Từ Rimbaud tới Hàn Mặc Tử

Lê Công Tư

Ngồi một mình ở một nơi nào đó, lặng lẽ viết ra những bài thơ với sống một cuộc sống như thơ là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau. Tôi có biết một nhà thơ khá nổi tiếng và cũng khá nhàn rỗi ở Đà Lạt. Anh dành gần hết thời gian để xem phim nhiều tập. Rồi có dạo, dành cả năm trời chỉ để làm đơn thưa kiện đất đai với một đứa em gái. Nhờ quen biết nhiều, xã giao rộng, anh đẩy cô em gái vào thế cô. Cuối cùng thắng kiện, anh được miếng đất. Tất cả vừa đủ để tôi nản lòng. Anh có thiếu thốn gì đâu nếu không muốn nói ngược lại là rất giàu có. Và phải chi anh đừng có làm thơ, làm thẩn gì cả thì hay biết bao. Cứ mỗi lúc gặp phải những chuyện như thế này là mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương lại hiện ra trong đầu:

Ta van cát bụi bên đường.

Dù dơ dù sạch đừng vương gót này.

Để ta tròn một kiếp say

Để ta còn một cánh tay níu trời

clip_image002

Cuộc sống của anh dễ khiến tôi nhớ đến Arthur Rimbaud ở chiều ngược lại. Làm thơ như Rimbaud đã thuộc loại xưa nay hiếm. Rồi sống một cuộc đời thơ như Rimbaud, có lẽ chỉ có một trong suốt chiều dài lịch sử thi ca nhân loại. Đó là một mẫu thi sĩ mà cả cuộc sống lẫn thi ca là một sự cào bới đến tận cùng. Với thi ca, đó là những nỗ lực cùng cạn muốn nhìn ra tính thể của nó. Còn với sự sống, đó là nỗ lực muốn tát cạn mọi thứ để ý nghĩa của nó càng bày ra nhiều chừng nào càng tốt chừng đó.

Trong một lá thư gởi cho người thầy là Georges Izambard, Rimbaud viết: “Cuộc nghiên cứu đầu tiên của con người muốn mình là nhà thơ là hiểu biết chính mình, trọn vẹn, hắn tìm kiếm linh hồn mình, tra xét nó, thử thách nó, học hỏi nó”.

Trong một lá thư khác cũng gởi cho vị thầy này, có câu: “Em muốn là nhà thơ, và em đang làm việc để biến mình thành người thấu thị, đó là đạt tới cái chưa biết bằng sự rối loạn của mọi giác quan”.

Hai ý tưởng được trích dẫn bên trên, có thể được coi như là những khai ngữ, đồng thời cũng là những kết từ cho cả sự nghiệp thi ca cùng cuộc đời của Athur Rimbaud, một thi sĩ Pháp, một nhà thơ mà Paul Valéry cho là “một nhà thơ táo bạo nhất của không riêng một thời đại”, còn Paul Claudel thì cho rằng “Rimbaud là một thi sĩ thần bí còn ở trong trạng thái man rợ”.

Có thể nói trong suốt chiều dài của thi ca nhân loại, khó một nhà thơ nào đã để lại những dấu ấn khó quên cho bằng Rimbaud cho dù đây là một nhà thơ nói lời từ giã thi ca rất sớm. Cuộc đời lẫn sự nghiệp của Rimbaud trông khá giống một mỏ khí đốt, càng khai thác, càng thấy lửa cháy âm ỉ ở bên trong. Với 37 năm đi tới, đi lui, đi ngang đi dọc, gần như cả cuộc đời của Rimbaud là ở trên những mặt đường, đâu đó dưới những chân trời lạ. Đi và sống như một nhà thơ, một tay du thủ du thực với một cái dạ dày xẹp lép: “Trong suốt sáu tháng nay, kẻ khốn cùng này không hề có lấy một xu dính túi” (thư của Rimbaud gởi Izambard). Trong một bài thơ có tựa đề là Đói, có những câu như vầy:

Tôi có thích điều chi

Cũng chỉ là đất đá

Tôi luôn lót dạ bằng

Không khí, sắt, đá, và than

Con người này sinh ra đời như thể chỉ để ăn mọi thứ bằng mắt chứ không phải bằng bụng. Cái nỗ lực muốn nhét hết đất trời, sa mạc, ghềnh đá, biển xanh, bụi bặm, rác rưởi dặm trường, bãi hoang cồn cát, phố chợ, hè phố, những khuôn mặt lạ, vào cái đầu của mình. Một trong những ám ảnh lớn nhất của Rimbaud là ước muốn được lặn sâu vào tâm hồn mình để có thể đụng đến đáy những vực sâu nhất có thể đụng đến, và trải cuộc sống của mình ở những nơi chốn xa lạ nhất có thể tìm đến. Với Rimbaud, làm thơ là cái cách để ôm choàng lấy cuộc đời, thủ đắc nó trong khả năng có thể, chứ không bao giờ là một hình thức đào thoát ra khỏi thực tại như đa phần những nhà thơ đều vướng phải. Trong một lá thư gởi Izambard có một đoạn: “Em trông mong những cuộc tắm nắng, những cuộc dạo chơi bất tận, sự nghỉ ngơi, những chuyến đi, nhũng cuộc phiêu lưu, những cuốn sách, những cảnh đời phiêu lãng”.

Hãy giả định là chúng ta phải chọn lựa giữa làm thơ và sống. Có lẽ đa phần nhân loại chọn sống thay vì làm thơ, bởi đơn giản con người sinh ra đời là để sống. Và nếu chọn lựa phải làm thơ như một thi sĩ và sống như một thi nhân, sống như một bài thơ, những giấc mơ cùng mộng ước đã từng được vẽ trên những trang thơ. Chắc chắn là mọi người đều ao ước cuộc sống của mình đẹp tựa một vần thơ. Thi sĩ Phạm Hữu Quang có hai câu thơ:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!

Ngoại trừ cái nét đáng yêu của thành thật, hai câu thơ trên cho ta hình dung ra được cái hình ảnh trọn vẹn thế nào là một thi sĩ, khác hẳn với một thi nhân Rimbaud:

Tiến lên! Đi, gánh nặng, sa mạc, chán chường và cuồng nộ

Sự khác nhau cơ bản nhất giữa một thi sĩ với một thi nhân, là sự khác nhau giữa Cái Như Tưởng với Cái Như Thực. Với thi nhân đó là những kinh nghiệm thực chứng, còn với thi sĩ đó mới chỉ là những hoa trái vẫn còn đang ủ trong một giấc mộng nào đó. Chúng ta đang sống giữa một thời đại mà cả những vần thơ cùng chủ nhân của chúng chỉ còn là con đẻ của sự bình yên. Một sự bình yên đáng thất vọng.

Và cũng không khó lắm để có thể nhận ra sự gắn bó thiết thân của nhà thơ với sa mạc cùng buồn chán. Thử đọc lại một đoạn thơ của Rimbaud gởi cho mẹ: “Mẹ không thể tưởng tượng được nơi này đâu, không một ngọn cây, dù là ngọn cây khô héo, không một tất đất. Aden là miệng của một ngọn núi lửa đã tắt, cát biển lấp đầy. Khắp nơi người ta chỉ thấy phún xuất thạch và cát, không một cọng cỏ, nhìn quanh chỉ toàn là sa mạc. Những ngọn núi lửa đã tắt, chắn gió thổi vào, con người như thể bị quay chín trong lò hầm”.

Chúng ta vẫn còn có cơ may để hiểu về cái lò thiêu này khi đọc lại một câu thơ của Rimbaud viết về một cõi quê nhà, cái nơi mà Rimbaud đã chạy trốn: “Một tỉnh lẻ buồn thiu, không một cuốn sách, không một quán rượu, không một tai nạn ngoài đường”. Rời khỏi quê nhà, trao thân cho một mùa địa ngục, Rimbaud muốn gì? Rõ ràng là chàng chỉ muốn ngốn cho hết bữa tiệc trần gian, bất kể nó ngon, dở thế nào. Rời bỏ thi ca, vào cuộc làm ăn mua bán chán ngắt với ngà voi, hương liệu, súng đạn, ám ảnh triền miên về lợi lộc: “Tôi mệt mỏi quá sức rồi, tôi sợ mất đi chút ít ỏi mà mình có. Hãy hình dung tôi liên tục mang trong dây nịt của mình mười sáu ngàn cùng mấy trăm frăng tiền vàng. Chúng nặng khoảng 8kg, chúng khiến tôi phải bị kiết lỵ”. Chẳng phải vô cớ, khi luận bàn về cuộc đời cùng sự nghiệp của Rimbaud. Phạm Công Thiện trong Ý thức mới của văn nghệ và triết học, viết: “Rimbaud sống trên cõi đời này chỉ có 37 năm thì bằng thiên hạ sống 370 năm (1854-1891)”. Trong những tác phẩm nghiên cứu về Rimbaud mà kẻ viết bài này được đọc qua, có thể xem cuốn Thời của những kẻ giết người (The Time of Assassins) của Henry Miller, một văn hào người Mỹ, là một thiên tuyệt bút viết và nghiên cứu về Rimbaud, trong đó có đoạn: “Thi sĩ có ích lợi gì trừ phi hắn đạt tới một viễn tượng về cuộc đời, trừ khi hắn sẵn sàng hy sinh cuộc đời để chứng minh chân lý cùng vẻ rực rỡ của những thị kiến mà hắn từng tin tưởng”.

Người mù thấy bằng gì? Sự thiếu hụt đôi mắt đã khiến cho những người mù thấy được những con đường bằng đôi chân, hình dạng bằng đôi tay, thấy những đóa hoa từ những mùi hương, họ thấy cái thế giới này qua trí tưởng tượng. Rimbaud thì không bị mù. Chàng chỉ xáo trộn cái thấy của mình để trở thành một nhà Thơ Thấu Thị, để đi tới những cõi miền Chưa Từng Biết:

Có khi tôi nhận ra trong bầu trời những bãi biển vô tận với những đoàn người trinh trắng vui tươi. Một con tàu lớn lấp lánh vàng ở phía trên tôi đang phe phẩy những lá cờ sặc sỡ của nó trong những làn gió nhẹ buổi sớm mai. Tôi đã tạo ra tất cả mọi lễ hội, tất cả những chiến thắng, tất cả mọi bi kịch. Tôi đã thử phát minh ra những loài hoa mới, những tinh cầu mới, những da thịt mới, những ngôn ngữ mới”.

Tôi không ngần ngại trông thấy một đền thờ nơi nhà máy, một trường dạy đánh trống do thiên thần dựng lên, những cỗ xe ngựa trên các nẻo đường trời, một phòng khách dưới đáy một cái hồ… Và cuối cùng tôi nhận ra rằng sự xáo trộn trong tinh thần tôi là một điều thiêng liêng”.

Chúng ta đang sống giữa một thời đại mà cuộc cơm áo đã khiến nhân loại mệt nhoài, chẳng còn ai thiết đến thơ thẩn gì nữa. Thơ chỉ còn là một sân chơi của từng nhóm nhỏ, tự khen, tự chê, tự rung đùi với nhau. Được thôi. Không sao cả. Thời đại nào cũng có những khúc quanh, những biến thể. Nhưng không phải vì vậy mà thơ rời bỏ chúng ta. Nó tự khuất mình sau lưng những bầu trời và chờ đợi, kiên nhẫn ngang bằng với sự tồn tại của đất trời bởi đơn giản một điều: đó là thơ!

clip_image003Bao giờ thì chúng ta đi qua bên kia những bãi cát sỏi, và những ngọn núi, chào đón sự ra đời của cần lao mới, khôn ngoan mới, sự trốn chạy của những tên bạo chúa, loài quỷ dữ, sự cáo chung của lòng mê tín để được là người đầu tiên ngưỡng vọng lễ Giáng sinh trên mặt đất?

Nếu cuộc đời 37 năm của Rimbaud có thể đúc lại vào vài từ ngắn gọn, thì chỉ có thể là “buồn bã, sa mạc chán chường, cuồng nộ”. Nỗi buồn chán của một kẻ muốn tọng hết đất trời vào bụng, muốn ăn hết cây trái trần gian, gặm nhấm những sa mạc, gió núi ven trời, đã đi nhiều đến độ phải cưa cả đầu gối và đã chết với cuộc đời ứ máu. Tựa như một con trai ôm ấp vết thương của mình như thế nào cho đến lúc nó sáng ngời châu ngọc, Hàn Mặc Tử đã biến những đau thương của mình thành thơ. Có thể nói toàn thể ý nghĩa cuộc sống Hàn Mặc Tử có được đều được tựu thành từ những cơn đau cùng mật đắng này. Và ngay cả những lúc trầm thân trong Máu cuồng và hồn điên, rời rã trong Đau thương thì thơ Hàn Mặc Tử vẫn đầy trăng, sao, mây, khói, cỏ hoa, vẫn phóng dật, tiêu dao như một cánh chim trời:

Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng

Vỗ cánh bay chín từng trời cao ngất

Hãy cảm ơn thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã uống mật đắng cay khi trong miệng vẫn tươi cười, sốt sắng… Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió. Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao. Thi nhân sẽ vừa say sưa vừa điên cuồng ọc ra từng búng thơ sáng láng phương phi như một mùa xuân như ý” (Tựa Xuân như ý).

Máu đã khô rồi thơ cũng khô” (thơ Hàn Mặc Tử). Căn bệnh trầm kha cũng được thăng hoa như một lời tạ ơn, đẹp lạ thường:

Cho tôi dâng lời cảm ta phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ

Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí

Và trong tay nắm một nạm hào quang…

 

Nếu phải đổi một ngày đau khổ của tôi lấy ba năm tiên cảnh tôi không đổi”, khi nói như vậy chắc Hàn Mặc Tử cũng đã linh cảm rằng cảnh giới trên tiên ghé chơi một chút cho biết thì được, còn rút gì ở đó ra để làm một bài thơ thì chắc là không. Câu nói trên của Hàn Mặc Tử rất dễ khiến ta nhớ đến một ý tưởng của Kahlil Gibran trong Uyên uơng gãy cánh: “Tôi không muốn lành những vết thương này vì đây là vết thương của một thiên thần”.

Để có được một cái nhìn toàn thể về một ai đó là chuyện gần như không thể. Trừ phi là áp đặt, võ đoán. Dựa vào một vài yếu tố lớn dự phần làm nên định mệnh của người này để đi tới một cái nhìn toàn diện cũng là một điều khập khiễng. Lấy đau khổ, buồn chán của một ai đó để xác định cái ý nghĩa làm nên cuộc sống của những con người này xem ra cũng ngớ ngẩn, vớ vẩn như là lấy một chuỗi hạnh phúc của họ rồi cho rằng đó là ý nghĩa.

Tuy nhiên có một điều tôi tin chắc là những gì làm nên bóng dáng một thiên tài đều có sự dự phần của đau khổ, mà Rimbaud với Hàn Mặc Tử là hai trường hợp điển hình nhất trong lãnh vực thi ca. Những món quà mà họ đã tặng nhân loại đều thoát thai từ những hạt máu bầm sau một lần chơi trò sanh tử. Những gì có thể vỗ cánh bay lên được, chúng đều bay lên từ những cơn đau đã được tắm gội từ một mùa địa ngục, và cái điều đáng quý nhất là cả hai đều sống như một thi nhân thay vì chỉ làm thơ như một thi sĩ.

Đà Lạt, 20 -2 -2016

Tư liệu tham khảo

Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, An Tiêm, Sài Gòn, 1965.

Henry Miller, Thời của những kẻ giết người, bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu, Hồng Hà ấn hành, Sài Gòn, 1971.

Arthur Rimbaud, Một mùa địa ngục, bản dịch của Huỳnh Phan Anh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997.

Rimbaud Toàn tập, bản dịch của Huỳnh Phan Anh, Văn hoá Sài Gòn, 2006.

Comments are closed.