“Trí thức thích phụng sự hơn là phục vụ”

Lyudmila Ulitskaya

Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

Dịch giả gửi Văn Việt

unnamed

Nhà văn Lyudmila Ulitskaya

Ngân Xuyên: Lyudmila Ulitskaya, sinh năm 1943, là nữ nhà văn Nga nổi tiếng. Các tác phẩm của bà đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt (truyện vừa “Sonechka”, 2010). Bà đã được nhận nhiều giải thưởng văn học uy tín như giải Médicis của Pháp (1996) dành cho tác phẩm nước ngoài xuất sắc nhất, giải Booker Nga (2001), giải Sách Lớn (2007)… Dưới đây là bài phát biểu của bà tại phiên họp thứ nhất của Hội nghị trí thức Nga “Chống chiến tranh, chống sự tự cô lập của nước Nga, chống sự phục hồi chủ nghĩa toàn trị” mà bà là một trong những người sáng lập, diễn ra tại Thư viện quốc gia toàn Nga về văn học nước ngoài ngày 19/3/2014. Đầu đề là của người dịch.

 Thưa các bạn thân mến,

 Chúng ta đã có mặt ở đây, những người tự xưng là trí thức, những người bị gọi là lớp đệm giữa các giai cấp, nhưng là những người tin mình là muối, chúng ta – những người tìm kiếm chân lý và hoài nghi, tin vào lẽ phải của mình, nhưng luôn dao động và cắn rứt lương tâm, thậm chí không biết đưa ra một định nghĩa chặt chẽ cho cái hiện tượng mà mình đang là.

Đôi khi chúng ta coi mình là bộ não của dân tộc, nhưng lúc này lúc khác các lãnh tụ dân tộc của chúng ta, như Vladimir Ilich Lenin chẳng hạn, lại gọi chúng ta là “đồ cặn bã của dân tộc”. Điều này cho đến nay vẫn quy định thái độ của các nhà cầm quyền chúng ta đối với chúng ta. Và đôi khi buộc phải suy nghĩ. Nhưng truyền thống của chính quyền đối với tầng lớp chúng ta đã là vậy rồi. Bất luận điều gì xảy ra ở nước Nga, khi cần tìm thủ phạm thì trước hết hoặc là trí thức, hoặc là dân Do Thái, hoặc là kẻ thù từ Lầu Năm Góc.

Tôi xin phép được đưa ra định nghĩa riêng về trí thức hôm nay: trí thức là người có học vấn, thích phụng sự hơn là phục vụ.

Đôi khi chúng ta khó mà dàn xếp được với nhau vì chúng ta là những người suy tư, do đó là khác nhau, vì quá trình suy tư là khác với việc chấp nhận dễ dãi những khuôn mẫu do ai đó tạo ra, ngay cả nếu những khuôn mẫu đó đã từng có lúc là những tư tưởng sống động, tươi mới.

Nếu từ thời Chekhov có thể nói rằng chúng ta là tầng lớp có học thì thời nay chúng ta không dám quả quyết vậy nữa, bởi vì học vấn của chúng ta đã thôi mong muốn điều tốt đẹp.

Nếu từ thời Korolenko có thể nói rằng chúng ta, giới trí thức, đang làm một việc quan trọng là phụng sự xã hội thì nay chúng ta không thể tuyên bố được vậy.

Nếu từ thời Tolstoy có thể nói rằng chúng ta đi tìm kiếm chân lý chứ không phải lợi lộc, thì hôm nay chúng ta xấu hổ cúi đầu.

Nhưng có những phút giây trong đời sống đất nước, khi tất cả chúng ta cùng nhau thở hắt ra: “Tôi không thể im lặng nữa!”. Đấy chính là lý do chúng ta họp mặt hôm nay.

Thời gian của chúng ta còn rất ít – xét theo tất cả các nghĩa. Một cuộc chiến tranh quy mô bao trùm mà chúng ta muốn ngăn chặn sắp sửa nổ ra. Nhiều người trong chúng ta không còn trẻ nữa – thế có nghĩa là chúng ta chẳng còn nhiều thời gian sống cá nhân. Và gian phòng này, nơi đặt Thư viện văn học nước ngoài, nơi chúng ta muốn thoát ra sau vài giờ nữa, một khoảng thời gian chẳng nhiều nhặn gì, thêm nữa là tất cả chúng ta ai cũng có việc ở nhà mà ta tạm gác lại để đến đây gặp nhau.

Hôm nay chúng tôi dự định làm mọi việc thật ngắn gọn: chúng ta sẽ nghe những bản báo cáo ngắn của các vị chuyên gia đáng kính – nhà chính trị học, nhà sử học, nhà kinh tế học. Các vị chuyên gia sẽ đánh giá hậu quả việc sáp nhật Krym vào Nga, một sự kiện đang khiến toàn dân hân hoan nhưng lại rất nguy hiểm cho ngày hôm nay. Sau đó chúng ta sẽ phát ra một lời kêu gọi – Gửi xã hội? Gửi nhân dân? Gửi chính phủ? Tôi không biết.

Văn bản lời kêu gọi chúng tôi đã chuẩn bị trước. Nó do một số người có chuyên môn mất nhiều công sức soạn ra. Có thể trong đó chúng tôi đã nhượng bộ một điều gì đó. Hoặc giả chúng tôi đã nói điều gì thừa. Thôi đành vậy: phản tư vốn là phẩm chất của người trí thức.

Từ phía mình tôi có thể nói thêm rằng đó là tài liệu khó khăn nhất, là văn bản khó khăn nhất mà tôi buộc phải nhúng vào, dù đã có ít nhất bảy người soạn thảo.

Tôi rất muốn chính quyền – mà theo Mayakovsky “Khi chúng ta nói Đảng là ngụ ý nói Lenin”, lắng nghe tiếng nói của chúng ta. Điều chúng ta mong muốn hơn nữa không phải là xung đột với chính quyền mà là hợp tác với nó vì sự phồn vinh của đất nước, vì việc giải quyết các vấn đề thực tế – y tế, giáo dục, đấu tranh chống nghèo đói. Nói thẳng ra, đó chính là chức năng duy nhất của nhà nước. Và còn việc bảo vệ biên giới khi các kẻ thù thật và giả đang đe dọa đất nước. Nhưng ơn nhờ nền chính trị của chúng ta, việc bảo vệ biên giới vào lúc này lại là cơn đau đầu của láng giềng chúng ta.

Đáng tiếc, một loạt triệu chứng khủng khiếp thời gian qua – sự đóng cửa các phương tiện truyền thông đại chúng độc lập, cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào quyền tự do ngôn luận, sự leo thang hung hăng của các phương tiện tuyên truyền bất tài nhưng tác động mạnh, thói nịnh bợ của bộ máy viên chức mất cảm quan hiện thực và ý thức phẩm giá – tất cả những triệu chứng này khiến chúng ta nghi ngờ khả năng có một cuộc trò chuyện xây dựng và trung thực giữa trí thức và chính quyền. Nhưng chúng ta vẫn sẽ thử xem!

Xin cám ơn! Tôi rất vui được gặp mặt tất cả quý vị trong gian phòng này.

 Nguồn: newtimes.ru

Comments are closed.