể học hỏi nhiều từ giới trí thức châu Âu của thời đại khai sáng.
3.b. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Truy tìm nguồn gốc của sai lầm theo tinh thần của Kant
Học giả khai sáng truy tìm nguồn gốc của sự lạc hậu xuất phát từ thế kỷ 6. Như trên đã nói trong “thời đại nguyên thủy”, sự độc quyền về tư tưởng và văn hóa của Giáo hội Kitô dẫn đến tình trạng là, mọi luồng tư tưởng trái với thần học không thể phát triển, cũng không có sáng tạo trong khoa học. Sự độc quyền này được bảo vệ bởi quyền lực chuyên chế của đế chế La Mã, cho nên nền văn minh châu Âu bị dẫm chân tại chỗ suốt hơn 1000 năm. Nói tóm lại, hai nguồn gốc tai hại nhất cho tình trạng lạc hậu, kém phát triển của châu Âu là tình trạng độc quyền về văn hóa và tư tưởng trong một chế độ chính trị chuyên chế. Đây cũng là bài học lịch sử cho các nước chuyên chế nói chung trong thời đương đại.
3.c. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Tìm đường giải phóng theo tinh thần của Kant
Vậy thì, học giả khai sáng đấu tranh thế nào? Ngoài nỗ lực khai sáng chính mình và khai sáng xã hội, đó là cuộc đấu tranh toàn diện để chống bất công, chống sự thống trị quyền lực của Vương triều, chống sự độc quyền về văn hóa và tư tưởng của Giáo hội Kitô, chống các luồng triết học phi thực tế, và chống cả truyền thống hủ bại trong nội bộ học giả và dân chúng. Nhưng giới học giả khai sáng không ngừng lại ở hành động phá bỏ cái cũ, mà quan trọng hơn nhiều là họ đã vạch được hướng đi đầy tính logic và nhân văn để xây dựng xã hội mới với những giá trị mới. Từ đó, khái niệm tự do, bình đẳng, huynh đệ được thành hình trong thời đại khai sáng. Đó là những giá trị mà sau này, cách mạng Pháp nâng lên thành khẩu hiệu hành động.
Sự nghiệp này chắc hẳn chỉ có triết gia mới hoàn tất tốt đẹp. Họ có tư duy trừu tượng, có thể thấy sự liên hệ giữa biến cố hiện tại với tiến trình lịch sử trong quá khứ để phỏng đoán tương lai. Nhìn lại các triết thuyết hiện đại mới phát sinh trong thời đại khai sáng, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng, trong cuộc đấu tranh này, thần học khó lòng đứng vững; niềm tin khó lòng ngăn cản lý tính; và giới tăng lữ, quý tộc vốn dĩ trước đó thuộc giới tinh hoa, sẽ không còn chiếm vị trí ưu tiên trong xã hội.
3.d. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Thần học và triết học
Lưu ý để tránh ngộ nhận: Đa số học giả đều là Kitô hữu. Họ không chống tôn giáo Kitô, mà chống biện giải phi thực tế của thần học, chống guồng máy hủ bại của Giáo hội và chống những biện luận huyễn hoặc trong Thánh kinh.
Triết gia Baruch de Spinoza nhận xét về Giáo hội: “Kitô giáo không còn lại gì ngoài những hình thức và thành kiến bên ngoài, đã biến con người thành dã thú bằng cách tước đoạt quyền tự do sử dụng quyền phán xét của họ và bóp nghẹt ngọn lửa lý tính bên trong họ”4.
Vì thế, các học giả khai sáng tìm cách hạn chế ảnh hưởng của thần học lên đời sống tinh thần của mọi người. Đầu tiên là John Locke, tiếp đến là David Hume, những triết gia người Anh dù rất sùng đạo cũng lên tiếng để mở ra một mặt trận đấu tranh chống lại sự thống trị của thần học. Họ cho rằng, các sáng kiến nảy sinh trong tư tưởng con người không phải là chân lý được Thượng Đế gieo trồng, mà các ý niệm của con người được thành hình là kết quả của cảm nhận và hoạt động tinh thần của chính họ5.
Ở Pháp, triều đình bao gồm những tín đồ Thiên Chúa rất khe khắt. Họ thẳng tay đàn áp, tàn sát, trục xuất những người theo đạo Tin Lành (gọi là những Huguenot), cho nên cuộc đấu tranh tại Pháp gay gắt hơn những nước khác. Descartes dù sùng đạo, cũng không thừa nhận Thượng Đế. Voltaire thì gọi hàng giáo phẩm thoái hóa là “phường vô lại”. Pierre Bayle thì nói dứt khoát: “Không có một điểm chung nào giữa hai khái niệm lý tính và tôn giáo”6. Đấy là chưa kể đa số thành viên trong Bách khoa Toàn thư đều muốn tách rời ảnh hưởng của thần học ra khỏi đời sống, vì họ cho rằng, tri thức là tài sản chung của nhân loại chứ không phải là ân huệ của Thượng Đế ban phát cho một lớp người nào đó. Họ không còn tin tưởng vào tôn giáo, vì nó tước đoạt sự kiểm soát nhân cách của chính bản thân mình.
Cao điểm của sự giằng co giữa thần học và triết học là sự nghi ngờ Thánh kinh và nghi ngờ cả sự hiện hữu của Thượng Đế. Theo viện sĩ Paul Hazard: “Nội dung của Thánh Kinh thực chất là gì, từ đâu? Không hề có một Đấng tiên tri ghi chép lại lời dạy của Chúa và diễn giải ý định của Thượng Đế, mà chỉ có những con người đáng thương tìm cách quảng bá những tri thức nghèo nàn bằng trí tưởng tượng và được minh họa thêm bằng một loạt các hình ảnh ấn tượng. […] Không hề có pháp lạ. Vì thiên nhiên liên tục tuân theo một trật tự bất biến, cho nên nếu có chuyện gì xảy ra vượt khỏi các định luật, điều đó không phải là sự minh chứng cho tính toàn năng của Thượng Đế mà đó là một bằng chứng hiển nhiên rằng, Thượng Đế không hiện hữu”7.
Descartes dù là tín đồ sùng đạo, nhưng với “cái tôi tư duy”, Descartes đã đề xuất một giá trị lịch sử khác: Nhận thức của con người không còn phụ thuộc vào Thượng Đế, mà chỉ phụ thuộc vào tư duy của chính bản thân mình. Nói cách khác, Descartes đã khởi động quá trình tách rời Thượng Đế ra khỏi triết học, điều mà trước đó cả ngàn năm, chưa ai dám đặt ra.
Sau này, Immanuel Kant nói rõ hơn: chúng ta không thể nhận biết Ngài bằng giác quan. Thượng Đế không có một hình hài nào. Tuy rằng từ ngữ Thượng Đế thì có, nhưng không một ai trước đó đã thấy Ngài. Bởi vậy Thượng Đế trước hết chỉ là một ý niệm trừu tượng hoặc là một khái niệm trống rỗng8. Đến thế kỷ 19, thì Nietzsche tuyên bố: “Thượng Đế đã chết”.
Nói tóm lại, cuộc đấu tranh tư tưởng giữa triết học và thần học không những đã tách rời lý tính khỏi niềm tin, tách rời Thượng Đế ra khỏi đời sống tinh thần, mà còn tách rời quyền lực Giáo hội ra khỏi các định chế chính trị. Đến hậu bán thế kỷ 19, Giáo hội không còn vai trò nào nữa trong đời sống chính trị, kể cả quốc gia Tây Ban Nha sùng đạo. Đó là bước ngoặt của quá trình tự giải phóng ra khỏi thế độc quyền về văn hóa và tư tưởng.
3.e. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Xây dựng nền triết học hiện đại
Nền triết học khai sáng đào tạo những con người như thế nào?
Đó là những con người có năng lực lý tính, có năng lực phê phán, tinh thần phản biện, những con người yêu chuộng tiến bộ, sẵn sàng đối đầu với thoái bộ, có tinh thần khoan dung, nhân bản. Và nhất là, họ yêu chuộng tự do, tinh thần độc lập, tự chủ, không vâng lời ai ngoài việc vâng lời lý tính của chính mình. Đó là những khẩu hiệu nổi bật trong các dòng triết học của thời đại khai sáng. Những khẩu hiệu đó cũng biểu lộ sự từ chối dứt khoát các thế lực thống trị cổ điển, mà nếu gọi đích danh trong thế kỷ 17 và 18, thì đó là Vương triều và Giáo hội.
Nền triết học đó đặt ra mục đích là đào tạo những con người mà Christian Thomasius (1655-1728) hình dung như sau: “Chúng ta muốn đào tạo con người có thẩm quyền về xã hội và đạo đức, những con người tao nhã, thông thái, có nhân cách, có thị hiếu lành mạnh và một tâm hồn cao thượng, những con người biết nghiêm khắc với truyền thống hủ bại để làm quen với sáng kiến canh tân, tự rèn luyện một quan hệ lành mạnh với cải cách và đổi mới”9.
Viện sĩ hàn lâm Pháp, Paul Hazard tổng kết gãy gọn về con người khai sáng rằng, “thay vì một nền văn hóa đặt nền tảng trên sự vâng lời theo nghĩa vụ đối với Thượng Đế và đối với các lãnh chúa Vương triều, thì các triết gia thời đại mới muốn xây dựng một nền văn hóa đặt trên nền tảng của các sáng kiến về lẽ phải và các quyền cơ bản: quyền xây dựng lương tâm cá nhân, quyền được phê phán, quyền tuân theo lẽ phải, quyền con người và quyền công dân”10.
Đó là nội dung mà những người nghiên cứu triết học ấp ủ trong tim. Tôi là người nghiên cứu lịch sử, cho nên không có thẩm quyền đi sâu vào nội dung triết học, mà chỉ xin đứng trên quan điểm lịch sử để khảo sát vài luồng triết học tiêu biểu sau đây:
3.f. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Thuyết duy lý & thuyết duy nghiệm
Giáo sư Johannes Hirschberger, nhà nghiên cứu lịch sử triết học tiếng tăm, nhận xét như sau: “Trong thời đại khai sáng, những lâu đài triết học mọc lên một cách nhộn nhịp, liều lĩnh và kiêu kỳ. Những tên tuổi lớn đại diện cho những lâu đài triết học tráng lệ. Nhưng khi đi vào bên trong để quan sát cấu trúc bản vẽ của từng lâu đài, chúng ta cũng thấy những nét đặc thù riêng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các lâu đài này thể hiện hai xu hướng nổi bật: Thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm”11.
Sự khác nhau căn bản giữa hai luồng triết học này là cách trả lời những câu hỏi: Nhận thức là gì? Đâu là nguồn gốc của nhận thức? Làm thế nào để đạt đến nhận thức? Những câu trả lời của hai luồng triết học đó dù rất khác nhau thậm chí xung khắc nhau, nhưng đều là những đóng góp vô cùng vĩ đại vào việc xây dựng hệ thống triết học hiện đại.
Thuyết duy lý do René Descartes đề xướng trong tiền bán thế kỷ 17. Ông là người đầu tiên làm một cuộc thử nghiệm táo bạo, muốn đạt đến nhận thức chỉ bằng phương tiện duy nhất là tư duy. Người duy lý tự định hướng theo các tính chất gương mẫu của toán học, đó là sự rõ ràng và tính chính xác. Giống như toán học, các nhà duy lý cho rằng có những nhận thức thuần lý tính, gọi cách khác là nhận thức tiên khởi, a priori, độc lập với kinh nghiệm có được thu lượm từ cảm quan hay không. Điều đó cũng xuất phát từ những ý niệm đã hiện hữu từ lúc sinh ra. Cũng nhờ Descartes mà toàn bộ nhận thức của con người từ đây bắt đầu dựa vào một nền tảng mới, đó là lý tính. Và đây cũng chính là nguồn gốc của tư duy logic của người châu Âu, vốn sẽ được phát triển từ đây một cách có hệ thống. Trong bối cảnh lịch sử ấy, ông xứng đáng được xem là vị tổ phụ của thuyết duy lý.
Thuyết duy nghiệm phát triển vào thế kỷ 18, mặc dù định nghĩa cổ điển của tư duy duy nghiệm đã được Aristotle tóm tắt: “Không có điều gì có thể hiện hữu trong ý thức nếu trước đó nó không được nhận thức bằng giác quan”. Thuyết duy nghiệm được hiện đại hóa bởi Francis Bacon, nhưng John Locke mới chính là người đưa thuyết duy nghiệm lên đài vinh quang. Thuyết duy nghiệm của John Locke dựa trên nhận thức cơ bản rằng, tâm trí của đứa trẻ sơ sinh trống rỗng như một tờ giấy trắng, một tabula rasa, không có một dấu vết gì, cũng không có một ý niệm nào12. Vậy nó được lấp đầy bằng cái gì? John Locke trả lời bằng một chữ duy nhất: kinh nghiệm. Trên tờ giấy trắng đó, kinh nghiệm sẽ viết lên bằng chữ nghĩa, từ đó phát sinh kiến thức, giác tính, và với sự tương tác lẫn nhau dẫn đến cảm nhận bên trong ý thức.
Từ khi thuyết duy nghiệm ra đời và tuyên chiến với thuyết duy lý, cuộc đấu tranh giành chân lý nhận thức đã để lại một bãi chiến trường vô cùng lớn trong lịch sử tranh luận triết học, tác động lên hầu hết mọi mặt trong đời sống văn hóa. Đặc biệt, hai triết thuyết này đều là cơ sở lý luận của các phương pháp nghiên cứu khoa học. Đó là phương pháp diễn dịch (Deduction) và phương pháp quy nạp (Induction).
Hai học thuyết này đã tốn khá nhiều bút mực để công kích nhau. Người duy lý thì phê phán thuyết duy nghiệm: “cảm xúc từ thế giới bên ngoài có thể là ảo giác; không có gì có thể chứng minh được”. Ngược lại, người duy nghiệm thì phê phán thuyết duy lý: “không có ý niệm bẩm sinh, ngay cả lý tính cũng là sản phẩm của kinh nghiệm”. Và cứ thế, không ai nhường ai và cuộc tranh luận kéo dài cả thế kỷ. Tuy vậy, dù các luận cứ của hai học thuyết này rất khác nhau thậm chí xung khắc nhau, nhưng đều là những đóng góp vô cùng vĩ đại vào việc xây dựng hệ thống triết học hiện đại.
Cho đến lúc Immanuel Kant xuất bản tác phẩm “Phê phán Lý tính Thuần túy”, cuộc tranh luận giữa hai luông triết học ở trên mới rẽ vào bước ngoặt để đi đến chấm dứt. Kant là người ưa chuộng lý tính, nhưng qua thời gian, ông nhận thấy rằng mỗi triết gia nhận thức lý tính một cách khác nhau, từ đó họ sử dụng lý tính cũng khác nhau, rồi khẳng định lúc thế này, lúc thế kia, cuối cùng đi đến những nhận thức đối nghịch nhau. Các nhà triết học đều thấy cùng một thực tại như nhau. Nhưng vì ảo ảnh và sai lầm trong suy tư, cuối cùng đi đến những ý kiến mâu thuẫn nhau13. Triết gia duy lý và duy nghiệm cũng rơi vào trường hợp như thế. Và theo Kant, nguồn gốc gây ra những sai lầm như thế đều xuất phát từ một nguyên do: họ chưa hiểu biết thấu đáo về “cách hoạt động của cỗ máy tư duy của con người”.
Giữa những người duy lý và duy nghiệm, ai có lý? Kant đã có một thời kỳ bị giằng co giữa hai học thuyết này. Từ câu hỏi đó, Kant không tìm câu trả lời nơi đâu, mà từ “cách hoạt động của cỗ máy tư duy” để đưa ra câu trả lời thật đơn giản mà sắc sảo: Ta cần cả hai, một đằng là tri giác thực nghiệm hậu nghiệm của giác quan, đằng khác là khả năng tiên nghiệm của giác tính biết suy tư, sắp xếp phạm trù và phán quyết. Nếu thiếu một trong hai, thì không có được một nhận thức nào. Nói cách khác, theo Kant: “Không có giác quan, chúng ta không nhận thức được đối tượng, và không có giác tính thì không có gì suy tư được. Khái niệm không trực quan thì trống rỗng, trực quan không khái niệm thì mù lòa”14.
Và chỉ một câu như thế, Kant đã chấm dứt mọi tranh luận dai dẳng giữa hai triết thuyết và từ đó, hai luồng triết học này đã hợp tác cộng sinh, và giữ vai trò là phương pháp luận trong ngành khoa học tự nhiên.
3.g. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Ý niệm về tự do, quyền con người
Luật tự nhiên đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ tư tưởng thời đại khai sáng, không những về phương diện triết học, mà đặc biệt trong lĩnh vực lý thuyết nhà nước. Từ thời trung cổ, luật tự nhiên được xem như lý thuyết liên quan đến Thượng Đế nói chung và luật công giáo nói riêng. Sang thời đại mới, luật tự nhiên được hiểu là những lề luật liên quan đến trạng thái tự nhiên trong mối quan hệ với con người.
Vào năm 1625, lúc cuộc chiến-tranh-30-năm bộc phát và lan rộng khắp châu Âu, triết gia Hugo Grotius người Hà Lan đặt viên đá đầu tiên cho luật quốc tế để giải quyết quan hệ con người giữa các quốc gia.
Ông cho rằng, con người là một thực thể xã hội có năng lực lý tính, và luật tự nhiên cũng đặt trên nền tảng đó. Sau này, John Locke cụ thể hóa trong “Khảo luận II về Chính quyền” rằng, trạng thái tự nhiên đã hàm chứa những quyền căn bản mà Thượng Đế ban phát, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu. Kể từ đây, luật tự nhiên là những lề luật bảo đảm ít nhất là ba khái niệm đó, được quy định trong hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 và từ đó lan đến hiến pháp của rất nhiều quốc gia khác sau này.
3.h. Thành tựu và ảnh hưởng của triết học – Immanuel Kant và thời đại khai sáng
Kant là triết gia sống trọn cuộc đời trong thời đại khai sáng. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi nói rằng Kant đã đóng góp vào trào lưu khai sáng bằng những công trình vĩ đại hơn hẳn một triết gia thứ hai nào của thời đại đó.
Sau khi ẩn dật 11 năm, Kant tham gia trở lại diễn đàn triết học bằng một bài tiểu luận rất nổi tiếng, là “Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?15”, trong đó ông viết: “Khai sáng là lối thoát của con người ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành do lỗi lầm của chính mình gây ra. Chưa trưởng thành là sự bất lực trong việc sử dụng trí tuệ của mình khi không có ai dẫn dắt. Tình trạng chưa trưởng thành là do lỗi lầm của chính mình, khi nguyên nhân của nó không bắt nguồn từ sự thiếu trí tuệ, mà xuất phát từ sự thiếu tính cương quyết và thiếu lòng dũng cảm để phục vụ cho trí tuệ của chính mình mà không cần ai dẫn dắt. Sapere aude! Hãy dám biết! Hãy có can đảm sử dụng trí tuệ của chính mình. Đó là phương châm của khai sáng”.
Trong tiểu luận này, Kant phê phán những trí thức chưa trưởng thành, khi họ phụ thuộc, dựa dẫm vào những thế lực bên ngoài dẫn dắt, chứ chưa có tinh thần sử dụng trí tuệ của mình một cách độc lập, tự chủ. Ngoài ra, Kant kêu gọi Giáo hội và Vương triều trả lại tự do cho công dân, nhất là tự do ngôn luận để cho mọi người có thể sử dụng lý tính của mình, có thể quảng bá mọi tri thức ở mọi nơi công cộng và bất kỳ lúc nào.
Bài tiểu luận này được phổ biến khắp nơi, suốt nhiều thập niên. Cả học sinh lớp cuối ở cấp ba cũng được học về nó. Chỉ cần bỏ ra 5 xu tiền, người ta có thể mua nó bất kỳ ở đâu, tại bưu điện, nhà sách, hay thư viện thành phố. Tiểu luận này đã phủ bóng che mờ những biện giải trước đó về thời đại khai sáng và thường xuyên được trích dẫn trong những cuộc tranh luận về sau. Ý chí của Kant thật rõ ràng khi đòi hỏi rằng, người trí thức phải tự do, tự chủ, không lệ thuộc, không nô lệ tinh thần vào một ai, đồng thời phải dũng cảm quảng bá tri thức của mình cho mọi người mà không sợ bị đàn áp. Theo Kant, đó mới là người trí thức khai sáng.
Immanuel Kant còn có một công trạng vô cùng to lớn cho trào lưu khai sáng. Bằng lý luận chặt chẽ, ông đã hóa giải được xung khắc kéo dài suốt cả thế kỷ giữa hai học thuyết lớn của thời đại đó: thuyết duy lý và thuyết duy nghiệm. Kant cho rằng, chúng ta cần cả hai, một đằng là cần tri giác hậu nghiệm của giác quan, đằng khác là cần khả năng tiên nghiệm của giác tính. Ông viết: “Nếu không có giác quan, chúng ta không nhận thức được đối tượng, và nếu không có giác tính thì không có gì tư duy được”16. Sau biện giải của Kant, hai học thuyết này chấm dứt công kích nhau, và cùng hợp tác cộng sinh.
Nhưng sự nghiệp lớn nhất của Kant, và cũng là đóng góp quan trọng nhất vào lịch sử triết học thế giới, là tác phẩm vĩ đại nhất của mọi thời đại – Phê phán Lý tính Thuần túy (1781, bổ sung 1787) – mà ông xuất bản sau khi ẩn dật để miệt mài nghiên cứu 11 năm. Kant là triết gia đầu tiên thành công trong việc trả lời câu hỏi xưa nhất của nhân loại, ấy là câu hỏi “bằng cách nào nhận thức thành hình trong bộ não của chúng ta?”17, từ đó Kant đã có thể diễn đạt một cách logic về “cách hoạt động của bộ máy tư duy con người”, nhờ thế, nhiều câu hỏi triết học được sáng tỏ hơn.
Nhưng chưa hết, trong tác phẩm quan trọng thứ hai sau đó 7 năm – Phê phán Lý tính Thực hành, 1788 – Kant đề xuất “Mệnh lệnh Nhất quyết (Kategorischer Imperativ)” dựa vào những nguyên tắc luân lý phổ quát để định hướng hành vi của con người. Tính hiệu lực của nó không phải phát xuất từ kinh nghiệm hay từ những luật lệ hiện hành, mà phải tiên nghiệm (a priori) từ lý tính thuần túy. Luân lý phổ quát đó phải có hiệu lực tuyệt đối cho hành động của mọi người, để nó có thể được mọi người tự ý tuân theo, chứ không phải tuân theo sự áp đặt từ bên ngoài18. Kant viết: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến”.
Nói tóm lại, Kant xứng đáng là người đại diện nhất quán cho trào lưu khai sáng, khi ông đòi hỏi con người phải tra hỏi mọi tri thức với tinh thần phê phán, và phải triệt để tự giải phóng khỏi những tri thức ngụy tạo và những biện giải huyễn hoặc do quá khứ mang lại19.
Chúng ta bước sang chủ đề mới:
4.a. Lý thuyết nhà nước hiện đại – Tổng quát Lý thuyết cổ điển thời trung đại:
Trong thời trung đại, cho đến thế kỷ 15, nhà nước phong kiến châu Âu không dựa vào một nền tảng triết học vững chắc nào, hệ tư tưởng duy nhất là thần học. Nói cho cùng, thần học Kitô không có năng lực đề xướng một lý thuyết nhà nước phù hợp với từng thời đại. Đến thế kỷ 16, sau cuộc cách mạng tôn giáo với hậu quả tất yếu là các cuộc nội chiến triền miên và giành giật đất đai giữa các vùng, các vương triều lúc ấy mới có nhu cầu phát triển lý thuyết nhà nước để an dân trong nội bộ và đối phó hữu hiệu với các cuộc tấn công từ bên ngoài. Lý thuyết nhà nước của Niccolò Machiavelli người Ý ra đời trong bối cảnh đó.
Lý thuyết của Machiavelli căn bản vẫn giữ định chế quân chủ. Ông đề xướng một vương triều chuyên chế có quyền hạn mênh mông, với một nhà chuyên chế mạnh mẽ (tức là hoàng đế, vua hoặc lãnh chúa). Lý luận nền tảng là: “Để đạt đến và củng cố quyền lực chính trị của nhà chuyên chế, mọi phương tiện đều được cho phép sử dụng, bất chấp luân lý và luật lệ hiện hành”. Nửa thế kỷ sau, Jean Bodin người Pháp tiếp thu và phát triển thêm với các quy định rộng rãi hơn, ôn hòa hơn. Nhưng nói chung, cả hai đều đề xướng nhà nước quân chủ chuyên chế, trong đó nhà chuyên chế đứng trên cả luật pháp. Trong thể chế này, luật pháp được soạn thảo cho thứ dân mà thôi, chứ nhà chuyên chế không bị ràng buộc vào đó. Nói cho cùng, lý thuyết của Machiavelli và Bodin sớm trở nên lạc hậu, bị phê phán kịch liệt, rồi dần dần rơi vào quên lãng trong thế kỷ khai sáng.
Xin làm một cước chú: Vương Hổ Ninh là người có trách nhiệm xây dựng hệ tư tưởng cho bộ máy quyền lực Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm mục đích xây dựng “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc”. Ông nhận định rằng, một yếu tố quan trọng đã đưa Tây Phương lên tột đỉnh của sự thống trị hoàn cầu, là một nhà nước mạnh với một nhà cai trị mạnh mẽ. Đó chính là điều mà Tập Cận Bình đang cần. Ông Vương chính là môn đệ trung thành nhất của Machiavelli. Nhưng tư duy của Vương Hổ Ninh rất đáng nghi ngờ trong xu hướng chính trị thời hiện đại. Nói cho cùng, nhận định ở trên của Vương Hổ Ninh là chủ quan và sai lạc.
4.b. Lý thuyết nhà nước hiện đại – Thomas Hobbes và nguyên lý dẫn đường
Lý thuyết nền tảng của Thomas Hobbes được gói ghém trong tác phẩm Leviathan xuất bản lần đầu năm 1651.
Thay vì viết bằng tiếng La-Tinh như thông lệ của giới học thuật đương thời, Hobbes chủ ý viết tác phẩm này bằng tiếng Anh với mục đích phục vụ cho độc giả đại chúng tại Anh quốc. Hobbes hy vọng rằng, các sáng kiến trong Leviathan có thể đóng góp vào việc cải thiện tình trạng hỗn loạn và phân liệt trong xã hội Anh lúc đó.
Trên quan điểm hôm nay, mô hình nhà nước của Hobbes xem ra rất lỗi thời, đầy bạo lực và lạc hậu so với đà tiến hóa của lịch sử, nhưng tác phẩm Leviathan gói ghém phần lớn lý thuyết nhà nước của Hobbes, nơi ông đặt những nền tảng triết học đầu tiên có khả năng trả lời những vấn đề cơ bản nhất của lý thuyết nhà nước. Bỏ qua mô hình nhà nước mà Thomas Hobbes dự phóng, Leviathan có thể xem là sách gối đầu giường cho những ai nghiên cứu triết lý chính trị hiện đại.
Công trạng lớn lao của Hobbes nằm ở giá trị học thuật mang tính nguyên lý trong tác phẩm. Ông đã cung cấp những chuẩn mực mới trong triết lý chính trị mà học giả trong trào lưu khai sáng ra công tìm kiếm. Hobbes đã để lại một gia tài vô giá, đó là mô hình tư duy độc đáo chưa từng có, để trả lời câu hỏi tại sao phải cần một nhà nước. Tiếp tục công việc một cách cương quyết hơn, Hobbes cung cấp một lộ trình minh bạch và đưa ra những điều kiện tiên quyết để tiến đến việc thành lập một nhà nước công minh.
Theo Hobbes, nhà nước không phải là một thực thể tự nhiên, lại càng không do ân sủng của Thượng Đế, mà là một thực thể nhân tạo do con người thiết lập từ một trạng thái trước đó, gọi là trạng thái tự nhiên (state of nature). Trạng thái này chấm dứt sau khi các thành viên tự nguyện thỏa thuận với nhau những điều kiện chung để bước sang trạng thái xã hội do nhà nước cai quản. Nói cách khác, nhà nước được thành lập thông qua một khế ước tự nguyện giữa các thành viên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nhà nước là một sản phẩm của sự cân nhắc duy lý, đóng vai trò trọng tài tối cao giữa các thành viên. Đó là ý tưởng căn bản chung quanh lý thuyết về khế ước (contract theory), một triết lý chính trị hiện đại mới xuất hiện lần đầu trong buổi bình minh của thời đại khai sáng xuất phát từ mô hình tư duy của Thomas Hobbes.
Nói tóm lại, xuất phát từ trạng thái tự nhiên, các thành viên phác thảo một khế ước xã hội để mọi cá thể tự nguyện tham gia vào việc thành lập nhà nước, xác định hình thái và tính chất của nhà nước trong tương lai. Đó là một sáng kiến mang tính cách mạng trong thế kỷ 17.
Với nguyên lý đó, mô hình nhà nước của Thomas Hobbes cũng được cấu tạo nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của trạng thái tự nhiên. Nhưng đây mới là vấn đề lớn của Hobbes. Theo ông, cuộc sống con người là cô đơn, tồi tàn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi. Con người trong trạng thái tự nhiên sống như một loài vật hoang dã. Mỗi người là một con sói đối với người khác (Homo Homini Lupus). Xã hội thì đầy rẫy bạo lực, hành động con người thì thiếu lý trí, không có luật lệ hoặc trật tự nào để bảo vệ an toàn cho mọi người. Nói tóm lại là một tình trạng hết sức tồi tệ về con người và xã hội, theo cách nhìn của Hobbes: “Mỗi người trở thành kẻ thù của người khác, và để thực hiện ý định ban đầu là được sinh tồn, cả hai bên đều có xu hướng hành động bạo lực như nhau, hoặc làm cho bên kia ngoan ngoãn thuần phục, hoặc phải diệt trừ họ”. Nói cách khác, mỗi người phải thường trực sống trong tình trạng sẵn sàng đấu tranh để tự bảo vệ, hoặc sẵn sàng tiêu diệt người khác. Cho nên, mô hình nhà nước của Hobbes cũng hàm chứa quyền lực, trấn áp và đầy bạo lực, không phù hợp với thời hiện đại.
4.c. Lý thuyết nhà nước hiện đại – John Locke và chủ nghĩa tự do
Tác phẩm nền tảng là “Hai Khảo luận về Chính quyền” xuất bản năm 1689, ngay trong những ngày sôi động sau cuộc cách mạng huy hoàng năm 1688.
John Locke là một trong những triết gia tên tuổi nhất của nền triết học hiện đại. Nếu so sánh với những người cùng thời tương tự như Thomas Hobbes, Jean Jacques Rousseau, David Hume, thì John Locke là một triết gia hiện đại đa dạng nhất, và thế giới quan triết học, chính trị và kinh tế của Locke đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong kỷ nguyên mới của xã hội tư sản20.
Trong lĩnh vực lý thuyết nhà nước, Khảo luận thứ II bàn về quá trình thành hình, mục tiêu và các định chế chính trị của một hệ thống nhà nước vốn dĩ có thể được những người ưa chuộng tự do thừa nhận là có tính chính danh.
Khi xây dựng lý thuyết nhà nước, John Locke đi theo mô hình tư duy của Hobbes, khởi đầu bằng trạng thái tự nhiên. Nhưng với John Locke, trạng thái tự nhiên mang màu sắc khác hẳn, với những tính chất mới mẻ hiếm thấy, chí ít là rất mới mẻ trong thời đại khai sáng và trong xã hội ông đang sống, dưới góc nhìn của một con người lý tưởng. Đó là tình trạng tự do, bình đẳng, tôn trọng luật pháp, con người sống độc lập nhưng có tinh thần trách nhiệm, con người có quyền tư hữu đồng thời biết tôn trọng sở hữu riêng của người khác. Với những tiền đề này, nhà nước lý tưởng của John Locke cũng mang những tính chất tương ứng, và John Locke xứng đáng được gọi là triết gia đầu tiên khai sinh chủ nghĩa tự do trong nền triết học chính trị thế giới.
Điều khác nhau mang tính nguyên lý giữa Thomas Hobbes và John Locke là sự lý giải về tình trạng tự nhiên. Theo Locke, cho dù con người vốn ít nhiều có tư tưởng cạnh tranh thù địch với nhau, nhưng họ không thể sống cô lập, mà để sinh tồn, họ phải có quan hệ mật thiết với nhau thông qua các hoạt động kinh tế trong xã hội. Ngoài ra, trong trạng thái tự nhiên, con người chịu sự chi phối của luật tự nhiên có giá trị phổ quát cho mọi người, vì thế họ có thể phân biệt giữa đúng và sai, hợp pháp và phi pháp21.
John Locke viết trong Khảo Luận II: “Trong trạng thái tự nhiên đã hàm chứa luật tự nhiên được mọi người chấp nhận. Lẽ phải xuyên suốt thống nhất trong bộ luật đó dạy cho chúng ta rằng, vì mọi người sinh ra đã bình đẳng và độc lập, cho nên không ai được quyền làm hại đến đời sống, sức khỏe, tự do và tư hữu của người khác”22.
Locke nói về khế ước xã hội: Giữa công dân với nhau có một thỏa thuận theo những nguyên tắc quy định trong khế ước xã hội. Cộng đồng dần dần trở thành một thực thể chính trị. Đó là lúc mà nhà nước bắt đầu thành hình. Qua khế ước này, chính phủ được thành lập và mang tính hợp pháp, đồng thời chính phủ phải tôn trọng luật pháp được ban hành. Khi chính phủ không đáp ứng đòi hỏi của đa số công dân trong xã hội, hoặc khi chính phủ hành động vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, họ có thể bị truất phế bằng phương tiện ôn hòa, nhưng nếu cần cũng có thể bằng vũ lực.
John Locke đã tự tạo cho mình một thế đứng không thể nhầm lẫn với ai khác khi tuyên bố rằng, “Hễ khi nào các nhà lập pháp có ý định cướp đoạt và triệt phá tư hữu của công dân hay kéo họ xuống tình trạng nô lệ dưới một quyền lực độc đoán, khi đó họ đã tự đặt mình vào tình trạng chiến tranh với nhân dân”23.
Theo Locke, điều nguy hiểm nhất đe dọa một thể chế chính trị là sự lạm quyền. Để ngăn chặn điều đó thì hệ thống quyền lực phải được phân chia làm hai bộ phận khác nhau và độc lập nhau (lập pháp và hành pháp). Sáng kiến này thực chất đã có từ trước, nhưng công trạng vĩ đại của Locke là đã đưa lý thuyết phân quyền thành một định chế bắt buộc để có một nhà nước pháp quyền vững mạnh và công minh. Sau này, Montesquieu đã tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng nền móng để hoàn tất lý thuyết phân quyền trở thành một nhân tố chủ đạo trong việc xây dựng thể chế nhà nước, mà chúng ta quen gọi là tam quyền phân lập.
Theo Locke, người dân sẵn sàng chấp nhận một khế ước xã hội vốn dĩ sẽ hợp thức hóa nhà nước. Ngược lại, nhà nước phải tôn trọng luật pháp, đồng thời bảo đảm rằng, luật pháp sẽ được thực thi một cách công minh, nhất là việc bảo vệ quyền công dân. Nhà nước có thể bị hạ bệ bằng phương tiện ôn hòa hay bạo lực, khi nó không đáp ứng ý muốn của đa số, hay là khi nó vượt quá quyền hạn mà luật pháp cho phép. Lúc ấy, sự tin cậy của công dân, tức những người đồng ý bản khế ước xã hội để lập nên các cơ quan lập pháp và hành pháp, đã sụp đổ. Tính chính danh vốn được đặt trên nền tảng khế ước xã hội cũng không còn. Khi tình trạng đó xảy ra, mỗi người công dân được quyền đòi lại quyền tự nhiên của họ để thành lập những cơ cấu chính trị mới khả dĩ bảo vệ tự do và tư hữu của họ24.
Lề lối tư duy đó của John Locke chính là gốc rễ của những khái niệm mới trong thời hiện đại sau này: đó là quyền phản kháng và quyền làm cách mạng. Tuy nhiên, trong thời đại đó, Locke đã bị những người theo thuyết “quyền của vua là ân sủng của Thượng Đế” phê phán kịch liệt rằng, sáng kiến về quyền phản kháng của Locke không khác gì giấy phép đặc biệt để thả lỏng cho những cuộc nổi loạn.
Hai cuộc cách mạng vĩ đại ở Mỹ và Pháp cuối thế kỷ 18 đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt chính trị thế giới về sau. Cả hai đều bắt đầu từ ý thức phản kháng để tự bảo vệ quyền tự nhiên của mình, nó mang rõ dấu ấn của triết gia chính trị John Locke, chưa kể đến những khái niệm về tự do, tư hữu, lý thuyết phân quyền đã tác động thế nào lên các hiến pháp của hai nước đó.
4.d. Lý thuyết nhà nước hiện đại – Montesquieu và thuyết phân quyền
Tác phẩm nền tảng: Về Tinh thần Luật pháp (De l’esprit des lois), xuất bản lần đầu năm 1748.
Montesquieu cho rằng, trong trạng thái tự nhiên, chiến tranh không thể xảy ra vì lúc ấy, mọi người đều yếu như nhau. Người hoang dã run sợ trước mọi chuyện và trốn chạy trước mọi nguy cơ. Trong trạng thái tự nhiên đó, họ đều yếu như nhau, sợ hãi lẫn nhau, không ai trội hơn ai cho nên không có xu hướng tấn công nhau. Vì thế, hòa bình chính là định luật đầu tiên và tất yếu của trạng thái tự nhiên25.
Montesquieu phân biệt luật giữa các quốc gia, mà ngày nay chúng ta gọi là luật công pháp quốc tế, là bộ luật định ra quy ước đối với các cộng đồng bên ngoài để ngăn ngừa chiến tranh. Về bên trong, Montesquieu đòi hỏi hai bộ quy ước để giải quyết xung khắc nội bộ, một là luật quốc gia, mà ngày nay chúng ta gọi là luật công pháp, liên quan đến cách hành xử giữa nhà nước và công dân; và thứ hai là luật công dân, tức là luật tư pháp ngày nay, quy định cách hành xử giữa cá nhân và tổ chức tư nhân với nhau. Điều cốt lõi để giải quyết mầm mống chiến tranh cũng như mâu thuẫn nội bộ là luật pháp. Tính chất “thượng tôn pháp luật” được Montesquieu viết trong lời nói đầu: “Mối quan hệ nhà nước sẽ được tôi khảo sát trong tác phẩm này. Tôi sẽ khảo sát tất cả mối liên quan: Tổng hợp chúng lại với nhau sẽ tạo nên điều mà chúng ta gọi là tinh thần luật pháp”26. Có thể nói rằng, “Về Tinh thần Luật pháp” là bản tuyên ngôn đầu tiên của các chế độ pháp quyền vốn dĩ sẽ được thành lập khắp nơi kể từ thế kỷ 19 và 20.
Việc thiết lập nhà nước được đặt trên nguyên tắc rất minh bạch: “Nhà nước cần được kiến tạo thế nào để không ai bị cưỡng ép làm những gì mà luật pháp không quy định, cũng không một công dân nào bị ngăn cấm làm những chuyện mà luật pháp cho phép”. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước là bảo vệ các quyền tự do ấy của công dân, để cho không ai phải sợ hãi người khác vì một lý do gì.
Trên bình diện quốc gia, quyền lực là khả năng của nhà nước dùng để bảo đảm rằng, mọi người trong xã hội đều hành xử trong khuôn khổ luật pháp. Tuy nhiên, để nhà nước không thể sử dụng quyền lực của mình một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát, Montesquieu có sáng kiến là phân chia hệ thống quyền lực tối cao của nhà nước thành ba bộ phận – lập pháp, hành pháp và tư pháp – chúng hoạt động liên đới lẫn nhau nhưng độc lập với nhau, không ảnh hưởng lẫn nhau, một nguyên tắc mà ngày hôm nay chúng ta gọi là tam quyền phân lập. Sự phân chia này là nền tảng hoạt động của trật tự các nước dân chủ hiện nay. Điều này có mục đích chính là để ngăn chặn những người nắm giữ quyền lực chính trị lạm dụng quyền lực của họ. Có như vậy, các quyền tự do của công dân mới được đảm bảo.
Người ta tin rằng, trong một quốc gia lấy pháp quyền làm gốc, sự độc lập lẫn nhau giữa các cơ quan nghị viện làm luật, chính phủ thi hành luật và tòa án xử lý luật là phương tiện hữu hiệu để ngăn ngừa sự lạm quyền và tham nhũng vốn dĩ là căn bệnh trầm kha của mọi quốc gia. Tất cả những giá trị ấy, dù chưa được định hình rõ rệt trong thế kỷ 18, nhưng đều có nguồn gốc từ lý thuyết chính trị được manh nha trong thế kỷ đó.
4.e. Lý thuyết nhà nước hiện đại – Jean Jacques Rousseau và “Khế ước Xã hội”
“Khế ước Xã hội” của Jean-Jacques Rousseau là một văn kiện đầy tính nhân văn. Khi luận giải về nhà nước, Rousseau đặt những nguyên lý đạo đức lên hàng đầu, để kiến tạo một nhà nước lý tưởng và xã hội bình đẳng, đáp ứng ước vọng của mọi lớp người. Tác phẩm này của Rousseau có thể xem như một mệnh lệnh đạo đức cho cuộc cách mạng Pháp xảy ra 27 năm sau đó, và ghi lại dấu ấn lên Tuyên ngôn Nhân quyền và quyền Công dân năm 1789, khi chế độ cũ của Pháp sụp đổ. Tuy nhiên, vì quá lý tưởng cho nên mô hình nhà nước của Rousseau cũng trở thành ảo tưởng, chưa bao giờ xuất hiện và cũng khó lòng áp dụng được.
Vì thế, chúng ta tạm bỏ qua đề mục này, để bước qua chủ đề mới:
5. Cách mạng Khoa học và Kỹ thuật
Các chủ đề sẽ khảo sát
Cách mạng khoa học là gì?
Nicolaus Copernicus: Cách mạng vũ trụ học
Những nhân tố quyết định sự phát triển
Cách mạng khoa học trong thế kỷ 17
Cách mạng khoa học trong thế kỷ 18
5.a Cách mạng Khoa học và Kỹ thuật – Cách mạng khoa học là gì?
Trước hết, chúng ta cần giới hạn phạm vi khảo sát. Khoa học mà chúng ta đang bàn tới là khoa học tự nhiên, vốn dĩ hàm chứa ba tính chất căn bản như sau27:
Trước hết, khoa học gia khảo sát nó một cách khách quan, không bị tình cảm ảnh hưởng, cũng không bị cảm xúc chi phối nhận thức. Họ định hướng quan sát vào những sự vật cụ thể, mà họ gọi là dữ liệu có chứng cứ. Họ thường làm việc trong các phòng thí nghiệm hay một môi trường tương tự, nơi mà họ có thể kiểm soát chính xác công việc của mình.
Thứ hai, đối tượng của khoa học tự nhiên gần như chỉ gói gọn trong những vật thể, chứ không phải là ý niệm hay cảm giác. Và đối tượng để khảo sát là thế giới bên ngoài và những phản ứng trong thế giới đó, chứ không phải là quá trình thay đổi và tác động của chúng bên trong con người.
Thứ ba, người nghiên cứu khoa học tự nhiên có một phong thái đặc biệt để tương tác với sự vật và con người chung quanh. Họ sử dụng những phương pháp đặc thù và ghi chép kết quả nghiên cứu bằng những ngôn ngữ riêng. Một phương pháp quen thuộc là thí nghiệm. Mọi nhân tố quan trọng phải được cứu xét và thực hiện theo cách mà, những người khác cũng có thể lặp lại để kiểm chứng. Chỉ như thế, sự đúng đắn của kết luận mới được cộng đồng khoa học thừa nhận.
Để xác minh lại thực chất của cách mạng khoa học, chúng ta tạm dùng những khái niệm của Thomas Kuhn, triết gia khoa học và sử gia nổi danh trong hậu bán thế kỷ 20.
Có hai đặc trưng cốt yếu mà Thomas Kuhn gán cho những cuộc cách mạng khoa học lớn có khả năng đưa ra những vấn đề mới mẻ được chấp nhận rộng rãi và xác định một phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực đó. Hai đặc trưng đó là: Thứ nhất, thành quả đạt được là chưa bao giờ có, khả dĩ thu hút một nhóm thành viên sẵn sàng từ bỏ những luận cứ vững chắc trong các hoạt động nghiên cứu trước đó, và thứ hai, nó để ngỏ những con đường rộng mở cho một số nhóm chuyên gia nào đó có thể tự mình đặt ra vấn đề mới và tự đi tìm lời giải28. Thomas Kuhn gọi những thành tựu mang hai đặc trưng này là hệ hình (paradigm). Những cuộc cách mạng tương ứng trong lĩnh vực đó có thể gọi là sự biến đổi hệ hình (paradigm shift).
Vài thí dụ biến đổi hệ hình trong hai thế kỷ 17 và 18:
Andreas Vesalius làm cuộc cách mạng ngành cơ thể học và ngành phẫu thuật. Hoặc William Harvey (1578-1657) khám phá về sự tuần hoàn của máu. Hoặc René Descartes (1596-1650) phát minh hình học giải tích. Hoặc Antony van Leeuwenhoek (1632-1723) khám phá vi khuẩn, khai sinh ngành vi trùng học. Hoặc Isaac Newton (1642-1727) khám phá các định luật chuyển động của vật chất, khai sinh ngành cơ học hiện đại. Hoặc Antoine Laurent de Lavoisier (1743-1794) khám phá 23 nguyên tố hóa học đầu tiên, đặt nền móng cho sự thành lập các ngành hóa phân tích, hóa tổng hợp, hóa vô cơ và hóa hữu cơ. Hoặc Robert Boyle (1627-1692) khám phá những định luật về khí động học, v.v. 29
Nhìn về quá khứ, các học giả khai sáng châu Âu đã phát minh một số lượng công trình mang tính chất biến đổi hệ hình nhiều hơn tất cả các phát minh của toàn thế giới trong 2.000 năm trước đó cộng lại. Nhìn về tương lai, thật khó để đếm có bao nhiêu phát minh khoa học từ thời đại khai sáng đã mở đường cho các ứng dụng hữu ích trong xã hội cho đến thế kỷ 21.
Nhưng quan trọng hơn cả những công trình thấy được trong các ngành khoa học là, thế kỷ 17 ghi nhận những cuộc cách mạng về phương pháp nghiên cứu khoa học, cách mạng về lề lối tư duy của khoa học gia, đi tìm chân lý dựa vào hệ thống suy luận logic.
Từ góc nhìn lịch sử khoa học, thế kỷ 17 được định hình bằng những khám phá mới mẻ, mà kết quả của chúng đã tạo nền móng cho các ngành khoa học hiện đại. Toán và cơ học là hai lĩnh vực vượt trội chi phối mọi tiến bộ vốn dĩ sẽ xuất hiện rất bất ngờ trong thời gian sau đó30.
Trên nhãn quan lịch sử về các cuộc cách mạng khoa học tổng thể, bước đi để nhân loại tiến vào nền khoa học hiện đại có thể được chia làm ba giai đoạn, trước khi châu Âu giã từ nền khoa học cổ điển31. Ba giai đoạn đó là:
Giai đoạn thứ nhất, từ 1450 đến 1550, có thể gọi là khoa học phục hưng, là thời kỳ phê phán và khắc phục nền tảng tư duy của triết học tự nhiên theo tinh thần của chủ nghĩa kinh viện. Dù chưa có bước nhảy vọt nào đáng kể, nhưng nền khoa học phục hưng đã đặt tiền đề để hướng dẫn khoa học gia thay đổi lề lối tư duy, và bắt đầu sử dụng phương pháp nghiên cứu mới để tiến vào khoa học hiện đại.
Giai đoạn thứ hai, từ 1550 đến 1630. Đây là giai đoạn có nhiều biến động lớn ở châu Âu, thí dụ như cách mạng tôn giáo. Trong lĩnh vực khoa học, giai đoạn này chứng kiến sự thành công rực rỡ của phương pháp nghiên cứu đặt trên nền tảng quan sát và thực nghiệm32. Học giả tiên phong Galileo Galilei đã tiến hành những thí nghiệm đầu tiên của nền khoa học hiện đại, và như thế Galileo Galilei là người đầu tiên xây dựng một phương pháp nghiên cứu cho ngành vật lý hiện đại, làm nền tảng cho những thành công tiếp theo trong thế kỷ 17 và 1833.
Giai đoạn thứ ba, từ 1630 đến 1690, là giai đoạn sau cùng mang tính quyết định, hay nói chính xác hơn, là thời khắc sinh thành của phương pháp nghiên cứu mới, là thời gian đệm chuyển tiếp trên quá trình bắt đầu giã từ nền khoa học cổ điển để thực sự kiến tạo nền móng vững chắc của lâu đài khoa học hiện đại cho các thế kỷ về sau. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong giai đoạn này phần nào đã được định chế hóa – dù chỉ mới ở mức độ thấp – chứ không chỉ xuất phát từ quan tâm cá nhân như trước đây. Một vài viện nghiên cứu và viện hàn lâm được nhà nước thành lập để hỗ trợ cho hoạt động phát triển khoa học.
Nói tóm lại, quá trình phát triển khoa học từ phong cách cổ điển để bắt đầu bước vào nền khoa học hiện đại xem như hoàn tất ở cuối thế kỷ 17 để dọn đường cho một loạt phát minh mới trong thế kỷ 18, trong lĩnh vực khoa học cũng như cả lĩnh vực kỹ thuật và kinh tế, làm bệ phóng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đưa lục địa châu Âu vào một kỷ nguyên mới với phồn vinh và tiến bộ, hoàn tất bước tiến hóa từ kỷ nguyên canh tác sang kỷ nguyên công nghiệp.
Giai đoạn mày mò đi tìm phương hướng trong giới khoa học gia đã hoàn tất; nền móng đầu tiên cho nền khoa học hiện đại đã trở thành vững chắc, trước hết là toán, thiên văn và cơ học ở thế kỷ 17, dần dần mở rộng ra các ngành khác mang tính chất thực nghiệm gần gũi với đời sống như vật lý học, hóa học, sinh vật học ở thế kỷ 18, và cuối cùng tiến sang lĩnh vực kỹ thuật như cơ khí, kỹ thuật điện bắt đầu ở hậu bán thế kỷ 18. Tóm lại, đầu thế kỷ 18 là khoa học thực nghiệm như vật lý, hóa học, sinh vật học và hậu bán thế kỷ 18 là kỹ thuật như cơ khí, điện.
Ba giai đoạn ở trên có một đặc trưng dễ nhận thấy, đó là ảnh hưởng hỗ tương giữa nền kinh tế tiền tư bản và sự phát triển khoa học tự nhiên, một loại ảnh hưởng vô cùng phức tạp mà chúng ta khó lòng lý giải, nếu chỉ dựa vào lối phân tích “nguyên nhân – hậu quả”. Người ta có thể nói là, kể từ lúc bắt đầu xuất hiện, nhân tố kinh tế đóng vai trò chủ đạo, và phải đợi đến lúc phương thức sản xuất tiền tư bản đã được định hình, thì sự phát triển nền khoa học thực nghiệm trở nên cần thiết và khả thi34.
5.b. Cách mạng Khoa học và Kỹ thuật – Nicolaus Copernicus: Cách mạng vũ trụ học
Nicolaus Copernicus (1473-1543) là một học giả đa năng người Ba Lan. Công trình nghiên cứu thiên văn của Copernicus đã phủ bóng lên tất cả các thành tựu khác của ông, mặc dù Copernicus là một học giả đa dạng, và lĩnh vực nào cũng đều đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ. Copernicus là nhà quản lý, nhà ngoại giao, ông làm thơ, vẽ tranh, là một bác sĩ tài hoa, ông kiến tạo thiết bị kỹ thuật. Copernicus còn cố vấn cho nhà nước Ba Lan về các vấn đề tài chính, và xuất bản một tác phẩm về tiền tệ35. Người đương thời ca tụng rằng, ông nắm vững kiến thức trong thời đại đó hơn bất kỳ một người nào khác.
Với niềm đam mê về thiên văn học, Copernicus đọc hết tất cả sách thiên văn cổ đại mà ông tìm thấy. Ông khám phá rằng, những nhà thiên văn Hy Lạp trước Công Nguyên đã từng nghĩ đến vị trí trung tâm của mặt trời trong thái dương hệ, nhưng chưa có một kết luận cụ thể. Vậy thì có thể nào cải thiện căn cơ lý thuyết cổ đại bằng một vài thay đổi cần thiết? Copernicus tự trả lời: có thể làm được36. Nhưng đó là một vấn đề vô cùng nhạy cảm đối với Giáo hội Kitô, cho nên ông rất thận trọng và trì hoãn việc phổ biến các phát hiện mới về vũ trụ.
Copernicus ghi lại tất cả quan sát của mình trong một sổ nhật ký – ông gọi là Commentariolus – trong đó người ta tìm thấy một đoạn ghi chép vào năm 1513: “Tất cả các hành tinh đều quay quanh mặt trời, vốn dĩ đứng yên ở trung tâm. Vì thế, mặt trời chính là trung tâm của vũ trụ”. Thế mà tác phẩm kinh điển “Về chuyển động vòng của các hành tinh” mãi đến 1530 mới hoàn tất, và năm 1543 mới được xuất bản, khi Copernicus chờ chết trên giường bệnh.
Công trình thiên văn của Copernicus hàm chứa hai ý nghĩa:
Trước hết, về mặt phương pháp luận: Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Copernicus dùng phương pháp quan sát, đo đạc, thử nghiệm để tìm ra mối quan hệ tổng thể của đối tượng nghiên cứu. Phương pháp suy luận của Copernicus đã tạo cảm hứng cho giới học giả bắt đầu từ bỏ tư duy trực giác và tiên nghiệm để xây dựng hệ thống tư duy logic, kết hợp với nhận thức thực tế từ giác quan. Đó chính là gia tài đồ sộ mà Copernicus cống hiến cho nhân loại trong quá trình phát triển phương pháp luận trong công cuộc nghiên cứu khoa học tự nhiên.
Kế đến, về mặt vũ trụ quan: Từ thời cổ đại, quả đất là trung tâm của vũ trụ. Giờ đây, Copernicus ném nó vào một quỹ đạo xa tắp, và thay vào trung tâm là một hành tinh khác mà trước nay không ai nghĩ đến, đó là mặt trời. Với lý thuyết nhật tâm (heliocentrism), Copernicus làm đảo lộn những luận chứng của nền văn minh cổ đại vốn có giá trị bất biến từ gần hai ngàn năm trước, phủ nhận những tinh thần được ghi chép trong Thánh Kinh và các mặc khải thần thánh, phản bác lại nền tảng lý luận của thần học Kitô, mặc dù cho đến lúc chết, Copernicus vẫn là một tín đồ Kitô sùng đạo.
Luận chứng của Copernicus là một quả bom tấn đối với giới nghiên cứu khoa học, như Thomas Kuhn nhận xét: “Các nhà thiên văn học sau Copernicus có cảm nhận mình đang sống trong một thế giới khác”37. Cộng đồng học giả bỗng nhiên có cảm giác như bị ném vào một vũ trụ hoàn toàn khác.
Giáo hoàng Clemens VII mời Copernicus về La Mã thuyết giảng về các khám phá mới, nhưng cuối cùng Giáo hoàng không thừa nhận học thuyết của Copernicus, khi nghe ông diễn giải rằng mặt trời, chứ không phải quả đất là trung tâm của vũ trụ. Vị Giáo hoàng kế nhiệm Paul III cũng thế. 38 Nhà thần học Tin lành Martin Luther vẫn phản bác với trích dẫn lời nguyền của đấng sáng tạo Joshua ghi chép trong Thánh Kinh; mục sư Philipp Melanchthon xem lý thuyết của Copernicus là tà giáo, “chứa đựng những tư tưởng mới lạ, tội lỗi và vô thần”. Tác phẩm kinh điển “Về sự chuyển động vòng của các hành tinh” của Copernicus bị Giáo hội Công Giáo cấm phổ biến kể từ 1616, và mãi hai trăm năm sau, lệnh cấm mới được thu hồi vào năm 1822 39.
Luận chứng của Copernicus là sự đoạn tuyệt với lề lối tư duy cổ điển. Dù không trực tiếp đả động đến triết lý thần học, nhưng khi kết luận “mặt trời là trung tâm của vũ trụ”, Copernicus đã gián tiếp phủ nhận nền tảng lý luận của triết lý thần học, phản bác những tiên tri trong các mặc khải thần thánh, thậm chí đặt lại vai trò của Đấng Sáng Tạo đối với con người và quả đất trong vũ trụ. Sự thay đổi lớn lao này về tư tưởng đã giải phóng trí tuệ học giả để họ dũng cảm tiến vào những lĩnh vực mới mẻ, bất chấp những nghiên cứu của họ có đi ngược với quan niệm của Vương triều và Giáo hội hay không.
Ba học giả tiếp theo, trong vòng nửa thế kỷ sau đó đã hoàn thiện những khiếm khuyết của lý thuyết Copernicus: Tycho Brahe phác họa một phương pháp quan sát chính xác, Johannes Kepler tính toán lại quỹ đạo hình bầu dục của trái đất chung quanh mặt trời, đồng thời khám phá quy luật của chuyển động các hành tinh, và sau cùng Galileo Galilei dùng kính viễn vọng và phương tiện toán học để chứng minh lý thuyết và cấu trúc vũ trụ của Copernicus, từ đó, đưa mô hình nhật tâm của Copernicus đến đài vinh quang mà mọi người đều chấp nhận40.
Với tính chất lý luận, tìm tòi và thử nghiệm, giáo dục ngành khoa học sau Copernicus không còn mang nhiệm vụ chuyển giao tri thức như chúng ta thấy trong các đại học trung cổ, mà nhiệm vụ chính là xây dựng một cách có hệ thống phương pháp tăng trưởng tri thức, kiểm tra có phê phán cũng như hoàn thiện tri thức, loại tri thức đã được đánh giá cẩn thận trên quan điểm ứng dụng thực tế41.
5.c. Cách mạng Khoa học và Kỹ thuật – Những nhân tố quyết định
Kể từ đầu thế kỷ 17, phong cách suy nghĩ hiện đại về khoa học tự nhiên bắt đầu chiếm lĩnh trận địa nghiên cứu. Xuất phát từ hệ thống suy luận logic từng bước được xây dựng, cơn bão khoa học bắt đầu chuyển động và có xu hướng sẽ thay đổi bộ mặt xã hội châu Âu cũng như cả thế giới trong nay mai.
Khoa học dần dần tạo nên một loại quyền lực tinh thần, tạo niềm tin trong giới học giả trên bước đường nghiên cứu độc lập của mình. Đến giữa thế kỷ 17, tính chất bảo hộ của hàng giáo phẩm lên giới học giả châu Âu bị lung lay tận gốc rễ. Mô hình tư duy hoàn toàn độc lập với thần học đã trở thành chuẩn mực mới trong xã hội.
Thế kỷ 17 là thế kỷ của những biến đổi có ý nghĩa cách mạng về mặt khoa học, kinh tế cũng như về đời sống chính trị và tư tưởng trong xã hội42. Về mặt khoa học, thời gian này được định hình bởi những tư tưởng mới mẻ trong lĩnh vực toán học và cơ học được khám phá, để từ đó áp dụng trong mọi lĩnh vực khoa học khác.
Điều quan trọng hơn mang tính chất đột phá trong thế kỷ này là ý thức giã từ phương pháp nghiên cứu cổ điển để bước vào nền khoa học hiện đại, có kết hợp chặt chẽ giữa khoa học và kỹ thuật để sáng chế những phương tiện phục vụ cho đời sống. Bản thân khoa học cũng không chỉ là kết quả nghiên cứu của học giả, mà đã trở thành một bộ phận không thể thiếu để phục vụ cho nền sản xuất tiền tư bản đang thành hình.
Thế kỷ 18, với khẩu hiệu phổ biến “thiên nhiên và lý tính”, phong cách mới mẻ trong khoa học đã thâm nhập vào số đông trong giới học giả bằng sự tương tác sống động giữa khoa học và triết học – nhiều trường hợp thì cả hai lĩnh vực tư duy đó ở trong cùng một con người, thí dụ như René Descartes, Gottfried Leibniz, Baruch de Spinoza.
Một đặc tính của thế kỷ 18 là, các tiến bộ trong khoa học đã tác động mạnh mẽ lên lĩnh vực kỹ thuật. Khoa học đã tìm thấy khía cạnh ứng dụng trong kỹ thuật, nhờ thế tri thức đã biến thành công cụ, phương tiện để phục vụ sản xuất và đời sống.
Nhưng yếu tố nào đã làm cho những phát minh khoa học có thể biến thành tiến bộ kỹ thuật để làm đòn bẩy cho việc tăng trưởng sản xuất? Câu trả lời thật rõ ràng: Tri thức khoa học và kỹ thuật đã thâm nhập vào đám đông. Ý thức yêu khoa học và kỹ thuật của người dân được nâng cao, cho nên lối suy nghĩ mới của học giả thời đại dễ thâm nhập đến từng con người bình thường trong xã hội, nhờ thế mới có sự tương tác hữu hiệu giữa một bên là khoa học vốn mang bản chất khái quát và bên kia là kỹ thuật với tính chất thực tiễn, để từ đó các nhà kỹ thuật sáng chế ra nhiều công cụ sản xuất hiệu quả phục vụ cho nền công nghiệp và nâng cao chất lượng sống. Khái niệm “kỹ sư” vốn đã bắt đầu xuất hiện từ hậu bán thế kỷ 18, dân dần trở thành một nghề nghiệp được trọng vọng trong thế giới khoa học và kỹ thuật.
Hầu hết tất cả những thành quả mà chúng ta hưởng hôm nay, đều có nguồn gốc từ các thế kỷ nói trên. Một thí dụ cụ thể: không có sự phát minh về năng lượng điện bởi William Gilbert từ đầu thế kỷ 17, sau đó được triển khai và đưa vào ứng dụng từ giữa thế kỷ 18 bởi Benjamin Franklin, Luigi Galvani, Alessandro Volta, v.v., thì cũng khó lòng có ngành điện tử vào giữa thế kỷ 20, và ngành vi điện tử vào hậu bán thế kỷ, cũng sẽ không có computer, internet; từ đó, những ứng dụng quen thuộc hiện nay như điện thoại thông minh, Youtube, Facebook vẫn chỉ là những giấc mơ. Thí dụ thứ hai: Nếu không có lý thuyết về hệ thống nhị phân và mã hóa số nhị phân (binary number coding) của Gottfried W. Leibniz vào cuối thế kỷ 17, thì chắc hẳn chúng ta khó lòng thiết kế được những máy tính điện tử hiện đại trong thế kỷ 20.
Để đánh giá tác động của khoa học và kỹ thuật trong trào lưu khai sáng, chúng ta thử phóng tầm mắt về vài thế kỷ trước đó. Trong thế kỷ 15, sự chênh lệch về mặt tư tưởng, ý thức, tri thức cũng như về mức độ phồn vinh giữa châu Âu và các lục địa khác nhau chưa nhiều. Nhưng chỉ 300 năm sau, đến thế kỷ 19 thì sự chênh lệch ấy đã trở nên rõ rệt và khoảng cách giữa hai thế giới, một bên là châu Âu, Bắc Mỹ và bên kia là các lục địa khác dường như khó lòng được lấp kín.
Tất cả đều xuất phát từ sự chuyển biến tư tưởng và phong cách nghiên cứu bắt đầu từ thời đại hậu phục hưng, dẫn đến những thành quả lớn lao đạt được trong thời đại khai sáng, trong đó phương pháp tư duy đóng vai trò then chốt, tạo sức sống cho các khoa học gia với những phát triển vũ bão của khoa học và kỹ thuật để làm giàu cho xã hội.
Phương pháp luận:
Nguồn gốc sâu xa của các tiến bộ vũ bão trong thời đại khai sáng là phương pháp luận mà các nhà khoa học, với sự tác động mạnh mẽ của triết gia đương thời, sớm nhận thức để biến chúng thành kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động nghiên cứu. Mọi việc bắt đầu bằng sự giải phóng tư tưởng con người ra khỏi tù túng của giáo điều ý thức hệ để tự đào luyện cho mình một phong cách tự chủ về mặt tư tưởng, từ đó tinh thần sáng tạo được nâng cao.
Về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học, thế kỷ 17 chứng kiến những bước đi vững chắc, mặc dù chưa được phổ biến rộng. Mỗi một hiện tượng thiên nhiên quan sát được, người ta thích đặt nghi vấn. Người ta đặt ra những câu hỏi chưa hề được trả lời. Và làm sao có thể trả lời trong trình độ hiểu biết của thế kỷ 17? Chẳng hạn, chân không có hiện hữu hay không? Tại sao trong trái cây có sâu bọ? Tại sao có loài cá phát lân tinh khi chúng ở trong nước, nhưng ra ngoài khí trời thì không? Chồi cây nẩy nở thế nào giữa thân, cành và lá? Tại sao trái táo rụng xuống đất? Tại sao ánh sáng mặt trời không có màu, nhưng qua một lăng kính thủy tinh lại lóng lánh nhiều sắc?
Viện sĩ Hàn lâm Paul Hazard đề cập đến một truyền thuyết nổi tiếng về Newton: Khi ông ngồi đọc sách dưới cây táo trong vườn nhà, bỗng nhiên cảm thấy trái táo rớt xuống đầu và tự hỏi, điều gì đã khiến nó rơi xuống. Câu hỏi xem ra có vẻ “ngớ ngẩn”, nhưng cách đặt vấn đề của Newton là một phương cách suy luận mới mẻ. Mọi chuyện khởi đầu bằng sự quan sát hiện tượng thực tế, rồi với sự hỗ trợ của lý trí để tìm cách cắt nghĩa hiện tượng bằng những bước đi kế tiếp có tính chất kiểm nghiệm: đó chính là cách diễn đạt rõ ràng về định luật của khoa học mà giới học giả thế kỷ 17 bắt đầu từng bước xây dựng43.
Vai trò của toán học:
Khi nguyên nhân của một hiện tượng vật lý đã được xác định, người ta có xu hướng sử dụng công cụ toán học để diễn đạt tác động của nó ra thế giới bên ngoài. Và khi quá trình chứng minh bằng toán học đã hoàn tất, không còn gì để hoài nghi, thì việc khám phá tác động này trong thiên nhiên đã trở thành luận chứng cho sự đúng đắn của việc tìm thấy nguyên nhân của hiện tượng. Thời kỳ dùng phương pháp diễn giải bằng lời để chứng minh một giả thuyết khoa học đã vĩnh viễn chấm dứt, thay vào đó, việc chứng minh một giả thuyết phải theo quy tắc chính xác của các định luật thiên nhiên, có sử dụng các công cụ toán học vốn dĩ đã trở thành ngôn ngữ của khoa học44.
Vai trò của toán học để chứng minh các luận đề trong khoa học tự nhiên được Galileo Galilei tóm tắt trong một câu nói ngắn gọn: “Để có thể chứng minh cho đối thủ thấy sự đúng đắn của các kết luận, tôi bắt buộc phải sử dụng một loạt thí nghiệm để diễn đạt kết quả; nhưng cho riêng tôi, chứng minh bằng toán là quá đủ và không cần thiết phải làm thêm một thí nghiệm nào khác”45.
Các định chế khoa học:
Bên cạnh sự thắng thế của phương pháp luận, sự phát triển khoa học được sự hỗ trợ bởi một khung hoạt động mới mẻ: các viện hàn lâm, viện nghiên cứu quốc gia và các hiệp hội khoa học thuộc mọi cấp bậc từ Vương triều đến tư nhân, và tất nhiên không thể thiếu vai trò của các tạp chí chuyên ngành làm môi trường trao đổi thảo luận giữa giới chuyên môn với nhau.
Thời đại khai sáng quả đúng là một thời đại của các viện hàn lâm. Mặc dù lúc đầu chỉ với một số ngành hạn chế như y khoa, nông nghiệp và văn chương, nhưng sự thành lập các Viện Hàn Lâm đã gợi cảm hứng cho giới khoa học gia, đánh dấu một giai đoạn mới trong nỗ lực tìm kiếm, phát minh. Người ta ghi nhận rằng, trong suốt một thế kỷ từ 1660 đến 1760, trung bình mỗi thập niên chỉ có 60 bằng phát minh; nhưng từ 1760 đến cuối thế kỷ, trung bình mỗi thập niên có đến 325 bằng sáng chế được ghi nhận46.
Bên cạnh các viện hàn lâm, càng ngày càng có nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học. Điều này đã làm cho vai trò các khoa học gia được nâng cao và trọng vọng trong xã hội. Đặc biệt sự thành lập các viện hàn lâm nổi tiếng ở Anh và Pháp, nơi mà ngay từ đầu đã có sự hiện diện của những khoa học gia thuộc tầm vóc quốc tế, đã làm cho các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên trở thành một định chế học thuật không thể thiếu, và là một yếu tố văn hóa được ưa chuộng trong xã hội47.
Vài thí dụ: Hàn lâm viện Crusca ở Florence (Accademia della Crusca, 1582), Hàn lâm viện Lincei ở La Mã (Accadamia dei Lincei, 1600-1630), Hàn lâm viện Khoa học Tự nhiên ở Halle, Đức (Academia Naturae Curiosorum, 1632), Viện hàn lâm Pháp (Académie Française) thành lập năm 1635, Viện Cimento ở Florence (1651-1667), Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia Đức (Nationale Akademie der Wissenschaft zu Halle) năm 1652, Hội đồng Hoàng gia Anh (Royal Society) năm 1660, Viện Nghiên cứu Hoàng gia ở Luân Đôn (Royal Society, 1662), Hàn lâm viện Khoa học Hoàng gia ở Paris (Académie Royale des Sciences, 1666)48.
Thế kỷ 17 có thể xem như thời gian cày xới ươm mầm, phát triển và thu thập sức mạnh mà rầm rộ nhất là hậu bán thế kỷ với sự xuất hiện của nhiều tạp chí định kỳ thuộc đủ mọi ngành, và nhất là đa số chúng được xuất bản bằng tiếng địa phương với giá thấp nhờ kỹ thuật in ấn hàng loạt, cho nên mọi giới trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng.
Những tạp chí chuyên ngành sớm nhất là Tạp chí của học giả (Journal des sçavans) ở Paris năm 1665, Hoạt động Triết học của Hàn lâm viện (Philosophical Transactions of the Royal Society) ở Luân Đôn năm 1665.
5.d. Cách mạng Khoa học và Kỹ thuật – Trong thế kỷ 17
Thế kỷ 17 được xem như thời khắc sinh thành của phương pháp nghiên cứu khoa học và đi kèm với nó là năng lực phán đoán có sử dụng các công cụ toán học và cơ học ngày càng tinh vi và chính xác. Trong thế kỷ này, triết học cũng đã tiến một bước dài để có thể cung cấp cho khoa học gia nền tảng vững chắc về phương pháp luận. Đặc biệt toán học đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của tri thức. Việc dùng cách diễn đạt toán học cho những hiểu biết về thiên nhiên trong ngành cơ học cũng như thiên văn, là cách làm của nhiều học giả hàng đầu trong thế kỷ 17. Bước đi này cũng được kết hợp với sự tổng hợp các giai đoạn từ sáng kiến đến thử nghiệm trong khoa học, cũng như với mối liên quan ngày càng chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành49.
Một gương mặt lớn đầu thế kỷ 17 là Francis Bacon, người đã đưa phương pháp quy nạp (inductive) vào nghiên cứu. Nhưng Bacon không chú ý lắm đến công cụ toán học. Bacon đưa lên mặt tiền một bộ phận của phương pháp đó, là sự tin tưởng vào kinh nghiệm và thử nghiệm. Bộ phận thứ hai, công cụ toán học để chứng minh thì ông không chú ý. Chính vì sự thiếu sót này mà người ta không thấy dấu vết của Bacon trong các công trình của Kepler, Galilei và những người đi sau trong ngành thiên văn. Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên: Bacon không phải là nhà toán học.
Suốt ba thập niên từ năm 1630, tức thời gian thành danh của René Descartes, phương pháp chứng minh các giả thuyết bằng phương pháp toán học trở thành chìa khóa của việc thu thập tri thức, và Descartes cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, điều này có giá trị cho mọi ngành khoa học, cũng không khác gì như trong đại số. Mặc dù Descartes chưa khám phá tác dụng của các phương pháp kiểm tra bằng thí nghiệm, nhưng ông có niềm đam mê về một sự rõ ràng và vững tâm tuyệt đối để tiến đến hình ảnh lý tưởng của một nền khoa học, trong đó, cũng giống như trong toán học, tất cả đều có thể được kiểm nghiệm bằng các nguyên lý rõ ràng đã định trước. Với tư tưởng đó, Descartes đã ảnh hưởng sâu sắc lên các nhà nghiên cứu khoa học có tư duy thuần lý, và toán học đã chi phối thế giới học thuật một thời gian rất dài50.
Nếu Isaac Newton là ngôi sao sáng của nền khoa học thế kỷ 18, thì Descartes là nhân vật biểu tượng của thế kỷ 17, và phương pháp toán học của ông là biểu tượng của tinh thần khoa học trong thời cận đại sơ kỳ.
Robert Boyle dùng thí dụ chiếc đồng hồ để lý giải về phương pháp thu thập tri thức, cũng là lối thể hiện lề lối tư duy của khoa học gia trong thế kỷ 17. Đối với một hiện tượng thiên nhiên, người ta đối diện với hai loại câu hỏi: câu hỏi thứ nhất là, điều đó để làm gì. Đó là câu hỏi quen thuộc trong thời trung cổ khi người ta đứng trước một hiện tượng thiên nhiên. Câu hỏi thứ hai phức tạp hơn: điều đó bao gồm thành tố nào, làm sao nó thành hình, hoạt động thế nào, tuân theo định luật nào.
Nói cách khác, người ta không còn thỏa mãn với câu hỏi “vật đó để làm gì” như người trung cổ, mà người ta tò mò hơn: chúng bao gồm những thứ gì, kết cấu với nhau như thế nào, tương tác ra sao, chúng tuân theo những định luật nào, v.v. Lối suy nghĩ đó chi phối môi trường khoa học suốt các thế kỷ về sau, và đó cũng là đặc trưng của tư duy con người khoa học mà chúng ta bắt gặp ngày càng nhiều hơn kể từ cuối thế kỷ 17.
Xu hướng đoạn tuyệt với chủ nghĩa kinh viện, tư duy Aristotle và gắn liền với nó là giáo điều ý thức hệ tôn giáo đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược; về mặt khoa học, phương pháp quan sát – thử nghiệm – phán đoán – chứng minh – và kết luận đã trở thành phổ biến; tư duy tiên nghiệm (a priori) trong nghiên cứu khoa học rốt cục đã bị đẩy lùi; toán và vật lý trở thành những công cụ sắc bén để giải quyết các vấn đề khó khăn; nhưng quan trọng hơn nữa là xu hướng thực nghiệm ngày càng rõ nét trong giới khoa học. Đến cuối thế kỷ 17, các thành tố cho một cuộc biến đổi hệ hình tiếp theo ở mức độ cao hơn đã xuất hiện. Từ những ngành khoa học cổ điển như toán, thiên văn và y khoa, tri thức học giả bắt đầu hướng về những thành tố mới mẻ mang tính chất thực nghiệm, kỹ thuật, công nghiệp, tức là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống con người, đến sản xuất để phục vụ cho xã hội.
Toán học:
Không có gì để nghi ngờ khi nói rằng, thế kỷ 17 là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển ngành toán nói chung. Chừng mực nào cũng có thể kết luận rằng, giai đoạn này ghi đậm dấu ấn của nền toán học hiện đại, và thế kỷ 17 chính là thời kỳ cách mạng của ngành toán hiện đại51.
Thế kỷ 17 là thế kỷ của phát minh toán học. Không chỉ là toán lý thuyết như các nhà toán học cổ đại từng làm, mà ngành toán ứng dụng đã được thành hình trong thời cận đại để giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển khoa học lúc đó, nhất là trong hai lĩnh vực thiên văn và vật lý. Nổi bật hơn cả là hai phát minh mang tính đột phá: hình học giải tích và phép tính vi tích phân.
Với khám phá hình học giải tích, Descartes đã trao vào tay các nhà toán học một công cụ cực kỳ hiệu quả. Không cần phải tìm lời giải cho từng giả thuyết riêng lẻ, mà chỉ cần nắm lấy chìa khóa để tìm đến tất cả các giả thuyết. Quả thật cũng đúng như Descartes tự hào rằng, chưa có ai trong quá khứ, kể cả những toán học gia cổ đại đã sở hữu một chìa khóa ảo thuật như vậy52. Với hình học giải thích, Descartes đã trang bị cho ngành toán một phương pháp phổ quát.
Phép tính vi tích phân (Infinitesimal calculus) là phương pháp tổng quát, dùng toán để giải quyết các vấn đề trong vật lý, thiên văn và cơ học, trong đó có ba vấn đề khó mà phép tính vi tích phân có thể giải thích một cách có hệ thống: Thứ nhất, các vấn đề liên quan đến vận tốc chuyển động không đều, thí dụ như sự gia tốc; thứ hai, vấn đề tiếp tuyến tại những điểm bất kỳ trên các đường cong; thứ ba, vấn đề tứ giác của bốn điểm bất kỳ trên một đường cong bất kỳ. Với vi tích phân, các vấn đề đó có thể giải quyết bằng lý thuyết. Thành quả này gắn bó mật thiết với hai tên tuổi lớn: Isaac Newton và Gottfried Leibniz.
Ngoài hai phát minh trên, thế kỷ 17 còn chứng kiến nhiều khám phá mới trong toán học. Blaise Pascal cùng với Pierre de Fermat là hai nhà toán học người Pháp đã khai sinh ngành toán xác suất. Cũng chính Blaise Pascal cùng với Girard Desargues là những tổ phụ đầu tiên đã xây dựng nền móng cho một ngành mới của toán học, đó là hình học phối cảnh. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng, Girard Desargues là kiến trúc sư và kỹ sư ở Lyon, cho nên hình học phối cảnh là công cụ mà ông phải sử dụng hàng ngày.
Thiên văn học:
Kể từ sau những thành quả lớn lao của Galilei, người ta nhận thấy rằng, chất lượng của kính viễn vọng là chìa khóa để quan sát các hành tinh và đạt những khám phá mới. Quả thật, kính viễn vọng trong thế kỷ 17 có độ phóng đại gấp nhiều lần chiếc kính của Galilei dùng ở đầu thế kỷ, từ đó nhiều phát hiện mới được tìm thấy, chẳng hạn như điều gọi là “vòng Saturn”, cũng như những mặt trăng quay quanh các hành tinh giống như “mặt trăng” của chúng. Galilei tìm thấy mặt trăng của Jupiter. Hiện tượng nguyệt thực ở đó cũng được quan sát rõ ràng và xảy ra đều đặn theo chu kỳ. Giovanni Cassini (1625-1712) người Ý tạo được một bảng tính toán đầy đủ về thời gian của các chu kỳ nguyệt thực53.
Nhưng trong ngành thiên văn học, Isaac Newton vẫn chiếm ngự vị trí cao nhất. Copernicus đã chỉ ra rằng, các hành tinh quay quanh mặt trời trên quỹ đạo vòng tròn. Johannes Kepler điều chỉnh lại rằng, quỹ đạo đó hình bầu dục, đồng thời diễn giải các định luật liên quan đến chuyển động các hành tinh. Nhưng câu hỏi sau cùng vẫn chưa có lời giải: lực nào đã giữ cho các hành tinh và mặt trăng chuyển động cân bằng? Mãi đến khi Newton “vô tình” khám phá trọng lực và lực ly tâm, câu hỏi đó mới được trả lời thỏa đáng.
Chính sức đẩy của lực ly tâm và sức hút của trọng lực đã giữ cho các hành tinh chuyển động cân bằng trên quỹ đạo và không bao giờ va chạm nhau.
Các khám phá đó đã kích thích tò mò các nhà thiên văn và người ta có sáng kiến đo đạc để tìm mối liên hệ giữa thời gian và vị trí của chúng để xác định vị trí của người quan sát ở mặt đất. Điều này họ làm được sau khi máy vi kế (Micrometer) được phát minh vào giữa thế kỷ 17. Họ kết hợp với kính viễn vọng và một sợi dây mỏng để đo chính xác góc giữa hai ngôi sao khi quy chiếu về điểm quan sát. Phát hiện này là một bước tiến cách mạng trong phương pháp định vị tàu bè trên biển.54.
Trong thời gian này, Giovanni Cassini đo được khoảng cách đến sao hỏa và đường kính của quỹ đạo trái đất. Olaus Römer (1644-1710) người Đan Mạch đo được vận tốc ánh sáng cao hơn 300.000 km/giây một ít, điều được xác định gần đúng trong thế kỷ 19, khi thiết bị và kỹ thuật đo đã cải thiện. Christiaan Huygens (1629-1695) người Hà Lan tự cải tiến kính viễn vọng để hoàn tất việc tính toán quỹ đạo một vài hành tinh lớn.
Vật lý, hóa học, sinh vật học, y khoa
Thế kỷ 17 chứng kiến sự khởi đầu nhiều ngành khoa học thực nghiệm. Những phát minh trong thế kỷ này mang tính chất nền tảng để xây dựng một ngành nghiên cứu mới. Khám phá về trọng lực, lực ly tâm và nguyên lý chuyển động của Isaac Newton là những viên gạch đầu tiên để khai sinh ngành cơ học hiện đại. Ngành quang học phát triển nhanh sau khi người ta thấy công dụng của kính viễn vọng. Lĩnh vực quang học trong các thế kỷ tiếp theo vẫn còn dấu ấn từ thế kỷ 17 của Isaac Newton, Willibrod Snell, Francisco Grimaldi, René Descartes, Christian Huygens. Khí học (Gas) được bắt đầu bởi Evangelista Torricelli, Blaise Pascal, Otto von Guericke, Robert Boyle.
Bên cạnh đó, khám phá của Robert Boyle trong lĩnh vực hóa học là bước đi vững chắc đầu tiên để các hóa học gia thế kỷ 18 xây dựng hóa học thành một ngành khoa học thực nghiệm cực kỳ quan trọng cho tiến trình văn minh nhân loại. Ngành vi sinh học (Biology) được Robert Hook, Antony van Leeuwenhoek, Jan Swammerdam, Mercello Malpighi xây dựng những bước đi đầu tiên. Đặc biệt lĩnh vực y khoa đã có những phát minh độc đáo để thực sự cải thiện phương tiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao tuổi thọ trung bình trên khắp cả lục địa. Cơ thể con người không còn là một bí ẩn của tạo hóa, mà các nhà y khoa đã phơi trần ra ánh sáng, kết hợp với ngành phẫu thuật để có thể can thiệp đến mọi vùng miền trong cơ thể con người. Những nhà y khoa lớn có thể kể: William Harvey, Thomas Sydenham.
5.e. Cách mạng Khoa học và Kỹ thuật – Trong thế kỷ 18
Trên nhãn quan triết học, sự phát triển khoa học trong thế kỷ 18 đã đưa tư duy con người đến gần với thiên nhiên và lý tính. Với sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học tự nhiên, sự soi sáng của tư duy thuần lý của toán học đưa đến nhận thức rằng, thiên nhiên hoạt động theo những quy luật phổ quát. Cho nên luật tự nhiên và lý tính là một, hoặc chí ít là song hành với nhau. Điều gì phù hợp với lý tính, điều đó cũng tuân theo luật tự nhiên, và ngược lại.
Trở lại khoa học, trong thế kỷ 18, những khám phá vĩ đại từ thế kỷ 17 trong hai lĩnh vực vật lý và thiên văn học được củng cố và phát triển thêm. Ngoài ra, một loạt phát minh khác trong lĩnh vực hóa học và sinh vật học làm cho các ngành khoa học mới mẻ này mang một nội dung rất hiện đại. Đời sống học thuật không chỉ giới hạn trong kinh đô hoặc các thành phố lớn, mà lan truyền xuống tận các thành phố nhỏ. Điều này chúng ta quan sát được với sự có mặt các hàn lâm viện hoặc các học viện nghiên cứu khoa học tại các tỉnh lẻ. Pháp là quốc gia đứng đầu trong trào lưu này.
Thế kỷ 18 xuất hiện một hiện tượng chưa bao giờ có trước đó. Khoa học trong thế kỷ 18 không còn là một lĩnh vực lý thuyết, mà đã sản sinh nhiều ngành khoa học ứng dụng và kỹ thuật, góp phần vào sản xuất và giải quyết các vấn đề cần thiết cho đời sống. Ngay cả toán học cũng sản sinh những ngành mới mẻ mang tính ứng dụng, thí dụ như xác suất, thống kê. Khái niệm kỹ sư cũng bắt đầu trở thành quen thuộc, và kỹ sư trở thành một lớp người được trọng vọng trong xã hội. Hệ thống đo đạc thập phân (Metric System) ra đời dần dần thay thế hệ đo lường Imperial, làm cho công việc trong nhiều lĩnh vực được dễ dàng hơn.
Toán và cơ học
Ngoài Isaac Newton, ngành toán học thế kỷ 18 không thể tách rời một nhân vật đặc sắc: Pierre-Simon Laplace (1749-1827). Ông là người tiên phong khám phá phương pháp tính xác suất. Dựa vào những tiền đề không chính xác hoặc chỉ do phỏng đoán, phép tính này có thể đưa ra kết quả đáng tin cậy. Ngày hôm nay, xác suất được dùng rộng rãi ở lĩnh vực thống kê trong kinh tế cũng như trong các ngành phi kinh tế khác. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực cần sự phỏng đoán dựa vào dữ liệu không đầy đủ đều dùng lý thuyết xác suất để tìm lời giải. Trong lĩnh vực xác suất, Laplace để lại hai tác phẩm lớn, một cuốn để cho khoa học gia nghiên cứu (Théorie Analytique des Probabilités, 1812) và cuốn kia được viết cho độc giả rộng rãi (Essai philosophique sur les Probabilités, 1814), vì thế từ cuối thế kỷ 18, xác suất trở thành một thuật ngữ thông dụng trong xã hội. Bên cạnh xác suất, Laplace còn để lại cho chúng ta nhiều lý thuyết còn giá trị đến hôm nay. Chẳng hạn, phương trình Laplace, phép biến đổi Laplace, phép tính vi phân là vài thí dụ tiêu biểu. Ngoài ra, những tên tuổi lớn đã để lại thành quả cho chúng ta hôm nay, thí dụ Leonhard Euler (1707–1783), Joseph-Louis Lagrange (1736–1813), Adrien-Marie Legendre (1752–1833).
Thiên văn học
Ngành thiên văn và vật lý củng cố và hoàn thiện các thành quả đạt được trong thế kỷ 17, trong đó Pierre-Simon Laplace, vốn được tặng cho danh hiệu “Newton của Pháp”, đóng vai trò quyết định. Bằng các nghiên cứu về cơ học thiên thể (Celestial mechanics) kết hợp với việc sử dụng lý thuyết và công thức toán học, Laplace giải thích lại một cách chính xác các quỹ đạo và hiện tượng cơ học trong vũ trụ, từ đó trả lời dứt khoát một câu hỏi đáng sợ của người đương thời: Các hành tinh sẽ không bao giờ va chạm vào nhau và sụp đổ. Tác phẩm kinh điển Khảo sát về Cơ học Thiên thể (Traité de Méchanique Céleste) trở thành sách gối đầu giường của các nhà thiên văn.
Hóa học:
Ngành hóa học hiện đại được khởi đầu bởi Joseph Black (1728-1799) người Tô Cách Lan (Scotland) và Antoine Laurent de Lavoisier (1743-1794) người Pháp. Vị giáo sư Black làm sụp đổ lý thuyết cổ điển cho rằng, không khí chỉ chứa đựng một nguyên tố duy nhất. Black kết luận ngược lại và chứng minh sự hiện hữu của vài chất khí trong không khí. Lavoisier người Pháp tiếp nối công trình của Black và tìm thấy trong nước có hai nguyên tố Oxy và Hydro có thể tách rời, và khi tổng hợp Oxy+Hydro theo tỉ lệ 1:2, người ta có thể tạo ra nước. Lavoisier còn đi xa hơn khi quả quyết rằng, tất cả mọi vật chất đều được cấu tạo bởi một hoặc vài nguyên tố hóa học. Cho đến lúc chết năm 1794, Lavoisier khám phá được 23 nguyên tố hóa học đầu tiên. Ngành hóa học hiện đại được bắt đầu như thế55. Khi Lavoisier bị nhóm khủng bố Robespierre kết tội phản cách mạng và bị hành hình năm 1794, người bạn, cũng là nhà toán học tiếng tăm Joseph Lagrange nhìn đồng hồ và thốt lên: “Chúng nó chỉ cần một khắc để lấy đầu ông ấy, nhưng có lẽ chúng ta phải đợi thêm 100 năm nữa để có một cái đầu tương tự”56.
Y khoa và chăm sóc sức khỏe
Ngành y khoa trong thế kỷ 18 có những đột biến mang ý nghĩa lịch sử, định hướng đi cho toàn ngành đến những thế kỷ tiếp theo. Ngoài những ngành truyền thống như cơ thể học, phẫu thuật vẫn tiếp tục hoàn thiện công trình của Andreas Vesalius, một số ngành mới được thành hình, như sinh lý học, bệnh lý học mang tính chất thực nghiệm cao độ.
Ngành bệnh lý học vốn đã có nguồn gốc từ thế kỷ 17, nhưng đến thế kỷ 18 mới được hệ thống hóa và trở thành một ngành độc lập. Người lập công đầu cho sự phát triển ngành bệnh lý học là Giovanni Battista Morgagni (1682-1771). Cuốn sách kinh điển về bệnh lý học của ông xuất bản năm 1761 đã trở thành sách gối đầu giường cho các bác sĩ đương thời. Trong sách, ông liệt kê 640 bệnh lý với các triệu chứng, tiếntrình và bệnh lý phụ. Gần như tất cả khám phá trong lĩnh vực bệnh lý học sau này đều lấy những phát minh của Morgagni làm nền tảng57.
Ngành sinh lý học được Albrecht von Haller (1708-1777) xây dựng với những khám phá mới chưa từng có. Haller là người cực kỳ thông minh, mới 19 tuổi đã có bằng tiến sĩ, năm 28 tuổi trở thành giáo sư đại học Göttingen, đã công bố hơn 600 báo cáo khoa học. Haller là người tổng kết tất cả các vấn để về sinh lý học đương thời để viết thành sách xuất bản năm 1766. Đó là tác phẩm sinh lý học mà chuyên gia sinh lý trong thế kỷ 21 vẫn còn sử dụng để khảo cứu. Ông còn khám phá cơ chế hoạt động của hơi thở, tính tự động trong hoạt động của tim, vai trò của gan để xử lý mỡ, tiến trình phát triển thai nhi, nói chung là những vấn đề mới mẻ nhất liên quan đến sinh lý con người58.
Vật lý thực nghiệm: Nhiệt học, điện học, máy hơi nước
Ngành vật lý thế kỷ 18 đã thoát xác để bước qua một khúc quanh mới, có xu hướng về vật lý thực nghiệm, chừng mực nào mang tính chất kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ cho giới tiêu thụ ngày càng đông đảo, với sức mua ngày càng cao. Ngành nhiệt học chẳng hạn chứng kiến những khám mới về công dụng của nó như là nguồn phát sinh năng lượng cho các thiết bị sản xuất. Vài tên tuổi lớn còn để lại dấu tích trong các giáo trình đại học hôm nay như: Gabriel Daniel Fahrenheit (1686-1736), Anders Celsius (1701-1744), Benjamin Thompson (1753-1814), v.v.
Những công trình quan trọng hơn còn có tác dụng đến sự phát triển thế kỷ 20/21 là điện học. Hiệu ứng điện đã được William Gilbert khám phá từ đầu thế kỷ 17, nhưng phải đợi đến thế kỷ 18 mới có những phát minh đột phá, thí dụ Stephen Gray khám phá hiệu ứng dẫn điện qua kim loại. Benjamin Franklin phát minh phương pháp tạo ra điện năng từ những hiện tượng khác nhau, thí dụ sấm sét, hoặc do sự cọ xát. Charles August Coulomb (1736-1806), Luigi Galvani (1737-1798), Alessandra Volta tiếp tục công trình của Franklin để đưa điện năng đến những áp dụng hữu ích. Nhờ thế, khi kết hợp với vật lý chất rắn, ngành điện tử mới phát triển vào đầu thế kỷ 20, và ngành vi điện tử ở hậu bán thế kỷ 20. Phối hợp với lý thuyết nhị phân (Binary system) và mã hóa của Gottfried W. Leibniz trong thế kỷ 17, ngành vi điện tử dẫn đến máy tính, supercomputer, smartphone ở thế kỷ 21.
Và tất nhiên, quan trọng không kém là phát minh máy hơi nước từ tiền bán thế kỷ 18, bắt đầu bởi Denis Papin (1647-1712), tiếp nối bởi Thomas Newcomen (1663-1729), Thomas Savery (1650-1715) và bước đột phá sau cùng bởi James Watt (1736-1819). Những khám phá này đã tạo nền móng cho sự phát minh những công dụng quan trọng có sử dụng máy hơi nước, như tàu lửa, tàu thủy. Đó là những phát minh mang tầm vóc thế kỷ làm nên cuộc cách mạng giao thông vận tải trong tiền bán thế kỷ 19, một thành tố quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp.
6. Cách mạng kinh tế
Các chủ đề khảo sát:
Bối cảnh: Bóng đen của học thuyết trọng thương
Những ý tưởng cách mạng đầu tiên
Con đường tiến vào kinh tế tự do
Adam Smith và kinh tế thị trường
Adam Smith – Những tư tưởng cốt lõi
Vài ngộ nhận chung quanh Adam Smith
6.a. Cách mạng kinh tế – Bối cảnh: Học thuyết trọng thương (Mercantilism)
Nước Ý đã có một thời kỳ hưng thịnh nhờ thương mại đường biển ở Địa Trung Hải. Nhưng khi đế chế Ottoman chiếm Contantinople năm 1543, chế ngự toàn bộ vùng Đông Địa Trung Hải, lợi thế của Ý không còn nữa. Khủng hoảng thương mại làm cho các nước châu Âu đứng trước những câu hỏi nan giải về chính sách kinh tế. Phương cách hoạt động kinh tế theo học thuyết trọng thương ra đời từ đó, ở giữa thế kỷ 16.Nhưng học thuyết này chỉ thực sự được sử dụng một cách có hệ thống kể từ giữa thế kỷ 17, trước tiên được tiến hành rầm rộ ở Pháp trong triều đại Louis XIV, sau đó được áp dụng rộng rãi ở châu Âu cho đến cuối thế kỷ 18. Vua Louis XIV là nhà chuyên chế độc đoán nhất lịch sử Pháp, triều đình sống xa hoa vô độ. Trong lúc ngân quỹ vương triều gần cạn kiệt, vua Louis XIV giao cho bộ trưởng tài chính Jean-Baptiste Colbert (1619-1683) định ra chính sách kinh tế với mục đích ưu tiên là kiếm được nhiều tiền cho ngân quỹ quốc gia. Colbert thiết kế một mô hình kinh tế để làm sinh động kinh tế quốc gia Pháp và mang lại nhiều thuế cho ngân sách. Học thuyết kinh tế trọng thương thành hình từ đó và Colbert được xem là cha đẻ của học thuyết này, cũng như chính sách kinh tế và chính sách thuộc địa của Pháp.
Tinh thần quán xuyến của học thuyết trọng thương là nhằm vào việc xây dựng nền kinh tế được điều khiển bởi nhà nước trung ương, thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Mục đích của chính sách lúc ấy là tích lũy của cải cho nhà cai trị, tăng thu nhập nhà nước. Theo Colbert, biện pháp quan trọng nhất là tiến hành nền kinh tế nhằm vào việc nâng cao thặng dư ngoại thương để mang vàng bạc về cho quốc gia, bằng cách giảm thiểu tối đa chi tiêu nhập khẩu và tăng tối đa doanh thu xuất khẩu.
Về nhập khẩu, Colbert chủ trương chỉ cho phép nhập nguyên liệu thô, đặc biệt thúc đẩy chính sách thuộc địa để cướp đoạt nguyên liệu hoặc mua chúng với giá rẻ. Với các nguyên liệu đó, Pháp chú trọng việc sản xuất những món hàng xa xỉ vốn dĩ Pháp đang có lợi thế trên thị trường châu Âu, thí dụ hàng thời trang. Họ bán với giá cao để nâng cao thặng dư ngoại thương. Để bảo vệ nền sản xuất nội địa và bảo đảm thế mạnh trên thị trường quốc tế, Pháp cấm việc xuất khẩu nguyên liệu thô, đồng thời chỉ cho phép nhập khẩu các hàng hóa thành phẩm mà Pháp không sản xuất được, nhưng phải trả thuế nhập khẩu rất cao.
Học thuyết trọng thương một mặt có ưu điểm là hạn chế, dù chưa toàn diện, các phường hội nghề nghiệp để mở rộng phạm vi hoạt động tự do cho tư nhân, đồng thời bãi bỏ dần chế độ hải quan giữa các lãnh địa trong một quốc gia. Nhưng mặt khác, nhược điểm của nó thì rất nhiều. Nó đòi hỏi sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước lên quá trình phát triển kinh tế. Các ngành sản xuất mang lại lợi nhuận cao đều ở trong tay nhà nước hoặc các lãnh chúa trong guồng máy cai trị của Vương triều phong kiến. Chính sách này làm kinh tế tăng trưởng một thời gian, nhưng kẻ hưởng lợi duy nhất là ngân quỹ nhà nước, chứ người tiêu thụ và giới sản xuất nông nghiệp vốn dĩ chiếm 90% dân số, thì đâu vẫn hoàn đấy, đã nghèo lại càng nghèo hơn.
Đời sống người dân châu Âu chỉ thực sự tăng lên, sau khi học thuyết trọng thương bị đẩy lùi để nhường chỗ cho chính sách kinh tế tự do kèm theo những tiến bộ về y khoa. Điều này thể hiện rõ ở thống kê tuổi thọ trung vị59:
Trước 1600 8 tuổi
1600 – 1650 13 tuổi
1650 – 1700 27 tuổi
1700 – 1750 31 tuổi
1750 – 1800 40 tuổi
Tình trạng chậm tiến ấy là hậu quả của chính sách kinh tế trọng thương sai lầm. Người châu Âu đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng để vươn lên sớm hơn. Với lượng của cải cướp được hoặc mua với giá rẻ mang về từ các thuộc địa, đặc biệt là từ châu Mỹ, các nước châu Âu đã tích lũy một số lượng tài sản khổng lồ chưa hề có trước đó. Chỉ cần một chính sách kinh tế phù hợp là họ có thể nhanh chóng nâng cao sản xuất, kích thích thương mại, tích lũy phồn vinh cho dân chúng, đưa xã hội nhanh chóng tiến lên, vượt ra khỏi kiếp sống nghèo khó thời trung cổ.
6.b. Cách mạng kinh tế – Những ý tưởng cách mạng đầu tiên
Người đầu tiên phê phán học thuyết trọng thương một cách có hệ thống là nhà kinh tế tài chính ngân hàng người Ái Nhĩ Lan, Richard Cantillon. Tư tưởng của ông đã đặt nền móng cho việc phân tích hoạt động kinh tế dựa trên lý thuyết vòng tuần hoàn tiền tệ. Ông làm những phác họa đầu tiên về vòng quay tiền tệ, từ đó phát hiện công dụng của tốc độ quay lên nền kinh tế vĩ mô. Tư tưởng của Cantillon về bản chất của tín dụng, vốn dĩ đặt nền tảng trên sự gia tốc vòng tuần hoàn tiền tệ, đã chi phối nền tài chính ngân hàng cho đến ngày nay. Richard Cantillon có thể được xem là lý thuyết gia kinh tế đầu tiên của châu Âu mà tư tưởng đã ảnh hưởng sâu đậm lên các thế hệ về sau như François Quesnay, Adam Smith, Jean-Baptiste Say, Léon Walras, Friedrich August von Hayek. Thuật ngữ “hiệu ứng Cantillon” vẫn còn được các kinh tế gia ngày nay sử dụng khi phân tích các cuộc khủng hoảng tiền tệ.
Cantillon bài bác học thuyết trọng thương và cho rằng, việc tích lũy vàng bạc mà không sử dụng nó vào các dự án đầu tư sản xuất, thì hiệu ứng cũng tai hại như việc bơm tiền vô tội vạ vào thị trường tài chính. Ở đây, Cantillon đã lý giải rất minh bạch phương cách mà sự mở rộng khối lượng lượng tiền tệ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế như thế nào. Ông lý luận rằng, việc bơm thêm tiền vào thị trường tài chính trước hết có thể làm cho nền kinh tế hưng thịnh trong một thời gian ngắn, nhưng nó không bền vững và không sớm thì muộn sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế.
Hiệu ứng Cantillon được kinh tế gia hàng đầu của Áo, Ludwig von Mises tóm tắt như sau: “Lạm phát và bùng nổ tín dụng, vốn dĩ là phương pháp quen thuộc của các nhà nước ngày nay, không làm cho nguồn lực kinh tế tăng lên. Nó làm cho một số người giàu có hơn, nhưng điều đó chỉ đạt được khi chính nó làm cho nhiều người khác phải nghèo hơn”.
Được gợi cảm hứng bởi tư tưởng mới lạ của Richard Cantillon, các học giả khai sáng càng hăng hái lên tiếng chỉ trích chính sách kinh tế trọng thương. Cả triết gia khai sáng hàng đầu David Hume, vốn nổi danh trong lĩnh vực triết học và đạo đức học, cũng lên tiếng trên các diễn đàn kinh tế. David Hume là một trong những người sớm phân biệt rạch ròi sự khác nhau giữa tiền tệ, vàng bạc và phồn vinh của quốc gia. Theo Hume, phồn vinh của quốc gia không thể được đo lường bởi số lượng vàng bạc nó có, mà phải căn cứ vào hàng hóa và dịch vụ mà quốc gia đó đã tạo ra60, một luận cứ mà sau này chúng ta thường gặp trong các lý thuyết kinh tế hiện đại, thí dụ như khái niệm “tổng sản phẩm quốc nội” (GDP) ngày nay.
Các học giả khai sáng đã đánh trúng điểm yếu cơ bản của học thuyết trọng thương, nhưng họ vẫn chưa đưa ra được một lời giải nào hợp lý hơn, khả dĩ thay thế chủ thuyết đã lỗi thời. Phải đợi đến năm 1758, một học giả người Pháp đưa ra mô hình kinh tế có sức mạnh phá vỡ nền móng của học thuyết trọng thương vốn dĩ đã được thiết lập từ hơn hai trăm năm trước. Người đó là François Quesnay, một thành viên sáng giá của trào lưu khai sáng Paris.
Quesnay cho rằng, tự do sản xuất và kinh doanh của nông dân cần được luật pháp bảo vệ, có như thế, trật tự tự nhiên của toàn xã hội mới được bảo đảm. Quesnay từ chối mọi sự can thiệp của nhà nước lên quá trình hoạt động kinh tế. Đấy cũng chính là bước khởi đầu trong cuộc đấu tranh phá bỏ phương thức sản xuất phong kiến đương thời, góp phần làm cho ý thức cách mạng ngày càng mạnh trong xã hội Pháp. Nếu Jean Jacques Rousseau có ảnh hưởng to lớn về mặt tư tưởng chính trị lên cuộc cách mạng năm 1789, thì François Quesnay với thuyết trọng nông cũng có ảnh hưởng không kém về mặt kinh tế.
Những người trọng nông cổ xúy việc bãi bỏ thuế quan và các quy định cản trở thương mại tự do cho từng cá nhân trong xã hội. Thay vì xem phồn vinh xã hội là do việc tích lũy vàng bạc mang lại, François Quesnay chỉ ra rằng phồn vinh là kết quả của lao động toàn xã hội, và trong bối cảnh giữa thế kỷ 18 ở Pháp, đó chính là lao động sản xuất trong nông nghiệp. Thuật ngữ “trường phái trọng nông” (Physiocracy) ra đời trong bối cảnh đó.
Vốn là một bác sĩ, Quesnay cho rằng, kinh tế quốc gia phải hoạt động theo nguyên lý tuần hoàn, giống như nguyên lý hoạt động của vòng tuần hoàn máu trong cơ thể, trong đó nhà sản xuất – tức người cung cấp sản phẩm – và người tiêu thụ là hai tác nhân quan hệ với nhau trong một vòng tuần hoàn kinh tế, trong đó tiền tệ hoặc vàng bạc của cải chỉ là phương tiện để mọi tác nhân trao đổi hàng hóa và dịch vụ lẫn nhau. Lối phân tích của Quesnay dựa trên quan điểm vòng tuần hoàn kinh tế đánh dấu bước đột phá về mặt khoa học, đồng thời lót đường cho sự thành hình và phát triển môn kinh tế chính trị học cổ điển. Ông là người đầu tiên nghiên cứu kinh tế vĩ mô và đã phác họa một mô hình biểu diễn cơ chế hoạt động của nền sản xuất nông nghiệp quốc gia, gọi là biểu kinh tế (Tableau Économique).
François Quesnay nói về biểu kinh tế: “Đó là một công trình lao động hoàn mỹ, nhưng còn xa lạ đối với nhân loại cho đến ngày hôm nay. Từ biểu kinh tế đó, người ta có thể dễ dàng nhận thấy những dịch chuyển hữu ích và vô ích trong quá trình luân lưu tiền tệ, cũng như nhận thấy những định kiến buồn cười của cả quốc gia chung quanh những vấn đề đó”61. Ngay cả Karl Marx một trăm năm sau cũng thừa nhận rằng, biểu kinh tế của Quesnay “là một khám phá cực kỳ lỗi lạc, không có gì nghi ngờ để nói rằng nó lỗi lạc nhất, mà kinh tế chính trị học trước nay chưa đề cập đến”62.
François Quesnay là người đầu tiên lập luận rằng, thặng dư sẵn có của quốc gia là chìa khoá của tăng trưởng hay của suy thoái kinh tế. Kết hợp với học thuyết “tuần hoàn kinh tế” và khái niệm tư bản trong đầu tư và sản xuất, Quesnay xứng đáng được tôn vinh là người đầu tiên khám phá những khái niệm quan trọng mang ý nghĩa trung tâm của kinh tế học cổ điển.
Sự đóng góp của François Quesnay vào lịch sử kinh tế nhân loại chắc chắn sẽ to lớn hơn nhiều, nếu ông không phạm phải một giới hạn sai lầm. Quesnay xây dựng lý thuyết của mình dựa vào sự quan sát hàng ngày của nền kinh tế Pháp, vốn dĩ còn trong tình trạng sản xuất nông nghiệp và chưa có dấu hiệu gì về một sự chuyển biến để bước qua xã hội công nghiệp. Vì thế, chỉ trong vòng 20 năm sau, khi nền sản xuất công nghiệp từng bước được thành hình ở Anh và nhanh chóng lan tỏa ra mọi vùng trên lục địa châu Âu, mô hình kinh tế của François Quesnay không thể áp dụng được và biểu kinh tế của ông cũng nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
6.c. Cách mạng kinh tế – Con đường tiến vào kinh tế tự do
Vào thế kỷ 16, con người làm lụng vất vả chỉ để mưu cầu sự sống còn, thường xuyên bị đe dọa bởi bệnh tật và chiến tranh. Triết gia người Anh Thomas Hobbes diễn tả cuộc sống con người là “cô đơn, nghèo đói, bẩn thỉu, thô bạo và ngắn ngủi”63. Mỗi hộ gia đình phải tự sản xuất hầu hết những gì phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, còn thừa chút đỉnh thì dùng để đổi lấy vật dụng do người khác làm ra. Không có hoạt động “làm kinh tế” như chúng ta biết hiện nay và cũng chưa hề có một cuốn sách chỉ dạy cho mọi người phương pháp cải thiện thu nhập, chứ nói gì đến lý thuyết kinh tế.
Trong lúc triết học và khoa học tự nhiên có những bậc thầy vĩ đại dẫn dắt và cung cấp phương pháp luận để nghiên cứu, thì hoạt động kinh tế vẫn hỗn loạn, mạnh ai nấy làm. Cho đến khi một nhân vật xứ Tô Cách Lan xuất hiện.
Năm 1759, Adam Smith xuất bản tác phẩm triết học đầu tiên “Lý thuyết về Cảm xúc Luân lý” (The Theory of Moral Sentiments), tác phẩm đã đưa Smith lên đài danh vọng của những triết gia hàng đầu đương thời. Ngay ở câu đầu tiên của Chương I, Smith bắt đầu tác phẩm như sau: “Dù con người có ích kỷ đến đâu, thì thâm tâm anh ta vẫn tuân theo những nguyên lý thật hiển nhiên, điều đã làm cho anh ta quan tâm đến hạnh phúc của người khác, mặc dù anh ta chẳng có chút lợi lộc nào từ sự quan tâm ấy, ngoại trừ niềm vui được thấy nó [hạnh phúc của người khác]”.
Nhân sinh quan hàm chứa giá trị đạo đức ấy đã chi phối Adam Smith suốt cuộc đời. Nó để lại những dấu ấn không hề phai nhạt trong sách sáng tác, tiểu luận và các cuộc đàm luận với bạn bè, đồng nghiệp. Sau này, khi khảo sát tác phẩm “Phồn vinh các Quốc gia”, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, các lập luận cơ bản của Smith về lý thuyết kinh tế đều ít nhiều liên quan đến nhân sinh quan đạo đức mà ông diễn đạt rõ ràng trong tác phẩm triết học nói trên. Và thật là thú vị, cũng chính triết lý đạo đức học này lại là gốc rễ của học thuyết nổi tiếng “bàn tay vô hình” để lý giải quan hệ giữa doanh nhân và xã hội trong cơ chế hoạt động của nền kinh tế thị trường. Chúng ta sẽ trở lại đề tài này dưới đây.
Với tác phẩm triết học ở trên, Adam Smith diễn đạt một cách khúc chiết toàn bộ nhân sinh quan của ông, một triết gia lấy đạo đức luân lý làm kim chỉ nam cho tư tưởng và hành động trong một xã hội còn quá nhiều bất cập. Qua tác phẩm này, Smith khảo sát bản chất của con người và mối quan hệ với xã hội chung quanh. Ông cho rằng, con người có khả năng phán đoán khi đứng trên quan điểm đạo đức và vượt ra ngoài vòng ảnh hưởng của tính tự quy của chính họ. Về khía cạnh đó, Smith rất có thiện cảm với cách hành xử tự nhiên của con người trong xã hội.
Tự nguồn gốc, Smith sinh ra và lớn lên trong thời gian giữa các cuộc chiến tranh ba mươi năm khốc liệt ở tiền bán thế kỷ 17 và những biến động lớn trong thế kỷ 18, Adam Smith chứng kiến sự tăng trưởng phồn vinh chưa hề có trước đó và ý thức khao khát tự do mãnh liệt trong mọi tầng lớp dân chúng. Giống như bạn đồng thời Rousseau ở Pháp, Smith chịu ảnh hưởng của các triết gia chính trị Thomas Hobbes và John
Locke, nhưng ông có một mối liên hệ đặc biệt đối với triết lý đạo đức và kinh tế quốc gia trong ý thức xây dựng một triết lý xã hội hiện đại64. Trong sách vở về lịch sử triết học thế kỷ 18, nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng bỏ qua không đề cập đến tư tưởng của Adam Smith, mà chỉ xếp ông vào phạm trù “kinh tế”. Nhưng đối với Smith, kinh tế, chính trị và đạo đức không hề tách rời nhau, mà chúng là ba chiều kích của cùng một nền triết học toàn diện.
Khi tư tưởng con người được giải phóng thì đó là mảnh đất màu mỡ cho mọi sáng tạo được đâm chồi, đơm hoa kết trái. Hoạt động kinh tế cũng không thoát ra ngoài quy luật này. Với ý thức tự do ngày càng được nâng cao và viễn cảnh về công bằng dân chủ ngày càng có triển vọng trở thành hiện thực, hàng loạt người hăng hái lao vào kinh doanh sản xuất. Hoạt động kinh tế không còn là sản xuất nhỏ gia đình hay tiểu thủ công nghiệp. Nhiều người bỏ hết vốn liếng dành dụm để thành lập doanh nghiệp, đầu tư máy móc, mướn nhân công, thử nghiệm sáng kiến kỹ thuật với hy vọng tạo được cuộc sống giàu sang bằng những sản phẩm được giới tiêu thụ ưa chuộng. Hậu bán thế kỷ 18 của châu Âu là một giai đoạn đầy rẫy sáng kiến và phát minh, khoa học kỹ thuật thăng hoa, kinh tế phát triển, thu nhập đầu người tăng lên gấp đôi chỉ sau một thế kỷ, trong khi nó không hề thay đổi suốt cả bảy trăm năm trước65.
Tác phẩm “Lý thuyết về Cảm xúc Luân lý” của Adam Smith được đón nhận nồng nhiệt trong giới học thuật châu Âu và sớm lọt vào mắt xanh của lãnh chúa Charles Townshend, bộ trưởng tài chính Anh. Ông này không ngần ngại chi một số tiền khổng lồ để thuyết phục Adam Smith tạm rời bỏ vị trí khoa trưởng và làm cố vấn học thuật cho người nhà của Townshend trong chuyến du lịch khảo sát dài ngày sang Pháp và Thụy Sĩ, bắt đầu từ năm 1763.
Trong thời gian phái đoàn lưu lại Paris, Adam Smith có cơ hội làm quen với phong cách hoạt động của giới học thuật Pháp, vốn thường xuyên hội họp trong các câu lạc bộ của giới học giả, gọi là Salons để đàm đạo các vấn đề chính trị, văn hóa, triết học trong xã hội đương thời. Cũng đúng vào thời gian này, David Hume là tùy viên thứ nhất của tòa đại sứ Anh tại Pháp, và thông qua vai trò đặc biệt của Hume, Adam Smith tiếp cận được rất nhiều học giả tiếng tăm của Paris, vốn dĩ được xem như là kinh đô học thuật của lục địa châu Âu trong thế kỷ 18.
Tại Paris, học giả quốc tế quy tụ đông đảo trong câu lạc bộ của một vị học giả hàng đầu của Pháp, Jacques Vincent de Gournay, người nổi danh với thuật ngữ “laissez faire, laissez passer” vốn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong giới kinh tế gia suốt hơn một thế kỷ về sau. Câu lạc bộ này công bố nhiều tiểu luận có giá trị của các nhà tư tưởng lớn như Cantillon, Hume. Các nhà kinh tế mới nổi ở Paris đồng ý với nhau ở một điểm quan trọng: việc sản xuất và phân phối hàng hóa, trong thời kỳ đó chủ yếu là nông sản, phải được thực hiện một cách tự do, được tiến hành bởi tư nhân, chứ không thể bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của nhà nước lên quá trình sản xuất cũng như sự áp đặt giá cả bởi cơ quan công quyền lên thị trường.
Tư tưởng tự do của học giả Pháp đã để lại dấu ấn sâu đậm lên tư duy của Smith về sau. Đặc biệt là những buổi đàm đạo với nhà kinh tế quốc gia số một của Pháp, người khai sinh học thuyết trọng nông François Quesnay, đã thôi thúc Smith đi tìm lời giải cho sự bế tắc của nền kinh tế trên toàn lục địa châu Âu.
Trong những ngày nhàn rỗi năm 1764 tại Toulouse và được gợi cảm hứng từ những tư tưởng tự do mới lạ của giới học thuật Pháp, Adam Smith bắt đầu ghi chép những ý tưởng đầu tiên về một hệ thống lý thuyết kinh tế hoàn toàn mới mà ông tin rằng có khả năng giải quyết các vấn đề của thời đại để mang lại phồn vinh và bình đẳng cho mọi người trong xã hội. Đó là những ghi chép đầu tiên của Adam Smith trong quá trình 12 năm thực hiện tác phẩm để đời: “Phồn vinh các Quốc gia”.
6.d. Cách mạng kinh tế –
Adam Smith và lý thuyết kinh tế thị trường
Nếu Immanuel Kant đã bỏ ra 11 năm miệt mài trong phòng làm việc, tách rời với thế giới bên ngoài để hoàn tất tác phẩm vĩ đại “Phê phán Lý tính Thuần túy”, thì Adam Smith cũng đã bỏ ra 12 năm để soạn thảo “Phồn vinh các Quốc gia – Khảo sát Bản chất và Nguồn gốc” (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations). Đó là tác phẩm hàm chứa hệ thống lý thuyết kinh tế tự do, là nền tảng cho chủ nghĩa tư bản ra đời và thành công khắp mọi nơi.
Sở dĩ lý thuyết kinh tế của Adam Smith được đón nhận nồng nhiệt trong giới học giả đương thời, một phần cũng nhờ phong cách từ đâu ông thiết kế nền tảng lý thuyết mới, một phong cách hiện đại vốn dĩ được ưa chuộng và đánh giá cao trong thời đại khai sáng: Smith hoàn toàn dựa vào quan sát và chiêm nghiệm những diễn biến trong thế giới thực và loại trừ hoàn toàn những cân nhắc về thế giới thần quyền huyền bí. Ông không phải là triết gia chính trị, cũng không phải là nhà thần học, mà là một triết gia xã hội66. Và ông cũng được xem là một trong những gương mặt sáng giá có công thiết lập nền triết học xã hội hiện đại của thế kỷ 18. Người ta thường làm một so sánh lịch sử rằng, để kiến tạo nền triết học xã hội thì David Hume đối với Smith cũng giống như Galilei đối với Newton.
Phê phán học thuyết trọng thương:
Adam Smith dùng nguyên Quyển IV với hơn 100 trang trong chín chương để phê phán tư tưởng trọng thương và những hệ lụy về kinh tế và đạo đức của nó. Vì phái trọng thương xem số lượng vàng bạc quốc gia là biểu tượng của phồn vinh, nên nảy sinh tư tưởng trọng tiền hay vàng bạc với chức năng kép: vừa là công cụ của thương mại, vừa là thước đo giá trị. Hậu quả tất yếu của tư tưởng đó là: thứ nhất với chức năng là công cụ của thương mại, tiền có thể giúp người sở hữu nó mua được bất cứ món gì dễ dàng hơn mọi phương tiện khác. Mọi nỗ lực đều hướng đến việc kiếm tiền, tức là thu nhặt vàng bạc. Nỗ lực nâng cao lượng sản phẩm cho người tiêu thụ không quan trọng bằng việc thu nhặt thật nhiều vàng bạc. Thứ hai, với chức năng là thước đo giá trị, mọi sản phẩm đều được quy ra lượng vàng bạc tương ứng. Người ta chỉ thích giao tiếp trao đổi với nhà giàu có nhiều vàng bạc. Kẻ nghèo thì ít ai quan tâm đến.
Vì xem vàng bạc là biểu tượng phồn vinh của quốc gia, trong lúc kỹ thuật khai thác kim loại quý chưa phát triển, phái trọng thương chủ trương xâm chiếm đất đai để cướp đoạt vàng bạc châu báu, gia vị quý hiếm và tài nguyên không có trong nước của họ. Phái trọng thương, cũng là lực lượng con buôn chính trị đương thời, cho rằng kinh tế thế giới đã đứng yên và tổng số của cải cũng không thay đổi, cho nên sự phồn vinh của quốc gia chỉ có thể được nâng lên bằng cách bắt những nước khác phải nộp kinh phí. Thám hiểm xuyên lục địa, nạn xâm chiếm đất đai, chủ nghĩa thực dân cũng xuất phát từ đây. Ở trên, chúng ta đã thấy rằng, người khai sinh học thuyết trọng thương, Jean-Baptiste Colbert cũng chính là kiến trúc sư của chính sách thuộc địa Pháp trong thời gian trị vì của vua Louis XIV.
Về ngoại thương, Adam Smith dùng cả Chương VIII của Quyển IV để trình bày về chính sách co cụm của phái trọng thương. Do quan niệm sự phồn vinh của quốc gia được đo bằng lượng vàng bạc của cải, nên nhà nước không muốn của cải đó giảm xuống. Họ đặt ra nhiều quy định để lập rào cản thương mại, khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu với mục đích là gom góp thêm vàng bạc do xuất siêu mang lại.
Rất nhiều vấn đề được trình bày trong tác phẩm “Phồn vinh các Quốc gia” thí dụ như tiền tệ, ngân sách, giá cả thị trường, tiền lương, tăng trưởng, phân công lao động, tích lũy tư bản và cả những vấn đề về nhà nước như quân đội, cảnh sát, tư pháp, giáo dục, thuế khóa, chiến tranh, thuộc địa, v.v.
Trong khuôn khổ này, chúng ta khó đề cập hết các vấn đề ấy, nhưng từ 1000 trang sách, chúng ta thấy nổi bật vài câu hỏi quan trọng có thể làm sườn cho việc cải thiện chính sách kinh tế của nhà nước đương thời: 1) Đâu là nguồn gốc của phồn vinh? 2) Làm thế nào để nâng cao sản lượng quốc gia? 3) Đâu là bí quyết để mang thịnh vượng đến mọi người bình thường trong xã hội?
Đâu là nguồn gốc phồn vinh?
Khác với tư tưởng trọng thương xem vàng bạc là sự phồn vinh, Adam Smith cho rằng “phồn vinh của một quốc gia không chỉ bao gồm vàng bạc, mà cả đất đai, nhà cửa và hàng hóa khả dụng đủ các loại”67. Và nếu phái trọng thương cho rằng tích lũy nhiều vàng bạc là nâng cao sự phồn vinh, thì theo quan niệm của Adam Smith, phải không ngừng nâng cao khối lượng hàng hóa khả dụng của quốc gia. Đây là khởi điểm của khái niệm hàng hóa trong học thuyết kinh tế của Adam Smith.
Gắn liền với việc tăng khối lượng hàng hóa là việc tăng thu nhập cho giới lao động, vì chỉ khi nào thu nhập tăng lên, họ mới có điều kiện để tiêu thụ hàng hóa. Adam Smith phát hiện thêm: “Tiền đề để nâng cao thu nhập giới lao động không phải là mức độ phồn vinh hiện tại của quốc gia mà là sự tăng trưởng không ngừng của nó”68. Như vậy, giữa việc tăng thu nhập của từng người và sự tăng trưởng phồn vinh quốc gia có một quan hệ hữu cơ khắng khít, mỗi nhân tố vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của nhân tố kia.
Làm thế nào để nâng cao sản lượng quốc gia?
Adam Smith trả lời: “đó là một phép nhân tuyệt vời của việc sản xuất tất cả các mặt hàng được cải thiện, kết quả của nghệ thuật quản lý và phân công lao động [trong các doanh nghiệp riêng lẻ], từ đó sẽ sinh ra sự phồn vinh chung đến với từng người ở tầng lớp thấp nhất nếu xã hội được quản lý tốt”69.
Smith còn viết: “Tổng sản phẩm quốc nội hàng năm […] chỉ có thể gia tăng giá trị, khi số lượng lao động sản xuất hoặc năng suất của họ tăng lên”70.
Làm sao để mang thịnh vượng đến mọi người?
Việc trả lời câu hỏi thứ ba này mới làm sáng tỏ tư tưởng chủ đạo của Adam Smith: phục vụ cho tự do tự nhiên của con người. Là hậu bối trung thành của John Locke, bạn thâm giao của David Hume và thành viên sáng giá của trào lưu khai sáng Tô Cách Lan, Adam Smith luôn luôn cổ vũ cho một nền tự do toàn diện bao gồm tự do chính trị và tự do kinh tế.
Làm thế nào để tối ưu hóa hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa, nhằm nâng cao thịnh vượng cho mọi người và cải thiện năng suất lao động? Adam Smith trả lời ngắn gọn: hãy cho họ quyền tự do kinh tế71.
Khi bàn về tự do của từng con người riêng lẻ trong quan hệ với lợi ích chung của xã hội, Adam Smith đòi hỏi: “Mọi người, nếu không vi phạm quy định luật pháp, đều có quyền tự do tuyệt đối để thực hiện mối quan tâm và bằng cách riêng của mình, họ có quyền tuyệt đối sử dụng phương tiện sản xuất và vốn liếng của mình để cạnh tranh với người khác hoặc nhóm người khác”72. Trong tác phẩm Phồn vinh các Quốc gia, người đọc tìm thấy hơn 100 lần hai khái niệm tự do tự nhiên và tự do kinh doanh (Freedom of trade) và hầu như trong mỗi chương đều có lý giải về chúng.
Vì thế, thịnh vượng không chỉ có nghĩa là làm tăng thêm của cải vật chất mà còn là sự đối xử công bằng và nhân bản với từng người (common humanity) trong một nền kinh tế thị trường. Adam Smith và các kinh tế gia cổ điển thế kỷ 18 và 19 “tuy không phát minh ra kinh tế thị trường nhưng đã khám phá ra nó và công trạng bất tử của họ là đã vén màn bí mật của trật tự kinh tế thị trường, đã giải thích được mối quan hệ giữa những hoạt động quan trọng nhất trong kinh tế thị trường và đã biến nó thành ý thức chính trị sống động”73.
Mặt trái của tăng trưởng kinh tế
Chủ nghĩa tư bản đã trở nên tồi tệ trong thế kỷ 19. Nhưng có phải lý thuyết của Adam Smith đã dẫn đến tình trạng đó, hay đấy là sản phẩm của chính sách kinh tế của nhà nước đương thời? Trong suốt cuộc đời, “Adam Smith ít coi trọng những người được ưu đãi và các thế lực kinh tế. Ông giành nhiều cảm tình cho những công dân bình thường bị lợi dụng và thua thiệt trong suốt nhiều thế kỷ. Bây giờ họ phải được giải phóng khỏi chế độ lao động mỗi-ngày-16-giờ với đồng lương không đủ sống và một cuộc đời ngắn ngủi”74.
Một bất cập khác: Những thương nhân làm giàu nhanh chóng nhất thời đó thực hiện những thương vụ tam giác để nâng cao lợi nhuận. Con đường đó đi từ Tô Cách Lan, sang bờ biển vàng ở châu Phi, đi tiếp sang Mỹ châu và trở lại Tô Cách Lan. Ngày nay chúng ta gọi đó là con đường buôn bán nô lệ, để phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế không ngừng. Họ mang hàng hoá từ Tô Cách Lan trên các thương thuyền tư nhân đến bờ biển vàng (Ghana, Nigeria ngày nay) ở Tây Phi. Ở đó, họ bán hàng hóa Tô Cách Lan để mua một món hàng đặc biệt khác – những lao động khỏe mạnh da đen – với mức lời khó tưởng tượng. Số nô lệ da đen này cũng được xem là hàng hóa, được chuyên chở tiếp đến khu vực Tân Thế Giới, tức châu Mỹ La Tinh ngày nay, để đổi lấy nguyên liệu thô và chuyên chở về Tô Cách Lan. Adam Smith chắc hẳn biết rõ tình trạng này, nhưng tiếc thay, chúng ta không hề thấy ông bõ công phê phán.
Bất cập lớn nhất mà mãi 200 năm sau mới xuất hiện. Từ ý niệm tăng trưởng không ngừng mà nền công nghiệp đã sản xuất ngày càng nhiều, tiêu thụ được kích thích ngày càng tinh vi. Cứ thế, tiêu thụ nhiều thì phải sản xuất nhiều, lobby nhiều, rồi lại kích thích tiêu thụ. Vòng xoáy trôn ốc tiêu thụ – sản xuất – tiêu thụ đã làm cho môi trường ngày càng bị phá hủy nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là vấn đề quá lớn, không phù hợp để phát biểu trong hội thảo hôm nay.
6.e. Cách mạng kinh tế –
Adam Smith – Những tư tưởng cốt lõi
Xét về những tư tưởng cốt lõi của Adam Smith, chắc hẳn chúng ta cần khảo sát các vấn đề sau đây:
Về ý niệm tự do
Về phân công lao động
Về tự do cạnh tranh
Về tự do thương mại quốc tế
Về tư lợi
Về sự tương tác tự do giữa cung và cầu
Về bàn tay vô hình
Phần lớn các chủ đề đó đã được nhiều diễn giả trình bày trong hội thảo Đại học Văn Lang cách đây 8 tháng. Trong khuôn khổ thời lượng cho phép hôm nay, tôi chỉ xin phát biểu hai vấn đề:
Về ý niệm tự do: Chính vì nhiều bất cập hiển lộ rõ ràng trong thế kỷ 18, mà Adam Smith đã đưa con người, nhất là những người tiêu thụ yếu thế, vào vị trí trung tâm trong học thuyết của mình. Và trên quan điểm của một triết gia đạo đức học, Smith đòi hỏi rằng, mọi chính sách kinh tế phải đặt trên nền tảng tự do toàn diện của từng người trong xã hội. Trong tác phẩm Phồn vinh các Quốc gia, người ta tìm thấy hàng trăm lần thuật ngữ “tự do tự nhiên” (natural liberty), lấy ý niệm luật tự nhiên làm nền tảng, bao gồm nhiều quyền tự do căn bản của con người, tất nhiên kể cả quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu tài sản và quyền sử dụng tài sản đó cho mục tiêu cá nhân.
Adam Smith khuyến cáo rằng, người làm chính sách phải lấy tự do con người làm điểm trung tâm trong mọi chính sách. Điều đó có nghĩa là, người làm chính sách kinh tế cần đặt câu hỏi: “chính sách này có xâm phạm tự do của công dân hay không?”. Nếu không làm như thế, khả năng khiếm khuyết là rất lớn.
Đó là trường hợp các nước Đông Âu trong thập niên 1990 khi một mặt muốn thiết kế kinh tế thị trường, mặt khác chính sách cụ thể thì có lúc rất phi thị trường. Nguyên do cũng dễ hiểu: Tự do cho mỗi người không phải là mục tiêu hàng đầu trong chính sách, và nhất là, khía cạnh đạo đức trong lý thuyết kinh tế của Smith dường như chưa được hiểu đúng mức.
Về Bàn tay vô hình: Trong tác phẩm dài 1000 trang, cụm từ “bàn tay vô hình” chỉ xuất hiện một lần duy nhất. Ông viết rằng, “người doanh nhân thường không có ý định hỗ trợ một cách có ý thức cho lợi ích cộng đồng, cũng không hề biết phần đóng góp của mình cao bao nhiêu. […] Khi doanh nhân tạo công ăn việc làm, cung ứng sản phẩm cho xã hội, anh ta chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích riêng tư. Tuy nhiên, anh ta được hướng dẫn bởi một bàn tay vô hình để hỗ trợ cho một mục đích tốt đẹp, vốn dĩ không hề nằm trong dự tính trước đó của anh ta”75. Câu nói này mang tính chất xã hội học, đạo đức học hơn là kinh tế học.
Doanh nhân thường ưu tiên nghĩ đến lợi nhuận, nhưng dù không chủ ý, những điều mà người doanh nhân vô tình phục vụ xã hội là: tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho gia đình họ, trả bảo hiểm xã hội, tạo hàng hóa cho xã hội, trả thuế cho nhà nước, v.v. Điều đó không nằm trong tính toán kinh tế của anh ta, mà do một “bàn tay vô hình” dẫn dắt.
Người đời sau diễn giải cụm từ đó trên khía cạnh thuần kinh tế, cho nên có lúc đúng, lúc sai.
Thí dụ diễn giải đúng: giá thị trường của một món hàng được thành hình do sự tương tác tự nhiên giữ cung và cầu, nó tự động được điều tiết như thể do một bàn tay vô hình dẫn dắt.
Thí dụ diễn giải sai, khi cho rằng, thị trường tự điều tiết bởi một bàn tay vô hình. Chủ tịch ngân hàng quốc gia Mỹ Alan Greenspan đã nghĩ sai khi thiết kế chính sách tiền tệ thả nổi, vì như ông thú nhận sau này, ông đã từng cho rằng, thị trường tài chính có khả năng tự điều tiết như thể do một bàn tay vô hình dẫn dắt. Ông cũng từ chối mọi can thiệp của nhà nước để điều tiết. Chính sách đó đã đưa thị trường tài chính đổ vỡ năm 2008, sau 30 năm thực hiện76. Có bao nhiêu gia đình đã phá sản vì một nhận thức sai lạc của Alan Greenspan về bàn tay vô hình? Tổng thống Reagan, Thủ tướng Thatcher và nhiều kinh tế gia lỗi lạc đã hiểu sai ý niệm bàn tay vô hình nên mới quyết tâm thực hiện chủ nghĩa tân tự do. Bây giờ cả thế giới phải điều chỉnh lại, sau 30 năm. Và đã có bao nhiêu hậu quả xã hội xảy ra, mà kẻ thua thiệt là những người yếu thế?
Nói cho cùng, giá cả có thể tự điều tiết để tiến đến giá cả hợp lý, nhưng thị trường tổng thể không thể tự điều tiết mà phải do một lực bên ngoài tác động hỗ trợ. Lực đó có thể là những quy định điều tiết của nhà nước.
7. Các cuộc cách mạng chính trị – Bốn cuộc cách mạng lớn
Có bốn cuộc cách mạng lớn và có ảnh hưởng mang tầm vóc thế giới:
Cách mạng Huy hoàng ở Anh (1688)
Cách mạng Mỹ (1776)
Cách mạng Pháp (1789)
Cách mạng Nga (tháng 10/1917)
Cuộc cách mạng tại Anh nhất là cách mạng Mỹ cũng rất quan trọng, nhưng tôi xin được phát biểu rất ít, vì thì giờ hạn chế. Ngoài ra, cách mạng tháng mười Nga năm 1917 không phải là chủ đề của chúng ta, vì nó nằm ở thế kỷ 20. Tôi xin phép dành thì giờ cho cuộc cách mạng Pháp, và chỉ phân tích nguyên nhân và thành quả, chứ không đi vào các biến cố lịch sử.
7.a. Các cuộc cách mạng chính trị – Cách mạng huy hoàng ở Anh
Về căn bản, cách mạng dân chủ ở Anh đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 17, sau cuộc nội chiến kéo dài 7 năm từ 1642. Nền cộng hòa đầu tiên của thế giới ra đời với tên gọi Commonwealth of England. Tiếc thay, vì sự cai trị độc tài hà khắc của Cromwells, nền cộng hòa non trẻ bị giải tán sau 11 năm. Tuy thế, truyền thống dân chủ, tinh thần tự do vẫn tiếp tục sống để dẫn đến Cách mạng Huy hoàng (Glorious Revolution) năm 1688. Cuộc cách mạng này có tác động vô cùng lớn, không riêng đối với nước Anh mà cả các nước khác trên lục địa:
Thứ nhất, tinh thần Commonwealth ra đời sau cuộc nội chiến 1642-1649 được kế thừa uyển chuyển, qua đó sự phân quyền giữa nhà vua và quốc hội được quy định bằng luật pháp. Quyền hạn của quốc hội tăng lên rất nhiều, không những trong lĩnh vực nội chính, mà cả về tài chính và ngoại giao.
Thứ hai, chủ nghĩa quân chủ đại nghị được thiết lập lần đầu tiên ở châu Âu và trở thành mô hình nhà nước lý tưởng mà các nước khác trên lục địa mơ ước. Học giả châu Âu nô nức đến Anh để khảo cứu mô hình chính trị cho nước họ, thì dụ Voltaire và Montesquieu của Pháp.
Thứ ba, vào giữa thế kỷ 18, nhờ hình thức kinh tế nhà nước vững chắc, London đã có một sàn giao dịch chứng khoán hoạt động, trên đó các nhà đầu tư chủ yếu giao dịch trái phiếu của chính phủ Anh. Giao dịch chứng khoán cũng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người Hà Lan. Từ đó cho tới hôm nay, sàn chứng khoán Luân Đôn luôn luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trên thế giới.
Thứ tư, Vương quốc Anh cũng khác với các chế độ quân chủ châu Âu ở hệ thống kinh tế và do đó đặt nền tảng cho sự phát triển kinh tế và chính trị ổn định hơn nhiều so với lục địa châu Âu. Kinh tế tự do và chính sách công nghiệp tiến bộ đã thu hút chuyên gia ngoại quốc, các rào cản nội bộ được tháo gỡ. Đấy cũng là tiền để Adam Smith xây dựng lý thuyết kinh tế tự do.
Thứ năm, một số quy định phân biệt đối xử đối với người Công giáo ở Anh đã kết thúc bằng việc giải phóng Công giáo. Ngày hôm nay, quan sát các cuộc xung đột giữa người Công giáo và tín đồ Tin lành ở bắc Ái Nhĩ Lan – vùng đất thuộc Anh cách đây 300 năm – chúng ta cũng thấy vấn đề xung đột tôn giáo quan trọng dường nào ở Anh trong thời kỳ cách mạng huy hoàng. Giải quyết nó cũng có nghĩa là đoàn kết nội bộ quốc gia được tăng lên rất nhiều.
Ngoài ra, chúng ta cũng không quên rằng, tác phẩm “Hai Khảo luận về Chính quyền” của John Locke ra đời trong không khí sôi động của cuộc cách mạng. Đó là một tác phẩm triết học chính trị, được viết để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Ông hy vọng nó sẽ giải quyết các vấn đề của Anh trong thời kỳ hậu cách mạng. Mặc dù những nguyên lý về tự do, dân chủ, phân quyền trong tác phẩm đó chỉ được áp dụng một phần tại Anh, nhưng những nguyên lý đó đã trở thành mẫu mực cho nhiều quốc gia trên thế giới, bắt đầu ở Mỹ, sau đó là Pháp vào cuối thế kỷ 18, và dần dần được hàng chục quốc gia khác áp dụng trong thế kỷ 19, có bổ sung về nguyên tắc phân quyền trong tác phẩm “Về Tinh thần Luật pháp” của Montesquieu.
7.b. Các cuộc cách mạng chính trị – Cách mạng Mỹ 1776
Cách mạng Mỹ xảy ra chủ yếu do chính sách sai lầm của mẫu quốc Anh áp đặt lên các khu thuộc địa ở Bắc Mỹ, nơi đa số người dân là người gốc Anh di dân sang tìm cơ hội mới. Vì địa lý cách trở, chính phủ Anh không quan tâm nhiều đến các vùng thuộc địa đó. Phương tiện truyền thông thì thô sơ, cho nên các vùng thuộc địa vô hình trung đã phát triển một chế độ tự trị, tự cung, tự cấp. Cho nên, đứng trước những chính sách thuế khóa ngặt nghèo, người dân thuộc địa cương quyết chống lại, cuộc chiến tranh bảy năm từ 1756 đến 1763 nổ ra, càng làm cho ngân khố quốc gia Anh cạn kiệt, cho nên đặt ra những cái gọi là “thuế thuộc địa”, thí dụ thuế tem phiếu (Stamp Act), thuế trà (Tea Act), thuế ngoại hối (Currency Act). Người dân ở 13 bang thuộc địa nổi dậy năm 1775, một năm sau tuyên bố ly khai và thành lập quốc gia Hoa Kỳ. Chiến tranh kéo dài đến 1783 thì Anh bại trận và công nhận độc lập của Hoa Kỳ.
Một đặc trưng quan trọng của cách mạng Mỹ là, sau khi trở thành độc lập đối với Anh, nước Mỹ từ chối chế độ phong kiến và xây dựng từ đầu một quốc gia dân chủ với một hiến pháp tiến bộ phục vụ quyền tự nhiên của con người. Cơ cấu nhà nước Mỹ là tam quyền phân lập như lý thuyết của John Locke và Montesquieu. Nhà nước Mỹ giữ thái độ độc lập với Giáo hội Công giáo và tách rời ảnh hưởng của tôn giáo ra khỏi guồng máy chính trị. Tinh thần tự do của Hoa Kỳ là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao lực lượng sản xuất và năng suất toàn xã hội. Nhờ thế, chỉ hơn một thế kỷ sau khi lập quốc, họ đạt được mức thu nhập đầu người hơn hẳn các nước châu Âu và tiếp tục phát triển để trở thành cường quốc số một cho đến ngày nay.
Luật pháp Hoa Kỳ không công nhận sự tồn tại của giai cấp quý tộc. Tăng lữ chỉ hoạt động tôn giáo. Nếu tham gia chính trị thì chỉ tham gia với tính cách cá nhân, chứ Giáo hội không có ảnh hưởng gì đến công việc của nhà nước. Lần đầu tiên, hiến pháp một quốc gia quy định những điều căn bản của luật tự nhiên, bình đẳng, tự do, nhân quyền. Hoa Kỳ trở thành mẫu mực cho các nước châu Âu noi theo trong thế kỷ 19.
7.c. Các cuộc cách mạng chính trị – Cách mạng Pháp 1789 – Nguyên nhân
Thế hệ chúng ta vốn rất ấn tượng về những lý giải lịch sử các cuộc cách mạng đứng trên quan điểm kinh tế, một phương pháp luận mà các sử gia Marxist ở hậu bán thế kỷ 20 đã hăng hái bênh vực. Những người này không ngần ngại dùng luận cứ đấu tranh giai cấp để lý giải rằng, nguyên nhân cuộc cách mạng Pháp chủ yếu nằm ở tình trạng khốn khó của những người bần cùng, xem kinh tế là nguồn gốc sâu xa, và xem giai cấp vô sản là động lực của cách mạng. Điều đó có thể đúng phần nào cho một số cuộc cách mạng trước đó và sau này. Nhưng đối với cuộc cách mạng Pháp năm 1789, kinh tế tỏ ra chỉ là yếu tố châm ngòi cho những bất mãn đã âm ỷ qua nhiều thế hệ trong một tầng lớp dân chúng, mà ở Pháp thuở đó được gọi là đẳng cấp thứ ba (tiers état), bao gồm không chỉ nông dân, lao động mà cả trung lưu, trí thức, học giả, tức lớp người mà ngôn ngữ hôm nay gọi là tầng lớp tư sản. Những bất mãn đó chỉ đợi có cơ hội là bộc phát thành hành động cách mạng.
Từ giữa thế kỷ 17, Pháp trở thành một quốc gia quân chủ chuyên chế tuyệt đối, một khái niệm vốn còn xa lạ tại châu Âu vào thế kỷ 17. Vua Louis XIV trở thành một nhân vật có quyền hành tuyệt đối, chỉ đứng sau Thượng Đế, điều mà các vị tiền nhiệm chưa hề đạt được suốt nhiều thế kỷ, và điều mà các Vương triều châu Âu nằm mơ cũng chưa thấy. Nhà vua cai trị quốc gia và đứng trên cả luật pháp, vì như ông nói: “nhà nước chính là ta”.
Đến Vua Louis XVI, ông phải thừa hưởng một gia sản èo uột của vua Louis XV: cuộc khủng hoảng chính trị vẫn còn âm ỉ, chưa được giải quyết tận gốc, và dường như ngày càng phải đối đầu gay gắt với giới tư sản đòi dân chủ; hòa ước Paris 1763 đã làm suy yếu vai trò của Pháp ở Bắc Mỹ cũng như trên lục địa châu Âu; cuộc chiến tranh với Anh ở Bắc Mỹ đã để lại 1,7 tỷ livres nợ nần. Cuộc khủng hoảng tài chính trong bối cảnh mới đã dẫn đến khủng hoảng tín dụng, như hồi chuông cảnh báo cho một cuộc khủng hoảng chính trị có thể làm lung lay cả hệ thống. Một cuộc cách mạng dường như đã được thấy trước ngay từ lúc vua Louis XVI vừa lên ngôi.
Đây cũng là thời đại phát triển huy hoàng của trào lưu khai sáng Pháp. Sự ra đời của Bách khoa Toàn thư, đi kèm với kỹ thuật in ấn ngày càng nhanh và rẻ, là bước đột phá trong việc quảng bá tri thức và nâng cao ý thức của người dân thuộc mọi giới. Ai ai, bất kể giàu hay nghèo, bất kể học giả hay thành phần lao động, cũng có thể tiếp cận đến tri thức mới. Qua trào lưu khai sáng, người ta bắt đầu thấy sự phi lý của chế độ chuyên chế tuyệt đối, bắt đầu bất mãn vì sự ưu đãi quá đáng dành cho hai tầng lớp tăng lữ và quý tộc, trong lúc mọi gánh nặng tài chính đều đổ lên vai họ ở tầng lớp thứ ba. Sự thay đổi trong tư tưởng dần dần trở thành ý thức chính trị sống động, tạo thành sức mạnh chính trị tiềm ẩn trong mọi tầng lớp dân chúng, chỉ đợi một lực lượng lãnh đạo đứng lên là có thể biến nó thành hành động cách mạng.
Những chính sách khắc nghiệt đối với thành phần tinh hoa của đất nước, như cấm xuất bản, đàn áp chính trị, bắt bớ, tù đày, trục xuất, chỉ làm cho tình hình khó khăn hơn. Dù không hoạt động chính trị, nhưng ngòi bút của Voltaire có tác dụng còn mạnh hơn cả một tổ chức chính trị dân sự. Kể từ thập niên 1770, Vương triều Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động. Cuộc khủng hoảng chính trị lần này mang tính chất nội bộ, nhưng rõ ràng Vương triều đã mất dần uy lực đến mức dường như không thể cứu vãn được.
Những phong trào vận động chính trị từ cuối năm 1788 đã dẫn đến hai hiện tượng vô cùng mới lạ, thú vị và tạo nên những tiền đề tích cực cho cuộc cách mạng: thứ nhất, giới tăng lữ cấp thấp, tức là những linh mục giảng đạo trong nhà thờ, vốn có nhiều liên hệ tiếp xúc và đồng cảm với giáo dân vô sản, bắt đầu có xu hướng ủng hộ những đòi hỏi của dân nghèo về cuộc cải cách cần thiết sắp tới. Thứ hai, một bộ phận không nhỏ trong giới quý tộc tỏ ra sẵn sàng hợp tác với tầng lớp thứ ba trong Hội nghị Tổng quát (États Généraux) đang được vận động để triệu tập. Xu hướng này xuất phát từ hai nguyên nhân chủ yếu: khá nhiều người trong giới quý tộc – nhất là những quý tộc không thừa kế, có học thức cao và ở ngoài phạm vi cung đình – đã hấp thụ và tán thành những tư tưởng mới của trào lưu khai sáng. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là, họ nhìn thấy trong các đòi hỏi của tầng lớp thứ ba thể hiện trong cuộc vận động chính trị lúc đó có thể giúp họ thoát khỏi sự ràng buộc của nhà vua và củng cố vai trò chính trị sẵn có của mình.
Nói chung giới tinh hoa lúc đó đã nhận thức ngày càng rõ rệt rằng, chế độ chuyên chế tuyệt đối đã đến hồi kết thúc và việc ban hành một hiến pháp mới với những quyền cơ bản cho công dân là việc không tránh khỏi. Tuy nhiên trong thực tế, ngôn ngữ giữa Vương triều và công luận quá khác nhau, không có sự tin cậy và hợp tác giữa các bộ phận để thực hiện cải cách và nhất là, nhà vua quá yếu đuối để khống chế các nhóm quyền lực trong cung đình để buộc họ phải lánh xa các hoạt động chính trị. Nói cho cùng, cuộc cách mạng năm 1789 xảy ra cũng vì sự yếu kém cũng như thiếu tinh thần thỏa hiệp của vua Louis XVI và nhóm cận thần bảo thủ chung quanh hoàng hậu Marie-Antoinette77.
Ngoài ra, tình trạng xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng so với những nguyên nhân khác, có lẽ hơn cả lý do kinh tế, hơn cả tình trạng áp bức chính trị, hơn cả ý thức phản kháng của lớp trung lưu trí thức trong phong trào khai sáng đang phát triển rực rỡ. Về phương diện này, điều quan trọng hàng đầu kích thích trào lưu cách mạng là sự phân bố tài sản quá chênh lệch giữa những giai cấp được ưu đãi và giai cấp bần cùng trong xã hội.
Xã hội Pháp từ thời trung cổ đã chia làm ba giai cấp rõ rệt. Thứ nhất, giai cấp tăng lữ bao gồm mọi quan chức của Giáo hội, cao nhất là Tổng giám mục địa phận, xuống bên dưới là những linh mục giảng đạo trong các nhà thờ. Thứ hai, giai cấp quý tộc bao gồm những người thuộc dòng dõi vua chúa kể cả các triều đại trước, thêm những người có công với triều đình và được phong tước. Cá biệt có những người xuất sắc vươn lên đạt tước vị quý tộc bằng những công trạng lớn. Quý tộc có hai loại: loại được thừa kế và loại không có tính thừa kế. Thứ ba, là giai cấp cuối cùng bao gồm tất cả những người còn lại không thuộc hai giai cấp ở trên. Giai cấp thứ ba này bao gồm nông dân, lao động, những người nghèo khó không có tài sản, thương gia, công kỹ nghệ gia, tiểu thủ công nghiệp và cả những người có uy tín cao trong xã hội như luật sư, bác sĩ, học giả, triết gia, lớp người mà chúng ta hôm nay gọi là giai cấp tư sản.
Nhà sử học có xu hướng xã hội Jean Jaurès sống vào cuối thế kỷ 19 có một nhận xét khá chính xác: “Nếu như xã hội Pháp trong thế kỷ 18 không còn những lạm dụng của các tàn dư chế độ phong kiến và giới quý tộc, có lẽ nước Pháp đã không cần một cuộc nổi loạn nào để giải quyết tình trạng bệnh hoạn của xã hội. Nếu những ưu đãi của giới quý tộc và hệ thống phong kiến dần dần được xóa bỏ, đi kèm với việc dần dần giải phóng tầng lớp nông dân, thì có lẽ đã đưa đến sự chuyển hóa xã hội một cách hoà bình”78. Tiếc thay, lịch sử vẫn luôn là một loạt các bài học được phát hiện quá trễ.
Có phải sự nghèo khó của nông dân là nguyên nhân dẫn đến cách mạng? Chắc chắn họ là động lực rất lớn trong một chuỗi nguyên nhân phức tạp. Nhưng những người nông dân nghèo nhất thì quá yếu để có thể nổi loạn. Dù họ chịu gánh nặng kinh tế nặng nhất trong hệ thống chính trị thối rữa, nhưng lại không có đủ kiến thức, năng lực và phương tiện để tổ chức việc nổi loạn. Nhưng một khi quyền lực của nhà nước phải thoái lui trước sức phản kháng của giới trí thức tư sản thành thị, khi những ý tưởng cực đoan trong đám đông đã trở thành hiệu lệnh lôi cuốn, khi chính quyền địa phương bất lực, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ quân sự từ chính quyền trung ương, lúc đó nông dân sẽ trở thành lực lượng cách mạng, lại là lực lượng hăng hái nhất, cuồng nhiệt nhất. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân cho phong trào cách mạng, và cũng dễ bị lôi cuốn vào các hành động bạo lực vô chính phủ79.
Nếu Vương triều Louis XIV không xa hoa, không ban phát hậu hĩ cho giới quý tộc, giảm bớt tham vọng thống trị châu Âu qua chiến tranh, đồng thời biết sử dụng nhân tài để quản lý tài chính, thì có thể ngòi nổ cách mạng cũng chưa chắc đã bùng cháy. Để có một tổng kết ngắn gọn về tình trạng kinh tế tài chính của Pháp trước ngưỡng cửa cách mạng 1789, chúng ta có thể dùng một câu quen thuộc: Pháp lúc đó là “một quốc gia giàu có với nhà nước trên đà phá sản”.
Bất kể nguyên do quan trọng dẫn đến cách mạng Pháp là kinh tế hay xã hội, không ai có thể phủ nhận thực tế rằng, sự phát triển – về lượng cũng như về chất – của tầng lớp trí thức tư sản Pháp trong thế kỷ 18 đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của phong trào cách mạng. Các triết gia Pháp đã xuất bản nhiều tác phẩm bàn luận những khái niệm mới mẻ về xã hội và lý thuyết nhà nước. Họ đưa ra một học thuyết mới, nhân danh tinh thần lý tính, để phê phán chế độ quân chủ chuyên chế đương thời và trình bày một mô hình xã hội mới, mà nguyên lý của nó hoàn toàn trái ngược với thói quen và truyền thống cổ điển80.
Dưới luồng gió mới của trào lưu khai sáng, người ta đặt ra mọi câu hỏi, tranh luận với nhau về mọi đề tài, về logic, về chính trị, về chân lý, về quyền tự nhiên, về công bằng. Người Pháp trong thế kỷ 18 hăng say thảo luận mọi vấn đề, ở khắp mọi nơi, trong quán cà phê, trong khuôn viên đại học, trên đường phố, trong gia đình, và nhất là trong các câu lạc bộ tư nhân quy tụ nhiều học giả tinh hoa của xã hội, được gọi là những Salons de Paris. Những câu lạc bộ này thường được bảo trợ bởi những quý tộc giàu sang và có tư tưởng tiến bộ; rất nhiều câu lạc bộ đó là do các mệnh phụ phu nhân chủ trì. Họ cũng là những người có chức quyền để bảo kê ngăn chặn sự nhòm ngó của các cơ quan kiểm duyệt.
Chúng ta chưa kể đến một luồng sinh khí mới được thổi đến từ đảo quốc Anh. Ở đó, từ đầu thế kỷ 17 đã manh nha những tư tưởng mới lạ có tính đột phá trong triết học, có bản chất cách mạng trong chính trị, có tính chính xác và kiểm chứng được của khoa học tự nhiên. Trong lúc cọ xát với bạo lực chính trị thường xuyên, những tư tưởng cách mạng không ngừng được triển khai và phổ biến rộng, cho dù họ phải đối diện với đàn áp, bắt bớ, tù đày.
Một biến cố vô cùng quan trọng không thể không nhắc đến ở đây, biến cố còn nóng hổi vừa xảy ra bên kia bờ Đại Tây Dương đã tạo nên một xung lực mạnh mẽ lên hệ tư tưởng của người Pháp: 13 tiểu bang ở Mỹ đã tách rời mẫu quốc Anh từ năm 1776. Họ tuyên bố độc lập và thiết lập một nhà nước liên bang tự do, dân chủ, không có vua, không ai là quý tộc, cũng không có Giáo hội ảnh hưởng lên chính trị quốc gia. “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Đấng sáng tạo đã ban cho họ những quyền không xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền hưởng tự do và mưu cầu hạnh phúc81”. Đó chính là ý tưởng của John Locke trong “Hai Khảo luận về Chính quyền”.
Thành tố cách mạng trong hệ tư tưởng của triết gia Pháp trong thế kỷ 18 là sự từ chối tư duy truyền thống, họ chỉ đặt nền tảng suy luận trên chính mình thông qua lý tính, quan sát, suy luận lịch sử và tinh thần khoa học. Theo họ, nhà nước không còn là một thực thể gắn liền với các nhà cầm quyền chuyên chế mà mọi người phải cúi đầu thuần phục. Ngược lại, chức năng chính của nhà nước là bảo đảm quyền tự nhiên cho từng công dân. Ý tưởng này đã được John Locke triển khai từ thế kỷ 17, nhưng nó thực sự thăng hoa hơn bao giờ hết tại Pháp trong hậu bán thế kỷ 1882.
7.d. Các cuộc cách mạng chính trị – Cách mạng Pháp 1789 – Di sản
Để tìm giải pháp cho cuộc cải tổ thuế khóa, bộ trưởng tài chính (Directeur Général des Finances), Jacques Necker thuyết phục vua Louis XVI triệu tập Hội nghị Tổng quát (États Généraux) ngày 5-5-1789, tức là một loại quốc hội bao gồm ba phe với các thành phần như sau: tăng lữ có 300 đại biểu, quý tộc có 300 đại biểu và tầng lớp thứ ba có 600 đại biểu. Đây là lần đầu tiên sau 175 năm, đại biểu của ba tầng lớp họp chung với nhau.
Đến đây, vua Louis XVI làm một quyết định sai lầm, tạo nên một khúc quanh định mệnh cho lịch sử nước Pháp. Sau sáu tuần tranh cãi triền miên không có kết quả, vua Louis XVI quyết định giải tán hội đồng. Ngày 20-6, khi các đại biểu tầng lớp thứ ba đến cung điện Versailles, phòng họp đã bị đóng cửa. Họ sợ rằng đây là một âm mưu đen tối, nên tiếp tục đi sang phòng họp bên cạnh cung điện Versailles. Đó là Salle de Jeu de Paume. Họ tuyên thệ rằng, sẽ không rời khỏi Versailles cho đến lúc một hiến pháp mới được biểu quyết. Họ tự thành lập Quốc hội (Assemblée Nationale) và thuyết phục giới tăng lữ và quý tộc tham gia.
Trong tình hình hỗn loạn đó, vua Louis XVI làm tiếp một quyết định sai lầm lịch sử: ông sa thải Jacques Necker, người bộ trưởng duy nhất của nội các được dân chúng tin yêu. Quyết định đó như giọt nước làm tràn ly, người dân hết kiên nhẫn, tấn công ngục Bastille ngày 14-7 và thành công. Biến cố này là thông điệp của người dân Paris gởi đến chế độ: “Nhân dân đứng về phía quốc hội và bảo vệ các đại biểu đến cùng, qúy vị đừng mong có thể giải tán họ”.
Nhưng biến cố chiếm ngục Bastille cũng chưa quan trọng bằng thành quả chính trị mà phe cách mạng đạt được trong vòng ba tháng sau đó. Sự thách thức của phe cách mạng đối với Vương triều dù ôn hòa bất bạo động nhưng vô cùng quyết liệt. Họ đã đạt được tất cả những đòi hỏi của một xã hội dân sự, tước đoạt quyền lực của chế độ quân chủ chuyên chế vốn đã xây dựng nhiều thế kỷ trước: Bãi bỏ quyền lập pháp của nhà vua và đưa quyền đó về quốc hội; bãi bỏ đặc quyền của tăng lữ và quý tộc ở thành phố và địa phương; bãi bỏ quyền cai trị của hệ thống phong kiến; bãi bỏ chế độ nông nô; bãi bỏ ưu đãi về thuế của tăng lữ và quý tộc; chính thức hóa quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật; công nhận các quyền tự do căn bản, quyền tư hữu, quyền phản kháng, quyền tự quyết; công dân được tiếp cận miễn phí đến các dịch vụ tư pháp; quy định thể thức bầu cử để chọn thẩm phán chứ không còn được chỉ định như trước; quốc hữu hóa tất cả bất động sản của nhà thờ; ban bố Tuyên ngôn Nhân quyền và quyền Công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen), v.v.
Ngoảnh nhìn lại những biến cố dồn dập trong thập niên 1790 tại Pháp, chúng ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi, điều gì đã khiến cho cuộc cách mạng Pháp năm 1789 trở thành một biến cố lịch sử phi thường không thể nào quên, để cho đến bây giờ gần 300 năm sau, loài người vẫn tiếp tục nhắc đến nó, vừa ngưỡng mộ xem đó là biểu tượng của sự phản kháng dân sự để giành lấy tự do bình đẳng, đồng thời nguyền rủa sự tàn bạo của những con người – mà như tờ báo London Times viết vào năm 1792 về nhóm quá khích Jacobin – giống như “những con thú hai chân” ở giữa lòng kinh đô ánh sáng, trung tâm văn hóa của châu Âu.
Với sự sụp đổ chế độ chuyên chế Louis XVI, nước Pháp bắt đầu một thời gian phát triển về mọi mặt. Vài năm sau cách mạng, kinh tế bắt đầu ổn định, người dân Pháp không còn phải lo thiếu bánh mì hàng ngày; dân chủ tự do bắt đầu được phát triển mạnh mẽ, nhiều đạo luật bảo vệ quyền tự do được ban hành, đặc biệt mới mẻ là tự do tư tưởng và tự do báo chí; một trật tự xã hội mới được xây dựng dựa trên hệ thống luật pháp lấy nhân quyền, tự do và bình đẳng làm gốc.
Có thể nói rằng, bi kịch của chế độ quân chủ chuyên chế trong thế kỷ 18 không phải là chiến tranh, cũng không phải là những biến cố cách mạng dữ dội trong năm 1789 tại Pháp, mà là sự tan rã của hệ tư tưởng cũ để được thay thế bằng những sáng kiến mới vốn dĩ được ươm mầm từ thế kỷ 17, thăng hoa trong thế kỷ 18 và hiển lộ qua những biến cố dồn dập và tạo thành trào lưu cách mạng năm 1789. Dù thuộc xu hướng nào, ôn hòa hay bạo động, trong những người lãnh đạo của trào lưu cách mạnh luôn luôn có mặt những đại biểu sáng giá của trào lưu khai sáng. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 chính là điểm khởi đầu của quá trình phân hóa và tan rã của hệ tư tưởng truyền thống, mà gắn liền với nó là chế độ quân chủ chuyên chế chi phối mạnh mẽ lên ý thức người dân về tự do, nhân quyền và thể chế chính trị mới83.
Thành quả của cách mạng lên xã hội Pháp thì quá rõ ràng. Sự vươn dậy mạnh mẽ của giai cấp tư sản là thành quả quan trọng nhất, nó định hướng cho sự phát triển quốc gia Pháp nhiều thế kỷ về sau. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cấu trúc của giai cấp tư sản Pháp trong giai đoạn đầu chủ yếu không phải là những người có ăn học, cũng không phải giới công thương giàu có, mà bộ phận điền chủ giàu có chiếm thành phần quan trọng trong giai cấp này. Cấu trúc này dần dần thay đổi và hơn một nửa thế kỷ sau, giới trung lưu trí thức và công thương giàu có mới chiếm được vị trí quan trọng trong quá trình phát triển lịch sử.
Cách mạng Pháp có thể xem là suối nguồn nuôi dưỡng cho giai cấp tư sản thành thị vươn lên làm chủ vận mệnh quốc gia84.
Nước Pháp đã cung cấp cho thế giới một hình tượng gương mẫu về cuộc cách mạng xuất phát từ những người không có vũ khí. Và khi đã thành công, nó hình thành những khái niệm và từ ngữ cho chủ nghĩa quốc gia; nó định hình và quảng bá một bộ luật dân sự (Code Civil) mà tinh thần và nội dung còn để lại ảnh hưởng lên rất nhiều nước cho tới ngày nay.85
Cách mạng Pháp là một thí dụ điển hình hiếm hoi trong lịch sử nhân loại, khi mà nhân dân đứng lên tự nắm lấy vận mệnh của mình mà không cần một thế lực nào bên ngoài hỗ trợ. Sự kiện một nền quân chủ lâu đời nhất, mạnh nhất, vững vàng nhất, huy hoàng nhất châu Âu bị bánh xe lịch sử nghiền nát trong một thời gian kỷ lục, sự kiện đó có một tầm ảnh hưởng vô cùng lớn.
Thực tế cho thấy, bài học lớn rút ra từ cuộc cách mạng Pháp là, phong trào nổi dậy của quần chúng, dù rất hăng hái với quyết tâm cao và phổ biến rộng ở nhiều nơi, cũng chỉ có thể tồn tại như một lực lượng cách mạng có hiệu quả, khi họ có thể liên minh với một bộ phận quan trọng của tầng lớp trí thức tư sản. Ngược lại, trào lưu tư sản chỉ có thể thực hiện vai trò lịch sử của mình để phá vỡ hệ thống phong kiến, khi phần lớn bộ phận của họ vẫn còn duy trì sự liên kết với quần chúng đông đảo ở thành thị cũng như nông thôn. Không có điều gì có thể đạt được nếu loại bỏ một trong hai yếu tố kể trên86.
Có thể kết luận rằng, mặc dù cách mạng Pháp về cơ bản mang tính chất một cuộc cách mạng tư sản, nhưng cuộc cách mạng đó chỉ có thể đạt đến thành công nhờ liên minh chặt chẽ giữa nông dân thợ thuyền và tầng lớp tư sản để chống lại hai tầng lớp được ưu đãi là tăng lữ và quý tộc. Đó là một tính chất đặc thù mà chúng ta chưa thấy trong cuộc cách mạng huy hoàng ở Anh năm 1688, không thấy trong cuộc cách mạng Mỹ năm 1776, và cũng không thấy trong cuộc cách mạng tháng mười năm 1917 ở Nga 87.
Lời kết tham luận
Tôi xin phép có vài lời về chủ đề của chúng ta và GS Cao Huy Thuần, một học giả uyên thâm vừa tạ thế cách đây 2 tuần.
Anh Cao Huy Thuần là người rất tâm đắc với thời đại khai sáng. Chủ đề thường xuyên của anh là trí thức khai sáng và vai trò của trí thức trong xã hội. Anh nói rằng: “trí thức không thể đứng xớ rớ đâu đó trong xã hội”, nói rõ hơn là, trí thức có trách nhiệm phải lên tiếng, phê phán, phản biện, sẵn sàng hành động và hành động bất bạo lực, nhất là khi xã hội vẫn còn nhiều bất cập.
Tôi xin phép lấy thông điệp của anh Thuần để kết thúc bài phát biểu hôm nay. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi.
Frankfurt, 19.7.2024 Tôn Thất Thông (Phát biểu trực tuyến)
Tài liệu tham khảo
Sau đây là danh mục một số sách có giá trị, có thể tham khảo để nghiên cứu thời đại khai sáng. Hầu hết các tác phẩm này được biên soạn bởi những tác giả có uy tín, trình độ cao. Một số là viện sĩ hàn lâm, nhiều tác giả khác là giáo sư đại học lâu năm, còn lại là những nhà nghiên cứu có ít nhất 20 năm kinh nghiệm. Quý vị có thể yên tâm sử dụng. Mỗi sách tham khảo có ghi ISBN để quý vị tìm thông tin (nhà xuất bản, năm xuất bản, lần tái bản. Thí dụ: https://isbnsearch.org/ ).
1. Bayertz, Kurt chủ biên: Wissenschaftsgeschichte und wissenschaftliche Revolution. ISBN 3-7609-0565-X. (Lịch sử Khoa học và Cách mạng Khoa học).
2. Bernal, John Desmond: Die Wissenschaftliche und die Industrielle Revolution (Cách mạng Khoa học và Công nghiệp). ISBN 3-499-16748-4. (Ludwig Boll dịch từ nguyên bản tiếng Anh: Science in History, Vol. 2).
3. Böhm, Franz: Freiheit und Ordnung in der Marktwirtschaft. ISBN 3-7890-0492-8. (Tự do và trật tự trong kinh tế thị trường – Sưu tầm và biên tập bởi Ernst-Joachim Mestmäcker.
4. Brinton, Crane (1), Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
5. Brinton, Crane (2): The Anatomy of Revolution (Mổ xẻ các cuộc cách mạng). Vintage Books 1965.
6. Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
7. Durant, Will và Ariel (3): Das Zeitalter Voltaires (Thời đại Voltaire). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 14. ISBN 3-548-36114-5. (Elinor Lipper dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. IX).
8. Durant, Will và Ariel (4): Am Vorabend der Französischen Revolution (Đêm trước của Cách mạng Pháp). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 16. ISBN 3-548-36116-1. (Leopold Völker dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. X).
9. Euchner, Walter: Naturrecht und Politik bei John Locke (Luật tự nhiên và chính trị với John Locke). ISBN 3-518-07880-1.
10.Fischer, Ernst Peter: Kleine Geschichte der Wissenschaft in Porträts (Lịch sử Khoa học với Chân dung). ISBN 3-492-03778-X.
11. Gaxotte, Pierre: Die Französische Revolution (Cuộc cách mạng Pháp). Bản dịch của Otto Watzke từ nguyên tác tiếng Pháp: L’histoire de la Révolution Française. ISBN 3-8082-0035-9.
12. Gay, Peter: The enlightenment: An Interpretation. The science of freedom (Dẫn luận về khai sáng – Khoa học của tự do). ISBN 0-393-00875-4.
13. Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.
14. Hampson, Norman: The Enlightenment – An evaluation of its assumptions, attitudes and values (Khai sáng – Đánh giá những giả thuyết, quan điểm và giá trị). ISBN 0-14-013745-9.
15. Hazard, Paul (1): Die Krise des Europäischen Geistes 1680-1715 (Khủng hoảng tinh thần ở châu Âu 1680-1715). NXB Hoffmann und Campe Hamburg 1939 (Harriet Wegener dịch từ tiếng Pháp: La Crise de la Conscience Européenne 1680-1715).
16. Hazard, Paul (2): European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).
17. Hill, Christopher (1): Reformation to Industrial Revolution. ISBN 0-1402-0897-6. (Từ cải cách tôn giáo đến cách mạng công nghiệp).
18. Hill, Christopher (2): Einige Konzequenzen der englischen Revolution (Vài hậu quả của cách mạng Anh. Matthias Fienbork dịch từ tiếng Anh: Some Intellectual Consequences oft he English Revolution). ISBN 3-8031-61236.
19. Hinrichs, Ernst chủ biên và nhiều tác giả: Kleine Geschichte Frankreich (Tóm tắt lịch sử Pháp). ISBN 978-3-89331-663-2.
20. Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II: Thời cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Có thể tham khảo thêm trọn bộ tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
21. Hobbes, Thomas: Leviathan (bản tiếng Đức do Kai Kilian hiệu đính từ phiên bản 1794 của Joh. Christ). ISBN 978-3-86647-347-8.
22. Hobsbawm, Eric J. (1): Industry and Empire. ISBN 0-1402-0898-4. (Công nghiệp và Đế quốc).
23. Hobsbawm, Eric J. (2): The Age of Revolution. ISBN 978-0-349-10484-3. (Thời đại cách mạng)
24. Hogen, Hildegard và Ban biên tập DIE ZEIT: Welt- und Kulturgeschichte Band 10 – Zeitalter der Revolution (Lịch sử văn hóa và thế giới, Bộ 10 – Thời đại Cách mạng). ISBN 3-411-17600-8.
25. Höffe, Otfried (I) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie I (Những Triết gia Kinh điển, Tập I). ISBN 3-406-08048-0.
26. Höffe, Otfried (II) chủ biên và nhiều tác giả: Klassiker der Philosophie II (Những Triết gia Kinh điển, Tập II). ISBN 3-406-30849-X.
27. Horkheimer, Max và Adorno, Theodor W.: Dialektik der Aufklärung (Biện chứng pháp của khai sáng). ISBN 3-10-031829-3.
28. Im Hof, Ulrich: Das Europa der Aufklärung (Châu Âu trong thời đại khai sáng). ISBN 3-406-37091-8.
29. Kant, Immanuel: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?). Nguyệt san Berlinische Monatsschrift tháng 12.1784, trang 481 – 494.
30. Kuhn, Thomas S.: Die Struktur wissenschaftlicher Revolution (Cấu trúc của cách mạng khoa học). ISBN 3-518-07625-6 (Kurt Simon dịch từ tiếng Anh: The structure of scientific revolutions. Bản tiếng Việt đã được Chu Lan Đình dịch và xuất bản năm 2008).
31. Le Goff, Jacques (1): Die Intellektuellen im Mittelalter (Giới trí thức trong thời trung cổ). ISBN 3-423-04581-7. (Christiane Kayser dịch từ tiếng Pháp: Les intellectuels au Moyen Age).
32. Le Goff, Jacques (2): Das Hochmittelalter (Thời trung cổ hưng thịnh – Sigrid Metken dịch từ tiếng Pháp). ISBN 3-596-60011-1.
33. Locke, John: Two Treatises of Government (Hai Khảo luận về Chính quyền). ISBN 978-0-521-35730-2 . Một phần tác phẩm này đã được Lê Tuấn Huy chuyển ngữ: Khảo luận thứ hai về Chính quyền, NxB Tri Thức 2006, ISBN 978-604-908-896-4.
34. Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.
35. Maier, Hans (1); Denzer, Horst và Rausch, Heinz: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 1: Von Plato bis Hobbes (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 1: từ Plato đến Hobbes). Beck Verlag, tái bản lần 3, 1969.
36. Maier, Hans (2) và Denzer, Horst: Klassiker des Politischen Denkens, Vol. 2: Von Locke bis Max Weber (Những triết gia chính trị kinh điển. Tập 2: từ Locke đến Max Weber). ISBN 3-406-42162-8.
37. Mann, Golo và Nitschke, August: Weltgeschichte Band VII – Von der Reformation zur Revolution (Lịch sử thế giới bộ VII – Từ cải cách tôn giáo tới cách mạng). ISBN 3-549-05017-8.
38. Martus, Steffen: Aufklärung – Das deutsche 18. Jahrhundert (Khai sáng – Nước Đức trong thế kỷ 18). ISBN 978-3-499-62767-5.
39. Metzler Verlag chủ biên và nhiều tác giả: Philosophen (Những triết gia). ISBN 3-476-02026-6.
40. Montesquieu: Vom Geist der Gesetze (Về Tinh thần Luật pháp). ISBN 3-15-008953-0. Kurt Weigand chuyển ngữ từ tiếng Pháp “L’esprit des lois”, tuyển chọn bởi Roger Caillois. Bản dịch tiếng Việt của Hoàng Thanh Đạm: Bàn về Tinh thần Luật pháp.
41. Pleticha, Heinrich (1) chủ biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). ISBN 3-577-15008-4 (Bertelsmanns Weltgeschichte – Band 8).
42. Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện đại). ISBN 0-14-025028-X.
43. Porter, Roy (2): Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The enlightenment, xuất bản 1990). ISBN 3-8031-2192-2.
44. Redhead, Brian và Starbatty, Joachim: Politische Denker von Plato bis Popper (Những nhà tư tưởng chính trị từ Plato đến Popper). ISBN 3-87959-316-7 (Gerhard Raabe dịch từ tiếng Anh: Political thoughts from Plato to Popper – BBC Books Publications 1984).
45. Romano, Ruggiero và Tenenti, Alberto: Die Grundlegung der Modernen Welt (Thành tố cơ bản của thế giới hiện đại – Helga Brissa, Heinz Wismann và Egbert Türk dịch từ tiếng Ý: Alle origini del mondo moderno). ISBN 3-828-90400-9.
46. Rousseau, Jean-Jacques: The Social Contract. ISBN 978-1-85326-781-9. Bản dịch của H. J. Tozer từ nguyên tác tiếng Pháp: Du Contrat Social. Bản dịch tiếng Việt của Hoàng Thanh Đạm: Bàn về Khế ước Xã hội.
47. Samhaber, Ernst: Geschichte Europas (Lịch sử châu Âu). ISBN 3-771-30169-6.
48. Schmid, Marion chủ biên và nhiều tác giả: Epoche der Weltgeschichte in Biographien – Forscher und Philosophen (Tiểu sử nhân vật qua các kỷ nguyên trong lịch sử – Nhà nghiên cứu và triết gia). ISBN 3-596-17023-0.
49. Schmitt, Eberhard chủ biên và nhiều tác giả: Die Französiche Revolution – Anlässe und lanfristige Ursachen (Cách mạng Pháp – Biến cố khởi đầu và những nguyên nhân sâu xa). ISBN 3-534-05014-2.
50. Schneiders, Werner (1) chủ biên và nhiều tác giả: Lexikon der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
51. Schneiders, Werner (2): Zeitalter der Aufklärung (Thời đại khai sáng). ISBN 3-406-44796-1.
52.Skousen, Mark: The Big Three in Economics (Ba nhân vật vĩ đại của kinh tế). ISBN 0-7656-1694-7 hoặc 978-0-7656-1694-4.
53. Smith, Adam: An Inquiry into the nature and causes of the wealth of nations (Khảo sát bản chất và nguồn gốc sự phồn vinh của các quốc gia). ISBN 978-01-9283-546-8 hoặc 01-9283-546-7.
54. Starbatty, Joachim: Klassiker des ökonomischen Denkens (Những tác giả kinh điển về tư tưởng kinh tế). ISBN 978-3-86820-126-0.
55. Störig, Hans Joachim: Weltgeschichte der Wissenschaft (Lịch sử khoa học thế giới). ISBN 3-89350-519-9.
56. Van Doren, Charles: Geschichte des Wissens. ISBN 3-764-35324-4. (Lịch sử của tri thức – Anita Ehler dịch từ tiếng Anh: A history of knowledge).
57. Vierhaus, Rudolf (2) chủ biên và nhiều tác giả: Wissenschaft im Zeitalter der Aufklärung (Khoa học trong thời đại khai sáng). ISBN 3-525-36186-6.
58. Voltaire: Über die Toleranz. ISBN 978-3-518-46656-8 (Về Tinh thần Khoan dung, dịch từ nguyên tác tiếng Pháp bởi Sabine Erbrich: Traité sur la Tolérance).
59. Vorländer (1), Karl: Geschichte der Philosophie V: Philosophie der Neuzeit – Die Aufklärung (Lịch sử triết học V: Triết học hiện đại – Trào lưu khai sáng). ISBN 3-499-55281-7.
60. Vorländer (2), Karl: Philosophie der Renaissance (Triết học thời đại phục hưng). ISBN 3-499-55242-6.
61. Wendel, Günter chủ biên và nhiều tác giả: Naturwissenschaftliche Revolution im 17. Jahrhundert (Cách mạng khoa học tự nhiên trong thế kỷ 17). ISBN 3-326-00386-2.
62. Ziegler, Walther (KANT): Kant trong vòng 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-26-8.
Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Lưu Hồng Khanh dịch từ bản tiếng Đức: Kant in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-8172-8).
63. Ziegler, Walther (ROUSSEAU): Rousseau trong vòng 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-31-2.
Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Tô Tuấn Lưu dịch từ bản tiếng Đức: Rousseau in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-2555-5).
64. Ziegler, Walther (SMITH): Smith trong vòng 60 phút. Nhà xuất bản Hồng Đức và Văn Lang 2019. ISBN 978-604-9948-30-5.
Tủ sách “Những nhà tư tưởng lớn” (Tôn Thất Thông dịch từ bản tiếng Đức: Smith in 60 Minuten. ISBN 978-3-7347-8157-5).
65. Zimmer, Robert: Philosophie von der Aufklärung bis heute (Triết học từ thời đại khai sáng đến nay). ISBN 3-589-21499-6.
./.
Ghi Chú
1 Tạm dùng thuật ngữ (nguyên thủy, thử nghiệm, phát triển) của giáo sư sử học đại học Paris, François Guizot
2 Ziegler – Kant trang 28
3 Paul Hazard – Khủng hoảng tinh thần châu Âu
4 Baruch de Spinoza, 1670, trong P. Hazard 1, trang 172-173
5 H. Pleticha 1 trang 96
6 Hirschberger trang 248
7 P. Hazard (1) trang 172-173
8 Ziegler – Kant trang 18
9 S. Martus, trang 99
10 Paul Hazard 1, trang 24
11 J. Hirschberger trang 86
12 J. Hirschberger trang 202-203
13 Ziegler – Kant trang 15
14 Ziegler – Kant trang 38
15 Immanuel Kant – Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? – Nguyệt san Berlin tháng 11.1784
16 I. Kant – Phê phán Lý tính Thuần túy
17 Ziegler – Kant trang 14
18 Ziegler – Kant trang 124-127
19 Ziegler – Kant trang 23
20 H. Maier 2, trang 16
21 W. Euchner trang 192
22 W. Euchner trang 192
23 Khảo luận II, Ch 19, §222
24 Khảo luận II, §§ 149,168, 221
25 Montesquieu, Q 1, Ch 2
26 Montesquieu, Q1 Ch 3
27 R. Van Doren trang 244-246
28 T. Kuhn trang 28
29 H. J. Störig
30 G. Wendel trang 11
31 H. Pleticha trang 181
32 J. D. Bernal trang 384
33 J. D. Bernal trang 403
34 J. D. Bernal trang 351-352
35 H. J. Störig trang 252
36 C. Van Doren trang 254
37 T. Kuhn trang 158
38 M. Schmid trang 93, 97
39 M. Schmid trang 93 – 103
40 H. J. Störig trang 253
41 R. Vierhaus 2 trang 8
42 G. Wendel trang 55
43 P. Hazard trang 364-365
44 H. Pleticha-1 trang 184
45 H. J. Störig trang 302
46 P. Gay trang 9-10 và G. Wendel trang 12
47 H. Pleticha trang 184
48 J. D. Bernal trang 424
49 G. Wendel trang 11-12
50 H. J. Störig trang 304
51 G. Wendel 105
52 H. J. Störig 311
53 H. J. Störig trang 321
54 H. J. Störig trang 321
55 C. Brinton 621
56 E.P. Fischer 175-176
57 H. J. Störig trang 424
58 H. J. Störig trang 425
59 H. J. Störig trang 428
60 R. W. McGee trang 2 và 6
61 J. Starbatty trang 117
62 J. Starbatty trang 118
63 T. Hobbes – Leviathan 135, 144
64 J. Starbatty, trang 195
65 M. Skousen, đồ họa trang 5
66 J. Starbatty, trang 196
67 A. Smith, Quyển IV chương II
68 A. Smith trang 68, Quyển I chương VIII
69 A. Smith trang 18, Quyển I chương II
70 W. Ziegler – SMITH trang 89
71 M. Skousen trang 10
72 A. Smith trang 391, Quyển IV chương IX
73 F. Böhm trang 226
74 M. Skousen trang 7
75 A. Smith trang 291-292
76 Xem chất vấn Hạ viện tháng 9/2008
77 E. Hinrichs 240, 243
78 W. & A. Durant 4 trang 516
79 W. & A. Durant 4 trang 518
80 E. Schmitt trang 11-12
81 Xem Tuyên ngôn Độc lập 1776
82 E. Schmitt trang 12
83 P. Gaxotte trang 57
84 E. Hinrichs trang 282
85 E. Hobsbawm-2 trang 74
86 E. Schmitt trang 168
87 E. Schmitt 2 trang 159