Phạm Hiền Mây
I. TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
Tống biệt hành là một bài thơ nằm trong tập thơ Giấc mơ Trường Sơn của ngài Tuệ Sỹ.
TỐNG BIỆT HÀNH
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh.
II. TỪ TỐNG BIỆT HÀNH CỦA THÂM TÂM ĐẾN TỐNG BIỆT HÀNH CỦA TUỆ SỸ
Nếu như, Tống biệt hành của Thâm Tâm, là một bài thơ viết về cuộc tiễn biệt với thể hành, một thể thơ cổ phong của Trung Hoa thì Tống Biệt Hành của Tuệ Sỹ, cũng hệt vậy, cũng viết về một cuộc chia biệt với thể hành, một thể thơ đòi hỏi người viết phải có một tâm hồn tự do và phóng khoáng.
Nếu như, Tống biệt hành của Thâm Tâm, cứ khiến người đời sau, tranh cãi nhau mãi về chuyện, có mấy nhân vật ở trong bài thơ, thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ, chỉ duy nhứt xuất hiện trong thơ, người viết bài, tác giả, đồng thời là một vị hành giả cô đơn, cô đơn ngay trên chính đất nước của mình, cô đơn ngay trên chính quê hương của mình, mặc dù, nơi đây, ông đã nguyện dành hết cuộc đời mình yêu thương và hy sinh tận tụy.
Nếu như, nói đến Tống biệt hành của Thâm Tâm, người ta chỉ cần nhớ hai câu thơ mở đầu bài thơ: đưa người, ta không đưa qua sông / sao có tiếng sóng ở trong lòng, là đủ; thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ cũng thế, các bạn cũng chỉ cần nhớ hai câu thơ mở đầu bài thơ: một bước đường thôi nhưng núi cao / trời ơi mây trắng đọng phương nào, là đủ.
Nếu như Tống biệt hành của Thâm Tâm là một nỗi buồn lớn lao, từ sóng sông, từ gió sông, từ chính bởi lòng người đang bời bời rối ren cơn dạ thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ, cũng hệt thế, là một nỗi buồn lớn lao từ bước đường dằng dặc trải dài phía trước, nơi không biết, ngày mai, sẽ dẫn ông về đâu; là nỗi buồn từ mây trời, chẳng biết đến từ phương nào, mà bây giờ, đã quá chừng chừng tụ nơi bến đỗ; từ con nước dửng dưng buông trôi về chân trời vô định, dửng dưng như lòng người trong một sớm đổi thay, thay hết cả ân tình xưa bằng dòng lạnh lùng, xa vắng:
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
Nếu như Tống biệt hành của Thâm Tâm đã sử dụng màu chiều, màu hoàng hôn, màu buồn nhứt trong một ngày làm nền cho bài thơ, không tiễn không đưa, chỉ cần đứng ở bến sông thôi, một mình, với gió hắt hiu, với ngàn lá rụng, với mênh mông dòng sông, với xôn xao sóng dậy, với lạnh lẽo chiều buông, cũng đã chừng như nghe hết nỗi tê tái của trời chiều; thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ, khác chi, nền của bài thơ chính là màu tơ trời quyện lẫn với sương, màu của trùng khơi biển cả dặm dài, màu của đỏ ối bình minh nghẹn ngào, khi cuộc đi, cuộc hội ngộ chưa thành mà đã phải ngàn phương tiễn biệt:
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
Nếu như Tống biệt hành của Thâm Tâm mang hơi hướm bi hùng của một chiều tiễn biệt xưa, khi Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha qua sông Dịch sang Tần để hành thích vua Tần, mười phần đi là đủ mười phần thọ nạn, làm sao mà không buồn, làm sao mà không sầu, làm sao mà không dùng dằng chân bước; thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ cũng bi hùng hệt vậy, những nỗi thương đau diễn ra trong mùa hè oan nghiệt, những bóng ma lồ lộ giữa ban ngày, đợi đến tàn thu ư, chỉ mộng trắng dải ngân hà, trời không ngưng gió, thì có đến mấy nghìn sau, hết thảy, chỉ nhạt nhòa màu sương ố:
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa
Nếu như Tống biệt hành của Thâm Tâm, là một bài thơ, với hơi thơ cổ kính, với giọng thơ ly biệt xốn xang mà vẫn lưu được cái khoáng đạt của hải hồ và lòng trai chí lớn, biết bỏ sang, biết tạm gác lại một bên, chuyện gia đình và tình cảm riêng tư; thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ, là một bài thơ, với hơi thơ trầm mặc, với giọng thơ buồn đau mà vẫn lưu được vẻ hiền hòa, từ bi của một vị hành giả, lấy đất trời làm nơi tạm dung, lấy đức tin làm chốn nương vào để đi trọn vẹn con đường mà vị khách lữ hành đã chọn lựa:
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh.
III. THƠ TUỆ SỸ TRÙM LẤP HẾT CHÂN TRỜI MỚI CŨ ĐƯỜNG THI TRUNG HOA TỚI SIÊU THỰC TÂY PHƯƠNG
Nếu Tống biệt hành của Thâm Tâm là một áng thi tuyệt đẹp bởi nét bi tráng của cuộc tiễn biệt người đi, không mong ngày trở lại, của, không chỉ Thâm Tâm, mà còn của cả dòng văn học trước một ngàn chín trăm bốn mươi lăm; thì Tống biệt hành của Tuệ Sỹ là khúc bi tráng ca của một hành giả, sinh ra trong một thời kỳ đằng đẵng của đất nước loạn ly, quãng đời tu hành của ông không mấy ấm êm dưới mái chùa yên bình, ngày chuông đêm mõ, quãng đời ấy, đầy những bất trắc, đầy những khổ đau như những bất trắc, khổ đau mà quê hương ông, xứ sở ông, phải chịu, bất trắc nhưng vẫn thương yêu, như mẹ thương yêu con, khổ đau nhưng vẫn nở nụ cười, hiền lành, đằm thắm và bao dung, vì hiểu được, đó chính là nghiệp xưa, nay cần phải trả.
Nếu nhà văn Vũ Bằng gọi Thâm Tâm là nhà phù thủy hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt; thì triết gia Phạm Công Thiện lại gọi Tuệ Sỹ là người “thuộc nằm lòng cả thế giới Tống Đường”, là người của “thế giới thơ mộng lặng lẽ”, không có chủ thể, không có tánh cách, không đậm nét cá nhân.[1]
Còn với Bùi Giáng, Tuệ Sỹ vừa là bạn, lại vừa là một bậc đáng kính đáng nể, hiếm có, trong cuộc đời ngông cuồng và hài hước hóa mọi chuyện của ông. Bùi Giáng ngợi ca Tuệ Sỹ rằng, đó là một nguồn thơ Việt phi phàm, rằng, chỉ vài câu thơ của Tuệ Sỹ thôi, cũng làm ta khiếp vía, mất ăn mất ngủ, rằng, chỉ vài câu thôi, cũng khiến ta lạnh buốt tâm hồn, tê cóng cả ruột gan.
Rằng, Bùi Giáng từng đề nghị: “Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi và làm thơ tiếp nhiều cho nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn”.
Rằng, trang trọng mà dị thường, Tuệ Sỹ nói rất ít mà nói rất nhiều, Tuệ Sỹ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết, Tuệ Sỹ nói cho riêng ông mà như nói hết cho mọi người, Tuệ Sỹ nói cho mọi người mà cơ hồ, chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe.
Rồi, Bùi Giáng kết thúc ngon ơ, kiểu như, chịu thì chịu, mà không chịu thì cũng chẳng làm gì được nhau, bởi Giáng này đã nói thế, rằng: “Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương”.[2]
IV. NIÊM HOA VI TIẾU
Tôi, thì vẫn vậy, dẫu có chu du bốn bể, dẫu có đông tây từng qua, thì tôi vẫn ưng những gì thuộc về cổ điển, nên trong mắt tôi, ngài Tuệ Sỹ, mãi mãi là một học giả, một thiền sư, một nhà tu hành Phật giáo Việt Nam trong sạch, kiên định và lỗi lạc; trong mắt tôi, ngài Tuệ Sỹ, mãi mãi là một thi sĩ, một dịch giả, thông minh, tài hoa và uyên bác.
Không dưng, tôi mường tượng ra dáng vóc ngài, gầy gò, bé nhỏ, nhưng chứa đựng bên trong là một trí tuệ vượt tầm, một tâm hồn lớn lao, núi dài, sông rộng.
Bất giác, tôi mường tượng ra nụ cười ngài, nụ cười niêm hoa vi tiếu!
Sài Gòn, 03.11.2024
[1] Nguyên Tánh Phạm Công Thiện, Một buổi sáng đọc thơ Tuệ Sỹ. “[…] với Tuệ Sỹ, đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt; còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó”.