Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (17)

Thụy Khuê

Số 80 Quan Thánh

Phần II: Khái Hưng

clip_image002

Từ Cổ Am đến Hà Nội

Nhất Linh không trực tiếp dính líu với cách mạng chống Pháp trước khi thành lập Tự Lực văn đoàn, vì khi ông du học Pháp về cuối năm 1930, Toàn quyền Pierre Pasquier đã dẹp xong cuộc cách mạng Việt Nam Quốc Dân Đảng và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Khái Hưng là người ở trong cuộc từ năm 1930.

Ngày mồng một Tết Canh Ngọ (30-1-1930), Trần Khánh Giư bị cảnh sát (mật thám) Pháp đến khám nhà. Ông thuật lại việc này trong truyện ngắn Tây xông nhà, đăng trên báo Việt Nam, số Tết Bính Tuất, 1946:

Viên "quan" Tây đó là Heineshilk – ấy là tôi [Khái Hưng] theo vần đọc mà viết ra, chứ chưa thấy tên hắn in trên giấy bao giờ theo lời đồn, người gốc Áo, bị án tử hình, trốn sang Pháp, xung lính lê-dương (légionnaire), đi Maroc, rồi sang Việt Nam. Đúng chức của y là Chef de police (Cảnh sát trưởng), nhưng y không thích người ta gọi đúng chức vụ, mà thích được gọi là Quan đại (Monsieur le délégué, tức ông đại lý).

Vậy, chín giờ tối ngày mồng một Tết 1930, Trần Khánh Giư, con trưởng quan Tổng đốc Trần Mỹ, bị viên đại lý-cảnh sát trưởng đến khám nhà.

"Tối hôm mồng một Tết ấy, giữa lúc chúng tôi đương xum họp vui cười xung quanh bàn bất với gia đình, thì một người lính cảnh sát lên gác nói cho chúng tôi biết có "quan đại" đến". Khánh Giư băn khoăn tự hỏi: "Đến chúc Tết mình chăng?", "Mà hắn đến chơi mình giờ này (9 giờ tối) có lẽ để đôi bên hàng phố khỏi thấy sự tự hạ mình của hắn đi chúc Tết một người Việt Nam". Nhưng không phải. Người lính nói tiếp:

"Thưa ông, quan nói nếu ông không bằng lòng để quan khám ngay tối hôm nay thì sáng mai quan đến sớm cũng được".

À ra thế! Đến để khám nhà! (Nhà con quan Tổng đốc).

"Một lát sau, lão đại lý, trong bộ trào phục đầy kim tuyến, cao lớn, sừng sững hiện ra trước ánh đèn măng xông. Theo sau hắn là viên Tri phủ Ninh Giang với cái bài ngà chức tước vừa tô son lại, lủng lẳng trước ngực. Theo sau viên Tri phủ là viên thông ngôn toà đại lý, cặp mắt hấp háy chớp trong đôi mục kỉnh cận thị. Theo sau viên thông ngôn là hai viên cảnh sát với cái bao súng lục oai nghiêm đeo bên sườn."

Sau vài lời xin lỗi vì đến khám nhà giờ này là trái luật, nhưng vì "lòng tốt" muốn tránh tiếng cho gia đình khỏi bị hàng phố thấy cảnh khám nhà. Đoạn y ra lệnh cho Tri phủ:

"Bây giờ thì chúng ta đi làm bổn phận của chúng ta.

Việc bổn phận của họ là rút hết ngăn kéo ra, mở hết các tủ ra, lục tung hết các sách vở, quần áo, vứt tứ tung ra đầy sàn gác. Khi vớ được mấy tập ảnh của tôi, mắt lão đại lý sáng rực lên sau đôi kính cặp mũi:

– À! Tôi biết rồi, ông là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hẳn ông có đủ các ảnh kỷ niệm gia đình.

Vừa nói hắn vừa mở vừa chăm chú tìm tòi. Rồi hắn thì thầm hỏi ông Phủ:

– Ông có biết mặt nó không?

– Thưa không.

Lão Đại lý lắc đầu chán nản. Bỗng hắn quay phắt về phiá tôi sừng sộ:

– Ông biết tôi tìm ảnh ai không?

– Không, tôi biết sao được.

– Thôi ông đừng vờ. Ảnh tên C. đâu, ông phải trỏ ngay cho tôi biết, nếu không tôi sẽ có cách.

Tôi thừa hiểu bọn thực dân đương đi lùng kiếm ảnh của C, một nhà cách mạng quan trọng người vùng này. Nhưng tôi cũng hỏi:

– C nào thế, thưa quan đại?

– C nào? Ông muốn biết C nào à? C trưởng ban ám sát của cái đảng mà ông rất quen thuộc. Không những tôi biết ông có ảnh của C, mà tôi còn mới được tin hắn trốn về đây ăn Tết với ông nữa kia. (…)

Từ hôm ấy tôi mới bắt đầu một chương trình khiêu khích của tôi. Tự nhiên tôi trở nên một nhà viết báo để thỉnh thoảng gửi bài đăng chơi trên Annam Nouveau hay Trung Bắc tân văn.

Trong những bài vớ vẩn ấy, tôi không hề đả động tới lão đại, nhưng mỗi lần thân ra nhà Bưu Chính gửi thư, tôi lại vui sướng hóm hỉnh nhìn đùa lão chủ sự để nghĩ thầm: "Thế nào chốc nữa thầy trò chúng mày chẳng mở thư của tao ra xem trước!"

Và cũng từ hôm ấy dân phố Ninh Giang nghiễm nhiên thấy tôi trở nên tay kình địch ghê gớm của "Quan Đại". Cuối năm ấy, tôi bỏ nghề buôn để theo nghề văn"[1]

Màn khám nhà tối mồng một Tết Canh Ngọ (30-1-1930) là màn đầu tiên.

Sang tháng 2, bắt đầu cuộc cách mạng rộng lớn của Việt nam Quốc Dân Đảng mà xã Cổ Am, nằm trong địa hạt ba huyện: Ninh Giang, Vĩnh Bảo và Phụ Dực, giáp giới nhau, có phần đóng góp quan trọng. Ninh Giang và Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Hải Dương[2], Phụ Dực thuộc tỉnh Thái Bình. Xã Cổ Am, quê Khái Hưng, thuộc huyện Vĩnh Bảo.

Ngày 10-2-1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng phát động Tổng Khởi Nghiã ở Yên Bái, tấn công Yên Bái, Hưng Hoá, Lâm Thao, Sơn Tây, Đáp Cầu, Phả Lại, Kiến An, ném bom Hà Nội (nhà Arnoux chánh mật thám, Hoả Lò và sở Cảnh sát).

Ở vùng Thái Bình, Hải Dương, Việt Nam Quốc Dân Đảng chọn hai huyện Phụ Dực, Vĩnh Bảo, có hai tri huyện Trương Trọng Hiền (Phụ Dực) và Hoàng Gia Mô (Vĩnh Bảo) rất tham tàn, bắt nhiều đảng viên Quốc Dân Đảng.

Ngày 15-2-1930, Hòa Quang Huy, Đào Văn Thê và Nguyễn Văn Hộ chỉ huy 40 đồng chí võ trang đánh úp huyện Phụ Dực, tri huyện Trương Trọng Hiền trốn thoát.[3]

Ở Vĩnh Bảo, Trần Quang Diệu (viết đúng chính tả là Riệu) lập mưu cho tri huyện Hoàng Gia Mô chạy sang Ninh Giang cầu cứu và trên đường về, y bị nghiã quân đón bắt, xử tử.

Báo Chính Nghiã số 9 (29-7-46) có bài Trần Quang Riệu, ký tên T, nhưng chắc chắn là Khái Hưng, vì lúc đó hầu như chỉ còn mình Khái Hưng viết, tường thuật chi tiết cuộc nổi dậy ở Vĩnh Bảo và giải thích tội ác của gia đình họ Hoàng:

"Vĩnh Bảo khi ấy ở dưới quyền viên tri huyện Hoàng Gia Mô, con Hoàng Mạnh Trí, cháu Hoàng Cao Khải, dòng dõi một gia đình đã nổi tiếng với ngoại bang là gia nô, tẩu cẩu [chó săn] của người Pháp. (…) Trong một bài thơ mừng thọ hắn của báo Nam Phong, cũng không lấy gì khen hắn được ngoài câu "Pháp, Nam hai nước, một công thần!" Than ôi! Một người có thể nào vừa là công thần của nước Pháp, lại vừa là công thần của nước Nam?"

Người ta tưởng công to của Hoàng Cao Khải là giúp Pháp dẹp cuộc khởi nghiã Bãi Sậy, đánh Đề Thám. Không. Không phải. Không có Hoàng Cao Khải, Pháp vẫn thắng cuộc. Cái công to của họ Hoàng là ở chỗ khác, Khái Hưng viết tiếp:

"Hắn có công với người Pháp là để cho người Pháp tha hồ xuyên tạc, tha hồ thực hành sai hiệp định 1884 ở Bắc kỳ. Bỏ phủ Kinh lược, dồn cả quyền bính viên Kinh lược vào cho viên Thống sứ Bắc kỳ; để các công sứ Pháp cướp hết quyền các quan tỉnh Việt Nam, trước còn nguyên trong việc hành chính, sau lấn sang cả quyền Tư pháp; cắt đứt hẳn Bắc Kỳ, Trung kỳ ra thành hai nước nhỏ, chịu mỗi bên một chính thể một luật pháp, nói tóm lại, làm cho Bắc kỳ thuộc thẩm quyền trực trị của Pháp, đó mới là cái công to của hắn đối với người Pháp. Và chỉ có những việc ấy, hắn mới xứng đáng được cái tên "mãi quốc cầu vinh" mà thôi!

Theo cái gia giáo của những ông cha ấy, tự nhiên Hoàng Gia Mô cũng là một tay thần tử rất trung thành của "Mẫu quốc" và rất tận tâm lùng bắt các tay cách mạng ở trong hạt Vĩnh Bảo. Trừ những người hắn đã nộp đi không kể, nguyên hôm huyện vỡ, anh em còn gỡ ra ở trong khám giam huyện hơn hai chục người!"

Những lời kể tội trên đây đều đúng với sự thực lịch sử: Khi Toàn quyền Paul Doumer sang Đông Dương (1897), đã xóa bỏ những điều Pháp ký trong hòa ước Giáp Thân (1884) chủ yếu Việt Nam chỉ nhận sự bảo hộ của Pháp. Y bỏ chức Kinh Lược sứ, vị quan coi toàn cõi Bắc kỳ của triều đình để thay thế bằng chức Thống sứ (Résident Supérieur) của Pháp. Và ở mỗi tỉnh, y đặt một viên Công sứ (Résident) để cai trị trực tiếp: Tống đốc, Tuần phủ đều ở dưới quyền Công sứ. Y biến đối chế độ bảo hộ, thành chế độ thuộc địa trên toàn thể nước ta (chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong chương Ngày Nay tranh đấu). Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ cuối cùng đã tận tụy giúp Paul Doumer thi hành chính sách phản trắc này.

Trần Quang Riệu, con một nhà gia thế ở Cổ Am, đến buôn bán ở phố huyện Vĩnh Bảo, "kết thân" với quan huyện. Bề ngoài tay bắt mặt mừng, "nhưng trong trí anh vẫn coi nó là loài cẩu trệ! Nhất là khi thấy các bạn đồng chí cứ lần lượt bị nó bắt bớ, tra tấn một cách rất dã man, lòng anh căm giận lắm, chỉ mong có một ngày sẽ băm thây, xẻ xác nó ra để báo thù!

Thì cái ngày ấy đã đến nơi: Đảng viên đâu đấy đã nhận được lệnh Tổng Công Kích, anh cùng các đồng chí còn sót lại trong hạt, liền họp nhau để bàn việc đánh Vĩnh Bảo".

Trần Quang Riệu báo cho Hoàng Gia Mô biết có 200 quân cách mạng sẽ tấn công Vĩnh Bảo, và bày kế cho y: quân ở đây quá ít, Quan lớn nên sang cầu cứu bên đồn Ninh Giang. Mô nghe lời, vừa lên ô tô đi khỏi, thì Riệu và các đồng chí chiếm huyện, bắc loa diễn thuyết dụ lính huyện ra hàng, kéo cờ đảng lên. Mô sang Ninh Giang, nhưng viên quan hai coi đồn từ chối[4] viên binh, Mô quay trở về Vĩnh Bảo, bị quân cách mạng phục kích bắt được, xử tử. Nhưng Quốc Dân Đảng chỉ giữ được Vĩnh Bảo hơn một ngày.[5]

Ngày 16-2-1930, Pháp trả thù, ném 57 trái bom xuống Cổ Am[6].

Quân cách mạng ở các nơi khác cũng dần dần bị tiêu diệt.

Ngày 20-2-1930, Nguyễn Thái Học bị bắt ớ Ấp Cổ Vịt (Bắc Ninh)[7].

Ngày 17-6-1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị chém đầu ở Yên Bái.

Trần Quang Riệu bị bắt ở Thái Nguyên tháng 5-1930, bị chém cùng với ba đồng chí tại Hải Dương, ngày 23-6-1931[8].

Cuối năm 1930, Khái Hưng lên Hà Nội. Tháng 6 năm 1932, Khái Hưng cùng Nguyễn Gia Trí chủ trương báo Phong Hóa, với sự trợ giúp của Nguyễn Xuân Mai, Phạm Hữu Ninh.

15 năm sau, Khái Hưng viết bài đầu tiên trên báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 2 (12-5-45), tựa đề: Bọn thực dân Pháp vô nhân đạo đã diễn một tấn thảm kịch trên sân khấu Cổ Am.

16 năm sau, Khái Hưng viết bài Tây xông nhà, trên báo Việt Nam, số Tết Bính Tuất 1946, và bài Trần Quang Riệu trên báo Chính Nghiã số 9 (29-7-46).

Dưới đây là toàn bài đã đăng trên báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới.

Bọn thực dân Pháp vô nhân đạo đã diễn một tấn thảm kịch trên sân khấu Cổ Am

Màn thứ nhất

Sau khi được tin Trần Quang Diệu, một đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã cùng với chi bộ trưởng Đào Văn Thê chiếm hai huyện Phụ Dực, Vĩnh Bảo và hành hình Hoàng Gia Mô, tay sai trung thành của bọn thực dân Pháp, thì Robin bèn thương lượng với Delsalle [Đốc lý Hà Nội] và một vị Nam quan cao chức nhất rồi cho một đoàn phi cơ đến oanh tạc làng Cổ Am, nguyên quán của hai nhà cách mệnh kể trên. Đoàn phi cơ vượt qua làng, ra tận biển, rồi quay lại nhả bom, nhả bừa như gieo mạ, từ cuối làng cho tới đầu làng. Riêng một nhà kẻ viết bài này, đã có hân hạnh nhận được năm quả… tịt và một quả nổ, nhưng may mắn rơi vào khu vườn xa nhà và chỉ đánh chẻ vài cây cau cỗi. Còn một nhà khác nhận được có một quả, nhưng thiệt gần hai chục mạng, nghiã là bao nhiêu người dự lễ cúng kỵ ở nhà ấy đều bị giết sạch.

Nào đã hết đâu! Đoàn phi cơ còn trở lại một lần nữa để nã liên thanh xuống bọn dân quê vô tội hỗn độn chạy trốn.

Màn thứ hai

Sau công cuộc tán phá của phi binh, đến lượt đàn áp của bộ binh, chở bằng một đoàn xe vận tải xung công (trong đó có cả xe của kẻ viết bài này). Chúng vây kín làng, nã súng liên thanh, bắn mấy phát ra oai. Một vị hưu quan trong làng phải mang cờ trắng (làm bằng cái khăn bàn) ra xin điều đình. Viên quan tư chỉ huy đạo lục quân liền vào trong đình làng và hống hách tuyên bố: "Đình này từ nay là nhà tao, vì tên thành hoàng không giữ nổi việc trị an, đã bị tao tống cổ đi rồi!" Và hắn cười thích chí.

Màn thứ ba

Ngày hôm sau, chúng thi hành công cuộc triệt hạ: đốt nhà Đào Văn Thê; đốt nhà Trần Quang Diệu và nhà thân sinh anh đã khuất ông tú Cư, đốt nhà các đảng viên khác; chặt trụi hết các luỹ tre chung quanh làng, bắt bớ, đòi hỏi, tra tấn, ăn hội lộ: chính tôi cũng bị gọi ra tòa đại lý Ninh Giang và bị dí súng vào mặt nạt dọa. Trong khi ấy thì hàng trăm lính đóng ở làng Cổ Am hạch sách dân gian đủ thứ. Quỹ làng không đủ để cung đốn bò, lợn, gạo, củi cho chúng, làng phải cầm cố vay mượn và số tiền nợ hiện nay vẫn chưa giả hết.

Màn thứ tư

Delsalle và một bọn võ quan Pháp về làng. Không phải họ về để uỷ lạo hay xem tình hình dân đâu. Họ chỉ về để điều tra sức tàn phá của những trái bom đã nổ, và nguyên nhân sự hư hỏng của những trái bom tịt. Họ cười ha hả, nói bông lơn trong khi ngắm nghía các bức tường đổ, những thân cây bị phạt ngang. Họ bắt mò những trái bom ở dưới ao lên. Còn những nhà có người vô tội bị họ giết thì không những không được họ thí cho một lời an ủi, mà còn bị họ chửi thêm cho là khác: "Chúng nó chết là đáng đời! Vì cả làng chúng mày là giặc! Đáng lẽ các quan giết tuốt mới phải!"

Màn thứ năm

Mấy tuần lễ sau, vì không bắt được Trần Quang Diệu, bọn thực dân Pháp sai viên huyện Vĩnh Bảo Cung Đình Vận về làng đào mả ông tú Cư, thu cốt bỏ vào cái tiểu sành, rồi trói đem về giam tại huyện lỵ.

Màn tối hậu

Năm 1940, phi cơ Đức dội bom xuống nước Pháp, nã súng liên thanh xuống quân đội Pháp hèn nhát chạy toán loạn như đàn vịt!

Thực là ác giả ác báo!"

Khái Hưng

Như thế, Khái Hưng không phải là người ngoại cuộc, không để ý đến chính trị, hoặc chỉ làm cách mạng vì đi theo Nhất Linh, như ta tưởng. Mà ông còn có một ý chí quyết liệt của người "trong cuộc" đã chứng kiến cuộc nổi dậy ở Vĩnh Bảo cùng việc trả thù đẫm máu của thực dân ngay sau đó trên nền đất Cổ Am. Lời văn trong đoạn Màn tối hậu, nói lên sự căm thù cực điểm có ý nguyền rủa mà chúng ta không thấy trong văn bình thường của Khái Hưng, nhưng đồng thời đưa đến ý nghĩ: có ác giả ác báo thật chăng? Bởi vì Pierre Pasquier bị tử nạn máy bay ngày 15-1-1934, tại Pháp, khi còn tại chức Toàn quyền Đông Dương.

Trần Khánh Triệu viết về Khái Hưng và số 80 Quan Thánh

Kể từ năm 2015, tôi đã tích luỹ tư liệu để viết về Tự Lực Văn Đoàn. Năm 2017, tôi điện thoại hỏi ông Trần Khánh Triệu: "Anh còn nhớ năm nào anh về làm con nuôi ông bà Khái Hưng không?" Ông không nhớ. Sự "không nhớ" chứng tỏ việc này xảy ra khi ông còn rất nhỏ. Tôi lại hỏi: "Anh có biết trước khi dọn đến 80 Quan Thánh, Khái Hưng ở đâu không?" Ông cũng không nhớ. Năm ấy ông đã 85 tuổi.

Khi đọc lại bài Ba tôi, ông viết năm 1964, thì tôi biết, trước khi ở 80 Quan Thanh, Khái Hưng đã ở đường Quần Ngựa.

Nhưng sau đó ông Triệu vui vẻ nói về nhà Quan Thánh, ông bảo: nhà đó ba tôi thuê của một bà đầm có 5 hay 10 đồng một tháng! Năm 2020, qua điện thoại, anh Nguyễn Tường Thiết cũng kể là ông Triệu nói như thế. Tôi phân vân, không biết ông Triệu có nhớ lầm hay không, vì một biệt thự lớn như vậy, ở thời ấy, giá thuê phải trên 50 đồng. Hoặc Trần Khánh Triệu nhớ lầm, hoặc Khái Hưng nói đùa với con, nhưng cậu bé Triệu tưởng thật.

Trần Khánh Triệu tức Nguyễn Tường Triệu, con trai Nhất Linh, sinh ngày 15-11-1932, lúc Phong Hóa đã ra tới số 21 (11-11-1932), và phải đến số 124 (16-11-1934), Phong Hóa mới dọn về địa chỉ 80 Quan Thánh.

Nếu Nguyễn Tường Triệu về với cha mẹ nuôi khi có nhà mới, thì lúc đó, bé Triệu mới khoảng hai tuổi, hoặc sau đó ít lâu. Triệu là con trai thứ hai của Nhất Linh. Người con thứ ba là Nguyễn Tường Thạch, sinh ngày 6-10-1935. Vậy sự "cho" này có ý "kết nghiã vườn đào" và phải đến từ một niềm tin yêu vô bờ từ hai phiá. Trần Khánh Triệu viết: "Cả một thời niên thiếu của tôi, tôi được cha mẹ nuôi của tôi mà tôi thưa là papa và me, cưu mang lo lắng tận tụy còn hơn là con đẻ nữa"[9].

Và Trần Khánh Triệu cũng là người ghi lại nhiều thông tin nhất về Khái Hưng, qua những bài viết sau đây:

– Ba tôi (ít kỷ niệm với Khái Hưng)[10], viết sớm nhất, năm 1954, ông 22 tuổi, chắc hẳn có những điều sống động vì là ký ức gần, rất tiếc chúng tôi chưa tìm lại được văn bản này.

– Ba tôi[11], viết năm 1964, ông 32 tuổi, tuy phải viết nhanh trong 48 tiếng đồng hồ để kịp lên báo Văn, nhưng có nhiều chi tiết đáng quý về những ngày Khái Hưng bị bắt đưa đi mất tích.

– Papa tòa báo[12], viết ở hải ngoại, năm 1997, ông 65 tuổi, bổ sung cho bài Ba tôi, toàn diện hơn, viết về Khái Hưng từ khi làm báo đến khi bị Việt Minh bắt.

Papa tòa báo viết năm 2013, ở tuổi 81, tóm tắt một số ý đã viết trong hai bài trên, một phần được đọc trong cuộc hội thảo ngày 6-7-2013 về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn do Phạm Phú Minh tổ chức tại California và in lại trong Kỷ yếu của hội thảo.

Tóm lại, hai bài Ba tôi (báo Văn) và Papa tòa báo (Thế Kỷ 21) bổ sung cho nhau. Đây là hai tài liệu chính xác nhất về Khái Hưng mà chúng tôi có được.

Gia cảnh Khái Hưng

Khi cha mất, Khái Hưng đứng tên đăng cáo phó trên báo Phong Hóa số 91 (30-3-34), ghi như sau: "Cụ Trần Mỹ Tổng đốc trí sĩ, hưởng thọ 72 tuổi, mệnh chung ngày 10 tháng 2 (tức ngày 24-3-1934) tại làng Cổ Am…", dưới đề: Cô tử Trần Khánh Giư, đồng gia, khấp báo.

Báo Phong Hóa in lời chia buồn với bốn người con trai: Trần Khánh Giư, Trần Tự [công chức], Trần Tiêu [nhà văn], Trần Hiệt và tang gia.

Trần Khánh Triệu nhớ lại về đại gia đình Khái Hưng:

"Tôi còn được biết thêm ông nội xưa làm Tuần phủ Thái Bình có những năm bà tất cả, nên lúc mất đi con cháu đông đảo lắm. Bà nội tôi là cả sinh được bốn người con, trước hết là bác Trần Xuân làm Thương tá nhưng chẳng may mất sớm, rồi đến papa, kế đó là chú Trần Tiêu và cuối cùng là cô Ngọc. Riêng bà thứ năm chỉ sinh được một cô con gái được ông nội tôi quý nhất cho rất nhiều nhà cửa của cải ở Ninh Giang, Hà Nội. Bà tôi tuy là cả nhưng lành lắm, không ham thích những nơi quan quyền chỉ an nhàn sống nơi quê làng nên ai cũng mến thương"[13].

Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Học chữ nho với thầy đồ đến 10 tuổi, sau mới chuyển sang Tây học. Học trường Albert Sarraut, đậu tú tài triết học. Sau đó ông buôn sơn. Không biết vì việc buôn sơn bị lỗ hay vì áp lực của Pháp lên Quốc Dân Đảng sau vụ Cổ Am, mà cuối năm 1930, Khái Hưng lên Hà Nội, dạy trường tư thục Thăng Long và gặp Nhất Linh.

Thủa nhỏ, Khái Hưng bị mẹ ghẻ hành hạ tàn tệ, Trần Khánh Triệu viết:

"Sinh trưởng trong một gia đình quan lại nhưng ngay từ tấm bé, theo lời me tôi thuật lại, ba tôi đã phải chịu cảnh hành hạ của bà dì nghẻ khắc nghiệt. Trời lạnh như cắt ruột vẫn bị người nhà lôi ra sân bôi xà phòng đen, lấy bàn chải xát đến bật máu tươi để trừ ghẻ. Phải chăng vì phải chịu đựng hoàn cảnh ấy ba tôi đã có những kinh nghiệm sống để viết nên hai cuốn Thoát ly và Thừa tự. Cũng như theo lời me tôi, hồi bé, mỗi khi uất ức đau buồn chuyện gia đình, ba tôi lại vào chùa niệm Phật tụng kinh cứu khổ"[14].

Khái Hưng có nghiện thuốc phiện không?

"Nhiều người thấy ba tôi gầy yếu (nặng khoảng 46 cân) lại là nhà văn nên vội cho là nghiện hút. Điều đó tuyệt nhiên không có. Ba tôi không hề cho rằng vì mình là nhà văn nên được quyền sống phóng đãng (…) Ba tôi chỉ nghiện độc có thuốc lá, hồi nào nhà dư giả thì Mélia vàng, ít tiền thì hút píp. Khi nào cần thức khuya viết bài thì cà phê hay chè tầu nhưng phải là loại hảo hạng.

Mỗi nhà văn thường có những thói quen khi sáng tác, ba tôi cũng vậy. Viết bài phải viết vào lúc sáng sớm hay đợi lúc về khuya. Ngồi ung dung trên chiếc ghế mây, trời lạnh xếp bằng luôn trên ghế ba tôi ngâm nga vài câu chèo cổ hay trống quân, điếu thuốc ngậm trên môi thỉnh thoảng lại thả khói tròn lên trần. Bút máy thường là loại Waterman ngòi vàng viết lên giấy pelure dầy, khi nào ngừng lại nghĩ ngợi, ba tôi lại có thói quen vẽ những hình xoáy ốc hay những chữ S kế tiếp dính liền nhau."[15]

Khái Hưng gầy yếu và môi thâm nên người ta suy ra là ông nghiện thuốc phiện, trong số đó có cả Nguyễn Vỹ. Sự thực, ông bị bệnh tim và ông ghi lại việc này trong truyện dài Xiềng xích. Có lẽ đó là lý do khiến khi bị bắt, Pháp không (dám) tra tấn ông như đối với Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí và ở trại giam Vụ Bản ông được làm việc nhẹ hơn Nguyễn Gia Trí và Hoàng Đạo.

Bà Khái Hưng Lê Thị Hoà bút hiệu Nhã Khanh

Trần Khánh Triệu cho biết gia cảnh bà Khái Hưng, và nhờ đó, ta có thể hiểu tại sao Khái Hưng có phương tiện để chuyên về viết văn, làm báo:

"Chính nhờ me tôi mà ba tôi mới khỏi lo nghĩ về sinh kế để có thể sáng tác nhiều văn phẩm như vậy. Me tôi tên thật là Lê Thị Hòa, biệt hiệu Nhã Khanh, con của một vị Thượng thư [Lê Văn Đính] đậu cử nhân triều Nguyễn. Gia đình bên ngoại tôi rất khá giả, cho riêng me tôi tới hơn năm mươi mẫu ruộng miền Quế Phương, Chợ Cồn. Nhờ tiền thóc thu được hàng năm nên việc chi tiêu trong gia đình cũng đỡ rất nhiều. Me tôi lại khéo thu vén buôn bán nên mặc dù số lương viết báo hồi đó có 30 đồng một tháng ba tôi cũng không cần lấy phần nào hoa lợi bên nội, dù ba tôi có quyền hưởng.

Me tôi chữ nho viết rất đẹp, tình tình đoan trang, ít nói hiểu rộng về Hán học. Cứ đến đoạn nào viết về các bà, ba tôi bao giờ cũng hỏi ý kiến me tôi rất cẩn thận. (…)

Sau khi ba tôi bị bắt, me tôi vẫn sống với một hy vọng mong manh ngày kia ba tôi sẽ trở về. Kịp đến khi Việt Minh tiếp thu Nam Định, biết chắc chắn ngày về của người chồng không hề có nữa, me tôi bị bịnh tim nặng, từ trần vào năm 1954"[16].

Nhã Khanh có bài: Tâm lý đàn bà in trên Phong Hóa số 35 (24-2-33) chỉ trích Lê Đàm không hiểu chữ nho mà học đòi biết chữ. Và vở kịch vui, Kiêng, in trên Phong Hóa số Xuân 171 (21-1-36).

Khái Hưng và dự định ra báo Thời Phong

Trần Khánh Triệu viết:

"Còn một chuyện chắc ít người được biết là trong thời kỳ đó ngoài việc hoạt động cho đảng ba tôi dự tính mở tờ Thời Phong, một tờ báo hoàn toàn có tính cách văn nghệ, cùng với một đồng chí trẻ tuổi – anh Bảng (người phụ trách mục "Chuyện lẩn thẩn" trong tờ Việt Nam ký tên Chàng Lẩn Thẩn – sau này khi chiến tranh bùng nổ, anh bị bắt ở Bắc Ninh). Dù trong một thời gian tình hình gay go đến như vậy ba tôi vẫn cùng anh Bảng say sưa hoạch định tương lai cho tờ báo. Hai người mướn một tòa nhà ở phố Thái Phiên (Chợ Hôm) mời cụ Phan Khôi, ông Tô Ngọc Vân lại bàn soạn. Qua câu chuyện của những người lớn đó (lẽ tất nhiên tôi chỉ được nghe lỏm) thì tờ báo sẽ ra mắt độc giả vào khoảng tháng Giêng, 1947. Tiếc thay dự tính ấy chẳng bao giờ thành được."[17]

Nhờ Trần Khánh Triệu mà ta biết: Chàng Lẩn Thẩn là "anh Bảng", một người trẻ tuổi, không phải Khái Hưng, đã viết những bài trên Việt Nam. Trong khi hầu hết các tác giả khác đều "cho" rằng Chàng Lẩn Thẩn là Khái Hưng. Và có lẽ Việt Minh cũng biết Chàng Lẩn Thẩn là anh Bảng, cho nên anh mới bị bắt ở Bắc Ninh.

Trần Khánh Triệu còn cho biết anh Bảng đã cùng Khái Hưng, mướn một căn nhà ở phố Thái Phiên (chợ Hôm) mời Phan Khôi và Tô Ngọc Vân lại để bàn việc ra tờ Thời Phong vào tháng Giêng năm 1947. Việc này phù hợp với lời quảng cáo báo Thời Phong, in trên Chính Nghiã số 28 (16-12-46).

Khái Hưng đóng cửa Việt Nam và Chính Nghiã, chủ trương hoà giải

Báo Chính Nghiã số 25 (25-11-46) là số báo cuối cùng còn đăng quảng cáo: "Nên đọc báo Việt Nam, cơ quan của Việt Nam Quốc Dân Đảng".

Báo Chính Nghiã số 27 (9-12-46), có bài xã luận Toàn dân nhất trí. (Bị sắp chữ lầm là Quân dân nhất trí) của Chàng Lẩn Thẩn, nói rõ chủ trương muốn giành lại độc lập, thì toàn dân phải nhất trí:

"Từ trước đến sau chúng tôi chỉ một lòng mong mỏi ở nền độc lập hoàn toàn cho tổ quốc, chúng tôi không được rõ thái độ của chính phủ, chúng tôi công kích chỉ để làm cho lòng dân hăng hái và luôn luôn nghĩ đến tổ quốc. Ngày Nay trong giai đoạn nghiêm trọng, chính phủ và toàn dân đều nhất trí trên con đường tranh đấu, đó là nguyện vọng của chúng tôi, và chúng tôi không còn mong ước điều gì hơn. Vì vậy, tờ báo Việt Nam đã đạt được mục đích của nó là "làm cho hành động của chính phủ hợp với ý muốn của toàn dân" mục đích đã đạt được thì sự đình bản của nó rất là hợp lý." Chính Nghiã số 27 (9-12-46).

Đó là lý do Khái Hưng cho đình bản tờ Việt Nam và liền sau đó ông ngừng tờ Chính Nghiã.

clip_image004 

clip_image006

Báo Chính Nghiã số 28 (16-12-46), số chót, quảng cáo: "Thời Phong, tuần báo, văn chương, mỹ thuật, xã hội và không chính trị sẽ ra mắt Quốc dân vào đầu năm 1947", ba chữ "không chính trị" in đậm và trang báo kế tiếp quảng cáo cho Nhà in và nhà xuất bản Quan Thánh, 80 đường Quan Thánh.

Như vậy, Khái Hưng đã sắp đặt rõ ràng: Báo Thời Phong sẽ ở địa chỉ Thái Phiên và số 80 Quan Thánh trở thành nhà in và nhà xuất bản.

clip_image008clip_image010

Quảng cáo Báo Thời Phong và Nhà xuất bản Quan Thánh, trên báo Chính Nghiã số 28.

Về việc Khái Hưng chủ trương báo Thời Phong, Hồ Hữu Tường viết:

"Mười tám năm qua, Khái Hưng từ giã cõi đời, để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Một đôi người biết những việc mà Khái Hưng và tôi trù liệu vào những tháng chót của năm lịch sử, 1946, càng tiếc hơn nữa. Phỏng cho Khái Hưng còn sống mười năm nữa thôi, thì tờ báo văn nghệ Thời Phong, lúc ấy vừa kết thai, sẽ viết những trang gì trong lịch sử văn chương ở nước nầy? Rồi họ giục tôi nhắc lại khoảng đời đó của Khái Hưng. Để cho những tài hoa hậu sinh nào thích thú thì dẫm bước theo con đường mà tác giả Hồn bướm mơ tiên toan dấn thân vào (…)

"Khái Hưng già hơn tôi song say mê, hăng hái, kiên quyết hơn tôi nhiều. Sau khi đình bản tờ Việt Nam; anh chạy vốn, mướn nhà, mua giấy… để cho ra một tuần báo văn nghệ hầu đề cao cái "văn chương sáng giá ". Chúng tôi đồng ý chọn tên là "Thời Phong".

Thời phong có nghiã là gió mùa, gió mùa ngự trị cả Á châu, là nơi chôn rau cắt rún của các tôn giáo lớn. Thời phong có nghiã là cái chỉ hướng gió. Hiểu một cách khinh miệt thì nghiã bóng của tiếng ấy dùng để chỉ bọn luôn luôn hướng theo thời cuộc. Còn hiểu một cách đề cao, thì đó là một dụng cụ giúp cho người vượt biển biết hướng gió mà giương buồm cho đúng phép.

Mười tám năm qua. Khái Hưng không còn. Chỉ còn cái sự nghiệp khi là đồng trụ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn."[18]

Những lời trên đây của Hồ Hữu Tường giúp ta hiểu rõ thêm: Khái Hưng, khi đã quyết định đoạn tuyệt với chính trị để trở về với văn nghệ, ông mở rộng địa bàn tư tưởng, ngoài những người bạn đồng hành như Phan Khôi, Tô Ngọc Vân, ông còn kết hợp với những nhà văn không cùng lập trường trước đây như Hồ Hữu Tường, lý thuyết gia của nhóm Đệ Tứ, nhưng đã bỏ Đệ Tứ năm 1939.

Khái Hưng chủ trương hòa giải ngay từ những số Chính Nghiã đầu tiên, ông viết hài kịch Đoàn kết, in từ Chính Nghiã số 2 (27-5-46) đến số 8 (8-7-46), nói lên tình trạng hài hước của một gia đình ở Hà Nội, trong cuộc đảng tranh: anh em một nhà chia hai phe, coi nhau như quân thù, gọi nhau là Việt gian. Trên Chính Nghiã số 9 (29-7-46), in tác phẩm Dưới ánh trăng, bi kịch giữa hai thanh niên, một Quốc Dân Quân, một Vệ Quốc Quân, gặp nhau và hiểu nhau quá muộn trên chiến trường trước khi chết.

Và trên những số Chính Nghiã cuối cùng, ông cho in vở bi kịch Tiếng tiêu ai oán, tác phẩm giá trị cuối cùng của Khái Hưng viết về Ngũ Tử Tư: vì can trường thực hiện lý tưởng cao đẹp báo thù cha, được vinh danh muôn thủa, y đã trở thành con người vô nhân, phản quốc.

80 Quan Thánh, những ngày vui

Trần Khánh Triệu viết:

"Căn nhà 80 Quan Thánh mà tôi đã sống cùng cha mẹ nuôi tôi cả một thời thơ ấu với bao buồn vui kỷ niệm. Nơi đây, cha nuôi tôi, nhà văn Khái Hưng đã sống, đã viết bao nhiêu tác phẩm để đời, trong khoảng thời gian 1934, 1935, tới năm 1946. Nghĩa là cách đây đã hơn 50 năm rồi!

Toà báo có hai mặt, mặt chính trông ra phố Quan Thánh, hồi trước 45 có cái tên Tây là Avenue du Grand Bouddha, mặt kia số 55 quay về phiá Hàng Bún tức Rue des Vermicelles, nhà này nguyên của một bà đầm cho papa tôi thuê (ấy theo thói quen tôi vẫn thưa với cha nuôi tôi là papa hay rõ hơn "papa tòa báo" để phân biệt với cha đẻ tôi – ông cụ ở Hàng Bè nên tôi vẫn dùng những chữ "cậu Hàng Bè" cho tiện).

Mặt trông ra phiá Quan Thánh bước vào là một cái cổng nhỏ, hàng rào thấp, có cây leo rậm rạp quanh năm. Mặt phiá Hàng Bún cổng sát hai cánh rộng hơn, xe ô-tô đi lọt, vườn hoa bao bọc xanh tốt bốn mùa. Những luống hồng nhung mọc giữa dãy cỏ tóc tiên mượt mà, vài cây phượng trổ hoa đỏ rực, cây lá móng ngựa hoa mầu lam dịu, lại có cả một bụi tre già cao chót vót, những ngày gió mạnh lá cọ vào nhau nghe cọt kẹt. Dưới vòm tre xanh tốt, một bàn ping pong được kê ngay ngắn, lâu lâu papa lại đưa bạn bè xuống đánh vài ván, tiếng bóng nhựa nhảy trên bàn ròn rã. Những buổi trưa hè oi ả, sau bữa ăn trưa papa thường nằm trên ghế xích đu hút píp, me ngồi thêu áo kế bên, tôi thì khoái nhất được leo lên cây ngâu già gần đó, thò tay chộp đuôi con mèo xiêm đang nằm lim dim suy tư nghiền ngẫm trên cành. Từ vưòn bước lên năm sáu bậc thềm vào nhà, hàng hiên trước khá rộng… phòng lớn đặt máy in cùng chỗ sắp chữ, phòng bên phải nhỏ hơn nơi làm việc của ban trị sự tờ Ngày Nay, nhà xuất bản Đời Nay và sau này là tờ Việt Nam cơ quan tranh đấu của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Đi lên gác, hàng hiên lát gạch men tầu ngăn chia bên này là dẫy buồng kho nhà tắm… bên kia phòng lớn quét vôi màu xanh lơ thoáng mát. Phòng bên trái trông ra bụi tre được ngăn đôi: buồng ăn và buồng ngủ của riêng gia đình tôi. Phòng giữa nơi làm việc của papa và tòa soạn kê hai bàn lớn đầu vào nhau, đầu bàn được khắc dấu hiệu Tự Lực Văn Đoàn, trên tường treo mấy bức tranh sơn dầu vẽ phong cảnh của họa sĩ Trần Bình Lộc và Nguyễn Gia Trí

Phía bên phải là phòng khách kê một bộ salon nhỏ, một bàn làm việc, còn cái tủ sách lớn sát tường thì xếp toàn sách quí của nhà xuất bản Đời Nay, bìa da chữ mạ vàng óng ánh"[19].

Không khí làm việc trong tòa soạn

Trần Khánh Triệu kể tiếp: Sau khi uống cà phê, đọc sách chữ Hán, chơi ô chữ và ăn sáng, thường là cháo hoa với đường cát vàng hoặc cơm nắm muối vừng… "Rồi khi mặt trời đã lên cao, ánh nắng chiếu vào nhà, papa đứng lên vươn vai sang phòng làm việc. Trong cái không khí vắng lặng êm ả, papa say sưa viết trên những trang giấy trắng rời không kẻ hàng bằng cây bút máy Waterman ngòi vàng mềm mại, nét chữ đứng ngay ngắn rõ ràng. Có lúc viết xong một đoạn bỗng ngừng lại, papa nhăn mặt nhìn lên trần, tay gõ nhịp lên bàn, sau đó thế nào trên giấy cũng có thêm những hình loằng ngoằng như xoắn ốc kéo dài ra mãi. Đôi khi con mèo xiêm lách cửa đi vào nhảy tót lên bàn nằm chình ình một đống, tự nhiên như không… papa lấy tay khẽ vuốt ve, nưng niu con vật, miệng se sẽ hát câu chèo quen thuộc "Đất ngài đây… thanh lịch…đất có hữu tình…"

Chiều và tối thì phòng giữa nhộn nhịp hẳn lên, khói thuốc toả lan khắp nơi. Bác Thế Lữ lúc nào cũng ngồi đối diện với papa, người hao hao gầy, đôi mắt sắc sảo, dáng điệu trông lúc nào cũng đầy vẻ bí mật (…) Sợ nhất là có lần bác mang về một cái sọ người, không biết thật hay giả, đặt ngay trên thành lò sưởi, nhe răng cười với hai mắt sâu thăm thẳm ghê hồn! Chú Hoàng Đạo và "cậu Hàng Bè" của tôi thì làm việc bên phòng khách có khi tới khuya cũng chưa ra về. Hai người lúc nghỉ ngơi thường bầy cờ ra đánh, mỗi lấn chiếu tướng chú lại đập mạnh quân cờ cười ha hả. Papa lâu lâu cũng tới góp nước, hoặc mở đàn tam thập lục dạo một bản, tiếng trong trẻo rộn ràng.

Những ngày tòa soạn làm việc như vậy tôi thích nhất được xem chú Gia Trí vẽ tranh. Chấm mực đen chú vẽ Lý Toét rất gọn, rất ngon lành, hình Xã Xệ chỉ đưa vài nét là xong, bao giờ cái tóc xoắn như lò xo của ông Xã cũng được vẽ sau chót. Có một dạo bác Tô Ngọc Vân thay thế chú Trí. Hình như bác mới ở bên Xiêm về, bác vừa vẽ vừa kể cho tôi nghe nhiều chuyện bên đó. Đôi khi bác còn cho tôi vài viên kẹo gôm tẩm đường nhưng kẹo không ngon và nhiều như loại Toffee chú Trí vẫn cho, bởi vậy hồi đó tôi thấy bác vẽ Lý Toét Xã Xệ sao không được đẹp bằng chú Trí của tôi!

Thỉnh thoảng bác Tú Mỡ từ Láng cỡi bình bịch tới tòa báo thăm anh em, người gầy nhưng tiếng cười rộn rã đi tới đâu cũng nhộn nhịp tới đó (…) Ngược hẳn với bác Tú Mỡ, chú Thạch Lam của tôi đi tới đâu cũng yên lặng như một cái bóng, chú thường mặc áo dài the thâm, dáng người điềm đạm, ánh mắt sâu thăm thẳm. Chú Huy Cận thì thân với tôi hơn, còn nhớ có lần ở Trung ra chú cho tôi một củ khoai to tướng, gấp ba bốn lần củ khoai thường. Tôi thích quá, nhất định không ăn để dành mãi dưới gầm giường. Sau đó ít lâu, papa với vẻ trang trọng đưa cho tôi tập Lửa Thiêng và nói chú có tặng tôi một bài thơ trong đó, tôi lật trang giấy rồi lẩm bẩm đánh vần:

TỰU TRƯỜNG

Tặng em Triệu."[20]

Thế Lữ trong bài Phóng bút của Lê Ta mô tả không khí tòa báo như sau:

"Nhị Linh [Khái Hưng] với ông chủ nhiệm [Nhất Linh] là hai người rất ăn ý nhau, nhưng trái lại, lại hay cãi nhau nhất. Chúng tôi thường vẫn được chứng kiến những cuộc tranh biện rất kịch liệt của hai người. Vì một bức tranh khôi hài, vì một bài gửi đến, vì một việc xẩy ra trong làng báo hay vì điều phán đoán các đức tính của mấy thứ rượu sâm banh, hai ông bỗng thành ra hai phái tương phản cực đoan, cần phải có cái khôn khéo của Nhị Linh mới hòa giải được.

Khái Hưng là một người trông không được khỏe mạnh béo tốt lắm – nói thế để khỏi nói rằng anh hơi gầy. Anh làm việc rất chóng và rất nhiều, vì trong người lúc nào cũng sôi nổi những đầu đề và ý tưởng. Trong lúc yên lặng cũng như khi đông đủ mọi người, cần đến bài là anh ngồi viết ngay được. Có lúc đang nói chuyện, thỉnh thoảng anh ngừng lại, rồi lại nói tiếp, rồi lại ngừng lại nữa: dăm lượt như thế là viết xong một truyện vui. Anh có những cái phép tìm cảm hứng thật bất ngờ. Trước khi viết một bài truyện ngắn, anh hay uốn nắn chăm chú vẽ một cái dấu hỏi lên đầu trang, hoặc vẽ một cái đầu người hay một thứ hình thù nào khác, rồi cứ thế tô đậm lại cho đến lúc câu thứ nhất hiện đến. Viết được câu thứ nhất -đầu đi thì đuôi lọt- là anh kéo một mạch đến câu sau cùng."[21]

Sự sùng kính Khái Hưng và Nhất Linh

Nhà văn Vũ Trọng Can, viết trong bản thảo cuốn Bút ký viết cho con trai tôi, được Nguyễn Thạch Kiên ghi lại:

"… Tôi khao khát một ngày nào đó sẽ được gặp ông Khái Hưng.

Dịp đó đã tới. Tôi gửi đến tòa soạn báo Ngày Nay (Bộ mới năm 1940) mấy truyện ngắn cùng một bức thư không ngoài mục đích nhờ ông Khái Hưng nâng đỡ. Truyện của tôi được đăng. Tôi vừa mừng vừa cảm động cầm tờ bào có đăng truyện ngắn Mầu hoàng yến của tôi cùng với thư ông Khái Hưng mời tôi lên tòa soạn lãnh tiền nhuận bút. Tôi sung sướng quá vì tôi sắp được gặp người mà tôi hằng ao ước…

Tôi run run bước vào tòa soạn báo Ngày Nay, có cảm tưởng như một thần tử sắp được thấy long nhan…

Ông Khái Hưng niềm nở tiếp chuyện cùng khuyến khích tôi… Có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên được phút gặp gỡ hiếm có ấy…" [22]

Nhà thơ Phạm Huy Thông "nhớ ơn" Nhất Linh:

"… Khi tôi viết những dòng thơ thứ nhất, như chim non chưa đủ cánh, đủ lông, đứng trên miệng tổ trông không gian man mác mà hãi hùng, chính ông đã khiến cho tôi đủ can đảm văng mình bay theo gió cuốn. Ông khuyến khích tôi: ông khuyên tôi nên vững lòng theo đuổi bước tương lai: ông giới thiệu tôi cùng công chúng bằng những lời ngợi khen quá đáng… tôi mạnh bạo dấn bước trên con đường văn thơ chơm chởm chông gai…" Huy Thông. Ngày 23 tháng 9 năm 1934[23].

Dương Nghiễm Mậu viết:

"Những nhà luân lý đã từng nói đến những truyện của Sagan thời hậu chiến vô luân, mà có ai nhớ đến rằng, chính đời sống vô luân, cảnh chồng chung vợ chạ, cảnh đề cao thú vui xác thịt, đã có trong tác phẩm Khái Hưng từ thời tiền chiến ở Việt Nam.

Trình bầy câu truyện Băn Khoăn của Khái Hưng tới đây, tôi ngưng lại để trở về nhận định tôi đã đưa ra: Vì sao người trí thức Tây học đã thất bại trong giai đoạn vừa qua khi lãnh đạo tranh đấu"[24].

Tại sao người trí thức thất bại khi tổ chức cách mạng? Nguyễn Tường Bách trả lời ngắn gọn: vì không có tiền, không có khí giới, không có người.

Nguyễn Văn Trung cho rằng Nhất Linh thất bại vì ông không làm chính trị như một người cách mạng mà như một nhà văn, nghiã là ngay thẳng không dùng tất cả mọi thủ đoạn để đạt mục tiêu.

Trong truyện dài Xiềng xích, Khái Hưng kể lại: khi làm cách mạng với Nhất Linh, ông biết 9 phần 10 là sẽ thất bại, nhưng không thể không làm. Biết thất bại, nhưng vẫn phải làm. Bởi vì đã thâm hiểu chế độ thực dân, không còn cách nào khác. Đó là bổn phận của con người.

Về mối tương quan giữa cách mạng và sáng tác, Dương Nghiễm Mậu viết:

"Tôi vẫn tự hỏi:vì sao giữa lúc bước chân vào cuộc tranh đấu cách mạng mà Khái Hưng lại viết được Băn Khoăn? Không hề có ảnh hưởng giữa đời sống và tư tưởng tác giả với tác phẩm sao?"[25].

Khi viết những dòng này, năm 1964, Dương Nghiễm Mậu chưa đủ tài liệu, nên tưởng Băn khoăn (tác phẩm thuần túy suy tưởng về ý nghiã cuộc đời) là tiểu thuyết cuối cùng của Khái Hưng. Nhưng nếu ông đọc những tác phẩm thực sự cuối cùng của Khái Hưng trên báo Chính Nghĩa, ông sẽ còn ngạc nhiên hơn, bởi không tìm thấy mảy may căm thù nào trong cái môi trường hừng hực sát thủ này, mà ngược lại là trái tim hòa giải giữa anh em hai bên chiến tuyến.

Nhất Linh cũng vậy, làm sao có thể tưởng tượng Nhất Linh viết Bướm trắng trong thời kỳ bí mật, phải trốn tránh khắp nơi, khi Thái Bình, khi Nam Định, khi trở lại Cẩm Giàng… đôi khi còn phải cải trang hay giả dạng điên khùng nữa?[26]

Và tác phẩm cuối cùng của Nhất Linh, tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thủy viết về một cặp tình nhân, một Việt Quốc, một Việt Minh, cùng nhận lệnh phải ám sát lẫn nhau trên đất Tầu, cũng lại là tác phẩm nhìn lại chính mình và lên án gắt gao sự phân liệt quốc cộng.

Phải chăng Khái Hưng và Nhất Linh cùng đồng điệu đến phút chót?

Nhớ lại thời kỳ Sáng Tạo ngày trước, thường ra rả đòi "chôn" Tự Lực Văn Đoàn; một hôm có dịp gặp nhà văn Mai Thảo, tôi hỏi ông: "Hồi đó anh có gặp Nhất Linh không? Chắc là tranh luận dữ lắm?"

Ông tủm tỉm cười. Nụ cười hóm hỉnh: "Dám! Sợ chứ! Cứ là im thin thít chứ!"

Thế giới văn nghệ luôn luôn như thế: kính trọng nhân cách và nhân tài.

Thế kỷ XX, Việt Nam có nhiều nhà văn lớn, nhưng chỉ có hai người xứng đáng với địa vị văn hào.

Khái Hưng và Nhất Linh là hai văn hào được những nhà văn đi sau nghiêng mình kính nể.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Tây xông nhà của Khái Hưng, in trong Việt Nam, số Tết Bính Tuất, 1946, in lại trong Kỷ vật đầu tay và cuối cùng, quyển 2, nxb Phượng Hoàng, California, 1998, trang 587-594.

[2] Ngày nay Vĩnh Bảo thuộc vào tỉnh Hài Phòng.

[3] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Tân Việt tái bản kỷ 4, California, trang 110.

[4] Theo Hoàng Văn Đào, Mô được cấp sáu lính khố xanh, sáu súng trường và một số đạn, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 111.

[5] Về cuộc khởi nghiã Phụ Dực, Vĩnh Bảo, xem thêm Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 110-113.

[6] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 116.

[7] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 120.

[8] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 118, 147.

[9] Papa tòa báo, Kỷ yếu triển lãm và hội thảo Tự lực văn đoàn, Người Việt, 2014, trang 30.

[10] Bài này in trên tuần báo Mới số 84, 85 và 86 (tháng 6-7 năm 1954).

[11] Bài này in trên báo Văn số 22 (15-11-1964) số Tưởng niệm Khái Hưng, ở Sài Gòn.

[12] Bài này viết để đăng trên báo Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng (tháng 12-1997), in lại trong Nhất Linh người nghệ sĩ-người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004.

[13] Papa tòa báo, Trần Khánh Triệu, Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng (tháng 12-1997), in lại trong Nhất Linh người nghệ sĩ-người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004, trang 168-169.

[14] Ba tôi, Trần Khánh Triệu, Văn số 22 (15-11-1964), trang 23.

[15] Ba tôi, Văn số 22, trang 23.

[16] Ba tôi, Trần Khánh Triệu, Văn số 22 (15-11-1964), trang 24-25.

[17] Ba tôi, Văn số 22, trang 18.

[18] Hồ Hữu Tường, Khái Hưng, người thứ nhứt muốn làm nguyên soái của "văn chương sáng giá", Văn số 22, trang 27-31.

[19] Papa tòa báo của Trần Khánh Triệu, in trong Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 162-163.

[20] Papa tòa báo của Trần Khánh Triệu, in trong Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 164-165.

[21] Phóng bút của Lê Ta, Phong Hóa số 154 (20-9-1935).

[22] Trích trong bài Vài kỷ niệm về Khái Hưng của Nguyễn Thạch Kiên, Văn số 22, trang 45.

[23] In lại trong sách Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hoá văn học, nxb Van Hóa, 1995, và Tự Lực văn đđoàn Tác phẩm và Dư luận, Nhất Linh cây bút cột trụ, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.

[24] Nhân nghĩ về Khái Hưng của Dương Nghiễm Mậu, Văn số 22 (15-11-64) Tưởng niệm Khái Hưng, trang 39.

[25] Nhân nghĩ về Khái Hưng của Dương Nghiễm Mậu, Văn số 22 (15-11-64) Tưởng niệm Khái Hưng, trang 39.

[26] Theo hồi ký Nguyễn Thị Thế và Thế Uyên (Người bác).

Comments are closed.