Trở gió, xin chút gió, hay gió sẽ đổi chiều?

Nguyễn Thị Hoàng Bắc

clip_image002

NHŨNG NGÀY TRỞ GIÓ, TẬP TRUYỆN HỒ VIỆT KHUÊ, NXB HỘI NHÀ VĂN, 2018

Tiểu sử tác giả: Hồ Việt Khuê, sinh năm 1952, quê quán Phan Thiết, Bình Thuận, từng là phóng viên báo Tiền Phong.

Sách đã in:

Tập truyện thiếu nhi: Ở biển

Lá thư trong vỏ ốc

Đêm ngọt

Biển ngọt ngào… (NXB Kim Đồng)

Thơ :

Cỏ (NXB Hội Nhà văn)

Được đọc Hồ Việt Khuê là một tình cờ thú vị. Nhưng hãy để những tình cờ hay thích thú gì đó… xuống sau, giờ hãy nói mau đến tập truyện Những ngày trở gió (NNTG) của Hồ Việt Khuê.

Ngôn ngữ Việt thường có nhiều ngụ ý, khi ta nói trở trời, trở gió hay trái trời trở gió có thể không chỉ là thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, từ êm ả tiết xuân sang đột ngột lạnh lẽo bất thường… Mà cũng có thể là sự thay đổi của một hoàn cảnh, câu chuyện tâm tình, một khúc ngoặt bất chợt của đời sống,,,

NNTG, tập truyện trước sau chỉ 159 trang, và tôi đếm có đến hai mươi ba tựa truyện theo như thoáng nhìn ở bìa lưng. Hơi lạ, và hơi nhiều! Lật vào trong, mỗi truyên chỉ dài trung bình 4,5 trang, không phải là truyện thật ngắn thì là truyện ngắn vừa, hơi ngắn? Vẫn hay văn hay chẳng luận dông dài, mới đọc đầu bài đã biết văn hay nhưng tôi lo thầm: Tác giả ham hố ôm đồm nhiều đề tài quá, hay không chừng tệ hại hơn… Tác giả có đang bị… hụt hơi không đây? Tất nhiên là sự võ đoán căn cứ chỉ lơ mơ theo các tựa truyện và con số truyện! Nhưng trường hơi thật ra cũng là một thế mạnh tự nó trong phép viết truyện ngắn chứ sao…

Nhưng tôi đã chăm chú và trân trọng đọc một mạch một tác giả chỉ mới được đọc lần đẩu.

***

…Sau cuộc họp sôi nổi, các thành viên tiểu ban nội dung thống nhất trang trí bên trong bốn phần trái thanh long lần lượt là một căn nhà lầu, một chiếc xe hơi, hai thanh niên nam nữ sóng bước trên con đường đến trường đại học và một đôi vợ chồng già cười rung đầu tóc bạc mãn nguyện. (Ông Cuội cười, NNTG, trg 56)

Bốn biểu tượng hoành tráng: căn nhà lầu, chiếc xe hơi, đôi thanh niên nam nữ đến trường đại học, hai vợ chồng già cười rung đầu bạc… hình ảnh những biểu tượng đại diện cho toàn cảnh xã hội được lựa chọn ý nghĩa đặt vào chiếc lồng đèn hoành tráng vĩ đại của ông Hiệu trưởng trong tham vọng đoạt giải nhất trong cuộc thi Lễ Rước Đèn Rằm Tháng Tám… đã được lộ mặt trên 159 trang sách, xuyên suốt 23 truyện, của tập truyện Hồ Việt Khuê như thế nào?

Người già ư?

Ông nông dân già chửi thề: “Đ.m mày! Nông dân mà uống nước bình”, cả làng ven biển vì cát tặc khai thác máy hút cát xoáy sâu vào lòng đất, dòng nước ngọt của làng đã bị hóa mặn, nước ngọt không còn để sinh hoạt ăn uống nói chi cây trái xưa nay vốn tươi tốt theo bốn mùa thích ứng thiên nhiên của dân làng biển: “Người dân làng chài ven biển bao giờ chẳng tay lưới tay cuốc. Ngày trời thanh biển lặng, họ dong thuyền đánh cá mực… Ngày biển giận sóng gào, họ gieo hạt. Mùa lạc mùa dưa cho họ chút của dành dụm. (Ông trời ngó nghiêng, trg 50). Nay thì hỡi ơi, họ phải ngữa bàn tay mong chờ ơn phước của ông chủ công trường hút cát đen ban ơn “cấp phát cho mỗi hộ…hai bình nước ngọt mỗi ngày. Hai bình là bốn mươi lít nước cho ăn uống, tắm giặt, số nước mà lão già Nục cư dân làng mỗi khi lên cơn say rượu thì định giá là “hai bình là bốn chục lít nước, không đủ cho tao rửa hai hòn dái! (Ông trời ngó nghiêng, trg 50).

Thanh thiếu niên?

Em Bo, con nhà nghèo ở quê ở lên thành phố, ở nhờ nhà người dì để tiếp tục đi học vì Bo học giỏi, quê nhà hết trường, và em thi đậu vô trường cấp 3 thành phố..Ngày Đầu Năm Học, vô lớp Bo ngạc nhiên thấy thầy cô bài giảng thì vội vã qua loa khó hiểu, vì thầy cô chỉ mải lo cung cấp địa chỉ, số phone, giá học phí và địa chỉ nhà thầy cô để kêu gọi học sinh tham gia lớp học thêm ở nhà… Có học sinh trong lớp Bo học dã diễu cợt lớn tiếng rao hàng dùm thầy dạy môn Toán như sau “Tuần bốn tiết Hình học, bốn tiết Đại số, giá hai trăm ngàn. Mại vô, mại vô.” (Ngày đầu năm học, trg 142). Bo con nhà nghèo, cha mẹ nghèo ở quê kỳ vọng cho con học giỏi để được đổi đời, Bo phải cố ghi tên đi học thêm ở nhà thầy Toán. Để xe ở nhà thầy khi di học thêm, Bo họa vô đơn chí bị quân trộm cắp lấy cắp mất chiếc xe đạp “cả triệu bạc mẹ dành dụm mua chiếc xe mới cho em”. Tất nhiên là Bo “nước mắt đầm đìa trên gương mặt tái xanh trong khi nghe sư phụ mại vô của mình phán một câu cũng xanh rờn “Thầy dạy học chớ đâu phải giữ xe cho các em?” (Ngày đầu năm học, trg 143).

Hiền vú bự là gái quê làng biển, ngoài vú bự như biệt danh còn có “cặp đùi cầu thủ săn chắc nhờ ngày hai lần vượt đồi cát ra bãi biển mua bán cá và cái mông xề mắn đẻ.” (Trăng vẫn bàng bạc biển quê nhà, trg 123) cũng chằng giống tí tẹo nào với hình ảnh đôi thanh niên nam nữ sóng bước trên con đường đến trường đại học trong ruột trái lồng đèn thanh long hoang tưởng lừa mình bịp người của lão hiệu trưởng dự thi tranh giải đêm rước đèn Trung Thu ở quận! Hiền vú bự hành nghề bia ôm.

Thanh thiếu niên trong trái lồng đèn thanh long biểu tượng còn có Thằng Ma Ám (trg 111) với ám ảnh đứa em gái bé bỏng của mình chết oan vì hố sâu ngập nước do bọn cát tặc đào đất lấy cát để lại, Ma Ám đem chia sẻ, chan hòa tình thương em của mình sang một hồn ma chết trẻ khác, Ma Ám và cả mẹ của nó, đồng thời lại là nạn nhân của những cuộc bạo hành gia đình từ người cha, người chồng vũ phu, nên dần dần nó đâm ra lơ thơ lẩn thẩn, suốt ngày chơi đùa, trò chuyện với các hồn ma nên nó chẳng có còn cái tên, ngay cả mẹ nó cũng gọi nó bằng cái tên Ma Ám mặc dù nó vẫn đủ tỉnh táo để làm công việc chăn bò thuê để kiếm sống: “Ma Ám về ăn cơm… Thằng Ma Ám… Tiếng hú kéo dài đứt quãng vang vọng trong chập choạng tối ở bãi tha ma vương vất vài tia nắng lóe sáng trên mấy cây thánh giá… (Thằng Ma Ám, trg 111).

Tuy nhiên, cũng may, hai hình ảnh tiên tri của ngài Hiệu trưởng: chiếc xe hơi, và căn nhà lầu trong lồng đèn thì có dính líu chút hiện thực. Căn lầu, đó là những cái nền biệt thự trong âm mưu kế hoạch chiếm đoạt mua bán đất công của ông chủ tịch (Cảm ơn ngựa, trg 73), là cái tầng năm chung cư được đền bù từ đất nông nghiệp bị giải tỏa, nơi lão nông đổi đất đến ở, và “chết trong đêm đầu tiên ngủ nơi vắng hơi ấm áp của đất đai lan tỏa” (Lão nông ở nhà tầng, trg 104); hay đó là “căn nhà một trệt hai lầu sừng sững mọc lêncủa một tên vượt biển trốn ra nước ngoài nhằm mục đích phản bội cách mạng, phản bội Tổ quốc” (NNTG, trg 11), và cũng có thể nó là “các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng nối tiếp nhau, chỉ ngăn cách bởi những bức tường gắn chông sắt nhọn tua tủa hình mũi giáo, không chừa một kẽ hở đủ cho hai ông cháu chui qua đến với biển (Không tìm thấy biển, trg 22).

Nhưng lẽ nào ông Hiệu trưởng danh giá đáng kính của phong trào thi đua kia định vinh danh các loại/nhóm người đặc biệt: tên vượt biển phản động; nhóm lợi ích gian thương lấn đất biến khu làng biển nghèo nàn mà yên tĩnh để biến thành đám quần thể nhà hàng khách sạn; ông chủ tịch kia, trong một lần xả nước cứu thân khoái trá đã nghĩ ra cái kế hoạch thần sầu để âm mưu chiếm trọn đất công ngon ơ làm nền biệt thự bán riêng bỏ tiền túi rủng rẻng của ông? Biểu tượng nhà lầu trong chiếc lồng đèn trái thanh long độc đáo kia của ông định vinh danh cái gì, đại diện cho điều gì?

Tôi biết rất ít thông tin về tác giả NNTG, trong một lần trao dổi hiếm hoi qua messenger ngắn ngủi, Hồ Việt Khuê có kể với tôi là anh chưa hề ra nước ngoài. Vậy mà ngoài những truyện viết về các nhân vật trong nước quanh mình, tác giả đột ngột viết luôn một truyện về những người già người Việt sống ở nước ngoài (nghe rất giống ở thủ đô tị nạn Little Saigon, California, Mỹ?). “…Có vài người già ngồi đến trưa, lái ô tô về nhà, dùng bữa, đánh một giấc rồi xế chiều trở lại quán. (Chuyện con cá rồng, trg 127). Nhưng cái kinh ngạc ở đây không phải ỷ ở nước ngoài rồi tha hồ xổ hello, good morning, bonjour, bon soir… gì đâu mà họ chào nhau một câu kỳ lạ “Chào! Xin chút gió” (Chuyện con cá rồng, trg 131). Câu chào xuất phát từ một điển tích, một code trong quá khứ riêng mà chung của bọn họ: “Báo cáo! Cho xin chút gió. (Chuyện con cá rồng, 130), “…Nhiều lần trong một buổi trưa, đám người ở trần quần đùi lại đập cửa phòng xin chút gió. Phòng chật, mái lợp tôn, trần thấp, chỉ chừa một ô thông gió nhỏ lại nhốt mấy chục người trong đó nên canh trưa, khí nóng từ mái tôn dội xuống, cộng với hơi người bốc lên làm thiếu không khí để thở khiến nhiều người bị ngất xỉu… (Chuyện con cá rồng, trg 131).

Thì ra Hồ Việt Khuê đang nói đến những người Việt nay đã già và đang sống ở nước ngoài và đã từng ở tù ở Việt Nam. Vào tù mà đông nghẹt vậy, nhà nhốt cá hộp đại trà vậy, tôi đồ chừng chỉ có tù vượt biên, và vượt biên thời buổi ấy ào ạt nhưng khó khăn lắm, năm lần bảy lượt, vào tù ra tội mới thoát… Thoát được, nhưng những người này vẫn bịn rịn nhung nhớ quê nhà mình dù là họ đã quyết tâm đánh đổi mạng sống, vào tù ra tội, chấp nhận mất nhà cửa, người thân, tương lai bất định, hải tặc đe dọa để trốn đi… Vậy mà thoát rồi, nhưng vẫn tụm năm tụm bảy và càng già thì nỗi nhớ nhung dĩ vãng càng giày vò, “ kỷ niệm một thời gian nan và chào nhau một cách thân mật, hài hước: Chào! Xin chút gió. Rồi cười xòa.” (Chuyện con cá rồng, trg 131). Họ vui vẻ đấy chứ, vì hài hước, vì cười xòa, và nhắc nhau hoài câu chào cũ để nhắc nhớ là mình đã thoát, đã tha hồ mà hưởng gió mát trăng thanh đến ngợp thở mà chẳng cần phải xin xỏ ai chút gió, chút tự do, và chẳng còn ngất xỉu, thế mà vẫn tụm năm tụm ba, vẫn nhớ nhung bàng bạc cái thời đã cùng nhau nghẹt thở, cùng nhau ngất xỉu, cùng nhau xin chút gió.

Vậy mới là kỳ. Vậy mới là tác giả truyện ngắn cao tay. Cao thủ đôi khi vượt qua kinh nghiệm bình thường nơi thực tại, Hồ Việt Khuê chưa từng vượt biển, chưa từng ở tù, chưa từng sống tha phương nhung nhớ, mà chỉ cần vận dung bay bổng trì tưởng tượng là đã thấu hiểu lòng người.

Hồ Việt Khuê còn cao thủ ở cái giọng kể vô tư, lạnh lùng tỉnh táo đến khó hiểu, cứ khơi khơi kể chuyện một lèo, cứ để yên cho nhân vật xuất hiện múa may nguyên bản từ lời ăn tiếng nói, giọt nước mắt, tiếng chửi thề, cách quát nạt, vung tay… đều là của nhân vật, thuộc về nhân vật… không cần có sự can thiệp dẫn giải phân bua nào của người kể. Không bình luận, không chắt lưỡi, không cổ vũ cũng không lên án, cho dù nhân vật đôi khi có xưng tôi, nhưng họ là nhiều cái tôi khác nhau, không mang dáng dấp đồng nhất nào để người đọc có thể đoán già đoán non đó là… tác giả.

Suốt tập truyện, không thấy Hồ Việt Khuê tán thán một câu, thở dài nhẹ một cái, cười lên một tiếng, không thở phào nhẹ nhõm với nhân vật, mỉa mai với hoàn cảnh, cũng không nổi đóa với bọn ngu dốt tham lam, nhân vật truyện chỉ thấy quan dốt thì bảo dốt, quan tham thì bảo tham “…Bọn nó có tầm nhìn đâu mà thiếu? Lũ tham lam và dốt nát (Không tìm thấy biển, trg 26). Mà cũng chẳng hề lạnh lùng khinh bạc.

Khi cần ca tiếu lâm thì ca tới cùng:

Chiều nay kiến cắn cu. Sưng chù vù. Không có tiền. Mua thuốc dán. Dán con cu. Cho nó gù…” (Hoàn cốt, trg 30).

Tình thế cần văng tục thì văng tục tỉnh queo:

Ai ơi chớ lấy thợ cưa, Cưa qua cưa lại dái đưa lòng thòng (Đêm đợi lũ, trg 38).

Nhân vật nổi điên cần văng tục, ừ thì văng:

“…hai bình là bốn chục lít nước, không đủ cho tao rửa hai hòn dái! (Ông trời ngó nghiêng, trg 50).

Tôi tìm thấy có một lần nhân vật của Hồ Việt Khuê cục kỳ giận dữ, hai lẩn xổ nho “cần cái con c…” và còn đòi cả “văng c… vào mặt hắn” (Mày phải cần tao, trg 138) mà giọng Hồ Việt Khuê vẫn tỉnh bơ mới là ghê!

Gọi người yêu cũ mà mình vừa yêu vừa ân hận, và vẫn còn yêu da diết, là quỷ cái, con quỷ cái khi cả hai đã đều đã tay bồng tay mang nặng gánh gia đình: “… Đôi lần, gặp con quỷ cái ra biển một mình, dáng em nghiêng trên đồi cát, tóc rối xõa đầy vai, lòng tôi bỗng trở gió. Đã ba con mà em vẫn mặn mòi. Và tôi nhớ lại… (NNTG, trg 11). “Quỷ cái bỗng như có chiếc đũa thần chạm vào, quỷ cái đột nhiên biến hóa thành nàng thơ sương khói lung linh trong cái tình huống dở cười, dở khóc dở thương dở giận… của đôi bên!

Để “tự giải tỏa” cho cái lối kết tội hấp tấp hồ đồ dám ngờ là tác giả có thể… hụt hơi lúc ban đầu, tôi đoán mò là Hồ Việt Khuê chắc có lúc đã làm báo hoặc làm phóng viên gì dấy… Cái nghề phóng viên cho phép người viết đi nhiều, thấy nhiều, tiếp cận nhiều, quan sát nhạy bén nên không cần dông dài, nhà văn với kinh nghiệm phóng viên Hồ Việt Khuê đã tặng gửi người đọc những lát bánh tươi mới muôn màu muôn vẻ của các hiện thực sống động, tình tiết sống động, ngôn ngữ sống động, và đề tài là muôn hình muôn vẻ của thực tế đa đoan.

Thấy nhiều, biết nhiều, tác giả kể chuyện thiếu điều hụt hơi nên hơi đâu mà dông dài. Từ chuyện này thoăn thoắt kể sang chuyện khác, người khác, có khi cũng là trùng lặp đề tài, nhưng câu chuyện thì vẫn muôn màu muôn vẻ.

Truyện ngắn nhưng người viết vẫn cảm nhận đầy đủ, kể chuyện đầy đủ, sắc nét, chi tiết chọn lọc nên không cần vòng vo lê thê, từ anh lâm tặc ăn gỗ, cát tặc ăn cát, ông lão nông mất đất, anh bạn mê tín nuôi tôm và cúng đất để đất khỏi ăn tôm, kẻ bạo hành, mấy thằng Bảy Rưỡi tham lam vô độ… (Chúng ăn không từ một thứ gì, lời Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan), từ hệ quả của những trận tàn phá môi trường tang thương ghê rợn không kém gì cái làng chết Chernobyl tê liệt hoàn toàn, hay lò hạt nhân bị nổ Fukijama bị hủy diệt hoàn toàn đã từng đánh động lương tâm toàn thế giới” “…Một sáng cô gái đang quét nhà hớt hải buông chổi, gọi mẹ: mẹ ơi, con gom được cả chén muối bọt này… Cả làng xôn xao. Nền nhà, lớp gạch chân tường thúi rửa vì nhiễm mặn. Hàng loạt cây xoan chịu hạn rụng lá rồi khô cành chết đứng. Trên vuông sân, nước mặn sủi bọt trong lòng vết bánh xe hằn sâu… Đám trẻ chăn bò chiều về muộn hơn vì phải lùa đàn bò đi uống nước bên kia đồi bởi lạch nước ngọt chảy qua làng đã mặn chát từ lúc nào. Cái giếng nước đóng rong rêu vì không còn tiếng gàu va vào thành đá…” (Tại hũ rượu cá ngựa, trg 108).

Từ làng tới biển, sự tàn phá đã hiển hiện: Bà lão nghèo không chồng không con không nhà không cửa, và tất nhiên không của cải vốn liếng, bà dựa vào biển để sinh sống, lượm nhặt con sò, cái ốc, con chem chép, sản vật không vốn của biển cho, ngày đêm săm soi cào bắt được vài chục con vật biển ẩn mình dưới đá, dưới cát đem bán độ nhật. Và mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục con thôi. Bỗng một hôm bà đụng đầu với hiện thực kinh hoàng: chất thải của nhà máy bên kia sông đã đầu độc toàn bộ đàn chem chép của biển đã nuôi sống bà: “…Bà lão bốc một con chem chép lên, hai mảnh vỏ chem chép tách ra, một chất bùn chảy qua kẽ ngón tay bà và một mùi hôi thúi làm bà nôn ọehoảng hốt bà bốc con chem chép thứ hai, thứ ba rồi thứ tư… chứa đầy bùn hôi thúi… bà kinh hoàng ngã ra bất tỉnh…” (Bà Chem Chép, trg 150).

Lỗi phá hủy môi trường kia tại bởi ai, phóng viên Hồ Việt Khuê tiết lộ: tại Hũ rượu cá ngựa (trg 105). Tôi muốn trang trọng dành sự kinh hoàng của câu trả lời cho riêng quý độc giả nên chẳng viết nó ở đây.

Văn phong Hồ Việt Khuê có những so sánh ví von dân dã và độc đáo “…năm nay mưa chừng sôi nồi cơm” (Đêm đợi lũ, trg 34). Lâu lắm, chừng tôi mới được nghe một tác giả hiện đại so sánh kiểu xưa lắc xưa lơ, kiểu như: lâu cỡ chừng nhai dập một bã trầu, đoạn truông dài thì dài khoảng chừng một tiếng hú, hay ngày xưa ta nghe các thầy giáo ra câu đối thử tài môn đệ thường hạn định trong tàn một nén nhang

Hồ Việt Khuê nói nhẹ mà đau: “…đêm cúp điện…nhà mình như cái buồng tắm hơi nhỏ, ngoài đường như cái phòng tắm hơi lớn… (Săn ánh sáng, trg 62)

Không truyện nào giống truyện nào, lặp lại chi tiết truyện nào, tuy có thể có nội dung tương tự: tham nhũng, lấn đất, mất ruộng, mất nhà, phả hủy môi trường, cán bộ lãnh đạo tham lam dốt nát, v.v.

Bức tranh xã hội anh vẽ dường như u ám, nhưng nó là những nét rút tỉa từ những chất sống rời rợi bao quanh. Tả cảnh một chiều đông thê lương rét mướt nơi chốn quê nghèo, một em bé lên năm viết văn làm luận cũng phải cho nghe tiếng gió bấc lạnh lùng, mái tranh xơ xác, phải cho thấy mây xám đầy trời vần vũ, người vật co ro run rẩy… nếu không, làm sao ra được mùa đông?

Nhưng mùa đông của Hồ Việt Khuê vẫn có tương lai, vẫn hẹn một mùa tươi sáng, dù chưa biết đến bao giờ. Dù hiện tại nhiều buồn đau, vẫn có những thằng Bảy Rưỡi (tiếng lóng gọi chung bọn ác ôn) chúng đứa phá rừng vô địch quốc gia (Đêm đợi lũ, trg 38) đã phải vào tù, đứa vợ chồng chúng phải ly dị nhau, thằng giám đốc lâm tặc tham lam ăn gỗ không biết ngán thì dã có thằng thợ cưa nó thuê về đóng đồ gỗ ăn cắp ở trong nhà đóng luôn con vợ của nó (Đêm đợi lũ, trg 38)… là trời còn có mắt, dù trời thường hay ngó nghiêng (trg 46).

Le lói ánh sáng của số phận và các giá trị căn bản và nhân phẩm thiên bẩm của những con người nghèo khó và lương thiện chưa tắt hẳn. Dù chung quanh họ là một đám ruồi nhặng rắn độc tinh ma quỷ quái chỉ chờ chực mưu mô tính toán cướp giựt, bòn rút lấy của chung làm của riêng cho chúng khi kín đáo khi trơ tráo lộ liễu:

Bà bán vé số mà nhân vật tôi thường mua vé số ủng hộ bà mỗi khi anh có được một phong bì trời ơi nào đó gọi là chút chia sẻ, một hôm tình cờ đụng mặt nhau thì bà vé số tảng lờ vờ như không thấy tôi. Chàng ngạc nhiên hỏi thăm thì bà cho biết lý do sự tảng lờ tránh mặt này đơn giản vì “…tôi bán cho cậu toàn vé số trật nên gặp cậu tôi ngại ngùng lắm (Lòng tự trọng, trg 19). Bọn chủ tịch, phó chủ tịch, giám đốc công ty, cò đất, các thứ tặc Bảy Rưỡi chỉ cần một mảnh tự trọng cỏn con học từ bà bán vé số này thì bức tranh xã hội chung quanh sắc màu chắc đã phải sáng tươi hơn gấp trăm ngàn lần!

Chiến tranh không phải là vô nghĩa đối với những con người coi như giai tầng thấp kém và ít học trong xã hội của Hồ Việt Khuê, vô nghĩa sao được khi đứa con trai mười tuổi của bà bị một viên đạn lạc bắn chết lúc đang say ngủ, chồng mất tích trong một tai nạn đi biển, bà trơ trọi một thân một mình tự lăn lóc kiếm sống. Nhưng vốn bản năng nhân hậu, vì không biết viên đạn giết đứa con duy nhất của mình đến từ đâu, từ phía bên nào (trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn dai dẳng?) bà lẳng lặng chịu đựng thay vì nguyền rủa lên án oan, vì biết phải kết án bên nào trong khi anh em hai phe đó say máu bắn giết nhau: viên đạn lạc không biết của bên nào…” (trg 151). Và hai anh em chinh chiến đó cũng chính là anh em đồng bào của bà.

Cái anh chàng có vợ có con nhưng vẫn có nhu cầu đi bia ôm, anh hồn nhiên bình thường mua cái mà cô bia ôm cần bán, nhưng anh lại cảm thương đứa con của nàng, vì cả nàng cũng đang bắt đầu bị dịch ghẻ lây lan. Anh đem thuốc ghẻ đến cho con cô bia ôm mà anh ta sắp ôm (!) “…ba Thanh Triều muốn tặng chai thuốc trị ghẻ để cô tiếp viên thoa cho thằng bé và cho cô…” (Ghẻ, trg 94) và Hồ Việt Khuê lại có một so sánh ngộ nghĩnh “…bao giờ sau mùa sò cũng đến… mùa ghẻ... bia ôm cũng là một thứ dịch như dịch ghẻ… (Ghẻ, trg 94).

Có những giấc mơ đẹp của một ngày trở về làng quê cũ của Hiền vú bự bia ôm, giấc mơ được Hiền và anh bồi dọn dẹp nơi Hiền làm việc. Hên yêu Hiền và vẽ ra một tương lai sạch sẽ không có “những lần cong mình ói ra nước” vì chịu đựng tiếp khách uống, không có những gã công chức nào ham hố giày vò Hiền còn tiền boa thì có người khác trả (trg 124). Trong một đêm ngủ ngon không ói mửa, Hiền đã mơ, và mơ giấc mơ “thấy Hên cõng cô chạy băng trên đồi cát về phía biển quê nhà bàng bạc một màu trăng (Trăng vẫn bàng bạc biển quê nhà, trg 125).

Và những đứa trẻ của NNTG của Hồ Việt Khuê mới chính là điểm nhấn long lanh trong bức tranh tương lai quý giá, như thứ ánh sáng trong trẻo dẫn đường hy vọng lóe lên ở cuối đường hầm. Hồ Việt Khuê đặc biệt nương tay ưu ái với trẻ con và không hề nỡ làm lấm láp lầy lội chúng,

Mặc dù có những đứa trẻ bất hạnh như thằng Ma Ám, nhưng Bo xui xẻo mất xe đạp thì dù sao cũng đã có thằng nhà báo quen biết đường dây buôn xe đạp ăn cắp bồ của dì Hằng nó mua lại cho em chiếc xe mới giá rẻ (Ngày đầu năm học, trg 144).

Bé con, con một anh nhà báo khác, dù nhà em luôn bị cúp điện, dù em luôn bị ở trong “một phòng tắm hơi nhỏ”, bé cứ mơ một ngày lớn lên đi làm có tiền, nó sẽ không ích kỷ như các ông bà quan lớn hiện đặc quyền, đặc lợi chung quanh, dành phần đèn đóm sáng choang nhà mình để cùng khách chơi chọt bi-da… trong lúc mọi người khác trong thành phố đang hì hụi thở không ra hơi trong các phòng tắm hơi nhỏ:

…Ba à, sau này đi làm, có tiền con sẽ mua một máy phát điện thật lớn.

Thằng con anh thỏ thẻ. Anh thật thà:

Cần gì mua máy phát điện lớn. Nhà mình chỉ cần cái máy phát điện nhỏ, công suất cỡ một ngàn watt là dư xài.

Con muốn mua cái máy phát điện thật lớn để phát sáng tất cả những nhà bị cúp điện trong khu phố… (Săn ánh sáng, trg 65)

***

Sự tình cờ cho tôi gặp lại Khuê là một tình cờ thú vị, vì tuy chúng tôi có biết nhau trước kia, lâu lắm rồi, nhưng hôm nay là lần đầu gặp lại, lại được nghe Hồ Việt Khuê kể chuyện. Điều tình cờ thú vị đến đây đành phải bật mí: tôi là cô giáo Văn năm xưa của Hồ Việt Khuê cách đây vài chục năm nơi quê nhà Phan Thiết của Khuê. Con hơn cha là nhà có phước, học trò mà hơn cô giáo thì cô giáo đại phước, phải vậy không Hồ Việt Khuê? Dạo này ở Mỹ có ông tổng thống ai nói gì không vừa ý ổng, là ổng nổi đóa và cho là fake. Khi nói những điều này, tôi không hề fake, tôi rất sợ tôi hay bất cứ ai là fake.

Một sự ngẫu nhiên tình cờ khác, tôi cũng vừa in một tiểu thuyết, cũng là gió, Gió mỗi ngày một chiều thổi…*

Trở gió, xin chút gió, hay gió sẽ đổi chiều, vì gió mỗi ngày một chiều thổi? Mong lắm thay, cho quê hương, cho đồng bào của Hồ Việt Khuê, và cũng là của tôi.

Virginia, tháng 9, 2018

nthb

______

*Gió mỗi ngày một chiều thổi…. tiểu thuyết, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, NXB Sống, California USA, 2015.

Comments are closed.