Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh

Châu Diên

 

Tôi mới đọc xong hai tập nhật ký bất hủ, một của nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, một của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc[1]. Trải những ngày đọc nhẩn nha, tôi đã nhiều lần lau nước mắt. Tôi đã mua mấy bộ tặng những đứa cháu nội và ngoại nào đã qua tuổi 17. Và một bộ riêng tặng con gái năm nay 45 tuổi.

Vì sao lại dài dòng những điều đó trước khi giới thiệu tác phẩm của tác giả Hồ Quý Ly[2] có cái tên ngồ ngộ Trư cuồng? Vì bản thảo Trư cuồng đã ở trong ngăn bàn của tác giả từ năm 1982 và đã bị các nhà xuất bản từ chối, những nhà xuất bản tiến bộ và sắp tiến bộ, đổi mới và chưa đổi mới hẳn.

Như trường hợp nhà xuất bản Đà Nẵng thì có thể thông cảm. Vì năm 1988, nhà này đã in tiểu thuyết Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh. Sau vụ đó, biên tập viên bị kỷ luật phải chuyển công tác. Nhiều người lao đao khi có nhà văn viết bài phê phán và gợi ý đưa tác giả ra toà. Cũng gặp một vài điều may mắn, nếu không nguyện vọng của nhà văn cách mạng kia sẽ thành sự thật.

Những nhà xuất bản khác đều dùng món võ muôn thuở mà Tây họ gọi là complot du silence, một cách trung dung ta nói là võ phớt lờ còn nếu tích cực hơn thì bảo đó là võ vô cảm hoặc võ im lặng dễ sợ. Vô số người Hà Nội đã chuyền tay nhau đọc Trư cuồng ở dạng viết tay. Nhằm tước cái vũ khí phớt lờ, tác giả Trư cuồng gửi bản thảo đến Hội Nhà văn Việt Nam, như thể để dự thi tiểu thuyết 2004-2005. Cốt tạo cớ cho mọi việc được công khai, minh bạch. Khen chê gì cũng được, nhưng thanh thiên bạch nhật. Nhưng làm sao mà địch lại được!

Và thế là số phận bản thảo lại rơi vào im lặng. Song, bây giờ đã là thế kỷ 21. Là thời a-còng. Nhưng tác giả là người mãi năm 2002 mới có điện thoại để bàn, chẳng biết cách a-còng tác phẩm của mình tới xó xỉnh nào. Tôi đã thuyết phục người dị ứng với kỹ thuật hiện đại ấy để tôi chuyển bản thảo giúp anh đến talawas. Vì thế mà có lời giới thiệu này. Và tôi sẽ trịnh trọng nói rằng tác phẩm Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh xứng đáng được yêu như tôi đã yêu nó, và yêu song song với các tác phẩm của hai bạn trẻ tên là Trâm và Thạc, những tâm hồn lớn đã đem lại những xúc động ghê gớm trong lòng tôi.

Nguyễn Xuân Khánh cùng lứa với tôi và mấy anh em thích viết văn khác, như Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Lê Bầu, Vũ Huy Cương… những người đã trải qua cuộc kháng chiến thứ nhất trong vai trò chưa đến mức anh hùng nhưng ít ra cũng là rất tích cực. Tích cực và trong trắng và lãng mạn. Bùi Ngọc Tấn và Lê Bầu đến thời Hội nghị người viết văn trẻ năm 1959 vẫn còn chưa biết uống rượu. Thế hệ ấy tin tưởng thật lòng vào nhiều điều mà những thế hệ sau này già dặn hơn họ sẽ thấy rất khó tin. Thế hệ ấy chăm học vô cùng, nhiều năm ròng họ dường như ăn nghỉ ở Thư viện quốc gia hoặc Thư viện khoa học Trung ương. Và học cả ở cuộc đời thực, mấy con người vừa nhắc qua ấy, sau này tuy không được đi phục vụ nơi chiến trường xa, nhưng họ vẫn tìm cách bám những vùng chiến tranh ác liệt, như một công việc, như một nghĩa vụ, và trong lòng họ đều nghĩ đó là cơ hội chia sẻ vô cùng ít ỏi với đồng bào và chiến sĩ.

Thế mà mấy người đó lại gặp hạn về chính trị! Vì họ quá ngây thơ. Khi Bùi Ngọc Tấn cất tiếng kể chuyện vào đầu năm 2000, thì trong cuốn tiểu thuyết đầy những điều không bịa đặt của anh đã có mặt nhiều bè bạn cùng hội cùng thuyền được anh bịa tên cho. Một vài Bùi Ngọc Tấn đi trại, còn lại chẳng anh nào thoát khỏi thẩm vấn, nghi ngờ. Điều đau lòng cho họ, ấy là họ vẫn yêu nước, vẫn lao động cật lực, vẫn thực lòng tôn thờ những giá trị dân tộc và nhân loại. Đó là một lớp trí thức mới, nhưng mới theo một kiểu khác. Họ không được đào tạo qua loa để có học vị, họ tự học và học thực sự. Họ không dùng học vị để chạy đua leo cao, họ chỉ có một niềm vui: sống, và viết văn, làm thơ. Trong bọn họ có nhiều người bị ganh ghét, nhưng không ai công khai lôi ra nổi ở họ điều gì gọi được là sự xấu xa. Thật dễ hiểu khi ta thấy họ chuyền tay nhau bài viết cuối cùng của Louis Aragon trên số báo Les Lettres Francaises cuối cùng trước khi đình bản, ở đó có lời tâm sự cuối cùng, j’ai gâché ma vie, c’est tout (“Tôi đã phung phí cả cuộc đời mình, có vậy thôi”).

Có vậy thôi, Nguyễn Xuân Khánh phải về hưu non và trước khi bị khai trừ Đảng anh phải tìm cách sống. Anh nuôi lợn. Trên cương vị bí thư chi bộ đường phố, anh đã đưa nước máy về cho cả xóm, đường làng Thanh Nhàn lầy bùn được lát gạch tinh tươm. Khi cấp trên cử người xuống đọc lệnh khai trừ anh, cả chi bộ ngơ ngác. Điều thú vị ở một người có tư chất nhà văn, ấy là họ làm gì và sống thế nào thì cũng là cơ hội cho những cảm hứng văn chương. Thì anh viết văn kể chuyện nuôi lợn. Nuôi lợn như một người mắc bệnh-điên-nuôi-lợn để có thể thủ thỉ nói với lợn những tâm tư sâu lắng. Vì thế mà sách có tên là Trư cuồng. Trước cửa nhà anh còn có một cái cống của thành phố. Cái cống đó gợi hứng cho anh viết Suối đen. Trong cuốn tiểu thuyết về những người điên nuôi lợn thấp thoáng nhiều bạn của anh với những nhân cách rõ rệt. Còn trong cuốn tiểu thuyết về dòng “suối” có mặt hầu như tất cả những con người lam lũ đáng thương và đôi khi đáng giận của cái xóm nghèo gần cửa ô Đông Mác nơi anh ở từ nhỏ.

Có một điểm chung giữa những tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, từ Miền hoang tưởng đến Hồ Quý Ly và sau này là Trư cuồng, ấy là sự cô đơn của những con người hy vọng đi tìm sự đồng cảm của đồng loại. Nguyễn Xuân Khánh viết Hồ Quý Ly từ trước năm 1980 dưới dạng một vở kịch. Tôi được đọc bản thảo đó, và đã khuyên anh chuyển thành tiểu thuyết. Hai mươi năm sau, Hồ Quý Ly ra đời thành nhân vật tiểu thuyết, cùng với những nhân vật khác là kẻ thù hoặc là anh em của mình, tất cả bọn họ lúc nào cũng đều là những người “độc bộ hành”, những người có thói quen cúi đầu đi ngẫm nghĩ trong cuộc đời dài dặc. Vài chục bài báo khen Hồ Quý Ly trước và sau cuộc hội thảo về tác phẩm này. Nhưng chưa bài nào nói lên điều cốt tử này: nhân vật Hồ Quý Ly trong con mắt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một nhà cải cách tàn bạo và đẹp vì đầy ảo tưởng, là một nghệ sĩ được nhà văn ưu ái hơn là một chính khách.

Điều kỳ lạ, ấy là số phận của những tác phẩm máu thịt như thế. Riêng bản thảo Trư cuồng thì vô cùng trắc trở, mấy chục năm liền chưa gặp bà đỡ mát tay, vẫn chưa đến được với tâm hồn bạn đọc đông đảo. Điều kỳ lạ nữa, ấy là những người vẫn miệng nói về một nền văn học lành mạnh mang tính hiện thực, chính họ lại để cái thực khó nhìn thấy và diễn đạt bởi một nhà văn đích thực cứ phải nằm chờ trong im lặng. Vì họ mới chỉ đến được cái tầm của những hiện thực sờ sờ. Hoá ra, viết về nhân vật Hồ Quý Ly như Nguyễn Xuân Khánh từng làm đó là một việc tự mổ xẻ đời mình và môi trường xã hội mình sống!

Nhưng sao ta lại thừa nhận hoàn cảnh đó mãi nhỉ? Tôi đã khuyên được Nguyễn Xuân Khánh cho in Trư cuồng trên talawas, cốt có bạn đọc, dại gì để mục trong hộc bàn? Nguyễn Xuân Khánh cần tự tin hơn về phẩm hạng tác phẩm của anh. Phẩm hạng gì, xin nhường bạn đọc tìm ra sau khi thưởng thức Trư cuồng.

Biệt thự Thu Trang, 3-8-2005

Tác giả gửi Văn Việt.



[1] Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005. Mãi mãi tuổi hai mươi – Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2005. Nghĩ rằng rồi có lúc trong tủ sách talawas sẽ có hai tác phẩm vô cùng đáng yêu này.

[2] Hồ Quý Ly, tiểu thuyết, nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2000, tái bản trên 10 lần trong vòng 2 năm.

Comments are closed.