Trần Vàng Sao Nguyễn Đính: Tiếng khóc lớn trong thơ Việt

Vĩnh Quyền

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính mắt

1.
Cuối thập niên 60 thế kỷ trước, tại Trường trung học Quốc Học – Huế, tôi học văn và công dân giáo dục với một nhân vật ngoại hạng trong mọi chiều kích: Nhà thơ yêu nước Ngô Kha. Ấy là thời gian Thanh Tâm Tuyền và Ngô Kha xuất hiện như hai nhà thơ siêu thực đầu tiên trong thi ca Việt Nam, và trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí của thầy gây chấn động văn đàn: bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông/ đọc diễn văn truy tặng người đãng trí/ ngày nằm bệnh tôi mơ thấy vòng tay núi/ khúc hát ngu ngơ của bông lau/ tháng giêng từ giã thuốc đắng đi tìm cỏ may/ tôi không thấy nàng mặc áo chim/ chỉ có người hư vô và mặt trời/ tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu… (Trường ca Ngụ ngôn của người đãng trí). Một lần, thầy nói với học trò hôm nay giỗ đầu Trần Quang Long người bạn thiết, và hào sảng đọc thơ anh. Là lần đầu tôi tiếp xúc bài Thưa mẹ, trái tim. Lần khác, thầy khuyên chúng tôi tìm đọc bài Bài thơ của một người yêu nước mình. Cũng là lần đầu tôi biết đến Trần Vàng Sao.

 

2.
Sau 1975, một mùa đông về nhà dọn tủ sách ướt lụt Huế, nhặt được xấp giấy manh chép Bài thơ của một người yêu nước mình từ bảy, tám năm trước. Ngồi bệt xuống sàn ẩm và ngai ngái mùi bùn non sông Hương, dỡ từng tờ dính bết vào nhau gợn sóng lăn tăn, tôi đọc trong ánh chiều nhá nhem ngày cắt điện, chợt nhận ra một Trần Vàng Sao cách tân. Nảy ý muốn gặp tác giả uống chén rượu chơi, rồi dừng lại ở đó. Nhưng từ đó tôi lắng nghe chuyện đời anh mỗi khi có dịp, những chuyện sau này thành giai thoại. Năm 1983, tôi gặp Trần Vàng Sao. [Dẫn đường là nhà báo Nguyễn Trung Dân, cũng là người chủ trương xuất bản tập trường ca Gọi tìm xác đồng đội (2012) với vai trò giám đốc chi nhánh phía Nam của NXB Hội Nhà Văn, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một nhà xuất bản trong nước xuất bản tác phẩm của Trần Vàng Sao]. Từ đó, những lần về Huế tôi đến thăm anh, huyên thuyên chuyện đời chuyện văn bên ly rượu, buồn có vui có. Lúc ấy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, thỉnh thoảng anh bảo tôi “hết giấy, mi kiếm cho tau một ít, loại dùng rồi còn một mặt cũng được”. Anh không nói ra nhưng tôi biết anh cần giấy làm thơ, viết hồi ký. Rất nhiều người, thân cũng như sơ, trong câu chuyện hay trong bài viết liên quan đến anh, thường mô tả anh luôn tỏ vẻ sợ hãi, như biểu hiện của một thứ hội chứng nào đó. Riêng tôi, tôi không nghĩ vậy, dù gần như thường xuyên nghe anh lo lắng “rứa can chi không bây hè” mỗi khi động đến chuyện viết lách in ấn của bản thân. Nói như vậy tôi hoàn toàn không có ý cho rằng anh không thực. Mà theo tôi đó là hình thức phản vệ, thậm chí là trò giễu. Bởi đơn giản, tôi đọc thơ anh khá nhiều, đủ để nghiệm rằng, thơ anh là một tiếng khóc lớn, nhưng nhất định là tiếng khóc của một kẻ uy vũ bất năng khuất: bây giờ cho tới cuối đời/ thì tôi vẫn cứ như tôi thế này (Lục bát). Aristotle nói thơ thật hơn lịch sử, tôi xin phép nhại triết gia: thơ thật hơn nhà thơ.

3.
35 năm trước, tôi đọc ra Trần Vàng Sao là một nhà thơ cách tân. Năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xuất bản công trình nghiên cứu 1100 trang, Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015, ghi nhận Trần Vàng Sao là 1 trong số 69 nhà thơ cách tân trong 40 năm qua. Theo tôi, trường hợp Trần Vàng Sao, anh đã làm thơ cách tân từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước. Gần như đời thơ Trần Vàng Sao chỉ theo đuổi một đề tài: Đất nước và Tôi. Nhưng Đất nước trong thơ anh không theo dòng sử thi trầm hùng bi tráng quen thuộc của thơ ca Việt, mà thật và gần như “manh áo rách của mẹ”, “tiếng chó sủa đầu ngõ”, “cơn mưa tối tăm mặt mũi”, “những bông mía trắng gió thổi ven sông”… Tôi trong thơ Trần Vàng Sao là cái tôi cá nhân một Nguyễn Đính yêu mẹ, yêu đất nước mình, cũng là Nguyễn Đính chính danh bi kịch một đời lên bờ xuống ruộng: tôi ký tên tôi/ nguyễn đính/ thơ tôi là đời tôi là tôi đây…/ hãy lấy thơ tôi đắp mặt cho tôi… (Sự tích tôi làm hề). Đó là chỉ dấu đầu tiên của thơ cách tân. Lại cũng là cái tôi hóa nhập người khác, như người mất trí, như thằng hề, hoặc một lúc cả hai – thằng hề mất trí: Tôi đeo mặt nạ vẽ tôi là hề/ Rồi thổi kèn nhảy múa một mình tôi…/ Khán giả vỗ tay la ó/ Tôi cười thật to…/ Tôi xin cất mặt nạ ra cúi chào mọi người thân mật/ Không có ai ở trong và ở ngoài sân khấu này/ Đêm có mùi cỏ khô và rơm ướt… (Khoảng trống ngoài sân khấu). Đặc sắc nhất vẫn là cái tôi tài hoa chân thật nghệ thuật trong bài Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình. Ở tuổi đỉnh cao của đời một đàn ông, Nguyễn Đính – Trần Vàng Sao nói gì về mình? Ai chưa đọc hãy tìm đọc. Ai đọc rồi nên đọc lại. Đọc để biết đau đớn, đọc để còn hy vọng… Thơ Trần Vàng Sao vẫn có nhạc tính của ngữ điệu tự nhiên nhưng thường không vần, trúc trắc, gập ghềnh, dài ngắn tùy hứng, chỉ cốt thể hiện trạng thái cảm xúc: Tôi thèm một miếng mỡ/ Miếng mỡ to và dày nằm trong một thứ nước đặc đóng váng/ Miếng mỡ ở trong miệng tôi/ Tôi cắn/ Miếng mỡ kêu bụp đứt ngang/ Nước chảy giữa hai hàm răng/ Tôi nuốt/ Miếng mỡ trôi qua cuống họng/ Tôi mất đà/ Gió thổi chao ngọn đèn… (Bây giờ tôi trông mỗi ngày có gạo ăn). Những lát cắt, những mảnh ghép thi ảnh đa chiều, thường rơi vào cuối đoạn, mở ra những liên tưởng thật bất ngờ và xao động. Ngôn ngữ ngày thường chảy thấu vào mạch thơ Trần Vàng Sao tự nhiên như lời nói cuộc đời thô mộc ngoài kia mà sao đọc chảy nước mắt: con tôi là Phan Văn Tốt/ cấp bực trung sĩ/ vào Nam năm 1968/ chết đâu ở Quảng Trị/ có ai biết xác con tôi chôn ở đâu không/ chỉ cho với/ tôi chỉ có một thằng con/ tôi không còn ai hết/ tôi là Phan Văn Sáu/ 72 tuổi/ ăn mày ở thị xã Phú Thọ… (Gọi tìm đồng đội). Và tôi muốn nói thêm về một chỉ dấu của thơ cách tân: làm mới vốn văn học truyền khẩu dân gian. Trước hết thử nghe “bà Huế” chưởi mất gà: tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp/ cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng/ bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà/ bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh/ bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn… để thấy Trần Vàng Sao tỏ ra xứng đáng là “hậu duệ”: Kêu trời không thấu/ tau phải câm miệng hến/ không được nói/ không được la hét/ nghĩ có tức không/ tau chưởi/ tau phải chưởi/ tau chưởi bây/ tau chưởi thẳng vào mặt bây/ không bóng không gió/ không chó không mèo/ mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước/ giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây/ đặng nghe tau chưởi… Mong nhà thơ sớm được trả lại thứ đã bị đánh cắp.

4.
Nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi ngày 9 tháng 5 năm 2018.

Comments are closed.