Jörg Wischermann và Gerhard Will (chủ biên)
Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)
Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.
Jörg Wischermann và Gerhard Will (chủ biên)
Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)
Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.
Chương này khám phá góc nhìn rằng có một khuynh hướng trong nghiên cứu Việt Nam thổi phồng mức độ mà theo đó có một cơ quan trung ương thống nhất, tên là nhà nước, điều hành đất nước. Lập luận ở đây cũng sẽ bao gồm: đó là một huyền thoại tồn tại lâu dài có xu hướng xuất hiện và tái xuất theo thời gian. Sau khi tuyên bố điều này như là luận đề xuất phát điểm của chúng tôi, mọi thứ ngay lập tức trở nên phức tạp. Việc gợi ý về sự vận hành của một huyền thoại như thế – bỏ qua câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể đưa ra các bằng chứng cho nó – có thể có nhiều ý nghĩa. Chúng ta có thể lưỡng lự khi nói rằng không có một cơ quan trung ương ở Việt Nam không chỉ vì bộ máy chính trị có vẻ như được phát triển đầy đủ. Do đó, liệu đây là trường hợp mà đơn giản là nhà nước trung ương yếu hơn những gì thi thoảng người ta vẫn nghĩ, dù cụ thể là yếu hơn ở góc độ nào? Hay, liệu có điều gì quan trọng hơn ở đây vẫn chưa được nhận diện? Như chúng ta sẽ tìm hiểu, chìa khóa của vấn đề nằm ở các chi tiết. Thêm nữa, tên của chương này nói về một nhà nước Xã hội chủ nghĩa tập trung. Điều này, như nó phản ánh, làm tăng thêm một tầng bậc của sự phức tạp. Làm thế nào và theo cách nào mà sự kết hợp giữa nhà nước Việt Nam với Chủ nghĩa Xã hội có thể liên quan tới một cách hiểu về huyền thoại này, thậm chí là liệu có sự liên quan này hay không? Cuối cùng, việc xác nhận sự tồn tại của một huyền thoại về nhà nước tập trung ở Việt Nam có vẻ như, theo nhiều cách khác nhau, đi ngược lại thực tế. Nếu như có một điều mà bất cứ sinh viên có lòng tự trọng nào tìm hiểu về chính trị Việt Nam cần biết thì đó là chủ nghĩa địa phương rất quan trọng: gợi lại từ câu thành ngữ “phép vua thua lệ làng” và nhiều nghiên cứu đã khám phá hiện tượng chủ nghĩa địa phương ở Việt Nam.1 Vì thế, ai đó có thể được châm trước khi nói rằng “có vấn đề gì đâu khi cường điệu về quyền lực của nhà nước trung ương trong trường hợp này?” Do đó, điều rõ ràng là một khi đã tuyên bố về luận điểm ban đầu, cần thiết phải tiếp cận kỹ lưỡng và phác họa một cách chuẩn xác tình trạng của huyền thoại được viện dẫn. Đây là điều mà chương này sẽ hướng tới.
Các câu hỏi nghiên cứu chủ yếu của chúng tôi có thể được xác định như sau:
1. Nếu có một huyền thoại về một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa tập trung ở Việt Nam, nó có hình hài ra sao và nó tự thể hiện mình như thế nào?
2. Nếu có một huyền thoại thì liệu đó là huyền thoại được biểu lộ bằng những cách thức như nhau theo thời gian hay chúng ta phải ghi nhận sự thay đổi.
3. Nếu có bằng chứng về khuynh hướng đề cao quyền lực của nhà nước trung ương trong các công trình về Việt Nam – ở hình thức này hay khác – và điều đó là một sai lầm, thì tại sao huyền thoại đó vẫn tồn tại lâu dài?
Câu hỏi sau cùng rõ ràng đưa chúng ta theo hướng chính trị của huyền thoại, và để làm chủ được huyền thoại này, việc hiểu về nền chính trị đó là quan trọng. Tuy nhiên, với việc xác định được sự tồn tại của huyền thoại này hiểu theo một cách đặc biệt, chúng tôi lập luận rằng đúng là nó tồn tại lâu dài trong thực tế vì các lí do chính trị, cội rễ của nó ăn sâu, cụ thể là trong ‘thiên kiến chủ nghĩa nhà nước’ (statist bias) vốn thấm sâu vào trong những lĩnh vực rộng lớn của khoa học chính trị (và đời sống công). Thiên kiến chủ nghĩa nhà nước ở đây tôi muốn đề cập đến xu thế coi nhà nước là mặc định và vì thế không đánh giá được cách thức nhà nước vận hành về mặt chính trị, ảnh hưởng đến những điều chúng ta ghi nhận và điều chúng ta bỏ qua.2 Xét một cách toàn diện thì nghiên cứu Việt Nam lệ thuộc vào thiên kiến chủ nghĩa nhà nước, và đây là lúc chúng ta phải thoát khỏi nó.
Chương này sẽ được triển khai như sau: đầu tiên chúng tôi đưa ra một cuộc thảo luận về cách thức mà chúng tôi tư duy về nhà nước. Chúng tôi làm điều này với việc viện dẫn lại một số công trình kinh điển nhằm lý thuyết hóa nhà nước vượt qua trường hợp cụ thể của Việt Nam. Thứ hai, xem xét công trình của một số học giả hàng đầu về chính trị Việt Nam, nổi bật là Benedict Kerkvliet, chúng tôi khám phá cách thức mà trong đó huyền thoại được nói đến tự bộc lộ. Điều này bao gồm việc đề cập tới câu hỏi làm thế nào mà huyền thoại về một nhà nước tập trung có thể tồn tại ở một quốc gia mà các học giả chăm chú một cách sâu rộng vào chủ nghĩa địa phương và một không gian xã hội sôi động. Tiếp nữa, chúng tôi xem xét nền chính trị của huyền thoại đó và hỏi tại sao nó tồn tại lâu dài. Chúng tôi tập trung vào ba địa hạt: các mối quan tâm của tầng lớp tinh hoa, di sản Chủ nghĩa Xã hội, và các ý tưởng về thiên kiến chủ nghĩa nhà nước, lập luận rằng điểm số một và số ba là quan trọng nhất. Sau khi đã hoàn thành, chúng tôi đề xuất cách tiếp cận ‘phi-chủ nghĩa nhà nước’ thay thế để giúp tư duy về nền chính trị ở Việt Nam nhằm tránh một số cái bẫy có liên quan tới huyền thoại này. Điều này sẽ được thực hiện với công trình của cả tác giả [Martin Gainsborough] và Adam Fforde. Cuối cùng, ở phần kết luận, chúng tôi xem xét các ứng dụng của kết quả nghiên cứu đối với các chủ thể đương đại, bao gồm cộng đồng phát triển quốc tế.
Sự tập trung của chương này dành cho giai đoạn sau năm 1975, đặc biệt là thời kỳ từ những năm 1980 (còn được gọi là những năm ‘đổi mới’).3 Dù thế, chúng tôi sẽ đề cập ngắn gọn về giai đoạn trước năm 1975 ở những phần cần thiết. Từ góc độ phương pháp luận, chương này dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng nền học thuật đang hiện hữu về Việt Nam được bổ sung bởi các nghiên cứu của chính tác giả về Việt Nam tiến hành qua nhiều năm cùng với một phần tổng quan lý thuyết về nhà nước.
Bây giờ chúng ta sẽ đến với phần đầu tiên.
Không phải chúng tôi đang bắt đầu cuộc khảo sát về tình trạng của nhà nước ở Việt Nam một cách hoàn toàn vô phương hướng. Mà là, có nhiều sự xem xét dành cho nhà nước từ góc độ khoa học chính trị và chính trị phát triển nói chung. Mục tiêu của phần này là dựa vào tư liệu để chúng tôi tự định hướng và dẫn dắt chính chúng tôi trên cơ sở của một số khả năng khi chúng tôi nghĩ về trường hợp Việt Nam. Câu hỏi nền tảng là chúng tôi nghĩ về quyền lực nhà nước như thế nào.
Từ góc độ của bộ sưu tập các loại hình nhà nước ‘ở ngoài kia’, một mặt, các nghiên cứu thảo luận về ‘nhà nước thất bại’, và mặt khác, về các nhà nước tân-thân hữu (neo-patrimonial) và [kiến tạo] phát triển (developmental), với nhiều cách thức khái niệm hóa khác nhau dọc quá trình này.4 Việc viết về các nhà nước thất bại là đặc biệt nổi bật trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, và khi khái niệm nhà nước thất bại đáng bị phê phán, những công trình thuộc chủ đề này hướng tới liên hệ với thực tiễn sụp đổ một phần hay toàn bộ tại lĩnh vực mà các chức năng cai trị điều hành của nhà nước không diễn ra.5 Chúng tôi đã gợi ý trong phần dẫn nhập rằng sự khái niệm hóa này có lẽ không phù hợp với Việt Nam (Đó là rõ ràng có ‘điều gì đó’ ở đây). Tuy nhiên ý tưởng về một nhà nước thất bại hữu ích trong việc trưng ra cho chúng ta hình ảnh của điều có thể hình dung được khi đề cập đến huyền thoại về một nhà nước tập trung – trừ khi trong trường hợp này, loại nó ra.
Đối lập với đó, những ý tưởng về một nhà nước tân-thân hữu hay nhà nước kiến tạo phát triển có nhiều tiềm năng hữu ích khi nghĩ về Việt Nam. Nhà nước tân-thân hữu có mối liên hệ đặc biệt với vùng châu Phi Hạ Sahara và hệ quả là có những dè dặt khi áp dụng cho Việt Nam. “Việt Nam không hỗn loạn như các nước vùng châu Phi Hạ Sahara”, sẽ là câu trả lời thường gặp. Tuy nhiên dù đặt góc nhìn thông lệ đó sang một bên, thì các ý tưởng về chủ nghĩa tân-thân hữu cũng không có nghĩa trong việc nhấn mạnh một số đặc trưng được thể hiện trong trường hợp Việt Nam. Lý thuyết về nhà nước tân-thân hữu hướng tới nắm bắt thực tiễn về một hệ thống được tổ chức một cách chính thức trên nguyên tắc ‘pháp lý – lý tính’, hay ‘quan liêu’ được thay thế và mở rộng thực hành quyền lực trên các nền tảng có tính cá nhân hơn. Các học giả viết về nhà nước tân-thân hữu thường nói về sự phân định mờ nhạt giữa công và tư với việc ra quyết định bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ cá nhân và tiền bạc. Những điều sau đây là lập luận rằng khả năng của nhà nước, hay ‘khả năng thực thi công việc’, bị xói mòn.6 Với bất cứ ai quen thuộc với cách thức ra quyết định ở Việt Nam, nơi mà quan hệ và tiền bạc là chìa khóa, những mối liên hệ này có thể dễ dàng nhận ra.7
Trong khi nhà nước tân-thân hữu có xu thế liên đới với vùng châu Phi hạ Sahara, nhà nước kiến tạo phát triển gợi liên tưởng đến vùng Đông và Đông Nam Á. Trong nhiều điều có liên quan, nó mô tả thực tiễn mà ở đó khả năng của nhà nước được coi là cao, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế và thực thi chính sách kinh tế và nuôi dưỡng các tập đoàn cạnh tranh quốc tế.8 Các nhà nước phát triển kiến tạo, như lý thuyết đề cập, có giới tinh hoa ‘phát triển’ thống nhất. Cốt lõi ở đây là mối quan hệ giữa nhà nước và kinh doanh, hay giữa nhà nước và xã hội, với vai trò của các thành phần nhà nước cần – như lý thuyết trình bày – song hành một cách tương thích với các thành phần xã hội và kinh doanh, để có thể ‘lập trật tự’ và ‘định hướng’ chúng đạt được các thành quả ‘phát triển’. Peter Evans đã trình bày một cách nổi bật về ‘nền kinh tế đóng’ (embedded autonomy) vốn được dùng để phản ánh cách thức mà theo đó nhà nước duy trì quyền tự trị trong mối quan hệ với các thành phần hỗn hợp (để có thể quản lí chúng) trong khi vẫn có quan hệ đủ gần gũi với chúng (để định hướng chúng).9 Các tác giả viết về nhà nước phát triển đã làm rõ sự phân biệt giữa nhà nước mạnh và yếu, nhấn mạnh đến thực tế rằng chúng ta đang nói về một bức tranh năng lực hay phát triển luận.10
Khi nói về năng lực của nhà nước, đôi khi có sự phân biệt giữa các nhà nước vốn sở hữu quyền lực ‘cưỡng bức’ mạnh nhưng lại yếu hơn ở địa hạt quyền lực ‘cơ sở hạ tầng’ (‘infrastructural’ power).11 Quyền lực cơ sở hạ tầng là loại hình gần hơn với uy quyền mà lý thuyết nhà nước phát triển quan tâm mặc dù có một xu thế hướng khác hướng đến tính áp chế với ghi chú rằng có vẻ nó cũng là đặc trưng của nhà nước phát triển. Có thêm các nghiên cứu gần đây nhấn mạnh đến điều có vẻ như là một làn ranh mong manh giữa hành vi của nhà nước phát triển và nhà nước thiên về bòn rút hay là nhà nước tham nhũng, đồng thời có một cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn về liệu các nhà nước như Trung Quốc hay Việt Nam có nên được coi là [kiến tạo] phát triển.12
Để kết luận, chúng tôi muốn lập luận rằng các ý tưởng về chủ nghĩa tân-thân hữu và phát triển luận là hữu ích – với tư cách là xuất phát điểm – khi chúng ta tư duy về cách thức mô tả nhà nước ở Việt Nam, và đặc biệt khi chúng ta tìm hiểu tầm mức mà ở đó nền học thuật Việt Nam đã khuếch đại quyền lực của nhà nước trung ương. Tuy nhiên, cả hai lý thuyết này đều có giới hạn và thể hiện giả định về bản chất của nhà nước mà xét đến cùng thì đang bị lạc lối. Chúng tôi sẽ trở lại điều này trong trong phần tiếp theo ngay sau đây.
Bây giờ chúng ta đến với cách thức các học giả đã nói về nhà nước ở Việt Nam, xem xét cách thức mà theo đó họ vừa gia nhập vào và vừa xuất phát từ các khuôn khổ tri thức này. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc tiếp cận nghiên cứu của Benedict Kerkvliet và kết nối chúng với các chuyên gia về chính trị Việt Nam khác.
Vào năm 1995, Kerkvliet viết bài báo trên Journal of Asian Studies trong đó ông gợi ý – một cách hữu ích – rằng có ba cách tiếp cận khác nhau đang vận hành phương thức các học giả tư duy về nhà nước ở Việt Nam.13 Kerkvliet lặp lại phân tích này một thập kỷ sau đó trong cuốn sách dài nghiên cứu về tập thể hóa và phi tập thể hóa nông nghiệp.14 Cách tiếp cận đầu tiên, Kerkvliet đặt tên, là tiếp cận ‘nhà nước thống trị’ (dominating state). Luận điểm này đã nói, và chúng tôi từng bàn luận một số năm trước, rằng chìa khóa để hiểu quyết định chính sách và ứng dụng của nó ở Việt Nam là nhìn vào sự vận hành của thiết chế nhà nước (“các luật lệ và chương trình quản trị Việt Nam được độc quyền trong khuôn khổ nhà nước”, cụm từ của Kerkvliet).15 Trong công trình năm năm 2005, Kerkvliet gắn quan điểm này với các học giả như Gareth Porter, Carlyle Thayer và Brantly Womack.
Kerkvliet xác định cách tiếp cận thứ hai, được ông đề cập như là “chủ nghĩa nghiệp đoàn di động” (mobilizational corporatism). Trong sự kết tinh của cách tiếp cận ‘nhà nước thống trị’, người ta lập luận rằng có ảnh hưởng phổ rộng lên nhà nước, lên các cuộc thảo luận chính sách, nhưng nó diễn ra qua các kênh được Đảng ủy quyền thiết. Một ví dụ tiêu biểu là các tổ chức quần chúng do Đảng kiểm soát gồm đại diện các nhóm xã hội khác nhau (như công nhân, nông dân, phụ nữ, sinh viên). Kerkvliet gắn tiếp cận này với các học giả như Yeonsik Jeong, Jonathan Stromseth và William Turley.
Tuy nhiên Kerkvliet không thỏa mãn với hai tiếp cận này. Cả hai, ông viết vào năm 2005, tập trung vào “chính trị nhà nước” hay “các thiết chế chính thức để hoạch định và thi hành chính sách”. Thậm chí tiếp cận thứ hai, vốn bao hàm khía cạnh ‘vận động chính trị’, chỉ cho phép sự can dự của các thành phần nhà nước. Kerkvliet nói vấn đề là không có hướng tiếp cận nào tính đến điều mà các dân làng (đó là nhóm xã hội mà ông ấy tập trung vào trong nghiên cứu cụ thể của mình) tiến hành bên ngoài các kênh nhà nước. Vì thế, không có cách tiếp cận nào đề cập đến sự khác biệt giữa chính sách mà Đảng hay nhà nước tuyên bố thực hiện và điều mà dân làng thực tế tiến hành. Kerkvliet tiếp tục cho rằng hai tiếp cận này cũng không thể nhận ra việc nông dân thực tế có thể ảnh hưởng tới nền chính trị quốc gia dù là vì các hoạt động không thẩm quyền, tham nhũng, hay sự thiếu năng lực. Trong khi đó, Kerkvliet lập luận rằng chính xác thì đó là điều đã diễn ra, và viết tiếp:
“Dần dần, quyền lực quốc gia bắt đầu nhìn nhận khác về các quá trình chệch hướng tại địa phương … giữa những năm cuối 1970 và 1980, chính quyền Đảng Cộng sản gia tăng điều chỉnh chính sách tập thể hóa để thích ứng với các khía cạnh của những thực hành không được ủy quyền này thay vì cố gắng xóa bỏ chúng.”16
Kerkvliet định danh cách ‘tiếp cận thứ ba’ nhằm tư duy về chính trị Việt Nam là ‘đối thoại’ (dialogical) (36). Cuộc đối thoại, ông nói, trong phạm trù trao đổi ý tưởng và những sự ưu tiên, tiếp tục giữa chính quyền và các thành phần xã hội khác nhau, “là một phần quan trọng của hệ thống”. Sự ‘liên lạc’ này thường không liên quan tới xung đột hay liên quan nhiều đến tổ chức, Kerkvliet lập luận, dù đôi khi nó có thể leo thang thành sự phản kháng bất hợp pháp. Ông kết luận:
“Cách hiểu về tính đối thoại của hệ thống chính trị công nhận khả năng của chính quyền cộng sản để điều phối các chương trình và thi hành chính sách là yếu hơn đáng kể so với những gì mà góc nhìn nhà nước thống trị hay chủ nghĩa nghiệp đoàn di động có thể lập luận [in nghiêng là của tôi]. Các hoạt động không thuộc sự quản lí của nhà nước vẫn đang diễn ra, đưa đến sự không nhất quán giữa những gì chính quyền tuyên bố và những gì có trong thực tế. Thực sự thì các nhóm và lực lượng xã hội đã vượt qua nhà nước để có thể đóng góp làm thay đổi chính sách. Cách hiểu này cũng chỉ ra rằng các thể chế có thể thích ứng và thay đổi chính sách khi đối mặt với thực tiễn vượt khỏi tầm kiểm soát”.17
Trong khi nghiên cứu của Kerkvliet tập trung hẹp vào giải tán tập thể hóa, nó chỉ ra cách thức nhìn chung là tiếp cận [nhà nước] thống trị để tư duy về nền chính trị Việt Nam hiện nay, đặc biệt là khi mà kỷ nguyên ‘đổi mới’ đã nổi lên. Khi Kerkvliet viết cuốn sách của mình, ông đã xác định một số học giả mà ông thấy tiếp cận theo một mạch tương đồng với mình (như Ken Post, Kristin Pelzer, Hy Van Luong, David Koh, Dara O’Rouke, Nigel Thrift và Dean Forbes, và Christine White).18 Thêm nữa, có thể dễ dàng nhận ra những người mới đang theo đi theo vết chân của ông (như Thomas Sikor, Andrew Wells-Dang).19
Cách tiếp cận của Kerkvliet là mối quan tâm đặc biệt trong sự liên hệ với chương này mà ở đó nó có thể được đọc – ít nhất là từ những ấn tượng đầu tiên – như là sự ngăn ngừa bất cứ niềm tin nào về huyền thoại một nhà nước tập quyền. Chẳng phải đó chính là điều mà Kerkvliet (và các học giả như ông) làm để hạ thấp bất cứ ý niệm nào về một nhà nước tập trung? Ví dụ, chúng ta thấy trong tiếp cận đối thoại vì sao nhà nước không được xem là mạnh như vậy, đối lập với hai cách tiếp cận kia, rằng các hoạt động bên ngoài vòng kiểm soát nhà nước được xem như lan rộng, và rằng nhà nước bị ảnh hưởng bởi các hoạt động như thế. Vậy thì huyền thoại gì về một nhà nước tập trung mà ai đó có thể đề cập!
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, có bằng chứng cho thấy một thực tế phức tạp hơn nhiều. Hãy xem lại công trình của Kerkvliet (và những người khác), ta có thể nhận ra cách thức mà theo đó – một cách nghịch lý – huyền thoại về nhà nước tập trung tồn tại, bất chấp sự lưu ý của họ dành cho chủ nghĩa địa phương hay các hoạt động của một loạt các thành phần xã hội khác. Tiếp cận đối thoại đương nhiên là tập trung vào tầm quan trọng của các nhóm hoạt động bên ngoài các kênh nhà nước nhưng đồng thời nó cũng giả định (một cách cần thiết) rằng cái được gọi là ‘các kênh nhà nước’ tồn tại, và có ý nghĩa khi đề cập đến nó theo cách này. Hay, nói một cách khác thì, trong khi tập trung vào sự tồn tại của các lực lượng xã hội bên ngoài kiểm soát của nhà nước trong một nhịp thở, tiếp cận đối thoại lại cụ thể hóa nhà nước trong một nhịp khác (như là biến nhà nước thành thứ mà nó không phải thế).20 Vì vậy, Kerkvliet không gặp vấn đề khi tuyên bố về tầm quan trọng của đảng và các cấu trúc nhà nước ở Việt Nam. “Các thiết chế và tổ chức này”, ông viết, “thực sự là những người chơi chủ đạo trong câu chuyện về tập thể hóa và phi tập thể hóa nông nghiệp”. “Chính các lãnh đạo quốc gia,” ông tiếp tục, “là người quyết định quốc gia phải tập thể hóa” (in nghiêng là của tôi).21 Một tiếp cận như thế có thể bị đặt câu hỏi. Vì thế, trong khi tiếp cận đối thoại rõ ràng là một sự tiến bộ so với hai cách tiếp cận khác, chúng ta vẫn còn cảm giác rằng nó đang khẳng định quá nhiều.
Một khi bị báo động bởi điều đang diễn ra, người ta có thể nhận thấy cách tiếp cận đối thoại cụ thể hóa nhà nước ở mọi góc cạnh. Trung tâm điểm ở đây là phương thức đảng và các cơ quan nhà nước được định danh lặp đi lặp lại mà không gặp vấn đề nào (‘nhà nước’, ‘đảng’, v.v..), rằng các thiết chế nhà nước đó được nghiên cứu mà không hề có sự chú ý cần thiết tới tác động chính trị của việc nghiên cứu chúng, và quan trọng nhất là chúng được gán cho tính chủ thể. Hãy xem xét các ví dụ sau từ Kerklviet:
“Xuyên qua các cấu trúc mở rộng từ Hà Nội vào hầu hết các ngôi làng, đảng và các cơ quan chính quyền đã xây dựng các hợp tác tập thể, tiến hành nhiều cuộc vận động… và triển khai các chương trình khác…” (in nghiêng là của tôi)
“Trong những năm cuối 1970 các cơ quan này đã ủy quyền những chuyển đổi khiêm tốn …”
“… chính quyền Đảng cộng sản đã quy định … Các viên chức trong quỹ đạo đảng và chính quyền cân nhắc … [và tiếp tục trong những năm 1980] các chính quyền quốc gia [đã] trông khác nhau ở [những sự xếp đặt địa phương khu biệt] …’22
Vì thế, như chúng ta thấy, nhà nước được chấp nhận như nó xuất hiện. Nó hoạt động và tuyên bố về điều này một cách mặc nhiên.23
Thêm nữa, không chỉ Kerkvliet có xu hướng hiện hữu hóa nhà nước. Điều này ở khắp mọi nơi trong ngành nghiên cứu Việt Nam. Carlyle Thayer, người ban đầu gắn với tiếp cận nhà nước thống trị và các ý tưởng về chủ nghĩa xã hội đơn – tổ chức (mono-organisational socialism), tiếp tục dành tính chủ thể lớn cho ‘VCP’ [Đảng Cộng Sản Việt Nam].24 Điều này bao gồm việc ông nhắc lại trong các nghiên cứu gần đây một hàm ý cũ rằng Đảng ‘thông qua’ đổi mới năm 1986.25 Trong khi đó Tường Vũ nói về việc ‘Đảng’ ‘tin vào điều đó, ‘nắm giữ nó’ hay ‘hành động’ theo cách này hay cách khác. Không phải ông ấy mô tả nhà nước như một khối đơn nhất – ông ấy không – nhưng ngữ ông ấy sử dụng được dùng lặp lại để hiện hữu hóa nhà nước, hay xem xét nó một cách tự nhiên.26 Thêm nữa, thậm chí với các học giả dành sự chú ý sâu rộng cho chủ nghĩa địa phương và/ hoặc chủ nghĩa tích cực xã hội (social activism) cũng không ngần ngại nói về ‘nhà nước trung ương’, ‘các mục tiêu của nhà nước’, hay những điều ‘Đảng – nhà nước cho phép’, và họ cũng thường xuyên dành cho nó một quyền lực đáng kể.27 Ví dụ là công trình năm 2014, Andrew Wells-Dang lập luận rằng các sáng kiến liên quan tới sự chuyển đổi đã chuyển sang “các thành phần nằm ngoài các cấu trúc nhà nước”, nhưng ông thêm rằng Đảng-nhà nước vẫn nắm giữ một “vị trí rất vững chắc”.28 Tiếp tục, lập luận được đưa ra ở đây là chúng ta cần phải cẩn trọng hơn nữa liên quan đến cách thức chúng ta nói về nhà nước. Chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề tại sao chúng tôi nói điều này, nhưng trước tiên chúng ta hãy tóm lược lại lập luận này.
Dưới ánh sáng của cuộc thảo luận bên trên, có thể khẳng định một cách chính xác hơn về bản chất huyền thoại mà chúng ta đang khám phá. Huyền thoại về nhà nước trung ương ở Việt Nam không đơn giản là một cuộc thảo luận về vấn đề liệu rằng nhà nước đó mạnh hơn hay yếu hơn trong khả năng triển khai nghị sự dù điều này là một phần của nó. Thay vào đó, huyền thoại nhà nước trung ương thể hiện ý tưởng rằng dù nói về nhà nước một cách cẩn trọng hơn, rằng tiếp cận đối thoại không bóp méo hay làm sai lạc những gì thực sự ‘ở ngoài kia’. Nó (vẫn) tạo ra ảo giác.
Một cách thức để hiểu điều chúng tôi muốn thể hiện là đặt câu hỏi tại sao huyền thoại nhà nước tập trung tồn tại. Đó là điều mà bây giờ chúng tôi hướng đến.
Để trả lời câu hỏi tại sao huyền thoại nhà nước tập trung ra đời, điều quan trọng là phải làm rõ: vậy chính xác thì chúng ta đang đi giải thích điều gì. Chúng tôi đưa ra hai khả năng mà cả hai chúng tôi tin là quan trọng khi cố gắng nắm bắt huyền thoại này. Khả năng thứ nhất, vốn được đề cập trong phần dẫn nhập, đơn giản là huyền thoại này xuất phát từ sự thổi phồng mức độ cơ quan nhà nước tập quyền thống nhất dẫn dắt hành động ở Việt Nam. Nhà nước này yếu, thậm chí ngay cả với tiếp cận đối thoại, dù được nâng tầm, cũng không thể hoàn toàn hiểu đúng điều này.
Khả năng thứ hai thậm chí nói về một nhà nước yếu hơn ở Việt Nam – một nhà nước sẽ triển khai hành động nếu như nó có thể – thể hiện sự hiểu nhầm về bản chất của nhà nước này. Thậm chí giữa những người thiên về chủ nghĩa địa phương hay sự năng động của các nhóm xã hội đa dạng (ví dụ tiếp cận đối thoại), đó vẫn là một quá trình hiện hữu hóa [nhà nước] đang diễn ra. Điều này cũng là yếu tố cốt lõi của huyền thoại cần được giải thích.
Do đó, với việc lưu ý hai yếu tố của huyền thoại này, chúng ta hãy chuyển sang câu hỏi về sự giải thích. Cuộc thảo luận của chúng ta về nó có ba phần. Trước tiên, chúng ta xem xét các lợi ích chính trị mà huyền thoại này thỏa mãn. Thứ hai, chúng ta hướng đến vai trò di sản xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc củng cố cho huyền thoại đó. Cuối cùng, chúng ta xem xét các ý tưởng hậu cấu trúc (post-structuralist ideas) về nhà nước, chủ yếu là thiên kiến chủ nghĩa nhà nước (statist bias). Địa hạt thứ ba sẽ được khám phá tương đối chi tiết vì các ý tưởng là căn cốt đối với việc thúc đẩy lập luận này.
Để giải thích sự tồn tại – và tính kiên cố – của huyền thoại nhà nước tập trung, chúng ta cần xem xét các lợi ích mà nó có thể phụng sự. Các mối lợi đầu tiên có liên quan ở đây thuộc về giới tinh hoa Việt Nam, đặc biệt là những người nắm giữ các vị trí của đảng và nhà nước, hoặc liên hệ với Đảng – nhà nước bằng những cách thức nào đó. Cái cơ thể mà họ cư ngụ có xu thế “tự-bảo tồn” và “tự-bành trướng”.29 Nó giúp những người nắm giữ cơ quan chính trị có khả năng quả quyết rằng ‘nhà nước’ hay ‘đảng’ nắm quyền, đang điều hành hoạt động và ra quyết sách một cách khôn ngoan. Làm như thế giúp họ tăng cường tính chính danh nội địa và vị thế quốc tế. Vì thế, một nguyên do cơ bản của việc tại sao huyền thoại về nhà nước tập trung lại tồn tại vì nó phục vụ cho các lợi ích chính trị nội địa. Huyền thoại này gắn bó hữu cơ với cách thức câu chuyện đổi mới được kể, đó là đảng tiến hành một loạt các quyết định ‘sáng suốt’ bắt đầu từ những năm 1980 để mang tới sự thay đổi. Đương nhiên có nhiều cảnh tỉnh hay sự tinh lọc trong số tài liệu học thuật liên quan đến tự sự về kiểm soát [của nhà nước] này, bao gồm cả các phân tích của Kerkvliet.30 Tuy nhiên, bất chấp những sự điều chỉnh này, tự sự đó vẫn nổi bật, như chúng ta thấy bên trên. Thêm nữa, khi năm tháng trôi qua, sự kiểm soát của nhà nước đối với những gì diễn ra yếu dần, có một cảm nhận rằng lớp tinh hoa Việt Nam đang cần khẳng định ‘nhãn quan’ của đổi mới với sức mạnh mới.31
Dĩ nhiên là không chỉ vì các lợi ích nội địa. Huyền thoại về nhà nước trung ương này cũng thỏa mãn các lợi ích bên ngoài. Ví dụ, không khó để nhận ra cách thức lợi ích địa chính trị và thương mại phương Tây gắn với việc Việt Nam đã thúc đẩy huyền thoại này, thậm chí ngăn chặn các mối nghi ngại có tính định kỳ về bản chất của nền chính trị Việt Nam. Rõ ràng là sự năng động như thế ảnh hưởng tới cộng đồng viện trợ nước ngoài, ví dụ việc duy trì các dự án viện trợ dù không đạt được các mục tiêu đã thỏa thuận.32 Đối lại cơ sở này, sẽ dễ dàng hơn – và cẩn trọng – đối với lớp tinh hoa bên ngoài chấp nhận tự sự về đổi mới, điều mà như chúng ta đã xem, bao gồm cả huyền thoại về nhà nước trung ương. Trong công trình năm 2012, Adam Fforde nói về cách các sứ quán nước ngoài ở Việt Nam hài lòng với ý tưởng rằng Đảng Cộng sản là một lực lượng chính trị thống nhất vì làm thế là phù hợp với các lợi ích của chính phủ của họ.33 Thêm nữa, không chỉ với các chính phủ nước ngoài, mà các thể chế đa phương, hay giới kinh doanh quốc tế thì huyền thoại về nhà nước trung ương này không cần phải chất vấn khi họ theo đuổi các lợi ích của mình. Đúng hơn thì điều quan trọng là cảnh giác đối với cách thức mà nền học thuật bên ngoài cũng có thể gia nhập vào các lợi ích như thế và do đó tiếp sức cho huyền thoại này.
Để tổng kết, chúng tôi đã lập luận rằng huyền thoại về nhà nước tập trung ở Việt Nam bám trụ được vì nó thỏa mãn cả lợi ích của tầng lớp tinh hoa quốc tế và nội địa. Thực sự chúng tôi đã gợi ý rằng những lợi ích này khá gần gũi, bất chấp các khác biệt thể chế của hệ thống chính trị.34 Tuy nhiên, trong khi việc hiểu về các lợi ích ở phía sau huyền thoại này là quan trọng, vẫn còn có thêm nhiều điều đáng nói.
Một thành tố khác đáng chú ý giải thích huyền thoại nhà nước tập trung ở Việt Nam liên quan tới từ ‘tính chất chủ nghĩa xã hội’ (socicalist) trong tên chương. Nhiều người sẽ lập luận rằng Việt Nam giờ đây là hậu-chủ nghĩa xã hội bất kể điều gì được phát ngôn ra một cách chính thức, chủ nghĩa xã hội đóng vai trò rất nhỏ ở Việt Nam hiện tại (cũng không có vẻ là nó sẽ đóng một vai trò nào đó trong tương lai).35 Dù vậy, di sản chủ nghĩa xã hội của quốc gia này có thể đóng một vai trò nhỏ trong việc giải thích huyền thoại đó, đặc biệt là trong những năm cuối 1970 và đầu 1980. Về mặt lịch sử, Việt Nam được nhóm cùng các nước Cộng sản khác, chủ yếu là Liên bang Xô Viết và Trung Quốc, với hàm ý rằng những nước này có điểm chung về việc chia sẻ di sản xã hội chủ nghĩa. Thayer đã truyền tải ý tưởng này một cách rõ ràng nhất khi ông viết:
“Tới tận giữa những năm 1980, phân tích hệ thống chính trị Việt Nam trong khung cảnh chủ nghĩa cộng sản so sánh vẫn phổ biến. Việt Nam được so với Liên Xô và Trung Quốc vì nó đã phỏng mô hình hiến pháp và các thiết chế chính trị theo những nước này”.36
Chính góc nhìn này đứng sau sự tiếp nhận của Thayer đối với khái niệm chủ nghĩa xã hội đơn-tổ chức – khái niệm mà bản thân nó đến từ một học giả chủ nghĩa xã hội so sánh là T. H Rigby. Trong khi có vẻ giờ đây Thayer lưỡng lự từ bỏ chủ nghĩa xã hội đơn-tổ chức, ông cũng nắm rõ là nó được áp dụng ở miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và ‘mô hình’ đó được ‘thiết lập’ ở Miền Nam từ sau năm 1975.37 Dù điều này vượt ra khỏi khuôn khổ của chương sách hiện tại, nhưng có thêm giới học thuật gần đây gợi ý rằng thậm chí tiếp cận nhà nước thống trị từng có ảnh hưởng ở Việt Nam cũng đang trở nên ít chắc chắn hơn.38 Tuy nhiên, như là các nhà quan sát nước ngoài đặt ra một số kỳ vọng về các thể chế ở Việt Nam, vấn đề là di sản ‘Xã hội chủ nghĩa’ Việt Nam có thể để lại một di sản – về năng lực và trật tự – đơn giản vì chúng mang những điểm tương đồng với các thiết chế tương ứng ở các nhà nước Cộng sản và hậu Cộng sản.39 Dù vậy, khi những người bên ngoài có thêm nhiều hơn các tiếp cận với Việt Nam, đáng chú ý là từ những năm 1990, tầm quan trọng của di sản này đã suy giảm. Thêm nữa, chúng ta có thể nói một cách an toàn rằng huyền thoại về một nhà nước tập trung hóa ở Việt Nam sẽ không tồn tại nếu không có các lợi ích trong nước và quốc tế mà nó phụng sự.
Trong khi các điểm nêu trên đều quan trọng, chúng ta không thể dừng việc giải thích huyền thoại về một nhà nước tập trung ở Việt Nam tại đây. Như chúng tôi đã lập luận, huyền thoại này không chỉ về một khuynh hướng quy kết quá nhiều tính thống nhất hay quyền lực cho các thiết chế Việt Nam. Thậm chí là trong số những người đưa ra bức tranh giàu sắc thái về năng lực của nhà nước này (ví như tiếp cận đối thoại), vẫn có một quá trình sự hiện hữu hóa nhà nước diễn ra ở đó phác thảo nhà nước theo cách sai lệch (và do đó giúp duy trì huyền thoại).
Chúng ta sẽ xem làm thế nào để vượt qua huyền thoại này trong phần tới. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta cần làm sáng tỏ cách tiếp cận thay thế này để tư duy về nhà nước. Để thực hiện điều đó, chúng ta sẽ làm một cuộc đột kích vào địa hạt của các nghiên cứu hậu cấu trúc về nhà nước bởi vì chính khối tài liệu này nói về sự hiện hữu hóa nhà nước, hay là điều vẫn thường được đề cập đến như là ‘thiên kiến chủ nghĩa nhà nước’
Ý niệm về thiên kiến chủ nghĩa nhà nước liên quan đến niềm tin rằng mọi thứ sẽ không như nó có vẻ khi tham chiếu với nhà nước, hay theo những cách thức thông thường mà nó được phác thảo. Điều gợi ý trong các công trình hậu-cấu trúc là một số cách chúng ta tư duy về nhà nước – những điều mà chúng ta nghĩ mình nhìn thấy được – chỉ là một ảo giác. Một nhà tư tưởng tiên phong theo hướng này chính là Timothy Mitchell. Ông mô tả ‘nhà nước’ như là ‘hiệu ứng quyền lực, siêu hình’ của các thực hành làm cho nó có vẻ có một vành đai thực và vì thế trở nên phân biệt với xã hội.40 Điểm mấu chốt ở đây là nhà nước không phải là một thực thể với một không gian thực bao quanh, như khi ta nói về một cái bàn. Thay vào đó, nó là một sự trừu tượng có tính khái niệm. Thiên kiến chủ nghĩa nhà nước tham gia không công nhận điều này và vì thế nhìn về hình thức thì nhà nước đứng tách biệt khỏi xã hội, và can thiệp vào nó, một cách mặc nhiên như là nó vốn thế. Để đưa hiểu biết của chúng ta về huyền thoại nhà nước tập trung ở Việt Nam lên một bậc mới, điều quan trọng là phải hiểu góc nhìn này và xem xét các khả năng nó cho phép để vượt qua huyền thoại.41
Các ý tưởng hậu-cấu trúc về nhà nước không hướng đến gợi ý rằng nhà nước không tồn tại. Điều này rõ ràng là một sai lầm. Với các tham chiếu tới Việt Nam, rõ ràng có một dạng nào đó của bộ máy với các tổ chức đảng và nhà nước phân bổ từ thủ đô về đến làng xã. Tuy nhiên, điều mà tiếp cận hậu cấu trúc làm là tập trung vào tầm quan trọng của việc xem xét một cách nghiêm túc tính chất mờ ảo của đường biên nhà nước – xã hội không phải là một điểm của ‘sự chuẩn xác khái niệm’ – như rất nhiều các học giả làm – mà là một chỉ dẫn về cách thức cai trị. Cẩn trọng với câu hỏi nhà nước là gì giúp phân biệt được vẻ bề ngoài với thực chất của nó, đó là điều hữu ích vì nó cho phép chúng ta công nhận quyền lực của các sắp xếp chính trị mà chúng ta gọi là ‘nhà nước’ trong khi cùng lúc chấp nhận sự mơ hồ của nó. Vấn đề trung tâm ở đây không phải là chỉ ra sự khác biệt giữa nhà nước và xã hội như một đường gianh giới phân định hai thực thể mà là một ‘đường vạch ra bên trong mạng lưới của các phương thức thể chế hóa mà qua đó một trật tự chính trị và xã hội được duy trì.’42 Các tác giả hậu cấu trúc viết rằng khả năng xuất hiện một sự phân định nội tại như đường biên ngoài giữa hai vật thể tách biệt là trung tâm của cách thức làm thế nào để sự cai trị diễn ra. Điều đó cũng giải thích, ít nhất là một phần, cho tuổi thọ lâu dài của nhà nước như một hình thức chính trị.
Trong khi Mitchell là một trong những tác giả sáng láng nhất về chủ đề này, những học giả khác cũng có thể được xem là đã góp phần bác bỏ thiên kiến chủ nghĩa nhà nước. Ví dụ Alan Finlayson và James Martin đề cập đến ‘nhà nước’ không phải là như là một “thứ gì” mà là “một thực hành hay tập hợp của các thực hành”.43 Giống như Mitchell, Finlayson và Martin cũng đề cập đến nhà nước như “hệ quả của các hoạt động chính trị đồng thời là một đóng góp của các hoạt động đó”.44 Các công trình từ góc độ quyền lực trung tâm của nhà nước – như trường hợp về Việt Nam – có xu thế chỉ thấy nhà nước đóng góp cho các hệ quả chính trị ‘như một tham dự’, và vì thế sao nhãng sự thật rằng ‘nhà nước’ – điều chúng ta thấy – cũng đồng thời là hệ quả của các hoạt động chính trị.
Tiếp tục với một vài trong số những chủ đề như thế, Richard Ashley nói về ‘hình hài’ của một nhà nước chủ quyền như là ‘sự biểu đạt chính trị ngẫu hứng không hơn không kém, luôn trong quá trình được khắc họa trong lịch sử, thông qua thực hành”.45 Trong khi luận điểm phổ quát hơn của Ashley là một quốc gia dân tộc ‘có trật tự’ mà trên đó cấu trúc quốc tế ‘hỗn loạn’ được cho là dựa vào, không trật tự như người ta tưởng. Còn nữa, luận điểm mấu chốt đối với mục tiêu của chúng ta là nhận thức rằng ‘nhà nước’ có các đường biên rõ ràng và đứng tách biệt với ‘xã hội’ là sai lầm. Theo hướng này, có thể xem làm thế nào mà tiếp cận đối thoại, với sự tập trung vào quan hệ giữa nhà nước-xã hội, có các giới hạn (đó là tiếp cận đối thoại không hề đặt ra vấn đề đối với các chủ đề này một chút nào).
Thêm nữa, đáng để nhấn mạnh rằng những gì mà các nhà hậu-chủ nghĩa cấu trúc nói về việc chúng ta hiểu thế nào về nhà nước và ‘đường biên’ của nó với xã hội là rất khác với diễn giải phổ biến hơn của ‘chủ nghĩa nhà nước’. Diễn giải này gợi ý rằng một đường biên ‘khó nắm bắt’ giữa nhà nước và xã hội là dấu hiệu của một nhà nước yếu hay tân-thân hữu; điều vốn ‘đúng’ trong trường hợp các nhà nước ‘trình độ cao’ hay ‘[kiến tạo] phát triển’. Vì thế, cả hai cách tiếp cận nhà nước tân-thân hữu và tiếp cận kiến tạo phát triển có thể xem là nạn nhân của thiên kiến chủ nghĩa nhà nước, và hệ quả là sự cần thiết của một quá trình lý thuyết hóa chặt chẽ hơn về nhà nước nếu như ta muốn vượt qua chúng.
Bên cạnh góc nhìn ‘nhà nước’ tách biệt khỏi ‘xã hội’ như một ‘thực tế’, các học giả cũng lưu ý một xu thế tương tự từ góc độ hiện hữu hóa các địa hạt ‘công cộng’ và ‘tư nhân’ – đó là góc nhìn rằng chúng chia tách và phân biệt như thực tế là thế. Peter Bratsis viết về làm thế nào mà chúng ta thường đi đến niềm tin rằng “đúng là có” hai phương thức tồn tại tách biệt là công và tư, trong khi với nhà nước và xã hội thì nó đơn giản là sự phân biệt mang tính khái niệm. Truy nguyên nguồn gốc sự tiếp nhận này đối với sự trỗi dậy của quốc gia-dân tộc, Bratsis nói khi chúng ta biết rằng một người nắm giữ vị trí công quyền chỉ có “một cơ thể”, “chúng ta hành động ‘như thể’ chúng ta đã không biết điều đó”, bứt phá khỏi ý tưởng một người có thể dịch chuyển êm thấm giữa ‘công’ và ‘tư’, với việc mặc định ‘công cộng’ “không tồn tại” lợi ích cá nhân hay các lợi ích khác. Bratsis gọi điều này là “sự sùng tín tính công”, là khi chúng ta coi điều gì đó không giống như nó trong thực tế.46 Điều này thực chất là giống như luận điểm mà Mitchell và những người khác tuyên bố về cách thức các học giả thường hình dung về ‘nhà nước’.
Đối với Bratsis, không gian ‘công’ thực tế là một sự bất khả thi – đó là, nó không bao giờ có thể thanh lọc hết được các lợi ích tư. Điều này dẫn đến một vài ý tưởng mới lạ liên quan đến chúng ta hiểu ‘nhà nước’, địa hạt ‘công’, và thêm nữa là ‘tham nhũng’ như thế nào. Ví dụ, trong cách hình dung của Bratsis, thực hành chống tham nhũng hiện tại sẽ không bao giờ tìm cách thanh lọc hết ‘yếu tố tư’ khỏi ‘yếu tố công’, dù các tuyên bố mà người ta đưa ra đi theo hướng ngược lại. Thay vào đó, chúng hướng đến xác lập các đường biên giữa một bên là điều tạo thành “sự hiện diện bình thường của yếu tố tư trong cơ thể trừu tượng của yếu tố công và bên kia là những điều tạo thành sự hiện diện bất hợp lý”. Bratsis tiếp tục viết:
“Ngôn ngữ của tham nhũng vẫn có ảnh hưởng lịch sử tới việc tạo ra một loạt thực hành quy mô và được quy định pháp lý, điều hợp thức hóa sự xuất hiện có hệ thống và không thể tránh khỏi của các lợi ích tư trong ‘cơ thể chính trị’ bằng cách chỉ xem xét một vài dạng thức của sự tồn tại này như là sự phá hoại yếu tố công bởi yếu tố tư.”47
Bratsis minh họa mô tả của mình bằng một phân tích về các khoản tài trợ và quy tắc vận động hành lang cả đảng phái chính trị, lưu ý về trạng thái hoàn toàn ngẫu hứng của các giới hạn trong quan hệ với những điều gì được phép hay không. Ví dụ, tại sao khoản ủng hộ hơn 5.000 bảng cho một đảng phái chính trị của Anh lại phải đăng ký theo tên của người trao tặng trong khi nếu nó ít hơn 5.000 bảng thì không cần phải thế (như quy định trong Luật các Đảng phái Chính trị, Luật bầu cử và Trưng cầu dân ý năm 2000)? Đối với Bratsis, tất cả điều này chỉ là hình thức. Ông viết:
“Chấp nhận tính bất khả thi của việc loại bỏ ‘lợi ích tư nhân’ khỏi… các cơ thể thực sự của nhân viên công quyền … một loạt quy tắc và thực hành được thiết lập để loại bỏ những yếu tố hình thức từ các bộ luật thách thức sự phân loại xã hội khi phân chia thành hai thành phần loại trừ lẫn nhau và công và tư.”48
Trong ánh sáng của các phân tích trước đó, có bằng chứng rằng điều mà chúng ta gọi là ‘nhà nước’, hay nghĩ đến nó như lĩnh vực ‘công cộng’, hoặc là ‘tham nhũng’, không bền vững hoặc không phải bằng chứng–tự thân như chúng ta vẫn thường nghĩ. Nhấn lại điểm này, Finlayson và Martin nói ‘nhà nước’ có “đặc tính tiến hóa và khó lường”, thường xuyên đối mặt “khả năng xung đột và nguy cơ phân tán,” và liên tục đương đầu với “những sự nổi dậy chống lại các nỗ lực của nó”. Họ lưu ý rằng điều này thường xảy ra như là một hệ quả của chính các hoạt động của nhà nước mà bản thân chúng bộc lộ sự thiên kiến và sự bất thường của các tuyên bố của nó (như là các viên chức bị bắt quả tang).49 Trong khi đó, Bratsis viết nhà nước sống với mối đe dọa thường trực rằng “tính bất khả thi thực tế của yếu tố công” sẽ bị bộc lộ. 50Đề cập đến điểm tương tự, Mitchell lưu ý rằng làm thế nào khi nhà nước được xem như là ‘hiệu ứng siêu hình’, nó không còn ‘tính cố kết, tính chủ thể, tính chủ quan” mà khái niệm này thường xuyên được gắn với.51
Tuy nhiên, như tư liệu nhấn mạnh, có một số lượng lớn sự lệ thuộc vào việc nhà nước không được coi là ngẫu nhiên, hay sự bất khả thi của lĩnh vực công không không được bộc lộ. Bratsis viết về sự đe dọa lên “toàn bộ khung khái niệm ủng hộ nhà nước và quan hệ sinh lời tư bản” nếu bản chất thực sự của lĩnh vực công được bộc lộ.52 Mitchell lập luận tương tự rằng việc hình dung nhà nước và xã hội là những thứ tách biệt là một phần của cách thức trật tự xã hội, chính trị và kinh tế được duy trì.53 Hệ quả là bất cứ điều gì hạ thấp ý tưởng rằng nhà nước là một thực thể tách biệt và đóng kín tách biệt khỏi xã hội, hay bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến ý tưởng lĩnh vực công không có lợi ích tư, có xu thế bị đẩy ra lề.54 Điều này giải thích sự kém hấp dẫn tương đối của các ý tưởng hậu-cấu trúc ở cả đời sống công chúng và học thuật. Tuy nhiên, chúng là then chốt để hiểu về huyền thoại về nhà nước tập trung hóa không chỉ ở Việt Nam mà còn khắp thế giới.
Với tư cách công dân, học giả, viên chức, và người thực hành, chúng ta rất giỏi tự kiềm chế mình bằng cách, ví dụ, không đề cập, phủ nhận, hoặc diễn dịch các thực hành không tương thích với một địa hạt được phân định một cách rõ ràng ‘nhà nước’ hay ‘công’. Tuy nhiên, một khi sự thiên kiến chủ nghĩa nhà nước được nhận thức, điều hiển nhiên là dữ liệu thực nghiệm về Việt Nam, được diễn dịch một cách phổ biến với tham chiếu tới tiếp cận chủ nghĩa nhà nước tương thích một cách dễ dàng hơn so với cách tiếp cận phủ nhận thiên kiến chủ nghĩa nhà nước. Chỉ khi chấp nhận cách tiếp cận thay thế ‘phi-chủ nghĩa nhà nước’ thì chúng ta có thể sửa chữa huyền thoại về nhà nước tập trung này.
Bây giờ chúng ta hãy xem tiếp cận thay thế này trông như thế nào.
Không dễ để thoát khỏi thiên kiến chủ nghĩa nhà nước. Như chúng ta đã thấy, bản chất của nhà nước đã xâm chiếm ý thức của chúng ta. Do đó, nó cần một nỗ lực học thuật bền bỉ và sự tận tụy để bướcc ra khỏi hệ hình cũ và định cư trong một cái mới. Tuy nhiên liệu điều đó có thể được thực hiện. Một học giả đã mở ra con đường trên phương diện này là Adam Fforde. Khía cạnh này đồng thời cũng là một đặc điểm thống nhất trong các công trình của tác giả bài viết này.55 Trong nỗ lực khám phá trạng thái chính xác của tiếp cận ‘phi-chủ nghĩa nhà nước’, bây giờ chúng tôi sẽ xem xét công trình của cả Gainsborough và Fforde. Sau khi thực hiện điều đó, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận.
Trong công trình năm 2010 về nền chính trị Việt Nam, Gainsborough nói về một phương pháp nghiên cứu nhà nước mà nghịch lý là lại không liên quan tới tập trung chú ý trực tiếp vào nhà nước. Ông lập luận rằng làm điều này “mạo hiểm định nghĩa trước mục tiêu nghiên cứu”. Để thay thế, Gainsborough nói rằng chúng ta cần thử và “từ bỏ bất cứ định kiến về nhà nước là gì”, tin tưởng rằng một “bức tranh chân thực hơn” cuối cùng sẽ xuất hiện trong tầm mắt, dưới ánh sáng của quá trình thực nghiệm.56 Trong khi có thể nói nhiều hơn về việc chính xác làm thế nào một bức tranh ‘xác thực hơn’ sẽ xuất hiện, trước mắt chúng ta là cảm giác bất định về nhà nước trong công trình của Gainsborough. Trung tâm của tiếp cận của ông là hướng sự chú ý vào ‘những người trong cuộc’ – dù trên danh nghĩa thuộc về ‘nhà nước’ hay không – tìm hiểu “cuộc chơi của họ, chiến lược của họ, thực hành lịch sử của họ”, và xem xét liệu điều này có thể nói gì cho chúng ta về ‘nền chính trị’ và sau cùng là ‘nhà nước’.57 Gainsborough, người thường nghiên cứu kinh doanh như là cánh cửa sổ mở vào nhà nước, nói rằng thực sự thì điều này liên quan đến cách thức con người hành động chính trị như thế nào. Vì thế, điều chúng ta thấy trong công trình của Gainsborough là sự miễn cưỡng chấp nhận nhà nước là mặc định. Với ông, nhà nước không bền vững. Chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn nó là cái gì. Điều này là rất khác biệt với tiếp cận đối thoại hay tiếp cận nhà nước-xã hội.
Gainsborough cũng đặt câu hỏi về nội hàm rằng chính trị là về làm chính sách, lập luận một cách xuất sắc trong phân tích về Đại Hội Thứ X của Đảng Cộng Sản vào năm 2006 rằng với chính trị thì “tất cả là về lợi lộc” (ví như, ai đó có được các vị trí và đổi lại sẽ được tiếp cận với sự bảo trợ và tiền bạc). Trong khi điều đó vượt ra ngoài phạm vi của chương này, nó cũng giúp tách rời tiếp cận của ông ra khỏi dòng chủ lưu vốn tập trung một cách mạnh mẽ vào tiếp cận rằng chính trị chính là chính sách.58
Một cam kết tương tự dành cho việc không coi nhà nước là mặc định, và vì thế khám phá tính cách mơ hồ của nó, có thể tìm thấy trong công trình của Adam Fforde. Fforde được biết đến nhiều nhất qua công trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Đặc biệt, ông truyền bá một khái niệm từ Việt Nam là ‘phá rào’ để phản ánh cách thức mà qua đó sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường được khởi đầu bởi quá trình thị trường hóa từ bên trong, hay quá trình ‘từ dưới lên’ nhờ đó mà nông dân và doanh nghiệp nhà nước vận dụng vào bản thân để vận hành bên ngoài nền kinh tế kế hoạch. Fforde xác định thời gian của quá trình này ở Miền Bắc Việt Nam trong những năm 1960 (nghĩa là trước rất lâu so với điều được gọi là ‘đổi mới’ năm 1986, và vì thế bác bỏ ý tưởng rằng Việt Nam luôn là một nhà nước tập trung). Điều này dẫn Fforde đến việc nhấn mạnh điều mà ông gọi là các thúc đẩy ‘nội sinh’ của thay đổi để phân biệt với ‘chính sách’, yếu tố mà cả ông và Gainsborough đều hạ thấp tầm quan trọng. Đối với Fforde, chính sách không phải là không quan trọng nhưng ông lập luận rằng thông thường nó là sự phản ứng lại các sự kiện thay vì quyết định chúng. Tóm lược lại quan điểm đó, ông nói rằng mô tả của mình tìm cách bứt phá khỏi cách tiếp cận ban đặc quyền cho Đảng Cộng Sản Việt Nam như là tác giả của sự thay đổi mà hướng sự ưu ái tới một ‘’tập hợp rộng lớn của các thành phần đa dạng và độc lập”.59 Vì thế, Fforde lập luận rằng thực tế nền kinh tế Việt Nam ‘tự động-đổi mới’.60
Sẽ dễ nhầm lẫn tiếp cận của Fforde là tương đồng với tiếp cận đối thoại, và một vài học giả đã trích dẫn ông ấy theo hướng này.61 Tuy nhiên điều này là nhầm lẫn. Trong khi có thể có một số sự trùng hợp, tiếp cận đối thoại không nói về ‘tự động-đổi mới’.62 Thêm nữa, cũng như Gainsborough, Fforde thận trọng hơn với ‘nhà nước’ là gì khi so với các tiếp cận dòng chủ lưu. Trong công trình năm 2011, Fforde lập luận rằng có một cuộc khủng hoảng về “ý nghĩa của quyền lực chính trị” ở Việt Nam, điều mà ông cho là đã diễn biến ngày càng tồi tệ từ giữa những năm 1990. 63Đó là, ông hỏi, trên những cơ sở nào mà đảng-nhà nước cai trị và mục đích là gì? (và ông nhận thấy người Việt Nam lớn tuổi cũng đặt ra những câu hỏi tương tự.64) Thêm nữa, ông tiếp tục, nếu ai đó được hỏi là làm thế nào để hiểu ‘chính bản chất của nhà nước [ở Việt Nam] – bản thể của nó”, họ sẽ không “nhận được một câu trả lời thỏa mãn”.65 Một lần nữa, điều này giúp phân biệt giữa Fforde và tiếp cận đối thoại.
Cho tới khoảng năm 1997, Fforde đã lập luận rằng vẫn còn đủ ‘uy quyền sót lại’ trong hệ thống để đảng-nhà nước có thể thực thi quyền lực trong biến cố của một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, mười năm sau đó, thậm chí điều này cũng không thể được đảm bảo. Đến giữa những năm 2000, Đảng-nhà nước “xa dân”, ông nói, và tham nhũng cao độ.66 Thực vậy, lặp lại Gainsborough, ông lập luận rằng đảng – nhà nước càng ngày chỉ là một phương tiện cho những người quyền lực theo đuổi lợi ích của họ, lưu ý thêm rằng đảng – nhà nước thể hiện một tư duy kiến tạo phát triển không rõ ràng qua các hoạt động của họ, càng ít hơn là tính kiên định liên tục. Như Fforde nói, ‘trên bảo dưới không nghe’.67 Trong khi những người theo tiếp cận đối thoại có thể nói rằng họ biết điều này, vẫn có một sự khác biệt định tính giữa mô tả của Fforde và của họ.
Một khi ai đó gia nhập vào các ý tưởng của Fforde và Gainsborough, điều ấn tượng là tình trạng ‘khá khó xử’ của dữ liệu thực chứng tìm thấy trong nhiều mô tả về chính trị Việt Nam, được nhét vào tiếp cận chủ nghĩa nhà nước, mà có thể thấy là chúng dễ dàng vừa vặn hơn với tiếp cận phi-chủ nghĩa nhà nước. Như Bratsis chỉ ra, đương nhiên là yếu tố tư không thể bị loại bỏ ra khỏi yếu tố công. Đúng hơn, nó là về việc duy trì các quy tắc và thực hành mà dựa vào sự hiện diện này để loại bỏ việc phân loại và chia xã hội thành ‘công’ và ‘tư’. Luận điểm ở đây là nhà nước Việt Nam không làm điều này một cách khéo léo và nó đã trở nên tồi tệ hơn từ cuối những năm 1990.68
Chúng tôi bắt đầu chương này với ba câu hỏi: đầu tiên, chúng tôi hỏi về bản chất của huyền thoại về một nhà nước xã hội chủ nghĩa tập trung hóa ở Việt Nam và làm thế nào mà bản thân nó được thể hiện; thứ hai, chúng tôi đã hỏi liệu rằng huyền thoại này có thay đổi theo thời gian; và cuối cùng, chúng tôi đã hỏi tại sao huyền thoại này tồn tại được. Dưới ánh sáng của các kết quả phản ánh trong bài viết này, giờ đây có thể cung cấp một câu trả lời toàn diện hơn cho cả ba câu hỏi. Hoàn thành điều này, chúng tôi sẽ xem xét các khả năng ứng dụng kết quả của mình đối với các chủ thể đương đại, bao gồm cả cộng đồng phát triển quốc tế.
Từ góc độ bản chất của huyền thoại và cách thức mà bản thân nó hiện diện, chúng tôi đã lập luận rằng có một khung hướng cụ thể hóa nhà nước, thậm chí là trong các công trình hướng đến chủ nghĩa địa phương và sự đa dạng của chủ thể xã hội đang can dự vào đời sống chính trị Việt Nam. Vì thế, thậm chí tiếp cận đối thoại tư duy về chính trị cũng thổi phồng quyền lực của nhà nước vì coi nhà nước là hiển nhiên một cách thái quá, và không đủ sức cảnh báo rằng một số tầng bậc nào đó của nhà nước chỉ là ảo giác. Không phải chúng ta không thể hay không nên tranh luận về năng lực của nhà nước: cả tiếp cận của Fforde và Gainsborough cho phép điều này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hiểu ‘nhà nước’ tốt hơn nhiều nếu chúng ta nhớ rằng theo định nghĩa thì bản chất của nó không bền vững.
Về câu hỏi liệu huyền thoại này có thay đổi theo thời gian, chúng ta có thể nói rằng bản thân huyền thoại không thay đổi nhiều. Điều có thể thay đổi (một chút) đó là cách thức các học giả nói về nhà nước. Tuy nhiên, điều mà chương này vừa chỉ ra đó là làm thế nào mà thậm chí tiếp cận đối thoại, trong khi bản thân nó là một sự tiến bộ so với tiếp cận nhà nước thống trị, vẫn là nạn nhân của thiên kiến chủ nghĩa nhà nước và vì thế đang bị sai lạc. Cụ thể là tiếp cận đối thoại không cung cấp một phạm vi – đối lập với tiếp cận phi-chủ nghĩa nhà nước của Gainsborough và Fforde – để đặt các câu hỏi – trong những khung cảnh nhất định – liệu có ý nghĩa chút nào khi nói về ‘nhà nước’.
Về câu hỏi tại sao huyền thoại tồn tại lâu dài, chúng tôi đã nói rằng nó tồn tại lâu dài vì có các lợi ích chính trị bên trong và bên ngoài phụ thuộc vào nó – vì các lí do chính danh và vì các lợi ích thương mại và địa chính trị. Có nhiều chỉ dấu cho huyền thoại này. Tuy nhiên, một cách cơ bản hơn thì huyền thoại về nhà nước trung ương tồn tại dài lâu vì quyền lực của nhà nước cai trị tư tưởng chúng ta, thậm chí ngay cả khi dữ liệu thực nghiệm không phù hợp với ý tưởng về nhà nước thì chúng ta cũng sẽ làm cho nó tương thích.
Vấn đề còn lại cho chúng ta là khám phá các ứng dụng của các kết quả này đối với cả giới hàn lâm và người thực hành, đáng chú ý là những người trong cộng đồng phát triển quốc tế. Hãy bắt đầu với cộng đồng hàn lâm, lập luận của chương này là hầu hết các công trình về chính trị Việt Nam bị tác động bởi thiên kiến chủ nghĩa nhà nước và điều này bao gồm tiếp cận đối thoại cũng như tiếp cận nhà nước tân-thân hữu (neo-patrimonial state) và nhà nước [kiến tạo] phát triển (developmental states). Vì thế đang có một khoảng rộng lớn cho các học giả xem xét lại cách thức mà họ viết về chính trị và phát triển, cũng như tương tác một cách nghiêm túc với các ý tưởng hậu cấu trúc về nhà nước. Đến nay, vẫn có một khoảng trống đáng kể trên phương diện này. Đây là lúc để chúng ta khỏa lấp nó. Con đường phía trước chính là hoàn thiện tiếp cận phi-chủ nghĩa nhà nước để tư duy về chính trị.
Với những người thực hành, bao gồm trong cộng đồng phát triển quốc tế, đối với họ sẽ là lợi thế nếu có thể dành sự chú ý cho các tiếp cận phi-chủ nghĩa nhà nước khi tư duy về chính trị. Tuy nhiên, có nhiều điều lệ thuộc vào hệ hình chủ nghĩa nhà nước vẫn đang được duy trì, như chúng ta đã thảo luận. Thêm nữa, khá là khó khăn cho những người thực hành vận hành cách thành công nếu họ không tuân theo những hình dung chính trị ngẫu hứng mà xung quanh đó cuộc sống của chúng ta được sắp đặt. (Tất cả chúng ta đều phải tuân thủ ở một chừng mực nào đó). Thay vào đó, vấn đề lớn hơn là làm thế nào, dựa theo phân tích trong chương này, những người thực hành có thể tiếp cận với các thành phần và thiết chế mà họ gặp ở Việt Nam. Rõ ràng đây là một chủ đề lớn đáng để có các cuộc thảo luận tiếp theo. Tuy nhiên, những điểm sau đây đáng để nhập tâm. Thứ nhất, có vấn đề với chủ nghĩa đặc thù thiết chế (institutional particularism). Đó là, những điều tạo thành ‘nhà nước’ ở Việt Nam hiếm khi dịch chuyển theo cùng một hướng, hiếm khi vận hành cùng nhau, và hiếm khi cất tiếng hát trên cùng một bản nhạc. Thêm nữa, không ai ở Việt Nam – dù được thăng tiến – từng thành công hoàn toàn. Đó là việc luôn có ai đó có tiềm năng cản đường bạn. Thứ hai, nhiều điều hiếm khi trông như là vẻ ngoài của chúng. Trong khi giới elite có thể nói về ‘chính sách’ hay ‘phát triển’ hay ‘tăng trưởng hài hòa’ (‘inclusive growth’), thì về cơ bản (ở thời điểm hiện tại) nó là về lợi ích (tiền bạc, sự bảo trợ, và các mối quan hệ) và tất cả các các mối tương tác được vận hành theo hướng này. Nhận thức về điều này là rất cần thiết. Thêm nữa, như Fforde trình bày, có sự không rõ ràng đang gia tăng ở Việt Nam về quyền lực chính trị là vì điều gì. Và điều này không thể cứ tồn tại mãi. Cuối cùng, bất cứ ý niệm nào về việc ở Việt Nam có trật tự hay sự gắn kết bởi vì đó là một nhà nước một Đảng cộng sản cũng sẽ là sai lầm như bất điều sai lầm có thể nào!
Một nơi thuận lợi để bắt đầu là Benedict J. Tria Kerkvliet/David Marr (eds.), Beyond Hanoi: Local Government in Vietnam, Singapore 2004.
Điều này hướng tới các công trình tiếp cận hậu cấu trúc về nhà nước vốn tập trung để hướng tới hiểu được lập luận của chương này. Xem Alan Finlayson and James Martin ‘Poststructuralism’ trong Colin Hay, Michael Lister and David Marsh (eds) The State: Theories and Issues, Basingstoke/New York, 2006. 155-171.
Ý tưởng ‘đổi mới’ nằm ở trung tâm của huyền thoại về nhà nước tập quyền ở Việt Nam trong giai đoạn đang nghiên cứu, vì thế chúng tôi có phần lưỡng lự khi sử dụng ngôn ngữ như thế ở đây. Mối quan hệ giữa “đổi mới” và huyền thoại này sẽ được thảo luận ở phần sau của chương.
Xem thêm về bối cảnh trong Finlayson and Martin (chú thích 2). Người ta có thể phát biểu ở đây về các phạm trù nhà nước ‘độc tài’ và ‘dân chủ’ như một cách khác để tư duy về nhà nước ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy điều này hữu ích, ít nhất là vì các nhãn mác ‘độc tài’ và ‘dân chủ’ giả định quá nhiều về nhà nước ở Việt Nam (và cái gọi là các nhà nước dân chủ). Chúng tôi muốn lập luận rằng tất cả các nhà nước đều có đặc tính độc tài và dân chủ.
Xem Aidan Hehir and Neil Robinson (eds.), State-Building: Theory and Practice, Routledge 2007 và Branwen Gruffydd Jones, The global political economy of social crisis: towards a critique of the ‘Failed State’ ideology, trong: Review of International Political Economy 15/2008. 180-205.
A. Pitcher, M. Moran, M. Johnston, Rethinking Patrimonialism and Neopatrimonialism in Africa, trong African Studies Review. 52/2009. 125-156.
Martin Gainsborough, Dang Ngoc Dinh, Tran Thanh Phuong, Corruption, Public Administration and Development, trong: Challenges and Opportunities in: Public Administration and Anti-Corruption: A Series of Policy Discussion Papers, UNDP, Vietnam 2009.
Adrian Leftwich, Bringing Politics Back trong: Towards a Model of the Developmental State, trong: Journal of Development Studies 31/1995. 400-427.
Peter Evans, Embedded Autonomy: States and Industrial Transformation, Princeton 1995.
Anne Booth, Initial Conditions and Miraculous Growth: Why is South East Asia Different from Taiwan and South Korea? trong World Development 27/1999. 301-321.
Barrett L. McCormick, Political Change in China and Vietnam: Coping with the Consequences of Economic Reform, in: Anita Chan, Benedict J. Tria Kerkvliet, Jonathan Unger (eds.), Transforming Asian Socialism: China and Vietnam Compared, Lanham 1999. 153-175.
Michael T Rock and Heidi Bonnett, The Comparative Politics of Corruption: Accounting for the East Asian Paradox in Empirical Studies of Corruption, Growth and Investment, trong: World Development, 32/2004. 999-1017.
Benedict J Tria Kerkvliet, Village-State Relations in Vietnam: The Effect of Everyday Politics on Decollectivization, trong: Journal of Asian Studies 54/1995.
Benedict J Tria Kerkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy, Ithaca NY 2005.
Điều ngoại lệ duy nhất là một số ảnh hưởng quốc tế đã được ghi nhận.
Kerkvliet (chú thích 14), 35.
Kerkvliet (chú thích 14), 36.
Kerkvliet (chú 14), 36. Xem chú thích 79. Lưu ý Kerkvliet cũng đề cập tới Adam Fforde như là tác giả viết theo hướng tiếp cận đối thoại. Tuy nhiên, như sẽ được giải thích sau đây, chúng tôi nghĩ điều đó là nhầm lẫn.
Xem Thomas Sikor, Local Government in the Exercise of State Power: the Politics of Land Allocation in Black Thai Villages, trong: Kerkvliet/Marr (chú thích 1); và Andrew Wells Dang, The Political Influence of Civil Society in Vietnam, trong: Jonathan D. London (ed) Politics in Contemporary Vietnam: Party, State and Authority Relations. Basingstoke 2014, 162-183.
Sự hiện hữu hóa (reification) mang ý nghĩa về một xu thế nói về nhà nước một cách mặc nhiên, quên mất rằng nhà nước không phải là một ‘thứ gì đó’ [sự vật-ND] mà chỉ là một hiệu ứng quyền lực siêu hình, hoặc điều gì đó xuất hiện thành góc nhìn như là hệ quả của một loạt các thực hành mà qua đó trật tự chính trị và xã hội được duy trì. Vì thế, điều mà chúng ta gọi là ‘nhà nước’, đối lập với góc nhìn chủ nghĩa nhà nước chủ lưu, là hệ quả của các thực hành chính trị chứ không chỉ là người đóng góp phần cho chúng (đó là nhà nước không chỉ ‘hành động’ trên cơ sở xã hội hoặc tương tác với nó; đó là một hiệu ứng siêu hình). Sự hiện hữu hóa nhà nước giống như là ý tưởng về thiên kiến chủ nghĩa nhà nước đã được thảo luận ở trên, tại trang 2.
Kerkvliet (chú thích 14), 34.
Kerkvliet (chú thích 14), 34-36.
Về vấn đề các thiết chế nhà nước được nghiên cứu mà không có sự chú ý đầy đủ tới các hiệu ứng chính trị của việc nghiên cứu chúng, nghiên cứu tập trung về Quốc hội Việt Nam chính là một ví dụ. Xem Edmund Malesky and Paul Schuler, Paint-by-Numbers Democracy: The Stakes, Structure, Results and Implications of the 2007 Vietnamese National Assembly Election, trong: Journal of Vietnamese Studies 4/2008, 1-48 và Edmund Malesky, Paul Schuler, and Anh Tran, The Adverse Effects of Sunshine: A Field Experiment on Legislative Transparency in an Authoritarian Assembly, trong: The American Political Science Review, 106/2012, 762-786.
Có vẻ là Thayer vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ sự gắn bó của mình đối với chủ nghĩa xã hội-đơn tổ chức (mono-organisational socialism). Năm 2016, ông ấy nói về sự suy yếu của hệ thống đơn tổ chức Việt Nam (mono-organisational system), ám chỉ rằng nó vẫn còn chút gì đó nổi bật, trong khi năm 2010, ông đã nói ‘các tổ chức chính trị’ thành lập từ 2004 và 2006 không hề có “chỗ đứng chính trị trong hệ thống chủ nghĩa xã hội đơn tổ chức của Việt Nam”, có vẻ như tiếp tục gợi ý rằng hệ thống này vẫn hiện diện trong quan điểm của ông. Xem Carlyle A. Thayer, Vietnam’s Foreign Policy in an Era of Rising Sino-US Competition: Providing Equity to the Major Powers While Pursuing Proactive International Integration, Presentation to Conference on Great Power Rivalries and Southeast Asian Foreign Policy, Columbia University, November 10-11, 2016, 3-4; và Carlyle A. Thayer, Political Legitimacy in Vietnam: Challenge and Response, trong: Politics and Policy, 38/2010, 437.
Thayer (chú thích 24, 2010), 427.
Tuong Vu, The Revolutionary Path to State Formation in Vietnam: Opportunities, Conundrums, and Legacies, trong: Journal of Vietnamese Studies 11/2016, 267-289. Chú, luận điểm đang được đưa ra ở đây là có thể nói về nhà nước không phải là một khối thống nhất và vẫn có thể hiện hữu hóa nó.
Xem Thomas Sikor and Andrew Wells Dang (chú thích 19); and David Koh, Urban Government: Ward-level Administration in Hanoi, trong: Kerkvliet/Marr (chú thích 1).
Wells-Dang (chú thích 19), 180.
Benedict Anderson, Old State, New Society: Indonesia’s New Order in Comparative Historical Perspective, trong: Journal of Asian Studies, 42/1983.
Kerkvliet (chú thích 14).
Adam Fforde, Post-Cold War Vietnam: Stay Low, Learn, Adapt and Try and Have Fun – But What About the Party, Southeast Asia Research Centre Working Paper, 122/2012. 5, chú thích 3.
Gainsborough và các tác giả, (chú thích 7).
Adam Fforde, Vietnam in 2012: The End of the Party, trong: Asian Survey 53/2013. 107.
Martin Gainsborough, Present but not Powerful: Neoliberalism, the State, and Development in Vietnam, trong Globalizations, 7/2010, 447-460.
Philip Taylor (ed.) Connected and Disconnected in Viet Nam: Remaking Social Relations in a Post-socialist Nation, Canberra 2016.
Carlyle A. Thayer, Mono-Organisational Socialism and the State, trong: Benedict J. Tria Kerkvliet and Doug J. Porter (eds), Vietnam’s Rural Transformation, Boulder, Co 1995. 44.
Thayer (chú thích 36), 46.
Adam Fforde, Economics, History, and the Origins of Vietnam’s Post-War Economic Success, trong: Asian Survey 49/2009, 484-504.
Chú, trong công trình năm 1988, Việt Nam được phác họa bởi Joel Migdal như là một ‘nhà nước mạnh’ bên cạnh Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Israel, Nhật Bản, Đài Loan, và Hàn Quốc. Xem Joel S. Migdal, Strong States and Weak Societies: State-Society Relations and State Capabilities in the Third World, Princeton 1988. Đây là ví dụ tốt về logic của việc dán nhãn xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thảo luận.
Timothy Mitchell, The Limits of the State: Beyond Statist Approaches and Their Critics, trong: American Political Science Review, vol. 85/1991. 77-96.
Trong khi chúng ta đang tập trung vào các ý niệm hậu cấu trúc về nhà nước, cũng cần nhận thức các góc nhìn được thôi thúc từ chủ nghĩa Marx về nhà nước (như Nicos Poulantzas), vốn cũng đặt nghi vấn về các luận điểm ‘chủ nghĩa nhà nước’ thông thường. Điều này đơn giản phản ánh nơi dồn tụ sức nặng của các nghiên cứu của tác giả về nhà nước. Tuy nhiên, nếu độc giả mong kết nối với truyền thống Marxist hay hậu Marxist về lý thuyết nhà nước, xem Colin Hay, (What’s Marxist about) Marxist State Theory?, trong: Hay/Lister/Marsh ( chú thích 2), 59-78; và Bob Jessop, The State: Past, Present, Future, Polity 2015.
Mitchell (chú thích 40), 78.
Finlayson and Martin (chú thích 2), 155.
Finlayson and Martin (chú thích 2), 155.
Richard Ashley, Untying the Sovereign State: A Double Reading of the Anarchy Problematique, trong: Millennium 17/1988. 227-262.
Peter Bratsis, Everyday Life and the State, Boulder 2006, 47.
Bratsis (chú thích 46).
Bratsis (chú thích 46), 67.
Finlayson and Martin (chú thích 2), 162 và 164.
Bratsis (chú thích 46), 52.
Mitchell (chú thích 40), 90.
Bratsis (chú thích 46), 52.
Mitchell (chú thích 40), 90.
Một ví dụ tiêu biểu là cái được gọi là vụ bê bối chi tiêu của các Nghị viên ở Nghị viện Anh năm 2009 nơi có các nỗ lực mạnh mẽ của một số trong giới tinh hoa chính trị nhằm khôi phục lại diện mạo của một Nghị viện ‘sạch’. Xem See Martin Gainsborough, Keeping Up Appearances: MPs’ Expenses and the Hidden Dimensions of Rule in Britain Today, Working Paper 3/11, University of Bristol, 2011, http://www.bristol.ac.uk/medialibrary/sites/spais/documents/Working%20Papers%20Archive.pdf
Xem Martin Gainsborough, Vietnam’s Changing Political Economy: The Case of Ho Chi Minh City. London/York 2003.
Martin Gainsborough, Vietnam: Rethinking the State, London 2010, 177.
Đoạn trích ở đây là từ Beatrice Hibou, Privatising the State, London 2004, 21.
Lưu ý rằng chúng tôi đã thấy điều này trong sự tham chiếu với tiếp cận đối thoại của Kerkvliet. Cũng xem Edmund Malesky và các tác giả về một sự tập trung cao độ vào chính trị như về chính sách (chú thích 23).
Fforde (chú thích 38), 484.
Adam Fforde, Policy ethnography and conservative transition from plan to market, trong: Ethnography and Conservative Transition 36/2009, 674. Chú, Fforde tránh ý tưởng về chính sách ‘đúng đắn’, thay vào đó là ưu tiên cho câu hỏi liệu nó có vận hành được, chỗ nào ‘nó’ có thể liên quan đến chính sách nhưng mang tính tự phát nhiều hơn.
Xem Kerkvliet (chú thích 14), 36, chú thích 79 và Sikor (chú thích 19), 168.
Gợi lại việc làm thế nào mà Kerkvliet tập trung vào ‘các quyết định của nhà nước’, mặc dù có các hoạt động xã hội.
Adam Fforde, Contemporary Vietnam: Political Opportunities, Conservative Formal Politics, and Patterns of Radical Change, trong: Asian Politics and Policy, 3/2011, 167-168.
Adam Fforde, Post-Cold War Vietnam: stay low, learn, adapt and try and have fun – but what about the party?, trong: Contemporary Politics 2013, 19.
Fforde (chú thích 63), 168.
Fforde (chú thích 63), 166.
Adam Fforde, Luck, Policy or Something Else Entirely? Vietnam’s Economic Performance in 2009 and Prospects for 2010, trong: Journal of Current Southeast Asian Affairs 28/2009, 74.
Các ứng viên của sự tái tư duy này bao gồm công trình của Kerkvliet, đồng thời của Wells-Dang và nhiều chương khác trong công trình biên tập của Kerkvliet và David Marr: ‘Beyond Hanoi’. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thứ phải làm với công trình đó. Chương này chỉ đơn thuần tìm tới cách tiếp cận ‘phi-chủ nghĩa nhà nước’ thứ tư để tìm hiểu về chính trị theo hướng đối lập với tiếp cận đối thoại.