‘Tự do cho sớm mai’: Nguyễn Tấn Cứ với tiếng thơ độc đáo của những rung cảm thời đại

Nguyễn Thị Thanh Bình

clip_image002

Dường như tôi đang thích nói một chút gì đó về tập thơ chưa tới 100 trang này, nhưng cũng quá đủ làm tôi nhâm nhi đến mất ngủ khá nhiều đêm, khiến tôi không thể không viết về nó. Nói đúng hơn, chính thế giới với ngôn ngữ thi ca riêng, tiếng nói day dứt cũng của riêng người thơ, với những đan kết của thời đại bi thảm chúng ta đang sống đã làm chúng ta khó từ khước để được chia cùng thi sĩ một nỗi niềm bi thảm rất chung.

Câu hỏi được đặt ra: Liệu nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ có lạc lõng khi đi tìm ‘Tự Do Cho Sớm Mai’?

Có điều chắc chắn chúng ta rất dễ bắt gặp hình bóng tuổi trẻ rực rỡ buồn, hay như thi sĩ gọi là nỗi-buồn-lộng-lẫy trong thơ Nguyễn Tấn Cứ: ‘Chúng tôi cô đơn chúng tôi buồn chán chúng tôi hoang vu chúng tôi đông đảo một mình. Chúng tôi không biết đi đâu về đâu khi phải một mình đứng lên chống chọi nỗi buồn’.

Tuổi trẻ Việt Nam có biết buồn không, sao càng đọc thơ Nguyễn Tấn Cứ, chúng ta càng thấm thía trong những xót xa giày vò mà thi sĩ đã dàn trải và chẳng buồn chôn giấu. Nếu không có lẽ cũng sẽ bị nổ tung vì ‘Đất Nước Với Cái Nồi Áp Suất’ (tựa một bài thơ của tác giả).

Thơ Nguyễn Tấn Cứ chập chùng những cơn váng vất u buồn. Bao nhiêu thần tượng hay huyền thoại theo thơ chàng cũng đã bị thiêu hủy tiêu tán đường. Thực tại là chúng ta đều hết sức giãy nãy, chối từ bị nhốt trong chuồng trại, hay ví như những khoảng sân nhỏ bé giới hạn luôn bị khoanh vùng. Tuy nhiên chừng như chúng ta lại nghe được rất rõ tiếng nói, tiếng thơ xé ruột của một người thơ nhiều trôi nổi, phản kháng, bất bình, phẫn uất cất lên trong cùng thẳm của tâm hồn: ‘Tự Do… Tự Do chúng tôi đâu?’.

Kỳ thực, chính thế giới bay chấp chới tự do của một người suốt đời tận tụy với thơ, đã khiến những cú thoát bay của Nguyễn Tấn Cứ đẹp rợn ngợp như sự thật, và lóng lánh giấc mơ của một thi sĩ.

Thơ Nguyễn Tấn Cứ cuốn hút người đọc vì luôn được trào ra như thác lũ, và mãnh liệt chan chứa của một trái tim nhiệt thành nóng bỏng. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng Nguyễn Tấn Cứ làm thơ dễ như dưỡng khí cần thiết để thở, và thi sĩ cũng đang mải miết thở đều, nhả thơ đều từng ngày như thơ là lẽ sống, không có sinh hoạt tinh thần này là càng buồn chết đi được. Phải nói là có khá nhiều những dòng thơ, bài thơ ấy với tôi là mỗi định nghĩa riêng của một bài thơ hay.

Nhà thơ sử dụng đa số là thơ tự do, thơ xuôi nên càng đọc càng thấy sâu lắng, nhưng rất khó nhớ như yếu tính thì ca vốn là của những nhà thơ đương đại.

Thêm nữa, giọng điệu rất riêng ấy lắm lúc gợi lên một nỗi lạc lõng hiếm hoi, bởi tuồng như ở trong nước chúng ta chỉ bắt gặp những bày tỏ giễu nhại, và đa phần các nhà thơ tự đánh mất quyền lực tối cao tự do của thứ văn chương ngoài luồng, nên quả thật không dễ để thấy một dạng thi-ca-dấn-thân trọn vẹn, mạnh mẽ trong một đất nước còn thiếu vắng tự do, và sẵn sàng làm thui chột con đường sáng tác & sáng tạo.

Có điều chắc hẳn không ai có thể cấm tâm hồn của một nhà thơ như Nguyễn Tấn Cứ bay bổng và thắp sáng những vần thơ nhỏ lệ đi nói cùng thế giới nhân quần. Dường như thi sĩ không hề sợ hãi, dù mai kia mốt nọ ngòi bút và cả chính mình cũng có thể sẽ bị giựt phăng đi, trù dập. Thi sĩ vẫn banh tim mình làm thơ như những dòng tự sự nhật ký mỗi ngày, và thơ Nguyễn Tấn Cứ vẫn tiếp tục gióng lên những tiếng chuông có khi cảnh tỉnh thời cuộc, có khi là tiếng kêu trầm thống, tiếng thét phẫn nộ bi tráng, tiếng trở mình thăm hỏi những phận đời không may Việt Nam, tiếng thở dài về một tình yêu không trọn trong những gặp gỡ chỉ có chia li tao loạn, tiếng u uẩn không lời giải mã của những bủa vây sống chết quanh mình…

Thơ Nguyễn Tấn Cứ nếu đựợc, có lẽ nên dịch ra ngoại ngữ, dù thi sĩ lúc nào cũng chỉ một mực: ‘Cho dù em bội ước/Tôi vẫn chết nơi đây/ Cùng với đất nước này’. Dù sao bước đầu cũng đã có sự khích lệ là được Giải Thưởng (Danh Dự) Văn Chương Tự Do 2019, do Tổ Chức Yểm Trợ Nhân Quyền, và Tiền Vệ thực hiện ở Sydney, Úc.

Trong văn học, nếu tác phẩm của mình viết độc đáo, và rung lên được những nhịp điệu cung bậc làm lay động lòng người, thì không sớm thì chầy tác phẩm ấy cũng sẽ được người đời biết đến đón nhận. Như tập thơ của Nguyễn Tấn Cứ in năm 2018, mà đến cuối năm 2019 mới được trao giải, dù giải thưởng lớn nhất bao giờ cũng là sự lượng định của độc giả khắp nơi.

Điều đáng nói nữa là tôi rất thích thú phần phụ lục có cuộc ‘Tán Gẫu Cùng Nhà Thơ Nguyễn Tấn Cứ: Tự Do Và Chuồng Trại’, do nhạc sĩ / nhà báo Tuấn Khanh thực hiện. Xin trích đại một câu trả lời: ‘Văn chương theo lệnh, theo chỉ đạo sẽ không bao giờ có thể ‘tàn nhẫn’ theo nghĩa của văn chương nhưng nó sẽ tàn bạo theo nghĩa của giang hồ. Vì đơn giản một khi nó được băng đảng hoá chính cuộc đời thì ngòi bút của nó chính là ‘gươm đao’ được dùng để thanh toán nhiều hơn là ‘viết lên’ cái gì đó cho con người…’

Sau hết, cùng với lời tựa và bạt của nhà văn Uyên Nguyên, Cung Tích Biền, nhà thơ Mai Sơn, Lý Đợi, tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ với thi sĩ Trần Tiến Dũng, khi Trần Tiến Dũng ‘tiên đoán’ rằng: ‘Có lẽ đây là tập cuối cùng của đời ông’.

Thú thật tôi không tin và không hề muốn làm thầy bói như vậy đâu. Lẽ nào chỉ vì tinh hoa của nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ đã phát tiết hết vô tập thơ ‘Tự Do Cho Sớm Mai’, và nhất là thi sĩ cũng không muốn phải lặp lại với chính mình?!

Hoặc có thể theo Trần Tiến Dũng, thời buổi ‘Thơ văn hạ giới rẻ như bèo’ thì tội gì thi sĩ phải lo in ấn cho mệt. Hay tệ hơn nữa, chúng ta đang sống trong thời thế mà ‘Sách vở ích gì cho buổi ấy’.

Dĩ nhiên đã là thơ thì tất cả cũng chỉ-là-có-lẽ, vì làm sao biết được lúc nào hẹn hò, nắm bắt được cảm xúc. Với sức sáng tác sung mãn trên văn học mạng, hay mạng FB cá nhân của mình, Nguyễn Tấn Cứ chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Và như thế, thể nào người thơ cũng bị bạn bè hay bạn đọc réo gọi để được chào đón nồng nhiệt ít là vài cuốn nữa. Không phải vậy sao?

Bằng cớ là nhà thơ vẫn tiếp tục có những vần thơ lắm lúc làm dịu lòng người đọc: “Về thôi cùng với con trăng sáng / Chân bước theo chân lệch vỉa hè / Cuối năm nằm nhớ khuya khe khẽ / Cây lá âm thầm đang hóa thân” hoặc: “Người nhìn xuống Giáng Sinh tuyệt vọng / Buồn như mưa đổ xuống mặt đời / Bao kiếp nạn là bấy nhiêu sám hối / Khát khô đau gánh khổ con người” hay: “Thôi về với chiếc mo cau / Làm con thuyền nhỏ khỏi đau cuộc đời /Miệng nhai cọng cỏ xanh ngời / Trời cao mây trắng mãi chơi quên buồn”…

Mong lắm thay. Cảm ơn trước và hãy cứ xông xáo lên đường an nhiên nhé, như thi sĩ sinh ra là để cảm, xúc động và sống, cùng nhận hưởng nhạy bén hơn người.

Comments are closed.