Vẫn là Kiều

Nhị Linh

Theo yêu cầu của tác giả, Văn Việt xin gỡ bài này xuống. Bạn đọc muốn đọc bài này xin xem: http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/08/van-la-kieu.html#more

 

Ý kiến của Đinh Bá Anh về bài phê bình của Nhị Linh

Tôi xin kéo bài viết của Cao Việt Dũng [blogger Nhị Linh – Văn Việt] phê bình bài “Kim Trọng – nhân vật văn chương vĩ đại của Nguyễn Du” của tôi về đây. Tôi hiểu Nguyễn Du là ai, và đụng đến Kiều là đụng đến cái gì. Vì thế, với tất cả sự thận trọng, khi viết bài đó, nhất là viết theo cách như vậy, tôi chờ đợi phê bình, bởi nếu nó không chịu phê bình thì mới là điều khiến tôi sửng sốt. Khi viết xong bài đó mà đọc lại với sự gián cách, tôi nhận ra những lỗ hổng của nó, nhất là khoảng trống mênh mông về lịch sử vấn đề, nó không thể không gây cảm giác về một kẻ đại ngôn mà không cần biết ai đã làm gì. Nhưng tôi tự tin công bố bài viết dưới dạng như vậy, bởi nó đặt cơ sở để tôi triển khai tiếp hai vấn đề về Nguyễn Du theo cách mà việc đọc lại các nghiên cứu cũ, dù chúng có kiệt xuất đến đâu, dù là Phan Ngọc hay Thanh Tâm Tuyền, Đào Duy Anh, hay ai thì cũng vậy, là không cần thiết (hai vấn đề đó đã tiềm ẩn sẵn trong bài).

Thật tình tôi không nghi ngờ gì vào chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du, nó là điểm chính yếu (trong một note, Cao Việt Dũng mượn hình ảnh Jesus để so sánh với Nguyễn Du, với hàm ý chủ nghĩa tình yêu thương của Jesus gần với Nguyễn Du hơn là chủ nghĩa từ bi của Thích Ca, tôi chỉ có thể thừa nhận đó là một so sánh hay). Tôi cũng thuộc lòng Cung oán, Chinh phụ, Văn tế thập loại…, và càng không thể không biết cả một lịch sử văn chương với cả một tinh thần thời đại “giọng nữ” – truyền thống của nó cũng phong phú không thua gì cái truyền thống lấy nhân vật nam làm “hóa thân” mà tôi đã vẽ ra một cách nguyệch ngoạc (hơn nữa, nó lại còn đúng là tinh thần thời đại của Nguyễn Du). Tôi cũng không nghi ngờ gì vào việc diễn giải một thiên tài như Nguyễn Du theo kiểu “hóa thân” với “gửi gắm tâm sự” không chạm được vào cốt lõi của văn chương lớn, mà thường dẫn tới những kết quả nực cười mà cả một thời đại phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa (Hoài Thanh, Xuân Diệu…) đã chứng minh, và Thanh Tâm Tuyền trong đoạn Cao Việt Dũng trích dẫn đã, vừa châm biếm cách tiếp cận đó, vừa đưa ra cách tiếp cận rất hay của ông. Tất cả những điều đó không ngăn tôi viết bài “Kim Trọng – …” theo cách tôi đã viết, mà ngược lại. Tại sao lại như vậy? Tôi sẽ bảo vệ và phát triển quan điểm của mình bằng một bài viết tiếp theo mà tôi đang triển khai (lần này nó sẽ chỉ đề cập tới bản chất của văn chương và sáng tạo của Nguyễn Du). Trong bài viết tiếp theo đó, mặc dù nói rằng không cần quan tâm tới các nghiên cứu cũ (cũng như ở bài thứ nhất), bởi chúng không tác động tới bản chất của vấn đề, nhưng tôi sẽ lật lại một số quan điểm cũ (những quan điểm đúng đắn và sâu sắc, một số đã được Cao Việt Dũng liệt ra – những quan điểm sai và nông cạn không phải là là điều tôi quan tâm) để hoặc là mở rộng, hoặc là cấp cho chúng những sắc thái mới. Tôi không có lí do gì chạy hẳn ra khỏi một truyền thống diễn giải Kiều với rất nhiều nỗ lực và thành tựu như vậy.

Hy vọng Cao Việt Dũng có thể triển khai một bài viết hoàn chỉnh dựa trên những note gần đây trên blog của anh (từ khóa: Cung oán, Chinh phụ, Văn tế, Kiều, chủ nghĩa nhân đạo, hạ mình, Jesus…). Tôi chưa bao giờ thấy cách tiếp cận như thế là sai, dù tôi hiểu (và anh hẳn còn hiểu rõ hơn) là khó đưa ra một cái gì thực sự mới trên những từ khóa như vậy, song tôi vẫn hy vọng anh có thể đưa ra một bức tranh độc đáo. Tôi sẽ hoàn tất bài thứ hai của tôi sau bài viết đó của anh, vì tôi mong sẽ lấy được một-hai quan điểm nào đó trong bài của anh để làm “inspiration” cho bài của mình.

Nguồn: https://www.facebook.com/dinh.ba.anh/posts/10206374831002929

Comments are closed.