Vài sinh hoạt trong thơ đấu tranh Châu Phi (1)

Ngu Yên

Sự thành công hay thất bại của một bài thơ đấu tranh có giá trị nằm trong diễn trình sinh hoạt của bài thơ. Diễn trình sinh hoạt là mấu chốt của mọi bài thơ, mọi thể thơ, nhất là những loại thơ mang tính thuyết phục. Cho dù là thơ Cụ Thể, thơ Hài Cú, thơ Siêu Thực, thơ Hậu Hiện Đại… đều có diễn trình sinh hoạt, dĩ nhiên là lề lối sinh hoạt khác nhau. Diễn trình sinh hoạt có thể tạm coi như là một sân khấu đang diễn một vở tuồng. Gồm có nội dung (có truyện hoặc không có), nhân vật, hành động, lời nói/chữ nghĩa, v.v. diễn tiến và cốt lõi.

Diễn trình sinh hoạt của thơ đấu tranh không thể thành công nếu không đạt được sức thuyết phục. Sức thuyết phục trong thơ đấu tranh không thể thành công nếu không đạt được lòng cảm động. Lòng cảm động trong thơ đấu tranh không thể thành công nếu không đạt được sự thật và chân thật. Sự chân thật trong thơ đấu tranh không thể thành công khi không đạt được nghệ thuật hóa của thi ca. Cho dù là hư cấu, phải khiến người đọc tin là chuyện thật. Bài thơ đấu tranh khó có thể có giá trị nếu thiếu đi những yếu vận kể trên.

Khác với sân khấu, sinh hoạt thơ không cần “nặng” lý luận mà vẫn “nặng” tư tưởng. Có thể nói: Lý luận là người bạn không tốt hoặc hơn nữa, có thể là kẻ thù của thơ. Nói như vậy không có nghĩa là thơ không cưu mang lý luận nhưng thơ có cách lý luận riêng không giống định nghĩa về lý luận.

Khi triết gia Platon định nghĩa người là con vật hai chân, không có lông vũ, triết gia Diogenes đã nhổ hết lông một con gà trống, mang lại trước trường dạy học của Platon, giơ lên mà nói: Đây là con người của Platon”. Luận lý của Platon là luận lý có điều kiện: “hai chân” và “lông vũ”. Luận lý của Diogenes là luận lý cách sơn đả ngưu, dùng biểu tượng chứng minh ý niệm, dùng cụ thể chứng minh trừu tượng. Bỏ qua luận lý triết học, cách lý luận của Diogenes thường thấy trong thơ. Không phải ở khía cạnh phản bác ý niệm con người của Platon mà chính là làm cho định nghĩa của Platon thấm thía hơn, không phải rõ ràng hơn, cũng không phải đúng hơn. Lý luận thơ là lý luận làm cho cảm nhận rung động, tâm tình sâu sắc và trí tuệ loé sáng. Những lý luận theo khoa bảng, toán học hoặc lý thuyết thường làm cho thơ thất bại hoặc giả tạo.

Khi đi sang nước Sở, Trang Tử thấy cái đầu lâu đã khô song vẫn còn nguyên vẹn. Ông nhấc nó lên rồi hỏi rằng: Có phải ngươi tham sống quá mà còn nguyên như thế này? Hay ngươi ở đây vì đất nước chiến tranh? Hay vì bị một rìu chặt đứt mà lăn ra đây? Có phải ngươi làm điều xấu để hổ mặt cha mẹ vợ con? Hay ngươi chết vì đói rét? Hay vì số ngươi đã tận?”. Rồi Trang Tử mang đầu lâu về. Ăn ngủ để cạnh bên. Trong chiêm bao, đầu lâu hiện ra, trả lời: Ông chỉ nói những lời biện thuyết, nhắc đến những thống khổ giày vò của người sống. Những chuyện này không có trong cõi chết…”. Đương nhiên Trang Tử không nói về cõi chết. Cái đầu lâu chỉ là cái cớ nói ra cõi chết cho cõi sống giật mình và thâm thúy hơn. Bạo quyền trên mặt đất này phát sinh từ sự “tham” sống. Chiến tranh, khổ đau, ly tán phát xuất từ cách sử dụng uy quyền của lãnh tụ. Cái đầu lâu của dân hay của lãnh tụ đều như nhau. Kẻ bạo quyền và kẻ bị bạo quyền đều giống nhau sau cõi sống. Những điều Trang Tử nhắc lại là những điều bình thường trong cõi người ta. Bình thường đến đỗi quen thuộc rồi xem như là lẽ đương nhiên hoặc lẽ tự nhiên. Vì sao con người làm ngơ trước bạo quyền? Vì họ đã quen thuộc với nó. Vì sao kẻ bị bạo quyền lại không phản kháng? Vì họ xem đó là lẽ đương nhiên. Nếu nghèo sẽ bị giàu sai bảo. Nếu yếu sẽ bị mạnh cai trị. Nếu là dân thì phải bị nhà cầm quyền lãnh đạo. Trang Tử nhắc lại, đánh thức cái lý lẽ đương nhiên để bộc lộ một lý lẽ đương nhiên khác: Quyền sống không bình đẳng của con người vì con người sẽ bình đẳng trong cõi chết. Luận lý này bắt gặp thể hiện trong thơ đấu tranh của Châu Phi. Đấu tranh nhân quyền thực chất không phải là đấu tranh bình đẳng vì bình đẳng không bao giờ có trong cõi sống. Hãy nhìn lại lịch sử, hãy tìm vào tôn giáo, hãy lục soát tận cùng tâm hồn, tận cùng sự sống, có không? Quyền làm người không phải là quyền làm người giống nhau. Nhân quyền được đấu tranh là quyền sống của sự không bình đẳng. Nếu đã không bình đẳng mà không có quyền làm người thì còn là con người hay sao?

Từ xương tủy này, quay về lại với diễn trình sinh hoạt. Đi gần với nghệ thuật hơn, diễn trình sinh hoạt trong thơ không phải là vở tuồng trên sân khấu. Là một xã hội giới hạn sinh động trong thời gian của bài thơ. Có bắt đầu sự sống, có quá khứ là những câu thơ đã viết, có hiện tại là chữ nghĩa hạ trần xuống giấy, có tương lai là những câu thơ sắp ra đời và có kết thúc. Thi sĩ chẳng biết được tương lai ở đâu và khi nào hết. Sinh hoạt bên trong thay đổi, biến hóa ra sao, chẳng ai rõ. Nếu công nhận nghệ thuật là sáng tạo thì sáng tạo là không biết trước. Diễn trình sinh hoạt trong thơ là sự sống là sáng tạo, cho dù có lắm điều đã dự định.

Mỗi bài thơ có mỗi diễn trình sinh hoạt. Những diễn trình này nằm trong dòng diễn trình sinh hoạt của sự nghiệp thi ca của mỗi thi sĩ.

1.

Nội dung của bài thơ căn bản nhất là biểu hiện tâm tình và kinh nghiệm về một sự kiện, sự việc, muốn chia sẻ. Kinh nghiệm càng sâu sắc, càng đậm đặc, ý thơ càng mạnh, tư tưởng thơ càng có sức thuyết phục. Kinh nghiệm trăn trở này như Trang Tử ăn ngủ với đầu lâu bên cạnh, năm này tháng nọ cho đến một chiêm bao, đầu lâu mới bật sống hiện về đối thoại. Chính vì băn khoăn thao thức với kinh nghiệm nên khi bức xúc thành thơ, tâm tình sẽ phản ứng với rung cảm mạnh. Rung động mạnh sẽ tự nhiên đẩy ra những lời thơ đánh động tâm tình của người viết và sẽ gây cảm xúc cho người đọc.

Phong trào Biểu Hiện (Expressionism) thường sử dụng kỹ thuật này. Ý niệm và tư tưởng đương nhiên là có nhưng không quan trọng bằng lực cảm động làm rung cảm tâm tư của cả hai, trước là sáng tác sau là thưởng ngoạn. Áp lực của lực cảm động sẽ gây bùng nổ ra ý tứ và lời thơ từ đó tạo ra một không khí đặc thù, một tâm trạng riêng tư cho bài thơ này.

Một thi sĩ có thể thao thức trăn trở nhiều kinh nghiệm khác nhau trong đời sống nhưng sẽ có một kinh nghiệm trong đám kinh nghiệm kia xuất hiện đúng lúc cho bài thơ thành lời. Thông thường thi sĩ hay đeo đuổi một kinh nghiệm bức xúc nhất để suy tư rồi sẽ có một lúc thơ bật ra không ngăn nổi. Điểm nhấn ở đây là không phải loại kinh nghiệm kể lể. Loại kinh nghiệm kể lại mùi mẫn, ru hồn sẽ trở thành loại thơ lãng mạn, có tính tê dại tâm tình của viết và đọc trong thời gian ngắn ngủi, thông thường mang những lời thơ giả tạo, có tính biện minh, biện hộ hoặc du thuyết, không cảm được sự chân thật trong tâm tình diễn tả. Kinh nghiệm để biểu hiện chính là diễn tả ý nghĩa của kinh nghiệm, còn cảnh tượng, hình hài của kinh nghiệm có hay không, không cần thiết. Dẫn bài thơ của thi sĩ Nam Tư, Sipho Sepamla. Nội dung về sự sợ hãi. Sợ hãi chính là nguồn gốc của hèn nhát tạo ra tinh thần bị trị. Muốn hết hèn nhát thì phải hết sợ. Muốn có can đảm phải vượt lên sợ hãi. Dân tộc nào có bản tính sợ, dân tộc đó hèn. Mặt dưới của hèn là quì gối, cúi đầu, năn nỉ, xin xỏ, sá gì lương tâm, sá gì tự trọng. Mặt trên của hèn là tham lam, hống hách, sá gì lương tâm, sá gì tự trọng. Người yêu quê hương là người thao thức về những gì đang nội tại khiến cho dân tộc và quê hương phải điêu linh. Nếu quê hương nằm trong một kết quả tang thương thì không chỉ tại những nguyên nhân gần mà từ lâu, cái nguyên căn là đâu?

Nói về sợ hãi

từ lâu

chúng ta chạy trốn lòng sợ hãi

nỗi sợ vô hình

chúng ta trăn trở ngày đêm

chỉ để thấy

sợ hãi đăm đăm nhìn thẳng vào mặt

những ngày đó

khi chúng ta đi trong hồi hộp ngu đần

sợ cả tiếng xào xạc trên cây

dù lá được ví như tai nghe ngóng

những ngày đó

sợ hãi quay chúng ta vòng vòng bằng ngón tay

thả ra khi muốn

bóp chặt không động lòng

về đêm

từng bước chân ngoài sân

giẫm lên linh hồn lạnh lẽo

mỗi tiếng gõ cửa

đóng đinh tinh thần

khi thời cơ bắt bớ lên cao độ

nói chuyện thì thầm là liên hệ tình nghi

chúng ta nghe nói về thẩm vấn tra tấn

chửi rủa thô tục

như đàn ngựa sút cương

chen nhau phóng chạy

nghe đôi môi bị bạo quyền hành hung

tiếng gào thét vì sắt nung tra khảo

những hành động dã man

được hợp pháp

rồi an ủi

rồi tự nghĩ

sợ hãi thâm nhập khắp nơi

hôm nay đào sâu nơi này

ngày mai bới rộng nơi kia

như con chuột chũi

và chúng ta thề khinh bỉ nỗi sợ

đây là niềm tin

chúng ta sẽ chiến thắng sợ hãi

(On Fear, Sipho Sepamla)

Có bao lần người thật sự tự hỏi lòng: Cái gì là quê hương? Núi non sông biển làng tỉnh thành phố con đường…? Không. Con người. Chính ông bà cha mẹ bà con anh em bạn bè người quen, người dân là quê hương. Quê hương là sản phẩm của con người. Vì vậy nếu một quê hương thất bại là chính do người dân thất bại. Nhà cầm quyền cũng là người dân. Họ có lỗi? Đúng. Dân không có lỗi? Sai. Cả nhà cầm quyền và dân đều có lỗi. Cái lỗi này là kết quả của những hành xử sai lầm của cả hai: nhóm thiểu số có quyền hành và nhóm đa số bằng lòng với số phần. Còn nhóm thiểu số trong nhóm thiểu số có quyền hành, họ có mâu thuẫn với nhóm đa số có quyền hành nhưng vì thủ thế vì sợ hãi, chẳng dám làm gì. Họ cũng sai lầm. Những bằng lòng để được an toàn, những nhu nhược để thở qua ngày, những biện hộ để yên tâm được thi sĩ Nam Tư, Keoraoetse Kgositsile diễn đạt trong nội dung bài thơ Mirrors, Without Song:

Gương soi, không tiếng hát

Này người anh em, đừng nói là đưa tay ra

sẽ chạm đến hồn tôi. Hồn này

sâu thẳm với mong manh

và hiểu được cái chết của anh.

như vậy có gì khác không

răng tôi thường lộ liễu thế nào

khi tôi cười mỗi ngày mỗi ít?

Buổi sáng không buồn thức dậy

mắt nhìn qua cửa sổ

than thở, hay tiếc thương

chuyện này ngày kia đã lãng phí

Tôi chết trong cõi đời

và sống trong cõi chết

trong trí tôi, tiếng cười

mỗi ngày mỗi ít

Bây giờ anh thấy chưa

mọi ngày, như người nô lệ,

ngẩn mặt vô danh,

vô sinh như tấm gương in hình người chết khác?

Người anh em, tôi cười mỗi ngày mỗi ít

đừng nói sẽ đưa tay ra

chạm đến hồn tôi. Hồn này

sâu thẳm với mong manh

và hiểu được cái chết của anh.

(Mirrors, Without Song, Keorapetse Kgositsile)

Trong một bài thơ khác nhan đề Kinaxixi của thi sĩ Angola, Augustinho Neto, ông cho thấy tâm trạng bình thường hóa, gia nhập vào đời sống bị trị một cách nhu nhược. Có lẽ đây cũng là câu chuyện “tắc kè” chung của nhân loại. Con người không những giống một số thú vật cần được sinh tồn nên phải thay đổi để lẫn lộn với thiên nhiên. Con cọp cứ vằn vện, không cần thay màu da, vì nó mạnh, vì là chúa tể sơn lâm. Những con vật yếu thường hay thay đổi hình dạng, sắc màu để ẩn núp kẻ thù. Những con vật độc thường thay đổi, dựa vào sự lầm lẫn để săn mồi, để hại kẻ khác. Ngoại trừ một số con vật, thay đổi hình dong, sắc màu, hay hơn, đẹp hơn bởi vì nó có nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ làm đẹp cuộc đời. Không phải tự dưng mà Trang Tử chọn cánh bướm để hỏi đời chiêm bao. Ai chiêm bao ai? Hơn con vật, con người còn sử dụng phần tinh nhuệ trí óc để mau mau được hóa thân, hóa sắc phù hợp môi trường chung quanh. Không những chỉ để sinh tồn mà để vinh thân phì da. Một bản lãnh yếu ớt, cho dù có tài năng, có trí tuệ, có cơ hội, cũng chỉ có một cuộc đời xớ rớ.

Tôi thích thú được ngồi

trên ghế dài ở Kinaxixi

lúc 6 giờ trong chiều hực nóng

rồi chỉ ngồi như vậy …

Người nào đó

có thể

đến ngồi bên tôi

Cho tôi thấy những khuôn mặt da đen

những người lên phố lớn

không vội vàng

cử chỉ lơ đễnh

ăn nói lộn xộn bằng tiếng Bantu

Cho tôi thấy những bước chân mỏi mệt

của đầy tớ kế thừa công việc cha truyền

tìm kiếm tình thương, khá giả nơi này

khác hơn là say sưa

rượu gì cũng uống

Không hạnh phúc cũng không thù hận.

Sau khi mặt trời lặn

ánh đèn sẽ mở lên

tôi sẽ đi mất

nghĩ rằng, cuối cùng đời sống thật đơn thuần

rất đơn giản

cho những ai chán nản mà vẫn phải đi.

(Kinaxixi, Augustinho Neto)

Những tâm tư hèn mọn thường co cụm ôm lấy cá nhân mình đời này và đời sau. Bảo vệ an toàn riêng tư bằng làm ngơ trước lương tâm nhân chứng. Bảo toàn một chỗ yên ổn đời sau:Lạy Chúa! Con yêu Chúa. Con cũng yêu bà con láng giềng. Amen.” lấy giá trị đời sau mà biện hộ đánh đổi cho giá trị đời này. Tôn giáo là việc cần thiết cho đám đông nhưng không nhất thiết cần cho mỗi người. Trong xã hội, đôi khi cho rằng cứ khoanh tay là bình chân như vại. Thi sĩ Nam Tư Oswald Mtshali diễn đạt độc đáo trong bài thơ Just a Passerby:

Chỉ là người qua đường

Tôi thấy họ đánh anh ta bằng gậy

nghe anh kêu gào đớn đau

như nạn nhân bị đồ tể

Tôi ngửi thấy mùi máu tanh phun ra

từ mũi anh

tung tóe xuống đường

Tôi đi vào nhà thờ

quỳ gối trên ghế dài

Lạy Chúa! Con yêu Chúa

Con cũng yêu bà con láng giềng. Amen.

Tôi đi ra

trái tim nhẹ nhõm như nụ hôn thiên thần

phớt trên má của linh hồn thánh thiện.

Về đến nhà tôi len lỏi

qua đám đông người xem.

Rồi bà ấy bước vào

bà hàng xóm nói:

Ông nghe tin chưa, họ đã giết chết anh của ông.

Nội dung của thơ đấu tranh có thể là một bảng cáo trạng, một hịch xách động, một bài tuyên truyền nhưng không phải là những chữ nghĩa treo trên tường hoặc đăng báo nhật trình, báo mạng hoặc đưa lên blog. Chữ nghĩa đấu tranh của thơ là chữ nghĩa đăng vào lịch sử, vào văn chương, vào nghệ thuật vì vậy có chỗ cách biệt nhau rất lớn.

Cáo trạng, tuyên truyền, xách động của văn chương bình thường mang tính thuyết phục: thường khi là cuỡng ép, thường khi là phóng đại, thường khi cả vú lấp miệng em, thường khi chỉ là những khẩu hiệu “rỗng” “nhàm” “chết” mà người đọc nghe thấy thường xuyên. Hai yếu tố chính trong loại thơ khâu hiệu này là: thiếu vắng sáng tạo và ngụy tạo tâm tình. Khi làm thơ, người không làm thơ mà đang làm việc thuyết phục của người “xã hội chính trị” hăng say thuyết phục quần chúng. Lúc đó, họ không mang tinh thần của người nghệ sĩ mà là chiến sĩ. Trong khi thơ cáo trạng, thơ xách động, thơ tuyên truyền… có giá trị văn chương ở nơi: Bừng bừng lửa tâm tư, rực rực ánh sáng tạo. Thi sĩ Angola, Ngudia Wendel đã chứng minh hai điều này trong bài thơ We Shall Return, Luanda.

Chúng con sẽ trở về, ôi mẹ Luanda (1)

Luanda, mẹ như chim Hải Âu trắng

lượn trên đỉnh sóng biển

qua những đường sáng lạn tắm nắng chói chang,

bay trên những ngọn dừa xanh ngát…..

nhưng Luanda, chúng con đã thấy mẹ u ám dần

từ ngày 4 tháng 2 khốn nạn (2)

khi máu chiến sĩ tự do

đổ xuống trên đường tranh đấu –

những con đường xán lạn,

Ôi, mẹ Luanda.

Chúng con nhớ ngày ấy

trên đường mẹ đông người lũ lượt

như cơn lụt tràn ngập Cuanza.

Cơn thịnh nộ sấm sét lớn hơn súng đại bác

trong pháo đài của những kẻ hành hình.

Chúng con tấn công trong làn mưa đạn

và gục ngã khắp nẻo đường –
(còn tiếp)

Những con đường xán lạn

Ôi, mẹ Luanda.

Chúng con chiến thắng

trong ngày khốn nạn ấy,

hàng trăm anh em da đen

bước dõng dạc cho những đường bất tử.

Chúng con băng qua rừng rậm

qua cơm mưa dầm nhiệt đới

thương binh rên rỉ trên băng ca

lưng chiến sĩ còn hằn in dây đạn

bước vội qua đầm lầy ngăn cản

chúng con đến gặp mẹ

Ôi, mẹ Luanda.

Hỡi những kẻ lạ mặt và tội phạm

đã nhận chìm Luanda trong máu tươi,

ngươi phải trả giá nhiều năm bằng sự sống

như con ve trong bụi cây.

Bây giờ ngươi run rẩy bám lấy tường bao cát

đầu đội mũ sắt

núp trong hầm súng liên thanh

nếu khôn ngoan, ngươi chắc biết

giờ phút đền tội

đã gần kề.

Ngày nào đó

các con sẽ ra khỏi rừng rậm

băng qua khói mù vừa nổ tung

để nhìn thấy mẹ, Luanda,

tàu bè trong hải cảng,

những chiếc tàu lớn, chất chồng vội vã

chở kẻ sát nhân cuối cùng….

Ngày đó không còn xa như bên kia ngọn đồi

mà gần trong tầm tay

anh em da đen hiến dâng mạng sống cho ngày đó.

Chúng con sẽ trở về, ôi mẹ Luanda!

GHI

(1) Luanda, Angola: Thủ đô của Angola. Là một thành phố lớn nhất trong vùng Nam Phi.

(2) 4 tháng 2 năm 1961 là ngày nổi loạn của các tù nhân trong nhà tù tại Luanda. Cũng là thời điểm bắt đầu của chiến tranh thuộc địa sẽ chấm dứt tại Bồ Đào Nha ngày 25 tháng 4 năm 1974.

Phẫn nộ là một trong những động cơ thôi thúc cho thơ đấu tranh. Phẫn nộ đối với xâm lăng, đô hộ, đối với nhà cầm quyền, đối với bạo quyền, thông thường đến từ ba nguyên nhân: Vì lòng yêu nước thật sự, vì bị động chạm quyền lợi hoặc tổn thương cá nhân, gia đình và vì cả hai lý do trên. Cho dù vì lý do gì, thơ đấu tranh cần phải đến từ niềm đau, nỗi buồn, bực tức có thật. Từ một lòng yêu quê hương, dân tộc chân chính sẽ mang vào bài thơ một sự đấu tranh không vì cá nhân. lòng bao la, sự chân thật đều có thể nhận ra dễ dàng trong lời lẽ và ý tứ thơ. Ngược lại, những đấu tranh phát xuất từ lòng bực tức khi cá nhân hoặc gia đình bị thua thiệt, sẽ mang một không khí nhỏ hẹp và ý tứ của một người “đòi nợ”. Thấy dân bị hành hạ khốn khổ mà phẫn nộ khác với vì mình bị hành hạ khốn khổ mà phẫn nộ dù cả hai đều có lý do căn bản để đòi hỏi công bằng. Thi sĩ Mozambique, Jorge Rebelo, trong bài thơ Poem for a Militant, nói lên lòng ái quốc chính trực. Sự phẫn nộ trong những hình ảnh thơ của đứa con cầm súng về giải phóng quê mẹ vì không còn tin có cách gì khác hơn là phải chiến đấu bằng xương máu. Và máu đổ ra để nước mắt mẹ được lau khô trong một ngày mai.

Mẹ ơi,

con của mẹ

cầm súng thật,

đứa con mẹ từng thấy bị gông cùm

ngày xưa

(khi mẹ đã khóc

như chính xiềng xích va chạm bầm dập

tay chân mẹ)

Bây giờ con mẹ đã tự do

Mẹ ơi.

Con mẹ mang súng thật,

Súng này

sẽ bắn đứt xiềng xích

sẽ mở cửa ngục tù

sẽ giết bạo chúa

sẽ giành lại quê hương

Mẹ ơi.

Đẹp biết bao khi chiến đấu vì tự do

công lý vang lên theo từng viên đạn bắn

giấc mơ cổ truyền sống lại như chim bay.

Chiến đấu, ra mặt trận

hình ảnh mẹ cận kề

con đánh giặc vì mẹ,

Mẹ ơi

cho khô dòng lệ chảy

từ đôi mắt.

(Poem for a Militant, Jorge Rebelo)

Ngoài căn bản của biểu hiện, biểu tượng cũng là một cách thông dụng để diễn đạt trong thơ. Biểu tượng chủ yếu là khơi dậy, là gợi ý hơn là diễn tả trực tiếp như biểu hiện. Rõ rệt nhất là phong trào Hình Tượng (Imagism) mà thi sĩ T.S. Elliot và thi sĩ Ezra Pound chủ xướng vào đầu thế kỷ 20, sử dụng nhiều hình ảnh trong thơ và ngôn ngữ thật nhạy bén. Những hình ảnh này chính là sự sáng tạo đột xuất, gây ra kinh ngạc hoặc sự hài lòng cho người viết lẫn người đọc. Khác với loại sáng tạo có tính dây chuyền kéo dài trong một đoạn thơ hoặc suốt bài thơ, những hình ảnh này thay thế những chữ nghĩa dài dòng cưu mang tâm sự và có khả năng khơi dậy tình cảm và xúc động mạnh hơn, sâu sắc hơn là diễn tả. Mặc dù phong trào Hình Tượng chỉ có đời sống huy hoàng ngắn ngủi nhưng kỹ thuật dụng hình, nối hình, sánh hình, đối hình, liên hình đã trở thành yếu tố căn bản trong thơ vì kỹ thuật này đáp ứng được nhu cầu hình ảnh trong thơ. Không có hình ảnh sẽ không có thơ.

Thơ đấu tranh là thơ cần nhiều hình ảnh vì hình ảnh có khả năng nói lên những điều mà chữ nghĩa không cần nói. Diễn tả một hình ảnh thường khi có khả năng gây cảm xúc hơn là kể một mẩu chuyện. Thi sĩ Nam Phi, Oswald Mtshali, trong bài thơ Nightfall in Soweto, nói đến những hiểm họa trong đêm thường xuyên xảy ra cho dân da đen và nỗi sợ hãi đe dọa trở thành sự ám ảnh nan y. Ông diễn tả bằng những hình ảnh thực tế mang sự nguy hiểm và những hình ảnh tâm lý mang sự hãi kinh, san sát, liên tục, trong những câu thơ gãy gọn, nhanh, diễn biến, làm cho người đọc theo dõi hồi hộp và kinh dị. Để rồi sực tỉnh với câu kêu trời: Tại sao không là ngày mãi mãi?

Đêm xuống

như bệnh hoạn kinh hãi

thấm qua lỗ chân lông

trên thân thể khỏe mạnh

rồi hủy hoại không cách cứu chữa.

Bàn tay sát nhân

rình rập trong bóng tối

cầm chặt dao găm

đâm ngả nạn nhân không kháng cự.

Tôi là nạn nhân

Tôi bị làm thịt

ngoài đường hàng đêm

Sợ hãi dồn tôi vào xó góc

dày vò con tim ươn hèn

tôi héo hon vì bất lực.

Người trở thành thú vật.

Người trở thành mồi săn.

Tôi là con mồi

bị truy đuổi đến kiệt sức

bởi kẻ cướp hung tàn

được thả ra trong đêm thảm họa

từ địa ngục.

Nơi nào cho tôi an toàn?

Nơi nào cho tôi tị nạn?

Chắc chắn không phải là căn nhà hộp diêm

Nơi tôi phòng thủ khi đêm xuống

lo sợ khi bước chân lạo rạo vang lên

run rẩy khi tiếng gõ cửa ầm ĩ.

Mở cửa như chó dại sủa to

đang khát máu của tôi.

Đêm xuống! Đêm xuống!

Đêm là kẻ thù chí mạng.

Không hiểu vì sao ngươi được tạo ra?

Tại sao không phải là ngày?

Tại sao không là ngày mãi mãi?

(Nightfall in Soweto, Oswald Mtshali)

Từ nguyên thủy, thơ Tây cũng như thơ Đông, đều chú trọng đến chữ đắc địa và câu sáng. Thơ Trung Hoa, thơ Việt càng coi việc này là hệ trọng. Nhất là câu cuối hoặc đoạn cuối của bài thơ. Đó là lẽ tự nhiên, mọi câu chuyện đều có một kết luận cho dù không có cũng là một cách có. Ai cũng muốn biết lúc cuối sẽ ra sao. Chữ đắc địa chẳng những là những ngọc ngà trân châu nạm vào bài thơ mà còn chứng tỏ người sáng tác hiểu rõ và cao kỳ hóa bài thơ của mình. Không phải tự nhiên mà thơ Bùi Giáng thường có những câu kết bất hủ và những chữ sáng tạo nằm chói ngời trong thơ.

Mãi vào thế kỷ 19, Tây phương rộ lên phong trào Ấn Tượng, chủ yếu cho hội họa và tạo hình. Nhưng thơ cũng đã sử dụng một số kỹ thuật vẽ đưa vào chữ nghĩa. Với hội họa là những cú phệt, nhát chấm, đòn ngắn, những đường nét nhanh nhẹn như nhịp đập trong tim để tác thành thực chất của đối tượng, hơn là vận công vẽ tỉ mỉ những chi tiết. Màu sắc quấn quít gần nhau, ít pha trộn, không cần chờ khô, chồng chất lên nhau, theo sự rung động. Không dùng màu đen nhưng dùng nhiều màu xám và màu đậm. Họa sĩ thường vẽ trong buổi chiều để lấy bóng sáng “âm u”, “ẩn mật”. Đưa sang thơ, chữ, cụm chữ và chữ đắc địa trở thành kỹ thuật của cú, đòn, nét, nhanh, gọn, thực chất, không cần đi sâu vào chi tiết dông dài, tỉ mỉ. Câu sáng trở thành xám. Vẫn là những câu đánh động thẩm mỹ của viết và đọc nhưng ẩn mật sự suy tư, màu xám, màu đậm. Từ phong trào này trở đi, chữ và câu thơ mở ra một con đường khác, so với thơ lãng mạn, thơ biểu hiện, có lẽ khó hiểu hơn. Nhưng mục đích của thơ Ấn Tượng không phải nhắm vào tri thức mà chỉ tạo ra những chữ nhấn, câu nhấn để thực chất của đối tượng tự lộ liễu. Kỹ thuật này đến nay đã trở thành căn bản. Bài thơ The Song of Sunrise của thi sĩ Oswald Mtshali:

Lưỡi gươm lúc tảng sáng

đâm rách toạc màn đêm

che ngang vòm trời,

rồi buổi sáng

hé nhìn qua tấm mền

như đứa bé đứng dậy

từ chiếc nôi

để lắng nghe

chuông réo.

Thức dậy! Thức dậy!

Hỡi tất cả công nhân!

Đi làm! Đi làm!

Các ngươi phải đi làm!

Xe buýt chạy ầm ầm

Tàu lửa chạy rầm rộ

Tắc xi chạy huýt còi.

Tôi lấn vào xếp hàng

chân đi giẫm lộp cộp

trên sàn sân ga,

tình cờ gặp ông sếp

vắt tôi như vắt chanh

vắt hết cạn tôi tinh túy.

(The Song of Sunrise, Oswald Mtshali)

Và bài thơ The Air I Hear của thi sĩ Keorapetse Kgositsile:

Từ gió, tôi nghe,

buốt lạnh theo thanh âm

tìm kiếm. Trí nhớ

hôm nay và ngày mai lâm râm

trong bụng như nhịp điệu

của gió vô tâm

nơi con mắt rơi giọt

lệ. Chết rồi không thể

nhớ cho dù nhớ lại

tiếng cười của chết. Nhưng trí nhớ

bướng bỉnh như tiếng gào đau đớn

dâng lên theo sóng lúc bình minh

bên trong cây dừa

nơi sa mạc: đứng lặng mình

cho hình dong thảm thiết

của quá khứ quyện vào

tương lai vô tận

hiện lên mặt lá

từ nụ cười cao cả

hơn một người sinh ra…

(The Air I Hear, Keorapetse Kgositsile)

Comments are closed.