Lê Thị Hường
Chữ níu chữ, chữ chế ra chữ và chuyện tiếp chuyện. 22 truyện làm thành một bức tranh đời lập thể, nhiều sắc thái, lắm vị mùi.
Mỗi chuyện gom đủ những ngổn ngang cuộc đời. Tiếng cười hả hê thành câu thành chữ tượng hình tượng thanh. Đủ mọi chủ đề, 22 truyện làm thành một bức tranh đời lập thể, nhiều sắc thái, lắm vị mùi.
Chữ. Và chữ. Đọc tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao của Hồ Anh Thái cảm giác đầu tiên là ngồn ngộn chữ. Hào phóng và tràn ra. Hết chữ tiếng Việt đến chữ tiếng Anh. Chữ níu chữ, chữ chế ra chữ và chuyện tiếp chuyện. Rác rưởi hố xí vay nợ xe cộ du lịch ngoại giao viết văn làm thơ, kể cả dấu chấm dấu than dấu ngoặc kép. Chuyện thời bao cấp, chuyện thời 4.0. Chuyện hội chứng chung cư. Chuyện môi trường bị hủy hoại. Chuyện văn chương thơ phú. Mỗi chuyện gom đủ những ngổn ngang cuộc đời. Tiếng cười hả hê thành câu thành chữ tượng hình tượng thanh. Đủ mọi chủ đề, 22 truyện làm thành một bức tranh đời lập thể, nhiều sắc thái, lắm vị mùi. Rác và yêu. Bùn thối và dạ lan hương. Văn chương hậu hiện đại và dịch covid… Tất cả san sát bên nhau một cách phi lý mà vẫn chấp nhận được từ góc nhìn giễu nhại của nhà văn.
Truyện ngắn Hồ Anh Thái truyền dẫn cực nhanh những thông tin xã hội. Kể cả những truyện viết về thời bao cấp nhà văn cũng kéo về thời hiện đại, áp sát những sự kiện nóng hổi với chất châm biếm-triết lý là một yếu tố thống nhất trong phong cách nhà văn. Người kể chuyện cũng là người bình luận, phê phán mọi vấn đề từ môi trường sinh thái, thói quen của người Việt đến những câu chuyện thường ngày vụn vặt. Sức lôi cuốn của truyện ngắn Hồ Anh Thái là ở nghệ thuật kể chuyện, sự sắp đặt chữ và tình huống truyện. Dày đặc chi tiết nhưng không chi tiết nào thừa. Ngổn ngang các sự kiện nhưng không rối. Đâu vào đấy. Chuyện nọ xọ chuyện kia, tạt ngang tạt ngửa mà mọi mảnh chuyện vẫn kết dính, phân tán rồi đồng quy.
Trượt chân trên tầng cao, tập truyện ngắn của Hồ Anh Thái, NXB Phụ Nữ 2024.
Đó là tình yêu thời đổ rác, câu chuyện ngoại tình thời hiện đại được làm đầy bằng mùi và chữ. Nhân vật là Chồng – “ô, tinh thần quả cảm lại đi kèm trí tuệ”, Vợ – biệt danh Trạng Hít “người Việt ai giỏi món gì được gọi là trạng món ấy” và Chị Hàng Xóm, người tình nghiệp dư – “ô, nhan sắc lại đi kèm trí tuệ”. Tình huống yêu là những lần đi đổ rác theo tiếng kẻng leng keng “như ma ám”, thậm chí “luẩn quẩn vào trong cả những giấc mơ của anh”. Không gian yêu là căn hộ nhà tập thể kín mít. Cảm xúc yêu lẫn trong nhiều mùi vị, ghen, hít, rác, hành tây. Tràn ngập là chanh “tươi mát, tinh khôi”. Trần trụi và mê đắm (Rác và yêu).
Đó là thời chung cư mọc lên san sát và liên tiếp xảy ra những cú “trượt ngã từ tầng cao”. Ngỡ là câu chuyện vu vơ về cái trượt ngã của người vợ trong căn bếp, nhưng câu chuyện về trượt ngã đậm chất thời sự cứ dài ra, níu theo những vấn đề về thuyết âm mưu, văn hóa chung cư, chuyện phóng sinh… Những lỗ hổng của văn minh đô thị và sự hiện tồn đầy âu lo của con người. Những khu nhà cao tầng, văn phòng cao tầng khắp nơi. Hiện đại. Tiện nghi. Nhưng những cú trượt, ngã, rơi vẫn không ngừng diễn ra. Cái phi lý bỗng trở thành có lý (Trượt chân trên tầng cao). Dài hơi trường vốn, nhà văn dồn nhiều chuyện vào một câu chuyện, những mảnh chuyện có lúc ngỡ chẳng quan hệ gì nhau nhưng mọi thứ kết dính chặt chẽ. Có những câu chuyện kết nối một cách thật tự nhiên từ lối đối thoại không gạch đầu dòng, không in nghiêng, không cho vào ngoặc kép. Người kể chuyện gần như chỉ có một chức năng dẫn dắt, mào đầu, kết thúc, nối mạch cho các nhân vật đối thoại với nhau là chủ yếu (Lộc bất tận hưởng). Tính chồng lấn giữa ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật là người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật với nhiều dạng diễn ngôn khiến một số truyện ngắn mở rộng biên độ, tạo tính đối thoại, tính phản biện (Xuống dòng).
Cuốn sách hơn ba trăm trang không một lần xuống dòng. Cuốn sách không hề xuống dòng đó lại đi loanh quanh và vào đến tận khu cách ly “dịch vi rút viêm phổi đang làm cả hành tinh hoảng loạn sững sờ tê tái”. Xoay quanh chuyện cách ly là những mẩu chuyện liên quan đến cuốn tiểu thuyết dịch “từ đầu đến cuối, hơn ba trăm trang sách, là một cái tiệc sinh nhật kéo dài năm tiếng từ bảy giờ tối cho đến mười hai giờ đêm”, không một lần ngắt dòng, không có phân đoạn. Người kể đa thành phần (chú xe ôm, anh Luân Đôn, anh dù lượn,…), ai cũng có thể luận bàn về văn chương, về cái sự xuống dòng: là “truyện rất ngắn thì nói cho sang là truyện ngắn mini”, “cái kiểu truyện ngắn váy mini ấy, cái kiểu truyện rất ngắn ấy nó khô xác như đề cương, nó chưa phải là truyện, nó già ngụ ngôn non truyện ngắn”; “cái kiểu tiểu thuyết không ngắt dòng, không phân đoạn, là kiểu tạo phong cách”, “cái ông nhà văn của các cậu chắc không biết cách xuống cho nên rất nhiều ấm ách uẩn ức tích tụ” v.v. Qua nhiều vai kể/bình, qua sự va đập các hình thức diễn ngôn, những vấn đề liên quan đến văn chương hậu hiện đại, tầm tiếp nhận, cách tân, trò chơi, phi tâm,… được nhìn nhiều chiều.
Cảm giác như Hồ Anh Thái không dụng công kể chuyện hay làm chuyện. Tác giả có vẻ như đang chơi với chữ, chơi ký hiệu. Chơi ở cách đặt tên truyện bằng thành ngữ, tục ngữ dân gian và hiện đại (Chia sim rẽ dế, Pháo nổ pháo nang, Lọt sàng xuống nia, Lộc bất tận hưởng, Thợ may ăn giẻ thợ vẽ ăn hồ, Được luôn cả nghé). Chơi ở cách chế ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ nước ngoài. Chơi ở cách đặt tên nhân vật. Những cái tên bỗng thành những ký hiệu. Những cái tên chẳng phải là tên. Đây cũng đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Hồ Anh Thái ở các thể loại. Nhân vật trong tập truyện là đám đông. Đông đúc. Nhốn nháo. Đi “hố xí” như đi trẩy hội, “vào giờ cao điểm có khi phải xếp hàng như đi mua gạo”, “người người lớp lớp. Cứ thế mà lũ lượt kéo nhau qua cửa sổ nhà chàng suốt ngày”… “người người lớp lớp” như “một tập hợp những vai quần chúng kéo qua sân khấu”. Câu chuyện có thể dựng thành phim (dẫu nhà văn chưa bao giờ có ý định hoặc chờ đợi điều đó), nhưng thật oái oăm, cuốn phim ngắn hấp dẫn, dồn chứa nhiều vấn đề của xã hội từ thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường là cuốn phim về tình yêu bên hố xí, về “đi ị tập thể”, diễn ra trên “con đường thiên lý đến nhà vệ sinh”, trên xe du lịch và cả trong mơ.
Công việc trang trí biểu tượng toa lét theo đơn đặt hàng ám vào những giấc mơ của chàng kiến trúc sư nội thất (đời sau), khiến trong vô thức anh chàng luôn thấy mình “chìm ngập đậm đặc sặc sụa, cứ ngoi ngóp trong ấy mà không sao thoát ra được”. Đám đông và vô thức tập thể. Ám ảnh toa lét, phải chăng cũng là một thứ vô thức tập thể của người Việt thời bao cấp “di truyền” đến nhiều đời; để nhà văn kết luận châm biếm xót xa: “Nhưng nghe nói rằng không chỉ năng khiếu mới di truyền đâu. Cả những giấc mơ cũng di truyền” (Trong muốn ra ngoài muốn vào).
Chờ động đất là câu chuyện về hội chứng đám đông công sở. Trận động đất “theo hiệu ứng cánh bướm, tâm chấn ở giữa rừng núi Cao Bằng mà các nhà cao tầng ở Hà Nội lúc lắc”. Thế là “cánh đồng nghiệp lao xao rồi xô nhau chạy. Rầm rập chạy ra khỏi hành lang… tíu tít hí hửng như thoát chết. Cười nói bô lô ba la chuyện trò ngỡ như ngô rang”. Từ rầm rầm chuyện chờ động đất, câu chuyện được dẫn dắt tự nhiên đến hội chứng đám đông khác ở xứ người về đạo đức tôn giáo, tòa án tôn giáo với các điều khoản trong kinh thiêng về việc trừng phạt tội tà dâm. “Rầm rầm. Trinh tiết là đức hạnh. Rầm rầm. Trinh tiết cho hôn nhân. Rầm rầm. Gian dâm là địa ngục. Khẩu hiệu giương lên. Khẩu hiệu hô lên. Trống thúc ầm ầm. Những mặt người vừa hô vừa cười hoan hỉ.
Những mặt người hừng hực dục tính hôm nay hô mà ngày mai có thể chính họ bị bắt và bị giải lên cái sân khấu nhỏ kia” (Chờ động đất). Chuyện đám đông liên quan đến chuyện đồng phục. Những cái cravat màu đỏ “đồng loạt đến mức đồng phục” trên ti vi (Biển là màu xanh dương). Chuyện họp lớp muôn thuở của loài người thời 4.0. Mỗi lớp may riêng một bộ đồng phục, “đồng phục của các chị là đại học đỏ tựa ráng pha, phổ thông sắc trắng như là tuyết in”. Bãi biển. Múa hát tập thể. Trò chơi team building như “một cơn thôi miên tập thể”, lại như “lên đồng tập thể”. Chỉ mình anh là hoài niệm về một thoáng bông hoa xanh biếc trước ngực.
Trong truyện ngắn Hồ Anh Thái luôn có kiểu nhân vật liên quan đến văn chương nghệ thuật, là nhà văn, nhà báo, phóng viên, biên tập, nhà thơ, họa sĩ… Tất cả được nhà văn biểu hiện từ góc nhìn châm biếm. Chuyện đâm đơn vào hội nhà thơ; chuyện mùa kết nạp hội viên; chuyện hội thơ. Lá cờ thơ treo ngược ở sân Văn Miếu, những chàng những nàng đọc thơ “trước các thể loại ống kính và các thể loại mắt nhìn”, với “những bảy mươi nhà thơ vẫn đang chờ đến lượt” (Lọt sàn xuống nia). Trung tâm văn hóa Tây đặt ở ta “trở thành tụ điểm của đám nouveau rich văn hóa, còn gọi là đám giàu xổi về văn hóa” đang diễn nghệ thuật đương đại. Nửa tây nửa ta. Nửa truyền thống nửa hiện đại. Kể cả nửa người nửa ngợm. Sắp đặt. Mỹ thuật trình diễn. Ở truyện này, chữ làm hết vai trò của nó. Một mớ hổ lốn “thò thụt tất cả những gì man man mọi mọi ma ma lanh lanh”. Một đám đông nouveau rich quay cuồng. Truyện chỉ là những lát cắt, những mảnh, như trò chơi sắp đặt dang dở, như vở diễn nhạt không cao trào. Đọc xong, cảm giác như những mảnh truyện còn tiếp diễn theo mạch kể (Diễn).
Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn viết liên tục, nhiều thể loại. Đam mê và cô đơn sáng tạo. Dí dỏm và sắc sảo. Nhiều tiểu luận của ông cho thấy quan niệm nghiêm túc của một nhà văn luôn ngẫm về nghề. Những khiếm khuyết tri thức. Những thiếu hụt văn hóa. Nhiều truyện ngắn trong tập bàn trực tiếp đến những vấn đề nhức nhối thuộc văn chương nghệ thuật. Ở chủ đề này, truyện ngắn Hồ Anh Thái gần với tiểu luận, có lúc được tiểu luận hóa hoặc ngược lại. Qua câu chuyện về cô công nông bỏ nghề được phân công đọc mo rát rồi theo đà lên tới tổng biên tập một tờ báo ngành, câu chuyện về chị tổng 2 hào phóng “Phát. Phát. Phát. Đến mức người ta gọi chị là chị Phát” là những luận bàn về nghề, về công việc viết. Là nhà văn chu đáo, tâm huyết với nghề, Hồ Anh Thái cẩn trọng từng con chữ. Từ đó dẫn đến quan niệm: “Dấu ngoặc đơn ngoặc kép, dấu chấm hỏi, dấu gạch ngang. Những thứ dấu chỉ làm rối mắt rối trí, nó khiến cho câu chữ phải đeo quá nhiều trang sức, giảm bớt vẻ đẹp tự nhiên”. Lại còn dấu chấm than, “những cái dấu chấm than như một rừng giáo mác chĩa lên trời. Rối cả mắt, loạn cả mắt” (Anh Ban, chị Hương, chị Phát và người không chức danh). Những câu chuyện khôi hài của giới văn chương báo chí cho thấy niềm mong mỏi của nhà văn về nhân cách văn chương, về sự trong sáng của tiếng Việt.
Châm biếm – triết lý là một yếu tố thống nhất trong phong cách nhà văn. Giễu nhại, cười cợt là cách nhà văn lựa chọn để thỏa sức nói cho hết những mặt khuất của xã hội, con người. Riêng ở tập truyện này, giễu nhại lấn át cái mượt mà, trữ tình, thương cảm. Đôi lúc người đọc phải bật lên câu hỏi đâu là cái đẹp? Và phải chăng cái đẹp cất lên từ nỗi ưu tư, từ tiếng cười, từ rác rưởi? Lại phải lần mò giữa những trang văn như một thói quen đọc. Bởi văn chương là cái đẹp. Nhà văn dẫu viết nặng nề về cái xấu thì trong từng kẽ chữ vẫn lấp lóe cái đẹp. Như một giá trị thẩm mỹ. Như trong sự đảo lộn, đan xen các phạm trù xấu, bi, hài, kệch kỡm tất yếu vẫn là cái đẹp. Và đây. Giữa các mùi rác rưởi “một mùi ngào ngạt, tươi mát, tinh khôi… tràn ngập không gian” (Rác và yêu). Bên cạnh dòng sông thối (đối tượng cho những dự án đất, đuổi cổ sông ra khỏi thành phố) là “một thành phố ngan ngát hương hoa. Dạ lan hương. Loài hoa chỉ thơm về đêm” (Trạng Hít, mùi và đêm). Những tòa nhà cao tầng và một nơi nào đó “biển vẫn đang dào dạt ngoài kia”. Ô nhiễm môi trường sinh thái, ô nhiễm âm thanh nhưng vẫn còn một nơi chốn tĩnh lặng đến độ “ngửi thấy cả mùi mướp mùi bầu” và “nghe thấy cả tiếng ong vo ve trên giàn mướp trổ hoa vàng” (Biển là màu xanh dương), v.v. Ngẫm cho cùng, sự thiếu hụt cái đẹp lại nói lên niềm mong mỏi của nhà văn, là cái nhà văn xót xa tìm kiếm dẫu cười tràn từ trang viết này đến câu chuyện kia. Sau những con chữ ồn ào là nỗi ưu tư về sự xói mòn nhân cách, sự ngắn hụt văn hóa. Đằng sau những trang văn riết róng, không kiêng dè đó là nỗi âu lo của một nhà văn nhiều tâm huyết với nghề, nhiều nỗi niềm với xã hội.