Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (38)

Thụy Khuê

Phần II

Nhà văn cộng tác với Phong Hóa Ngày Nay

Thanh Tịnh và Đỗ Đức Thu

Những người cộng tác với Phong Hóa Ngày Nay khá nhiều, chúng tôi xin chia làm hai loại:

– Một số người chỉ viết một vài bài, nhưng có tính cách định mốc, như trường hợp Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, hoặc có giá trị tư liệu lịch sử như trường hợp Phan Bội Châu, Trần Huy Liệu, Phan Khôi.

– Loại thứ hai là các nhà văn thực sự cộng tác với Phong Hóa Ngày Nay, trong một thời gian ngắn hay dài, như Phạm Cao Củng, Chàng thứ XIII, Trọng Lang, Thanh Tịnh, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Nguyên Hồng và Bùi Hiển. Phần này cũng chia làm hai: Bài đầu viết về Thanh Tịnh và Đỗ Đức Thu. Bài sau, viết về Trần Tiêu, Nguyên Hồng và Bùi Hiển.

Tóm lại, có tám nhà văn đã thành danh trên Phong Hóa Ngày Nay: Đoàn Phú Tứ, Vi Huyền Đắc, Trọng Lang (đã đề cập đến trong các chương trước), Thanh Tịnh, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Nguyên Hồng và Bùi Hiển, sẽ đề cập đến trong phần này.

Nếu kể theo thứ tự thời gian thì Phạm Cao Củng là nhà văn đầu tiên, có bài in trên Phong Hóa từ số 20 (4-11-1932) ký tên cô Phạm Thị Cả Mốc ở Nam Định. Cô Mốc làm thơ hài hước đối đáp với Tú Mỡ trong mục Giòng nước ngược, và tiếp tục cộng tác với Tú Mỡ trên Ngày Nay. Còn Phạm Cao Củng năm 1933, chỉ viết một kịch vui Tôi đi cho Phong Hóa[1], đến năm 1936, mới có hai truyện trinh thám in trên Phong Hoá: Chiếc tất nhuộm bùn[2]Tám giờ kém năm[3] và một truyện trên Ngày Nay Bắt được ma[4] nữa mà thôi. Truyện trinh thám của Phạm Cao Củng có sự khảo sát môi trường xã hội; điều tra chi tiết, lập luận giải thích vững vàng, nên có giá trị hơn tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ.

Nguyễn Công Hoan chỉ viết một truyện ngắn Chiều khách trên Phong Hóa số 25 (9-12-32). Truyện một chàng thanh niên nghe đồn ông chủ tiệm may Đại Ích ở phố hàng Bông, có con gái đẹp lắm, được mệnh danh là "Ngôi sao Hà Thành", anh chàng tìm đủ mọi cách để "xem mặt", thậm chí đến may một bộ quần áo tây rất đắt tiền, mà vẫn không nhìn thấy mỹ nhân. Một hôm đi xem hội chợ, tình cờ anh ta gặp một cô gái đẹp tuyệt vời, bèn nhào vào tán sát một cách khá thô bỉ. Không ngờ người bố đi sau lại là ông chủ tiệm may Đại Ích.

Chiều khách biểu hiện rất rõ lối viết của Nguyễn Công Hoan: hiện thực hài hước. Ông kể chuyện theo lối cổ điển, nhưng không chú ý đến nghệ thuật, câu văn viết bừa bãi, thỉnh thoảng thêm vào lời bình: "Cụ Đại Ích – tôi xin phép các ngài cũng bỏ ngoài tai, vị nào có con gái đẹp, thì tự nhiên trông ra phúc hậu, oai vệ ngay, mà đường đường một đấng bố vợ, dù dâu dia [râu ria] chưa có, dù vẫn còn trẻ măng, nhưng tôn lên là cụ cũng đáng, mà cô em càng nõn nà thì ông cụ càng có giá trị? Cụ Đại Ích cũng có giá trị lắm, tuy mặt cụ cũng còn non non, chỉ độ ba nhăm, bốn mươi tuổi là cùng!"

Có lẽ vì thế nên Khái Hưng không đăng tiếp truyện của Nguyễn Công Hoan chăng?

Ngày 2-6-1934, Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân, khai trương tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, chuyên in truyện ngắn, truyện dài và truyện dịch, Nguyễn Công Hoan trở thành cây bút chính, sau thêm Lê Văn Trương. Năm 1936, xảy ra cuộc tranh luận giữa Đoạn tuyệtCô giáo Minh (Phong Hóa số 177, 6-3-36). Cuộc tranh luận này tạo thành hai nhóm đối nghịch nhau: phe Tân Dân và phe Tự Lực. Cũng trong năm 1936, Vũ Trọng Phụng (phe Tân Dân) viết Số đỏ, chế giễu chính sách "bình dân" của Tự Lực văn đoàn.

Chàng thứ XIII (Lê Thạch Kỳ) viết bài khôi hài về khoa học, từ Phong Hóa từ số 59 (11-8-33), đến Phong Hóa số 121 (26-10-34). Mục này chỉ có tính cách giải trí.

Vũ Trọng Phụng có tập phóng sự đầu tiên Cạm bẫy người (1933) ký bút hiệu Thiên Hư, do nhà Đời Nay của Tự Lực văn đoàn xuất bản. Đầu năm 1935, khi báo Ngày Nay được thành lập, theo lời Nguyễn Tường Bách[5], Vũ Trọng Phụng được mời cộng tác cùng với Trọng Lang. Điều này chắc đúng, vì Trọng Lang cũng kể rằng: khi ông gửi phóng sự đầu tiên đến tòa soạn, không những được in ngay (trên Ngày Nay số 1) mà một tuần sau được Nhất Linh mời đến gặp. Vì thế, trên Ngày Nay số 2 (10-2-35) Xuân 1935, có thiên phóng sự Tết của tù của Vũ Trọng Phụng, cho thấy một lối viết phóng sự giọng tài hoa, đứng đắn và thành thực, mở đầu bằng câu:

"Mặt trời mùa đông tuy không ra oai quá độ, song cái sân rộng có những "núi" cát, vôi với đá, loé ánh nắng lên sáng quắc chiếu vào mặt mấy chục người tù đương cúi mình làm việc."

Văn hay, gọt giũa, chưa giống lối văn phóng bút sau này, nội dung viết theo lời kể của một người tù: "Đứng bên ngoài cái rào sắt, tôi nói truyện với hai người tù làm việc ngay gần đó, lại hút thuốc lào với họ nữa, mà cũng chẳng bị ngăn cản", xem ra là thực. Nhà tù này chính là Hỏa Lò Hà Nội. Nhờ đứng ngoài nói chuyện với tù nhân, tác giả mới biết, hai người này sắp được ra. Một người trước Tết và một người sau Tết. Người được ra trước Tết có vẻ buồn. Hai hôm sau, tác giả đến đón anh ta ở cửa nhà tù, đãi bát phở và được anh ta kể cho nghe cái tết trong tù:

"Nếu tôi nói dối ông, tôi không là giống người. Không phải muốn suốt đời ở tù, tôi chỉ tiếc không được chén cái tết năm nay mà thôi". Và anh ta đã kể lại câu chuyện Tết trong Hoả Lò: ngay từ 23 Tết, tù nhân đã lo tổ chức các cuộc vui như hát chèo, hát tuồng:

"Nhà tù là một xã hội nhỏ, có đủ các hạng người, nên người tù anh chị chỉ cần hô một câu là có đủ thợ làm mũ mãng, làm khí giới, có cả thợ vẽ phông (…) Một buổi diễn trong hoả lò? Sân khấu là mấy cái chiếu. Trên những tấm chiếu đó có đủ núi sông, cây cỏ, vẽ bằng than đen, với vôi trắng. Thưa, xin ở nhà bếp, vôi của chuồng tiêu. Vì trong ấy không có hàng bán các thực phẩm, họ chỉ làm được có thế. Song, nếu ta được trông thấy mũ mãng với khí giới, ta sẽ phải chịu họ tài tình. Võ Tòng là một chàng hảo hớn, mà quần áo của Võ Tòng lại do ba, bốn chàng "hảo hớn" tạo nên". Không những được xem hát, diễn tuồng, mà người tù trong mấy ngày Tết còn được hưởng cả những thứ khác nữa: "Trong ngục rượu và thuốc phiện là hai cai bi cấm nghiệt, nhưng tù nhân mấy bữa đó được thả cửa hút thuốc lào… và thuốc phiện". "Khám kỹ đến thế nào, ả phù dung cũng vào lọt (…) các ông cai ngục, trong khi khám xét, chẳng bao giờ dám ngờ rẳng bà chúa á phiện lại chịu nằm trong… hậu môn người ta".

Người tù "bạn" Vũ Trọng Phụng được thả trước Tết, không có đồng xu dính túi, không dám về nhà với cái đầu trọc, sợ năm mới năm me bêu riếu ông bà ông vải, đành đi lang thang và tiếc cái tết trong tù năm trước.

Bài Tết của tù là bài phóng sự thành thực hơn cả của Vũ Trọng Phụng, và cũng là lần đầu tiên ta đọc được một bài tường thuật về cái Tết ở Hỏa Lò Hà Nội, không mang những dấu vết tra tấn tàn nhẫn, mà có gì như một niềm vui, một sự chia sẻ giữa người và người, rất khác với giọng văn phóng sự chua chát, tàn nhẫn của Vũ Trọng Phụng sau này.

Đó cũng là bài văn độc nhất trên báo Ngày Nay của Vũ Trọng Phụng. Tôi tạm đoán rằng sau đó, Vũ Trọng Phụng không viết theo lối kể truyện thật thà này nữa mà ông bắt đầu hư cấu, cho nên không được Ngày Nay chấp nhận; vì thế năm sau, 1936, ông viết tiểu thuyết Số đỏ, chống lại đường lối của Tự Lực văn đoàn.

clip_image002

Tết tha hương của Phan Bội Châu và Tết ở tù của Trần Huy Liệu, Ngày Nay 149

Phan Bội Châu

Theo Nhượng Tống trong cuốn Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu đã gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng và Nguyễn Thái Học đang tổ chức đưa Phan Bội Châu ra nước ngoài thì xảy ra vụ ám sát Bazin, làm thay đổi toàn bộ tình hình. Phan Bội Châu vẫn có cảm tình sâu nặng với Việt Nam Quốc Dân Đảng và nhóm Tự Lực, cho nên trên Ngày Nay số 149 (15-2-39) cụ Phan viết một bài hồi ký dài tựa đề Tết tha hương. Bài này có nhiều chi tiết quý liên quan tới cuộc đời cách mệnh lưu lạc của cụ.

Chúng ta biết sơ lược tình hình: Tháng 9-1908, Pháp ký với Nhật hiệp ước chấm dứt phong trào Đông du. Tháng 3-1909, Phan Bội Châu và Cường Để bị trục xuất. Cường Để đi Âu châu, Phan Bội Châu sang Tàu. Cuối năm 1910, cụ Phan về Xiêm La xây dựng căn cứ mới. Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công, cụ nhận được giấy mời trở lại nước Tàu, và năm Quý Sửu (1912) cụ thành lập Việt Nam Quang Phục Hội. Năm 1925, cụ bị Pháp bắt ở Thượng Hải và đưa về Việt Nam.

Bài Tết tha hương kể lại những cái tết trên đất khách, với một số chi tiết có lẽ ít ai biết. Phan Bội Châu viết:

"Cuối năm Mậu Thân triều Thành Thái [1908] nước ta, chính trong lúc học sinh Đông du rất náo nhiệt, trường Đồng Văn thư viện, trường Chấn Võ học viện, vừa lớn vừa bé đủ cả người tam kỳ ước có hơn 400 người. Bỗng đâu thình lình sét đánh, Pháp Nhật hiệp ước vừa thành lập, chính phủ Pháp yêu cầu chính phủ Nhật phải đuổi hết người An nam. Chính phủ Nhật Bản bất đắc dĩ phải hạ lệnh phóng trục học sinh nước ta, hẹn trong hai tuần lễ phải ra khỏi đất Nhật Bản. Chính mình tôi cũng bị vào trong lệnh cấm ấy".

Trước tình hình khẩn cấp, Phan Bội Châu chưa biết xoay sở ra sao, thì "may có ông bạn tôi là ông Khuyển Dưỡng Nghị (ông này đã từng làm văn bộ đại thần và thủ tướng) mua đỡ cho năm chục tờ vé đi tầu, lại có một nhà hào hiệp là ông Thiệu Vũ Tá Hỷ Thái Lang cấp cho tôi hai nghìn bẩy trăm bạc, tôi mới thu xếp xong các việc cho học sinh bỏ Nhật Bản ra về, người thời đi qua Tàu, qua Xiêm, người thời về quê quán. Đâu vào đó xong, mình tôi lúc bấy giờ chỉ có "bảy thước thân còi, hai vai xương trụi", ngó sau ngó trước, anh em bà con mình đã vắng ngắt vắng tanh, chợt ngó lên tấm lịch ở trên chỗ ngồi, lại vừa đúng ngày ba mươi tháng chạp.

Tết! Tết Nhật Bản đến rồi."

Tết năm ấy, Phan Bội Châu thấy "họ ăn tết còn mình ăn mày", nhưng về sau cụ Phan còn có dịp, hưởng một cái "tết ăn mày" thứ hai nữa ở Nhật Bản. Nguyên do:

"Khi tôi bị bức xuất cảnh, ông Khuyển Dưỡng Nghị với ông Bá Nguyên Văn Thái Lang, đông văn thư viện viện trưởng, hai ông có nói riêng với tôi rằng: Chính phủ nước tôi vì ngoại giao bắt buộc, phải khiến các ngài bỏ nước tôi, nhưng mà riêng mình ông hãy tạm xa chúng tôi ít lâu để tránh tai mắt người Pháp. Sau một vài năm, xin mời ông cứ trở lại Nhật Bản. Nhưng khi ông trở lại, phải làm sao cho tai mắt người Pháp không nghe thấy, mới là kế hoạch vạn toàn.

Vì thế đến năm thứ năm triều Duy Tân [1911], tôi lại tìm cách qua Nhật Bản. Muốn sự đề phòng cẩn mật, nên tôi chờ năm cùng tháng tận, gần ngày tết mới xuống tầu. Tầu vừa tới Trường Kỳ, đúng vào ngày 30 tháng chạp. Tránh tai mắt bọn trinh thám, tôi không dám dùng tầu thuỷ, mà xe lửa cũng không dám bước lên. Thơ thẩn đường trường, đi bộ từ Trường Kỳ đến Đông Kinh (…) Cứ thế suốt mười ngày thì đến Đông Kinh. Năm đó, ăn tết bằng nghề ăn mày, nay nghĩ lại, lại là một việc rất vẻ vang ở trên lịch sử Phan Bội Châu đó vậy."

Cụ Phan không nói rõ cụ đến Đông Kinh làm gì mà lại "vẻ vang cho lịch sử Phan Bội Châu" nhưng ta có thể đoán cụ sang Nhật gặp các bạn Nhật cũ để liên kết và tìm hậu thuẫn cho Việt Nam Quang Phục Hội mà cụ sẽ thành lập ở Trung Hoa, ngày 19-6-1912.

Điểm thú vị nữa là cụ Phan tả những cái tết ở Nhật, ở Tàu và ở Xiêm, nhưng tết ở Nhật đặc biệt hơn cả:

"Trời mới sáng tinh sương tôi đã nghe tiếng pháo nổ đì đùng khắp thôn giã. Ngày ấy tôi ở vùng quê. Xác pháo đỏ rơi trên tuyết trắng trông như hoa cúc đại đóa. Nói đến cúc tôi mới nhớ nước Nhật có nhiều thứ cúc đẹp lắm. Gần đến tết nhà nào nghèo lắm cũng gắng mua vài chậu cúc để chưng trong nhà. Tết ở Nhật vui ở ngoài đường hơn ở trong nhà. Họ cũng đi thăm viếng nhau nhưng kiểu cách lắm. Mới thấy bóng người bạn bước vào cổng, họ đã vội vàng kéo cả nhà ra sân tiếp. Họ cũng cúi đầu chào nhau rất cung kính, nhưng không phải lối cúi đầu bái phục như ở nước mình. Khách vào nhà, họ liền lấy nước trà ra mời và chúc lẫn nhau những câu nghe rất ngộ nghĩnh. Thí dụ:"Xin chúc bạn (đàn bà) năm nay tươi như hoa đào và mộng đẹp như sương núi". "Xin mừng bạn (đàn ông) gươm nằm luôn trên tay và ngựa không dừng bước" (…) Trưa đến, người trong nhà kéo nhau ra giữa đường để xem múa hát và đấu kiếm trên võ đài. Thế là hết. Họ ăn tết chỉ nửa ngày. Nhưng nửa ngày náo nhiệt, vui tươi. Buổi chiều họ làm việc như thường.

Ngày Tết họ cũng kiêng, nhưng ít lắm. Chẳng hạn họ sợ cánh cúc rơi ngày mùng một Tết là điềm gia đình sắp có sự phân ly. Vì vậy họ không bao giờ dám đến gần những chậu cúc, hay chạm tay vào cành hoa quý ấy." (Ngày Nay số 149)

Sau này, vì lý do chính trị, người thường viết sai về nước Nhật, tạo cho người đọc Việt Nam cảm tưởng Nhật là nước quân phiệt và tàn ác, thực ra, Nhật không hoàn toàn như vậy, Phan Bội Châu, dù bị chính phủ Nhật trục xuất cùng với các sinh viên Dông du, đã cho ta một hình ảnh Nhật khác. Không chỉ Phan Bội Châu mà Nguyễn Bá Trác trong Hạn mạn du ký cũng đã có những dòng tuyệt vời về nước Nhật.

Khái Hưng cũng là một trong những nhà văn Việt Nam tìm hiểu sâu xa văn hóa Nhật rất sớm và yêu quý nền văn hoá này. Có lẽ vì thế mà ông đạt được độ trung dung hiếm có, nhờ sự giao hưởng ba nền văn hoá phương đông (Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam) với văn hoá phương Tây. Hai truyện ngắn đầu tiên có giá trị của ông, truyện Kong-Ko Đai-Jin in trên Phong Hóa số 14 (22-9-32) và Ada Kwaben in trên Phong Hóa số 19 (27-10-32), đều có vai chính là người Nhật. Báo Ngày Nay số 28 (4-10-36), có bài viết tựa đề: Toyohiko Kagawa một nhà văn, một nhà cải cách xã hội, mà người Nhật Bản tôn lên bậc thánh, của báo National Tridende, Copenhague, không ký tên ai dịch, nhưng chắc Khái Hưng. Ông cũng là một trong những người đầu tiên dịch Trà đạo của Okakuza Kakuzo sang tiếng Việt, in trên Ngày Nay từ số 209 (25-5-40) đến số 214 (29-6-40). Nhờ loạt bài này mà nghệ thuật uống trà của người Nhật đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, từ năm 1940.

Trần Huy Liệu (1901-1969), ông tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng khoảng 1928. Tháng 8-1928, bị Pháp bắt, sau bị kết án 5 năm tù, đầy ra Côn Đảo. Trong tù, ông tiếp xúc với những người cộng sản và ông theo cộng sản. Ra tù, khoảng 1933, Trần Huy Liệu ly khai Quốc Dân Đảng, năm 1936, ông được kết nạp vào đảng Cộng sản. Năm 1938, Trần Huy Liệu làm chủ bút báo Tin Tức (của nhóm cộng sản). Trả lời phỏng vấn của Khái Hưng trên báo Ngày Nay số 115 (19-6-38), số đặc biệt về Thanh niên, Trần Huy Liệu có ý chỉ trích Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường, là những trí thức con nhà giàu và nói đến sự khác biệt giữa hai nhóm quốc gia, cộng sản. Cũng trong số báo này, có bài viết của Khuất Duy Tiến, trong nhóm Tin Tức, trình bày tiến trình hoạt động của nhóm Thanh niên lao động, từ năm 1929 đến các năm 32-33-34-35-36.

Ngày Nay số 128 (18-9-38) có bài Các hành vi trong bóng tối của Trần Huy Liệu, cực lực tố cáo những hành vi ám muội của một số nghị viên ra ứng cử ghế Viện Trưởng Bắc Kỳ, theo sự điều tra của Khuất Duy Tiến.

Trên Ngày Nay số 149 (15-2-39), báo Xuân 1939, Trần Huy Liệu viết bài Tết ở trong tù, về cái Tết năm 1930 ở khám lớn. Bài này không thể so sánh với Ngồi tù khám lớn của Phan Văn Hùm nhưng cũng có vài điểm đặc biệt: Năm 1930, khi còn bị giam ở khám lớn, chưa bị kết án, ông viết về tình trạng nhà tù ngày Tết:

"Ở nhà tù cũng như ở ngoài xã hội, trong chúng tôi có những người vì đảng phái khác nhau, chủ trương chính trị khác nhau, nên tránh không khỏi những sự xung đột về chính kiến, đôi khi đến cả sự hiềm khích về cá nhân, nhưng gặp ngày tết chúng tôi cũng giẹp cả những cái "khác nhau" đó lại, mà tổ chức ra những cuộc ăn chung, chơi chung, cố làm cho cái không khí nhà tù được vui vẻ thêm lên".

"Trong khám lớn Sài Gòn, tù phải ăn toàn những đồ nguội và đồ thiu. Vì, với món cá luộc mỗi buổi sáng, chủ thầu phải mua tích trữ từ trước, cho tới ngày có phiên chợ đầu năm, nên tù thường phải ăn cá chết. Còn cơm, ngục tốt thường bắt nhà bếp nấu sẵn từ đêm, đợi tới bữa ăn liền, nên đã thành ra cơm nguội".

Những bài viết của Trần Huy Liệu và Khuất Duy Tiến trên Ngày Nay nằm trong sự giao lưu giữa các tờ báo khác quan điểm chính trị, nhưng vẫn là bạn, ở thời điểm 1938-39, và cho thấy tình bạn giữa Trần Huy Liệu và Khái Hưng. Về sau, khi đã phân liệt thành hai phe quốc cộng, dường như Khái Hưng vẫn còn tin tưởng ở tình bạn ấy.

Theo lời kể của Trần Khánh Triệu (con nuôi Khái Hưng, con ruột Nhất Linh): ngày 18-12-1946, Khái Hưng và gia đình tản cư về làng Dịch Diệp, quê vợ. Ở nhà được hai hôm, thì ngày thứ ba có hai người công an đến mời ông lên gặp Ủy Ban Hành Kháng có việc cần.

"Có lẽ cho rằng đương lúc chiến tranh vừa bùng nổ, kẻ thù chính là Pháp, không thể có chuyện bắt bớ những phần tử đảng phái quốc gia khác được, ba tôi bình tĩnh dặn lại mẹ tôi:

– Chắc cấp dưới họ không biết rõ. Để tôi lên huyện xem sao?

Nói xong ba tôi lại chỉ vào cái ve áo có huy hiệu của hội Liên Hiệp (do Trần Huy Liệu tặng cách đó mấy tháng trước để tỏ tình đoàn kết) tiếp:

– Đoàn kết đánh Tây, mình vừa thoát chết khỏi tay thằng Tây chẳng lẽ mình là Việt gian sao?

Thế rồi ba tôi ra đi. Thân hình gầy gầy trong bộ y phục xám ba tôi đi giữa hai người Công an lực lưỡng khuất dần sau luỹ tre làng"[6].

Phan Khôi. Trên Ngày Nay số 149 (15-239), báo Xuân 1939, có bài Lịch sử tóc ngắn, tự truyện của Phan Khôi, Cái đầu Annam kể từ 1906, tuyệt hay, cũng là sáng tác độc nhất của Phan Khôi in trên Ngày Nay. Ông kể lại truyện: Vua Thành Thái cắt tóc ngắn trước tiên, bắt các thị vệ cắt theo, nhưng dân chê, chẳng ai theo cả. Đến năm 1906, ông Phan Châu Trinh đi Nhật về, cùng ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi [Phan Khôi], rồi rủ nhau sang làng Phong Thử gặp ông Mai Dị, cả bốn đi thuyền lên Gia Cốc thăm ông Học Tổn; đặc biệt nhà này, từ chủ đến người làm công tất cả không ai có tóc dài. Ông Phan Châu Trinh bèn bắt đầu diễn thuyết về việc cắt tóc, đại ý nói khích: chỉ có một việc nhỏ xíu là búi tóc mà không dám cúp thì còn làm được trò trống gì nữa. Thế là mấy cái đầu bị thuyết phục ngay, không ai dám cầm cự. Số đầu tăng dần, khi từ Gia Cốc trở về, qua làng Diên Phong, những "tên tuổi lớn" như Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư, và cả ông thầy tiến sĩ Trần Quý Cáp cũng chịu cúp luôn, mấy hôm sau cả ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông vào cũng cúp tuốt…

"Hôm ở Diên Phong về nhà, tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng- Trước tôi mảng tưởng về nhà chắc bị quở dữ lắm, nhưng không, thầy tôi tảng lờ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặc lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói!

Người làng đối với việc tôi làm đó, phần công kích nhiều hơn phần tán thành. Đến bọn đàn bà trẻ con thì lại cười nhạo ra mặt, mỗi khi gặp tôi ở đường, chúng công nhiên chỉ trỏ và nhe răng ra với nhau. Có đứa trẻ dám chế tôi đội cái vung lên đầu. Tôi mặc kệ tất cả, cứ hằng ngày ngầm ngầm cổ động cho thêm nhiều người làm như mình. Sau đến chính những người phản đối rồi cũng chịu hớt. Trong làng bấy giờ có người tên là Biện Nghệ bắt đầu sắm dao, kéo, tông-đơ hớt lấy tiền.

Qua đầu năm 1907 giở đi, thôi thì cả tỉnh nơi nào cũng có những bạn đồng chí về việc ấy."

*

Thanh Tịnh (1911-1988)

Thanh Tịnh là nhà thơ, nhà văn kiêm nhà báo. Bài thơ đầu tiên in trên Phong Hóa số 158 (18-10-35), tựa đề Tơ lòng với tơ trời, giọng thơ lãng mạn, lời không hào nhoáng; ý thơ mơ mộng nhưng vẫn thật tình:

Còn nhớ hôm xưa độ tháng này

Cánh đồng sào sạc, gió đùa cây,

Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm

Một đoạn tơ trời lững thững bay.

Tơ trời theo gió vướng mình ta,

Mối khác bên nàng nhẹ bỏ qua,

Nghiêng nón nàng cười, đôi má thắm.

Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa…

Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng

Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông

Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn

Đến nối duyên mình với …cõi không! (Tơ lòng với tơ trời, Phong Hóa số 158)

Bài này in cùng khung thơ với bài Với bàn tay ấy… (cũng là bài thơ đầu tiên của Xuân Diệu trên Phong Hóa). Thơ Thanh Tịnh nhẹ nhàng, thơ mộng, như Một đoạn tơ trời lững thững bay, khác với thơ Xuân Diệu đã có những hình ảnh đầy quyến rũ Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy (trong bài Với bàn tay ấy…).

Bẵng đi một thời gian không thấy thơ Thanh Tịnh đăng trên Phong Hóa. Gần một năm sau, Thanh Tịnh bắt đầu có truyện ngắn đăng trên Ngày Nay, từ tháng 9-36, đến tháng 5-39, ông viết khoảng 15 truyện ngắn; những truyện này sẽ là nền tảng cho sự nghiệp văn chương Thanh Tịnh: Mất vợ, Người cha, Tình thư, Chú tôi, Chị và em, Ra làng, Hội ghét đàn bà, Bên con đường sắt, Cười, Quê mẹ, Rosée, Tình vay, Hội chợ Huế, Chuyến xe cuối năm, Quê bạn[7]. Sau ông viết thêm vài truyện nữa, tập hợp thành hai tập: Quê mẹ[8] (Đời Nay, 1941) do Thạch Lam viết tựa) và Chị và em[9] (Đời Nay, 1944).

Truyện ngắn của Thanh Tịnh đôn hậu và buồn, thường lấy làng Mỹ Lý "quê hương ông" làm bối cảnh. Trong bài tựa cuốn Quê mẹ (Đời Nay, 1941) Thạch Lam mở đầu bằng những hàng:

"Thanh Tịnh có lẽ là nhà văn đầu tiên ở miền Trung đã trình bày các mối giây liên lạc nối ông với đồng nội quê hương, những giây liên lạc nhẹ nhàng như tơ đồng ngày thu, nhưng không vì thế mà kém phần vương vít và quyến luyến". Những dòng kế tiếp, Thạch Lam cho biết xuất xứ của Mỹ Lý:

"Làng Mỹ Lý (một dặm đẹp) có lẽ không phải là một làng có thật trên bản đồ. Nhưng mà lại thật hơn, nếu tôi có thể nói thế – đầy đủ và hoạt động hơn bất cứ một làng nào. Làng Mỹ Lý có lẽ chỉ là biểu hiệu cho tất cả các làng mạc trong một miền, nhưng cái tài của tác giả đã khiến cho gần gụi và thân mật. Chúng ta tưởng đâu đã sống lâu năm ở trong đó, cùng với người làng tham dự vào các công việc hàng ngày và cùng chia sẻ những nỗi buồn, vui".

Sau này in lại Quê mẹ, người ta bỏ tựa cũ, viết tựa mới; nhưng lại không biết rằng: tựa của người viết cùng thời, luôn luôn có những giá trị lịch sử mà người viết sau không thể có được. Khi bỏ hai bài tựa của Khái Hưng viết cho Gió đầu mùaHà Nội băm sáu phố phường, là ta đã đánh mất một phần giá trị và thông tin thêm vào cho tác phẩm, qua lời Khái Hưng. Cũng vì bỏ bài tựa Thạch Lam viết cho Quê mẹ, nên người ta không ai biết làng Mỹ Lý ở đâu, cho nên có một vị học giả phải nghiên cứu để tìm lại "địa điểm" làng Mỹ Lý!

Tình thư là truyện ngắn đầu tiên xác định phong cách Thanh Tịnh như nhà văn của tình yêu, của gia đình, của những chuyến tầu và những mái nhà cạnh ga, của những phận nữ buồn sống trong vùng quê hương Mỹ Lý. Câu chuyện chị Sương, không biết chữ, nhận được bức thư tỏ tình của thầy Xuân xếp ga, phải sang nhờ em Thanh, cậu hàng xóm đọc và viết hộ thư trả lời, tuy có ảnh hưởng Dưới bóng tre xanh của Khái Hưng nhưng giọng văn và cấu trúc truyện hoàn toàn khác:

"Chị Sương bỗng giật mình nhìn tôi.

– Em Thanh đọc xong rồi à? Còn nữa hết?

– Hết rồi.

– Hai trang giấy mà chỉ có thế thôi à? Thôi em chịu khó đọc cho chị nghe một lần nữa.

Lần này nghe tôi đọc, chị Sương mặt mày nở ra dần rồi lấy phong bì đang cầm trên tay che miệng cười chúm chím. Tôi đọc xong. Chị Sương lấy lại phong thư lật qua lật lại trên tay một hồi lâu mới nghiêng đầu về bên tôi nói sẽ:

– Em Thanh ạ, em viết hộ cho chị một phong thư trả lời, sáng mai chị sẽ cho em năm xu." (Ngày Nay số 41).

"Em Thanh" cũng khôn lắm, lợi dụng tình thế có thể kiếm tiền dễ, nhận làm thư ký cho chị Sương, để có tiền mua con sáo và mua chịu chiếc lồng cho nó. Truyện ngắn của Thanh Tịnh thường giản dị trong tình tiết, đạm bạc trong văn phong, nhưng luôn luôn có nỗi buồn ẩn bên trong, dẫn đến cái kết bi thảm: Thầy Xuân bị cha mẹ ở Bắc gọi về lấy con gái cụ Tuần. Chị Sương không có thư nữa. Thanh không có tiền trả góp, cái lồng bị đòi về. Con sáo ngủ ngoài trời sương lạnh, rạc đi, rồi chết. Các tình tiết xếp đặt rất tự nhiên, như không thể cưỡng lại được, nhưng có tình yêu làm nền, làm chất dinh dưỡng: khi tình yêu bị cắt đứt, tất cả trôi theo, vỡ theo, tan tác… Sau Đỗ Đức Thu, Thanh Tịnh, là nhà văn trẻ tài năng thứ nhì được Ngày Nay khám phá và giữ lại cộng tác ngay từ cuối năm 1936. Như thế, Tự Lực chỉ giữ lại những nhà văn có giá trị đích thực, dù không "ăn khách" nhưng đó chính là sự lựa chọn của văn đoàn, khác với sự lựa chọn của nhà xuất bản Tân Dân.

Bên con đường sắt là một truyện ngắn hay khác: Duyên mở quán cơm gần ga Mỹ Lý, nuôi em ăn học, quán đông khách lắm. Vì đông khách nên Duyên bị bọn con gái trong làng ghen tỵ, đặt điều nói xấu. Trong không khí đố kỵ, thù nghịch, chỉ thầy xếp ga là có cảm tình với Duyên, ngày hai buổi ăn cơm hàng, thầy Trưu khuyên Duyên nên cho em học chữ Tây, vì chữ Hán đã hết thời. Thầy Trưu và Duyên bắt đầu "bén duyên" thì một chuyện không may xảy ra: Cách ga Mỹ Lý ba cây số, có ga Kỳ Lâm, lớn hơn, ở giữa làng. Người dân bỏ ga Mỹ Lý, đi ga Kỳ Lâm, vì lợi được bốn xu. Quán cơm của Duyên thưa dần khách. Mùa đông năm ấy, thầy Trưu phải đổi vào Nha Trang… Duyên một mình cầm cự với nghịch cảnh.

"Rồi ngày hai buổi, lúc nghe tiếng còi tầu văng vẳng bên đồng xa, cô Duyên lại lững thững đi lên trước sân ga tạm cũ để nhìn tàu chạy. Tiếng máy chạy đều đều của con tàu từ phương xa đi lại đã hòa nhịp với tiếng đập mạnh của quả tim cô. Lần nào cô cũng hy vọng thầy Trưu sẽ trở về với cô, với cái quán tranh tựa bên đồi sỏi trắng. (…)

Qua mùa đông năm sau, giữa một đêm mưa gió dầm dề, cô Duyên chợt tỉnh nghe bên ngoài có tiếng gọi. Cô ta đưa hai tay dụi mắt rồi sờ soạng trong bóng tối để tìm lối đi.

– Cô Duyên ơi! Cô còn thức hay ngủ?

Nhận được tiếng thầy Trưu, cô Duyên mừng quá run cả người. Cô ta phải vịn vào cột để giữ hơi thở mạnh và đề lấy giọng điềm nhiên trả lời:

– Thầy Trưu đấy phải không?"

Thầy Trưu lách mình vào quán, vắt áo tơi lên ghế, nhìn Duyên không chớp mắt, Duyên không còn tươi như trước nhưng vẫn giữ cái duyên xưa, gia cảnh tồi tệ hơn trước nhiều, thầy Trưu hỏi "Em Nhân năm nay lên lớp mấy?" mới biết em đã trở lại học chữ Hán vì sách chữ Pháp đắt quá. Thày kể, được giấy đổi ra Vinh, đi con tàu suốt, gần đến ga Mỹ Lý, tàu chết máy.

"Cô Duyên ngẹn ngào nhìn thầy Trưu. Cô đang cám ơn thầm Trời Đất đã bắt con tầu chết máy, thì văng vẳng ở bên đồng xa, tiếng còi tàu lại thét lên trong đêm vắng.

Thầy Trưu giật mình cúi xuống vớ cái áo tơi rồi tiến đến nắm tay cô Duyên cúi đầu sẽ nói:

– Máy tàu họ đã chữa được rồi… " (Ngày Nay số 82)

Những người yêu nhau thuở trước và nỗi nhớ thương của họ không được giãi bày như bây giờ. Tolstoi có lần đã viết đại khái như sau: ngày nào chúng ta cũng dừng chân ở cửa, chùi giày trên thảm trước khi vào nhà, nhưng nếu không ai ghi lại việc chùi chân này thì nó sẽ biến mất, không bao giờ hiện hữu, không bao giờ người đi sau biết có việc chùi chân trên đời.

Đọc Thanh Tịnh, tôi có cảm tưởng "chùi chân" của Tolstoi: Trong gia đình người dân quê thời trước, có bao nhiêu cử chỉ, ý nghĩ của họ, mình không biết, vì bây giờ không ai làm như thế nữa, may có Thanh Tịnh ghi lại bằng ngòi bút nhạy cảm tế nhị, ta mới hay. Bởi vì tình yêu và đau khổ không bao giờ thay đổi nội dung, nhưng cách diễn tả, mỗi thời, là một màu khác. Công của Thanh Tịnh là ở đó, Tự Lực văn đoàn đã nắm bắt được cái hay, cái hồn nhiên và lòng nhân ái ấy trong văn Thanh Tịnh, và giữ lại cho ta. Thanh Tịnh chỉ trung thực ghi lại –không phải những phong tục xưa – mà ghi lại cách người trước đã suy nghĩ, đã diễn tả tình cảm, đã sống với nhau như thế nào. Nếu ta chỉ đọc nhanh để biết cốt truyện và tình tiết éo le, như đọc văn Nguyễn Công Hoan, thì không bao giờ ta thấy được cái hay của Thanh Tịnh.

clip_image004

Quê mẹ, Ngày Nay 95

Quê mẹ (Ngày Nay số 95, 23-1-38) gói trọn toàn bộ phong cách truyện ngắn của Thanh Tịnh: Đã ba năm, cô Thảo lấy chồng, anh Vận làm hương thơ [người phát thư] trong làng Mỹ Lý. Gần đến ngày giỗ ông, cô muốn xin phép chồng về nhà ăn giỗ mà không dám nói. Cô mượn cây thanh trà để gợi chuyện:

"– Cây thanh trà mới đấy mà đã có trái rồi cậu ạ.

Anh Vận để con ngồi trên chân, rồi cúi đầu xuống nhìn mặt con dịu lời đáp:

– Thế à. Cây thanh trà ấy trông dáng khô khan không ngờ lại giống tốt.

Cô Thảo ghé ngồi một bên chồng nói tiếp:

– Cây thành trà ấy, tôi đem tự bên nhà qua đây. Mới hai năm đã có trái ăn được kể cũng nhanh thật.

Anh Vận như sực nhớ một việc gì, nhìn vợ hỏi vội:

– Tôi nhớ ra rồi. Hôm ấy là ngày giỗ ông bên mợ. Mợ về làng ăn giỗ, rồi đem cây thanh trà đó qua cho tôi. Tôi cũng quên không biết lúc đó mợ đã có thằng Lụn chưa?

– Rồi, nhưng nó mới được ba tháng.

– Mà tôi cũng không biết giỗ ông nhằm ngày mấy?"

Qua mấy lời trao đổi, anh Vận biết giỗ ông là ngày rằm, mà anh vẫn chậm trí, chưa nghĩ ra sắp đến ngày giỗ rồi.

"Cô Thảo vào nhà thắp đèn rồi lại trở ra ngồi chỗ cũ. Mảnh trăng trong lúc ấy đã bắt đầu rọi ánh sáng dịu dàng qua hàng tre trước cổng.

Trông thấy ánh trăng, anh Vận quay lại hỏi vợ:

– Hôm nay là mấy rồi mà trăng sáng quá.

– Ngày mười ba tháng tám rồi.

Anh Vận thả hai chân xuống chõng nhìn vợ ngơ ngác:

– Thế ngày mốt là ngày giỗ ông rồi à? Và ngày mai là ngày mợ phải về làng.

Cô Thảo cúi đầu nhìn xuống đáp rất khẽ:

– Phải.

Anh Vận đưa tay lên gãi đầu:

– Thật tôi vô tình quá. Ngày kỵ đã gần đến mà tôi cũng quên." (Ngày Nay số 95)

Nghệ thuật của Thanh Tịnh nằm ở sự chậm rãi. Người và vật đều chậm rãi. Cô Thảo, muốn xin phép chồng về nhà mình ăn giỗ ông mà không dám nói thẳng, bởi vì cô cho rằng "nhắc chồng ngày giỗ ở nhà mình là một việc chướng lắm", mà đợi mãi không thấy chồng nói ra, cô đành phải mượn ý cây thanh trà. Nhưng anh Vận là người chậm trí. Khi nhớ ra rồi, anh vội xin phép mẹ cho vợ đi. Bà mẹ chồng hỏi con dâu:

"– Ừ về thì về. Nhưng bên nhà ngày mai giỗ ai mà tôi cũng quên phắt đi rồi.

– Thưa mẹ giỗ ông con."

Bà ân cần dặn con dâu:

"Vậy tối nay mợ ra ngoài vườn cắt một buồng chuối mật- buồng chuối gần bên cái giếng ấy- để về giỗ ông. Năm nay tôi bận việc nhà quá, chắc qua không được. Thôi nhờ giời năm khác".

Biến độ hành động và tư tưởng đếu hết sức chậm rãi nhưng không hề thiếu sót, sơ sài. Cô Thảo có vẻ hoàn toàn "hạnh phúc" trong cảnh làm dâu ở làng Mỹ Lý. Bà mẹ chồng chu đáo hết sức lo cho con dâu.

"Làng cô ở cách xa làng Mỹ Lý hơn mười lăm cây số. Vì vậy nên mỗi năm cô chỉ được về làng chừng hai ba lượt là nhiều lắm. Xưa kia, cô từng qua lại làng Mỹ Lý ngày một để bán gạo, nhưng sau lúc cô ra lấy chồng thì quê nhà đối với cô đã là nơi xa lạ lắm".

Chỉ qua vài dòng, ta cũng rõ nỗi vất vả của cô Thảo: thời con gái, mỗi ngày phải gánh gạo đi hơn mười lăm cây số. Hôm nay được về nhà mẹ, phải gánh con và buồng chuối mật đi cùng:

"Đi chưa được bốn cây số, cô Thảo đã thấy mỏi. Cô tự nhận thấy sức cô yếu hơn trước nhiều lắm. Cô muốn đi đò cho đỡ chân, nhưng sực nhớ đến những món quà cần phải cho em, cô lại gắng gượng đi nhanh hơn trước".

Về đến nhà, cô được mẹ cưng, không phải làm cỗ, vào phòng mẹ ngủ đến chiều.

Nhưng tất cả những yêu thương, đùm bọc ấy, của mẹ chồng và mẹ đẻ cũng không giấu được sự lầm than của cô Thảo. Nghịch cảnh lộ ra, khi cô Thảo trả lời câu hỏi của cha: Chồng con nó làm gì bên ấy mà không qua? -Dạ nhà con mắc việc quan. Khiến Khuê, chị em con chú con bác với Thảo nói kháy: "Thứ đồ làm hương thơ mỗi năm ăn ba mẫu ruộng, mà cũng gọi là việc quan". Câu này làm lộ tất cả tình cảnh bần cùng của gia đình bên chồng: cả năm chỉ trông vào huê lợi của ba mẫu ruộng (lương hương thơ của Vận) và ba mẫu ruộng nhà.

Sáng hôm sau, cúng cơm xong, cô Thảo lại sửa soạn trở về làng Mỹ Lý. Cô cho mấy đứa em mỗi đứa 5 xu, cao hứng cô còn hứa đến Tết sẽ gửi cho mẹ hai cặp quần áo mới, "Nhưng chính cô cũng không biết sẽ lấy đâu ra hai cặp quần áo ấy. Chỉ trong nháy mắt cô Thảo đã phân phát tất cả số tiền cô dành dụm trong một năm".

Về nhà chồng cô lại tối tăm mặt mũi vì công việc từ sáng đến tối. "Lúc nào cô cũng nhớ đến mẹ nghèo, đến em thơ, nhưng nhớ thì lòng cô lại bùi ngùi, trí cô lại bận rộn. Rồi chiều chiều gặp những lúc nhàn rỗi, cô lại ra đứng cửa sau nhìn về làng Quận Lão. Nhưng làng Quận Lão thì ẩn sau đám tre xanh đã kéo một gạch đen dài trên ven đồi xa thẫm".

Quê mẹ, có lẽ là truyện ngắn đầu tiên đưa ra hình ảnh người con gái quê tần tảo suốt đời với gia đình, bởi vì Quê mẹ đăng trên Ngày Nay số 95 (23-1-38) ra đời trước Cô hàng xén của Thạch Lam, đăng trên Ngày Nay số 134 (29-10-38). Có thể Thạch Lam khi viết Cô hàng xén đã chịu ảnh hưởng của Thanh Tịnh, và sau này Nhất Linh đã ảnh hưởng Thạch Lam khi viết cô Mùi trong Xóm cầu mới.

Thanh Tịnh sinh ở Huế, nhưng ông viết văn giọng Bắc, và Mỹ Lý, quê hương tưởng tượng của ông, cũng không đặc biệt Huế, mà là một ngôi làng Việt Nam, và những người phụ nữ "sống" ở đấy cũng thế, họ mang dấu tích những người đàn bà rất Việt.

Rosée, Hội chợ Huế, Quê bạn, là những truyện tình xảy ra trong những cuộc gặp gỡ, biết trước sẽ phải chia xa, của Xuân với Rosée, cô gái Pháp gặp bên Xiêm, của Tuyên và Thìn, cô gái Bắc bán hàng trong hội chợ Huế, của Hương, con ông chủ với Mẫn, người thanh niên đến làm công trong một vụ gặt, những mối tình ngắn ngủi, bây giờ ta thường gọi là tình mùa hè. "Họ sống với nhau trong những mùa cầy cấy, gặt hái, rồi lại tản mác ra như những mảnh mây ngàn". Và Thanh Tịnh đã ghi lại được những mảnh mây ngàn ấy, trước khi tan tác.

Kể từ Ngày Nay số 115 (19-6-38), Thanh Tịnh trở thành đặc phái viên của báo Ngày Nay tại Huế, ông đã phỏng vấn: cụ Phan Bội Châu và cụ Huỳnh Thúc Kháng về vấn đề thanh niên, sau đó ông thực hiện những bài sau đây:

Phỏng vấn Thái Văn Toản, Hội chợ Lạc thiện (Tin Huế), 100 lối chúc Tết Tết ở thâm cung (Dưới triều của Minh Mệnh); Tế Nam Giao; 23 tháng Năm, ngày thất thủ kinh thành Huế; Truyện kỳ thú trong những cuộc Tây du xưa và nay của Nam triều[10].

Kể từ Ngày Nay số 175 (19-8-39), báo bị kiểm duyệt, nhiều người bỏ không cộng tác nữa, Thanh Tịnh vẫn tiếp tục viết cho Ngày Nay tới số cuối cùng, 224, những bài sau chót:

Ngày Nay ở khắp nơi, tin Huế (Ngày Nay số 178, 9-9-39); Ngày Nay ở khắp nơi, tin Huế ký Thinh Không. Ngày Nay số 198 (3-2-40), Xuân 1940, ông viết 5 bài: Tết Annam; Lễ Tết ở Hoàng Cung; Những chuyện nhỏ lịch sử về Tết; Bùa ngày Tết và kịch vui Con chó.

Sau đó ông viết thêm: Lễ Phật ở Huế (phóng sự), Một chuyến tàu (tuỳ bút), hai bài thơ Chiều, và Muôn bến, và hai tuỳ bút: CầuCon đường[11].

Chiều

Chiều về trên cỏ non thu

Trăng ve nắng nhạt sầu ru lá vàng,

Hồ sâu chan chứa lệ ngàn

Nai con lạ núi muôn vàn bơ vơ,

Chân mây mở rộng đợi chờ

Chim nương cánh gió làm thơ lạc vần,

Một hai sao nở dần dần

Ngày đi lặng lẽ đêm gần gần đây,

Bàng hoàng gió gạt hương cây

Đêm mung lung rộng trặng[12]mây kín trời.

Thanh Tịnh

Bài Muôn bến có những câu:

Thuyền trôi không bến tiếng không vang,

Đời chảy quen sông đỡ lạ ngàn

Nhưng một chiều thu thuyền bỗng đổ

Kênh bờ sông trắng gió lan man

Khách ghé nhưng lòng chẳng ghé theo

Buồn vương trong bước nước sông reo,

Chiếu đưa tiếng gọi giang hồ vẳng

Khách trở về sông lặng thả chèo…

Thanh Tịnh

Thanh Tịnh để lại dấu ấn của một ngòi bút thanh tịnh, mộc mạc, nhưng sâu lắng về cuộc sống dân quê miền Trung, êm đềm, không tranh chấp, không cảnh mẹ chồng nàng dâu ác nghiệt, mà là một sự chịu đựng âm thầm, không nói ra, họ giấu cả cái nghèo cho người thân bên kia gia đình xui gia khỏi biết.

Những bài báo của Thanh Tịnh trên Ngày Nay, bây giờ đọc lại vẫn có giá trị, nhất là những bài về Huế.

Thơ ông đặc sắc, hai bài ChiềuMuôn bến in trên Ngày nay số 221, lời đẹp, ý buồn, như báo trước sự biệt ly sắp tới. Tôi không khỏi nghĩ tới Thanh Tịnh như một người bạn hiếm hoi, có lẽ là duy nhất, trung thành với Tự Lực văn đoàn. Thạch Lam biết rõ bạn mình hơn ai hết: "Tác giả không lách đi sâu, nhưng dừng lại ở một làn gió, ở một cái thoảng hương thơm của hoa cỏ bốn mùa".

Năm 1943, Thanh Tịnh viết truyện ngắn Con so về nhà mẹ in trong tập Ngậm ngải tìm trầm (Thời Đại, 1943), tuyệt hay, đề: Kính tặng hương hồn anh Thạch Lam. Chắc để giỗ đầu Thạch Lam, vì cô Hoa, nhân vật chính trong truyện, có gì như một sự "cộng tác" giữa hai người: Hoa cũng vất vả như Thảo trong Quê mẹ, như Tâm trong Cô hàng xén, mà còn hơn nữa: Hoa phải về nhà mẹ sinh con. Nhưng hai vợ chồng ngại không dám bàn đến chuyện đó, họ lại nói vòng vo như chuyện cây thanh trà trong Quê mẹ; cuối cùng anh Lẫm mới dám hỏi vợ:

Mình có gắng được đến tháng sáu không?

Anh hỏi vợ có "nhịn" được đến tháng sáu mới đẻ không? Bởi vì anh mua chung cái vé số, tháng sáu mới xổ, anh hy vọng trúng được món tiền lo cho vợ đẻ và nuôi con! Nhưng làm sao "nhịn" được, lần này cũng như mấy lần trước, cô Hoa lại phải về nhà mẹ đẻ. Anh Lẫm hứa, cuối tháng sáu, trúng số sẽ mua thuyền qua tận làng đón mẹ con cô về!

Cô Hoa biết mẹ nghèo lắm, nên dù sang đẻ nhờ nhà mẹ cô vẫn phải lo lấy tiền ăn.

"Trước mặt chồng cô không muốn tỏ nỗi cơ hàn của mẹ cô. Cô sợ nhà bên chồng khinh. Và trước mẹ cô, cô lại càng tránh nói đến cảnh túng bấn của chồng cô. Cô sợ mẹ cô buồn". Có lẽ đó là "chất Huế" rõ ràng nhất mà Thanh Tịnh tặng hương hồn Thạch Lam.

Sau này, khi Hồ Dzếnh mất, Thanh Tịnh làm mấy câu thơ:

Đời xếp anh, tôi, với Thạch Lam

Ngồi chung một chiếu Hội văn đàn

Chao ôi! Chiếu đã hai lần lạnh

Còn lại mình tôi trên thế gian."[13]

Và đây là tấm lòng trung với bạn, độc đáo chất Huế. Bởi vì tất cả những người thân của Tự Lực văn đoàn, ngoài Bắc, sau Cách Mạng Tháng Tám, không còn mấy ai nhớ đến Thạch Lam.

*

Đỗ Đức Thu (1909-1979)

Đỗ Đức Thu là một kiện tướng trong truyện ngắn: điêu luyện trong văn phong và kỹ thuật dựng truyện, mô-đéc trong cách viết và tư tưởng.

Viết ít, viết kỹ, giống Thạch Lam; đôi chỗ còn sắc sảo hơn Thạch Lam. Sau khi nhận giải thưởng khuyến khích Tự Lực văn đoàn 1935, từ 1936 đến 1940 Đỗ Đức Thu chỉ viết 10 truyện ngắn, đăng trên Ngày Nay, nhưng là những truyện hết sức giá trị:

Ba, Nước ba ông, Một người ốm, Đám ma Lý Toét, Ý nghiã của đời người, Nỗi buồn của cô Lê; Gác cho thuê, Đi chơi Tết, Nhà bên kia, Anh Thùy[14].

Đỗ Đức Thu còn là trường hợp đặc biệt: với mỗi truyện ngắn, ông tạo ra một vũ trụ khác hẳn, thay đổi từ bối cảnh, cách viết tới tư tưởng. Sau này nhiều nhà văn muốn viết như vậy mà không làm được.

Ba, đoạt giải khuyến khích Tự Lực văn đoàn 1935 cùng với ba truyện khác. Nhưng chỉ phần đầu được in trên Ngày Nay[15] vì theo lời giới thiệu những đoạn sau không hay bằng lại còn khác hẳn giọng văn, truyện vì thế không duy nhất. Sau này, khi in lại trong tập Nhà bên kia (Cộng lực, 1942) Đỗ Đức Thu cũng chỉ giữ phần đã được Tự Lực văn đoàn tuyển chọn.

Ba là một truyện ngắn rất mới, thời đó chưa ai viết như thế. Truyện mở đầu trên thái độ bực bội khác thường của Ba, người chồng, khi đi làm về.

"Ba để cả quần áo, cả giầy, nằm ngang lên giường. Chàng bắt chân chữ ngũ, vắt tay lên trán, nhìn một con nhện đang trăng [giăng] tơ ở góc trần. Bỗng chàng vùng dậy, đi bách bộ trong buồng. Rồi chàng đến chiếc bàn con, châm một điếu thuốc lá, vơ lấy cuốn sách nằm đấy, một cuốn tiểu thuyết của Dostoievsky xưa nay chàng vẫn ưa đọc. Chàng dở từ trang đầu đến trang cuối, rồi vứt xuống bàn.

Bên ngoài có tiếng gọi:

– Cậu ra sơi cơm.

Ba vẫn đi bách bộ. Tiếng gót giầy nặng nề, không khí trong phòng bực tức. Ba vứt điều thuốc nhưng châm ngay điếu khác, mở cửa sổ đứng trông ra ngoài."

Một người mới viết văn, mà viết như vậy, quả thực là tài: tất cả nhắm vào chi tiết, cặn kẽ, không bỏ sót một động tác nào của kẻ đang "lên cơn bực". Những nhà chuyên viết văn hiện thực thời đó, không mấy ai quan sát và viết kỹ như thế.

Đấy là màn đầu. Rút cục, sau tiếng mời cơm thứ nhì, Ba cũng bước ra, ăn vội vàng cho xong bữa rồi rủ vợ ra ngoài đi dạo. Đến bờ hồ, Ba kéo vợ vào quán nước. Vào quán, Ba vẫn còn bực mình. Lúc sau, "Ba nhất quyết:

Tôi hỏi mợ nhé. Nếu bây giờ tôi bỏ mợ, đi thật xa, thì mợ tính sao?

Kim ngạc nhiên, nhưng muốn tránh câu trả lời:

– Cậu định đi đâu?

– Miễn là đi xa. Đã đi xa thì đâu cũng vậy. Tôi muốn biết mợ sẽ coi tôi ra sao, và sử trí ra sao?

Kim uống sữa, nhìn ra ngoài. Bỗng nàng đặt cốc, nói:

– Hình như có ai quen đi vào đấy." (Ngày Nay số 16)

Đoạn đối thoại này buông xuống đây như một trái bom, làm độc giả sững sờ không hiểu gì cả. Trong óc mọi người đều muốn hiểu lý do tại sao anh chàng kỳ quái này tự nhiên nổi cơn đòi bỏ vợ. Vậy mà người vợ lại cứ trơ ra, không có cả cái tò mò hỏi cho biết lý do tại sao cậu lại muốn "bỏ mợ", mà cứ bình thản ngồi uống sữa và hỏi một câu rất vô duyên: Cậu định đi đâu?

Đoạn văn thần tình này báo hiệu sự "gián đoạn thông cảm" giữa hai vợ chồng: Ba muốn nói với vợ một chuyện hết sức quan trọng, nên mới rủ vợ ra khỏi nhà, mà Kim không hiểu. Rồi nàng lại để ý đến người khách mới bước vào quán là người quen, rồi hai vợ chồng nói chuyện với người quen này, rồi về. Câu chuyện quan trọng của Ba bị cắt ngang, chết yểu. Về nhà, Kim vẫn tránh không muốn đả động đến câu hỏi của Ba lúc nãy, vì nàng không biết trả lời như thế nào và Ba cũng không nói gì thêm. Đã khuya, trên giường ngủ, Ba đặt cuốn sách đang đọc xuống, hỏi vợ:

"– Ừ, nếu tôi đi xa thì mợ ra sao nhỉ?

Không thấy trả lời. Ba quay lại: Kim đã ngủ."

Sự gián đoạn thông cảm tới đây là trọn vẹn. Chủ đề của tác phẩm chính là sự gián đoạn này: khi hai tâm hồn không còn gì chung nhau nữa thì có thể sống chung được không?

Ba lấy vợ giàu, đẹp, con một, ở rể. "Lúc đầu chàng thấy sung sướng như sống trong một giấc mộng vàng". Nhưng dần dần, chàng cảm thấy: "Cái thông minh, đảm đang của nàng chỉ đủ tính tiền chợ, hay biên sổ thợ giặt. Ái tình của nàng gồm ở câu: "chiều chồng lấy con". Những lúc Ba xem sách thấy câu văn hay, đọc cho vợ, nàng nghe tai nọ qua tai kia, quát con ở. Những buổi chiều mát mẻ, dạo trong cảnh vườn thơ mộng, chàng muốn hôn vợ, nàng vội đẩy chồng ra, kêu: "Rõ trẻ con!" và nhìn chung quanh như đứa trẻ có lỗi sợ người lớn bắt được".

Có người bạn mách cho Ba việc làm ở Sài Gòn, Ba cho là một lối thoát, muốn bàn với vợ, cũng không thể bàn được, vì nàng không muốn nghe.

Người vợ không thiếu nét quyến rũ: "Kim nằm nghiêng, quay ra ánh đèn. Đôi vú thẳng căng, phập phồng theo hơi thở. Nàng giở mình, mấp máy cặp môi thắm, nói câu gì trong giấc mộng." Sau một đêm ân ái nóng bỏng, Ba tưởng mình sẽ sống trở lại với vợ, nhưng không, dứt khoát không còn gì chung nhau cả. Bây giờ người ta gọi là "không đồng cảm", nhưng cách đây 80 năm, không ai đặt vấn đề, vì tình cảnh đó chưa phải là "vấn đề".

Cách viết của Đỗ Đức Thu thường như vậy, nên không phải ai cũng thích và cũng hiểu, tuy nhiên đó là lối viết hiện đại nhất thời bấy giờ, tương tự như tiểu thuyết Hạnh của Khái Hưng.

Nước, ba ông… in trên Ngày Nay số 30 (18-10-36), là một truyện ma không có ma, rất lạ, bởi vì thời bấy giờ người ta thường viết truyện ma theo lối Liêu trai chí dị, nghiã là ma hiện lên thành cô gái đẹp rồi quyến rũ chàng thư sinh, này, nọ. Bây giờ người ta sẽ gọi lối viết này là tiểu thuyết huyền ảo, ai cao hứng sẽ giải nghiã thêm Đỗ Đức Thu "chịu ảnh hưởng" của Marquez (1927-2014) hay Hậu hiện đại.

Quang làm việc cho sở vô tuyến điện trên đỉnh núi [lúc đó Đỗ Đức Thu làm Xếp trạm khí tượng Vinh]. Lên sở, chàng phải đi qua một ngôi mộ cạnh đường, gần ngay cửa sổ, bên phải phòng chàng làm việc; nghe đồn đó là mộ của một cô gái chết giữa lúc tuổi xuân.

Truyện chia làm ba hồi: hồi một, Quang, một người giàu tưởng tượng:

"Quang nhìn ngôi mộ, nghĩ đến người con gái, tưởng tượng là đẹp (…) Khi trời trong sáng, bóng nàng soi qua kẽ lá xuống đám cỏ non, chàng thấy người con gái vui vẻ nhanh nhẹn và tươi tắn như bông hoa nở bên trên. Những chiều êm dịu, người con gái thành thùy mị: cặp mắt mơ màng. Gặp hôm sương mù gió lạnh, trời đất thảm sầu thì Quang thấy người thiếu nữ ủ dột, âu sầu, hoặc tả tơi như cành thông bị gió đập. Rồi Quang thấy mình buồn".

Hồi hai: cuối tuần Quang về Hà Nội, quên hẳn người con gái và ngôi mộ. Trưa hôm ấy, chàng đi chơi bờ hồ với hai người bạn.

"Gió tắt hết, trời một màu bạc cũ, thêm vài đám mây sơ sác, xám ngắt. Vì không nắng, nên có một khí nóng oi ả, khó chịu. Quang thấy chân mỏi và óc rỗng không. Hai người bạn cũng không nói gì: cả ba như bận đếm những tiếng giày trên đường đá.

– Ba ông nước, nước ba ông, ba ông nước…"

Quang rùng mình như có sự kích thích đến thần kinh.

Những tiếng đó lanh lảnh và đều quá, không có chút sinh khí tựa như ở một cái máy, hay một cái thây ma phát ra. Quang liếc sang bên: trong một hàng kem, nửa mình một người con gái hiện lên phiá sau cái tủ, mặt gầy gò trắng bệch như hình nhân, thêm miệng và gò má đỏ chót như yêu tinh. Trong khi cặp môi mời ba chàng vào uống nước, thì mắt ngước lên trời, im và bóng như cặp mắt thuỷ tinh của hạng người nghiện nặng khi no thuốc. Giọng đó chưa rứt, thì lại có tiếng người khác nổi theo: "Ba ông nước, nước ba ông…"

Mấy tiếng này cũng theo một điệu, nhưng âu sầu, yếu ớt. Quang tưởng đến những con ma nói truyện với nhau trong nghiã điạ, một đêm trăng mờ. Chàng rùng mình một lần nữa, nhắm mắt bước nhanh."

Tất cả nghệ thuật của Đỗ Đức Thu tập trung trong đoạn này: ông tả một cảnh giữa trưa, ba người đàn ông đi chơi bờ hồ, qua một hàng kem, có tiếng mời "ba ông [xơi] nước", mà trở thành một màn ma quái rùng rợn. Mở đầu bằng ba chữ "gió tắt hết", đọc lên có âm hưởng như đèn tắt hết, biến ngày thành đêm, khiến ta có cảm tưởng như những chữ sau đó trời một màu bạc cũ, thêm vài đám mây xơ xác, xám ngắt tả cảnh đêm chứ không phải ngày. Ta bị lôi vào không khí ma quái, mặc dù không có gì ma quái cả. Rồi ba chữ Ba ông nước, nước ba ông, ba ông nước…" mời khách vào hàng uống nước, nổi lên như những câu thần chú, cùng với tiếng chân ba người đập trên nền đá, tạo ra thứ nhạc gập gồ làm cho người đọc phải rùng mình với Quang. Tiếp đến, Quang liếc vào tiệm kem nơi phát ra những âm thanh mời mọc, gặp ngay khuôn mặt gầy gò trắng bệch, miệng và gò má đỏ chót như yêu tinh, thì chắc chắn không những anh ta mà cả người đọc, đều chột dạ.

Hồi ba: Quang trở về làm việc.

Tất cả những cảm tưởng giữa ban ngày ban mặt trên bờ hồ sẽ sống lại trong giây phút Quang phải làm ca đêm, trời mưa, sấm chớp lóe lên ở chân trời…

"Những thân cây như to lớn thêm, cành cây như vươn dài ra để chắn lối đi. Qua chỗ ngôi mộ, tuy đường hẹp, chàng cũng tránh sát sang bên, dẫm cả lên bờ cỏ. Đi qua rồi, chàng không dám ngoảnh lại, và rảo bước như sợ người đuổi sau.

Tới buồng giấy, Quang bật vội mấy ngọn đèn điện, mở mạnh mấy cánh của chớp, rồi ngồi vào máy thu thanh. Những tiếng nhỏ chiêm chiếp như tiếng gà con lọt vào tai chàng. Bỗng Quang giật mình; tiếng trong máy hệt với tiếng chàng đã nghe thấy: "Nước ba ông…"

Gió càng to, mấy cánh cửa sổ càng lay mạnh, ngọn đèn điện trên đầu lắc lư như muốn rơi. Chớp càng rõ hơn, bắt đầu mấy tiếng sấm. Sợ một cơn rông [dông] sắp tới và sợ những tiếng sét, Quang tắt máy. Chàng lại đâm hoảng sợ mỗi lần chớp lòe chiếu ngôi mộ ngoài khung cửa, chàng lại rợn người, chân tóc rựng [dựng] ngược, mồ hôi nhấm ướt hai bên thái dương. Chàng đóng kín cửa sổ, nhưng trong trí vẫn thấy ngôi mả, rồi hình người đã chết hợp với người con gái bán nước ở bờ hồ, chàng thấy hai người hình nhân nhìn chàng bằng những con mắt không có sinh khí và nói giọng lanh mảnh: "Ba ông nước, nước ba ông…" (Ngày Nay số 30)

Nghệ thuật kinh dị của Đỗ Đỗ Thu khác hẳn những truyện kinh dị của Thế Lữ, thường dựa trên đầu lâu và thây ma. Đỗ Đức Thu không dùng những thứ ấy. Không khí kinh dị ở đây hoàn toàn do trí tưởng tượng của Quang dựng nên, nên nó rất thật, do đó Quang không thể gột rửa ngay được, vì nó đã ở trong đầu mình.

Nhà văn chỉ muốn báo động: mọi sự kinh dị, huyền bí, luôn luôn phát sinh tự con người, bằng một bút pháp cực kỳ huyền bí, kinh dị.

Một người ốm, (in trên Ngày Nay số 44), Đỗ Đức Thu thám hiểm tâm hồn người thiếu niên ham mê đọc sách, viết văn, ốm nặng, phải nằm mãi.

"Chàng thường im lặng nghe diều hâu rít hay tiếng cú ban đêm (…) Bừng mắt dậy, chàng thấy một tia nắng nằm trên đình màn. Chàng hơi ngạc nhiên vì lâu nay chưa được thấy. Tia nắng dần chếch xuống; chàng đoán mặt trời đương lên. Rồi ở kẽ vách, ở khe cửa, vô số những mũi tên vàng đâm thẳng vào buồng. Trong ánh sáng nhẩy nhót muôn nghìn vật nhỏ li ti; một tia chiếu ngay vào đầu giường, vẽ hình một đồng hào lớn. Chàng giơ tay nắm lấy, hình tròn nhẩy trên lưng bàn tay, như muốn đùa rỡn với chàng".

Chính những tia sáng huyền diệu này đã mê hoặc chàng, quyến rũ chàng, thúc đẩy chàng lấy hết sức bình sinh, đứng dậy, lần mò ra ngồi ngoài hiên "tắm nắng":

"Chàng bỏ áo ngoài cho da thịt tắm ánh nắng. Khi nóng ngấm vào chân tay, lan khắp người rồi lên cả trái tim. Những thớ thịt bị co quắp trong mấy hôm nở ra, máu chạy mạnh và đều. Chàng quên hẳn bệnh, tưởng như có thể vùng chạy ra ngoài, lăn lộn trên bãi cỏ với ánh nắng".

Đối với người con trai bệnh nặng, ánh sáng mặt trời trở nên cái gì huyền ảo như người con gái đẹp, như một nàng thơ, một thiên thần. Thần nắng quyến rũ chàng, kéo chàng ra "tắm nắng", may người mẹ đi tìm thày lang đã về, kịp thời dìu chàng vào phòng trở lại, lần này thầy thuốc cứu được, ông dặn kỹ lần sau không được liều lĩnh như thế nữa.

Nhưng chàng vẫn không chừa. Lần thứ hai, người mẹ vừa đi khỏi, thần nắng lại hiện đến rủ rê, chàng không cưỡng lại được. Lần này, thầy thuốc chỉ lắc đầu: "Khó lắm! Phải lại!"

Lúc thần chết mon men đến gần sát "chàng cố giơ tay ra ánh sáng; cánh tay không nhúc nhích. Chàng muốn thở một hơi thật mạnh, cho không khí tràn ngập cái ngực lép kẹp để hút lấy, để níu lấy sự sống ở quanh mình: đờm đưa lên ngẹn cổ."

Trong không khí vừa âm u bí mật, vừa trong sáng quyến rũ, mà ánh sáng là nàng tiên độc dược hiện ra như một thiên thần gieo mộng trong một giấc mơ chết người.

Cực kỳ thơ mộng và đớn đau. Văn phong trác luyện. Tác phẩm này chính là cuộc khám nghiệm tử thi cái chết, lạ lùng độc đáo, làm người đọc rung động, thương cảm đến rợn người.

clip_image006

Đám ma Lý Toét, Ngày Nay số 63

Đám ma Lý Toét (Ngày Nay số 63, 13-6-37) viết theo lối hiện thực xã hội.

Lý Toét ốm đã mấy tháng. Lang Băm một danh y trong vùng, đến thăm bệnh, gọi bà Lý ra thì thầm, bà Lý vội nhờ người đi đánh dây thép gọi cô Ba Vành, đang làm việc ở mỏ, về gấp. Thằng cả đi Tân Thế Giới đã lâu không có tin tức gì. Xã Xệ mấy hôm nay ở luôn bên nhà Lý Toét, vòi bà Lý mỗi ngày một chai rượu. Tuy chiều nào Băm cũng quả quyết là Toét không qua khỏi đêm nay, mà Toét vẫn sống nhăn răng đến hơn một tuần lễ. Trong làng, việc sửa soạn quần áo để đưa ma, ăn cỗ, vẫn tiến hành tốt.

"Nằm dúm trên giường, Lý Toét mở thao láo hai mắt nhìn lên đình màn. Người khô đét như con mắm, tuy đắp chăn mà đầu xương vẫn lẳn ra ngoài, mặt võ vàng, gồ má lồi ra, hai mắt sâu hoắm thành to thêm. Tóc hai bên thái dương lốm đốm bạc và rụng dần, búi tóc chỉ còn bằng củ hành to.

Đầu giường có vài chiếc bát không, cơ chừng bát uống thuốc, một điã mía tiện sẵn, toàn khẩu nạc, mấy quả cam, táo. Cô Ba Vành hết lòng săn sóc bố, nhưng nào bố có ăn được! Hai con mắt vẫn tỉnh lắm, rất tinh nhanh. Có lúc râu mép vểnh lên, mấp máy. Khi mệt yếu quá, Lý Toét rên khừ khừ, hay thở dài những tiếng thực mạnh, làm Xã Xệ giật mình chạy lại. Lý Toét nhìn Xã Xệ, dáng tức tối có lẽ vì Xã Xệ đang uống rượu gian bên."

Không thiếu một nhận xét sắc sảo nào: Lý Toét hấp hối vẫn nắm vững tình hình: canh chừng Xã Xệ lợi dụng tình cảnh mà nốc say hơn mình. Cô Ba Vành cho bố ăn toàn những thứ ngon mà không nhá được. Cô biết tỏng cam, táo, miá, chỉ bày ra làm cảnh, chứ ông già hết hơi còn ngốn được thứ gì nữa.

Trong nhà im lặng như nhà mồ. Đợi mãi rồi Lý Toét cũng chết. Sau đợt đưa ma, diễn ra vội vàng vì trời mưa và vì cả làng làm cho nhanh còn về ăn cỗ.

"Trước lúc đưa đám, bà Lý đã cẩn thận giao phó cho người nhà trông nom xôi, thịt, sửa soạn cơm rượu đãi làng. Vậy mà lúc về vẫn thấy mất mát, suy suyển. Đại khái năm miếng thịt bỏ vào luộc thì lúc vớt ra còn có bốn hay ba. Nhiều mâm xôi bị khoét giữa hay vẹt cạnh, một thúng gạo mang ra ao vo thì lúc về còn nửa".

Bữa cỗ mới là cái đinh mà mọi người chờ đợi; người lớn con nít, mâm trên, mâm dưới, đầy đủ không thiếu thứ gì.

"Mãi đến chiều mới tan. Ai nấy đều say mềm, có người loạng choạng, đi không vững. Hương Dần vịn vào vai xã Quýt. Vừa khỏi cổng, có lẽ vì thoáng gió, Dần nôn thốc nôn tháo cả những thức ăn. Hơi rượu sặc sụa, trẻ con xúm lại xem đông. Quýt vừa toan tránh bạn thì thụt ngay chân xuống rãnh nước, gói phần[16] tung xuống bùn. Dần cũng xuống theo… Nhiêu Mão đâm vào hàng rào, líu lưỡi lại mà vẫn ba hoa nhất định mình không say. Thỉnh thoảng gió đánh lật cái áo lương lên, bọn trẻ con thấy quần anh chàng ướt từ đũng xuống gấu."

Tất cả bộ mặt xôi thịt làng xã được vẽ lại qua vài nét vẽ phác mà sâu. Hài hước mà đớn đau. Đó là biệt tài của Đỗ Đức Thu, ông đã đạt được nghệ thuật cao diệu của sự mô tả: mỗi nét chấm phá của ông đều vạch ra ít nhất hai bức tranh chồng chéo: luôn luôn bi đi với hài.

clip_image008

Nhà bên kia của Đỗ Đức Thu, Ngày Nay số 210

Nhà bên kia (Ngày Nay số 210, 1-6-40), được cấu trúc như phim Rear window (Fenêtre sur cour hay Cửa sổ mở ra sân) của Alfred Hitchcock (1953). Phim Hitchcock thám thính một vụ án mạng, còn truyện Đỗ Đức Thu nhìn lén một cuộc ngoại tình, viết từ năm 1940, đủ tỏ tính chất "khai phá" của Đỗ Đức Thu, trong một "kiệt tác" về lối viết hiện thực xã hội. Đọc câu đầu là thấy ngay:

"Quý dùng thời giờ nhàn rỗi một cách kỳ khôi: uống cà phê, hút thuốc lá và nhìn sang nhà trước cửa". Tay Quý này rất nhàn rỗi (không biết tại sao), "anh chàng thường cầm một tờ báo, hay một quyển sách mà không bao giờ đọc", giơ lên để che giấu hành động nhìn trộm của mình. Nhà bên kia có ba người, hai vợ chồng và một đứa ở. Cặp vợ chồng như yêu nhau lắm: "có khi đang ăn họ cũng bỏ bát đũa, nô rỡn, vật nhau xuống cái đi văng gần đấy, cô vợ cười như có người cù".

Quý có cái thú thám tính từng cử chỉ của hai vợ chồng, nghe từng tiếng động, nhìn từng chi tiết trên đồ đạc trong ngôi nhà đối diện, bằng cách giả vờ đọc sách hay đọc báo.

Rồi Quý thấy cô ả có bồ. Nhân tình là người bạn của chồng. Quí thương hại anh chồng ngu muội, muốn báo cho hắn biết, nhưng không thể, bèn "suy luận", rồi lại thấy mình hoàn toàn đồng lõa với đôi tình nhân.

Hôm ấy: "Người chồng đi làm, con ở đi chợ, anh nhân tình đã lộn vào. Bên này Quí đã châm thuốc lá, ngồi canh cửa. Mười lăm phút sau, anh chồng dắt xe đạp về.

Hắn đi vội lắm, cái xe chệch choạc không thẳng đường. Quí đứng phắt dậy, như muốn ra ngăn lại. Không kịp, hắn đã đến trước cửa, vứt cái xe đạp vào tường, đến xoay mạnh nắm cửa. Một phút im lặng: Quí thấy mạch máu căng ra, và nghe tiếng trái tim mình đập. Bọn kia làm gì trong nhà? Chắc người đàn bà mắt lạc đi, nói không ra tiếng: "Thôi chết! nhà tôi về…"

Người chồng một tay quay quả nắm, một tay đấm mạnh vào cửa. Thằng khả ố, làm rầm rầm, không nể gì hàng xóm. Chừng không đợi được nữa. Hắn hích mạnh vai phá cửa vào trong nhà." (Ngày Nay số 210)

Tất cả xảy ra bằng hành động, mỗi câu ngắn là một chuyển động, nhanh và mạnh, không một lỗ hở. Rồi tên nhân tình ôm quần áo chạy kịp. Tay chồng phũ phàng đánh chửi vợ, bát điã vỡ liểng xiểng… Đàn bà, con nít rầm rầm đến xem. Mặt vợ tím bầm, sưng húp. Nhưng chỉ hai hôm sau, đâu lại vào đấy, nhà bên kia đã mua bát đĩa mới và hai nhân sự lại vật nhau trên phản.

Câu chuyện của gia đình bên kia con hẻm, biến thành câu chuyện hai bên: của Quý bên này với ba người bên kia. Sự nhìn trộm biến kẻ nhìn thành kẻ tác động, thành người trong cuộc. Tất cả những suy nghĩ và cử chỉ của Quý, trở thành cử chỉ của kẻ tham dự 100%.

Đỗ Đức Thu đã biến một truyện ngắn thành một vở kịch bi hài, pha trộn hành động và tư tưởng của người xem với người diễn. Như thể bạn đi xem một vở kịch, rồi bạn xông lên sân khấu ẩu đả với diễn viên, bênh bên nọ, đánh bên kia. Cô Bảy Nam có kể một truyện tương tự, khi diễn hay, khán giả phẫn nộ đứng lên xỉa xói, chửi bới tên hội đồng gian ác như tát nước.

Đó là nghệ thuật tài tình và rất lạ. Bởi vì, bình thường một vở kịch không "làm" thành một truyện ngắn được và ngược lại cũng vậy, nhưng ở đây, Đỗ Đức Thu đã phối hợp cả hai thể loại trong một tác phẩm.

Vì vậy, nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch của nhóm Tự Lực, có chỗ đứng riêng và cao hơn các tác giả khác cùng thời. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong kỳ tới.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr

[1] In trên Phong Hoá số 62 (1-9-1933.

[2] In trên Phong Hóa từ số 187 (15-5-36) đến số 189 (9-5-36).

[3] In trên Phong Hóa số 190 (5-6-36).

[4] In trên Ngày Nay số 17 (19-7-36).

[5] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam một thế kỷ qua, cuốn một, Nxb Thạch Ngữ, Hoa Kỳ, 2002, trang 87.

[6] Trần Khánh Triệu, Ba tôi, Văn số 22, Tưởng niệm Khái Hưng, 15-11-64, trang 20.

[7] Truyện ngắn in trên Ngày Nay: Mất vợ (Ngày Nay số 25, 3-9-36), Người cha (Ngày Nay số 34, 15-11-36), Tình thư (Ngày Nay số 41, 3-1-37), Chú tôi (Ngày Nay số 49, 7-3-37), Chị và em (Ngày Nay số 58, 9-5-37), Ra làng (Ngày Nay số 68, 18-7-37); Hội ghét đàn bà (Ngày Nay số 75, 5-9-37); Bên con đường sắt (Ngày Nay số 82, 24-10-37); Cười (Ngày Nay số 92, 2-1-38); Quê mẹ (Ngày Nay số 95, 23-1-38); Rosée, (Ngày Nay số 106, 17-4-38); Tình vay, (Ngày Nay số 113, 5-6-38); Hội chợ Huế (Ngày Nay số 114, 12-6-38); Chuyến xe cuối năm (Ngày Nay số xuân 149, 15-2-39); Quê bạn, (Ngày Nay số 163, 27-5-39).

[8] Tập Quê mẹ gồm những truyện: Quê mẹ, Bến nứa, Chú tôi, Chuyến xe cuối năm, Ra làng, Tình thư, Con ông Hoàng, Quê bạn, Một làng chết, Tình quê hương, Tình trong câu hát, Tôi đi học, Bên con đường sắt.

[9] Tập Chị và em gồm những truyện: Chị và em, Rosée, Tình vay, Người khách đêm, Lầm, Hội chợ Huế, Hội ghét đàn bà, Đùa, Người cha, in xong ngày 26-3-1944.

[10] Thanh Tịnh nhà báo: Phỏng vấn Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng (Ngày Nay số 115 (19-6-38), Phỏng vấn ông Thái Văn Toản, thượng thư bộ Lại (Ngày Nay số 128, 18-9-38), Hội chợ Lạc thiện (thông tin về Huế) (Ngày Nay số 142, 24-12-38); 100 lối chúc Tết Tết ở thâm cung (Dưới triều của Minh Mệnh) (Ngày Nay số xuân 149, 15-2-39); Tế Nam Giao (Ngày Nay số 158, 22-4-39); 23 tháng Năm, ngày thất thủ kinh thành Huế (Ngày Nay số 171, 22-7-39); Truyện kỳ thú trong những cuộc Tây du xưa và nay của Nam triều (Ngày Nay số 174, 12-8-39).

[11] Những bài chót của Thanh Tịnh: Ngày Nay ở khắp nơi, tin Huế (Ngày Nay số 178, 9-9-39); Ngày Nay ở khắp nơi, tin Huế ký Thinh Không (Ngày Nay số 181, 30-9-39); Tết Annam, Lễ Tết ở Hoàng Cung, Những chuyện nhỏ lịch sử về Tết, Bùa ngày Tết, và Con chó, kịch vui (Ngày Nay số 198, xuân 1940, 3-2-40); Lễ Phật ở Huế (Ngày Nay số 210, 1-6-40); Nhận xét nhỏ (tuỳ bút): Một chuyến tàu (Ngày Nay số 220, 10-8-40); Chiều (thơ), và Muôn bến (thơ) (Ngày Nay số 221, 17-8-40); Nhận xét nhỏ: Cầu (Ngày Nay số 223, 31-8-40). Nhận xét nhỏ: Con đường (Ngày Nay số 224, 7-9-40).

[12] trặng (nguyên văn).

[13] Trích trong bài Nhà thơ Thanh Tịnh, người bộ hành cô đơn của Lưu Khánh Thơ, in trên báo mạng Công An Nhân Dân, ngày 28-2-2010.

[14] Ba, từ Ngày Nay số 16 (12-7-36) đến số 18 (26-7-36) Nước, ba ông… (Ngày Nay số 30, 18-10-36); Một người ốm (Ngày Nay số 44, 24-1-37) Đám ma Lý Toét (Ngày Nay số 63, 13-6-37), Ý nghiã của đời người (Ngày Nay số 74, 29-8-37:) Nỗi buồn của cô Lê (Ngày Nay số 93, 9-1-38) Gác cho thuê (Ngày Nay số 196, 13-1-40); Đi chơi Tết (Ngày Nay số 198, xuân 1940, 3-2-40), Nhà bên kia (Ngày Nay số 210, 1-6-40) ; Anh Thùy (Ngày Nay số 219, 3-8-40).

[15] Từ Ngày Nay số 16 (12-7-36) đến Ngày Nay số 18 (26-7-36).

[16] Người đi ăn cỗ được mỗi người một gói phần đem về.

Comments are closed.