Tục ngữ có thần bí?

Nguyễn Đức Dương

0. Bên cạnh hàng loạt câu đọc lên ai cũng hiểu được ngay (như “Ác tắm thì ráo; sáo tắm thì mưa”, “Cám treo heo nhịn đói”, “Chị ngã em nâng”, “Chớp đông nhay nháy gà gáy thì mưa”, “Gần mực thì đen; gần đèn thì sáng”, “Gầy là thầy cơm”, “Gió thổi là chổi trời”, “Én bay thấp mưa ngập bờ ao; én bay cao mưa rào lại tạnh”, v.v. và v.v.), kho tục ngữ [TN] Việt còn có không ít câu ít nhiều khó hiểu, nhất là đối với những ai đã lỡ quen với hệ ngữ pháp Chủ–Vị vốn đậm màu “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm), mà nhà ngữ học Cao Xuân Hạo từng bài bác gay gắt. Đâu là nguyên do gây nên điều đó? Mục đích chính của bài này là thử trả lời thật thuyết phục câu hỏi vừa nêu.

Nếu tạm bỏ qua mức độ khó dễ chẳng mấy đồng đều, ta có thể tạm quy các nguyên do chủ chốt gây nên tình trạng trên về hai nhóm chính: (a) khó do từ ngữ và (b) khó do cách đặt câu.

1. Đầu tiên, xin đi vào nhóm thứ nhất.  

Như mọi người đều biết, TN là sản phẩm do ông cha ta, vốn sinh sống với nhiều ngành nghề khác nhau, trên nhiều vùng miền khác nhau trong nước, tạo ra. Cho nên, để hiểu đúng, dù muốn dù không, chúng ta tất phải vượt qua hai “cửa ải”: (i) các từ ngữ cổ và (ii) các từ phương ngữ.

Xin minh hoạ điều vừa nêu bằng vài dẫn liệu.

(a) Do lười tra cứu hai chữ “cơ cầu”, chúng tôi đã hiểu chệch hoàn toàn nội dung của câu “Hà tiện mới giầu[1]; cơ cầu mới có”: ‘Có [ăn ở] thật dè sẻn mới mong giàu lên được; có [ăn ở] nghiệt ngã / hiểm độc với người xung quanh mới mong có [của]’[2]. Giá sớm biết nghĩa của hai từ cổ “cơ cầu” là ‘nối được nghiệp cha ông[3], chắc hẳn chúng tôi đã chối bỏ ngay lập tức lời cắt nghĩa vừa dẫn, để đồng tình với lời diễn giải gần sự thật hơn là: ‘Có [ăn ở] thật dè sẻn mới mong giàu lên được; có nối được nghiệp cha ông mới mong có [của]’.

(b) Xin dẫn thêm vài dẫn liệu nữa để minh hoạ rõ hơn cho thứ “cửa ải” thuộc nhóm đầu.

Khi đi tìm nội dung của câu TN rất thông dụng “Rừng có mạch; vách có tai”, chúng tôi đã nhận thấy “rừng” là từ rất khó đi sóng đôi với “vách” do không đăng đối thật cân xứng về mặt nghĩa. Nhận xét ấy đòi hỏi chúng tôi phải thay nó bằng “dừng”, vì từ này hoạ may mới đáp ứng được đòi hỏi trên. Nhưng đâu là nghĩa của “dừng”? Xin thưa: đó là một từ cổ để chỉ ‘những thanh tre được buộc vuông góc với nhau dùng làm cốt vách’. Do thế, câu trên chắc hẳn nên được sửa thành “Dừng có mạch; vách có tai”. Và nội dung đích thực của dị bản này có lẽ sẽ là: ‘Dừng cũng có mạch; vách cũng có tai [cho nên, hãy tránh để lộ mọi bí mật cần giữ kín cho bất kì ai ngay cả khi đang ở giữa bốn bức vách]’.

(c) Câu “Già kén kẹn hom” hiện hay bị hiểu chệch thành: ‘Kén chọn kĩ quá thường dẫn đến cảnh ế chồng/ế vợ’, do thời nay đâu còn mấy ai biết “già kén” và “kẹn hom” có nghĩa là gì. Nhưng nếu bỏ công tìm hiểu, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy ngay đây là cách nói thông dụng trong nghề tằm tang thời xưa, và đó cũng chính là lời ông bà ta hay dùng để căn dặn người chăn tằm: ‘Chớ để [kén] quá già [= lâu] trên “né” (= thứ phên mắc cáo được đan từ các thanh tre mảnh gọi “hom”, rồi buộc nẹp tử tế cả bốn bên  để làm chỗ cho tằm kết kén) mà kén dễ bị “kẹn” (= dính chặt) vào hom (khiến khi cần rất khó gỡ ra)’. 

(d) Tương tự, người thời nay ít ai còn biết “bội” trong câu “Trống tháng bảy chẳng bội thì chay; tháng sáu heo may chẳng mưa thì bão” là cái gì, nên thường thay nó bằng “hội” cho “dễ” hiểu. Việc thay thế ấy đã khiến nội dung của câu bị sai lạc đáng kể, và càng khó giữ được cái nghĩa vốn có: ‘Tiếng trống hễ nổi lên vào dịp tháng bảy [âm lịch] thì đó là chỉ dấu hoặc của đám bội [= lễ đốt vàng mã để cúng cô hồn][4], hoặc của đám chay; hễ  trời nổi gió heo may vào dịp tháng sáu [âm lịch] thì đó là điềm hoặc sắp đổ mưa, hoặc sắp nổi bão’.

Trở lên là mấy dẫn liệu minh hoạ cho những cái khó mà người diễn giải TN hay phải đối mặt khi muốn vượt qua “cửa ải” từ ngữ cổ.

Sau đây là dăm dẫn liệu minh hoạ cho “cửa ải” từ ngữ địa phương. Giá thông thạo các từ ngữ thuộc mảng này, chúng ta tất sẽ đỡ lúng túng hơn khi phải cắt nghĩa những câu, như “Đói cơm mói [= muối] cũng ngon”, “Sắp xuống lộ [= lỗ] chộ [= thấy] khoai cũng thèm”, “Giàu bán ló [= lúa]; khó bán con”; “Xấu như ma cũng trà [= lứa] con gái”; “Dam [= cua đồng] trồi thì lụt; dam trụt thì mưa”, “Sểnh nạ [= mẹ] quạ tha”, v.v. và v.v..

2. Tiếp theo, xin chuyển sang phần bàn về “cửa ải” kế tiếp: cách đặt câu. Muốn vượt “cửa ải” này, ta tất phải đối mặt với hai thứ trở ngại: (i) lối đặt câu theo mô hình Đ–T[5],  và (ii) lối diễn đạt rút gọn (tức tỉnh lược) hết sức phổ biến, tới độ lắm khi phải chật vật lắm mới có cơ phục dựng đúng và đủ những gì đã bị lược bỏ.  

Về loại khó thứ nhất, chúng tôi xin không trở lại nữa vì đã được bàn đến đủ nhiều[6]. Cho nên, ở đây chỉ xin nhắc qua một điều: các đơn vị TN, đúng như Cao Xuân Hạo từng phát hiện lúc sinh thời, chưa bao giờ “mặc” vừa chiếc “áo” C–V cả, vì mọi đơn vị TN đều được tổ chức nhất loạt theo mô hình Đ–T.  

Tiếp theo, chúng tôi xin đi vào loại khó thứ hai. Có lẽ ít thấy loại hình sáng tác dân gian nào chuộng sử dụng hình thức diễn đạt  rút gọn với mức độ cực cao như TN[7]. Kiểu khó này đòi hỏi chúng ta phải bỏ nhiều công sức hơn để phục dựng lại thật đầy đủ và chuẩn xác hết thảy những gì bị lược bớt đi khi diễn giải, nếu không muốn mọi thông tin được gửi gắm trong câu bị hao hụt.

Chẳng hạn, không ít người ngoại quốc mới học tiếng Việt hết sức bối rối khi được yêu cầu diễn giải câu “Chó treo; mèo đậy”. Theo thiển nghĩ, sở dĩ họ bối rối chắc chỉ vì hai lẽ: chưa quen với cấu trúc Đ–T của câu tiếng Việt và lối diễn đạt rút gọn tới mức chỉ còn “trơ” lại vài từ lõi “trần trụi”. Thật thế, hễ cố phục dựng lại đầy đủ những gì đã bị lược bớt là mọi lúng túng sẽ lập tức bị san phẳng: (xin x. các phần được đặt trong ngoặc vuông tại lời diễn giải sắp dẫn): ‘[Để tránh bị] chó [ăn vụng thì thức ăn cần cất giữ nên được] treo [cao lên]; ‘[để tránh bị] mèo [ăn vụng thì thức ăn cần cất giữ nên được] đậy [kín lại]’.  

Giá cũng được xử lí tương tự thì câu “Vàng gió; đỏ mưa” tất sẽ trở nên dễ hiểu ngay: ‘[Ráng chiều hễ ửng lên sắc] vàng [là điềm hôm sau trời sẽ nổi] gió; [ráng chiều hễ ửng lên sắc] đỏ [là điềm hôm sau trời sẽ đổ] mưa’.

Lối diễn đạt tỉnh lược lắm khi còn khiến cho câu hầu như chỉ còn “trơ” lại chỉ mỗi một thành phần câu nào đó mà thôi. Có thể coi loạt đơn vị TN sau đây là những dẫn liệu tiêu biểu: “Cơm nhà; gà chợ”, “Cơm nhà; má vợ”, “Lợn chuồng chái; gái cửa buồng”, “Gà lấm lưng; chó sưng đồ”, “Ruồi vàng; bọ chó; gió Than Uyên”, “Gái thở dài; trai nằm sấp”, “Gà luộc lại; gái ngủ ngày”, “Cơm chín tới; cải ngồng non; gái một con; gà gại ổ”, “Đau đẻ; ngứa ghẻ; hờn ghen”, “Chim; thu; nhụ; đé”, v.v.. Loạt câu này, như mọi người đều thấy, sẽ lập tức trở nên “vừa” sức cả đối với HS lớp Sáu một khi được phục dựng đầy đủ và chuẩn xác như lúc chưa bị rút gọn. Chẳng hạn, câu “Cơm chín tới; cải ngồng non; gái một con; gà gại ổ” là câu vốn diễn đạt nội dung sau: ‘Cơm chín tới [là thứ cơm khoái khẩu bậc nhất]; cải ngồng non [là thứ rau ngon miệng hơn cả]; gái một con [là loại gái bắt mắt hơn hết thảy]; gà gại ổ [là loại gà cho thịt ngon khó có thứ nào sánh tày]’. Còn câu “Đau đẻ; ngứa ghẻ; hờn ghen” cũng sẽ thế: ‘Đau đẻ [là dạng đau kinh hoàng nhất trần đời]; ngứa ghẻ [là dạng ngứa khó được làm dịu hơn hết thảy]; hờn ghen [là dạng hờn cực khó làm cho nguôi ngoai]’.

Bức tranh sẽ chưa thật đầy đủ nếu chúng ta quên nhắc tới một lối tỉnh lược khó nhận biết hơn, nên càng dễ gây ngộ nhận hơn. Chẳng hạn, câu “Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm” suốt một thời gian dài đã từng làm tốn bao giấy mực của học giới. Nhưng câu này đã được chúng tôi bàn kĩ trong một bài viết được công bố cách đây khoảng 10 năm, nên xin mạn phép không trở lại nữa.   

3. Từ những gì vừa trình bày, chúng ta có thể đi đến kết luận: hoá ra, TN vẫn chỉ là những thông báo bình thường như mọi thông báo vẫn gặp trong giao tiếp hằng ngày, ngoại trừ hai khác biệt chủ chốt: đây là những thông báo được tổ chức theo mô hình ngữ pháp Đ–T và thường được diễn đạt dưới dạng cô đọng đến mức tối đa. Và hễ đã đồng tình với kết luận này, chắc hẳn chúng ta sẽ rất khó chấp nhận các luận điểm quá ư “hoang đường” của học giả Phan Ngọc nổi danh khi ông cho rằng “[…] tục ngữ phải học tập lối diễn đạt của thần linh để cho nó trở thành chân lí muôn thuở”[8]. Và một trong những “mánh khoé” [sic!] để làm cho ngôn ngữ của tục ngữ trở thành thiêng liêng là “hình thức phải hết sức giản dị, chữ nghĩa phải hết sức dễ hiểu [sic!], nhưng nội dung lại khó giải thích, bởi vì những chữ đơn giản này [được] ghép lại với nhau theo một kiểu xa lạ so với ngữ pháp hằng ngày [?!]”[9]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh. Hán – Việt từ điển. Nxb. Minh-Tân, Paris, 1950.

2. Nguyễn Đức Dương. Từ điển tục ngữ Việt. Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM, 2012, Phụ lục I: Nhận diện tục ngữ , tr. 944-52.

3. Nguyễn Đức Dương.  “Người xưa muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm”, t/c Ngôn ngữ & Đời sống, số 8, năm 2007, tr.42-44.

4. Nguyễn Đức Dương. “Tục ngữ: cấu trúc cú pháp”. Trong Tìm về linh hồn tiếng Việt, NXB Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 173-205.

5. Phan Ngọc. “Câu đối, nội dung của nó”. Trong Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ, 1995, tr. 87-91.

6. Vương Lộc. Từ điển từ cổ (bản in lần thứ hai), 2002, Nxb. Đà Nẵng & Trung tâm từ điển học.  

 

 



[1] Giầu = giàu.

[2] Xin x. Nguyễn Đức Dương. Từ điển tục ngữ Việt. NXB Tổng hợp TP. HCM, 2010, tr. 419. 

[3] Như học giả Đào Duy Anh từng chỉ rõ trong HánViệt từ điển của ông: [‘ là cái thúng, cầu là áo cầu] Con cháu nối được nghiệp cha ông gọi là cơ cầu; tỷ như con nhà thợ làm cung giỏi thì tuy chẳng khéo được bằng cha, nhưng cũng suy được ý cha mà bắt chước cách làm cung, để uốn nắn thanh tre làm thành cái thúng; con nhà thợ hàn giỏi tuy chẳng khéo được bằng cha nhưng cũng có thể mô phỏng theo ý cha, mà biết chắp vá các loại da lại để làm ra cái áo cầu’.

[4] Xin x. Vương Lộc. Từ điển từ cổ (bản in lần thứ hai), 2002, Nxb. Đà Nẵng & Trung tâm từ điển học.  

[5] Là lối đặt câu vốn ăn sâu vào cảm thức ngữ pháp của mỗi chúng ta một khi cái cảm thức ấy chưa bị hệ ngữ pháp C–V đậm màu “dĩ Âu vi trung” làm cho “chệch choạc”.

[6] Xin x. Nguyễn Đức Dương. “Tục ngữ: cấu trúc cú pháp”. Trong Tìm về linh hồn tiếng Việt, NXB Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh, 2003; “Nhận diện tục ngữ “, Phụ lục I. Trong Từ điển tục ngữ Việt. NXB tổng hợp Tp. HCM, 2010. 

[7] TN sở dĩ chọn lối diễn đạt ấy chung quy chỉ vì đó là lối diễn đạt tiết kiệm nhất và tuân thủ nghiêm ngặt nhất phương châm “lời phải chật, nhưng ý phải rộng”, nhằm đỡ phải lặp lại những gì người nghe đã biết, mà chỉ truyền cho người nghe những gì họ chưa được thông báo trong mỗi lần giao tiếp cụ thể. 

[8] Xin x. Phan Ngọc. Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học. Trong Câu đối, nội dung của nó. Nxb Trẻ, 1995, tr. 87-91.

[9] Phan Ngọc. Sđd. tr. 89.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.