Văn học Chăm nhìn lại con đường phát triển

Jaya Bahasa

 

1-Ngaytho-14-2-2014.8

* Hành trình 20 năm thơ người Cham tại Ngày thơ Việt Nam – TPHCM.

 

Trong lịch sử người Chăm sớm tiếp xúc với các nền văn hoá lớn như Trung Hoa, Ấn Độ, Việt Nam và các quốc gia hải đảo trong khu vực Đông Nam Á. Chính nhờ sự giao lưu đó, kết hợp với yếu bản địa hình thành nên văn hoá Chăm độc đáo và đa dạng. Đỉnh cao của quá trình kết tinh văn hoá là những công trình nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo đền tháp, những lễ hội Yuer Yang, Katé, Palao Sah và hệ thống lệ tục Rija. Đặc biệt, ngôn ngữ Chăm không ngừng phát triển đóng vai trò như bà đỡ đẻ cho văn học thức giấc, bước đi. Hơn 17 thế kỷ tồn tại với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, văn học Chăm đã để lại cho hậu thế nhiều sáng tác folkore có giá trị. Song song đó, là những sáng tác văn xuôi phản ánh những biến cố và chuyển động của xã hội trong thời kỳ hội nhập vào văn chương khu vực và quốc tế.

Tiếp xúc với văn học Ấn Độ, người Chăm lưu truyền tác phẩm Pram Dit Pram Lak. Theo tác giả Sakaya, Akayét Pram Dit Pram Lak là một câu truyện ngắn có độ dài khoảng dưới 100 câu bằng văn xuôi, nội dung cốt truyện đơn giản, nhân vật trong cốt truyện không phải là nhân vật anh hùng không đại diện cho nhân dân, không liên quan gì đến việc thống nhất cộng đồng mà chỉ đơn giản đơn thuần là đua tài giành được công chúa giữa hai chàng trai. Mặc dù truyện này có nội dung và tên một vài nhân vật có ảnh hưởng từ nguồn gốc sử thi Ramayana Ấn Độ. Truyện Pram Dit Pram Lak được ghi trong văn học sử Việt Nam là truyện Dạ Thoa Vương của Chiêm Thành.

Tiếp nhận dòng văn học Mã Lai từ sau thế kỷ XV, người Chăm có tác phẩm kinh điển như Akayét Dewa Mâno, Akayét Inra Patra, Akayét Um Mârup. Trong nội dung của các akayét, yếu tố Islam giáo xuất hiện tạo sự xung đột lớn trong giới cầm quyền của triều đình Champa. Đó là chưa kể đến những áng văn chương lịch sử ghi lại những biến cố xã hội ở những khoảng khắc giao thời, chiến tranh và tình trạng li tán, di dân hỗn loạn.

Thời kỳ Pháp thuộc, người Chăm lưu trú co cụm thành từng palei ở Panduranga và hoàn toàn xa lạ với thế giới bên ngoài. Tác phẩm Ariya Po Pareng đã ghi chép lại cuộc hành trình của nhóm một người Chăm đi dọc khắp Việt Nam theo chân một quan lại người Pháp để tìm hiểu về các phế tích đền tháp Champa.

Thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, người Chăm tiếp xúc với binh lính Nhật Bản. Những thông tin thú vị ghi chép về sự hiện diện của người Nhật tại các làng Chăm và Raglai được phản ánh rất cụ thể và sinh động trong tác phẩm Ariya Nyat Mbong.

Nối bước, truyền thống say me văn chương, dòng sáng tác hiện đại sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt làm cơ sở chuyển tải tâm hồn và tư tưởng Chăm. Mở đầu cho bước đi tiên phong là sáng tác văn, thơ của học sinh Trường Trung học Pô Klong, Nội san Panrang, Đặc san Ước Vọng, v.v. Điểm qua những nét sơ lược đủ thấy rằng, dòng chảy của văn hoá và văn học Chăm như mạch ngầm cứ tuôn trào liên tục trong mọi giai đoạn lịch sử phát triển của tộc người Chăm.

Nhóm tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp với công trình Văn hoá Chăm (1992), gồm có 392 trang chia làm 4 chương. Từ trang 322-335 có viết về văn học Chăm như truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích thế sự, truyền thuyết lịch sử, truyện ngụ ngôn, tục ngữ, cao dao được giới thiệu một cách sơ lược có tính chất gởi mở vấn đề cho những nghiên cứu về sau.

Tuy nhiên, để đánh dấu một cột mốc quan trọng trong bước tiến văn học Chăm phải kể đến sự ra đời của công trình khảo cứu văn học toàn diện mang tên Văn học Chăm I – Khái luận của tác giả Inrasara được công bố vào năm 1994. Tác phẩm này, gồm có 395 trang được phân ra làm 2 phần chia thành 4 chương. Trong phần 1, tác giả đã đưa ra những nhận định, quan điểm, đặc điểm văn học và lịch sử nghiên cứu văn học Chăm. Bởi rằng, trước đó chưa có một công trình nào đưa vấn đề này ra phân tích mang tính hệ thống. Và nhìn nhận, đánh giá văn học Chăm một cách cụ thể, chi tiết và toàn diện. Tác giả đã bước vào khu rừng nguyên sinh rậm rạp để rồi tự xây dựng tư liệu, phương pháp tiếp cận vấn đề và phân chia các thể loại văn học. Nếu như trong chương 1 tác giả chỉ trình bày về thuận lợi và khó khăn trong quá trình nghiên cứu hay chỉ phân tích những khía cạnh độc đáo, đặc thù riêng của văn học Chăm. Thì, từ chương 2, chương 3 tác giả đi sâu vào phân tích văn học dân gian và văn học viết một cách cụ thể.

Trong văn học dân gian, tác giả đưa ra quan niệm về các thể loại văn học như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, tục ngữ, thành ngữ, câu đố, ca dao và đồng dao. Như vậy, kho tàng của nền văn học Chăm cũng khá đa dạng, có đủ loại hình văn học như nền văn học của các quốc gia ở phương đông.

Trong văn học viết, tác giả đã phân tích và phân loại từng tác phẩm tương ứng với nội dung và hoàn cảnh ra đời. Đây là một việc làm rất ý nghĩa và mang tính khoa học cao. Lần đầu tiên, những văn bản chép tay của người Chăm được tập hợp lại, chuyển tự và dịch sang tiếng Việt. Qua đó, chúng ta thấy được bước tiến của văn học Chăm tịnh tiến cùng với dòng thác lịch sử ghi lại những biến cố, sự kiện, dư luận và thân phận của con người trong xã hội đó. Các sử thi Akayét Dewa Mâno, Akayét Inra Patra, Akayét Um Mârup, Akayét Pram Dit Pram Lak, các Ariya Bini-Cam, Ariya Cam-Bini, Ariya Sah Pakei, Ariya Mâyut, Ariya Nasak Asaih, Ariya Po Thien, Ariya Po Pareng và Muk Thruh Palei .v.v. được mang ra phân tích ở khía cạnh văn học để làm sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Ngay sau Văn học Chăm I – Khái luận, Inrasara cho xuất bản Văn học Chăm II – Trường caTục ngữ – Thành ngữ – Câu đố trong cùng năm 1995. Trong hai tác phẩm này, tác giả đưa ra các văn bản tiếng Chăm với phần dịch Việt ngữ và chú thích cần thiết như là để minh họa cho phần phân tích ở tập I. Đây là bộ ba làm tiên đề cho các tập sưu tầm – dịch thuật của tác giả này sau đó: Văn học dân gian Chăm (2006), Ariya Cam – Trường ca Chăm (2006), Sử thi Chăm (2013) vân vân.

Tác phẩm Văn hoá Chăm nghiên cứu và đối thoại (2003) của Inrasara gồm có 353 trang chia ra làm 4 phần. Trong chương II và chương III, có bài viết “Mấy vấn đề về sưu tầm văn học Chăm”. Tác giả đưa ra nhận định khái quát về thành tựu nghiên cứu văn học Chăm từ thời Pháp thuộc đến những năm thập niên 90 của thế kỷ XX. Sau khi điểm qua các thể loại văn học dân gian, văn kia ký, văn học viết, tác giả đánh giá về những điểm thiếu sót, thiếu chính xác của các tác giả khi nghiên cứu và công bố về văn học Chăm. Từ đó, đặt ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác nghiên cứu và phê bình văn học. Bài viết “Xung quanh việc công bố Akayet Dewa Mưno đặt lại vấn đề nghiên cứu văn học Chăm”. Tác giả trình bày về nhận thức các Akayet Chăm qua các thời kỳ khác nhau. Qua đó, làm rõ những điểm chưa chuẩn xác về mặt văn bản của tác giả Moussay và Po Dharma hay bản dịch Hoà Nô của Tùng Lâm và Quảng Đại Cường từ việc tóm tắt cốt truyện đến việc phân tích các dị biệt và tương đồng của văn bản. Cuối cùng, tác giả kết luận, cần phải thận trọng trong nghiên cứu và công bố về văn học Chăm. Bài viết “ Để văn học dân tộc thiểu số phát triển”. Tác giả nhận diện về sự tương đồng của văn học Chăm so với các sáng tác của tộc người ở Nam trung bộ và Tây Nguyên. Và khẳng định, sở dĩ văn học của các tộc người thiểu số chưa phát triển là do thiếu sách, báo viết bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Song song với các công trình khảo cứu, tác giả Inrasara cũng cho ra mắt các tập thơ Tháp nắng (1996), Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999), Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002), Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006).

Năm 2000, Inrasara cùng với Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Tỷ sáng lập đặc san Tagalau Tuyển tập sáng tác sưu tầm nghiên cứu Chăm đã ấn hành được 15 số (năm 2014). Tuy không phải là tạp chí khảo luận chuyên sâu, nhưng Tagalau có nhiều bài viết giá trị về văn hóa Chăm. Đặc biệt là lĩnh vực văn chương, Tagalau đã công bố và phân tích các tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học Chăm cổ điển.

Trung tâm Văn hóa Chăm Ninh Thuận cũng cho ra đời tác phẩm Truyện cổ dân gian Chăm (2000) do Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc, Trương Tốn biên soạn, dịch, tuyển chọn. Nội dung của các truyện cổ tích Chăm đặc sắc được dịch sang tiếng Việt.

Tác giả Trà Vigia với tập truyện “ Chăm Hri” (2008), gồm 195 trang với 7 truyện ngắn: Dạ hội thần tiên, Người đàn bà hát, Người đi tìm linh hồn, Ăn chữ, Vương miệng của vị vua cuối cùng, Bàu Trúc, Chăm Hri.

Văn học Chăm hiện đại – Thơ (2008). Là những sáng tác của các tác giả người Chăm sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Chăm trong tác phẩm thơ. Hơn 100 tác phẩm thơ của 20 tác giả Jalau Anưk, Bá Minh Trí, Chế Mỹ Lan, Diễm Sơn, Huy Tuấn, Huyền Hoa, Jalau, Inrasara, Kahat, Lộ Trung Thiện, Mih Tơm, Quỳnh Chi, Simhapura, T.T. Tuệ Nguyên, Thạch Giáng Hạ, Trà Ma Hani, Trà Thy Mưlan, Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan. Sáng tác thơ tiếng Chăm có 43 bài thơ với 10 tác giả Cahya Mưlơng, Đặng Tịnh, Hlapah, Jaya Hamu Tanran, Minh Trí, Phú Đạm, Phutra Noroyo, Inrasara, Jaya Yut Cam, Trà Vigia.

Viện nghiên cứu văn hoá “Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam” (2010), gồm có 824 trang. Trong đó, có đăng các truyện cổ tích Chăm bằng tiếng Chăm, chuyển ngữ Latinh và dịch sang tiếng Việt như Asaih rambah nao pacah akhar, Athau nao yak manuis, Baoh gaong, Ja Blek bleng mâ, Ja Blek saong hadiep pasang ra mada, Ja Nyaok ka, Ja Parang saong Ja Paraik, Kadin kadah, Kataong pabum iklum jak, Khik sa takai, Maduen Juk, Palue cei yuak ralaoh.

Tác giả Inrasara với công trình “Ariya” (2006), gồm có 518 trang chia làm 2 phần: Dẫn nhập và phân tích tác phẩm. Tác phẩm Ariya công bố các Ariya Xah Pakei, Ariya Cam-Bini, Ariya Glơng Anak, Po Parơng. Ở mỗi tác phẩm Ariya tác giả đều làm rõ hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đặc biệt, cho đăng nguyên tác bằng tiếng Chăm, chuyển ngữ latinh và dịch sang tiếng Việt.

5 năm sau tác giả Inrasara công bố công trình “Văn học Chăm khái luận” (2011), gồm có 302 trang. Tác phẩm này là cuốn tái bản công trình Văn học Chăm (1994). Tác giả có đưa thêm một số nội dung mới ở phần phụ lục các bài viết: Để hiểu văn chương Chăm, Văn học Chăm hiện đại, Nhập cuộc về hướng mở trong sáng tác văn chương Chăm hiện đại, giới thiệu các tác giả Chăm như Inrasara, Trầm Ngọc Lan, Trà Vigia, Jalau Anưk, Chế Mỹ Lan, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Bá Minh Trí, Diễm Sơn, Sơnputra, Tuấn Huy, Thạch Giáng Hạ. V.v

Trên lĩnh vực văn xuôi tác giả Inrasara cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết Chân dung Cát (2006) 296 trang và Hàng Mã ký ức (2011) gồm có 363 trang với 12 mẫu chuyện lắp ghép theo kiểu hậu hiện đại: Cha mẹ, anh chị em & con sông quê hương, Những đứa con của Đất & cuộc sống trần gian, Đi như là ở lại, Chuyện chữ, Tinh thần tuỳ tiện Chăm & thông điệp Glơng Anak, Lịch sử như là mớ hổ lốn, Thế hệ chuyển tiếp, Ma Hời, Chăm đau khổ, kiêu hãnh và bí ẩn, Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà la môn giáo & thơ, Vượt qua cô đớn sử tính, Thơ như là con đường. Hàng mã ký ức đã đưa độc giả về với ánh trăng rằm của palei Chăm để thấy họ sống và yêu thương nhau vượt qua bao nỗi gian truân thường nhật.

Tác giả Sử Văn Ngọc với công trình “Văn hoá làng truyền thống người Chăm tỉnh Ninh Thuận” (2010). Gồm có 260 trang, trong đó, có đăng tải một số sáng tác thơ bằng tiếng Chăm như Ariya Po Pareng, Ariya Mayut Po Thiên, Ariya Ahaok Par, Ariya Kuu Nyeng, Ariya Su Auen Bhum. Những sáng tác này được chuyển ngữ sang chữ Chăm Latinh và dịch sang tiếng Việt.

Ba năm sau tác giả Sử Văn Ngọc công bố công trình “Lời người xưa” (2013), gồm 311 trang có 956 câu lời hay ý đẹp của người Chăm, lời châm biếm, răn đe, giáo dục, nhận cách hoá con vật với con người, lời ẩn dụ. Đây là những tư liệu ghi chép của tri thức dân gian Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận khai thác từ nguồn tư liệu của Thiên Sanh Cảnh, Thiên Thiện, Đàng Năng Phương, Đàng Cải, Nại Thành Bô, Nại Thành Viết, Phú Trợ, Imâm Thông Kỳ, Maduen Thông Có, Bố Xuân Hổ, Đàng Năng Bĩnh, Qua Đình Bồi, Bố Xuân Hổ, Thông Minh Trà, Trượng Văn Ngọt, Đàng Khang, Đổng Văn Tiên, Imâm Thiên Rơng và Thành Nha.

Tác giả Sakaya với công trình “Tiếp cận một số vấn đề văn hoá Champa” gồm có 814 trang chia làm 6 chương. Trong chương IV, tác giả có dành những trang viết về văn học Chăm. Tác giả trình bày về thực trạng các văn bản chép tay Chăm từ trước và sau năm 1975, các tư liệu viết trên lá buông, giấy. Bài viết “Văn chương Chăm gợi mở cách tiếp cận mới” trình bày về lịch sử nghiên cứu văn chương Chăm, phân loại văn chương ra thành các thể loại văn chương cổ, văn chương đương đại, và văn chương hiện đại. Trên cơ sở đó, tác giả đặt ra những thuật ngữ trong văn chương Chăm như Dalikal, Ariya, Akayét, Paoh Catuai, Ar Bingu, Adaoh Tei ley, Hatai Paran, Dâmnây, Ampam, Adaoh Kadhar, Maduen, Kasa, Puec Jan, Adaoh Yaw, Panuec Yao, Panuec Pa-ndip, Baoh Kadha, Kadha Ranaih Adaoh.

Gần đây, những tập thơ của các tác giả trẻ sáng tác bằng tiếng Việt như Tuệ Nguyên với tập thơ “Những giấc mơ đa chiều”, Đồng Chuông Tử với tập thơ đầu tay “Thèm ăn” và “Mùi thơm của im lặng”, Chế Mỹ Lan với tập thơ “Em và màu mây qua tháp”, Kiều Maily với tập thơ đầu tiên“ Giữa hai khoảng trống”. Mỗi người mỗi vẻ mang một sức sống và hơi thở lạ từng bước chiếm lĩnh mảnh đất thi ca Việt.

Ở nước ngoài, Po Dharma, Moussay, Abdul Karim, Nicolas Weber, Abdullah Zakaria Bin Ghazali cũng đã đưa các Akayét Dewa Mano, Akayét Inrapatra, Akayét Um Marup so sánh với Hikayat của Mã Lai.Từ đó, các tác giả có những phân tích đối chiếu, làm rõ nguồn gốc của các Akayét Chăm là có sự vay mượn từ các Hikayat của Mã Lai. Ngoài ra, Abd. Karim (Lộ Trung Cân) và Báo Thị Hoa cũng cho ra mắt tác phẩm “Trường Pô Klong và Đặc san Ước vọng” (2007). Tác phẩm này, là sự tái bản các bài viết về văn chương của học sinh Trường Pô Klong đã phát hành qua 5 số từ 1968-1973. Bên cạnh đó, là những bài viết trong Đặc san Caong Tagok cũng được giới thiệu.

Tóm lại, trong khoảng thời gian 20 năm (1994-2014), những công trình nghiên cứu về văn học Chăm có sự gia tăng nhanh về mặt số lượng. Các tác phẩm kinh điển trong nền văn học Chăm được giới thiệu bằng nhiều hình khác nhau như chuyển tự, dịch sang tiếng Việt, Mã Lai, Pháp và đăng nguyên tác bằng tiếng Chăm. Theo thời gian các sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ bị chững lại và mất dần, thay vào đó là sự lên ngôi của các sáng tác bằng tiếng Việt phát triển nhanh về số lượng tác giả và tác phẩm. Văn học Chăm đang trượt dài trên đường băng tiếng Việt và không hè có dấu hiệu dừng lại. Nếu như những sáng tác văn chương của người Chăm trước 1954 vẫn còn sử dụng phổ biến tiếng Chăm thì càng về sau tiếng Việt đã chiếm lĩnh vai trò chủ đạo. Phải chăng sáng tác văn học bằng tiếng Việt của các tác giả người Chăm là một trào lưu hay là con đường ngắn và nhanh nhất đưa ngôn ngữ Chăm đi vào tử ngữ ! ./.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Champaka 6. 2007. Trường Pô Klong & Đặc san Ứớc vọng. Paris-San Jose.
  2. 2. Inrasara. 1994. Văn học Chăm. Hà Nội: Nxb. Văn hoá dân tộc.
  3. 3. Inrasara. 2003. Văn hoá xã hội Chăm nghiên cứu và đối thoại. Hà Nội: Nxb. Văn học.
  4. 4. Inrasara. 2005. Lễ Tẩy trần tháng Tư. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn nghệ.
  5. 5. Inrasara. 2006. Ariya. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn nghệ.
  6. 6. Inrasara. 2011. Hàng mã ký ức. Hà Nội: Nxb. Văn học.
  7. 7. Inrasara. 2011. Văn học Chăm khái luận. Hà Nội: Nxb. Tri thức.
  8. 8. Inrasara. 2013. Thả diều xứ nắng. Hà Nội: Nxb. Kim đồng.
  9. 9. Nhiều tác giả. 2008. Văn học Chăm hiện đại Thơ. Hà Nội: Nxb. Văn học
  10. 10. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp. 1992. Văn hoá Chăm. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
  11. 11. Po Dharma, G.Moussay, Abdul Karim. 1997. Akayet Inrapatra. Malaysia.
  12. 12. Po Dharma, Nicolas Weber, Abdullah Zakaria Bin Ghazali. 2007. Akayét Um Marup. Malaysia.
  13. 13. Sakaya. 2013. Tiếp cận một số vấn đề văn hoá Champa. Hà Nội: Nxb. Tri thức.

14. Sử Văn Ngọc. 2010. Văn hoá làng truyền thống người Chăm tỉnh Ninh Thuận. Hà Nội: Nxb. Dân trí.

15. Sử Văn Ngọc. 2013. Lời người xưa. Hà Nội: Nxb. Văn hoá thông tin.

16. Trà Vigia. 2008. Chăm Hri. Hà Nội: Nxb. Văn hoá dân tộc.

17. Viện nghiên cứu văn hoá. 2010. Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 20. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

Nguồn: http://inrasara.com/2014/09/02/jaya-bahasa-van-hoc-cham-nhin-lai-con-duong-phat-trien/

Comments are closed.