Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (10)

Thụy Khuê

Hoàng Đạo và Thạch Lam

Hoàng Đạo

Là cây bút tài hoa nhất trong ba anh em Nguyễn Tường: viết gì cũng được, viết hay ngay từ đầu, không cần qua thời kỳ "luyện văn", Hoàng Đạo thản nhiên bước vào lối viết hiện đại, ngay trong truyện ngắn đầu tay Nùng Chi Lan ký Tòng Lương, đăng trên Phong Hóa số 14 (22-9-32), câu đầu như sau:

"Đêm đã muốn tàn. Trong rừng sâu, dần dần sáng rõ. Bến đò yên lặng, chỉ nghe thấy tiếng chim xa gõ mõ, giọt sương nặng rơi ty tách" đã mở ra một bối cảnh thơ mộng khác thường, thiên nhiên đậm hồn nhân sinh, thoát xa cổ điển; kèm sự cách tân ngôn ngữ rất đặc biệt của người làm thơ, nhờ chữ muốn. Hoàng Đạo không viết: "Đêm đã tàn", để chỉ một trạng thái, mà ông viết: "Đêm đã muốn tàn", để chỉ một hành động, tức là ông đã biến đêm thành một chủ thể sống động như con người. Rồi câu kế tiếp: Trong rừng sâu, dần dần sáng rõ, không "đúng văn phạm", đáng lẽ phải viết: "Trong rừng sâu, trời dần dần sáng rõ", nhưng ông đã bỏ chữ trời đi, lại cũng là một thủ pháp của thơ. Vì không có trời, nên ta không biết ánh sáng từ đâu tới, ai rọi, không khí trở thành bí mật hoang đường, đúng hệt như những gì ta cảm nhận khi bước vào rừng sâu. Nếu Hoàng Đạo tiếp tục viết truyện ngắn thì chưa biết, lối sáng tạo câu, chữ của ông sẽ đưa văn chương tới đâu.

Nùng Chi Lan ký tên Tòng Lương (Tường Long nói lái), tuy cốt truyện còn thô sơ, nhưng nhiều câu văn như thơ, đẹp lạ lùng, ý tưởng lại rất bạo, rất mới, với những câu: "tôi thương cô, tôi yêu cô" hay "Chàng hồi tưởng lại cái môi thoa son… mà ngậm ngùi nhớ tiếc…" ở vào thời điểm ấy, viết như thế là "sexy" lắm.

Bông hoa thủy tiên

Trên Phong Hóa số 31 (24-1-1933), số báo Xuân đầu tiên, do Tự Lực văn đoàn đặt ra, có truyện ngắn Bông hoa thủy tiên của Tứ Ly, ít ai để ý, nhưng là truyện ngắn tân kỳ nhất của Tự Lực văn đoàn và của văn học Việt Nam lúc bấy giờ.

Bông hoa thủy tiên là một bài thơ trong không gian liêu trai Lưu Nguyễn. Tứ Ly giao hòa kỷ niệm với hiện thực. Đêm ba mươi Tết, Vân sinh đứng cạnh giò thủy tiên chàng vừa tỉa xong ban chiều, sực nhớ lời Lê Dung dặn sau giao thừa nhớ đến xông nhà nàng:

"… chàng liền khoác áo tơi mở cửa bước ra. Cơn gió mạnh làm chàng rùng mình.

Chàng đi theo mấy giãy phố vắng tanh, lần đến nhà Lê Dung. Bước vào cái cổng ngỏ, chàng không thấy hai chậu hoàng lan ở bên ngõ mà chàng thường đứng xem. Hơi lấy làm lạ, chàng định kiến nhìn kỹ lại cảnh vật chung quanh, giật mình lẩm bẩm: "có lẽ ta nhầm… không phải nhà Lê Dung".

Nhưng con đường sỏi chàng đang đứng như chàng đã qua lại nhiều lần rồi. Chàng ngửng đầu lên nhìn qua mấy cây tường vi lá lăn tăn, thấy một toà nhà trắng chung bóng in xuống dưới cái ao bán nguyệt trước mặt, lung linh như thực như hư. Chàng sực nhớ rằng xưa kia chàng đã từng vin cành tường vi hái hoa, tắm mát ở dưới ao nước trong, liều giảo [rảo] bước lên thềm, đi qua một giẫy lan can bằng xứ, chàng vừa định gõ cửa vào, thì cánh cửa từ từ mở ra…"

Những gì Vân sinh đang sống trong giây phút này, là mộng hay thực, không thể biết được, vì sự pha trộn thực mộng ở đây đã nhuần nhuyễn đến mức thượng thừa: Chàng đi theo mấy giãy phố vắng tanh, không biết là chàng có đi thật, hay chỉ đi trong mộng du; bởi vì đã bước vào cổng ngõ nhà Lê Dung rồi, mà chàng không thấy hai chậu hoàng lan, rồi chàng định kiến lại, và tự hỏi hay là ta nhầm?

Tiếp theo đó, chàng lại gần như chắc chắn: con đường sỏi chàng đang đứng như chàng đã qua lại nhiều lần rồi, vậy con đường này nằm trong trí chàng chứ không phải là con đường thật. Rồi đến quang cảnh tiếp theo, khi chàng ngửng đầu lên nhìn qua mấy cây tường vi lá lăn tăn, thấy một toà nhà trắng chung bóng in xuống dưới cái ao bán nguyệt trước mặt, lung linh như thực như hư thì đúng là hư ảo, bởi vì chàng sực nhớ rằng xưa kia chàng đã từng vin cành tường vi hái hoa, tắm mát ở dưới ao nước trong. Sự giao thoa thực ảo tài hoa và tế nhị như vậy chỉ có thể từ bàn tay một bậc thày chữ nghiã, nhưng không, đó là từ ngòi bút của người thanh niên viết truyện ngắn lần thứ nhì trong đời.

Khó có thể hiểu, mới vài năm trước, tiếng Việt còn ở mức "từ đây sẽ vắng tanh tin nhạn", mà bây giờ, Tứ Ly thao túng chữ nghiã như vào chốn không người.

Nói rõ hơn, trong Bông hoa thủy tiên, Tứ Ly đã dùng thứ chữ nước đôi để ảo hóa một cảnh thực và thực hóa một cảnh ảo: Vân sinh tưởng đã đến nhà Lê Dung, bước qua cái cổng ngỏ, chàng không thấy chậu hoàng lan, bèn nhìn kỹ chung quanh, lẩm bẩm:"có lẽ ta nhầm…", nhưng trí nhớ cãi lại: con đường này ta đã qua lại nhiều lần. Rồi chàng nhìn xuyên qua đám tường vi, thấy một toà nhà trắng in hình dưới ao bán nguyệt. Tất là mơ rồi. Nhưng không. Trí nhớ lại mách: xưa ta đã từng vin cành tường vi hái hoa, ta đã từng tắm mát dưới ao nước trong… Ở đây, tưởng tượng giao hòa với thực cảnh, quá khứ lồng trong hiện tại, tạo ra một không gian tuyệt vời, đắm say, mê sảng. Chúng ta vừa bị lôi cuốn theo Vân Sinh vào khung cảnh mơ màng, hư hư thực thực trên cung quảng với những mỹ nữ dạo khúc nghê thường, nhưng chỉ một thoáng sau, những nàng tiên trở lại thực thân, chỉ là đoá thủy tiên vừa nở thành tiên nữ. Thần tiên. Mộng ảo. Đừng tỉnh lại. Đừng hỏi: có thật không? Hỏi vậy là vô ích, bởi lúc nào quá khứ cũng sống trong hiện tại, nhắc ta cảnh ấy, cảnh nọ, ta đã trải qua, không kiếp này thì kiếp trước…

Bông hoa thủy tiên chính là truyện Tú Uyên Giáng Kiều, trong tiếng Việt hiện đại của Tự Lực văn đoàn, mà Tứ Ly vừa sáng tạo, cũng là truyện ngắn huyền ảo (fantastique) hiện đại đầu tiên của nước ta, viết trước Nhập Thiên Thai của Vũ Khắc Khoan hơn hai mươi năm; thanh thoát, tế nhị, không lời lẽ cầu kỳ, lập luận phiền phức như Khoan tôi, cũng không kiểu cách như Marquez máu mê, tàn bạo.

Tiếc rằng tác phẩm sau in lại trong tập Tiếng đàn (1941) đã bị sửa hoàn toàn, trở thành một truyện ngắn hiện thực, bằng cách thêm vào đầu truyện một đoạn rất dài, viết về Vân: ngồi trong nhà một đêm giao thừa, bên bàn thờ khói hương nghi ngút, Vân rất yêu hoa thuỷ tiên, chàng chọn hoa như thế nào, ủ hoa như thế nào, v.v. thừa thãi và thiếu nghệ thuật. Cái tựa Bông hoa thủy tiên bị đổi thành Hoa thủy tiên, tức là đổi một bông hoa thuỷ tiên đã nở ra các nàng tiên thành hoa thủy tiên chung chung, không có nghiã gì. Vân sinh [người học trò tên Vân] bị đổi thành VânLê Dung đổi thành Dung; và mở đầu truyện bằng câu:

"Vân ngồi yên lặng để sự bình tĩnh thấm vào người. Điếu thuộc là hút dở để trên điã sứ bốc khói lên thành vệt xanh lam…"

Trong khi Bông hoa thủy tiên bắt đầu bằng câu:

"Vân sinh mở cửa sổ cho khói pháo bay ra.

Trời tối, hai dẫy phố mầu đen sẫm in lên vùng trời sâu thẳm."

Những sự thay đổi này làm mất tính cách liêu trai trong tác phẩm, biến một truyện có tính cách tiên phong đầy chất sáng tạo trở thành bình thường như các truyện ngắn cùng thời. Tôi không nghĩ Hoàng Đạo làm, vì năm 1941, Hoàng Đạo đã phải trốn, rồi sau bị bắt. Vậy Thạch Lam làm chăng? Không có lẽ, vì Thạch Lam sành văn, và lúc đó ông đã chớm lao rồi. Sau này, nếu có dịp in lại truyện này, ta nên lấy lại bản gốc trên Phong Hóa số 31 (24-1-33).

Phong Hóa số 34 (17-2-33) có truyện Cánh buồm trắng của Tứ Ly, viết theo lối tình cảm lãng mạn, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhưng sau đó, không thấy ông viết tiếp, mãi tới báo Ngày Nay, mới có thêm vài truyện ngắn nữa.

Tứ Ly có làm ít nhất một bài thơ, trên Phong Hóa số 32 (3-2-33). Bài thơ mới rất dài tựa đề Trên sông Đáy, lấy người kỹ nữ bến Tầm Dương của Bạch Cư Dị làm phông cho một buổi hát cô đầu bên sông:

Đêm hôm ấy trăng trong vừa mọc

Cảnh trăng thu như cảm xúc tới hồn thơ

Hai anh em giạo gót thẫn thờ

Kià đã đến bên bờ sông Đáy

Theo giòng nước gió thu hây hẩy

Như vàng gieo, gợn chạy lăn tăn.

Bên nhịp cầu mấy chiếc thuyền nan,

Nằm ngủ ở dưới bóng trăng êm ái.

Nghe ca nương than thở thân phận tủi hổ của mình, hai người khách cũng là hai anh em (Hoàng Đạo, Nhất Linh chăng?) khuyên nàng đừng buồn vì thời nay ca hát không còn là cái nhục. Tuy là thơ "tuyên truyền" (ca nương thấy báo chí kêu gào "ngũ luân, ngũ thường" mà đời nàng không có gì hợp với luân thường cả, hai anh em bèn lựa lời khuyên giải) nhưng lời thơ đẹp, nhạc và ý hay hơn thơ Tân Việt (Nhất Linh) và thơ Phạm Huy Thông lúc bấy giờ.

Tuồng cổ tân thời

Nhất Linh chủ trương một tờ báo hài hước, nhưng ông không viết được hài hước, Thạch Lam cũng không có óc khôi hài. Khái Hưng có duyên hơn. Tú Mỡ làm thơ hài hước chuyên nghiệp, bài bản, đọc qua vài bài là thấy chán. Tất cả mới lạ trong tiếng cười, dựa trên vai hai người: Hoàng Đạo trong văn và Nguyễn Gia Trí trong tranh. Cả hai đều có óc sáng tạo phi thường. Nguyễn Gia Trí sẽ nói đến sau. Tác phẩm hài hước có giá trị trong thời kỳ đầu tiên này là của Tứ Ly với Tuồng cổ tân thời.

clip_image002
Tuồng cổ tân thời, Phong Hóa số 38 (17-3-1933)

Tuồng cổ tân thời, in trên 5 số Phong Hóa, bắt đầu từ Phong Hóa số 38 (17-3-1933), đến số 42 (4-4-33), sau này bị Thanh Lãng lên án với những lời tàn tệ: "Nhưng không ở đâu Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Khắc Hiếu được mô tả một cách tồi tàn, gàn dờ, quê kệch, nhất là đê hèn như trong vở tuồng "Tuồng cổ tân thời" (Xem chương Sự tiếp nhận Tự Lực văn đoàn).

Thực ra, đây là một tác phẩm độc đáo, soạn theo lối tuồng cổ, mô tả trận thư hùng Tân-Cổ giao tranh: Một bên Hoàng tiên sinh oai phong lẫm lẫm, một bên là bọn Phong Hóa nhố nhăng nổi loạn. Các vị tiền bối thua trận, chạy có cờ.

Không phải Tứ Ly viết tuồng hú họa mà chơi, đây là một vở tuồng có nghiên cứu đàng hoàng. Khái Hưng đã từng cho rằng: viết kịch là khó, khó nhất trong mọi thể loại, vì tất cả đều ngụ trong lời nói. Viết tuồng có lẽ khó hơn, và viết Tuồng Cổ, tức Hát Bội, còn khó hơn vạn bội. Vậy mà người thanh niên Tây học này, dám xông vào Tuồng Cổ. Tức là ông phải nghiên cứu kỹ về tuồng cổ.

Tuổng cổ hay hát bội có hai điệu: một là cách nói và một là cách hát.

Cách nói cũng lại có hai điệu:

Hường là những câu nói chính, phải thét to, đặt theo thể nói lối.

Tán là những câu phụ, đệm cho những câu hường, nói nhỏ, đặt theo thể văn xuôi.

Cách nói dùng vào những việc sau đây:

– Giáo đầu: lời mở đầu của trùm phường, chào khán giả, tóm lược câu chuyện.

– Xưng danh.

– Nói chuyện hoặc kể việc.

Cách hát, cũng có hai điệu: hát Nam và hát Bắc.

Hát Nam câu làm theo thể thơ song thất lục bát, thể văn riêng của ta.

Hát Bắc, là những câu làm theo thể thơ, thể phú mượn của người Tầu.

Hát Bắc dùng để đặt các câu: Bạch (lời nói của một vai mới ra trò, làm theo thể thơ), Loạn (câu bổ ý, làm theo thể thơ hoặc phú), Xướng (trần tình) làm theo thể phú, Than (tỏ tình bi ai, làm theo thể thơ. Ngâm (là bài thơ, một vai đọc ra để tỏ tình mình)[1]

Hoàng Đạo đã sáng tác vở tuồng cổ này theo đúng quy luật phức tạp của hát bội, và có lẽ ông muốn nhại vở tuồng cổ Tân diễn Đệ bát tài tử hoa tiên ký của Hoàng Tăng Bí.

Sân khấu mở vào dinh cơ cụ Hoàng[2] với hai vị tham mưu Tả Vĩnh, Hữu Hiếu, và mấy tên lâu la. Dưới đây xin chọn mấy trích đoạn:

"Chủ trại Hoàng Tăng Bí ra ngồi nghĩ việc quan.

Chủ trại ngồi bạch tán: "Như ta nay: Hồng Hoàng chủ trại, tên gọi Hoàng Tăng. Nặng đôi vai gánh chữ nho phong, bền một dạ ghi điều cổ lễ".

Thét: Nhưng rứa mà, đất bằng nổi sóng, gây việc can qua, Phong Hóa đâu mới nẩy nòi ra, đem hết thẩy mọi người công kích, đặng làm trò múa rối vui chơi. Văn ta hay, cứ chế rỡn hoài, không hề thấy một lời khen tặng. Cười nhạt, nói: ha ha! Thét hường: một đầm mấy con cá lớn, xổ lầu ngại lúc voi xô.

Tán: Rứa như ta, từ thủa múa cây bút sắt, dư luận cầm cân, trong cẩm nang sẵn có mưu thần, trừ Phong Hóa âu ta phải dụng a!"

Và đây là chân dung Nguyễn Văn Vĩnh:

"Tả tham mưu Nguyễn Văn Vĩnh ra bạch:

Người đời thay ý kiến, như chong chóng quay – quay thế mà nghĩ cũng hay hay; tít mù tắt hết ngày hết tháng.

"Tán: Ta tên Văn Vĩnh, chủ báo Annam, đường văn minh đi bước tiên phong, tư tưởng mới giốc lòng truyền bá.

Thét hường: Rứa mà khi nhàn rỗi, còn thú đánh tổ tôm. Lại giỏi nghể bấm độn cát hung, tìm long mạch cùng là xem số, quyết, đem tài thi thố mà phò chủ trại Hoàng. Theo phương trâm "quốc túy bảo tồn", cho thiên hạ biết ta thủ cựu."

Và đây là Hữu tham mưu Nguyễn Khắc Hiếu:

"Hữu tham mưu Hiếu rót rượu uống.

Tán: "Say chuyếnh choáng non xanh còn chẳng thấy, thời mưu cao kế diệu biết đâu tìm, hay bây giờ bọn ta hóa ra chim, theo giấc mộng bay về nơi tiên cảnh, hay bây giờ ta đem rượu cúc rử quân thù đặng chén say sưa, bao giờ cho say đứ say đừ, khi ấy sẽ ra tay trừ khử!"

Nói đến đây, Hữu tham mưu túy lúy, gục xuống bàn không còn biết gì nữa. Chủ trại nhìn hữu tham mưu ra ý thương hại. Ngâm:

Thử thị Đà-giang phi Xích-Bích

Dã vô Gia-Cát giữ Chu Lang"

Sau khi giới thiệu các nhân vật và sự bàn bạc chiến lược dẹp quân thù bên Hoàng trại chủ, đến phần II, mới nói đến bên Phong Hóa: Tứ Ly ngồi chễm chệ trên thành hút thuốc lá, đội mũ Khổng Minh, còn Nhát Dao Cạo (Khái Hưng) oai phong cầm bút thần ra giao chiến:

Nhát Dao Cạo ra khiêu chiến:

"Như ta nay:

Tán: Sắc như nước, bóng như gương, ngọn bút thần soi mới bả văn chương, lấy giao, cạo những lời vô nghiã.

Bớ bọn kia: Chẳng biết thân ván cùn bút rỉ, dám khoe khoang mẫn thế ưu thời. Điều lỗi lầm ta vạch mắt cho coi, lời chỉ giáo như nước trôi đầu vịt".

Các vị đầu lĩnh bên Hoàng trại chủ sợ mất vía, chẳng ai dám ra tỷ thí, có Nguyễn Phùng liều mạng, được vài hèo, thua chạy có cờ, phu nhân bèn ra tiếp sức:

"Cô Việt An, than:

Chàng ôi, tài thao lược chàng còn phải chạy, tài mọn này thiếp đâu dám xông pha, âu là ta nên trở lại nhà, duyên văn tự từ rầy thôi hết dám.

Nhát Dao Cạo đứng ngâm:

Anh hùng đáng mặt anh hùng.

Việt An mất viá, Nguyễn Phùng rẽ cương.

Hỏi ai còn dám tranh cường.

Còn ai dám viết văn chương lạ đời".

Nguyễn Công Tiễu nhân danh nhà khoa học, liều chết xông ra, cũng chỉ được vài hèo rồi thua chạy. Lê Công Đắc liều mình tiếp chiến.

Việt Sinh ra bạch:

Anh Nhát Dao Cạo! hãy dừng tay lại, để mỗ ra tài.

Lê Công Đắc và Việt Sinh giao tranh, Đắc thua chạy.

Việt Sinh đứng tán:

Ngẫm xem cuộc thế như đám mây chiều, gió chạy mây theo, thiên hình vạn trạng. (…)

Ngâm:

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương

Nguyễn Tiến Lãng ra bạch- Thét

Bớ Việt Sinh! Ai khiến mi thương, ai cầu mi sửa.

Như ta đây hay than hay thở, trông hoa xoan rụng lòng ta không nỡ, thấy ve sầu kêu nước mắt khó cầm, thì sao ngươi không cứ mặc ta khóc thầm, mặc ta kéo thiếu niên vào cõi đời sầu khổ."

Vở kịch viết theo đúng quy luật tuồng hát bội. Chữ nghiã đối chát. Cách mô tả nhân vật gần như toàn bích:

Hoàng Tăng Bí: Nặng đôi vai gánh chữ nho phong, bền một dạ ghi điều cổ lễ.

Nguyễn Văn Vĩnh: Đường văn minh đi bước tiên phong, tư tưởng mới giốc lòng truyền bá.

Tản Đà: Say chuyếnh choáng non xanh còn chẳng thấy, thời mưu cao kế diệu biết đâu tìm.

Khái Hưng: Sắc như nước, bóng như gương, ngọn bút thần soi mới bả văn chương, lấy dao, cạo những lời vô nghiã.

Tứ Ly vẽ chân dung tài tình gần được như… Nguyễn Du. Tác phẩm giễu cái cổ nhưng phục tài người cũ. Dùng biền ngẫu để nhại biền ngẫu: gậy ông đập lưng ông. Lấy giọng các cụ bỏ miệng các cụ để các cụ tự giễu, đó là lối cưỡng bách tự trào, có hiệu ứng công phá mãnh liệt.

Tứ Ly mở đầu lối hài hước độc đáo bằng tuồng hát bội, hình thức này chưa có ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tuồng cổ tân thời trở thành "cổ điển" ngay từ khi mới ra đời, ngày nay chúng ta đọc vẫn còn thích thú. Thích hơn đọc tuyệt tác Sơn hậu:

"Phàn Định Công bạch:

Xuống xa so đức Thuấn

Lên vai nối nhân Nghiêu

Dân không lời kẻ ức kêu vang

Ngục chẳng tiếng người oan than khóc"

Nguyễn Tường Long dùng hai bút hiệu chính: Tứ Ly (mặc dù là) giờ xấu nhất, quyết đứng lên cải tổ Phong Hóa, và Hoàng Đạo (giờ tốt nhất) để phụng sự Ngày Nay. Còn tên thật Tường Long biến thành Tòng Lương, Tùng Lương hoặc Tứ Linh, Tống Sĩ…

Tứ Ly-Hoàng Đạo là người có tư tưởng canh tân nhất về mọi phương diện trong Tự Lực văn đoàn. Nhưng phải đợi đến khi Phong Hóa bị đóng cửa; uất ức, Tứ Ly mới trở thành Hoàng Đạo, lý thuyết gia của Tự Lực văn đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Trong Tứ Ly còn có chữ Tứ, ý chỉ người con thứ tư trong gia đình Nguyễn Tường. Trên Phong Hóa số 17 (13-10-1932) khi Khái Hưng ký tên Nhị Linh, để công nhận Nhất Linh là chủ soái văn đoàn, thì Nhất Linh cũng vội ký tên Tam Linh, để tỏ ý mình là em đứng sau Nhị Linh. Hoàng Đạo, ký tên Tứ Linh, trên Phong Hóa số 20 (4-11-1932) xác nhận mình là em hai vì sao bắc đẩu. Tất cả những tế nhị này chứng tỏ, họ không màng chiếu trên chiếu dưới, họ sống với nhau trong tình huynh đệ tương kính, và khi Nhất Linh cho Khái Hưng một đứa con, thì sự kết nghĩa trở thành thiêng liêng, cao thượng. Và họ ở với nhau như vậy, trọn đời.

Thạch Lam

Vào làm việc ở Phong Hóa ở tuổi 22, Việt Sinh làm phụ tá cho chủ bút Khái Hưng trông coi bài vở, đọc, lựa, trả lời thư độc giả, viết tin thời sự hàng tuần[3], sau điểm báo và điểm sách xen kẽ với Lê Ta (Thế Lữ), nhưng ông đã học nghề văn bằng cách viết phóng sự.

Nguyễn Tường Lân, bắt đầu viết trên Phong Hóa từ số 14, ký T.L [Tường Lân viết tắt], từ Phong Hóa 15, ký Việt Sinh. Đến Phong Hóa số 98 (18-5-34), lần đầu tiên ký tên Thạch Lam dưới một bài điểm báo. Và đến Phong Hóa số 109 (3-10-34), số đặc biệt có chủ đề Sóng lam cát trắng, bút hiệu Thạch Lam được ký dưới bài tùy bút đầu tiên Sóng lam cát trắng và bài tạp bút Bên làn sóng, mô tả cảnh và người tắm bể Đồ Sơn.

Văn bản đầu tiên, in trên Phong Hóa số 14 (22-9-32) là Lệ Hồng quyên sinh, ký tên T.L, kể chuyện cô Lệ Hồng suốt ngày chỉ buồn rầu nghĩ đến tự tử, bắt đầu bằng câu:

"Lệ Hồng đã ngoài đôi mươi, lúc nào cô cũng buồn, nét mặt đăm đăm như chìm đắm vào trong một thế giới đầy những gió trăng hoa mộng, riêng cái sác [xác] thịt còn vướng víu đến cõi trần bạc bẽo vô duyên này. Từ đó, cô mới có cái ý tưởng lìa sác thịt bay lên thế giới mộng ảo. Cho được như ý muốn, chỉ có quyên sinh".

Lệ Hồng bốn lần quyên sinh không chết: lần đầu, cô mua hoa hồng về chất đầy phòng, sáng sau ngủ dậy vẫn thấy mình chưa chết. Lần thứ hai, cô mua thuốc phiện về nếm thử, thấy đắng quá, vứt đi. Lần thứ ba cô ra hồ Hoàn Kiếm định trầm mình, trông nước xanh lè, rêu bám thành váng có mấy con đỉa lượn lờ, sợ quá, sợ điả, sợ rét, cô lại không biết bơi, đành về nhà, mắc dây lưng lụa lên cửa sổ, thòng cổ vào, nhưng dây đứt, cô rơi xuống đất khá đau…

Lúc đó, Phong Hóa phát động chiến dịch chống sầu thảm, Thạch Lam tiếp tay Khái Hưng với bài xã luận Sầu thảm nhiều rồi, ký tên Việt Sinh, chủ trương "quét sạch" sầu thảm bằng tiếng cười trên Phong Hóa số 15 (29-9-32). Sau đó, ông viết truyện ngắn thứ hai Nữ sĩ Lệ Hoa (Phong Hóa số 16, 6-10-32) ký tên Việt Sinh, để chế giễu cô Lệ Hoa, chỉ viết truyện bi thảm bịa đặt.

Hai truyện ngắn Lệ Hồng quyên sinh Nữ sĩ Lệ Hoa là bài tập, chưa có gì đáng kể.

Bài ký Một năm Cao đẳng, in trên Phong Hóa từ số 17 (13-10-32) đến số 23 (25-11-32), khá hơn, viết về giai đoạn học trường Canh Nông, cho thấy mấy nét đặc biệt của Thạch Lam: Chú ý đến chi tiết, đến hoàn cảnh, đến thái độ của bạn cùng lớp, đến cử chỉ, sự vui buồn của họ… Tuy lời văn còn vụng về, nhưng sự thành thực và óc quan sát đã có trong bài ký này.

Hà Nội ban đêm

Ngòi bút Việt Sinh nổi trội hơn với loạt phóng sự dài Hà Nội ban đêm viết chung với Tràng Khanh (từ Phong Hóa số 37, 10-3-33 đến Phong Hóa số 60, 18-8-33). Theo Nguyễn Tường Bách thì Tràng Khanh là một người bạn hay đi chơi đêm, về kể chuyện cho Việt Sinh viết lại.

clip_image004

Hà Nội ban đêm, Phong Hóa số 37 (10-3-33)

Hà Nội ban đêm bộc lộ khuynh hướng xã hội của Thạch Lam: người thanh niên 23 tuổi đã cúi xuống thân phận tối tăm của những cô gái điếm: phần lớn đều là gái quê, muốn trốn cuộc hôn nhân ép buộc, hoặc bị lấy chồng tàn tật, bị sở khanh quyến rũ rồi bỏ, bị đối xử tàn nhẫn trong gia đình, bị những mụ tú bà tân thời dụ dỗ ra tỉnh để được mặc áo đẹp, lấy chồng sang… Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cảnh đời, khi ngang trái, khi giả tạo, dối gian… Tác giả vén màn lên nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống nhà săm [chambre] ổ điếm, cách tiếp khách của mỗi "tổ chức", mỗi tú bà, cả những "nạn nhân" cũng sáng tạo nhiều thủ đoạn để rút tiền khách làng chơi. Hà Nội ban đêm là bức tranh đen tối đầu tiên về Hà Nội ngàn năm văn vật. Thạch Lam đã nhận được những lời phê phán gắt gao vì dám "bôi nhọ" Hà thành.

Ở đây xin nói qua về lịch sử văn phóng sự: Tam Lang bắt đầu với phóng sự Tôi kéo xe, in trên Ngọ Báo khoảng tháng 6-1932. Lúc đó Phong Hóa số 1 mới ra đời. Chín tháng sau, Việt Sinh bắt đầu phóng sự Hà Nội ban đêm trên Phong Hóa số 37 (10-3-1933) và hơn năm sau, Vũ Trọng Phung viết Cạm bẫy người trên Nhật Tân số 2 (9-8-1933). Đó là những phóng sự đầu tiên, với ba phong cách hoàn toàn khác nhau, đều chiếu vào những khía cạnh đen tối nhất của xã hội: Tam Lang lật mặt trái nghề kéo xe. Việt Sinh chiếu vào ngõ ngách của nghề làm điếm và Vũ Trọng Phụng điều tra nghề cờ bạc bịp.

Sáng tạo thể văn tuỳ bút

Tình cờ Việt Sinh (Thạch Lam) trở thành người sáng tạo ra tùy bút hiện đại.

Việt Sinh được Nhất Linh chỉ định (hay tự chọn) viết phóng sự? Không thể biết được.

Nhưng, như ta sẽ thấy, phóng sự của Thạch Lam khác hẳn với các loại phóng sự khác cùng thời, nó là một thứ tuỳ bút văn chương.

Ngay từ Phong Hóa số 33 (10-2-33) phóng sự Trên đồi Lim, ngày giỗ Tổ đã hiện dần những nét riêng của Thạch Lam. Ngày 13 tháng giêng là ngày giổ Tổ (Hùng Vương), được tổ chức ở cả một vùng đồi Lim. Dân thành thị, thôn quê đổ về xem hội, quần áo quê, tỉnh, mỗi kiểu một vẻ. Họ về xem các cuộc chơi: con gái, đánh đu, hát đúm. Tiếng hát là ngôi sao sáng của ngày hội:

"Ai nấy yên lặng một lát, lắng tai nghe Tiếng hát cất lên dịu dàng, thong thả – các cô con gái nhìn nhau, con mắt say sưa, bao nhiêu tinh thần đều để vào câu hát, các cô ngâm dài ra và gióng tiếng cho đều:

Hỡi người nhân tình đấy ơi…

Áo hoa ướt đầm, này ấy, ai ơi…giòng nước xuôi…

Tiếng hát khi lên cao, xuống thấp, trong và sang sảng, ngân dài ra như dư âm văng vẳng của tiếng chuông…"

Bài phóng sự được Đông Sơn (Nhất Linh) minh họa, cho thấy cảnh hội bầy ra trước mắt, đông vui, tình tứ, từ sáng đến chiều. Bỗng trời đêm giáng xuống, mọi sự thay đổi, nhẹ nhàng trắng biến thành đen:

"Trời đã bắt đầu gần tối, sương mù xuống bao bọc lấy đồi Lim làm tiếng nói nghe như khẽ và xa. Còn cô con gái thấy đứng một mình là nguy hiểm, cứ quanh quẩn sát lấy nhau, kéo khăn vuông lên rồi thu hai tay vào bọc đứng yên lặng.

Trong bóng tối nhấp nhoáng, ta lại thấy bóng người sô đẩy nhau, một cô hàng cá bị hai người chòng ghẹo, gỡ mãi không ra, thúng cá đổ tung, mấy con cá giếc lấp lánh sáng trên cỏ ướt sương.

Trong cái không khí yên lặng của đêm xuân đầm ấm, ta nghe thấy tiếng thì thầm to nhỏ, tiếng quần áo sột soạt, những lời âu yếm van xin, thỏ thẻ trong sương mù…"

Tất cả nhạy cảm và tế nhị của Thạch Lam đã hiện ra trong câu văn ngắn ngủi này: Lợi dụng bóng đêm, phần tối của con người hiện ra, đồng loã, trong không gian hững hờ, trong bất lực hoàn toàn của mấy con cá giếc nhỏ bé, vô tội.

Không một nhà báo viết phóng sự nào làm như thế, bởi vì họ chưa phải là nhà văn.

Phong Hóa số 34 (17-2-33) có bài Nghe hát quan họ một đêm ở Lũng giang: tiếp tục sau một ngày trẩy hội, đêm về nghe hát đúm. Việt Sinh vẫn không viết phóng sự như mọi người, nghiã là như một nhà báo chép lại các sự kiện mình thấy, mà ông viết với ngòi bút của một nhà văn nhạy cảm, lắng nghe từng tiếng động, từng hơi thở, chụp lại từng bức tranh, bởi ông chú ý đến thân phận con người, đến cảnh sống của những cô gái quan họ, ông đến đó để tìm hiểu và ghi lại tâm sự, nỗi buồn của họ.

Tiếp đó, tới Phong Hóa số 77 (15-12-33), Việt Sinh sáng tạo ra ra một loại phóng sự khác, trong bài Xoè của các cô nàng, viết về múa Xoè của người Mường ở Hoà Bình. Ông cho biết: hai anh em ông Đinh Công Nhiếp và Đinh Công Niết, Chánh quan lang đã lấy điệu "múa xòe giải lụa" ở vùng Phong Thổ, dạy các cô Mường Hoà Bình:

"Xoè giải lụa" hay là "múa quạ" đều chú trọng vào cái vẻ linh động của giải lụa mùi hay cánh quạt mở ra gấp lại cho khéo, giống như cánh con bươm bướm chờn vờn trên bông hoa. (…) Nếu ta là khách quý lên chơi chốn quê hương các cô nàng, các cô nàng sẽ đem những điệu múa ấy ra mừng, tay tung giải lụa, miệng chúm chím ca:

"…Chào quan như ngọc lư ly…

Như tiên hạ giới biết đi đằng nào…

Chào quan như tấm lụa đào…

Như tiên hạ giới, như sao trên giời…

Chào quan có bấy nhiêu lời…

Như tiên hạ giới, như người trên cung…

Bấy nhiêu lời cũng đủ diễn cho ta biết cái thi vị lạ lùng u uẩn của vùng đồi cây rậm, của những suối réo dưới khe đá hay những rừng sim rộng rãi bao la mà chiều chiều, các cô nàng đeo giỏ đi hái hoa. Không phải vì nghiã lý của câu hát, nhưng vì cái giọng hát thanh thanh mà nhẹ nhàng, buồn bã mà lạnh lùng, như tiếng vượn kêu trong rừng khuya."

Nhưng tiếc thay: "Sau khi biểu diễn trước Hoàng Thượng, thấy công chúng hoan nghênh, ông Đinh Công Huy [cựu Án sát tỉnh Hoà Bình] mang các cô nàng lên sân khấu rạp Quảng Lạc diễn lấy tiền giúp… hội Quảng Lạc. Rồi bọn xòe ấy có lẽ đi Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, diễn như một ganh hát tuồng!"

Việt Sinh luôn luôn nhẹ nhàng, se sẽ luồn vào hồn ta những nhận xét có vẻ hững hờ mà đớn đau như thế. Trong bài Phong dao Mường (Phong Hóa số 78, 22-12-33), ông sưu tầm được bài Mười yêu của người Mường, âu yếm và tha thiết hơn bài Mười thương của người Việt:

Một yêu khăn lượt vòng giây,

Hai yêu yêu cả đôi giầy bàn chân.

Ba yêu xé lụa may quần.

Bốn yêu xé nhiễu may chăn đắp cùng

Năm yêu yêu lạ yêu lùng.

Sáu yêu em muốn cùng chung một nhà,

Bẩy yêu phận đẹp duyên hòa,

Tám yêu yêu cả mẹ cha nhà chàng…

Chín yêu se sợi chỉ vàng,

Mười yêu chỉ cốt lấy chàng mà thôi!"

Và đây là lời anh chàng bị người yêu phụ tình:

"Yêu em em nỡ lấy chồng

Để anh về chốn nhà không anh chờ

Chờ em biết đến bao giờ

Quạ kêu khe suối, giăng mờ đầu non…"

Các cô Mường đều nói được tiếng Việt nên không có sự "bất đồng ngôn ngữ"

Bài Xoè của các cô nàng pha trộn văn chương và nghiên cứu, cho thấy nhà biên khảo có thể nhận xét vũ điệu bằng con mắt nhà thơ, để tạo ra một thể văn mới, đó là tùy bút văn chương. Thạch Lam đã ảnh hưởng sâu sắc đến tùy bút Nguyễn Tuân sau này, đặc biệt khi ông viết bài Xòe trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960).

Đầu năm 1935, khi Nhất Linh quyết định ra báo Ngày Nay, ông giao cho Nguyễn Tường Cẩm, người anh, làm chủ nhiệm và Thạch Lam làm chủ bút (số 1 ra ngày 30-1-35), Thạch Lam không phải phụ trách những mục thường xuyên như viết tin hàng tuần, điểm báo, điểm sách nữa, mới có thì giờ và tự do hơn trong công việc, có điều kiện để mở rộng tài năng của mình trên ba phương diện:

– Trở thành cây bút chuyên về mỹ thuật của Tự Lực văn đoàn.

– Viết truyện ngắn giá trị đầu tiên: Đói.

– Thực hiện phóng sự lịch sử: Bóng người Yên Thế.

để mở đầu cho thời kỳ phóng sự trên báo Ngày Nay, với những ngòi bút: Nhất Chi Mai (Thế Lữ), Tường Bách (em út Nhất Linh) và nhất là Trọng Lang, người sẽ trở thành cây bút số một về phóng sự của Ngày Nay. Chúng tôi sẽ nói đến giai đoạn này trong một chương sau.

Đói, là truyện ngắn đầu tiên của Việt Sinh trên Ngày Nay, xuất hiện một lối viết mới: hiện thực tâm lý xã hội: "Cơn đói lại sôi nổi dạy như cưa ruột, xé gan, mãnh liệt át hẳn cả nỗi buồn… Sinh thấy người lả đi, mệt nhọc dựa vào lưng ghế… chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lan cả khắp người như nước triều tràn trên bãi cát… Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi ngậy béo, cái mùi thơm của chiếc bánh cóng… Mũi tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột gan, như thấm nhuần vào xương tuỷ".

Bây giờ ta tưởng là thường, nhưng đó chính là những chữ quốc ngữ đầu tiên soi vào lục phủ ngũ tạng con người bị cái đói hành hạ, những chữ của một kẻ xẻ ruột để tìm xem, trước cái đói, còn có cái gì quan trọng hơn, như thể diện, nhân cách?

– Không. Tất tất cả mọi vấn đề khác đều không còn giá trị gì. Chỉ một cái đói bao trùm, làm chủ, nó xuyên suốt tâm hồn và thể xác. Đó là tuyệt phẩm đầu tiên, in trên Ngày Nay số 7 (5-4-35) và số 8, (16-4-35), định vị Thạch Lam trong Tự Lực văn đoàn và trong văn học Việt.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Theo Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc Gia giáo dục xuất bản, 1960, trang 163-166.

[2] Cụ Hoàng Tăng Bí, (1883-1939), một trong những nhà nho sáng lập trường Đông Kinh Nghiã Thục; sau cộng tác với Trung Bắc Tân Văn.

[3] Theo Thế Lữ, Lê Ta làm báo, Phong Hóa số 103 (22-6-34) đến Phong Hóa số 113 (31-8-34).

Comments are closed.