Trần Duy: người hoạ sĩ sống đời mình

Nhã Thuyên

Tác giả gửi Văn Việt

1072672_1392202767664831_486246784_o

Tác giả và họa sĩ Trần Duy

Trần Duy, với tôi, là một nghệ sĩ đặc biệt, hay là ngoại biệt. Cả đến lúc đã hoàn tất cuộc sống dương thế, ông vẫn không/chưa (bị) trở thành một biểu tượng có thể quy giảm vào vài ba nét nghĩa. Ông, nhiều hơn, vẫn cứ là một đời sống, mơ hồ như một đời sống, kín đáo như một cuốn sách chưa nhiều người đọc và vẫn đang sống đời riêng nó.

Người ta có thể biết ông là thư kí toà soạn báo Nhân Văn – mà như ông tự nhận, ông là tay chân, chứ không phải cái đầu của Nhân Văn, nhưng câu chuyện về ông trong Nhân Văn – Giai Phẩm nhiều khoảng trống hơn là sự đủ đầy. Những phát ngôn đâu đó của ông về Nhân Văn – Giai Phẩm làm bối rối người đọc hơn là đưa ra một chỉ dẫn sáng sủa về phong trào này. Trong câu chuyện của ông, tôi hình dung, Nhân Văn – Giai Phẩm chưa bao giờ là một sự kiện lịch sử đã hoàn tất. Nó còn là cái nghẹn chưa trôi, một khối bóng tối chưa tan, một khúc nôi chưa xong những giãi bày, một oan nợ khó quyết toán qua nhiều thế hệ.

Người ta có thể nói về ông như một bậc thầy cuối cùng của dòng tranh lụa, nhưng những tác phẩm hội hoạ của ông tôi không nghĩ nhiều người có may mắn ngắm nhìn. Từ sau Nhân Văn, hay tính cả đời làm nghề của mình, ông chỉ triển lãm hai lần: năm 1991 và năm 2004. Các sinh viên mĩ thuật hẳn chưa nhiều người bận bịu tìm hiểu ông.

Ông không tuyên ngôn về việc lựa chọn sống đời nghệ sĩ, nhưng bản thân cuộc sống của ông là một lựa chọn gắn bó và được cưu mang bởi nghề vẽ và các tác phẩm hội hoạ. Ông không phát ngôn chính trị hay tuyên ngôn đòi dân chủ, nhưng ông chưa bao giờ là một người mơ trốn thoát khỏi cuộc đời và thời cuộc. Ông ở giữa hai nỗ lực ấy, nỗ lực tìm chỗ đứng trong cuộc đời bằng mối ưu tư với việc chung của dân tộc, đất nước, và nỗ lực để cuộc đời nghe được tiếng nói của mình, thấy được hình sắc tâm hồn mình bằng hội hoạ. Ông vừa thuộc về một thời đại vừa như không thuộc về nó. Ông ở giữa, đâu đó, phẩm tính trí tuệ của một trí thức, người luôn thấy mình trong những nỗi lo âu chung của dân tộc, đất nước và nghiệp chướng tâm hồn của một nghệ sĩ, kẻ chẳng thể nào tin dễ dàng vào những tư tưởng cố định, những đảng phái, những cuộc cách mạng, thậm chí cả những bằng cứ lịch sử. Như một truyện ngắn của ông, truyện Tiếng Sáo Tiền Kiếp, cái tâm hồn đó làm sao có thể đơn giản muốn xoá đi là xoá được, làm sao có thể bị sai khiến, làm sao có thể bảo quên là quên?

Trong những chuyện ngày thường, Trần Duy thường đọc những câu thơ về Đằng quốc (tôi tra cứu, thì hình như bài thơ được coi là của Hồ Xuân Hương (?) để nói về tình thế (không được) lựa chọn của một nước nhỏ:

Đằng quốc xưa nay vốn nhỏ nhen

Lại còn Tề Sở ép hai bên

Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận

Quay đầu về Sở sợ Tề ghen

Tôi e, có lúc, ông đã vận những câu thơ ấy vào mình, vào đời mình.

***

Tôi nhìn mối tình với mĩ thuật mà ông nuôi nấng và trở thành mối tình lớn của đời ông cũng là một sự lựa chọn dường như không chủ ý và không dễ dàng. Đó không đơn giản là yêu và bày tỏ tình yêu và được yêu. Đó là một tình yêu mà người ta phải can đảm học cách yêu, học cách đón nhận nó và nỗ lực không ngừng để, cuối cùng, được nó đón nhận. Trong tình yêu đó, ông dần dần tìm thấy mình, tìm thấy một lẽ sống của mình. Tôi hình dung bước chân ông, từ lúc trốn chạy khỏi không gian cung đình Huế tuổi hai mươi, bơ vơ bắt đầu lại nơi Hà Thành, học hành dang dở, đi theo Việt Minh, làm tranh cổ động, tranh tuyên truyền, rồi tới lúc làm Nhân Văn, vẽ biếm hoạ, đả kích, rồi tới lúc cuộc sống dường như chỉ là một nỗ lực tồn tại, rồi hầu như sống đời im lặng với bút và màu cho tới khi xuất hiện trở lại với đôi triển lãm, gom lại những tác phẩm đời mình trong vài cuốn sách… Con đường đó chắc chắn không phải là một “con đường nghệ thuật” đơn giản và thuần tuý mà ông được tự mình lựa chọn. Tôi không biết tôi có muốn nhìn cuộc đời ấy như một bi kịch của cá nhân giữa thời cuộc (ai tránh được cái thời mà họ sống?), hay tôi chỉ muốn ngắm nhìn lại cuộc đời ấy, bằng tưởng tượng, bằng hình dung qua những lời kể, bằng hồi ức về ông, như một cuộc đời vừa giản dị, vừa không giản dị chút nào, trong nỗ lực đeo bám bền bỉ một tình yêu nồng nàn yên lặng suốt cả một đời người, và ông cũng chưa bao giờ phải ồn ào về nó.

Tôi treo lơ lửng câu hỏi từ lâu: người ta có thể chỉ đơn giản im lặng sống đời mình và trân trọng đời người khác hay không? Từ “thủ lĩnh” không hợp với ông, và từ “bi kịch” dường như cũng không thích hợp. Ôm mang nghệ thuật để sống là may hay không may, ở một đất nước dường như người ta trông đợi trí thức hơn nghệ sĩ, người ta dễ rẻ rúng nghệ thuật và trông mong vào những người đại diện cho nhiều người? Chẳng phải là đáng kể sao nếu chỉ nỗ lực sống đầy đủ đời mình, bám víu lấy đời sống của mình, tìm một cái gì đó, mà có thể, cuộc đi tìm đó chưa bao giờ dừng lại? Chẳng phải là đáng kể sao một cuộc đời không khít vừa các biểu tượng? Ai có thể thoát ra ngoài những vòng xoáy buồn bã sai lạc của ngôn ngữ đầy biểu tượng và những nỗ lực diễn giải nó? Nhưng cả khi chúng ta đang chẳng thể nào thoát ra khỏi vòng vây của chúng, chúng ta cũng có thể bày trò chơi với nhau theo một cách nào đó của mình, và dường như luôn có nhiều hơn một cách chơi. Lựa chọn (làm/chơi với) biểu tượng này, ông có thể là một thủ lĩnh, một nhân vật có số má, một số phận bi kịch, lựa chọn (làm/chơi với) biểu tượng kia, là lựa chọn im lặng, là lựa chọn làm một pho sách phủ bụi, không lời diễn giải, không bao giờ có đính chính. Nhìn phía này là sự tổn hại, giày xéo, nhìn phía khác, có thể là vẻ đẹp của một sự tự do cô tịch. Nhìn phía này là sự im lặng đáng ngờ, khó hiểu, nhìn phía kia, đó là sự cưu mang những mơ hồ và nỗi mong manh của cuộc đời. Và nhiều khi, sự cưu mang những mơ hồ và nỗi mong manh đó chẳng phải là cái làm cho thế  giới này trở nên tốt đẹp hay sao?

 Với tôi, đó là một mối tình lớn.

 ***

 Ông đang vắng, cả trên google.

Có lúc, tôi nghĩ, người ta, hay tôi, đã quên ông.

Tôi biết tin ông mất qua một dòng tin trên facebook, lúc ông đã nhất định im lặng được gần một ngày. Gần 12 giờ đêm, người bạn tôi đạp xe đến nhà ông ở Khâm Thiên, chỉ để xác nhận rằng (hình như đúng là) ông đã mất với một bà hàng nước vỉa hè, trong khi tôi ngồi tưởng nhớ ông bằng cách gửi cho đôi người bạn hoàn toàn không biết về ông những bức tranh đã scan lại từ sách, nói về ông với những người lạ, những người không phải cư dân của đất nước này, những người không biết có thể chia sẻ cùng tôi câu chuyện về đất nước này, về con người nơi này.

Một con người, một cuộc đời luôn là một không gian sống. Ông là một ngôi nhà vắng cứ mở cửa đấy, đợi mà như không đợi. Một lúc này lúc khác, đôi người nào đó, bước vào, ngồi lặng trong đó một chút và lại đi.

Tôi hình dung cách tôi đến với ông phần nào như thế. Nhớ lại, tôi đến tìm gặp ông sáu năm trước, lúc tôi vừa chập chững rời trường Đại học và đang là thực tập sinh báo Lao Động, bồn chồn háo hức với hiện tại và ôm mang nỗi dằn vặt sách vở với những câu chuyện mập mờ quá khứ, tôi đã rụt rè đòi tìm biết đời chung để thấy lẽ riêng, tôi đã trông mong quá khứ và hiện tại không phải những từ chia biệt, cả khi con đường nối liền quá khứ – hiện tại có một nhát dao chém mạnh giữa chừng. Nhưng rút cục, sau nhiều năm, hình như điều duy nhất tôi có thể làm là đôi lúc đến và cứ ngắm nhìn ông neo đậu trong đời sống này, sau nhiều năm trôi theo dòng chảy, thế thôi, đẹp quạnh quẽ như một con thuyền nan đứng im bến vắng mà không thôi sống động cùng những cái cựa mình của cỏ cây, những lay động của bờ lau, những xô dạt của dòng nước nhỏ.

Bây giờ, tôi đang hình dung lại, để giữ gìn cẩn trọng những kí ức nho nhỏ của những lần lui tới thăm ông, nghe ông kể về tuổi thơ, tuổi trẻ, nói chuyện cùng ông, hay có khi chỉ để soạn lại vài cuốn sách bụi bặm và ngắm vài bức phác thảo, có khi chỉ để đưa cho ông một bức hình chụp hoa mẫu đơn trong chùa, một bức hình chụp góc bờ Hồ ông đang vẽ mà không thể đi lại thong dong ngắm nghía như xưa, có khi chỉ để ngồi im lặng nhìn hồ Tây từ phía quán cafe khách sạn Thắng Lợi, đôi lần thong dong cả buổi chùa Láng chỉ để truy lùng dấu tích của cái góc nhìn cũ trong bức ảnh ông đã chụp mái chùa xưa, nghe ông than hoài khi không còn tìm được đúng cảnh cũ của bức ảnh xưa, và buồn vì làm sao mà vẽ được cái không còn như xưa nữa… Những lần cuối cùng đến thăm ông, tôi đã thấy bớt vui, tôi đã thấy những câu chuyện lặp lại, những nỗi buồn lặp lại, sự luẩn quẩn của cuộc đời lặp lại. Tôi đã có ý trốn. Bây giờ, tôi muốn trở lại với đời ông trong khoảnh khắc hồi tưởng. Tôi giữ lại trong tôi nụ cười của ông, giọng nói rổn rảng khi còn khoẻ, ánh mắt sáng lên kể về những người bạn, những gặp gỡ thuở thanh niên. Tôi giữ lại trong tôi hình ảnh bàn tay ông gọt bút chì, những ngón tay tuổi 90 vẫn cần mẫn, những xoáy gỗ lên như sóng và ông nói về cảm giác phản bội những chiếc bút khi bỏ bê chúng quá lâu không vẽ. Tôi giữ lại khoảnh khắc đến thăm ông, hôm ấy, ông cứ ngồi mãi trong bóng tối, và lúc tạm biệt ông, ông vẫn cứ ngồi mãi trong bóng tối, bàn tay gõ nhịp trên bàn, lúc ấy, tôi có cảm giác, ông không biết về sự hiện diện của kẻ khác trong không gian của ông nữa.

Bỗng nhiên tôi nhớ thơ Lê Đạt, có gì thật buồn cười, tôi không nghĩ rằng họ gần nhau. Vậy mà câu thơ Lê Đạt vẫn đến từ bóng chữ:

Em để lại tim anh

Tên một loài hoa cổ

Cầm tên em đi tìm

Lần lối hoa văn cũ

Lối bia thần tích xưa

Lối bìa da mộng phủ

Gạo bay bông

lông ngỗng rủ truyền kỳ

Trăng Ba Vì

sao đổi

chữ thiên di

 Những người như vậy vẫn đây mà đã ở đâu xa. Những người nhân văn có thể chưa đối thoại lại với nhau trên cõi sống, có thể gặp nhau nơi cõi mộng. Lúc đấy, thì ở cuộc đời tưởng chừng có thực này, ta vẫn tiếp tục muốn cãi cọ, giằng co, giành giật và gắng cãi cọ thêm một chút nữa về những dạng thức biểu tượng đời sống, gắng giành giật nhau một chút không gian, mà ta chưa sẵn lòng chơi đùa cùng nhau.

Còn ông, một nghệ sĩ, ông đã không sống để là một huyền thoại, ông không sống trong huyền thoại, ông không sống để được hậu thế đánh giá, ông không sống để được “sống lại” trong sách. Một nghệ sĩ, như tôi hiểu, rút cục, có thể chỉ đơn giản là sống đời mình, trân trọng đời kẻ khác và cưu mang những cái mong manh, ôm ấp sự mơ hồ trọn vẹn. Nghệ thuật của ông cũng được sống trong sự mơ hồ đó. Tại sao không? Một người có thể được chọn, tự lựa chọn đời mơ hồ, để sống. Ở đó, tâm hồn con người sâu hơn, bền bỉ hơn những ân oán, và luôn luôn, như một sự sống an ủi, khiến người ta được bám víu và không tuyệt vọng vì cái xấu, cái ác. Nó là cái ở lại sau những xô dạt thời cuộc, là cái, có lẽ, làm tôi đã luôn thấy ông chỉ đang tạm biệt tôi.

Lúc này, trong tôi, ông hiện diện như một quà tặng mà tôi đã có dịp được ngắm nhìn đôi lúc, một sự ngắm nhìn cũng đủ cho một sự tin yêu, trìu mến. Đôi khi tôi muốn cứ ngắm nhìn thế thôi, có lúc chẳng đọc được dòng ý nghĩa nào, có lúc trang sách hoàn toàn đóng kín, lòng tôi hoàn toàn đóng kín, nhưng cũng có những lúc tôi đã nhìn ra được vẻ đẹp của nó. Nếu không thoát được việc sống trong những biểu tượng và nói về một người, nhất là một con người đã hoàn tất thời gian sống, thì ông là một biểu tượng của cái không gì cả, một biểu tượng mà những nỗ lực tạo nghĩa cho nó là không đủ hay bất khả, một biểu tượng di chuyển bất tận trong những câu chuyện cá nhân, những gặp gỡ, những tiếp xúc, những cảnh huống, những con người cụ thể.

Căn nhà quạnh quẽ của ông vẫn mở đó thôi.

28.03.2014

 Bài đăng báo Tia Sáng tháng 4.2014

Comments are closed.