Trịnh Y Thư, lắng nghe hài cỏ…

Nguyễn Thị Khánh Minh

clip_image002

Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyên Khai

*

Nhờ duyên layout sách mà tôi được biết nhà thơ, dịch giả nổi tiếng Trịnh Y Thư. Ấn tượng đầu tiên gieo vào ý nghĩ tôi là, cái ông nhà thơ này khó quá. Tôi không nhìn qua phong thái nhà thơ, cũng không dịch giả, mà qua một trí thức, có học vị, nghề nghiệp ổn định, thì đó là một người mà tầm hiểu biết rất thuyết phục người đối diện, nghiêm nghị, ít nói, và cầu toàn – ít ra là trong việc layout mà tôi nhận thấy thế. Tôi thực sự căng thẳng. Hôm nay, xin thú thật với nhà thơ rằng, hồi nhận layout sách, tôi chỉ mới vừa “tốt nghiệp” sau mấy giờ học qua điện thoại do một anh bạn hướng dẫn. Và thế là thực tập ngay bằng Chỉ Là Đồ Chơi của Trịnh Y Thư. (Có phải để ở đây lời xin lỗi không? Nhưng Chỉ Là Đồ Chơi cũng đạt yêu cầu đấy chứ, có điều ở đó tôi có chút buồn riêng. Và cũng xin nói thêm, Chỉ Là Đồ Chơi là cuốn thứ hai trong nghề dàn trang của tôi.)

Như vậy, thì phút ban đầu biết nhau không qua văn chương mà là công việc. “… Chị có thể cho những dòng nhạc này ngay không?”, “… Chỗ này chị thụt chữ vào theo standard là được.”, “… Đoạn này cách như cuốn mẫu tôi đưa cho chị …” (Ông ơi, tôi nhủ thầm, theo standard là cái quái gì thế, biết cho, anh bạn tôi dạy theo kiểu mì ăn liền!). Thế đó. Và khi bản xem trước trả về cho tôi, thì đầy những notes phải sửa chữa! Thưa nhà văn, chẳng phải tay nghề tôi tệ, mà chỉ vì những con chữ trong tập văn Chỉ Là Đồ Chơi cuốn hút, tôi quên mất mình đang làm việc, tôi đọc, đọc, rồi đâm lơ là phần chăm sóc kỹ thuật. Thế thì cũng đáng châm chước cho tôi, phải không?

Sau đó, tôi đã viết vào tập tản văn của mình:

… Khi đánh máy tập tản văn này, 2013, tôi được đọc Trịnh Y Thư trong tạp bút Chỉ Là Đồ Chơi, nói là: “… chúng tôi – vài người bạn văn còn sót lại trong cái thị trường chữ nghĩa ở hải ngoại – cũng thích ra ngồi quán lắm … đến ngồi hàng giờ nói chuyện vãn …” Bạn ơi, chuyện vãn, không phải “không đâu” đâu mà là chuyện đất trời với những trăn trở nhân sinh. Và rồi. Bạn tôi, anh tôi, em tôi, và tôi, vẫn miệt mài với chữ, chuyện mà Trịnh Y Thư lại tự hỏi “chẳng thể nào hiểu nổi tại sao chúng tôi vẫn lọ mọ, mày mò viết lách trong hoàn cảnh sống nơi xứ người … như con dã tràng xe cát …” Thưa nhà văn Trịnh Y Thư, những hạt chữ lãng mạn rù quyến những con dã tràng mơ mộng … (Nguyễn Thị Khánh Minh, Bóng Bay Gió Ơi, tr. 31).

Lúc buộc thêm được chút tình bằng hữu, tôi đã viết,

… Sáng đó nói chuyện được nhiều với nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư mới thấy được vẻ trầm tĩnh và những nhận xét sắc nét của anh về cuộc sống cũng như văn chương nghệ thuật, hiểu thêm hơn những điều anh viết trong Chỉ Là Đồ Chơi (tập sách là một đồ chơi nghiêm túc phải được để một chỗ trang trọng trong tủ sách, hoặc, một nơi có thể dễ lấy bất cứ lúc nào, để đọc) … Cũng có chút gặp gỡ sở thích trong bài Ngồi Quán, ở đấy. Và chuyện chữ nghĩa thì, không phải là chuyện dã tràng như Trịnh Y Thư nói đâu, nhà thơ ơi, khi nắng lên gần đỉnh trời vẫn tưởng còn là buổi sáng cà phê … mà, hình như anh còn nợ tôi một khúc tây ban cầm… (Nguyễn Thị Khánh Minh, Bóng Bay Gió Ơi, tr. 243).

Một phác thảo như vậy, để người đọc hình dung được Trịnh Y Thư qua cảm nhận của tôi. Theo thời gian, tôi vẫn đọc thơ anh, đặc biệt ngưỡng phục tài dịch thuật của anh, mà gần đây nhất là tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Brontë (xuất bản 2016).

Muốn biết rõ về một phong cách thơ, phải đọc toàn bộ thể loại mà nhà thơ ấy sử dụng, để phân tích một cách chuyên môn, như vậy mới có được thẩm định tổng quát về họ. Đó là việc làm của những nhà phê bình văn học. Ở đây, tôi chỉ giản lược theo cảm xúc chủ quan của mình từ những bài thơ của Trịnh Y Thư mang lại. Như thể, trên con đường nghìn dặm trái tim, chợt âm vang nhịp đồng điệu, và những bước tôi lần theo chỉ mong là không bị sẩy nhịp hòa âm.

Giờ, thử theo bước chân chàng thơ. Từ hình ảnh quyến dụ tôi:

tiếng gót giày va khẽ

như nhịp điệu một khúc nhạc thanh xuân…

(Những Phiến Lá Từ Tâm)

Sao khiến tôi liên tưởng bước nhảy của The Beatles. Họ có gương mặt đẹp thơ ngây với tóc dài, lịch sự với bộ vest đen, sơ mi trắng, cà vạt đen, giày mũi nhọn soải những bước trẻ trung khiến đường phố như cũng dậy nét thanh xuân, khát sống, mà toát vẻ tài hoa phong nhã. Với tất cả nét sinh động ấy, tiếng gót giày của Trịnh Y Thư lại thổn thức nốt lặng u ẩn, bởi cái rộn ràng của gót giầy như đang kìm lại để chỉ va khẽ thôi. Hình ảnh và âm thanh đầy hấp lực thơ, tiếng gót giày va khẽ rung cảm lạ kỳ, gây nên cảm xúc hứng khởi lẫn u hoài nơi tôi. Chỉ muốn đứng lên xỏ đôi giầy cao gót, nghe thanh xuân khao khát nhún nhẩy, rồi sững lại thời gian, bật khóc. Có lẽ tâm trạng nhà thơ cũng thế, nên lây qua ánh thủy tinh trong veo của chú sóc để thấy phản chiếu lên nỗi nhớ? Như là phải tương phản để trắng thì tinh hơn, và đen thì huyền hơn. Chả phải là trong triết học có hình ảnh con mèo đen đi qua bức tường trắng? Có ai nghĩ tại sao nhìn vào mắt trong veo veo của sóc lại nhớ ra một linh hồn vừa chia tay, lại gắn với cái giãy chết của con sâu? Bởi cái trong veo kia đang là một thực tại sống động trước mắt, và những tôi vừa ở đây như là lời đáp lại cái thăm dò kia, vừa bình thản vừa đa cảm, không biết sao lại gợi tôi hình ảnh, chàng, áo xanh thư sinh nho nhã hài xanh, buông sách xuống, tôi vừa dụi mắt giấc mơ nào …, và người ra đi thực rồi sao …

một chú sóc vụt hiện ra

giương đôi mắt trong veo thăm dò

khiến tôi chợt nhớ

tôi vừa chia tay một linh hồn

tôi vừa gieo vào một đôi mắt

tôi vừa ôm ấp một mái đầu

tôi vừa giẵm nát một con sâu

tôi vừa dụi mắt giấc mơ nào…

(Những Phiến Lá Từ Tâm 1)

Hẳn là nỗi đau chia xa sẽ đằm lại với màu xanh của trời, tao tác của chim và kìa, chiếc cầu bạc, hình ảnh làm tôi chú ý. Nó tượng trưng cho hẹn hò, cho chia tay. (Không biết có ai nói như vậy hay tôi nghĩ ra như thế?) Tôi không nghĩ có một chiếc cầu bạc thật-sự ở đó, bởi nó lung linh … Và biết chăng, vẫn chưa giữ hẹn được một lần, nên còn mong chờ hạnh ngộ, nên lại càng nghe tiếng thúc bách của định mệnh. Hạn tôi về con đường dốc mỏi …

Người ơi, niềm bứt rứt lỗi hẹn thì rồi như bụi phấn hoa li ti quay tít vào duyên nợ chập chùng của vòng luân hồi-nghiệp chướng. Tôi thấy được dưới dòng thơ rất Tây này lấp lánh những thao thức đẫm chất Đông phương, đầy ẩn dụ như thế, theo tôi, đây là nét lôi cuốn của thơ Trịnh Y Thư, trong tân kỳ lại đọng phảng phất châu báu di sản.

Tung toả bụi phấn hoa tình cờ

vòng luân chướng bất diệt – điều kì diệu

đơn sơ như số phận đìu hiu.

Ngày nắng xoá dồng dềnh bờ bụi

tôi ngước nhìn trời xanh – những cánh chim tao tác

chiếc cầu bạc lung linh

góc trời ẩn nhẫn nỗi thương nhớ lạnh câm

Hạn tôi về con đường dốc mỏi

vẫn chưa giữ hẹn được một lần

sông dòng một chảy xuôi

bỏ tôi mỗi lúc mỗi xa thêm lờ lững

Tiếng gõ của định mệnh thực ghê gớm

mỗi lúc mỗi nhanh thêm

tôi nào biết sẽ về đâu khi

mặt đất thâm đen

mặt trời thâm đen

mặt người thâm đen

mặt định mệnh thâm đen

giao ước biển lận trong trò cười nhạo nhiếu

Phiên bản của ngày mai …

(Những Phiến Lá Từ Tâm 2)

Hạt nước lăn tròn dự báo

những tai ương không thể tránh

(Mưa Đêm Tháng Chạp)

Hạt nước lăn tròn những nhiễu nhương

Chiêng chao biên vực cửa vô thường

(Chùm Thơ Lập Xuân 7)

Bàng bạc vị Phật pháp. Tôi dùng chữ vị, bởi chàng chỉ vừa chợt nghe ảo diệu qua cái dụi mắt giấc mơ. Châu báu là đây. Tình cờ hay đã bao lần chiêm nghiệm, những thao thức kiếp người luôn được thể hiện bằng một vòng tròn? … Hạt nước lăn tròn dự báo … Hạt nước lăn tròn những nhiễu nhương … Bụi phấn hoa. Vòng luân chướng. Tròn mơ ảo hợp tan bong bóng nước. Hạt nước mắt tròn một vòng xoắn xuýt sướng khổ … Vòng tròn ẩn dụ của vô thủy vô chung. Không khởi đầu, chẳng kết thúc. Vòng tròn của nguyên lý chân không diệu hữu, như Sư Tuyên Hóa đã giảng, vòng tròn ấy mở ra, thì cùng tận hư không. Khi thu lại có vi trần. Hạt bụi này hay bụi phấn hoa của nhà thơ lại là một hiện hữu nhiệm mầu. Nhà thơ chúng ta đã dự cảm gì trong cái lăn tròn mãi hoài kia? Chợt nghe tiền kiếp chật dày thời gian … Luân hồi miên man trong vòng sinh tử, và cũng mộng ảo đến thế vòng thời gian, chẳng còn đâu là qua đi rồi tới nữa. Ta chỉ là bụi phấn hoa trong hiện hữu tình cờ. Miết miết cơn mộng dài trong khoảnh khắc phù du. Có phải chàng đã nghe từ tận cùng sâu thẳm nhịp nhàng chuông tim, nhắc nhớ hơi thở đang vào ra mà thấy kiếp tro phai hư mộng?

thời gian như vạt bụi
phủ lấp niềm vui thanh xuân
phải bước đến tận cùng bờ vực
tôi mới nhận ra trọn kiếp tro phai
chẳng còn gì ngoài một giấc mơ

(Thiên Thu Một Giấc Mơ Trên Lá Cỏ)

khi tôi trút linh hồn vào đôi mắt ấy

Hơi thở điêu linh

giữa khoảnh khắc phù du

vẫn đủ cho tôi nhận ra

dấu vết vật vã giữa

hạnh phúc và đau thương…

(Mưa Đêm Tháng Chạp)

Dấu vết nào ăn thua với mưa đêm tháng chạp! Đường đi nào, lắng nghe nào cũng phải trải nghiệm gập ghềnh. Thôi nhé, nhà thơ, xin cứ thật trọn vẹn với phút trữ tình diễm lệ … tôi trút linh hồn vào đôi mắt ấy … Đôi mắt tròn. Vâng, tròn. Thế nên, tôi nào biết sẽ về đâu … Cứ thế, đi theo thời gian, không phải lãng tử thấy đâu trời đất cũng nhà, mà như người khách vừa bước xuống tàu đến một nơi rất lạ – trần gian? Đến, và trong kiếp phù mộng ấy người luôn bị ám ảnh bởi sự ra đi, nếu cảm rằng đây là chốn lạ, ắt nơi kia là một mong mỏi, và lúc này đang là những thao thức.

Lẽo đẽo thời gian như khúc kinh chiều thoi thóp

tất cả đi về dửng dưng – chẳng có gì khác lạ

(Những Phiến Lá Từ Tâm 1)

tôi nghe ngóng mãi từ thiên thu

những ước hẹn thưa dần ngày mai bầu trời vẫn thế

(Những Phiến Lá Từ Tâm 1)

Tôi chờ đợi gì khi chuyến tàu đã ra đi

trở lại bến bờ nào khi chẳng đâu là chỗ ẩn

(Những Phiến Lá Từ Tâm 4)

Thành phố lạ, biển đen không đâu là nhà

tên tuổi lãng quên như râu tóc

bản nháp cuộc đời viết mãi chưa xong

Đêm trổ mưa, đi về như cơn mộng

rượu đỏ máu bầm cũng thế thôi

ngan ngát hoàng lan chờ bên khung cửa

(Tháng Ba, Hãy Trôi Đi)

Tiếng chuông gọi người-mộng mơ hồ giữa rượu đỏ máu bầm thức dậy là hương hoàng lan, bên khung cửa. Cửa nhà quen, chàng về, hay khung cửa hẹn, chàng đến?

Một điểm mốc, tạm là điểm đi nhé, giữa khoảnh khắc phù du hạnh phúc và đau khổ của chàng.

tôi nào biết sẽ về đâu khi

mặt đất thâm đen

mặt trời thâm đen

mặt người thâm đen

mặt định mệnh thâm đen

(Những Phiến Lá Từ Tâm 2)

Tôi run sợ trước định mệnh

khốc liệt đang bủa vây

như màn đêm trước mắt tôi

phủ lấp nhân gian

quả quyết một thời bão nổi

(Mưa Đêm Tháng Chạp)

Tôi vẫn đi, về

những đêm đất úng mưa

để thấy nỗi cô độc

co ro trên vòm cây lạnh …

Cánh cửa tháng chạp mở toang

bên trong mộ phần sắp sẵn

cứ thế mỗi ngày tôi thu xếp đời tôi

như thể ngày mai ra đi không trở lại …

(Nhìn Lại Trần Gian)

Nỗi chờ đợi của hoàng lan bên khung cửa khiến chàng nhận ra những trăn trở hiện sinh nôn nả sầu buồn bỗng chỉ là ngôn từ sao thừa thãi lạ …, để quay vào trong cõi vắng vẻ riêng mình nghe ra âm vang lặng im của chiếc lá, để lòng nhú theo mầm xanh vời vợi. A! Điểm mốc ấy là tâm. Điểm sáng ánh biếc xuân sơn trong vòng tròn hạt sương đầu ngọn cỏ.

Chưa hết những điều muốn nói

nhưng ngôn từ sao thừa thãi lạ

sự lặng im của lá canh cánh một âm vang.

Mùa lá nhú mầm xanh vời vợi

lập loè đầu ngọn cỏ ánh biếc xuân sơn

(Những Phiến Lá Từ Tâm 1)

Có lẽ, giờ đã đến lúc đôi giày nện gót xôn xao được xếp vào ngăn tủ, nằm im đó như chủ nhân của nó cứ thế mỗi ngày tôi thu xếp đời tôi / như thể ngày mai ra đi không trở lại… (Nơi Chốn). Tôi đã nói mà anh không để ý sao, Trịnh Y Thư, đã quay về điểm biếc xuân sơn trên đầu ngọn cỏ rồi thì sao nói chuyện trở lại, hay ra đi? Tôi chợt nghĩ phút người dừng lại để nghe được sự lặng im của lá, như thể một hốt nhiên quay về để thấy bờ kia chính là tâm lặng trong. Chàng đang lắng nghe trong vô thanh lá rơi bước thầm lặng của hài cỏ lần theo …

Nhưng gượm một chút, tôi còn muốn nhắc, những hồng huyết cầu Đông phương đang làm nhịp thơ anh đập dịu dàng, đánh động hạt-lệ-vốn-dĩ của tôi. Cảm xúc của đêm trăng, biển, cát trắng, mái nhà nâu, hàng dừa. Ôi quê hương tôi như đang dặt dìu hiện lên, gõ vào tôi những nhịp lai sinh, vừa nằm xuống đã thấy biển xưa … thật là đẹp muốn chết, sát nghĩa luôn ở đây.

… Lạ thổ ngơi lạ cả tình

bên kia núi còn nghe đồng vọng

u uất đêm trăng –

Chờ ngày hóa thân

cõi lạ vừa nằm xuống đã thấy biển xưa

cát trắng – mái nhà nâu hàng dừa …

(Tháng Ba, Hãy Trôi Đi)

… cho tôi sống với giấc mơ tuổi thơ
có đôi mắt giếng xanh
ném từng viên đá cuội
vào ước vọng tuổi thông vàng

(Đôi Mắt Giếng Xanh Tuổi Thơ)

Trăng hay tôi vừa khóc? Không, chỉ là đôi mắt giếng xanh nọ vừa bị ý thơ Trịnh Y Thư … bất bị nhân khiên xả / Thử tâm chung bất dao … (Nếu người không khuấy lên thì lòng này đâu dao động. Thơ Nguyễn Du, bài Đạo Ý).

Tôi lạ lẫm, thích thú trước một phong cách khác của Trịnh Y Thư.

Có một kỷ niệm. Sáng 31 tháng 7 năm 2015, tôi nhận một e-mail của nhà thơ, bảo là đêm qua có Blue Moon, hỏi tôi có viết gì không. Riêng nhà thơ thì ngồi ngóng mãi ánh xanh … (Tôi manh nha viết bài này từ cái e-mail với cái “subject: Blue Moon” lãng mạn này). Và, tôi nhận được mấy câu thơ:

… ngỡ chuông tịnh độ trăng rằm ngoài hiên

hồn quạnh quẽ bóng tịch nhiên

một thiên phù mộng chưa quên – cũng đành.

Ngoài âm vang im lặng của lá, giờ tôi biết thêm âm thanh của con trăng rằm. Bởi người thơ quán niệm ánh trăng tới khuya lơ nên mới nghe ra rằm buông tiếng chuông thấp thoáng cõi tịnh độ chăng? Rồi người – một vầng trăng ảo thềm khuya – đối mộng trăng rằm, chờ phút khai thị ánh xanh? Chỉ còn chút dùng dằng với thiên phù mộng kia thôi là tan vào cõi chuông tịnh độ. Hãy chờ đấy.

Ý niệm phù sinh nhược mộng khơi gợi một nét thơ khác không thường thấy trong giọng thơ Tây học này. Nét ấy làm tôi thấy gần hơn thơ của Trịnh Y Thư, bởi dĩ nhiên, rất chủ quan, thơ kiệm lời ẩn dụ ý mênh mang dễ chạm được cảm xúc tôi. Có cảm tưởng như, sau khi chìm đắm với giai điệu blues bi phẫn trong một góc quán lắng mình dưới quạnh ly rượu đỏ, chàng lang thang trên phố, trong phút – cũng đành thôi! nỗi nhớ kia – thì bỗng lọt vào nơi hư ảo thời gian có điệu trầm bổng nương tựa – điệu sáu tám. A, nó luân lưu trong huyết quản từ bao giờ, từ hạt mầm nghìn xưa cha ông đã cấy sẵn, mà khi trên con đường xao động bất chợt dừng chân ta mới sững, nhận ra và bật lên, ngân nga?

Nên ở đây, bên cạnh một Trịnh Y Thư mà sự lĩnh hội và thăng hoa kiến thức Triết học Văn học lộng lẫy Tây phương, còn có một Trịnh Y Thư trữ tình, trầm mặc, bên thềm khuya, ngồi ngóng ánh trăng xanh, cùng Lý Bạch … và ánh sáng khai thị … chấp chới trước mắt chàng con đường. Ai để đó đôi giầy cỏ. Thôi những bước chân nôn nả ngày mai, để:

Lên chùa ăn bát cơm chay

chợt nghe tiền kiếp chật dày thời gian

một mai về với mây ngàn

chỉ xin nhớ chút dịu dàng của nhau

(Chùm Thơ Lập Xuân 2)

Vâng, mây ngàn kia thì chỉ có sắc tím hoàng hôn hay non tơ mảnh nhẹ của bình minh mới có thể lay động được nó. Nên chi, ở nơi huyễn ảo ấy, những dịu dàng của nhau mới đủ sức cho người lung linh nỗi nhớ. Lời nhắn nhủ sao mà nhu hòa, tình người vị tha đến vậy. Khi đọc tôi thấy thật mềm lòng. Chỉ mong khi gặp, khi xa, nghĩ được như thế về nhau, hẳn là mỗi phút giây hiện hữu bên nhau là mỗi vơi đầy tình người, nhân lên nhiều lần thì thấy hoa quả của hạt giống Tâm. Có phải Lên chùa ăn bát cơm chay nên người thơ cũng thấm nhuần, gieo thiện nghiệp thì mới có thể hội ngộ thiện duyên trong trùng trùng kiếp? Mà nói cho cùng trong nợ vay ấy, biết đâu lại hóa thân kiếp lá, rơi, để trả chút nợ ân tình với cỏ đã từng chở bóng mình trên lòng xanh vô ưu. Có sao đâu, đẹp thiết tha cái tự nhiên sinh hóa hóa sinh.

Lên chùa ăn bát cơm chay

hỏi han mới biết nợ vay kiếp người

rồi đây như chiếc lá rơi

hạ đông ngọn cỏ dặm khơi ảnh nhoà.

(Chùm Thơ Lập Xuân 3)

Lá bay bay, rơi an bình cỏ, trong hút mắt, phút bắt gặp,

… tít tắp bãi cỏ xanh bên kia bờ cát lở

một đoá ưu đàm nở lẻ loi.

(Chùm Thơ Lập Xuân 3)

Nói thiệt với nhà thơ, tôi không thích chữ lở. Và, lẻ loi, chỉ là chút bấp bênh cô đơn phút giây vừa cảm thấy. Và theo tinh thần ấy mà tôi nói tiếp như vầy, nhờ hương nghìn năm ấy mà thấy:

chợt thấy muôn triệu điều không hiểu

nhưng hiểu ra cũng chẳng để làm chi

lặng lẽ vũ trụ quay đều

vòng quay vô chung vô thủy

(Chùm Thơ Lập Xuân 1)

Lặng lẽ … nên trong nghĩ gì mang mang bỗng lóe mỉm cười hiểu ra cũng chẳng để làm chi … Và phải chăng ăn bát cơm chay, để trong nhẩn nha chỉ thấy một điều bình an miếng cơm lạt đang-nhai, và trong phút giây tâm không vọng động có phải cái vòng tròn của tiền kiếp chật dày thời gian, sẽ ngừng quay? Chả vậy mà tôi đã nói là người thơ theo Tây học này, có phải trên đường lên chùa đã bắt được nhịp ánh sáng của mặt trời mọc. Phía ấy. Phương Đông?

Rêu phong những phiến đá nằm sau chùa

mừng rỡ chào đón tôi

ồ không dám

tôi chỉ là gã học trò

đến đây xin các ngài chỉ bảo

các ngài có mặt trên mặt đất này

bao nhiêu triệu năm rồi

loài người chúng tôi làm sao bì kịp

tôi sẽ lắng nghe – vâng sự lặng thinh của đá

là lời nói chân tình nhất tôi từng nghe qua.

(Chùm Thơ Lập Xuân 5)

Nữa, tôi sẽ lắng nghe – vâng sự lặng thinh của đá. Bước chân người học trò lên chùa, để biết không gian tịch tĩnh của biên giới âm dương rêu phong, ẩn mật lời đá. Biết trong lặng thinh mới cảm được chân tình. Biết đằng trước mình đang vọng lại bước kham nhẫn của hài cỏ tỳ khưu. Phút lắng nghe ấy người thơ chợt thấy nhịp gieo vô thường của triệu năm, để nhận ra tất cả chỉ là giấc mộng phù hoa, trăm năm chỉ vạt nắng bên triền chảy cồn sương. Hạt nước bé lăn trôi vòng khổ lụy rồi sẽ chan vào biển rộng,

Hạt cát tôi về đứng giữa đường

ông đi cố nhớ bấy tình thương

trăm năm chỉ một lời từ tạ

vạt nắng bên triền chảy cồn sương

(Chùm Thơ Lập Xuân 6)

Hạt nước lăn tròn những nhiễu nhương

chiêng chao biên vực cửa vô thường

chạnh thương phù mộng chiều đông tái

ngoảnh mặt khuất chìm biển tà dương

(Chùm Thơ Lập Xuân 7)

Và chàng vẫn còn in bóng trên con đường dài. May là “cũng đành”, để buông, để chàng còn có thể, hồn quạnh quẽ bóng tịch nhiên. Phải rồi. Quạnh quẽ thì mới lọt được vào tịch nhiên, thì mới:

Nằm nghiêng ngắm mảnh gương trong
nghe trong tịch lặng mấy vòng tiêu tao
đường trần đã hết lối vào
vọng từ cõi mộ lao xao tiếng cười.

(Chùm Thơ Tháng Năm 4)

Đường trần kia đã mờ mịt sau màn sương, cõi lao xao chỉ là âm vang tiếng cười huyệt mộ. Chàng tiếp tục đi, không giày đen nhọn giục giã bước hài xanh xưa, mà bằng đôi giày cỏ (của tỳ khưu lục bát gương trong tặng chăng?). Dặm dài đang thu ngắn lại dưới hài cỏ, người ngỡ mình:

cội thông già thanh thản
cúi nhìn khe nước trong rộn rã reo vui

Tôi tỉnh giấc giữa cánh đồng cỏ xanh
chung quanh vàng hoa vàng muôn điệu

(Thiên Thu Một Giấc Mơ Trên Lá Cỏ)

Tôi sẽ lắng nghe. Đó là phút đang đi của chàng. Từng bước. Tỉnh giấc giữa cánh đồng cỏ xanh. Thanh thản để cúi nhìn khe nước trong. Nằm nghiêng ngắm mảnh gương trong. Gương trong xanh ấy là tâm. Bao nhiêu lần tịch lặng để Trăng Tâm chan hòa trong suốt? Buổi tao ngộ biết ngày nao … (Chùm Thơ Tháng Năm) thì trên con đường tịnh tâm còn lặng lẽ hài cỏ …

Cũng có thể nơi giấc mơ trên lá cỏ, chàng bạc đầu giấc mộng miên man (Chùm Thơ Tháng Năm) thấy vô vi, bậc thầy tóc mây trắng xóa đang biến dần trong cát …

Santa Ana, ngày 18.9.2016

Nguyễn Thị Khánh Minh

Tất cả những thơ đều trích từ https://trinhythu.wordpress.com. Bạn đọc có thể tìm đọc tiểu sử, sáng tác của nhà thơ Trịnh Y Thư ở trang này. Đây là một tản văn. Những thơ trích của Trịnh Y Thư không theo thời gian sáng tác của tác giả, cốt để tản văn này như một hòa âm giữa thơ và cảm xúc chủ quan của tôi (NTKM).

Comments are closed.