Văn lạnh

Cao Hành Kiện

Ngân Xuyên dịch theo bản tiếng Pháp

Dịch giả gửi Văn Việt

unnamed

Nhà văn Cao Hành Kiện

Văn Việt: Cao Hành Kiện (người Pháp gốc Trung Quốc) sinh năm 1940, nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình. Ông đoạt giải Nobel văn chương năm 2000 với tiểu thuyết Linh Sơn.

Thời văn học huyên náo như cách mạng đã trôi qua, bởi vì cách mạng tự kết thúc ở chính nó, chỉ để lại vị đắng chát và nhạt nhẽo, nỗi buồn phiền và thậm chí là nôn mửa.

Tự bản chất, văn học không có gì chung với chính trị, đó là một công việc thuần túy cá nhân, một sự quan sát, một kiểu hồi tưởng kinh nghiệm, tư tưởng và tình cảm, sự thể hiện một trạng thái tinh thần và đồng thời là sự thỏa mãn suy tư.

Nếu văn học có tiếng tăm lớn thì đó hoàn toàn là không hay cho những nhu cầu của chính trị: nó hoặc sẽ bị công kích, hoặc sẽ được tán tụng, trở thành một thứ công cụ ngoài ý muốn, một thứ vũ khí, một tấm bia, cho kỳ đến khi đánh mất bản chất văn học của mình.

Người được gọi là nhà văn không gì khác là một cá nhân tự thể hiện mình, là người viết, còn những người khác có thể nghe hoặc không nghe hắn, đọc hoặc không đọc hắn, nhà văn không phải là anh hùng làm gương cho nhân dân, cũng không là thần tượng cho người ta tôn thờ, đó càng không phải là tên tội phạm hay kẻ thù của nhân dân, nếu đôi khi hắn có gây bực bội do tác phẩm của mình thì duy nhất là vì đòi hỏi đó đến từ kẻ khác: khi chính quyền cần tạo ra những kẻ thù để đánh lạc hướng nhân dân, nhà văn trở thành nạn nhân. Và càng bất hạnh hơn nữa, khi nhà văn phải chịu những đau đớn đó lại nghĩ trở thành nạn nhân là một vinh quang lớn.

Thực tế, quan hệ giữa nhà văn và độc giả không gì khác hơn là một kiểu liên hệ tinh thần được xác lập thông qua một công việc giữa hai hoặc nhiều cá nhân không cần phải gặp nhau hay có quan hệ với nhau. Tác giả không có trách nhiệm nào đối với độc giả, độc giả cũng không phải quá khó tính đối với tác giả, đọc hay không đọc hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ.

Văn học, với tư cách là hoạt động của con người, không thể sinh lợi từ hai hành động: đọc và viết là những việc hoàn toàn đồng thuận. Vì vậy văn học không có bổn phận nào đối với đám đông hay đối với xã hội. Những nhận xét liên quan đến sự đúng sai trên bình diện đạo đức và luân lý thực tế là do các nhà phê bình xới xáo lên, nó không hề liên quan đến tác giả.

Thứ văn học giành lại các giá trị thực chất của mình như vậy sao không gọi là “văn lạnh” để phân biệt nó với loại “văn dĩ tải đạo”, với loại văn công kích chính trị của đương thời, với loại văn can thiệp vào các công việc của xã hội và với loại văn tìm kiếm kỳ tích? Thứ văn học lạnh này không hề được các phương tiện truyền thông đại chúng quan tâm và cũng không thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng. Nó chỉ tồn tại ở chỗ loài người, ngoài sự thỏa mãn các nhu cầu vật chất, vẫn luôn tìm kiếm một kiểu hoạt động mang bản chất thuần túy tinh thần.

Lẽ tự nhiên, thứ văn học này không phải hiện nay mới có, nhưng nếu như trong quá khứ nó chủ yếu chống lại quyền lực chính trị và sức ép của các tập quán xã hội, thì ngày nay nó còn phải đấu tranh hơn nữa chống sự xâm lăng của các giá trị thị trường trong xã hội tiêu dùng, và để tìm cách tồn tại, nó trước hết phải chấp nhận sự cô đơn.

Chắc chắn loại nhà văn này sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn các tác phẩm của họ; khi dâng hiến cho thể loại sáng tạo này, hiển nhiên nhà văn sẽ rất khó sống được bằng nó và phải tìm kiếm một phương tiện tồn tại khác. Vì thế có thể nói rằng sáng tạo văn học là một thứ xa xỉ, một sự thỏa mãn tinh thần thuần túy. Tuy nhiên, nếu một xã hội thịnh vượng và tích cực mà không cho phép loại hoạt động tinh thần cá nhân này thì xã hội đó quả là đáng buồn.

Tuy nhiên lịch sử không hề bận tâm đến cái sự buồn đó: nó bằng lòng với việc ghi lại những hoạt động của con người mà không nói gì đến chủ đề này. Thứ văn học lạnh chỉ có cơ hội được công bố và lưu hành nhờ nỗ lực của nhà văn và bạn bè họ. Tào Tuyết Cần và Kafka là những thí dụ. Không chỉ tác phẩm của họ không thể xuất bản được khi họ còn sống, mà họ còn ít có cơ hội tạo ra được một trào lưu văn học hay trở thành những ngôi sao trong xã hội. Một nhà văn như thế sống ở bên lề và giữa những kẽ hở của xã hội. Hắn hoàn toàn hiến mình cho hoạt động tinh thần đó, không màng được báo đáp đền bù, hắn không tìm kiếm sự thừa nhận của xã hội mà chỉ đi tìm niềm vui thú riêng của mình.

Gần một thế kỷ qua, văn học Trung Quốc bị đè nặng bởi đủ loại chính trị và đạo đức; nó bị chìm đắm trong đủ loại chủ nghĩa và cái khó nhất của nó là làm sao thoát ra khỏi vũng bùn của những cuộc tranh cãi giữa hệ tư tưởng và các phương pháp sáng tác không giúp ích gì cho văn học. Nhà văn chỉ có thể tự cứu mình khi tránh càng xa càng tốt những cuộc tranh cãi bất tận và rối rắm đó. Sáng tạo văn học là một hoạt động đơn độc mà không một phong trào nào, một phe nhóm nào có thể giúp được, ngược lại nó rất dễ bị những thứ đó giết chết. Chỉ khi nhà văn là một cá nhân biệt lập, không thuộc về một phe nhóm, trào lưu chính trị nào thì hắn mới có được tự do hoàn toàn.

Điều này không có nghĩa là nhà văn không có lập trường chính trị và quan niệm đạo đức; một nhà văn chịu sức ép chính trị và xã hội thì lẽ dĩ nhiên là có những điều muốn nói, hắn có thể họp báo, phát biểu tuyên bố, nhưng tuyệt đối không được nhầm lẫn cái đó với sáng tạo văn học. Thậm chí nếu văn học động đến những vấn đề của chính trị và xã hội thì tôi nghĩ nói “xa lánh” đúng hơn là nói “can thiệp”; như vậy, nó đối chọi lại sức ép của xã hội lên nó và trở thành một kiểu giải thoát tinh thần. Chính vì vậy tôi vẫn nghĩ chỗ tốt nhất của nhà văn là ở bên lề xã hội để hắn có thể lặng lẽ quan sát và tiến hành được phép nội quan của mình. Chỉ trong hoàn cảnh ấy hắn mới nhúng được mình vào văn lạnh.

Vấn đề còn là những cuộc chiến tranh liên miên mà xã hội Trung Quốc biết đến trong hơn một trăm năm qua, cũng như các cuộc cách mạng, các phong trào đấu tranh chính trị, đã lôi kéo toàn thể giới trí thức của đất nước nhập cuộc, không để cho họ có sự lựa chọn nào khác, và đã tước mất của các nhà văn, nếu họ không phải là chiến sĩ, mọi cách kiếm sống: nếu không tham gia cứu nước cứu dân, các nhà văn thường là những người đầu tiên phải hy sinh cuộc sống riêng của họ. Thứ văn lạnh này chỉ có thể tồn tại được nếu nó tách khỏi sức ép chính trị và xã hội và điều kiện sống của nhà văn được bảo đảm. Chính đó là lý do văn học hiện đại và đương đại Trung Quốc đang có những khó khăn để “lạnh lại”.

Như vậy, văn lạnh là loại văn xa lánh, loại văn bảo vệ tinh thần; hơn thế, tôi nghĩ rằng nếu một dân tộc không thể thừa nhận loại văn học phi thực dụng này thì đó không chỉ là điều bất hạnh cho nhà văn, mà nó còn chứng tỏ sự nghèo nàn tinh thần của dân tộc đó. Chính vì vậy tôi thích loại văn học lạnh này.

 30/7/1990, tại Paris.

 Theo sách: Gao Xingjian, Le Témoignage de la littérature, Seuil, Paris 1998, tr. 39-44.

Comments are closed.