Vài nét về tục ngữ mới (SOME FEATURES OF THE NEW PROVERBS)

Lê Thị Hồng Minh*

1. Phần mở đầu

Tục ngữ, thành ngữ là những hiện tượng văn hóa, ý thức xã hội. Dòng chảy ngôn ngữ không ngừng vận động, biến đổi và luôn sản sinh, làm phong phú, mới mẻ cho đời sống ngôn ngữ. Trong những năm qua, bên cạnh việc sử dụng những câu tục ngữ, thành ngữ dân gian, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ, còn thích sử dụng các cụm từ cố định mới (CTCĐM). Nhiều CTCĐM này có thể được xem là những câu tục ngữ, thành ngữ mới.

Rải rác đây đó, đã có một số bài viết ít nhiều đề cập đến hiện tượng này. Năm 2005, TS Trần Văn Tiếng có bài Con đường hình thành các cụm từ cố định trong tiếng Sài Gòn (in trong Một số vấn đề về phương ngữ xã hội của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, do TS Trần Thị Ngọc Lang làm chủ biên). Bài viết với phần phụ lục 800 cụm từ cố định (CTCĐ) được dùng từ trước tới nay ở Sài Gòn, đã có giới thiệu một số thành ngữ, tục ngữ và CTCĐM. Trong ấn phẩm này, Trần Văn Tiếng đã chỉ ra những con đường hình thành nên các CTCĐ. Năm 2011, Hứa Ngọc Tân và Vương Kế Cầm trong Hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt lần thứ nhất” đã có bài Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa cụm từ cố định mới tiếng Việt. Bài viết khảo sát từ 269 đơn vị mà tác giả sưu tầm được, chủ yếu là sưu tầm trong sinh viên, trên báo mạng, báo viết. Bên cạnh việc nói đến đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa, các tác giả còn bàn về khả năng ứng dụng cụm từ cố định mới trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Ngoài những công trình trên, đây đó trong một số bài nghiên cứu, đặc biệt là những bài có đề cập đến phương thức tạo từ mới, cũng có dẫn ra một số CTCĐM.

Như vậy, đã có một số công trình khảo sát về các CTCĐM nói chung nhưng chưa có bài nào nghiên cứu riêng về những câu tục ngữ mới. Đó là lý do để bài viết này ra đời. Bài viết của chúng tôi tập hợp, khảo sát một số đơn vị CTCĐ mà chúng tôi mạnh dạn xem là tục ngữ mới, vừa góp phần nghiên cứu về sự phát triển của ngôn ngữ, vừa giúp cho giáo viên dạy tiếng Việt cập nhật với đời sống ngôn ngữ hiện đại, đặc biệt là ngôn ngữ của giới trẻ, từ đó vận dụng vào việc dạy tiếng Việt hiệu quả hơn. Nó cũng góp phần làm cho việc học tiếng Việt của sinh viên nước ngoài thêm hứng thú.

Vậy, muốn tìm hiểu về tục ngữ mới, cần khu biệt nó với các CTCĐ khác. Theo Vũ Ngọc Phan, “Tục ngữ là một câu tự nó diễn đạt một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, có khi là một sự phê phán, còn thành ngữ là một phần câu sẵn có, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn đạt được một ý trọn vẹn. Về hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chứ là chưa phải là một câu hoàn chỉnh” (Vũ Ngọc Phan (1997): 39).

Để được xem là thành ngữ, tục ngữ mới, những CTCĐM mới này phải được sử dụng rộng rãi, lặp đi lặp lại và cần thời gian đi vào ổn định, cần độ lùi lịch sử để nhìn nhận, đánh giá.

Nguồn ngữ liệu mà chúng tôi khảo sát chủ yếu là từ báo chí, các chương trình truyền hình, một số tác phẩm các bạn trẻ viết gần đây, và tìm hiểu qua thực tiễn đời sống ngôn ngữ của các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Chúng tôi cũng tìm kiếm ngữ liệu trên một số trang web cá nhân có sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao mới. Tuy nhiên, các trang web này sưu tầm phần lớn là ca dao và sao chép lẫn nhau nên các bài này ít có sự khác biệt.

Một số câu mà chúng tôi nêu ra có thể còn gây tranh cãi, bởi ranh giới giữa tục ngữ và ca dao hay tục ngữ với thành ngữ đôi khi khá mong manh. Nhất là với những câu tục ngữ được thể hiện dưới dạng lục bát, hoặc vừa thể hiện lý trí, vừa thể hiện tình cảm. Lại có những câu vừa có thể sử dụng trong một câu nói, như thành ngữ, vừa có thể sử dụng độc lập, như tục ngữ. Chúng tôi chọn những câu thiên về tính trí tuệ, kinh nghiệm, có thể dùng độc lập xếp vào thể loại tục ngữ.

2. Nội dung chính

2.1. Các loại tục ngữ mới

Các loại tục ngữ mới hình thành từ hai phương thức: cải biên từ những đơn vị có sẵn và sáng tạo từ thực tiễn đời sống.

2.1.1. Tục ngữ cải biên

Tục ngữ cải biên có thể được xem là những biến thể từ tục ngữ dân gian xưa. Nó có nhiều loại:

Loại giữ nguyên cấu trúc và ngữ nghĩa

Có rất ít trường hợp tục ngữ mới (TNM) giữ nguyên cấu trúc và ngữ nghĩa tương tự với tục ngữ dân gian xưa (gọi tắt là tục ngữ xưa: TNX), như: Bỏ thì thương, vương thì… ớn (TNX: Bỏ thì thương, vương thì tội). Còn lại, phần lớn tục ngữ cải biên có sự thay đổi về ngữ nghĩa hoặc cấu trúc.

Loại giữ nguyên cấu trúc nhưng thay đổi một vài từ để diễn tả ý tưởng mới

Chiếm tỷ lệ khá cao là những câu tục ngữ cải biên – hay còn gọi là tục ngữ “chế”, “nhại” – giữ nguyên cấu trúc ngữ pháp, nhưng thay đổi một vài từ, do đó, ngữ nghĩa thay đổi. Đây là loại “bình cũ, rượu mới”:

TỤC NGỮ DÂN GIAN XƯA

TỤC NGỮ MỚI

Cái khó ló cái khôn.

Cái khó ló… cái ngu.

Thất bại là mẹ thành công.

Thất bại vì ngại thành công.

Có công mài sắt có ngày nên kim.

Có công mài sắt có ngày chai tay

Kiến tha lâu cũng đầy tổ.

Kiến tha lâu cũng có ngày mỏi cẳng.

Con hơn cha là nhà có phúc.

Con hơn cha là nhà cãi lộn.

Tiên học lễ hậu học văn.

Tiên học lễ hậu học …ăn.

Bé cậy cha, già cậy con.

Bé cậy cha, già cậy… lương.

Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói chẳng mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho… lòi tiền ra.

Một điều nhịn là chín điều lành.

Một điều nhịn là chín điều nhục.

Ai làm người đó chịu/ Ai làm nấy chịu.

Ai làm… người khác chịu.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ… chạy.

Trăm hay không bằng tay quen.

Trăm hay không bằng tay… trong.

Được ăn cả, ngã về không.

Được ăn cả, ngã… về hưu.

Biến thể của tục ngữ có khi là một sự chơi chữ, dựa vào hiện tượng đồng âm khác nghĩa để tạo ra một cách hiểu mới:

TỤC NGỮ XƯA

TỤC NGỮ MỚI

chí thì nên.

chí thì… ghê.

Đầu bạc răng long.

Đầu bạc răng vàng.

Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia…rượu vẫn còn trơ trơ.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Gần mực thì…bia gần đèn thì… thuốc.

Từ một câu tục ngữ xưa, TNM có thể có nhiều dị bản. Đó vừa là một đặc tính cơ bản của văn học dân gian, vừa là sản phẩm của thời đại công nghệ mới: sự phát triển của internet và mạng xã hội cho phép trong một thời gian ngắn, người ta có thể chia sẻ và bày tỏ ý kiến riêng của mình. Tâm lý lây lan, bắt chước đã giúp cho sự ra đời các biến thể mới thêm nhanh chóng và phong phú.

TỤC NGỮ XƯA

TỤC NGỮ MỚI

– Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.

– Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá.

Ðồng vợ đồng chồng húp nồi canh cũng cạn.

Thuận vợ thuận chồng… rút của công mới dễ.

Cưới vợ thì cưới liền tay,

Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha.

Cưới vợ thì cưới liền tay.

Chớ để lâu ngày vật giá leo thang.

Cưới vợ thì cưới liền tay.

Chớ để lâu ngày thành vợ người ta.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

– Gần mực thì…bia gần đèn thì… thuốc.

– Gần mực thì đen, gần đèn thì… cháy.

Không thầy đố mày làm nên.

Không thầy đố mày… ngồi yên.

Không mày đố thầy dạy ai?

Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa.

Ăn kỹ no lâu, cày sâu mau mệt.

Ăn ít lâu no, ăn nhiều hao của.

Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư

Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con…đi.

Cá không ăn muối cá ươn,

Chồng cãi lại vợ trăm đường thiệt thua.

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

Ăn trong nồi, ngồi trong xó.

Ăn trông nồi, ngồi trông người/đứa bên cạnh.

Ăn trông nồi , ngồi… chờ dọn sẵn!

Ăn trông “mồi”, ngồi trông… phong bì.

Loại thay đổi số lượng từ nhưng ý chính hầu như giữ nguyên, không đổi:

TỤC NGỮ XƯA

TỤC NGỮ MỚI

Được voi đòi tiên.

Được voi đòi Hai Bà Trưng.

Có độc mới đủ,

Có phũ như chó mới giàu.

Ki mới có,

Chó mới giàu.

Loại phát triển thêm vế câu mới, và ý tưởng cũng thay đổi.

Từ một câu tục ngữ dân gian gốc, TNM phát triển thêm một vế câu mới (đôi khi nhiều vế), để thể hiện một ý tưởng mới. Công thức chung của dạng này là:

Vế 1 – TNX, vế 2 – ý tưởng mới.

TỤC NGỮ XƯA

TỤC NGỮ MỚI

Vạn sự khởi đầu nan.

Vạn sự khởi đầu nan,

Gian nan bắt đầu nản.

Ôm rơm rặm bụng.

Ôm rơm rặm bụng,

Ăn vụng nhàn thân.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Chặt cây nhớ coi chừng cảnh sát.

Cái nết đánh chết cái đẹp.

Cái nết đánh chết cái đẹp,

Cái đẹp đè bẹp cái nết.

Kính lão đắc thọ.

Kính vợ đắc thọ.

Sợ vợ sống lâu.

Ðể vợ leo lên đầu là trường sinh bất tử.

– Khôn ba năm dại một giờ.
– Khôn ba năm dại một giờ.
Biết vậy dại sớm khỏi chờ ba năm.

Loại tục ngữ cải biên từ tên tác phẩm văn học, tên bài hát, nội dung thơ ca:

Trong lúc các CTCĐM có khá nhiều câu lấy tên tác phẩm, tên bài hát, câu thơ,… thì TNM có khá ít câu đi từ tác phẩm nghệ thuật: Một thời để yêu và một đời để trả nợ (gốc: lời bài hát Một thời để yêu và nhớ), Em nai vàng ngơ ngác, Quần chết bác ngựa săn (gốc: Con nai vàng ngơ ngác, Đạp lên lá vàng khô – thơ Lưu Trọng Lư, Tiếng thu).

Dù cải biên dưới hình thức nào thì tục ngữ cũng là sản phẩm của lịch sử. Nó cho thấy dấu ấn của thời đại mà nó sản sinh. Tục ngữ dân gian xưa thường có tính giáo dục, có khuynh hướng tích cực, hướng người nghe tới những giá trị tốt đẹp, động viên, khuyến khích họ kiên trì, bền bỉ phấn đấu để thành công. Tục ngữ mới thường có cách thể hiện ngược lại, mang tính tiêu cực, âm tính. TNX thường vừa có nghĩa cụ thể, vừa có nghĩa biểu trưng, có tính khái quát cao. Nhiều câu hàm chứa ý nghĩa sâu xa, ý tại ngôn ngoại. Khi cải biên, một bộ phận không nhỏ những câu TNM lại thường chỉ mang nét nghĩa cụ thể, nhận xét về một hiện tượng xã hội nào đó. Có phải là vì con người thời nay có cái nhìn bi quan về thời cuộc, cuộc sống hay có cái nhìn thiển cận hơn các thế hệ cha ông? Không hoàn toàn như vậy. Loại tục ngữ ít quan tâm đến nội dung này không hướng mục đích tới việc giáo huấn mà hướng tới việc gây cười, vì vậy ít có tính tư tưởng.

Những câu biến thể có giá trị đặc sắc về nội dung là những câu vừa có nghĩa hàm ngôn, vừa mang nghĩa hàm ẩn, và thường là những câu mang tính phản ánh, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Chẳng hạn, câu Được ăn cả, ngã… về hưu phê phán thực trạng việc những quan chức tham nhũng hiện nay khi đương chức thì ra sức bòn mót của dân, của nước, nếu không bị phát hiện thì “ăn cả”, nếu bị phát hiện thì dùng chiêu thức về hưu để hạ cánh an toàn. Khi về hưu thì vẫn ung dung tự tại. Không luật pháp nào xét xử họ – những con sâu đục khoét đất nước. Câu tục ngữ này còn có thể dùng để nói về những nước cờ quyền bính.

Câu Trăm hay không bằng tay… trong chỉ cái ghê gớm của sự móc ngoặc trong – ngoài đã vô hiệu hóa cái “trăm hay” của những người tài giỏi, tước đoạt cơ hội cống hiến của họ, tạo nghịch lý giữa tài năng, cống hiến và hưởng thụ, làm nhụt ý chí phấn đấu rèn luyện của những người trẻ.

Câu Tiên học lễ hậu học văn (), chỉ thay đổi một chữ, đúng hơn là chỉ bỏ bớt một phụ âm (“văn” bỏ “v” thành “ăn”) mà câu TNM Tiên học lễ hậu học… ăn đã mang một ý nghĩa, một nội dung hoàn toàn mới mẻ, khác biệt, thậm chí đối lập với câu tục ngữ gốc. Ngày xưa đi học, trước phải học lễ nghĩa, sau mới học văn tự, chữ nghĩa, kiến thức. Chữ Lễ (禮) trong Tứ thư, Ngũ kinh, trong tam cương, ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín 仁義禮智信) của Nho giáo vốn thiêng liêng và có một sức mạnh ghê gớm của một học thuyết lớn, chi phối gần 1/5 dân số toàn cầu. Câu tục ngữ mang tính giáo dục cao, hướng con người đến một phương châm sống: biết đối nhân xử thế, coi trọng lễ nghĩa, thuần phong mỹ tục của xã hội. Người có học trước hết phải là người có nhân phẩm, ứng xử có văn hóa, sau đó, phải là người có tri thức. Ngày nay, không ít người, muốn nên quan nên tước, trước học lễ lạt cấp trên, sau học ăn: ăn hối lộ của cấp dưới, ăn chặn, ăn bớt, bớt xén của công quỹ, của nhân dân, ăn hiếp những người thấp cổ bé họng,… Chữ “ăn” đã làm thay đổi căn cốt ý nghĩa chữ “lễ” trong câu tục ngữ xưa, khoác lên mình nó một phạm trù biểu đạt mới. Câu TNM chẳng những đã Việt hóa một câu tục ngữ gốc Hán, mà còn khái quát được một hiện tượng đang là vấn nạn của đất nước trong bước chuyển mình phát triển về kinh tế theo xu hướng của thời đại. Nó không dừng lại ở sự phản ánh mà còn hàm chứa thái độ phê phán. Dẫu chỉ có sáu chữ, nghe nhẹ như không, mà nó có sức công phá như một trái bom tấn. Có thể nói, sự học tập cổ nhân ở đây vô cùng sáng tạo và sự biến tấu hết sức đặc sắc, tài tình. Cả câu tục ngữ gốc lẫn câu tục ngữ cải biên đều đặc sắc, mỗi câu đặc sắc một cách.

Những câu TNM trên đều là những câu chỉ thay đổi một chữ thôi, nhưng ý tưởng mới lại đặc biệt hết sức thâm trầm, sâu sắc, giàu tính khái quát. Từ ngữ biến tấu sử dụng rất đắt, rất tài.

Một trường hợp khác: câu TNX Ăn trông nồi, ngồi trông hướng vốn giáo dục con người ta về sự ý tứ, tế nhị, lịch sự trong ăn uống, đứng ngồi, trong sinh hoạt hàng ngày. TNM sản sinh khá nhiều dị bản. Dị bản Ăn trông nồi, ngồi chờ… dọn sẵn thì phê phán sự lười nhác, trông chờ ỷ lại. Còn dị bản Ăn trông “mồi”, ngồi trông… phong bì lại chĩa mũi dùi công kích vào nạn phong bao, phong bì, một biểu hiện của tham nhũng và hối lộ, một vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam thời hiện tại. Cái đặc sắc của câu tục ngữ này nằm ở chữ “mồi”. Nó cũng khác TNX chỉ ở một phụ âm đầu (“m” trong “mồi” thay cho “n” trong “nồi”). Thế nhưng, chữ “mồi” ở đây vừa gợi người ta liên tưởng tới nghĩa “mồi nhậu”, vừa gợi người ta liên tưởng tới hình ảnh của những “con mồi”. Ăn trông “mồi” vẫn giữ được cái ý khi ăn uống phải ý tứ, đồng thời khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những bàn nhậu, những cuộc nhậu có mặt khắp nơi trên một đất nước mà đâu đâu, quán nhậu cũng mọc lên như nấm sau mưa, lượng tiêu thụ rượu, bia đứng hàng tốp đầu thế giới trong lúc kinh tế, GDP bình quân đầu người đứng sau tới một trăm mấy chục quốc gia (xếp ở thứ hạng 127/ 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tính đến ngày 2/6/2017). Nó còn khiến ngưới ta liên tưởng tới hình ảnh của kẻ săn mồi, rình mồi, ăn thì phải trông “con mồi” của mình gầy hay béo, dữ hay hiền để mềm nắn, rắn buông, ăn nhiều hay ít,…

Do người nghe thường chuẩn bị tâm thế nghe một cái kết quen thuộc, nghiêm túc, nên khi TNM dẫn tới một cái kết bất ngờ, khó đoán, một sự “lệch chuẩn”, thì thường có tính chất hài, gây cười.

2.1.2. Tục ngữ sáng tạo mới

Tìm tòi những câu tục ngữ có cách thể hiện mới

Bên cạnh sự kế thừa, tục ngữ mới còn thể hiện sự tìm tòi những cách diễn đạt mới:

Nội dung

TỤC NGỮ XƯA

TỤC NGỮ MỚI

– Sự chênh lệch, không tương xứng, thấp vói lên cao:

Đũa mốc chòi mâm son.

Cống rãnh sóng sánh với đại dương.

Chim cú đú phượng hoàng.

– Thật thà thường thiệt thòi

Thật thà là cha đứa dại

Thật thà ăn cháo,

Bố láo ăn cơm.

Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Lọc lừa luồn lách lại leo lên
/ lại lên lương.

– Sự bất tương xứng giữa thể xác và trí tuệ

Đầu óc ngu si,

Tứ chi phát triển.

Đầu to, óc bằng quả nho.

– Nghịch lý khi hoàn cảnh đổi thay.

Cá ăn kiến, kiến ăn cá

Em nai vàng ngơ ngác, quần chết bác ngựa săn.

Những câu tục ngữ thể hiện quan điểm mới, trái ngược với quan điểm của các thế hệ xưa

Nói về hình thức của một con người, xưa có câu: Cao chê ngỏng, Thấp chê lùn, Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn hở ra thể hiện sự khắt khe, cầu toàn trong việc nhận xét người khác hoặc trong chọn lựa đối tượng để kết hôn của những người khó tính, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Các bạn trẻ bây giờ đôi khi lại có quan niệm trái lại: Mập đẹp, cao sang, ốm dễ thương, lùn quý phái. Đó là quan điểm “không có người nào xấu…”.

Xưa, ế thì các bậc cha mẹ lo lắng. Quan điểm truyền thống thường là phê phán, giễu cợt những người đã lớn tuổi mà chưa có gia đình. Con gái lớn chưa có chồng, cha mẹ nóng ruột, coi là “bom nổ chậm” trong nhà. Giờ, giới trẻ chẳng những không lo lắng, vẫn ung dung và còn có vẻ tự hào: Ế là xu thế của thời đại. Nó không phải chỉ là sự biện hộ, mà phản ánh một sự thật đáng báo động ở các nước tiên tiến và ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Không chỉ ở các nước Âu, Mỹ, mà giờ đây, thanh niên các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng có xu hướng thích sống độc thân, ngại kết hôn. Việt Nam cũng không ra ngoài quy luật đó.

Xưa, đề cao đạo đức: Cái nết đánh chết cái đẹp. Nay, tưởng như vẫn giữ được nếp xưa, nhưng thực ra chạy theo hình thức, nhan sắc: Cái nết đánh chết cái đẹp, Cái đẹp đè bẹp cái nết.

Những câu tục ngữ hoàn toàn mới

Ngoài những câu ít nhiều có liên quan đến những gì TNX đề cập, TNM còn có những câu hoàn toàn mới về nội dung cũng như hình thức biểu đạt, kiểu như:

Chuẩn không cần chỉnh.

Ăn chơi sợ gì mưa rơi.

Người đẹp dao kéo.

Phi công trẻ lái máy bay bà già,…

2.2. Nội dung của tục ngữ mới

TNM là bức tranh, là tấm gương phản ánh xã hội Việt Nam hiện đại trên nhiều phương diện.

2.2.1. Tục ngữ mới phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội

Nội dung lớn nhất mà TNM thể hiện là sự phê phán những hiện tượng tiêu cực. Nó thể hiện nhu cầu và đặc trưng của văn học: phản ánh xã hội, thể hiện những bức xúc trong đời sống,…

Nó chê trách lối sống “mờ mờ nhân ảnh”, nhạt nhòa, vô nghĩa: Sống cho qua ngày, chờ ngày qua đời.

Nó trăn trở trước nghịch cảnh đã trở thành điệp khúc trong lao động, sản xuất nông nghiệp: Được mùa, mất giá/rớt giá.

Nó cho thấy cái trớ trêu của các ngành kinh doanh, ngân hàng: Đứng cho vay, qùy xuống đòi; cái nghịch lý trong mối quan hệ giữa đạo đức và sự hưởng thụ: Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm,

Các hiện tượng tham nhũng, hối lộ, chạy chức, ỷ quyền, nạn ô dù,… nhan nhản trong xã hội, không ngày nào, không thấy xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo. Tục ngữ mới phản ánh những hiện tượng này bằng những câu ngắn gọn:

Của công chia ba, của nhà chia đôi.

Ăn quen, nhịn không quen.

Tiền kho, bạc núi không bằng dấm dúi một chức.

Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một giây.

Gái đẹp nhờ vàng, quan sang nhờ quyền.

Sách mười bồ thua một ô che đầu.

TNM phản ánh thực trạng xã hội hiện nay: đạo đức xuống cấp. Nó phê phán lối làm ăn chụp giật, thiếu uy tín:

Đất lành chim đậu,

Chim chưa đậu đã nhậu hết chim.

Mời gọi đầu tư,

Trên rải thảm, dưới rải đinh;

TNM châm biếm lối hành xử, cạnh tranh không lành mạnh, vô đạo đức:

Tứ đẳng huyền đai không bằng dao phay chém lén.

Muốn thắng trong điền kinh thì tốt nhất vừa chạy vừa rải đinh…

Câu tục ngữ thứ hai này phê phán kép hai vấn đề làm nhức nhối dư luận xã hội: nạn đinh tặc và lối hành xử, cạnh tranh không chỉ không fair play mà còn phi nhân tính, phi đạo đức,…

TNM phơi bày bộ mặt thật của những kẻ sống vì tiền, giàu thủ đoạn:

Tài năng có hạn,

Thủ đoạn vô biên.

Yêu nhau vì sinh lý,

Quý nhau vì đồng tiền.

Yêu quý gì nhau! Chẳng qua, Yêu nhau vì sinh lý. Quý nhau vì đồng tiền. Có thể nói, đây là cách nói vỗ mặt, “nói thẳng đập mạnh”, vạch trần bản chất của những kẻ đạo đức giả, của cái mà nhiều kẻ rêu rao là tình nghĩa trong một xã hội mà đồng tiền ngự trị, khuynh loát. Những nhận xét, phê phán ở đây hết sức sắc nhọn.

TNM chỉ ra tình trạng tài năng không được tôn trọng. Việc tuyển dụng hay vị trí xã hội được cất nhắc là nhờ là: Nhất hậu duệ, Nhì quan hệ, Ba tiền tệ, Bốn huynh đệ, Năm trí tuệ; phản ánh tình trạng kỷ cương, phép nước không được tuân thủ, tôn ti trật tự không được giữ gìn:

Trên bảo, dưới không nghe.

Trên nóng, dưới lạnh.

(Tất nhiên những câu này còn có thể được người nghe hiểu theo nghĩa khác, tùy ngữ cảnh).

2.2.2. Tục ngữ mới phản ánh được những dấu ấn của thời hiện đại

Thời đại của internet, của toàn cầu hóa. Xu hướng hội nhập với thế giới. Tiếng Anh lên ngôi… ghi dấu trong những câu thành ngữ, tục ngữ:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là
hack (cướp), cướp ngày admin (quản trị mạng).

Ta về ta tắm ao ta,

Forever alone (vĩnh viễn đơn độc).

Phản ánh được những khía cạnh nào đó của thời hiện đại: những biến đổi trong xã hội hiện đại: sự xuất hiện của hiện tượng mới, những yếu tố mới.

Bể học vô biên…

Quay đầu là hiphop.

Đã xấu mà lại còn xa

Đã sida lại còn xông pha hiến máu.

Khi hiện tượng đồng tính, giới thứ ba trở nên công khai, được xã hội thừa nhận, với sự ra đời của nhiều bài báo, nhiều bộ phim, thì những từ nói về họ cũng xuất hiện trong tục ngữ, thành ngữ của giới trẻ.

Đẹp trai nhưng hai phai (hi-fi)

Hi-fi là âm đọc Việt hóa tiếng Anh của từ high fidelity (độ trung thực cao), vốn được dùng nhiều trong kỹ thuật và toán học, nhất là dùng cho máy móc điện tử. Các bạn trẻ đã dùng từ này làm tiếng lóng để chỉ những người đồng tính, do “high” có âm đọc giống “hai”, ngầm chỉ người có hai giới tính.

Trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng.

Đẹp nhờ dao kéo/ Người đẹp dao kéo.

Khi sắc đẹp lên ngôi, đầy những cuộc thi hoa hậu, người mẫu, người đẹp, thời trang,… thì cũng xuất hiện những câu như nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên để nói về những scandal của sao Việt và bóng tối ở hậu trường của showbiz, hay cụm từ người đẹp dao kéo cho thấy trào lưu hình thức và sự phát triển của công nghệ thẩm mỹ đã cho ra đời hàng loạt những nhan sắc công nghiệp.

Xu hướng yêu và kết hôn giữa những nam thanh niên trẻ với những người phụ nữ lớn tuổi hơn ngày càng phổ biến đã cho ra đời câu Phi công trẻ lái máy bay bà già.

Những câu TNM trên như những mảnh ghép phản ánh cho thấy những thay đổi trong đời sống hiện đại: căn bệnh thế kỷ sida, trào lưu hip hop, cuộc cách mạng công nghệ 4.0,… xoay quanh những chủ đề: gia đình, tình yêu, tình bạn, việc học tập, làm việc,…

2.2.3. Tục ngữ mới có khi là một lời cảnh báo, cảnh tỉnh

Hãy cứ chơi cho hết đời trai trẻ,

Để về già lặng lẽ đạp xích lô.

Muốn giàu nuôi cá,

Muốn khá nuôi heo,

Muốn nghèo… nuôi gái.

Tham ăn hôm trước,

Tù rước hôm sau.

Học mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ,

Chơi mà không học bán rẻ tương lai.

2.2.4. Tục ngữ mới thể hiện ước mơ, nguyện vọng của tuổi trẻ

Tuy có số lượng không nhiều, nhưng TNM có những câu thể hiện niềm mơ ước, sự phấn đấu và phong cách sống mới của không ít người trong lớp trẻ: Một vợ, hai con, ba lầu, bốn bánh.

Ở đó thể hiện khát vọng làm giàu và lối sống hiện đại.

2.2.5. Một số nội dung khác

Tản mát, TNM có một số câu thể hiện nội dung khác, kiểu như: một nhận xét hay một cách hành xử:

Bình thường như cân đường, hộp sữa.

May mắn đã mỉm cười.

một thái độ sống:

Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở.

hay có khi là một tâm trạng:

Không thể hoãn cái sự sung sướng lại…

2.3. Nghệ thuật của tục ngữ mới

2.3.1. Tục ngữ mới kế thừa những phương pháp nghệ thuật truyền thống

Chơi chữ: TNM có nhiều cách chơi chữ:

+ Nói lái:

o Cố quá thành quá cố,

o Đơn giản như đang giỡn (phương ngữ và cách phát âm miền Nam, “đơng giảng” nói lái thành “đang giởng”).

+ Dùng từ đồng âm khác nghĩa:

o Học đi đôi với hành, Hành đi đôi với tỏi,

+ hay hình thức chơi chữ bằng cách dùng cùng phụ âm đầu:

o Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt,

Lọc lừa luồn lách lại leo lên/ lại lên lương.

+ Lối đối chữ, đối ý: Phi công trẻ lái máy bay bà già (đối lập già – trẻ), Yêu nhau trong sáng,

phang nhau trong tối (đối lập sáng – tối, yêu nhau – phang nhau).

Nhân hóa:

o Học mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ,

Chơi mà không học bán rẻ tương lai.

Lối ví von:

o Chuyện nhỏ như con thỏ.

o Trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng.

Dùng ẩn dụ, hoán dụ:

o Cống rãnh sóng sánh với đại dương.

o Được ăn cả, ngã… về hưu.

Vần: cũng như tục ngữ truyền thống, tục ngữ mới có nhiều cách sử dụng vần khá linh hoạt, nhưng chủ yếu là vần liền và vần cách:

+ Vần liền:

· Đau đầu vì tiền, điên đầu vì tình.

Dường như suốt bao thế kỷ người ta vẫn không ngừng đau đầu, điên đầu vì hai chữ tiềntình. Mãi mãi, tiềntình là bài toán khó của muôn đời.

+ Vần cách:

· Dân thường chơi đẹp,

Đè bẹp dân chơi.

· Nhan sắc có hạn,

Thủ đoạn vô biên.

2.3.2. Yếu tố hài trong tục ngữ mới

Một đặc điểm nổi bật của tục ngữ, thành ngữ và những CTCĐM là yếu tố hài thể hiện khá phổ biến và nhiều khi đậm đặc trong tác phẩm.

Có lẽ, đối tượng chính tham gia sáng tạo TNM là thanh niên – những người ưa khám phá, tìm những cách nói mới lạ, ưa lối vui đùa, tếu táo, cách nói phóng khoáng,… – đã tạo nên tính chất hài hước này.

Có khi cái hài chỉ là cái cười nhẹ nhàng, vô thưởng vô phạt:

Thú vui tao nhã,

Giặt tã cho con.

Đây có thể là một sự trần tình hay một sự châm chọc, hài hước nhẹ, đối lập sự “tao nhã’ lịch lãm, quý phái với việc “giặt tã” gắn với phân bổi, nhếch nhác, dơ dáy,…

Có khi, cái hài thể hiện qua một sự phê phán nhẹ:

Không phải chú dốt…,

Chỉ vì mẹ chú quên cho i-ốt vào canh.

Thực ra phê phán người khác dốt là sự phê phán rất nặng, nhưng trong một số trường hợp không thể không nói. Câu đầu là phủ định. Nhưng phủ định một cái xấu (sự ngu dốt), thì hóa ra lại trở thành bênh vực (“không phải chú dốt”). Câu thứ hai biện hộ cho sự bênh vực đó. Mọi tội lỗi không phải do chú, mà do một tác nhân bên ngoài: một nguyên nhân hết sức đơn giản: mẹ chú quên nêm muối i-ốt vào canh. Câu thứ hai vừa cứu vãn tình thế khó xử (là phê phán người khác ngu dốt) vừa thể hiện được những kiến thức hiện đại (i-ốt giúp người ta thông minh hơn) với lối thể hiện mang phong cách cao đàm nhã ngữ. Nụ cười ở đây rất có duyên đã khiến cho sự nhận xét, phê phán trở nên tinh tế, nhẹ nhàng. Phủ định để khẳng định. Bằng một nụ cười hóm hỉnh, tác giả phê phán được đối phương mà làm cho người khác không thể giận hờn, phật ý.

Còn ở câu:

Đã xấu mà lại còn xa,

Đã sida lại còn xông pha hiến máu.

thì câu đầu là một sự chơi chữ (xấu – xa), lối điệp cấu trúc “đã… (mà) lại còn” bồi thấn, tăng tiến: có những người chưa đủ điều kiện về vật chất, về đạo đức vẫn hăng hái tham gia một việc gì đó… Từ tiếng cười nhẹ ở câu đầu, đến đây, tiếng cười bật ra bởi mâu thuẫn tiềm tàng: hiến máu là để cứu người. Nếu bị sida mà hiến máu thì là giết người! Đây là lời cảnh báo một cách hài hước về sự nguy hiểm: nhiệt tình + dốt nát (hoặc thiếu đạo đức) là thành phá hoại. Có khi là tội ác.

Câu tục ngữ trên có sự gặp gỡ về mặt ý tưởng với một câu tục ngữ Hàn Quốc:

목 매단 사람을 구한다면서 그 발을 잡아 당기다

(Phiên âm: Mok metan saramưl kuhantamyeonseo kư balưl japa tangkida)

Cứu người treo cổ bằng cách kéo chân người đó.

Và cũng có chung một nhận thức với câu tục ngữ Nhật:

世の中に馬鹿ほど怖いものはない。

(よのなかに ばかほど こわい ものは ない。Phiên âm: Yononaka ni baka hodo kowai mono ha nai).

Ở trên đời không có gì đáng sợ bằng sự ngu dốt.

(Tục ngữ Nhật – Việt, tr. 486).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ngày 11- 6 -1948 đã gọi sự dốt nát là “giặc”, và đặt sự nguy hại, sức tàn phá của nó ngang với “giặc ngoại xâm” (giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm). Người phát động một phong trào thi đua ái quốc rộng khắp cả nước mà mục đích của hai tiếng “ái quốc” được Người xác định rõ là “phải: Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm”.

Ở đây, tiếng cười của câu tục ngữ mới nghe nhẹ như không, nhưng câu tục ngữ đã đặt ra một vấn đề hết sức sâu sắc: mối nguy hại của sự ngu dốt. Qua đó, nó góp phần thức tỉnh ý thức trách nhiệm của những người trẻ tuổi trong công việc, trong đời sống, và đặc biệt là đối với vận mệnh quốc gia: không thể đưa đất nước đi lên chỉ bằng sự nhiệt tình, mà còn phải bằng tri thức, khoa học và bằng sự thông minh, hiểu biết.

Tính chất hài được các bạn trẻ sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ngay cả những vấn đề nghiêm túc như sự nghiệp, hay tình cảm đối với mẹ cha cũng được các bạn trẻ đưa ra đùa vui, tếu táo:

Sự nghiệp phải có chỗ đứng,

Trên giường phải… cứng chỗ đó.

Gái gú là phù du,

Thầy u là vĩnh cửu.

Cách sử dụng từ “gái gú” ở đây có vẻ khá bụi bặm. Nhưng cả câu vẫn toát lên một quan điểm sống đáng trân trọng: việc ăn chơi chỉ là phù du, nhất thời (bởi vậy có lẽ nên tránh), còn tình cảm, nghĩa vụ và lòng hiếu thảo đối với mẹ cha mới là cái lâu bền, mãi mãi. Hiểu biết và trân trọng những giá trị truyền thống đã làm nên giá trị cho câu tục ngữ này.

Tính hài hước của tục ngữ mới chẳng những giúp cho người nghe dễ thuộc, dễ nhớ tác phẩm mà còn giúp họ vui vẻ, xả được stress.

Tuy nhiên vẫn có những bài mặc dù có thể gây cười nhưng hàm lượng văn hóa chưa cao.

2.3.3. Một số câu tục ngữ mới thể hiện tính triết lý

Một số câu lật qua lật lại vấn đề, qua đó thể hiện những trăn trở về cuộc sống:

– Làm giàu không khó, nhưng khó ở chỗ làm mãi mà không giàu.

– Ngu không phải là cái tội, mà cái tội là không biết mình ngu.

Tính triết lý đã làm nên ý tưởng khá sâu sắc cho những câu TNM kiểu như:

Đàn ông có tiền dễ hư,

Đàn bà hư dễ có tiền.

Sòng bạc tạo nên người điên,

Tình trường tạo nên người ngu.

Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực sẽ lên ngôi.

Sống đơn giản cho đời thanh thản.

Với tính triết lý, TNM có những câu đưa ra những cách đặt vấn đề mới mẻ – ám ảnh, day dứt ý thức của cả một thế hệ, một đất nước, dân tộc:

Đừng tự hào vì mình nghèo mà giỏi,

Hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo.

3. Kết luận

Tục ngữ Việt Nam mới là một hiện tượng văn hóa, ý thức xã hội không đi ra ngoài quy luật chung: đúc kết kinh nghiệm và tri thức của nhân dân. Nó ngắn gọn, súc tích, có vần điệu nên dễ lưu truyền. Nó vừa kế thừa được phương thức sáng tạo, tinh thần, tư tưởng và nghệ thuật của tục ngữ dân gian truyền thống của người Việt vừa tìm tòi những cách thể hiện mới. Nó cho thấy nhiều khía cạnh của đời sống xã hội Việt Nam hiện đại: sự thâm nhập của tiếng Anh, những trào lưu của giới trẻ, những hiện tượng, những vấn nạn trong đời sống,… Nó là tiếng lòng của bao người dân phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội với mong muốn làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh, để đủ sức vươn xa. Nó góp phần cho thấy sự biến đổi, phát triển của đời sống ngôn ngữ xã hội, đồng thời phần nào cho thấy đời sống tâm lý của giới trẻ.

Tục ngữ mới có những câu sâu sắc, mang giá trị muôn đời, đồng thời có những câu hàm lượng văn hóa chưa cao, tính khái quát, tính phổ biến chưa sâu rộng, hoặc câu chữ còn cần gọt giũa thêm và thời gian sẽ chọn lọc, đào thải. Dù còn một số hạn chế, tục ngữ mới đã có những thành tựu nhất định. Một số câu khá thú vị, đặc sắc. Trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến nhanh như vũ bão, thể loại văn học dân gian này không chỉ truyền miệng mà còn truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua internet, qua mạng xã hội. Vì vậy, sự lan tỏa hết sức nhanh và rộng. Chúng ta tìm hiểu tục ngữ mới để thấy cái đặc sắc, thú vị cũng như thấy được cái hạn chế của chúng. Tục ngữ mới cần được những người làm công tác xã hội, công tác thanh niên, các nhà giáo dục,… quan tâm để có thể điều chỉnh, tránh cho các bạn trẻ những tâm lý lệch lạc, những tư tưởng cực đoan, những cách nói chưa thật văn hóa,… và góp phần làm cho những viên ngọc sáng trong tục ngữ mới lan tỏa. Cập nhật và vận dụng tục ngữ, thành ngữ mới vào việc dạy tiếng chẳng những góp phần giúp giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn giúp cho việc học tiếng Việt của sinh viên nước ngoài thêm hứng thú.

TÓM TẮT:

VÀI NÉT VỀ TỤC NGỮ MỚI

Ts. LÊ THỊ HỒNG MINH

Khoa Việt Nam học

ĐH KHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh

Tục ngữ là một hiện tượng văn hóa, ý thức xã hội. Tục ngữ mới không đi ra ngoài quy luật chung: đúc kết kinh nghiệm và tri thức của nhân dân. Nó ngắn gọn, súc tích, vừa kế thừa được phương thức sáng tạo và nghệ thuật của tục ngữ dân gian truyền thống, vừa tìm tòi những cách thể hiện mới. Nó cho thấy nhiều khía cạnh của đời sống xã hội Việt Nam hiện đại, góp phần cho thấy sự biến đổi, phát triển của đời sống ngôn ngữ, tâm lý của giới trẻ… Hiểu cái đặc sắc, thú vị cũng như thấy được cái hạn chế của nó, cập nhật và vận dụng vào việc dạy tiếng, chẳng những góp phần giúp giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn giúp cho việc học tiếng Việt của sinh viên nước ngoài thêm hứng thú.

ABSTRACT

SOME FEATURES OF THE NEW PROVERBS

LE THI HONG MINH, PhD.
Faculty of Vietnam Studies,
University of Social Sciences and Humanities, Vietnam National University – Ho Chi Minh City

Proverbs are a cultural phenomenon which reflects social consciousness. The new proverbs do not go beyond the general rule: encapsulating the experience and knowledge of the people. They are concise, and inherit the creative and aesthetic characteristics of traditional folk proverbs while exploring new ways of expression. They reflect many aspects of the modern Vietnamese social life, and thus show the transformation and development of the language and the psychology of the youth. Understanding their unique and interesting features as well as their limitations and using them in teaching Vietnamese not only help teachers improve their teaching effectiveness but also make learning Vietnamese more exciting for foreign students.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Joe Ruelle (2012a). Ngược chiều vun vút. (In lần thứ 9). Hà Nội: Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

2. Joe Ruelle (2012b). Tớ là Dâu. (In lần thứ 3). Hà Nội: Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.

3. Hứa Ngọc Tân & Vương Kế Cầm (2011). “Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa cụm từ cố định mới tiếng Việt”, Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt lần thứ nhất. Bình Châu (tài liệu in nội bộ).

4. Lê Huy Khảng – Lê Huy Khoa (2003). Tục ngữ – thành ngữ tiếng Hàn. TP. Hồ Chí Minh: Trẻ.

5. Nguyễn Thị Hồng Thu (Biên dịch) (2001). Tục ngữ Việt – Nhật. Hà Nội: Văn học.

6. Trần Văn Tiếng (2005). “Con đường hình thành các cụm từ cố định trong tiếng Sài Gòn”. Một số vấn đề về phương ngữ xã hội. TP Hồ Chí Minh: Khoa học Xã hội, tr.229-272.

7. Tony buổi sáng (2014). Cà phê cùng Tony. Hà Nội: Lao động.

8. Tony buổi sáng (2017). Trên đường băng. (Tái bản lần thứ 11). TP Hồ Chí Minh: Trẻ.

9. Vũ Ngọc Phan (1997). Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam. (In lần thứ 10). Hà Nội: Khoa học Xã hội.

** Bài Vài nét về tục ngữ mới được in trong Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay, Tập 2, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr. 780 – 792.

(Some Features of the New Proverbs was printed in Issues of Teaching Vietnamese and Studying Vietnam in the Today’s World, 4th International Conference on Vietnamese Studies, Conference Proceedings, VNU HCM Press, 2019, p.780 -792).


* Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.

Comments are closed.