Nhật Chiêu
Ở phương Tây, bài Tarot là một hệ thống hình ảnh mang tính tượng trưng, ban đầu là một trò chơi, sau đó được người ta sử dụng như một công cụ bói toán để khám phá, suy tư về cuộc đời, thế giới tâm hồn của con người. Hiện nay Tarot vẫn đang rất phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam còn chưa nhiều người biết đến, nhất là biết đến Tarot với tư cách là một cẩm nang chứa đựng triết lý về con người và cuộc đời của phương Tây, chứ không phải đơn thuần chỉ là một trò chơi hay công cụ bói toán. Lần này nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã kết hợp giới thiệu triết lý Tarot trong sự đối chiếu với Truyện Kiều. Đây vừa là một cách tiếp cận Tarot độc đáo, đồng thời cũng vừa là một khám phá đặc biệt trong cách nghiền ngẫm Truyện Kiều.
Cỗ bài Tarot 78 lá thường được xem là Kinh Dịch của phương Tây, một Kinh Dịch thể hiện bằng hình ảnh và cổ mẫu. Đầy huyền bí và hiền minh.
Vậy nên có thể nói về một triết lý Tarot (Tarosophy) hoặc một hiền minh Tarot (Tarot wisdom).
Nguồn gốc Tarot vẫn còn mờ ảo nên tốt hơn là chớ bận tâm làm gì. Chỉ biết cỗ bài Tarot lưu hành từ thời Phục Hưng nhưng chưa bao giờ phát triển phong phú như hiện nay với hơn 500 bộ có phong cách thiết kế khác nhau, dù ta vẫn nhận ra 78 ý tưởng chung ở từng bộ.
Tarot có hai tụ chính: Major Arcana và Minor Arcana (Đại cẩm nang và Tiểu cẩm nang).
Đại cẩm nang gồm 22 lá, từ lá Khờ không số (hay số Không) đến lá Thế Giới số 21.
Tiểu cẩm nang gồm 56 lá chia làm bốn tượng:
(1) Wands (gậy) tượng Lửa, thuộc ý chí, sáng tạo, hành động.
(2) Cups (chén) tượng Nước, thuộc cảm tính, nội tâm, vui buồn.
(3) Swords (gươm) tượng Gió, thuộc lý tính, ý thức, phán đoán.
(4) Pentacles/Disks (đĩa) tượng Đất, thuộc kinh nghiệm thực tiễn, thể chất, kỹ năng.
Mỗi Tượng gồm 10 lá đánh số (từ Ace, 2 đến 10) và 4 lá cung đình (bồi, hiệp, vua, hậu).
78 lá Tarot thể hiện các tính cách con người trong những cảnh đời khác nhau với tính khái quát tinh tế và diệu kỳ.
Chính vì thế mà khi nhìn vào hình ảnh Tarot, không những ta đọc ra những câu chuyện hằng ngày mà còn thấy ở đó những huyền thoại, biểu tượng, tiểu thuyết, thơ ca, phim ảnh,…
Không lạ gì mà có những bộ Tarot lồng thần thoại Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Nghìn lẻ một đêm, Alice trong Xứ diệu kỳ, Dracula,…
Và tất nhiên ở Việt Nam ta liên tưởng đến Truyện Kiều, một kiệt tác mà ta có thể tập và lẩy trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Ta có thể phủ toàn bộ 78 lá bài Tarot bằng các câu thơ Kiều tuyệt diệu. Hình ảnh và ngôn từ sẽ quyện vào nhau để hiện lên con người.
Bắt đầu với Đại cẩm nang 22 lá. Dùng bộ Tarot kinh điển Rider-Waite, ta sẽ đi theo từng lá, khởi đầu với lá số Không là Khờ. Bởi vì Đại cẩm nang là cuộc phiêu lưu của Khờ. Khờ quẩy hành trang lên đường, đi vào cuộc sống, gặp gỡ, lăn lóc trong vui buồn, chết cái tôi cũ và sáng tạo cái tôi mới, là bản diện mà cũng là thế giới.
Như vậy, Khờ là Ta chứ ai, là đứa trẻ bên trong Ta. Thử hình dung đứa trẻ đó đi theo Khờ, mở đời sống ra. Thử hình dung lúc Kiều còn thơ ngây. Rồi bước ra, rồi bước đi.
Toàn cảnh Tarot và Truyện Kiều sẽ được tương chiếu như sau:
(1) Đại cẩm nang (từ thơ ngây đến thế giới): Câu chuyện đời Kiều.
(2) Tượng Nước (chén): Quan hệ giữa Kiều và KimTrọng.
(3) Tượng Đất (đĩa): Quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh.
(4) Tượng Lửa (gậy): Quan hệ giữa Kiều và Giác Duyên.
(5) Tượng Gió (gươm): Quan hệ giữa Kiều và Từ Hải.
Ở đây chúng tôi giới thiệu bộ Đại cẩm nang, tức về cuộc lữ hành của Khờ, tương ứng với lữ hành của Kiều – một hành trình từ ngây thơ đến thế giới.
Lá 0: Khờ (Fool)
Trong Tarot, lá 0 vẽ một thiếu niên quẩy hành trang, tay cầm đóa hồng bạch (tâm hồn trong trắng) bước đi mà không để ý là đã đến cận bờ vực.
Trong Truyện Kiều, đóa hồng ngây thơ đó (the white rose of innocence) là nàng Vương Thúy Kiều:
– Nhớ từ năm hãy thơ ngây (c.413)
– Thương lòng con trẻ thơ ngây (c.615)
– Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì (c.956)
Một con đường mới đang phơi ra trước người thơ ngây. Chẳng biết được cái gì đang chờ, hỡi đôi mắt trong sáng.
Lá 1: Pháp sư (Magician)
Lá số 1 vẽ một chàng pháp sư, tay phải cầm gậy pháp thuật hướng lên trời và tay trái đang chỉ xuống mặt đất nở hoa. Trên bàn trước mặt là bốn biểu tượng: chén, đĩa, gậy, gươm.
Tình yêu cũng có pháp thuật của nó. Kim Trọng hiện ra trước mắt Kiều như “cây quỳnh cành dao”:
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thế cây quỳnh cành dao (c.144)
Và trong thư phòng khi đón Kiều, Kim Trọng cũng có các “pháp bảo” tình yêu khá là tương ứng với gậy, chén, gươm, đĩa!. Đó là: bút (ghi lời thề), chén (uống rượu), dao vàng (cắt tóc làm tin), đài sen (đế cắm nến).
Sau này, khi tái hợp, Kiều đã ca ngợi Kim:
Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta (c.3182)
Pháp sư cầm gậy là hình ảnh của một người sáng tạo, một người như nhà thơ Nguyễn Du đã tạo dựng một thế giới đầy bi cảm, nơi cái đẹp bị vùi dập bao lần nhưng không có gì hủy diệt nổi. Cái đẹp Kiều dẫu bao lần hóa thân vẫn có thể “gạn đục khơi trong” nhờ pháp thuật tình yêu.
Lá 2: Linh nữ (High Priestess)
Một nữ tư tế đền thiêng cầm kinh trên tay, áo choàng tuôn chảy như nước (tâm linh), dưới chân là vầng trăng khuyết (nguyên lý nữ tính). Nàng như là kẻ song trùng của Kiều, “chị em” của Kiều:
Hữu tình ta lại gặp ta
Chớ nề u hiển mới là chị em (c.128)
Đạm Tiên và Kiều lẽ ra là cư dân của một cõi Đào nguyên ngoài cõi thế:
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây (c.192)
Hay đúng ra, cái hồng nhan của họ làm cho cõi hồng trần này có lúc trông như cõi Đào nguyên.
Đó là cái huyền bí nữ tính gọi là “THƯ” của Lão Tử. Tà áo lung linh nước của Linh Nữ trông như lời thơ Đạo Đức kinh:
Thủ kỳ thư
Vi thiên hạ khê
(cứ làm con mái mà chơi, làm khe suối nhỏ cho đời)
Nhưng thay vì đọc Kinh, họ đọc sổ Đoạn trường!
Lá 3: Nữ vương (Empress)
Đây là lá bài của phong túc, nẩy nở, biểu thị hình ảnh Mẹ Đất. Và trong ý nghĩa hiện đại, nó thể hiện hình tượng mẹ (a maternal figure) hay nguyên lý mẹ (Mother principle), linh hồn của chở che dìu dắt.
Do gia biến, hình tượng mẹ trong Truyện Kiều khó thể hiện vai trò đó. Bị đẩy vào thế bị xâm hại, không làm gì được, chỉ có thể khóc cho con:
– Thương lòng con trẻ thơ ngây
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ (c.616)
– Vương bà nghe bấy nhiêu lời
Tiếng oan những muốn vạch trời kêu lên (c.892)
Nhưng hình bóng người mẹ sinh con đẻ cái, trở thành bóng mát và vườn xuân lại ứng với nàng Vân ở cuối truyện:
Thừa gia chẳng hết nàng Vân
Một cây cù mộc, một sân quế hòe (c.3238)
Một nàng Vân ta thấy như thể bước ra từ lá Nữ Vương, không phụ lòng Kiều đã gửi giấc mơ cho nàng!
Lá 4: Đế vương (Emperor)
Qua hình ảnh một đế vương xưa, có thể thấy bóng dáng người cha (the father figure), người chủ. Đúng vậy, nó gợi lên uy quyền. Đó là uy lực của nguyên lý cha (Father principle).
Cũng như lá Nữ vương, trong Truyện Kiều, người cha không thể làm gì cho con khi uy lực cha bị hủy hoại.
– Thương tình con trẻ cha già
Nhìn nàng ông những máu sa ruột dầu (c.656)
– Búa rìu bao quản thân tàn
Nỡ đầy đọa trẻ, càng oan khốc già (c.662)
Và hình bóng người cha như một chỗ dựa vững chắc đầy phúc lộc sẽ ứng với Kim Trọng ở cuối truyện:
– Một nhà phúc lộc gồm hai (c.3235)
– Vườn xuân một cửa để bia muôn đời (c.3240)
Lá 5: Đạo sĩ (Hierophant)
Đạo sĩ là người hướng dẫn trong thế giới tâm linh, người giúp ta nhìn rõ bản chất của mình. Đó cũng là một nhà tiên tri có thể chỉ ra con đường sẽ đi, gây ảnh hưởng một đời.
Lá số 5 này ngày xưa từng mang những cái tên khác như Pope (Giáo hoàng) hay Bachus (Tửu thần) gợi nên những ý nghĩa có phần khác biệt.
Có một nhân vật khá bí ẩn mà Kiều từng nhắc tới, gọi là “tướng sĩ” (thầy xem tướng), đã ảnh hưởng đến tính cách Kiều rất nhiều:
Nhớ từ năm hãy thơ ngây
Có người tướng sĩ đoán ngay một bài
Anh hoa phát tiết ra ngoài
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa (c.416)
Kiều phải đi con đường của mình, dù có lời đoán ấy hay không.
Lá 6: Người tình (Lovers)
Đây là lá của những quan hệ tình cảm, lá của những người tình và lá của chọn lựa.
Trong khung cảnh địa đàng, dưới cánh thiên thần là cặp tình nhân đứng trước cây Hiểu biết và cây Đời sống.
Mối tình đầu của Kiều diễn ra ở hiên Lãm Thúy với Kim Trọng phảng phất mùi hương địa đàng:
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng (c.440)
Nhưng Kiều phải chọn lựa. Phải ăn quả táo đắng nhất trần đời: bán mình.
Dấn thân vào chốn lưu đày, Kiều vương vào những mối tình khác: Thúc Sinh và Từ Hải.
Lá 7: Cỗ xe (Chariot)
Cỗ xe có 2 ngựa (hay nhân sư) một trắng một đen (tốt và xấu) biểu thị cho du hành và xung đột. Người trên xe ăn mặc tráng lệ nhưng không cầm cương, một chuyến đi tự do. Tốt xấu do chàng quyết định.
Một lá bài như vậy rất ứng với Thúc Sinh. Trong Truyện Kiều, chuyện đi lại trên đường của chàng được miêu tả nên thơ nhất. Chàng cũng là nhân vật nam có nhiều xung đột ngoại cảnh và nội tâm nhất:
– Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an (c.1521)
– Được lời như cởi tấc son
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng (c.1604)
Nguyễn Du gọi đích danh chàng là “khách du”: Khách du bỗng có một người (c.1275).
Lá 8: Dũng khí (Strength)
Bức tranh người đàn bà đang bình thản chinh phục con sư tử đang há miệng với vẻ dịu dàng và hoa cho thấy đây là sức mạnh tự chiến thắng mình, điều tưởng dễ mà khó.
Người vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư có một bản lĩnh như vậy:
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan! (c.2360)
Đối thủ của Hoạn Thư chính là Kiều cũng không hề kém cạnh. Dũng khí của Kiều bộc lộ nhiều lần khi đối đầu với bạo tàn, quyền lực để quyết giữ phẩm giá con người:
Nàng rằng: Đã quyết một bề
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần
Đục trong thân cũng là thân
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình (c.1425)
Lá 9: Ẩn sư (Hermit)
Tự soi đường cho mình đi cũng là soi đường cho kẻ khác với chiếc đèn lồng tỏa ánh sáng êm dịu. Nhưng người cầm đèn này không chỉ đường đi đến phù hoa mà chỉ muốn ẩn mình và mời chúng ta ẩn mình: chiêu ẩn.
Chùa đâu trông thấy nẻo xa
Rành rành Chiêu Ẩn am ba chữ bài
Xăm xăm gõ mé cửa ngoài
Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong (c.2038)
Sau khi đưa Kiều về với bến bình an của gia đình thì:
Sư đà hái thuốc phương xa
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu (c.3232)
Đúng như cái tên của sư: Giác Duyên. Tạo cơ duyên và giác ngộ cho đời.
Lá 10: Vận mệnh (Fortune)
Hình ảnh bánh xe của vận mệnh (The Wheel of Fortune) là bánh xe của vòng mùa cũng như vòng đời. Biết tiếp đón mùa xuân thì cũng phải biết tiếp đón mùa đông.
Khi mất Kiều, Thúc Sinh tìm cách đẩy thương nhớ vào vòng mùa, nỗi riêng vào đời hoa:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương (c.1798)
Cuộc đời mỗi người xoay vần, chuyển vần theo một bánh xe huyền bí. Cũng theo Nguyễn Du:
Khéo thay, gặp gỡ cũng trong chuyển vần! (c.2702).
Lá 11: Công chính (Justice)
Cả thanh gươm giơ cao và cán cân nằm trong thế quân bình kia đều về chuyện thực thi công lý. Và công lý là cái cần thực thi, không cần nói.
Từ rằng: Ân oán hai bên
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh
Nàng rằng: Muôn cậy uy linh
Hãy xin báo đáp ân tình cho phu
Báo ân rồi sẽ trả thù
Từ rằng: Việc ấy để cho mặc nàng (c.2324)
Tất nhiên, công lý không chỉ là chuyện ân oán hay luật pháp. Đó còn là tìm kiếm cái quân bình (balance) trong tâm hồn, trong cách tiếp cận những xôn xao và náo loạn nơi cõi người ta. Đó là trung dung.
Lá 12: Treo ngược (Hanged man)
Đó là một người đang treo ngược. Nhưng quanh đầu rạng ngời hào quang, hai cánh tay chắp sau lưng và một chân thì co lại ung dung. Tư thế lạ lùng này cho thấy một hành giả đang hành xử ngược đời, đang nhìn sự vật bằng con mắt khác biệt, độc sáng.
Thực ra, trong mắt người đời, anh bị lật ngược. Những kẻ nổi loạn, phản kháng thường bị nhìn như thế và sẽ bị xử tử theo cách mà người ta nhìn thấy.
Như đối với nhân vật Từ Hải:
Đòng thu như xối cơn sầu
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra (c.2536)
Cuối cùng, cũng chỉ có họ (Kiều và Từ Hải) là vấn vít oan khí với nhau.
Lá 13: Chết (Death)
Ai chết đó? Tất nhiên là đời sống vượt lên bằng những cái chết cá thể. Nhưng ý nghĩa của lá bài này là có một cái gì đó (công việc, mối tình, một giai đoạn, một xung đột…) đang kết thúc. Sau đó là một cơ hội mới đang mở ra.
Từ Hải chết. một giai đoạn mới trong đời Kiều đang mở ra. Nàng tự trầm nhưng phục sinh.
– Trông vời con nước mênh mông
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang (c.2636)
– Giác Duyên nhìn thật mặt nàng
Nàng còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai (c.2710)
– Nạn xưa trút sạch làu làu (c.2737)
Cái xưa cũ đã chết. Con người phục sinh.
Lá 14: Dung hợp (Temperance)
Một thiên thần cầm hai chén nước (hoặc chén lửa và nước) mà rót vào nhau để pha thành một hợp chất mới theo cách mà một nhà hóa kim thuật thần diệu có thể làm hoặc như một họa sĩ thiên tài đang pha màu.
Dung hợp những yếu tố khác biệt, thậm chí đối nghịch chính là Nghệ thuật sống, chính vì thế lá bài này được gọi là Art trong bộ Tarot của Crowley.
Trong khi lá 11 Công chính thể hiện tính chất quân bình trung dung thì ở đây ta có tinh thần dung hợp, hòa điệu (integration, harmony).
Một tinh thần như vậy ứng với nhân vật Tam Hợp đạo cô, người mà Kiều chưa từng gặp bao giờ nhưng lại chịu ảnh hưởng sâu đậm qua lời kể của Giác Duyên.
Tư tưởng của Tam Hợp đạo cô, mà có thể là của chính Nguyễn Du, dung hợp cả Nho, Phật, Đạo và từ đó chuyển hóa những Phúc và Họa, những Tình và Tu, những Tài và Mệnh… vào một chữ TÂM (lòng người):
Sư rằng: Phúc họa đạo trời
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra
Có trời mà cũng tại ta (c.2657)
Có những hoàn cảnh mà ta bị ném vào (trời) nhưng quan trọng vẫn là cách mà ta ứng xử, tương tác để sáng tạo nên màu sắc của chính ta.
Lá 15: Ma quỷ (Devil)
Ma quỷ thường “mọc” trong lòng ta. Thế nên lá bài này còn được gọi là Cám dỗ (Temptation). Nhưng đam mê không hẳn là xấu. Chỉ là không nên để cho tâm mình bị ràng buộc hệ lụy khiến cho tinh thần dung hợp ở lá trước không thể hiện thành.
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối, quỷ đưa đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi (c.2665)
Đam mê nếu có thể kết hợp với linh hứng thì đời sống có thể chuyển hóa:
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
Tẻ vui bởi tại lòng này (c.3209)
Ma quỷ thảm sầu đã phải bay đi.
Lá 16: Lầu tháp (Tower)
Tia chớp đánh tan lầu tháp. Không còn tháp ngà để ẩn trú, con người bị đánh bật đi và rơi như lá trong dông tố.
Đây là lá bài của đổ vỡ (breakup).
Kiều đã rơi từ các “lầu tháp” sau đây:
– Lầu trang: Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang (c.630)
– Lầu Ngưng Bích: Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu/ Cùng nhau lẻn bước xuống lầu (c.1117)
– Lầu thư: Bước vào chốn cũ lầu thư/ Tro than một đống, nắng mưa bốn tường (c.1672)
– Quan Âm các: Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh (c.2020)
– Chiêu Ẩn am: Nghĩ mình túng đất sẩy chân (c.2115)
– Thành trì: Tin lời thành hạ yêu minh (c.2503)
– Cửa bồng: Kiều từ gieo xuống duềnh ngân/ Nước xuôi bỗng đã trôi dần tận nơi (c.2704)
Bảy lần rơi như vậy có thể nói là rơi tận đáy sâu của đau thương, vậy mà Kiều vẫn vươn dậy như một con người có tâm.
Chính ánh sao của niềm hy vọng đã dẫn con người bước tới, những người như Kiều. Một kiều nữ khỏa thân (không màng vật chất) đang đổ hai vò nước xuống đất và xuống hồ, tượng trưng cho Cho và Nhận, mang ý nghĩa tâm linh sâu thẳm.
Nhờ ánh sao này mà con người mới có thể tìm thấy nhau qua bao nhiêu loạn lạc. Vì có trời cũng như có đất:
Một lời đã trót thâm giao
Dưới dày có đất, trên cao có trời
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh (c.3088)
Lá 18: Trăng (Moon)
Đây là lá bài của ảo vọng (illusion), khác với lá trước. Vầng trăng mọc giữa hai tòa tháp, chẳng biết tháp nào tốt xấu thực hư. Dưới trăng, chó thì sủa, tôm thì ngoi lên bờ như dấu hiệu của hoang mang lầm lạc.
Há không thấy vầng trăng tròn và sáng kia?
Nó sẽ khuyết và tối tăm, phải không?
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn (c.3100).
Lá 19: Mặt trời (Sun)
Với ánh sáng rạng ngời soi chiếu cỏ hoa và bé thơ cưỡi ngựa bạch, lá Mặt trời được xem là lá bài tốt nhất của Tarot (the best card in tarot).
– Chuyện trò chưa cạn tóc tơ
Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông (c.9216)
– Ba sinh đã phỉ mười nguyền
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy (c.3226)
Cuối cùng, Kiều cũng chinh phục được hạnh phúc. Bởi vì nàng luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác trong bao dung.
Lá 20: Nghiệp duyên (Judgment, Karma)
Hình ảnh của phán xử khi thiên thần thổi hồi kèn vang dội từ trên mây cao và người chết đội mồ lên chầu. Nhưng ý nghĩa của nó thì sâu xa hơn.
Đây là lá bài của sinh tử, Karma và luân hồi. Nói tắt, đây là lá bài của Nghiệp duyên (Karma card).
Hãy nhận lấy những gì đời sống mang đến và thường xuyên tạo ra những cơ hội tốt lành (nhận nghiệp và tạo duyên) bằng thái độ lịch lãm bao dung và như Kiều nói, “gạn đục khơi trong”. Hoặc như Tam Hợp đạo cô:
Sư rằng: Song chẳng hề chi
Nghiệp duyên cân lại, nhắc đi còn nhiều (c.2680)
Đó là Tam Hợp nhắc đến nàng Kiều. Cần nhắc lại, Kiều tưởng như đã chết sẽ sống lại và tương phùng với những điều thân yêu. Trong chính lời Kiều:
Nàng rằng: Chút phận hoa rơi
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay
Tính rằng mặt nước chân mây
Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?
Được rày tái thế tương phùng
Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay (c.3040)
Sau mười lăm năm, Kiều lại bình an nhưng là một niềm bình an không ảo tưởng mà đầy hiểu biết:
Những từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm, mới bây giờ là đây
Tình duyên ấy, hợp tan này
Bi hoan mấy nỗi, đêm chầy trăng cao (c.3140).
Lá 21: Thế giới (World)
Một người nữ mình trần, đội vòng nguyệt quế, nhảy múa với hai cây gậy nhỏ trong không gian kết hoa và bốn biểu tượng: quyền lực tâm linh (thiên thần), cái nhìn toàn cảnh (đại bàng), trí tuệ (sư tử) và sức mạnh (bò tót).
Đó là thế giới như khải hoàn môn mà ta bước vào để nhảy múa, chúc mừng thành tựu của chính ta khi tâm ta là Thế giới.
Trong vài cỗ bài xưa, hình ảnh trong lá Thế giới là con người lưỡng tính (hermaphrodite) thể hiện cả nam tính và nữ tính trong nguyên hợp của vũ điệu âm dương.
Ở đây ta mở rộng chân trời, giải lãnh thổ, có cái nhìn toàn cảnh và cảm thức vũ trụ. Lá cuối cùng này của Đại cẩm nang còn mang tên là Vũ trụ (Universe).
Để thể hiện cái nhìn đó ở Truyện Kiều, ta thử kết hợp những câu thơ nằm xa nhau vào một cuộc chơi mới của tư tưởng Nguyễn Du về thế giới, về cõi người ta:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
Thoa này bắt được hư không
Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Nỉ non đêm ngắn tình dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
Chính Tâm đã sáng tạo ra Thế giới. Để làm gì? Để làm gì vũ điệu mê hồn này? Để vui, thế thôi.
N. C.