Tục ngữ có khó nhận biết?

Nguyễn Đức Dương

NDD

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dương

Lẫn lộn tục ngữ (TN) với thành ngữ đang là một “quốc nạn” (lời  nhà nghiên cứu văn học dân gian Triều Nguyên), tuy đây là hai kiểu biểu thức ngôn từ [linguistic expression, BTNT] chả hề có điểm nào chung. Vậy, có cách nào để phân biệt?

 

 Theo nhiều công trình biên khảo uy tín[1], mỗi đơn vị tục ngữ [TN] dù ngắn đến đâu cũng phải là một câu hoàn chỉnh. Bởi thế, chúng ta chẳng có lí do chính đáng nào để khước từ việc lấy đặc trưng ấy làm chỗ dựa cho việc nhận biết TN. Và một khi đã chấp nhận sự thể theo quan điểm vừa nói thì phần việc nên làm tiếp theo chắc hẳn chỉ còn là phải duyệt lại xem những BTNT nào do dân gian sáng tác ra chưa phải là câu để loại bớt khỏi kho TN của chúng ta[2]

Trong suốt sáu năm qua, chúng tôi có thử tiến hành công việc vừa nhắc với trên dưới 16.000 đơn vị được các soạn giả Kho tàng tục ngữ người Việt[3] coi là TN và thu thập vào công trình ấy. Các kết quả thu được từ việc ấy đã giúp chúng tôi nhận thức sâu hơn hai điểm hệ trọng: (1) làm ngơ trước các thành quả đáng ngả mũ mà nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã gặt hái được trong việc khảo sát cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt[4] e khó nhận diện được TN một cách mau lẹ và hiệu quả do câu trong TN chưa bao giờ “khoác” vừa chiếc áo Chủ ngữ–Vị ngữ (vẫn được sách vở ngữ pháp chính thống của chúng ta truyền giảng trong nhà trường từ phổ thông cho đến đại học). Trái lại, TN được tổ chức theo mô hình Đề ngữ–Thuyết ngữ (hay gọi tắt là Đ–T), như nhà ngữ học Cao Xuân Hạo có công khám phá và gây được một tiếng vang đáng kể trong học giới chẳng riêng gì tại tp. Hồ Chí Minh; (2) về cấu trúc cú pháp, các kiểu câu trong TN hầu như chẳng khác bao nhiêu so với các kiểu câu vẫn được dùng trong lời ăn tiếng nói thường nhật hiện thời. 

Ngay sau đây chúng tôi xin lần lượt kê ra từng kiểu câu đã gặp trong kho TN Việt nhằm giúp bạn đọc có thêm một nguồn tư liệu nữa để tham khảo.

► Kiểu thứ nhất

Là kiểu câu có đầy đủ cả hai phần Đ và T trên cấu trúc bề mặt, chẳng hạn:

Gần mực thì đen; gần đèn thì sáng[5]

Én bay thấp mưa ngập bờ ao; én bay cao mưa rào lại tạnh

Vịt già; gà tơ

Thứ nhất thịt bò tái; thứ nhì gái đương tơ

Anh thuận em hoà là nhà có phúc.

Kiểu này chiếm tuyệt đại đa số (tới 95% tổng số !) trong kho TN Việt và cũng là kiểu dễ nhận biết hơn cả nhờ vào hai chỉ dấu hình thức: (a) chỉ dấu về trình tự: phần Đ của câu bao giờ cũng đặt ở trước; còn phần T bao giờ cũng đặt ở sau; và (b) chỉ dấu về ranh giới: biên giới giữa hai phần ấy bao giờ cũng được (/có thể được) phân định rõ bằng các “từ phân giới”, trong đó hay gặp hơn cả là ba từ THÌ, LÀ và MÀ. Xin minh hoạ những điều vừa nói bằng dẫn chứng:

Người có chí thì nên; nhà có nền thì vững

Ác tắm thì ráo; sáo tắm thì mưa

Thâm đông thì mưa; thâm dưa thì khú; thâm nhũ thì chửa

Vàng [thì] gió; đỏ [thì] mưa

Được mùa lúa [thì] úa mùa cau; được mùa cau [thì] đau mùa lúa

Giàu là họ; khó là người dưng

Gầy là thầy cơm

Của rẻ [là] của ôi

Công cấy [là] công bỏ; công làm cỏ [là] công ăn

Con hơn cha [là] nhà có phúc

Tiền ở trong nhà [là] tiền chửa; tiền ra khỏi cửa [là] tiền đẻ.

Chớ thấy sóng cà mà ngã tay chèo

Ăn mày mà đòi xôi gấc; ăn chực mà đòi bánh chưng

Đừng thấy đỏ mà ngỡ là chín

Xét kĩ cấu trúc hình thức của loạt câu vừa dẫn còn gợi cho chúng ta một phép thử giản tiện, nhưng vô cùng hiệu quả, giúp nhận biết mau lẹ và thoả đáng hàng loạt đơn vị TN: muốn biết một BTNT nào đó do dân gian sáng tác ra có phải là TN hay không, chúng ta hãy thử thêm một trong ba từ phân giới đã nhắc vào câu ở những chỗ thích hợp, rồi kiểm nghiệm xem biểu thức ấy có còn đúng ngữ pháp nữa không (tức nghe có ngô nghê không) và có còn giữ nguyên được cái nghĩa vốn có không. Nếu câu trả lời thu được là “có” thì biểu thức ấy đích thị là TN; còn nếu là “không” thì tư cách TN của biểu thức ấy tự khắc bị bác bỏ.

Chẳng hạn, loạt BTNT dưới dây:

Chó treo; mèo đậy

Giàu điếc; sang đui

Sống tết; chết giỗ

Áo cứ tràng; làng cứ xã 

Ăn no; lo được

Năng nhặt chặt bị

Chiêm hơn chiêm sít; mùa ít mùa nở

Già néo đứt dây

Cơm sống cơm thảo; cơm nhão cơm hà tiện

Mưa tháng ba hoa đất

sở dĩ được mọi người công nhận là TN vì sau khi thêm các từ phân giới vào chỗ thích hợp, biểu thức nào cũng đều đúng ngữ pháp và cũng đều không thay đổi nghĩa vốn có:

Chó [thì] treo; mèo [thì] đậy

Giàu [thì] điếc; sang [thì] đui

Sống [thì] tết; chết [thì] giỗ

Áo [thì] cứ tràng; làng [thì] cứ xã 

Ăn [thì] no; lo [thì] được

Năng nhặt [thì] chặt bị

 Chiêm [thì] hơn chiêm sít; mùa [thì] ít mùa  nở

Già néo [thì] đứt dây

Cơm sống [là] cơm thảo; cơm nhão [là] cơm hà tiện

Mưa tháng ba [là] hoa đất

Còn các biểu thức sau đây sở dĩ không được thừa nhận là TN do không “qua” được phép thử: các biểu thức ấy đều trở nên ngô nghê sau khi thêm THÌ / LÀ:   

* Mỏng mày [thì/là] hay hạt

* Ăn ốc [thì/là] nói mò

* Nước mắt [thì/là] lưng tròng

* Cá đối [thì/là] bằng đầu

Năm phần trăm (5%) số câu còn lại, theo chúng tôi ước tính, sẽ được chia ra cho mấy kiểu sắp đề cập. 

► Kiểu thứ hai

Kiểu này được Cao Xuân Hạo (1991 : 284) gọi là câu “phàm lệ” vì câu chuyên được dùng để “nói về những điều được coi là “phi thời gian”, vượt ra ngoài mọi cảnh huống, trong đó phần Đ ẩn mặc thường vắng mặt hoặc nếu được thể hiện thì hay được biểu thị bằng “phàm ở đời người ta”; còn phần T thường được thể hiện bằng một ngữ vị từ với trung tâm là các vị từ tình thái “hãy”,“đừng” (/“chớ”) hay “nên”, chẳng hạn:

Bán anh em xa, mua láng giềng gần [Nên bán anh em xa đi để còn mua lấy…]

Bắt người bỏ giỗ; không ai bắt người cỗ bé [Người ta chỉ hay bắt tội người bỏ giỗ, chứ chả ai bắt tội người cỗ bé]

Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên [Người ta chỉ hay ép dầu,…; chứ ít thấy ai ép duyên …]

Chết sông, chết suối, ai chết đuối đọi đèn [Người ta chỉ hay chết đuối dưới sông, dưới suối, chứ ít thấy ai chết đuối trong bát dầu lạc vốn dùng làm đèn]

Múa rìu qua mắt thợ [Đừng múa rìu …]

Bán gà ngày gió; bán chó ngày mưa [Chớ bán gà …; chớ bán chó …]

Chớ dung kẻ gian; chớ oan người ngay

Làm khi lành để dành khi đau [Hãy làm khi khoẻ mạnh để còn có cái mà ăn khi ốm đau]

Kiểu này vừa ít ỏi (chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng số), vừa khó nhận biết (do không thể sử dụng được phép thử với THÌ, với LÀ, hoặc MÀ như có thể làm với kiểu thứ nhất). Tuy thế, hễ chịu khó xét kĩ từng đơn vị một thì với mấy chỉ dấu hình thức đã nêu ở đầu mục, chúng ta vẫn có thể hoàn thành được công việc mà chẳng hề gặp phải một trở ngại đáng kể nào.

► Kiểu thứ ba

Là kiểu câu khuyết hẳn phần T, nên trên cấu trúc bề mặt chỉ còn có phần Đ. Phần Đ trong kiểu câu này thường được biểu thị dưới hai dạng:

(a) hoặc do một ngữ danh từ / ngữ vị từ biểu thị, chẳng hạn:  

Chim; thu; nhụ; đé

Ruồi vàng; bọ chó; gió Than Uyên

Lá rau muống; cuống rau giền

Cơm nhà; gà chợ

Đau đẻ; ngứa ghẻ; hờn ghen;

(b) hoặc do một tiểu cú (tức một tiểu cấu trúc Đ–T bị giáng cấp và chỉ còn đủ khả năng hoặc là làm phần Đ, hoặc là làm phần T của câu mà thôi) biểu thị, chẳng hạn: 

Cơm chín tới; cải ngồng non; gái một con; gà gại ổ

Lợn chuồng chái; gái cửa buồng

Gà lấm lưng; chó sưng đồ

Gà luộc lại; gái ngủ ngày

Gái thở dài; trai nằm sấp

Làm không chúa (= chủ); múa không trống

Lớn chuối hột; bé hạt tiêu    

Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống

Gái còn son không bằng tô don Vạn Tượng.

Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều  hôm.

Khác với kiểu thứ hai, kiểu này chiếm một tỉ lệ cao hơn chút ít (vào khoảng 3,5% trong tổng số) và cũng dễ nhận diện hơn chút ít một khi chúng ta vừa tiến hành xác lập cấu trúc cú pháp, vừa tiến hành diễn giải ngữ nghĩa cùng lúc. 

► Kiểu cuối cùng

Đây là kiểu câu ít gặp hơn hết thảy trong kho TN Việt vì cho tới tận giờ, chúng tôi mới chỉ tìm được vẻn vẹn dăm bảy câu:

Ráng mỡ gà , ai có nhà thì chống

Bạc tỉnh Tuyên [Quang] , ai có duyên thì được

Cơm hàng, cháo chợ, ai lỡ thì ăn

Chim trời, cá nước , ai được thì ăn.

Cao Xuân Hạo gọi đây là câu ngoại đề (còn ba kiểu vừa mô tả bên trên là câu nội đề) do bên cạnh phần nội đề (trong mấy câu vừa dẫn đều do ai biểu thị), trong câu còn có thêm một phần Đ nữa gọi là ngoại đề (phần được gạch chân trong các dẫn chứng). Phần này vốn không nằm trong cấu trúc cú pháp của câu và có thể dễ dàng tách ra thành một câu riêng, bởi lẽ nó chỉ gắn bó với phần câu còn lại bằng quan hệ ngữ nghĩa (chứ chẳng phải bằng quan hệ cú pháp!), chẳng hạn:

Chim trời, cá nước ấy mà (có phải của riêng ai đâu mà cứ toan giữ lấy). (Bởi thế) ai (bắt) được thì (kẻ ấy được quyền) ăn.

Tỉ lệ quá ít ỏi của kiểu câu này có thể cho phép chúng ta mạnh dạn bỏ qua một khi không quá duy mĩ: coi trọng quá đáng tính toàn bích của bức tranh muốn phác hoạ.

Tác giả gửi Văn Việt.


[1] Chẳng hạn, như:

  • § Việt Nam văn học sử yếu: (Tục ngữ là) “một câu tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì” (Dương Quảng Hàm 1951 [1943]: 15) (dẫn theo Triều Nguyên 2006: 19);
  • § Tục ngữ – ca dao – dân ca Việt Nam: [Tục ngữ là] “một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán. […] tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng phải là một câu hoàn chỉnh” (Vũ Ngọc Phan 1978 [1956]: 36-7) (dẫn theo Triều Nguyên 2006: 19);
  • § Từ điển tiếng Việt: (Tục ngữ là những) “câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết những tri thức, những kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân” (Hoàng Phê cùng các cộng sự 2005 [1988]: 1062).

[2] Khi làm việc này, chúng ta cũng nên loại bỏ luôn cả các biểu thức đã thành câu nhưng lại được ghi lại dưới dạng lục bát (/lục bát  biến thể), như:

Lúa mùa thì cấy cho sâu / Lúa chiêm thì gãy cành dâu là vừa,

Thế gian dại lắm, chưa khôn / Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành,

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Trong ba việc ấy thật là khó thay,

Chồng cô, vợ cậu, chồng dì / Trong ba người ấy chết thì không tang,

Ăn được ngủ được là tiên / Không ăn không ngủ là tiền bỏ đi,

Làm nhà cạnh đàng / Kẻ rằng dùng dắng, người rằng kéo co,

Thâm đông, hồng tây, dựng may / Ai ơi ở lại ba ngày hẵng đi,

Rễ si đâm ra trắng xoá / Mưa to gió lớn hẳn là tới nơi,

vì mấy lẽ: (1) lục bát là thể thơ đặc trưng cho ca dao, chứ không phải cho TN; (2) thu nạp thêm cho TN một lượng khá đông đúc những đơn vị vẫn được giới sưu tập ca dao đưa vào các công trình của họ (xin đối chiếu với Kho tàng ca dao người Việt) là quá chuộng số lượng mà coi nhẹ chất lượng và quá phung phí cả công sức lẫn thì giờ.

[3] Xin x. Nguyễn Xuân Kính–Nguyễn Thuý Loan–Phan Lan Hương–Nguyễn Luân 1992. 

[4] Xin x. Cao Xuân Hạo 1991. Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng.

[5] Để giản tiện, chúng tôi tạm coi mọi đơn vị tục ngữ được ghi lại dưới dạng câu ghép kiểu này như là câu đơn, bởi lẽ các vế câu hợp thành của nó bao giờ cũng y hệt nhau về cấu trúc hình thức và bao giờ cũng gắn kết với nhau bằng mối quan hệ bình đẳng (đẳng lập).

Comments are closed.