Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 13)

Hoàng Tuấn Công

○ “mèo già hoá cáo Chỉ những kẻ sống lâu ở nơi nào, lợi dụng sự hiểu biết nơi ấy mà làm bậy”.

Mèo là mèo, cáo là cáo, làm gì có chuyện mèo già hoá cáo? GS Nguyễn Lân không giải thích nghĩa đen (có lẽ vì không hiểu), nên phần nghĩa bóng giải thích không đúng là lẽ đương nhiên.

Con mèo khi già, mắt mờ, chân chậm, không còn đủ sự tinh nhanh để rình bắt chuột. Tuy nhiên, do bản năng săn mồi, ăn thịt sống, mèo sinh ra tật xấu rình bắt gà nhà, đặc biệt là gà con. Khi bị chủ đuổi đánh, mèo già thường bỏ nhà đi hoang, thỉnh thoảng lại mò về rình bắt gà hoặc ăn vụng, bộ dạng xơ xác, lấm lét. “Mèo già hoá cáo” dân gian ám chỉ ở đây là con mèo mang bản chất của một con cáo (sống hoang dã, bắt gà, gian manh, quỷ quyệt). Tục ngữ “Mèo già hoá cáo” ám chỉ: Kẻ khôn ngoan, tinh ranh, lâu ngày biến chất trở thành kẻ gian manh, xảo quyệt, không phải là “sống lâu ở nơi nào, lợi dụng nơi ấy để làm bậy” như GS Nguyễn Lân giải thích.

Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân lặp lại sự thiếu chính xác trong cách giải thích câu tục ngữ này: “mèo già hoá cáo • ng. Chỉ những kẻ sống lâu ở nơi nào, lợi dụng địa vị của mình mà làm bậy <> Lão ấy có nhiều cách ăn hối lộ, vì mèo già hoá cáo mà!”.

○ “ốc chẳng mang nổi mình ốc, còn làm cọc cho rêu Chế giễu những người bản thân mình còn khổ sở, lại còn giúp đỡ người khác. Nhưng thực ra những người như thế lại đáng được khen, vì tinh thần hi sinh, quên mình vì người khác”.

Vì không hiểu ý dân gian, nên khi giải thích xong, dường như GS Nguyễn Lân vẫn còn băn khoăn, bận lòng, cho rằng dân gian đã chế giễu “oan” người tốt, nên phải nói lại “Thực ra những người như thế lại được đáng khen vì tinh thần hy sinh quên mình vì người khác”. Nhưng “hy sinh, quên mình” là phải giúp được người khác. Bản thân còn chưa đủ khả năng lo cho chính mình, thì giúp đỡ người khác sao nổi? Sự hy sinh quên mình ấy ích gì, có ai cần đâu? Nghĩa đen: Ốc là loài di chuyển rất chậm chạp, nặng nề, bản thân ốc còn phải bám vào cọc, vậy mà trên vỏ ốc lại bám đầy rong rêu, giống như nó tự nguyện làm “cọc” cho rêu bám vậy. Nghĩa bóng: phê phán, chê cười những người có thói ôm đồm, đa mang, không biết lượng sức mình, việc của bản thân chưa lo nổi, còn ôm lấy việc của người khác.

○ “chễm chệ như rể bà goá Nói những người đàn bà goá chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng”.

Chủ thể trong thành ngữ là anh chàng rể nhà bà goá chồng, nhưng GS Nguyễn Lân lại quay ra “nói những người đàn bà goá”. Theo nghĩa đen: con rể ở gia đình mà người mẹ vợ đã goá chồng, thường được quý trọng, vì nể. Do ông bố vợ đã mất, chàng rể nghiễm nhiên trở thành người đàn ông có vị trí quan trọng trong gia đình. Như thế, anh chàng “rể bà goá” tự nhận thức được vị trí của mình nên làm oai, không phải do người đàn bà goá “chiều chuộng con rể vì những lý do không chính đáng”. Nghĩa bóng: Mỉa mai thái độ làm oai nực cười của ai đó nhờ cơ hội nghiễm nhiên mà có.

○ “rào dậu ngăn sân Nói hai nhà ở gần nhau mà không giao thiệp với nhau”.

Câu này GS Nguyễn Lân chỉ giải thích nghĩa đen, mà giải thích cũng không đúng. Nhà nọ với nhà kia được “rào dậu” là chuyện bình thường ở thôn quê, không thể nói là “không giao thiệp với nhau”. Thực ra, thành ngữ “Rào dậu ngăn sân” không nói chuyện “hai nhà”, mà chuyện một nhà: cái sân của một nhà nào đó bị rào lại, ngăn đôi ra, chia cắt thành hai nhà. Nghĩa đen thành ngữ này liên quan đến phong tục tập quán ăn ở, cư trú của người Việt xưa, nghĩa là “riêng” về mặt kinh tế, nhưng vẫn gắn kết, “chung” nhà cửa, sân vườn. Charles Roberquain (trong “Le Thanh Hoa” [“Tỉnh Thanh Hoá”] đã chép như sau: “Có khi nhà người Việt tách ra thành nhiều mảng, nhà bếp và chuồng trâu đứng riêng ở hai cạnh sân thành những nhà riêng. Mặt khác, cũng xảy ra trường hợp là con gái hoặc con trai, có chồng hoặc có vợ rồi ở với gia đình trong cùng một khu với cha mẹ và trên cùng một sân nhưng nhà riêng”.

Nghĩa bóng nói việc làm ngang ngược, chia rẽ tình đoàn kết máu mủ anh em một nhà khó chấp nhận. Thế nên, khi đất nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền, Tố Hữu dùng hình tượng “rào dậu ngăn sân” thể hiện niềm tin thống nhất một nhà: “Chúng ta con một cha, nhà một nóc, Thịt với xương, tim óc dính liền…Dù ai rào dậu ngăn sân, Lòng ta vẫn giữ là dân cụ Hồ”,v.v…

Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân lặp lại sai lầm khi giải thích thành ngữ này: “rào giậu ngăn sân • ng. Nói hai nhà ở gần nhau mà không giao thiệp với nhau <> Vì cớ gì mà hai nhà thông gia lại rào giậu ngăn sân?”.

○ “no gì mà no, trong mo ngoài đất Ý nói: Có no đâu, thực ra vẫn túng thiếu lắm”.

GS Nguyễn Lân chỉ giải nghĩa lơ mơ, sơ sài cách dùng, không giải thích được nghĩa đen “trong mo ngoài đất” là gì.

Câu này vốn từ chuyện cổ tích, đại ý: Có cậu bé đi chăn trâu thuê cho nhà chủ, vì ham chơi nên hay cột trâu một chỗ, không chăn dắt gì, để trâu đói. Mỗi khi trâu về chuồng, bà chủ thường đứng đón trước cổng quan sát xem hai cái hõm bên hông lưng trâu có đầy không, tức trâu có no không. Hôm nào cậu bé cũng cho trâu về chuồng lúc chập choạng tối, làm như chăm chỉ chăn dắt lắm. Mặt khác, cậu đánh lừa bà chủ bằng cách lấy mo cau độn vào hai bên hông trâu rồi lấy bùn đen trát lại. Trong ánh sáng lúc nhá nhem tối, bà chủ cứ tưởng trâu nhà được chăn dắt no căng bụng, hôm nào cũng khen ngợi: “Giỏi lắm, trâu ăn rất no”. Đến một hôm, trâu tức quá buột miệng tố cáo: “No gì mà no, trong mo ngoài đất”.

Như thế, con trâu trong chuyện cổ tích đang “nói” chuyện đói bụng, no bụng, no thật, no giả, lại được GS lẩy ra làm câu “thành ngữ” và giải thích một nửa là nói về no bụng “có no đâu”, nửa kia lại nói về giàu nghèo “thực ra vẫn túng thiếu lắm”. Đây vẫn là sai lầm về phương pháp biên soạn từ điển, thiếu kiến thức cần thiết của GS Nguyễn Lân.

○ “cá cắn câu biết đâu mà gỡ Nói về sự gắn bó, kín đáo giữa hai người, người ngoài không thể biết được”.

Về nghĩa đen: con cá và cái lưỡi câu không thể là sự “gắn bó, kín đáo giữa hai người”. “Biết đâu ở đây có nghĩa là không biết cách nào, không thể nào mà gỡ ra được. Nhưng GS Nguyễn Lân lại nhầm tưởng “biết đâu”, có nghĩa là sự việc bị bí mật giấu kín, nên giải thích “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ” là “sự gắn bó, kín đáo giữa hai người, người ngoài không thể biết được”.

Một phần câu tục ngữ GS Nguyễn Lân giải nghĩa vốn là thành ngữ “Cá cắn câu”, nghĩa bóng: đã bị mắc lừa theo một mưu kế; đã ưng thuận và bị ràng buộc sau một thời gian dụ dỗ, quyến rũ của ai đó. Thành ngữ “Cá cắn câu” được sử dụng trong một bài ca dao: “Ba đồng một mớ trầu cay, Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không? Bây giờ em đã có chồng, Như chim vào lồng, như cá cắn câu, Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, Chim vào lồng biết thuở nào ra”. Câu “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ”, được dân gian sử dụng như một câu tục ngữ diễn đạt cụ thể nội dung: Cá đã cắn câu rồi thì làm sao mà gỡ ra được. [Con cá bị lừa bởi cái mồi hấp dẫn ở lưỡi câu, lỡ đớp phải, bị lâm vào tình thế vô cùng đau đớn, nguy hiểm, không thoát ra được, càng vùng vẫy, càng bị gắn chặt và đau đớn hơn mà thôi]. Nghĩa bóng: đã lỡ dại quyết định, hoặc bị mắc mưu rồi, dù có muốn cũng không thể thay đổi tình thế được nữa.

Trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân đã lặp lại cái sai một cách rõ ràng hơn, khi có thêm ví dụ về cách dùng: cá cắn câu biết đâu mà gỡ • ng. ý nói đôi trai gái đã yêu nhau thì khó mà ngăn cản <> Hai anh chị ấy đã mê nhau rồi thì cá cắn câu biết đâu mà gỡ”.

Tham khảo: trong sách Những đình núi du ca, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến vận dụng đúng ý nghĩa của câu ca dao “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ” trong đoạn viết sau đây: “Nếu người Việt, “ván đã đóng thuyền, hôn sự bị cản trở vì hai gia đình không được “môn đăng hộ đối”, thì lứa đôi chỉ còn thở vắn than dài “cá cắn câu biết đâu mà gỡ / chim vào lồng biết thuở nào ra”. Người H’mông trái lại có kéo vợ (tức “cướp vợ” – HTC chú thích) như hình thức “dân chủ tộc người” có thể dành cho tất cả những kẻ có khả năng, yêu nhau, có thể tự mưu cầu định đoạt lấy hạnh phúc”.

Comments are closed.