(Trường hợp tiểu thuyết “Mối chúa” và “Đất mồ côi” của Tạ Duy Anh)
Quách Hạo Nhiên
Phần 1
“Mối Chúa” – Tiểu Thuyết Đáng Bị Cấm Nhưng Không Đáng Được Cấm
1. Bước ngoặt và lợi thế
Trong mặt bằng chung của đời sống văn học nước nhà hiện nay, Tạ Duy Anh là một tên tuổi lớn. Điều này có lẽ không phải bàn cãi. Tác phẩm của ông vì thế, đáng để tìm đọc.
Những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với bộ ba Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) thì “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh cũng được xem là tiểu thuyết đánh dấu và mở ra bước ngoặt lớn về tư duy tiểu thuyết – tư duy văn học nước nhà, góp phần làm nên tên tuổi của ông đến tận hôm nay. Thậm chí, có người còn mượn tên tiểu thuyết này để “định danh” cho một chặng đường văn học nghệ thuật nước nhà: giai đoạn “bước qua lời nguyền”.
Liên tiếp trong hai năm gần đây, Tạ Duy Anh đã cho ra đời hai tiểu thuyết với hai bút danh khác nhau. Năm 2018 là tiểu thuyết “Mối chúa” với bút danh Đãng Khấu; và mới đây là “Đất mồ côi” với bút danh Cổ Viên. Nếu “Mối chúa” ngay khi vừa ra mắt đã bị cơ quan chức năng thu hồi thì “Đất mồ côi” hiện đang được bè bạn và đồng nghiệp của tác giả, nhiệt tình giới thiệu, PR trên mạng xã hội.
Giá trị thật sự của hai tiểu thuyết trên như thế nào có lẽ còn phải chờ thời gian và thêm nhiều bạn đọc thẩm định, xác nhận. Nên việc không ít nhà phê bình chuyên và không chuyên cho rằng Tạ Duy Anh là nhà văn “có duyên với sách bị cấm hoặc bị thu hồi” (như trường hợp “Mối chúa”) và dự báo khả năng bị thu hồi của “Đất mồ côi” từ cơ quan quản lý văn hóa văn nghệ như một tiêu chí đánh giá giá trị của một tác phẩm văn chương nghệ thuật và nhất là qua đây tâng bốc Tạ Duy Anh, theo tôi, trước hết là một sai lầm trong tư duy và thao tác của người những muốn giới thiệu món ngon văn chương đến công chúng.
2. Đáng bị cấm nhưng không đáng được cấm
Ngay khi “Mối chúa” bị thu hồi, vất vả lắm tôi mới nhờ được một người bạn đặt mua từ những nhà sách cũ/lậu ngoài Hà Nội. Hơn tháng sau, có sách trong tay tôi lập tức ngấu nghiến để xem tiểu thuyết này có gì mà đến nỗi cơ quan chức năng đã hành xử như thế. Sau hơn hai đêm đọc đi đọc lại, cuối cùng tôi rút ra nhận định trong sự thất vọng và ngán ngẩm: “Mối chúa” là tiểu thuyết rất đáng bị cấm nhưng không đáng được cấm.
Vì sao tôi nói như vậy? Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy đọc công văn số 914/CXBIPH-QLXB do ông Chu Văn Hòa – cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin – truyền thông) – ký như sau:
"Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251…) Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248…)”[1]
Trước hết, phải nói rằng,“Mối chúa” là quyển tiểu thuyết mà ở đó sự đầu tư và dụng công của tác giả chỉ nhằm hướng một một đích duy nhất là phơi bày cái “hiện thực trần trụi” về tệ nạn tham nhũng, suy đồi đạo đức của tầng lớp quan chức lãnh đạo nước nhà. Bên cạnh đó là sự xung đột, đối đầu giữa dân chúng với Nhà nước trong vấn đề thu hồi đất đai mà mọi người đã biết qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thời gian qua.
Từ đây, khách quan mà nói “Mối chúa” bị cấm, bị thu hồi trước hết là do cách quan niệm, cách tư duy về văn chương, về tiểu thuyết của Tạ Duy Anh. Nói khác đi, thế giới đã bước sang thế kỷ 21 rồi, nhưng cái tư duy “phản ánh” hiện thực và nhất là dùng “văn học để “ám chỉ” thể chế, chính quyền vẫn được Tạ Duy Anh lựa chọn như một cái nền chủ đạo để sáng tạo. Không những vậy, về mặt kỹ thuật, tuy tác giả có vẻ cố tình dụng công và làm mới nhưng ngẫm kỹ lại, tiểu thuyết này thực ra là sự pha trộn giữa bút pháp “tả tân” và trinh thám kèm theo chút “phóng sự đường rừng” (các chương cuối). Và để tăng thêm độ kích thích và hấp dẫn tác giả cài cắm vài cảnh sex cùng với đó là một vài bối cảnh, không gian mang màu sắc huyền ảo, ma mị.
Nhưng dù cố tình kết hợp, cài cắm, đan xen nhiều thủ pháp như thế nhưng không khó để bạn đọc phát hiện ra, toàn bộ câu chuyện – cái “hiện thực” trong “Mối chúa” tuy “trần trụi” nhưng vẫn khá đơn điệu bởi sự cóp nhặt các thông tin liên quan đến các vụ án tham nhũng, các dự án thu hồi đất đai dẫn đến sự đối đầu, quyết ăn thua đủ giữa chính quyền và người dân (như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng…).
Trong bầu khí quyển của một xã hội độc tôn, chuyên chế, cái ý định dùng văn chương để tố cáo, vạch trần, phê phán xã hội tham nhũng, bất công, thối nát; mượn văn chương để “ám chỉ” sự suy đồi, băng hoại đạo đức nhất với là tầng lớp quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền thì việc có bị cấm, bị thu hồi âu cũng là lẽ tất yếu, hợp lẽ…
Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại cũng phải nói rằng, thế kỷ 21 rồi mà những người làm nhiệm vụ “canh cổng”, “gác cửa” văn hóa văn nghệ vẫn nơm nớp lo sợ do sự tác động và ảnh hưởng của một quyển tiểu thuyết đến sự “tồn vong của chế độ” không những đang “tự kỷ ám thị”, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù mà còn gián tiếp thừa nhận và tự lột mặt nạ của chính mình.
Nhân đây, tôi cũng muốn bàn thêm một vấn đề, tôi không không tin lắm về việc các lãnh đạo quan chức văn hóa văn nghệ nước nhà có thời gian và đủ sức đọc trọn vẹn “Mối chúa” rồi sau đó chủ động ra quyết định thu hồi tiểu thuyết này. Rất có thể, ai đó trong số những “kẻ thù giấu mặt” hoặc bạn bè đồng nghiệp đã trở bút chơi trò “đâm sau lưng” Tạ Duy Anh để lập công với cấp trên? Nếu thế, càng cho thấy cái định kiến và sự lạc hậu trong tư duy và nhận thức của một bộ phận khá đông công chúng, độc giả nước nhà hôm nay. Đặc biệt là cái định kiến xem văn học như một công cụ hay vẫn luôn đồng nhất không phân biệt được hiện thực trong tác phẩm với hiện thực ngoài đời sống để rồi quy chụp, kết án các nhà văn.
Ở một phương diện khác, qua trường hợp “Mối chúa”, có cảm giác các nhà văn ở Việt Nam hôm nay vẫn đang loay hoay ám ảnh và nhất bị các nhà phê bình (theo chủ nghĩa hình thức) đánh lừa bởi hai câu hỏi: “viết cái gì” và “viết như thế nào”? Không dám lý luận nhiều nhưng tôi cho rằng, các nhà phê bình do phải thường xuyên và cùng lúc đọc rất nhiều tác giả khác nhau nên không khó để họ phát hiện ra những sự trùng lắp về ý tưởng, đề tài của các nhà văn. Thế nên, việc họ có yêu cầu, đòi hỏi và cho rằng với nhà văn – người sáng tạo – “viết như thế nào” âu cũng là lẽ đương nhiên.
Thế nhưng, trong tư cách một nhà văn – người sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, thiển nghĩ trước hết anh phải “có cái gì đó” để nói với bạn đọc (“viết cái gì”) qua hàng trăm hàng ngàn trang viết là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì muốn “có cái gì đó” để nói đòi hỏi nhà văn phải có sự trải nghiệm (vốn sống, vốn văn hóa của bản thân, đọc nghiên cứu từ người bạn bè, đồng nghiệp,…) phong phú, sâu rộng; muốn “có cái gì đó” để nói nhà văn phải thai nghén, phải tích lũy, nghiền ngẫm có khi cả đời… Phải chăng đó cũng là lý do mà có nhà văn cả đời chỉ viết được một hoặc vài tác phẩm rồi dừng lại (có người vẫn tiếp tục nhưng không viết được gì hay hơn nữa). Đừng nghĩ rằng họ không biết, không giỏi về kỹ thuật mà rất có thể bản thân đã cố hết sức nhưng vì đã cạn vốn hoặc các ý tưởng của họ đã được người khác thể hiện trước, nên họ đành đã dừng lại.
Trở lại với “Mối chúa, theo tôi tiểu thuyết này cho dù không bị các cơ quan chức năng thu hồi thì cũng khó gây được tiếng vang. Bởi tư duy tiểu thuyết của Tạ Duy Anh trong trường hợp này đã vô tình đã phản bội lại mục đích và ý đồ nghệ thuật của chính ông. “Mối chúa” vì thế và thực ra là một cái chết đã được dự báo.
3. Thay lời kết
Tóm lại, “Mối chúa” đáng bị cấm đơn giản vì nó khá lạc hậu, cũ kỹ phần nào đó do sự chủ quan, dễ dãi của tác giả trong cách tư duy về tiểu thuyết. Còn không đáng được cấm là vì nó chỉ là một tiểu thuyết ở dạng trung bình – khá xét ở phương diện kỹ thuật và cách thức trình bày, thể hiện.
Vậy nên, cấm hay không cấm, thu hồi hay không thu hồi nhất định và chắc chắn không phải và không nên mang ra làm tiêu chuẩn, thước đo đánh giá tài năng của một nhà văn và các giá trị văn chương nghệ thuật.
Từ đây, có thể nói, để có thể vượt qua tất cả các rào cản trên, không còn cách nào khác các nhà văn Việt Nam hôm nay, có lẽ buộc phải đưa ra sự chọn lựa, hoặc là hãy cứ luôn làm mới mình, cứ viết và đừng quan tâm đến thị hiếu của đám đông ngoài kia; hoặc là dừng lại để thai nghén nhiều hơn nữa thay vì nôn nóng viết ra những câu chuyện bằng tư duy cũ kỹ. Hay tệ hơn nữa, là viết trong sự tự kiểm duyệt hoặc tự an ủi bản thân với tinh thần A.Q nếu chẳng may đứa con tinh thần của mình bị các cơ quan chức năng vùi dập, khai tử.
CT, 5/03/2021
Nguồn tham khảo:
[1]: “Đình chỉ phát hành tiểu thuyết “Mối chúa” của Tạ Duy Anh”. https://tuoitre.vn/dinh-chi-phat-hanh-tieu-thuyet-moi-chua-cua-ta-duy-anh-20170921124459155.htm
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 5-3-21
Nguồn: http://www.viet-studies.net/QuachNaoNhien_TuDuyTieuThuyet_1.html