Về tập truyện ngắn "Say" của Hạnh Nguyên…

Ngô Thị Kim Cúc

clip_image001

CÂU HỎI ĐẶT RA TRONG NHIỀU TRUYỆN: TÌNH YÊU ĐỒNG GIỚI LIỆU CÓ PHẢI THỨ TỘI TÌNH?

GIÓ CÓ HÌNH HÀI KHÔNG?

“Say” là tập truyện ngắn thứ hai của Hạnh Nguyên sau tập “Những thiếu thời lơ lửng”. Mười hai truyện và hai tản văn, được viết từ 2012 đến 2015, tức là từ khi tác giả mười bảy cho đến năm hai mươi tuổi.

Không còn những thiếu niên trung học và các mối liên kết hình thức với cha mẹ – nhà trường – bè bạn, không còn những cô cậu học trò bé bỏng cứ thinh lặng quan sát, ghi nhận, riết róng đối đáp bằng sự lì lợm chịu đựng khiến người lớn phải lạnh mình, tự vấn và tự trách. Đã xuất hiện những bóng dáng đàn ông bên cạnh các cô gái trưởng thành với tư cách “bạn tình”, dù trong một số trường hợp họ chẳng hề là bạn tình đúng nghĩa, họ không đến với nhau bằng tình yêu, không trao đổi đam mê từ hai phía: hoặc họ chỉ đơn giản có giao tiếp thân xác, hoặc một trong hai người chỉ là một ảo ảnh xa vời.

Trong “Say”, thế giới nhân vật của Hạnh Nguyên là những những người trẻ cô đơn, khép kín và vô định, lọt thỏm giữa vũ trụ rộng lớn của cõi người. Càng cô đơn, càng chìm đắm trong nghĩ ngợi, họ lại càng tìm cách thu mình, che giấu. Họ không muốn thoát khỏi cái vỏ cứng tự tạo, chẳng phải chỉ với đám đông vô vị chung quanh, mà ngay cả với người họ yêu thương. Trong nỗi ám ảnh luôn sợ mình không được thừa nhận, không được chấp nhận, bị chối bỏ và rẻ rúng, họ trở thành một hành tinh bé nhỏ đơn độc, thăm thẳm một cách vô lường.

Cái gì đã khiến họ trở nên đầy nghi hoặc như thế? Tác giả đã để nhân vật của cô tự xuất hiện, tự giới thiệu, tự bộc lộ, bằng tất cả con người và hành vi, và hình ảnh họ được phản chiếu trong đôi mắt, trái tim người đọc theo những cách rất riêng, rất khác nhau.

Nhân vật của Hạnh Nguyên thường không có lý lịch, họ hiện ra trước mắt người đọc với một diện mạo tinh thần và thể chất đúng như trong các câu chữ. Chân dung của họ chính là những gì mà họ hành động, trò chuyện, chia sẻ với những nhân vật còn lại. Nếu may mắn giáp mặt họ ngoài đời, chưa chắc chúng ta đã có thể nhận ra họ, bởi thường khi chúng ta không cùng tần số.

Có hay không có tình yêu trong trái tim những người trẻ này? Có, và quá nhiều là khác. Nhưng nó không giống với tình yêu theo cách thức và quan niệm “bình thường”. Tình yêu trong họ nảy mầm nhưng lại quá khó khăn tìm ra cơ hội để được nuôi lớn và chín đỏ. Tình yêu đó luôn bị dằn xé, trốn chạy, đầy hoài nghi, mặc cảm. Kể cả khi đã được đáp lại, nó cũng có thể bất chợt rụng rơi, biến mất một cách phi lý, oan uổng, vừa như thể tình cờ, mà cũng vừa như bởi định mệnh.

Cái gì khiến cô gái trong “Bạn tình” gặp gỡ chàng sinh viên hơn mình một tuổi, dễ dàng hòa trộn thân xác một cách vô điều kiện nhưng vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng từ bỏ? Cô không có đủ lòng tin vào người khác cũng như vào chính mình? Cô không đủ can đảm để đối diện với một sự thật giả định? Hay chỉ vì luôn “có một khối nén hình vuông trong ngực cô mà khi xuất hiện nó làm cô đau đớn”, và hành động “yêu nhau” có thể ví như là một thứ thuốc giảm đau?

Cái gì đã tạo nên “khối nén hình vuông” khốn khổ ấy, chúng ta chẳng thể biết, nhưng rõ ràng nó chi phối, quyết định cách sống của cô. “Cô từng bảo với anh, khi anh nói yêu em, chuyện sẽ chấm hết”. Và cuối cùng, cô cũng đã nói ra, không nhằm giải thích, cũng không để kêu gọi sự thương cảm: “Dạo này em nghĩ nhiều đến chuyện chết… em nhận ra bản thân muốn làm nhiều thứ, trong tương lai cũng có các kế hoạch muốn hoàn thành. Nhưng rồi em nghĩ, khi đang sang đường bị xe tông, hay trong lúc đi bộ từ trường về bị ai đó đâm chết, em cũng không sợ. Em thấy có thể chấp nhận được những chuyện như thế”. Cái chết của chính mình cô còn không sợ thì sợ gì cái chết của một “mối tình”. “Cô thu mình trong lớp áo khoác dày, hai bàn tay nhét trong túi áo rất sâu. Cô sợ rằng nếu cô để tay ở bên ngoài, anh sẽ không nắm lấy tay cô. Và như vậy thì đương nhiên sẽ rất lạnh”. Không tin vào một tương lai xa, vì vậy nên chối bỏ luôn những gì thuộc về hôm nay, có phải?… Cô đã đạt được điều mà “cô biết rõ họ sẽ không bao giờ chia tay, bởi họ thậm chí còn chưa bắt đầu”.

Còn trong “Giới hạn của khí trời”, sự gắn kết giữa cô sinh viên và ông già to béo ở tiệm cắt tóc bình dân có thể gọi là gì? Vì sao cô bỗng dâng hiến sự trong trắng, phung phí những gì thân thiết và quý giá của mình cho ông ta một cách lạ thường như vậy? Bởi cái phần bất định trong cô quá lớn? Bởi nỗi đơn độc đã tới mức không thể chịu đựng? Hay đó là cách để tự “đánh thức”, bằng việc tự “làm đau” mình? Bởi vì, cô hiểu rõ về mình: “rằng tôi lúc nào cũng bất ổn và chính bởi thế mà tôi luôn ở trong trạng thái ổn định vô cùng”. Ổn định vô cùng trong trạng thái bất ổn nghĩa là luôn có thừa sự bất ổn theo nhiều cách, phải chăng? “Thi thoảng khi đang cứa lên một chỗ nào đó trên người, thế rồi máu bắt đầu chảy và tôi bỗng phát hoảng đến run rẩy… tôi nhận thức rất rõ ràng rằng tôi rất có thể sẽ đi xa hơn nữa. Tôi có thể làm những điều rất khủng khiếp với bản thân và tôi không muốn thế”. 

Cô gái trẻ này quá đơn độc, thế giới quanh cô chừng như hoang vắng đến mức cô chỉ có thể xác nhận sự hiện hữu của mình bằng những cách thức bất bình thường. Thế nên khi đột nhiên khám phá những điều hết sức “bình thường” nơi anh sinh viên cùng lớp, cô cũng đồng thời phát hiện trong mình một con người khác, con người lẽ-ra-phải-vậy của cô. “Khi nhìn vào mắt anh ta, tôi bỗng thấy căn phòng cố định trống rỗng đó đột nhiên thu hẹp lại. Dù chỉ là một chút thôi nhưng các bức tường của nó không còn đè lên trái tim tôi nữa”. “Nước mắt của tôi không nhiều, chúng chỉ rơi đôi chút tựa như một cơn mưa bóng mây, lất phất nhè nhẹ để người ta biết được mà không hề bị ướt”.

Trong “Người lạ”, có ba kẻ không hề quen biết bỗng cùng rơi vào một tình huống bất thường: bị kẹt trong một thang máy mất điện và bị bỏ rơi. Cái kết có thể thấy trước là họ sẽ bị chết ngạt khi đã cạn ô xy. Và trong bóng tối của cái thang máy tai họa ấy, họ bắt đầu làm quen, bộc lộ cùng nhau bao điều bằng những trò chuyện chẳng hề vu vơ. “Tôi tin là thể xác con người không có nghĩa lý gì ngoài một cái lồng giam làm từ xương và thịt. Cậu thấy không, chúng ta đang bị nhốt nhưng không phải là bên trong thang máy. Chúng ta bị nhốt bên trong chính mình”. “Con người chỉ chết khi bị giết. Nếu cô tự sát, đó là một lối thoát. Cô sẽ có được tự do tuyệt đối”. Người lớn tuổi nhất trong ba người đã gợi ý và là người đầu tiên thực hiện việc tự sát, để khỏi “bị chết”.

Sau cái chết của anh ta, cô gái duy nhất trong ba người bỗng nảy ra ý tưởng: “Này 16, có muốn ngủ với tôi trong cái thang máy khóa kín cùng người chết trước mặt, máu còn chưa khô và vài giờ đồng hồ nữa là chúng ta sẽ chết không?”. Và rồi cả hai đã cùng thực hiện cái việc lần-đầu-tiên của họ. Sau đó, trong thời gian còn lại, trước khi làm theo cách của người thứ nhất, họ lại bộc bạch những điều mà hàng ngày vẫn cất giấu: “Tôi sợ sự cô đơn, nhưng tôi còn sợ con người hơn rất nhiều lần… Tôi thoái hóa dần các cảm nhận của riêng tôi, tôi đồng hóa chính mình để không bị lạc lõng. Tôi chạy trốn đồng thời lại muốn bị bắt được. Chị có hiểu tôi đang muốn nói gì không?”. “Tôi nghĩ là mình hiểu. Rằng đây không phải là chỗ của chúng ta. Cậu và tôi đều không thuộc về nơi này. Và chúng ta cũng chẳng có nơi nào để đến, không có chốn trú ẩn riêng”.

Xuất hiện trong sách với tần số cao là các nhân vật và những mối luyến ái đồng giới tính. Nếu trong “Chạm”, đó hãy còn là những cảm xúc mơ hồ lãng đãng thì trong “Chao nghiêng”, nó đã trở thành bi kịch của những kẻ thất bại. Nhân vật Tôi thất bại cả trong mối tình đầu tiên với một thanh niên và mối tình tiếp sau với người bạn gái. Em họ của cô cũng vậy, và cậu đã tự sát khi bằng cách nhảy từ lầu cao xuống, “tựa một chiếc lá khô lìa cành. Cái chết đến rất nhanh, sự sống cũng ra đi rất nhanh”. Phải chăng, cuộc sống trong mắt của những người như họ luôn diễn ra theo cách mà nhân vật tên Lâm đã nghĩ thành lời: “tôi đã nhận ra, rằng tình yêu cũng chỉ là một nỗi đau kì lạ khác của con người”.

Ngược hẳn với những bi kịch ảm đạm ấy, mối tình của hai cậu sinh viên đồng giới trong “Wind shadow” lại quá dịu êm. Cái cách họ đến bên nhau tự nhiên như không thể tự nhiên hơn, đó là một cơn gió dịu mềm đầy ân sủng. Mọi chuyện giống như một khúc nhạc thánh thót và trong trẻo ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu. Cả hai cậu trai ấy đều đáng yêu và đều xứng đáng để thụ hưởng tình yêu.

Lời đề từ ở đầu truyện cũng rất lan tỏa: “Gió có hình hài không? Và thanh xuân của chúng ta cũng thế”. Can cớ gì phải gò ép cơn gió vào một hình hài. Tình yêu cũng vậy. Cớ sao phải gò ép tình yêu là một thứ luôn tự do phóng túng như là gió.

“Cũng như tôi và cậu đang ngồi đây, chúng ta không thật sự tồn tại với những người không nhìn thấy, không biết đến. Nhưng như thế đâu có nghĩa là chúng ta không có thật, phải không?”. “Chừng nào chưa có ai nhìn thấy tôi giữa biển người, thì chừng đó tôi hãy còn chưa tồn tại”.

Chỉ cần Một-Người-Duy-Nhất nhận ra mình giữa cõi nhân sinh bao la vô tận này thì cuộc sống của bạn đã trở nên ý nghĩa, hàng tỉ những con người khác đều trở thành kẻ chẳng liên quan, hoàn toàn ngoại cuộc. Đó như một tuyên ngôn mạnh mẽ về tình yêu, thứ tình yêu không bị phân biệt, không bị câu thúc, không bị áp đặt, tình yêu mà mọi con người đều được quyền hưởng thụ, như nhau…

“Wind shadow” là một bài thơ đẹp về một mối tình đồng giới.

Khi được hỏi vì sao lấy tên tập sách là “Say”, Hạnh Nguyên – cô sinh viên hai mốt tuổi đang theo học ở Park University, bang Missouri- Hoa Kỳ, đã trả lời: “Say có thể hiểu là một trạng thái lơ lửng không tỉnh táo, đồng thời cũng có thể hiểu là khi say thì người ta sẽ sáng suốt theo một cách khác, đó là sự tỉnh-trong-say. Một cách hiểu thứ hai: Say trong tiếng Anh nghĩa là Nói. Cuốn sách chính là cách mà tôi giao tiếp với người đọc”.

Gió có hình hài không? 

Và Say có hình hài không?

*SAY GỒM 12 TRUYỆN NGẮN, 2 TẢN VĂN, DO NXB HỘI NHÀ VĂN VÀ PHUONG NAM BOOK ẤN HÀNH, 2016

PHÁT HÀNH TỪ 15/11/2016 TRÊN TOÀN QUỐC

Comments are closed.